LỄ TỐT NGHIỆP CÓ PHẢI CHỈ DÀNH CHO “HỌC SINH GIỎI”
Lễ tốt nghiệp chỉ dành cho những học sinh giỏi? Hay ai cũng xứng đáng có khoảnh khắc được công nhận trước tất cả mọi người?
Ngày hôm nay tôi tham gia một buổi lễ tốt nghiệp của đứa bạn (em trai thì đúng hơn) ở Canada.
Nhưng trước khi nói về buổi lễ tốt nghiệp của em ấy, mọi người có nhớ lần tốt nghiệp cấp ba của mình thế nào không?
Khi coi ảnh kỷ yếu của mấy đứa em, tôi chợt nhớ lại mình năm 18 tuổi tốt nghiệp ra trường. Không có những giọt nước mắt nức nở, cũng chẳng có những cái ôm quá nồng nhiệt như trong ảnh, nhưng đó cũng là một buổi lễ đầy kỉ niệm với bạn bè. Và vâng, chỉ với mỗi bạn bè.
Trong ký ức của tôi, nhớ không lầm thì chỉ những học sinh giỏi mới được bước lên bục nhận bằng tốt nghiệp và suốt 12 năm đèn sách thì cũng chỉ 5 người giỏi nhất lớp mới được đọc tên lên bục nhận bằng, nhận thưởng. Còn nếu chỉ là học sinh khá, hay trung bình thì xác định chỉ ngồi ở dưới mà chơi với lũ bạn.
Tất cả những gì trong buổi lễ tốt nghiệp ở Việt Nam với tôi, và với đám bạn học cùng tôi chỉ có học sinh giỏi, giáo viên giỏi, và những tấm bằng đoạt giải của các học sinh giỏi quốc gia, tỉnh hay thành phố của trường.
Với trải nghiệm cá nhân là một học sinh trung bình, tôi không được đọc tên lên trước trường để nhận bằng, tấm bằng chỉ được qua loa nhét vào tay tôi khi buổi lễ kết thúc từ giáo viên chủ nhiệm. Công sức tôi học tập suốt 12 năm chỉ đổi thành một mẫu giấy và chẳng có một lời khen ngợi hay bất kỳ câu từ chúc mừng nào khác. Phụ huynh cũng chẳng mấy ai đến (ngoài những học sinh giỏi được khen trước toàn trường, vì họ tự hào.). Một buổi lễ đầy ánh hào quang, nhưng chỉ dành cho người “giỏi” (và giỏi ở Việt Nam thì chỉ chú trọng mỗi tư duy logic và ngôn ngữ.)
Và hôm nay, tôi lại chứng kiến một cảnh tượng khác.
Không có những cái ôm quá thắm thiết của bạn bè đồng trang lứa, cũng chẳng có những giọt nước mắt chia ly. Vì đa phần cấp ba bên này không học chung với nhau hết ba năm, mỗi một học sinh có thể chọn môn mình thích, nên bạn bè cứ thế nhiều không đếm xuể, hoặc chẳng có ai vì liên tục đổi lớp (đặc biệt là du học sinh). Nhưng mà, tôi lại thấy những cái ôm từ phụ huynh, giáo viên dành cho những học sinh tốt nghiệp, những giọt nước mắt tự hào từ ba mẹ của những đứa trẻ vừa tròn 18.
Và bất kỳ ai cũng được đọc tên lên bục để nhận bằng tốt nghiệp và chụp hình với thầy hiệu trưởng bất kể là học giỏi hay học dở, bất kể là có bằng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế gì hay không. Vì ngày hôm nay, là ngày lễ tốt nghiệp của tất cả học sinh cấp ba, và tên của họ của đều được đọc một cách rõ ràng và thật to trước toàn thể gần 2000 người (500 học sinh, và mỗi học sinh thì được mời thêm từ 3 tới 5 người).
Họ bước lên bục với sự tự hào từ chính bản thân họ, gia đình họ, và giáo viên đã từng dạy họ trong ngôi trường đó.
Và câu nói cuối cùng của thầy hiệu trưởng trước khi buổi lễ kết thúc rất to, rất rõ ràng và tràn đầy niềm vui sướng là
“I’m proud of you. Congratulation!!”
“Tôi tự hào vì các em. Chúc mừng các em tốt nghiệp!!”
Và sau đó là những tràn vỗ tay và giọt nước mắt hạnh phúc đến từ phụ huynh, giáo viên. Tôi tự hỏi, tốt nghiệp cấp 3 thôi thì sao lại khóc nhỉ?
Vì ở Việt Nam, tốt nghiệp cấp 3 là trình độ tối thiểu của một người, là việc mà đương nhiên ai cũng phải làm được và bắt buộc phải tốt nghiệp. Nên những buổi lễ tốt nghiệp đơn thuần chỉ là một sân khấu để nhà trường khoe những thành tích mà trường đạt được, và đích đến cuối cùng để những học sinh được vỗ ngực tự hào vì được sướng tên lên bục và nhận bằng khen. Và đó không phải là nơi cuối cùng để đánh dấu cột mốc cho tất cả mọi người, và cũng không phải là nơi để chúng ta lưu trữ những kỉ niệm với thầy cô, bạn bè và ba mẹ (trừ những học sinh giỏi).
Còn ở đây, họ tự hào vì đứa trẻ của họ đã trưởng thành, đã hoàn thành xuất sắc 12 năm đèn sách. Và họ tự hào vì những đứa trẻ họ đã dạy dỗ giờ đây đã được tốt nghiệp khỏi ngôi trường mà nó gắn bó để tiếp xúc với xã hội lớn hơn ngoài kia.
Tất cả niềm vui sướng không đến từ điểm số, nó đến từ cột mốc thành người của một đứa trẻ vừa tròn 18 tuổi và đã được tốt nghiệp cấp ba. Những tiếng reo hò, giọt nước mắt, và cái ôm đều chân thành hơn bao giờ hết. Những thầy cô luôn vỗ tay cực kì lớn với từng em học sinh. Họ chăm chú nghe từng cái tên của học sinh khi lên bục nhận bằng. Và học sinh cũng dành cho họ những tràn vỗ tay thật lớn để thay cho lời cảm ơn chân thành.
Tôi công nhận là tình bạn của những đứa trẻ cấp ba bên này có vẻ không quá gắn kết (hoặc gắn kết mà họ không thể hiện ra, nên tôi không thấy được.). Nhưng buổi lễ tốt nghiệp của họ lại cực kì trang trọng, ý nghĩa với từng cá nhân chứ không phải chỉ những người giỏi.
Một nơi mà mỗi một đứa trẻ đều đáng được tự hào vì nó được sinh ra, học hành thành tài và phát triển trọn vẹn lành mạnh đến năm 18 tuổi. Thay vì một xã hội chỉ chăm chăm vào những con điểm, thành tích, và sự ưu tú. Tôi chợt nghĩ lại, đã bao giờ ba mẹ nói với mình câu “Ba mẹ rất tự hào về con.” Chưa nhỉ? Khi mà tôi chưa tìm được một công việc ổn định, khi thành tích mấy năm cấp ba hay đại học chỉ ở mức khá, và chẳng có gì nổi trội. Đã bao giờ họ tự hào về tôi chỉ vì tôi được sinh ra chưa nhỉ? Và với giáo viên cũng vậy. Tôi biết có rất nhiều giáo viên tốt, nhưng tôi lại kém may mắn và không gặp được họ. Giáo viên có tự hào khi tôi đã được giáo dục và học được rất nhiều từ họ không?
Tôi cũng chẳng biết nữa, vì họ chưa bao giờ nói ra những lời đó, và tôi cũng chẳng cảm nhận được điều đó. Sự khác biệt của buổi lễ tốt nghiệp ở Canada và Việt Nam tôi nghĩ cũng từ những điều nhỏ bé đó mà ra.
Ở buổi lễ tại Việt Nam, tôi thấy những đứa bạn ôm nhau khóc và nhớ đến những tháng ngày thanh xuân tươi đẹp.
Ở buổi lễ tại Canada, tôi thấy những đứa trẻ đang mỉm cười đầy tự hào, hạnh phúc với gia đình, giáo viên và tràn đầy sự tự tin để đối mặt với cuộc sống mới.
Tôi cũng hy vọng, sau này Việt Nam sẽ có những buổi lễ được trang trọng và ý nghĩa như thế. Một học sinh dù giỏi, khá hay trung bình đều sẽ được đọc tên lên bục nhận bằng với tất cả sự tự hào vì đã cố gắng học tập suốt 12 năm qua. Những niềm tự hào để giúp một đứa trẻ tràn đầy tự tin vào đời chứ không phải là một trận ganh đua thành tích vô nghĩa ngay từ trên ghế nhà trường. Nơi mà lý ra bọn trẻ phải thấy vui và hạnh phúc vì học được những điều bổ ích cho tương lai sau này.
Nếu các bạn cũng đã từng trải qua một buổi lễ tốt nghiệp mà không hề có sự tự hào đến từ giáo viên hay phụ huynh, thì tôi cũng rất muốn chân thành gửi các bạn câu nói “tôi rất tự hào về bạn”. Dù tôi chẳng biết bạn là ai, và giờ đang làm gì. Tôi hy vọng câu nói đó sẽ giúp cho bạn cảm thấy tự tin hơn với bản thân. Và cũng hy vọng bạn sẽ tự hào về những nỗ lực và cố gắng mà mình đã bỏ ra.
Bài viết này, cũng để chúc mừng đứa em trai đã tốt nghiệp của tôi. Cơ hội đã đến để em được trải nghiệm một buổi lễ rất hoành tráng và vui vẻ. Hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến với em.
À, mà còn một điều rất đáng yêu nữa của những đứa trẻ vừa tốt nghiệp là đi tới đâu cũng được người ta chúc mừng khi thấy mặc đồ tốt nghiệp. Thằng em trai của tôi còn được tặng một dĩa đồ ăn to bự mà nó khen tấm tắc suốt của buổi nữa chứ.
-Nomad's Mind-
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất