Xin chào mọi người đã quay trở lại với Phần 2 của bài viết Xã hội hình Chóp trong Ảo tưởng Bậc Thang. Dành cho những độc giả của Phần 1, mình rất biết ơn và bất ngờ về sự ủng hộ của mọi người, những bình luận và chia sẻ của mọi người đã cho mình sự an ủi. Mình cũng muốn gửi lời xin lỗi tới mọi người vì Phần 2 đã chậm tận 1 năm. Không có lời giải thích nào có thể thỏa đáng với sự chậm trễ như vậy. Tuy nhiên, hiện tại mình đang trải nghiệm và nghiên cứu thêm về Meritocracy cũng như những vấn đề về công bằng qua nhiều góc nhìn khác nhau ở nhiều chuyên ngành và qua nhiều góc độ từ vĩ mô tới vi mô. Mình mong mọi người vẫn tiếp tục ủng hộ và đón chờ mình ở những bài viết khác nhé! 
Dành cho những độc giả mới, xin hãy đọc phần 1 của mình ở đây.
________________________________________________________
Với những hiểu nhầm về cố gắng - thành công, chế độ nhân tài trị (meritocracy) đã kìm chặt chúng ta trong chiếc lồng tư tưởng. Ở phần 2, tôi sẽ đi sâu vào mục (2) đã nhắc tới trong bài viết trước.
Hồi cấp một tôi không có bạn thân, X là hàng xóm và cũng là người bạn thân duy nhất của tôi. Nhiều lần tôi cũng xin mẹ cho về trường gần nhà học cùng X, dĩ nhiên là mẹ tôi không cho. Vậy nên tôi bảo X thuyết phục bố mẹ cho học cùng cấp hai với tôi, dĩ nhiên là cậu ấy đã không học cùng tôi. Trường cấp hai tôi là một trường "điểm" tại trung tâm thành phố Hà Nội, nơi các gia đình có hộ khẩu trái tuyến giành giật các suất học cho con của họ với giá từ 1000-2000$. Thật may mắn khi nhà tôi lại có hộ khẩu trung tâm, nên mẹ tôi chả mất chục triệu cho tôi vào trường tốt. 
Trường của X, tuy gần nhà tôi hơn, nhưng nghe kể thì nó là trường “làng.” Còn trường cấp hai của tôi lúc ấy cũng là một trường “luyện chuyên,” có nhiều giáo viên đã từng ra đề thi cấp ba, và lại còn ở “trung tâm thành phố.” Sau khi vào cấp hai, tôi với X cũng bớt thân, vì tôi có những người bạn “sành điệu” hơn ở trong trường, còn đám trẻ con hàng xóm thì có phần hơi “trẻ trâu.” Tôi thích nghĩ những món đồ hàng hiệu và những sở thích “có học” sẽ phù hợp với những người bạn mới hơn là những thứ đồ chơi rẻ tiền bán ở cổng trường mà X hay khoe. 
“Con giỏi quá.” Một bác nói với tôi sau khi hỏi về trường cấp ba tôi. “Để vào trường này, chắc cháu giỏi lắm.” Một phụ huynh nói với tôi. “Ngưỡng mộ thật.” Đám bạn tôi trầm trồ trước bộ đồng phục trường chuyên. Những lời khen này làm tôi lại thêm biết ơn lớp toán tối thứ 6 mà mẹ tôi bỏ không ít tiền để tranh chỗ. 
Trên đà trước những lời khen có cánh, tôi đặt ra nhiều mục tiêu như điểm IELTS và SAT thật cao, bảng điểm đẹp, tạo CV hoành tráng để quyết tâm giành được học bổng. Vì quá mải mê với những nhiệm vụ “lãnh đạo" trong câu lạc bộ và hàng đống bài tập SAT, tôi đã bỏ quên việc học trên trường lớp. Từ một học sinh chưa từng đụng tới “phao,” tôi dấn thân vào con đường gian lận - tìm đề, học thuộc đáp án, chụp bài ra ngoài, giở điện thoại - bằng mọi cách miễn là điểm cao. Bước đường cùng lắm thì tôi học thuộc sách giáo khoa đi thi lấy con 9, 10. 
“Nếu kì này tôi không được học sinh giỏi, trường nào muốn nhận tôi?” 
“Nếu IELTS tôi không được 8.0, thì tôi không xứng đáng là học sinh chuyên.” 
“Nếu như tôi không được học bổng, thì mọi người cười tôi mất.” 
Tôi đúng là người có mục tiêu, nhưng lại chả xác định được bản thân mình. “Quản trị kinh doanh hay Marketing” lại là câu hỏi về ngành của một đứa không yêu toán, không thích tiền, không thích kinh doanh và chỉ mong có được sự ngưỡng mộ từ xã hội. Hình ảnh một lãnh đạo bậc C hiện lên trong đầu tôi như kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Còn “kim chỉ Bắc” của tôi thì đang chỉ vào thâm tâm đang gào thét cho sự ngờ nghệch của bản thân. 
Tôi và nhiều người bạn của tôi - những công dân đặc quyền của tầng lớp tri thức - được lập trình như một chiếc máy. Học sinh giỏi. Đỗ trường chuyên. Giỏi ngoại ngữ. Thi trường hàng đầu. Tốt nghiệp loại giỏi. Lương tháng trăm triệu. Trở thành các sếp. Đó là định nghĩa của “thành công.” Con người ta biến thành những chú cừu công nghiệp được đánh giá bởi chiếc “mác" bằng cấp, điểm số, và trình độ học vấn. Bỗng nhiên ta trở thành “thiên tài" hoặc “đứa vô lại" sau khi để lộ ra vài con số về bản thân.
Nguồn: https://antheaindiraong.medium.com/between-meritocracy-and-mental-health-is-gratitude-and-inclusion-e79fd410a0cb
Nguồn: https://antheaindiraong.medium.com/between-meritocracy-and-mental-health-is-gratitude-and-inclusion-e79fd410a0cb
Chế độ “nhân tài trị” là chế độ mà những người có “tài” nhất xứng đáng có vị trí cao hơn, và chúng ta nên cố gắng leo lên cao bất kể hoàn cảnh (Ellen Engelstad. Against Meritocracy, 2021). Nhưng chúng ta lại không có một thước đo nào cụ thể cho những quy chuẩn này. Vì thế, xã hội và giáo dục đã rơi vào bẫy của một phương thức dễ dàng hơn, chế độ kiểm tra (testocracy) (Guinier, 2016, p. 60). Thông qua chế độ kiểm tra (testocracy), năng lực của “nhân tài" tương lai sẽ dễ dàng được kiểm chứng qua các bài kiểm tra - SAT, kỳ thi THPTQG, kỳ thi học sinh giỏi, Olympic. Từ đó ta có thể thấy “nhân tài" mà chúng ta ca tụng đa số là những người có thành tích tốt nhất trong các kì thi. Do đó, mục đích của giáo dục là tạo ra nhiều người giỏi thi (test takers) nhất bằng cách tập trung vào ôn luyện thi cử hơn là những kiến thức thực sự và cách vận dụng những kiến thức đó. 
Hệ thống đề cao các bài kiểm tra này đã làm trầm trọng thêm sự phân hóa tầng lớp vốn có.  Sự phân hoá bắt đầu từ khi các bài kiểm tra sắp xếp học sinh có điểm cao vào trường chuyên lớp chọn, điểm thấp hơn thì vào những trường “bình thường,” lớp “bình thường.” Những học sinh “chuyên” bắt đầu nhận sự đầu tư về chất lượng giảng dạy, tài liệu ôn thi, và cả những ưu tiên trong con đường học vấn. Nhìn vào các phương thức xét tuyển của các trường đại học như Ngoại Thương hay Ngoại Giao, sẽ luôn có một phương thức ưu tiên dành cho thí sinh học tại các trường chuyên chỉ với một điều kiện đính kèm là điểm trung bình phải 8,5. 
Kỳ thi THPTQG là bài kiểm tra dành cho mọi thí sinh toàn quốc. Thế nhưng, có phải là em nào cũng được đi học ở lớp toán thầy X chuyên ra đề với học phí 500 nghìn 1 tiếng. Có vẻ như câu nói, “Cuộc sống cạnh tranh, ai nhanh mạnh nhất” đã quên đề cập tới phương tiện mà “người mạnh” sử dụng, họ đi Vinfast chứ không chạy bộ như “kẻ yếu.”
Tại sao việc nhận ra “cố gắng" và “thành công" không phải cặp đôi thân thiết đến vậy lại quan trọng? Trong xã hội nhân tài trị, chúng ta dễ tin rằng “định mệnh nằm trong tay ta” và ta dễ dàng gán cho người khác với tội danh “không cố gắng.” (Sandel, 2020, p. 43). Sự thật là chẳng ai quan tâm X còn tháo vát và ngoan ngoãn hơn một học sinh trường chuyên là tôi. Mọi người đã quá bận để so đo trình độ học vấn và khả năng làm sếp của chúng tôi vì, đơn giản thôi, điểm số và chất lượng của Resume đều có thể lượng hoá. Meritocracy không những so sánh con người trên mặt thành tích bỏ qua những yếu tố xã hội, mà chính cơ sở so sánh của nó còn có vấn đề. 
“Việc chúng ta tạo ra văn hóa trọng thành tích sẽ đào tạo nên một đội ngũ không màng đạo đức hay cách thức gì để đạt được kỳ vọng đặt ra.” (Richer, 2019, 37)
----------
Quay trở lại câu chuyện với X, trong 4 năm nữa, có lẽ tôi sẽ tốt nghiệp với tấm bằng quốc tế, tìm một công việc lương cao, và có thể leo lên những vị trí cao với một sự “ổn định" ở thị trường việc làm. Còn X, có lẽ cậu ấy sẽ có cơ hội để “thành công,” hoặc sẽ phải chật vật với công việc với vài đồng lương có khi không đủ ăn. Nhưng khả năng “thành công" của một người ở tầng dưới xã hội chưa thể hoàn thành cấp 3 trong một thị trường luôn đói bằng cấp là bao nhiêu?
Rồi những câu bông đùa về X làm “ôsin” cho tôi ngày bé cũng chẳng còn là câu nói đùa. Cho dù cậu ấy có chăm chỉ, cố gắng gấp 100 lần tôi, cậu ấy vẫn mắc kẹt dưới quyền lực của những người có xuất thân cao hơn mình. Bởi việc cố gắng không chỉ dừng lại ở việc bán mặt cho “đất bán lưng cho trời,” nó bao gồm việc bạn biết mình phải đặt công sức vào thứ quan trọng, điều mà có lẽ X bỏ lỡ từ rất lâu. X - người bị bỏ lại trong hệ thống này - sẽ đứng trong đội ngũ lao động phục vụ cho những người đứng đầu hệ thống - những người “tri thức” có bằng cấp.
Trong 20 năm nữa, có thể tôi sẽ có con, đứa bé được tiếp cận với nền giáo dục phát triển, được nuôi dạy bởi một người mẹ có kiến thức, và tiếp xúc với văn hoá tiên tiến. Còn con của X, có thể đứa bé sẽ là một thiên tài hoặc một người bình thường, nhưng dưới sự nuôi dạy của một người mẹ đầu tắt mặt tối kiếm ăn thì có lẽ nó sẽ đi vào vết xe đổ của sự “không hợp” với việc học - thứ định nghĩa “thành công” trong xã hội đương thời. Vòng tròn tàn nhẫn (vicious cycle) ở đây là việc mọi sự khác biệt sẽ luôn đi theo cấp số nhân, nhưng chế độ nhân tài trị và chủ trương “cố gắng là thành công" sẽ chỉ làm người ta tin vào sự thay đổi ở mức độ tuyến tính. 
----------
Để tìm được những “nhân tài,” cụm từ “bình đẳng cơ hội" xuất hiện như một tuyên ngôn rằng ai cũng xứng đáng leo lên vị trí cao nhất. Nhưng đây cũng chỉ là sự thoái thác của các nhà xây dựng xã hội. Thay vì tập trung vào những chính sách đảm bảo tài chính, an ninh, và dinh dưỡng cho những học sinh như X cùng đi học với những học sinh từ tầng lớp trung lưu đổ lên (upper middle class), người ta đặt vạch đích bằng nhau một cách lười biếng như để nói rằng “Chúng tôi đã cố làm mọi thứ công bằng.”
Về bản chất, chế độ nhân tài trị mà chúng ta ca ngợi đôi khi cũng là lời biện hộ của chế độ tài phiệt (plutocracy) và tầng lớp quý tộc (aristocracy) cho một xã hội hình chóp nơi mà các thứ bậc đã định sẵn khó có thể thay đổi. Truyền thông cho ta thấy ảo ảnh về các bậc thang, chỉ cần cố gắng là ta có thể leo tới đỉnh. Nhưng vốn chả có cái thang nào, mà kể cả có, chúng ta vẫn đang dẫm đạp lên các tầng dưới để vươn tới “thành công” mà ta tự lý tưởng hoá. 
Nếu như trong xã hội thứ bậc (hierarchy) phong kiến, người đứng đầu là vua nắm giữ quyền lực, bộ phận đông đảo nhất và ở tầng lớp thấp nhất chính là nông dân, thì ở xã hội hiện đại, người đứng đầu là tầng lớp học giả “tinh hoa,” bộ phận đông đảo ở đáy là những người lao động và những người “ít học.” Thay vì bị đè đầu cưỡi cổ bởi những vị quan không ai bầu hay bị đày đọa bởi tô thuế nặng nề của tên thực dân, chúng ta của hiện tại bị hành hạ tinh thần bởi sự mặc cảm, bị bóc lột bởi những kẻ “tài năng,” bị giam cầm trong hệ thống tầng lớp của trí thức. Chúng ta chưa từng có cơ hội thoát khỏi cái gọi là “Con quan thì lại làm quan" mà chúng ta căm ghét. Gia đình ta, vị thế của bố mẹ ta, và phương thức giáo dục của họ chính là thứ làm nên sự khác biệt giữa ta và những người “không hợp” kia (Gladwell 2016).
Thừa nhận tin tưởng vào một xã hội “cào bằng" là điều vô lý bởi con người luôn khác nhau về sở thích, bản ngã, và góc quan. Nhưng bất bình đẳng không chỉ có hại cho những người ở tầng lớp dưới, nó có hại cho chính chúng ta. Để đổi lấy những “nhân tài” thì, chúng ta có thể đã hi sinh bao nhiêu thần đồng nghệ thuật, nhà khoa học vĩ đại có xuất thân thấp kém? Bất bình đẳng, hệ thống giáo dục cuồng thi cử, và nhà nước nhân tài trị là ba yếu tố đã bỏ lỡ nhiều nhân tài chưa có cơ hội để phát triển. Nếu như X được vào trường chuyên và đi du học như tôi, cậu ấy có thể cống hiến nhiều lần hơn tôi thì sao? Biết đâu một người phải bỏ học đi làm thêm đáng lẽ ra có thể là Bill Gates thứ hai? 
Lời kết: 
Tại sao phải xuất hiện hai thái cực “thua” và “thắng"? Sao chúng ta lại cần phải trở thành “kẻ thắng cuộc" hay “kẻ thua cuộc"?  Chúng ta có thể sống trong một xã hội hình Oval nơi mà ta hay bạn bè ta đều là “người cộng tác" để giúp nhau có cuộc sống tốt hơn (Guinier, 2016, p.127). Sau cùng thì, các nền văn minh trải qua phồn vinh rồi sụp đổ, các thể chế nhà nước trải qua thăng trầm với nhiều cuộc cách mạng là để bảo toàn cho sự tồn tại của con người. Vậy sao ta cứ phải cạnh tranh và cố gắng vượt mặt nhau? 
Có thể trong một xã hội công bình hơn, X sẽ thoát khỏi cái “không hợp" để nắm lấy cơ hội như những học sinh ưu tú khác, hoặc có thể tự tin học nghề “làm nail" mà không sợ sự phân biệt với những thứ gọi là “tinh hoa.” Cuối cùng thì, X vô thức trở thành nạn nhân của một chế độ ca tụng thành tích không màng các yếu tố kinh tế - xã hội (socio economic factors), còn những tấm gương “thành công" hiện nay là những chú cừu công nghiệp của chủ nghĩa tư bản đang chạy đua để rồi bị lợi dụng hoặc đi lợi dụng những giấc mộng làm giàu của người khác.