Chiến tranh Nga - Ukraine: Góc nhìn của Nga.
Mục đích của bài viết nhằm để phân tích, làm rõ quan điểm và góc nhìn của phía Nga xoay quanh vấn đề chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Lời đầu tiên
Mục đích của bài viết nhằm để phân tích, làm rõ quan điểm và góc nhìn của phía Nga xoay quanh vấn đề chiến tranh giữa Nga và Ukraine, qua đó phần nào giải thích được nguyên cớ các sự kiện đã và đang diễn ra. Do vậy, quý độc giả có thể nhìn thấy tôi sử dụng những từ ngữ như “chiến dịch quân sự đặc biệt”, “phi phát xít hoá Ukraine” trong bài trên căn cứ góc nhìn từ Nga. Bài viết không thể hiện quan điểm chính trị của tác giả, đồng thời cũng không nêu lên vấn đề ủng hộ bất cứ bên nào có liên quan trong cuộc xung đột này. Trong các kì tiếp theo, tôi sẽ bàn về góc nhìn của phía Mỹ, Phương Tây và Ukraine. Tôi rất hoan nghênh ý kiến và đóng góp của bạn đọc. Tuy nhiên, những bình luận không nhằm xây dựng kiến thức, những bình luận tiêu cực, công kích cá nhân, trái với thuần phong mỹ tục nước ta sẽ không được chấp nhận ở đây.
Phần I: Căn nguyên của cuộc xung đột
1. NATO
a) Sơ lược về bối cảnh lịch sử:
NATO (North Atlantic Treaty Organization), tức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, là một liên minh quân sự được thành lập vào ngày 4 tháng 4 năm 1947 trên cơ sở Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Mục đích thành lập của khối là để ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản và ảnh hưởng của Liên Xô lên các nước châu Âu khi đó. Điều này dẫn đến việc các nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa thành lập Tổ chức Hiệp Ước Warszawa như là một đối trọng của NATO. Việc hai khối quân sự thù địch nhau chạy đua vũ trang cũng là cuộc đối đầu chính trong Chiến tranh Lạnh (1947 - 1991).
Vào ngày 1 tháng 7 năm 1991, đại diện của Liên Xô, Ba Lan, Bulgaria, Tiệp Khắc và Romania đã đặt bút ký nghị định thư chấm dứt hoàn toàn Hiệp ước Warszawa. Sự tan rã của khối Warszawa dẫn đến việc NATO không còn đối trọng nào nữa. Tuy nhiên, NATO không những không giải tán mà còn tiếp tục tham gia vào các cuộc chiến tranh, tiêu biểu là NATO ném bom Nam Tư trong Chiến tranh Kosovo (24/03/1999 - 10/06/1999).
Nói sơ qua về tình hình Nam Tư, bắt đầu từ năm 1991, Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư đã dần tan rã trong những cuộc chiến tranh, xung đột liên miên, dẫn đến sự ly khai của hầu hết các thực thể cộng hòa. Tất cả những gì còn lại khi ấy của liên bang sáu nước cộng hòa là Serbia và Montenegro, với tên gọi Cộng hoà Liên bang Nam Tư. Dưới chiêu bài lý luận nhân đạo, NATO đã tiến hành cuộc không kích khắp Cộng hòa Liên bang Nam Tư, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khi ấy là ông Kofi Annan đã nói rằng đôi khi sử dụng vũ lực có thể là hợp pháp để theo đuổi hòa bình nhưng lại chỉ trích hành động đơn phương của NATO [1]. Vụ đánh bom của NATO đã giết chết khoảng 489-528 thường dân, và các cây cầu, các nhà máy công nghiệp, các tòa nhà công cộng, các doanh nghiệp tư nhân, cũng như các doanh trại và các cơ sở quân sự bị phá hủy [2]. Vào ngày 4 tháng 2 năm 2003, Cộng hoà Liên bang Nam Tư bỏ phiếu thông qua Hiến Chương Serbia và Montenegro, chuyển đổi thành Liên minh Nhà nước của Serbia và Montenegro, dẫn đến sự biến mất hoàn toàn của cái tên Nam Tư trên bản đồ thế giới. Ngày 3 tháng 6 và 5 tháng 6 năm 2006, Montenegro và Serbia lần lượt tuyên bố độc lập, chấm dứt những tàn tích cuối cùng của một nhà nước Nam Tư. Sự can thiệp quân sự của NATO vào Cộng hoà Liên bang Nam Tư là giọt nước tràn ly, khiến Nam Tư (lúc này chỉ còn Serbia và Montenegro) hoàn toàn chấm dứt, hệ quả tiêu cực là xung đột giữa Serbia và Kosovo vẫn còn hiện hữu đến tận ngày nay và có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh.
Từ khi cuộc không kích diễn ra, Liên bang Nga đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp để xem xét “một tình huống cực kỳ nguy hiểm do hành động quân sự đơn phương của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chống lại Cộng hòa Liên bang Nam Tư”. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết do Nga, Belarus và Ấn Độ cùng biên soạn yêu cầu “chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực đối với Cộng hòa Liên bang Nam Tư” đã không nhận được sự thông qua của hội đồng. Trong số 15 quốc gia thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi ấy, có ba quốc gia ủng hộ (Nga, Trung Quốc và Namibia) và mười hai quốc gia phản đối, không có phiếu trắng. Từ những sự kiện này, nước Nga không xem NATO là một khối quân sự “phòng thủ” đơn thuần mà là một mối nguy hại thường trực đến an ninh quốc gia. Mỹ đã từng không ít lần thể hiện sự thèm khát nguồn tài nguyên dồi dào của nước Nga, thậm chí đã từng có một kế hoạch điên rồ khi muốn mua lại vùng Siberia khi nước Nga vừa tách ra khỏi Liên Xô [3]. Xét cho cùng, không một cường quốc nào lại muốn đối thủ của họ đứng ngay trước cửa mang vũ khí chĩa vào lãnh thổ cả!
Tất cả đồng minh của Mỹ không chỉ đồng ý một cách nghiêm túc, hùa theo họ, mà còn sao chép hành vi của Mỹ và nhiệt tình chấp nhận các quy tắc mà Mỹ đưa ra. Vì vậy, với lý do chính đáng, chúng ta có thể tự tin nói rằng toàn bộ “Khối phương Tây” do Mỹ thành lập theo hình ảnh của chính họ, đều là một “đế chế của sự dối trá”.
b) NATO “đông tiến” và học thuyết quân sự Liên bang Nga.
Mỹ chủ trương mở rộng NATO về hướng Đông nhằm khẳng định vị thế lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế, với mục tiêu kiềm chế nước Nga. Cụ thể, NATO tiến hành ba đợt “đông tiến”. Trong lần mở rộng đầu tiên, biên giới NATO đã được mở về phía Đông thêm 900 km, quân số tăng thêm mười ba sư đoàn, tiếp nhận toàn bộ vũ khí của các thành viên mới. Tổng quân số NATO gần 5 triệu quân (chưa tính quân số của Mỹ và các nước ngoài châu Âu), trong khi đó Nga có 3,2 triệu.
Bên cạnh chính sách “đông tiến”, hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO tại Đông Âu cũng là một mối đe dọa to lớn. NATO tuyên bố hệ thống này làm nhằm chống lại các mối đe dọa từ Iran nhưng nước Nga xem đây là sự bao vây. Tôi xin được nhắc lại rằng không một cường quốc nào lại muốn đối thủ của họ đứng ngay trước cửa mang vũ khí chĩa vào lãnh thổ cả.
Học thuyết quân sự Liên bang Nga nhấn mạnh Nga chỉ buộc phải sử dụng sức mạnh quân sự khi không còn giải pháp ngoại giao. Học thuyết quân sự tiếp tục coi sự mở rộng của NATO, hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, việc bố trí vũ khí chiến lược trên vũ trụ, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố là các mối đe dọa đối với nước Nga. Học thuyết cũng khẳng định việc tăng cường lực lượng quân sự nước ngoài ở các quốc gia và vùng biển sát Nga với mục đích gây sức ép về chính trị - quân sự là mối đe dọa. Nga cũng coi việc thiết lập ở các quốc gia giáp Nga các chế độ có chính sách đe dọa lợi ích của Nga, trong đó có việc lật đổ chính quyền hợp pháp, là mối đe dọa mới. Nó còn chỉ ra các mối đe dọa khác gồm việc sử dụng công nghệ thông tin cho mục đích quân sự, các hoạt động phá hoại của lực lượng đặc biệt nước ngoài. [4]
Moscow từng không ít lần bày tỏ thiện chí gia nhập NATO không những một mà tận bốn lần [5]. Lần đầu tiên, vào tháng 2/1954, Liên Xô đề xuất ký hiệp định an ninh tập thể toàn châu Âu với các nước thuộc phe Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai và bị Phương Tây bác bỏ. Lần thứ hai, vào ngày 31/03/1954, Bộ Ngoại giao Liên Xô đề nghị được gia nhập NATO với điều kiện liên minh này đứng trung lập và ngày 07/05/1954, Mỹ, Anh và Pháp bác bỏ đề nghị với lý do việc kết nạp Liên Xô “không phù hợp với tôn chỉ phòng thủ và dân chủ” của NATO. Lần thứ ba, vào năm 1983, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Yuri Andropov tiếp tục đề xuất Liên Xô gia nhập NATO nhưng vẫn không thành công. Lần thứ tư, vào năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, Tổng thống Nga Boris Yeltsin gửi thư đến trụ sở NATO tại Bỉ, bày tỏ mong muốn gia nhập tổ chức này trong tương lai nhưng vẫn bị khước từ.
Điều này sẽ góp phần tạo ra bầu không khí hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, tăng cường ổn định và hợp tác ở châu Âu. Chúng tôi rất coi trọng quan hệ này, mong muốn phát triển đối thoại trên mọi phương diện, bao gồm cả chính trị lẫn quân sự. Chúng tôi muốn trở thành thành viên của NATO với mục tiêu chính trị lâu dài.
Hiển nhiên, Mỹ sẽ không thể để Nga gia nhập NATO dù Nga có mong muốn. Hiện nay, dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, Nga đã không còn muốn gia nhập NATO nữa. Ông Putin có tham vọng khôi phục lại vị trí siêu cường của Nga như thời Liên Xô trước đây. Nếu Nga gia nhập NATO, ước mơ sẽ vẫn chỉ là mơ ước, bởi vì khi là thành viên của NATO, Nga chỉ còn là một cường quốc châu Âu thay vì là siêu cường, điều này không phải khát vọng của ông Putin cũng như của người dân nước Nga. Chưa dừng lại ở đó, việc NATO đòi hỏi các thành viên phải minh bạch trong hoạt động quân sự - quốc phòng là điều Nga không bao giờ chấp nhận. Vì nếu theo nguyên tắc này, họ có thể phải chia sẻ những bí mật quân sự với NATO. Một lý do khác cũng đáng phải lưu tâm là việc gia nhập sẽ ảnh hưởng đến vai trò của CSTO (Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể). Tổ chức này gồm Nga và một số nước thành viên Liên Xô cũ, được thành lập vào năm 1992 để cạnh tranh ảnh hưởng với NATO trong lĩnh vực an ninh toàn cầu.
2. Ukraine và “lằn ranh đỏ” của Nga
“Lằn ranh đỏ” là thuật ngữ được dùng để chỉ về một giới hạn hoặc một ranh giới vô hình. Nó nhằm cảnh báo rằng nếu vượt qua ranh giới này sẽ chịu nguy cơ phải đối diện với một sự trừng phạt hoặc hậu quả bất lợi.
Ukraine có vai trò vô cùng chiến lược đối với công cuộc đưa nước Nga thành siêu cường quốc tế của ông Putin. Phần lớn các cảng biển quan trọng của nước Nga như cảng St. Petersburg hay Vladivostok bị đóng băng vào mùa đông, gây cản trở cho việc phát triển kinh tế. Nếu nhìn vào bản đồ địa lý, tàu thuyền từ cảng St. Petersburg phải đi qua eo biển Oresund giữa Thụy Điển, Đan Mạch. Mà Đan Mạch lại là một thành viên của NATO. Nếu như có “biến”, NATO có thể phong tỏa eo biển, giết chết sự thông thương hàng hóa của Nga với thế giới. Cảng Vladivostok cũng không khá hơn là bao, khi hàng hóa từ cảng Vladivostok phải đi qua eo biển Nhật Bản, Nhật Bản cũng là một đồng minh thân cận của Mỹ và cũng có tranh chấp với Nga ở quần đảo Kuril (hay Chishima theo cách gọi của Nhật Bản). Bán đảo Crimea, cụ thể là cảng Sevastopol, là cảng nước ấm có vai trò sống còn với nước Nga, là cửa ngõ để Nga bước đến danh hiệu siêu cường.
Biển bao phủ hơn 70% tổng diện tích bề mặt Trái Đất, vô cùng giàu tài nguyên khoáng sản như dầu khí, muối, băng cháy,...; bên cạnh đó, các quốc gia giáp biển có thể khai thác nguồn lợi thủy hải sản, dịch vụ giao thông hàng hải, du lịch,... Ngược dòng lịch sử, phương Tây đã thực hiện hàng loạt các cuộc phát kiến địa lý quan trọng, Colombus khám phá ra châu Mỹ, Ferdinand Magellan đã thực hiện chuyến đi đầu tiên quanh thế giới. Từ đây, các đế quốc thực dân Phương Tây đã vượt biển đẩy mạnh xâm lược và khai thác thuộc địa trên toàn cầu. Biển ngày càng có giá trị kinh tế - quân sự lớn hơn so với đất liền, vì vậy ngày càng nhiều quốc gia đều xem việc giữ gìn an ninh biển là nhiệm vụ sống còn của đất nước, trong đó có Việt Nam chúng ta. Lấy đại dương nuôi đất liền, tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế biển và xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh là việc cần làm đầu tiên của các quốc gia giáp biển.
Ai kiểm soát biển thì người đó kiểm soát được thế giới.
Nước Ukraine hiện nay là một phần của nhà nước Rus Kiev trong thế kỉ XI. Rus Kiev bao gồm hầu như toàn bộ lãnh thổ Ukraine, Belarus hiện đại với một phần lớn lãnh thổ nước Nga hiện nay. Trong thế kỷ thứ X và XI, nó trở thành quốc gia hùng mạnh nhất ở châu Âu. Trong những thế kỷ tiếp theo, nó đặt nền móng cho tính đồng nhất quốc gia của người Ukraine và người Nga. Ukraine và Nga cũng là một phần của nhà nước Xô Viết cũ, là anh em chống lại sự xâm lăng từ Đức Quốc xã. Tuy nhiên, Ukraine lại có ý định gia nhập NATO, là “lằn ranh đỏ” đe dọa chặn mọi ngả đường tiến đến siêu cường của Nga. Điều này xuất phát từ việc Ukraine bị chia rẽ sâu sắc, với phía Tây có xu hướng thân Phương Tây và phía Đông có xu hướng thân Nga, và Mỹ đã tận dụng triệt để điều này. Phong trào Euromaidan bùng nổ vào năm 2013 khiến Nga cảm thấy bị đe dọa. Euromaidan là một làn sóng biểu tình ở Ukraine bắt đầu vào đêm 21 tháng 11 năm 2013. Những người biểu tình đổ xuống đường cổ vũ cho quan hệ gần gũi hơn với EU, trong khi ở phần đông lãnh thổ của Ukraine nơi mà Người Nga chiếm đa số, một phần lớn dân số tại đây đã bày tỏ sự phản đối của họ đối với Euromaidan, thay vào đó họ ủng hộ chính phủ thân Nga của Yanukovych. Đến giữa tháng 2 năm 2014, những cuộc đàm phán giữa Tổng thống Yanukovych và phe đối lập đã thất bại. Ukraine đứng trên bờ vực tai họa của một cuộc nội chiến. Nga lúc này phải hành động. Trên cơ sở các cuộc biểu tình phản đối Euromaidan mà chủ yếu là từ nhóm người gốc Nga ở Crimea, Tổng thống Putin đã bắt đầu lên kế hoạch để sáp nhập Crimea vào ngày 23 tháng 2 năm 2014. Một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 năm 2014 và kết quả chính thức là 97% người dân Crimea đồng ý sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Liên bang Nga. Ngày 18 tháng 3 năm 2014, Nga chính thức tuyên bố Cộng hòa Crimea và Sevastopol gia nhập Liên bang Nga. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Ukraine vẫn tiếp tục có ý định muốn gia nhập NATO. Chính điều này đã dẫn đến cuộc xung đột của Nga và Ukraine những ngày gần đây.
Cuộc xung đột giữa chính quyền Ukraine và lực lượng ly khai Donbass (bao gồm DPR và LPR) do Nga hậu thuẫn gia tăng. Tiến trình đàm phán hòa bình theo Thỏa thuận Minsk 2, vốn là giải pháp duy nhất cho khủng hoảng ở Ukraine, không đạt được kết quả nào. Mỹ và NATO không ngừng chuyển giao vũ khí cho Ukraine, nhất là sau giai đoạn Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Mỹ còn cho triển khai tên lửa tầm trung và lực lượng quân sự trên lãnh thổ Đông Âu hướng đến Nga. Mỹ và đồng minh cũng không đáp ứng bản đề nghị an ninh gồm 8 điểm của Nga gửi tới Mỹ và NATO vào giữa tháng 12/2021. Điều gì đến rồi cũng sẽ đến. Ngày 21/02/2022, ông Putin đã công nhận độc lập của hai nước cộng hòa ly khai tự xưng Donetsk và Luhansk. Ngày 24/02/2022, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhằm “phi quân sự hoá và phi Phát xít hoá Ukraine”.
Mục tiêu của Nga sẽ là kiểm soát thủ đô Kiev nhằm thành lập một chính phủ thân Nga ở Ukraine. Lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO do Nga dẫn đầu sẽ được triển khai trên toàn lãnh thổ Ukraine để trợ giúp chính quyền mới. Đây sẽ là cơ sở để Nga có thể thiết lập một liên minh mới, bao gồm Nga, Belarus và Ukraine, hiện thực hóa một phần mục tiêu trở thành cường quốc trên thế giới, cũng như xác lập lại cấu trúc an ninh châu Âu vốn đang do Mỹ và phương Tây chi phối.
Chiến tranh là chính nghĩa khi cần thiết; vũ lực có thể chấp nhận được khi không còn hy vọng nào ngoại trừ qua vũ lực.
Tôi cũng xin được phép nhắc lại rằng bài viết không thể hiện quan điểm chính trị của tác giả, đồng thời cũng không nêu lên vấn đề ủng hộ bất cứ bên nào có liên quan trong cuộc xung đột này. Tôi cũng không bàn đến tính đúng sai của trận chiến. Với việc dẫn câu nói này của Machiavelli, tôi muốn nhấn mạnh rằng nước Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài vũ lực. Tuy nhiên, từ đây lại xuất hiện một câu hỏi:
Nếu Ukraine là “lằn ranh đỏ” thì tại sao Nga lại để cho ba nước Baltic gia nhập NATO?
Nước Nga rõ ràng đã vô cùng quan ngại về việc ba nước Baltic gia nhập NATO. Tuy nhiên, khi ấy nước Nga vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau khi Liên Xô sụp đổ. Thật vậy, trong giai đoạn 2000 - 2008, quan hệ của nước Nga và Mỹ vẫn khá êm đẹp vì ông Putin vô cùng kiên nhẫn chờ thời cơ. Từ quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 22 thế giới, Nga đã trở thành nền kinh tế thứ 11 thế giới trong giai đoạn 2000 - 2008. Nhưng vẫn còn một lý do quan trọng khác.
Kaliningrad là cảng duy nhất của Nga ở biển Baltic không bị đóng băng vào mùa đông. Nhưng vùng đất này lại bị tách rời khỏi nước Nga, đây cũng là một điểm yếu chí mạng. Kaliningrad vốn là lãnh thổ của nước Đức trước Chiến tranh thế giới thứ hai với tên gọi Königsberg. Hiệp định Potsdam năm 1945 đã đặt nó dưới sự quản lý của Liên Xô. Ông Putin cũng có tham vọng nối liền Nga với Kaliningrad, và đây là một bài toán vô cùng nan giải. Với vị trí chiến lược này, Kaliningrad là cơ sở để nước Nga chống lại hệ thống phòng thủ do Mỹ lập ra. Tuy nhiên, Mỹ và Phương Tây chưa nhận ra sự quan trọng chiến lược của mảnh đất nhỏ bé này. Với việc Belarus là một đồng minh thân cận của Nga, “nối” Belarus với Kaliningrad có thể cô lập ba nước Baltic. Ngoài ra, nó còn có thể mở rộng ảnh hưởng của Nga lên các quốc gia Đông Âu, là động lực to lớn thúc đẩy nền kinh tế Nga. [6]
Tổng thống Putin giờ đây đã nhận ra vai trò của các cảng nước ấm đối với thương mại, cũng như khả năng quyền lực của Nga. Ông đã mở đường đến Baltic bằng cách sáp nhập Crimea. Ông cũng đã cố gắng kết nối cảng nước ấm quan trọng Kaliningrad với lục địa Nga. Có thể chính ông Putin sẽ là người hiện thực hóa giấc mơ Nga từ thế kỷ XVII, đó là kiểm soát được các cảng ở Thái Bình Dương, Biển Đen, Địa Trung Hải và Biển Baltic.
Điều này lại càng khẳng định vai trò chiến lược của Ukraine đối với chiến lược đưa nước Nga trở thành siêu cường của Tổng thống Vladimir Putin.
Phần II: Tại sao Nga lại đánh Ukraine ngay lúc này?
Câu trả lời rất đơn giản: Giá dầu mỏ là gót chân achilles của nước Nga.
Nhắc lại lịch sử một chút, sau chuyến đi bàn bạc của giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) với Thái tử Ả Rập Xê Út khi đó vào năm 1986, Ả Rập Xê Út đã tăng sản lượng khai thác dầu lên gấp 5 lần. Chính điều này đã làm giảm giá dầu thê thảm từ 32 USD/thùng xuống còn 8 USD/thùng. Ngân sách thâm hụt 7,5 tỷ USD và lạm phát tăng vọt, không lâu sau đó, Liên Xô sụp đổ.
Dầu mỏ và khí đốt chiếm khoảng 17% GDP và đến 60% tổng giá trị xuất khẩu của Liên bang Nga vào năm 2021. Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ đã đánh trúng điểm yếu này của Nga. Mỹ đẩy mạnh khai thác dầu và khí đốt, khiến nước này lần đầu tiên sau hàng thập kỷ tự chủ được năng lượng, thậm chí còn là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt hóa lỏng lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, ông Trump đã áp lệnh cấm vận lên dự án Nord Stream II giữa Nga và Đức, khiến mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Đức trở nên vô cùng căng thẳng. Dự án này là một hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên dài 1234 km từ Nga đến Đức thông qua biển Baltic. Vận chuyển bằng đường ống vốn không xa lạ với ngành dầu khí vì tính hiệu quả của nó trong việc vận chuyển. Dự án được kỳ vọng mang tính thương mại to lớn có lợi ích kinh tế cho Nga, đảm bảo nguồn cung khí đốt ổn định với giá phải chăng cho Đức nói riêng và châu Âu nói chung. Đồng thời, nó sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào đường ống trung chuyển khí đốt sang châu Âu của Nga qua Ukraine trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay. Hiển nhiên, Mỹ và Ukraine không vui vẻ gì về việc này.
Một điều đáng chú ý là mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ lúc bấy giờ nhìn chung khá thân thiện, bất chấp sự bốc đồng khó đoán của ông Trump.
Ông ấy là một người rất có năng lực […] Ông ấy có thể lắng nghe và hiểu các lập luận. Ở một số vấn đề, ông ấy giữ vững lập trường của mình.
Đến khi Tổng thống Joe Biden đắc cử vào cuối năm 2020, ngay khi nhậm chức, ông Biden đã đảo ngược tất cả các chính sách của người tiền nhiệm. Mỹ không những có thái độ thù địch với Nga, làm leo thang xung đột Ukraine mà còn vô tình làm cho Nga có khả năng tấn công Ukraine vì đã đẩy giá dầu trên thế giới tăng gấp đôi từ khoảng 50 USD/thùng lên trên 100 USD/thùng. Chính sự tăng giá dầu phi mã này đã giúp Quỹ Tài sản quốc gia Nga có nguồn vốn vào khoảng 185 tỷ USD và dự trữ ngoại tệ ở mức 615 tỷ USD, một điểm tựa vô cùng vững chắc cho ông Putin có thể thực hiện và tiếp tục chiến dịch tại Ukraine bất chấp sự bao vây cấm vận của Mỹ và Phương Tây.
Các biện pháp trừng phạt chống Nga thực ra là vỏ bọc ngụy trang cho việc Mỹ bắt đầu cướp bóc kinh tế châu Âu mà trước hết là Đức. Kịch bản mà giới chuyên gia đã bàn luận từ lâu, như đang thấy, đã tạo ra cơ hội mới cho nền kinh tế Mỹ, thực tế là “hà hơi thổi ngạt”, tiếp sinh khí cứu vãn nền kinh tế đang nguy ngập vì những khó khăn và lạm phát cao bất thường đối với người Mỹ. Còn dân châu Âu sẽ bị biến thành kiểu nô lệ mới, buộc phải phục vụ cho bá quyền Mỹ.
Dẫn nguồn và tư liệu tham khảo:
[1] https://www.un.org/press/en/1999/sgsm6938.doc.htm
[2] https://nghiencuuquocte.org/2015/03/24/nato-khong-kich-nam-tu/
[3] https://thanhnien.vn/my-tung-muon-mua-siberia-tu-ong-yeltsin-post1018596.html
[4] https://dangcongsan.vn/the-gioi/nhung-van-de-toan-cau/hoc-thuyet-quan-su-moi-cua-nga-va-diem-moi-trong-tu-duy-phong-thu-284406.html
[5] https://vnexpress.net/4-lan-de-nghi-gia-nhap-nato-bat-thanh-cua-nga-3906782.html
[6] http://redsvn.net/kaliningrad-tien-don-cua-nuoc-nga-giua-long-nato/
[7] https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ong-putin-khen-ngoi-ong-trump-20180717093834264.htm
[8] https://amp.baonghean.vn/tu-choi-dong-chay-phuong-bac2-eu-bien-thanh-thuoc-dia-cua-my-302896.html
Đọc thêm:
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất