Mấy ngày gần đây, chúng ta hay nghe về cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Ukraine giữa 2 phe là Nga - Ukaine. Vậy vì sao Nga tấn công Ukraine? Và việc này xuất phát từ đâu? Theo như những tìm hiểu của cá nhân mình. Mình xin tóm tắt ngắn lại để các bạn dễ hiểu như sau nhé:
Đầu tiên phải tìm hiểu về Thông tin của 2 nước này:
Bản đồ Ukraine – Nga. (Ảnh: Washington Post)
Bản đồ Ukraine – Nga. (Ảnh: Washington Post)
Nga và Ukraine là 2 nước láng giềng có chung đường biên giới với nhau. Người đứng đầu phía Nga là: Tổng thống: Vladimir Vladimirovich Putin. Người đứng đầu phía Ukraine là: Tổng thống: Volodymyr Zelensky. Và để hiểu sâu hơn về căng thẳng này thì cần biết thêm 1 điểm nữa đó chính là Bán đảo Crimea. (Bán đảo nằm ngay về phía Nam của Ukraine). Bán đảo này không có nhiều khoáng sản nhưng nó có cảng biển nước sâu Sevastopol (đậu được tàu ngầm và chiến hạm) và là cảng biển trọng yếu của Nga từ thời Liên Xô cho đến bây giờ. Lưu ý rằng Nga có diện tích rất lớn có rất nhiều cảng biển, tuy nhiên không có cảng biển nào đảm bảo để phát triển về kinh tế, chỉ có mỗi cảng Sevastopol của Ukraine là cảng nước sâu duy nhất không bị đóng băng vào mùa đông. Nếu mất đi cảng Sevastopol thì việc giao thương kinh tế, hoạt động Hải quân của Nga sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Cảng Sevastopol
Cảng Sevastopol
Về các bên liên quan đến mâu thuẫn này gồm có:
- Liên minh các nước hiệp ước NATO (gồm Mỹ và một số nước thuộc khối EU muốn kéo Ukraine thành đồng minh). - Chính quyền Nga của ông Putin. (Muốn kéo Ukraine về phía Nga để tạo vùng đệm an toàn giữa Nga và các nước NATO; lấy Crimea) - Chính quyền Ukraine của ông Zelensky. (muốn đi theo các nước Phương Tây)
Trước đây, Nga và Ukraine cùng nhiều nước khác ở Châu Âu từng là thành viên của Liên bang Xô viết.
Thời kỳ thuộc Liên Xô, Crimea là một phần của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga.
Năm 1954 (19/02/1954), người lãnh đạo tối cao của Liên Xô đã quyết định tặng Crimea cho Ukraine như là một "món quà", kỉ niệm cột mốc 300 năm Ukraine trở thành một phần của Đế quốc Nga. Từ đấy Nga muốn sử dụng cảng biển Sevastopol thì phải trả tiền thuê cảng cho phía Ukraine.
"món quà" kỉ niệm của Liên Xô
"món quà" kỉ niệm của Liên Xô
Năm 1991, Liên bang Xô viết sụp đổ hoàn toàn. Nga và Ukraine, các nước khác tách ra tuyên bố độc lập, tự chủ. Đây cũng 2 nước mạnh nhất sau khi độc lập (đứng đầu tất nhiên là Nga rồi).
Việc Ukraine tách ra khỏi Liên Xô phát sinh 3 vấn đề: 1. Nga mất bán đảo Crimea và cảng Sevastopol, mà đây là vị trí chiến lược của Nga trong kinh tế và quân sự. 2. Nội bộ nhân dân của Ukraine chia thành 2 phía: + Nửa Phía Tây Ukraine: muốn theo các nước phương Tây (NATO), mong muốn lớn hơn là muốn gia nhập và EU và NATO. + Nửa Phía Đông Ukraine gọi là vùng Donbas (các vùng đất giáp ranh giới với Nga, đa số là người gốc Nga) muốn theo phe Nga, những người dân này cũng chính là những người chụp hình chỉ điểm cho quân đội Nga trên mạng xã hội những ngày qua. 3. Vì vị trí của Ukraine là kế bên Nga nên được coi như vùng đệm an toàn giữa Nga và các nước đồng minh NATO, nếu Nga thả Ukraine đi theo các nước phương Tây (NATO) thì sẽ ảnh hưởng cực kỳ lớn đến sự an toàn của đất nước Nga, vì các nước NATO có thể đem quân sang đặt tại Ukraine bất cứ lúc nào.
Ban đầu thì các nhà lãnh đạo của Ukraine rất khôn khéo họ dĩ hoà vi quý với cả 2 phe cả Nga và các đồng minh NATO. Vì họ ở giữa được rất nhiều lợi ích ở cả 2 bên chu cấp cho.
Năm 2013, Tổng thống của Ukraine khi đó là Viktor Fedorovych Yanukovych (ông này là người gốc Nga nên thời điểm đấy Ukraine khá thân với Nga) đã đình chỉ các cuộc đối thoại với EU và từ chối một thoả thuận quan trọng trong việc hội nhập kinh tế và gẫn gũi hơn với Liên minh Châu Âu (EU) , điều này làm cho dân chúng của Ukraine những người theo hướng chuộng phương Tây hơn rất phẫn nộ, biểu tình dữ dội.
Năm 2014, Những người dân nói trên lật đổ chính phủ. Ông Yanukovych đã phải bỏ chạy. Họ lập ra một chính phủ mới thân với phương Tây hơn với mục địch muốn ưu tiên hội nhập Liên minh châu Âu.
Lúc này ông Putin nhận thấy tình hình bất ổn nên cho quân ra chiếm đóng tại bán đảo Crimea để giữ cảng Sevastopol, sau đó thông qua bỏ phiếu (mà người trên bán đảo toàn là người gốc Nga) công khai sát nhập Crimea vào lãnh thổ nước Nga (điều này Liên Hợp Quốc không công nhận kết quả bỏ phiếu). Trong lúc đó tại Ukraine, những người dân theo hướng chuộng thân với Nga cũng nổi dậy đấu tranh chống lại chính quyền Ukraine mới thành lập (những người này chiếm đóng ở phía Đông Ukraine được gọi là lực lượng ly khai) do Nga đứng sau hậu thuận và tài trợ vũ khí đạn dược.
Sau các căng thẳng liên tiếp xảy ra, Nga và Ukraine cắt đứt mọi mối quan hệ. Phía NATO trừng phạt bằng cách ban lệnh cấm vận Nga khiến nền kinh tế Nga cũng sa suốt nghiêm trọng (). Phía Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn cho châu Âu nên cũng phản pháo lại bằng việc điều chỉnh giá dầu cung cấp cho các nước NATO, (việc này cũng ảnh hưởng đến giá xăng dầu của Việt Nam và thế giới). Về phía Ukraine, cuộc chiến tranh 2 bên là lực lượng ly khai và bên chính phủ vẫn diễn ra âm ỉ, thiệt hại rất là nhiều, đặc biệt là kinh tế đi xuống trầm trọng.
Năm 2015, Nga đưa ra một thoả thuận hoà bình, được phía Ukraine chấp thuận (khá là miễn cưỡng) để cứu nền kinh tế Ukraine. Chiến tranh tạm kết thúc, người dân sống bình yên, kinh tế dần hồi phục.
Tuy nhiên những năm gần đây, căng thẳng lại leo thang khi mà kinh tế của Ukraine tốt hơn nhờ vào sự giúp đỡ nhiều của các nước phương Tây (viện trợ tiền, vũ khí, trang bị quân sự, ...). Điều đó làm cho chính quyền của ông Putin lo sợ rằng Ukraine sẽ trở thành đồng minh của NATO, đe doạ sự an toàn của nước Nga.
Năm 2021, Nga hai lần điều quân đến sát biên giới Ukraine vào mùa xuân và cuối mùa thu. Tháng 12, Tổng thống Putin lần đầu tiên ra tối hậu thư yêu cầu Mỹ và NATO không được kết nạp Ukraine và các nước Liên Xô cũ vào liên minh, và không được hỗ trợ quân sự. Nhưng bị NATO từ chối.
Năm 2022, Tổng thống Vladimir Putin công nhận độc lập của hai nước cộng hòa ly khai ở miền đông Ukraine, tuy nhiên theo công bố từ phía Nga thì khu vực của 2 nước cộng hoà này rộng lớn hơn nhiều so với khu vực hiện do quân ly khai đang kiểm soát. . Nga công bố "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở đông Ukraine. Sáng sớm 24-2, ông Putin công bố "chiến dịch quân sự đặc biệt" với mục đích "bảo vệ người dân tại Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Lugansk".
Theo cá nhân mình nghĩ, mục đích thật sự của Nga là không muốn Ukraine gia nhập vào NATO, vì vậy cho quân sang đánh để các bên có thể ngồi vào bàn đàm phán đưa ra phương án cũng như chấp thuận điều khoản phía NATO không được kết nạp Ukraine. Còn việc dẫn đến thế chiến thứ 3 hay chiến tranh hạt nhân thì mình nghĩ không phải là mục đích của cuộc chiến lần này vì đối với NATO và các đồng minh thì Ukraine chỉ là đối tác chứ chưa thành viên của Ukraine nên không thể áp dụng quy định bảo vệ thành viên giữa các nước NATO. Ông Biden và NATO cũng đưa ra thông báo rằng về bản chất đây chỉ là xung đột khu vực nếu các nước nhảy vào là cuộc chiến Ukraine sẽ được xem như là động thái gây hấn với phía Nga thì cuộc xung đột này sẽ chuyển trạng thái thành xung đột đa quốc gia, có khả năng ảnh hưởng đến toàn cầu. Vì vậy các bên khác, cũng như các quốc gia đứng bên ngoài chỉ cố tác động là suy yếu Nga bằng cách hỗ trợ về tiền và vũ khí cho Ukraine, trừng phạt về giao thương và kinh tế đối với các đối tác phía Nga. Mình từng xem 1 clip Ông Putin đại ý nói là: bất kỳ bước tiến về phía Đông nào của NATO là không chấp nhận được. NATO đến sát biên giới Nga, rồi cho phép Ukraine gia nhập NATO thì Mỹ có thể triển khai các hệ thống vũ khí, tên lửa ở gần Nga, ngay trước hiên nhà của Nga. Nga thì không thể làm gì được, không tiến đến biên giới của Anh hay Mỹ, ...
Việt Nam chúng ta cũng từng là nạn nhân bị tổn thương sau chiến tranh chúng ta quá rõ cái giá của nó là quá đắt, chiến tranh xảy ra thì người khổ nhất cũng chính là người dân của các nước liên quan đó, chiến tranh càng kéo dài thì người dân càng khổ thêm. Thế nên chỉ mong các bên có thể êm xui, đàm phán để đem lại hoà bình cho tất cả mọi người.
(Hết)