Cơ sở lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa (Phần 1).
Mục đích của bài viết nhằm cung cấp những bằng chứng lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lời đầu tiên
Mục đích của bài viết nhằm cung cấp những bằng chứng lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, bài viết cũng sẽ luận bàn và bác bỏ những luận điệu ngụy tạo và phi lý của chính quyền Bắc Kinh. Cần phải khẳng định rằng nước ta có quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Khác với những bằng chứng ngụy biện “chủ quyền có từ thời cổ đại” của Trung Quốc, những bằng chứng của phía ta khách quan và căn cứ từ thế kỷ XVII trở đi. Tôi cho rằng, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng và lý luận cũng quan trọng không kém so với đấu tranh trên phương diện chính trị và ngoại giao. Mỗi người dân Việt Nam chúng ta nên được trang bị đầy đủ tri thức đúng đắn để có thể phản biện, chống lại những căn cứ vô lý từ phía Trung Quốc. Cần phải đấu tranh khôn ngoan, kiên trì với cái đầu lạnh và trái tim nóng. Trong phần hai của bài viết, tôi sẽ phản biện những chứng cứ ngụy tạo từ phía Trung Quốc. Là một con dân nước Việt, tôi cho rằng bản thân tôi có trách nhiệm chia sẻ những bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý về chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa đến quý độc giả. Tôi nghĩ rằng, trong tương lai, khi có cơ hội, đất nước ta sẽ giành lại được chủ quyền đối với hai quần đảo, ta sẽ không bao giờ lặp lại những sai lầm lịch sử một lần nào nữa. Tôi tin rằng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ có những quyết định sáng suốt và đấu tranh một cách khôn khéo, quyết liệt đến cùng.
Bằng chứng lịch sử và pháp lý khách quan từ thế giới và Việt Nam
Đại Thanh Đế Quốc Toàn đồ được xuất bản vào năm Quang Tự thứ 31 cho thấy cương vực lãnh thổ của Trung Quốc giới hạn đến đảo Hải Nam trên vĩ tuyến thứ 18, không bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hoàn toàn không có bất cứ địa danh nào gọi là “Tây Sa” và “Nam Sa”.
“Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ” chép rằng (đã dịch):
Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), chuẩn y lời tâu rằng: Hoàng Sa thuộc khu vực ngoài biển rất là hiểm yếu. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834) đã phái biển binh thủy quân và giám thành đến nơi xem xét, vì có gió, lụt nên chưa thăm dò được nơi đích xác. Năm qua lại phải ra dựng miếu, dựng bia. Còn việc họa đồ chỉ được một chỗ chưa được rõ ràng. Có lẽ hằng năm cần phải đi thăm dò khắp chỗ thuộc đường biển. Nay cần tư cho 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định chiếu lệ năm trước, thuê bắt thuyền dân và bắt người đi trước đều đến tỉnh Quảng Ngãi, vẫn phái biển binh thủy quân và giám thành cưỡi chiếc thuyền sơn đen lái đến Hoàng Sa. Không cứ đào nào, cửa biển nào thuyền chạy đến sẽ đếm nơi ấy chiều dài, chiều ngang, bề cao, bề rộng, chu vi đều bao nhiêu và bốn bề nước biển nông hay sâu. Có cát ngầm, đá mỏm hay không, hình thế hiểm trở hay bình thường, xem đo tỏ tường vẽ thành bản đồ. Lại chiếu khi khởi hành, do cửa biển nào ra biển, trong phương hướng nào mà lái đến nơi ấy, cứ theo đường thủy đã đi khấu tính ước được bao nhiêu dặm đường. Lại ở chốn ấy trông vào bờ đối diện là tỉnh hạt nào. Là phương hướng nào. Ước lượng cách bờ bao nhiêu dặm đường. Ghi nói minh bạch trong họa đồ rồi vẽ trình lên. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chiếu theo lẽ ấy mà làm.
Trong “Đại Nam thực lục chính biên” (đệ nhị kỷ, quyển 154, tờ 4) chép rằng Hoàng đế Minh Mạng sai người chở vật liệu ra lập miếu thờ thần Hoàng Sa, qua đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam:
Dịch: Dựng miếu thờ thần Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam có miếu cổ, có tầm bài khắc bốn chữ “Vạn lý ba bình”, cồn cát chu vi 1070 trượng, tên cũ là núi Phật Tự, bờ Đông, bờ Tây, Nam đều là đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía Bắc giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát, gọi là bàn Than Thạch. Năm ngoái, Hoàng đế toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được. Đến nay mới sai Cai đội Thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ, Giám thành cùng phu thuyền 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu cách tòa miếu cổ 7 trượng. Bên tả miếu dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong. 10 ngày làm xong rồi về.
Năm 1695, nhà sư Thích Đại Sán đến Phú Xuân theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu đã nhắc đến địa danh “Vạn lý Trường Sa” ngoài Biển Đông trong quyển 3 của tập sách “Hải ngoại kỷ sự”. Trích một đoạn sách do Nguyễn Phương và Nguyễn Duy Bột (Viện đại học Huế - Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, 1963) dịch:
Khách có người bảo: mùa gió xuôi trở về Quảng Đông chừng vào độ nửa tháng trước sau tiết lập thu; chừng ấy, gió tây nam thổi mạnh, chạy một lèo gió xuôi chừng bốn năm ngày đêm có thể đến Hổ Môn. Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bấc dần dần nổi lên, nước chảy về hướng Đông, sức gió nam yếu, không chống nổi dòng nước chảy mạnh về Đông, lúc ấy sẽ khó giữ được sự ổn tiện vậy. Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam; đống cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm vào ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là Vạn lý Trường Sa, mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa; Nếu thuyền bị trái gió trái nước tất vào, dầu không tan nát, cũng không gạo không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quãng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Thời Quốc vương trước, hằng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tất vào. Mùa thu nước dòng cạn, chảy rút về hướng đông, bị một ngọn sóng đưa đi thuyền có thể trôi xa cả trăm dặm; sức gió chẳng mạnh, sợ có hiểm hoạ Trường Sa.
Đại Nam nhất thống toàn đồ thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Trên bản đồ của Đức vào năm 1876 vẽ vùng Viễn Ấn (Hinter -Indien) với chú thích ghi rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc xứ An Nam.
Bức bản đồ do Trung Hoa bưu chính dư đồ, Bưu chính Tổng cục Giao thông bộ Trung Hoa Dân quốc ấn hành năm 1919, nêu rõ cực Nam lãnh thổ nước này. Cương vực lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
“Quốc triều chính biên toát yếu”, quyển 3, tờ 110 chép lại sự việc Hoàng đế Minh Mạng sai người cứu giúp thuyền buôn của nước Anh Cát Lợi gặp nạn khi đi qua vùng biển Hoàng Sa vào năm 1836, trích phần tô đỏ đã được dịch:
Tháng 12, tàu buôn nước Anh Cát Lợi qua bãi Hoàng Sa, bị cạn ghé vào bờ biển Bình Định hơn 90 người. Hoàng đế Minh Mạng sai tìm nơi cho ở và hậu cấp tiền gạo. Thuyền trưởng, đầu mục tỏ ra rất cảm kích. Hoàng đế Minh Mạng sắc cho phái viên đi Tây, Nguyễn Tri Phương đem mấy người ấy xuống bến ở Hạ Châu đưa về nước.
Vào nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) xứ Đàng Trong đã tổ chức “Đội Hoàng Sa” lấy người từ xã An Vĩnh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) từ tháng Giêng đến tháng 8 âm lịch ra quần đảo Hoàng Sa thu lượm những tài nguyên của đảo, hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về qua cửa biển Tư Hiền để dâng nộp. Cùng với nhiệm vụ khai thác hải sản và hàng hóa trên quần đảo, nhà Nguyễn còn tổ chức đo đạc, khảo sát, dựng bia, cắm mốc, trồng cây trên quần đảo. Chúa Nguyễn cũng tổ chức thêm “Đội Bắc Hải” lấy người thôn Tứ Chính hoặc xã Cảnh Dương (Bình Thuận) ra quần đảo Trường Sa với cùng nhiệm vụ như đội Hoàng Sa. Trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn có chép rằng:
Phủ Quảng Ngãi huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia phải đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngot. Trong đảo có bãi cát vàng dài, ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy [...] Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhân giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn.
Qua “Phủ biên tạp lục” ta có thể thấy việc quản lý quần đảo Hoàng Sa là một chủ trương nhất quán của các chúa Nguyễn để thực thi chủ quyền. Hằng năm đều có cử đội thuyền Hoàng Sa cắt phiên nhau ra đảo từ tháng 2 đến tháng 8. Khi đi đều có lệnh nhận giấy sai đi và khi về đều phải báo cáo lại phủ chúa ở Phú Xuân và rồi lĩnh bằng trở về. Từ đó, qua nhiều đời Chúa Nguyễn, đến thời Tây Sơn và các đời Hoàng đế Nguyễn Triều sau này, các Đội Hoàng Sa, Đội Bắc Hải hằng năm đều đi ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo yêu cầu, chỉ thị của triều đại phong kiến Việt Nam. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải là các tổ chức vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý nhà nước về biển, đảo của nước ta.
“Lịch triều hiến chương loại chí” viết rằng:
Xã An Vĩnh, huyện Bình Dương ở gần biển. Ngoài biển, phía Đông Bắc có đảo [Hoàng Sa] nhiều núi linh tinh, đến hơn 130 ngọn núi. Đi từ núi [chính] ra biển ước chừng một vài ngày hoặc một vài trống canh. Trên núi có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước 30 dặm, bằng phẳng rộng rãi... Các đời Chúa [Nguyễn] đặt đội Hoàng Sa 70 người, người làng An Vĩnh, thay phiên nhau đi lấy hải vật. Hàng năm, cứ đến tháng 3, khi nhận được lệnh sai đi, phải đem đủ 6 tháng lương, chở 5 chiếc thuyền nhỏ ra biển, 3 ngày 3 đêm mới đến đảo ấy ([tức Hoàng Sa])... Đến tháng 8 thì đội ấy lại về, vào cửa Yêu Môn (tức cửa Thuận An) đến thành Phú Xuân, đưa nộp.
Bản đồ Trung Quốc năm 1740 là bản sao nguyên gốc của bản đồ d'Anville 1735, do cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2014. Lãnh thổ nhà Thanh (Trung Quốc) vào đầu thời Hoàng đế Càn Long khoảng 1735 - 1740 lúc cực thịnh, không bao gồm quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa. Đương thời Chúa Nguyễn của Việt Nam khai thác quần đảo Hoàng Sa.
Bản đồ của sách “Phủ biên tạp lục” miêu tả rõ Hoàng Sa (Bãi Cát Vàng) thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bia chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam thời Pháp thuộc dựng năm 1938 tại đảo Hoàng Sa của quần đảo Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa (Paracels) liên tục từ năm 1816 (niên hiệu Gia Long thứ 14) đã thuộc chủ quyền của vương quốc An Nam (thời độc lập, quốc hiệu Việt Nam), cho đến thời điểm dựng bia năm 1938 (thời Pháp thuộc, Indochine française).
Bản quốc địa đồ trong sách “Khải đồng thuyết ước” khắc in dưới triều Hoàng đế Tự Đức có thể hiện địa danh Hoàng Sa bằng chữ Hán thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Chaigneau, cố vấn của Hoàng đế Gia Long đã viết rằng:
Nước Cochinchine mà nhà vua bấy giờ đã lên ngôi Hoàng đế, gồm Cochinchine, xứ Tonkin (Đông Kinh), một vài đảo có dân cư không xa bờ biển và quần đảo Pracel (Hoàng Sa) do những đảo nhỏ, ghềnh và đá không có dân cư hợp thành.
Sau khi chiếm được nước Đại Nam, Pháp đại diện và nhân danh triều đình nhà Nguyễn trong đối ngoại và thực hiện chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Từ năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ra quyết định xây một cột hải đăng trên Hoàng Sa, nhưng do ngân sách khó khăn nên công trình không thực hiện được. Ngày 8 tháng 3 năm 1925, Toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin ra tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp. Từ năm 1925 đến 1927, Pháp đã cho tiến hành những thí nghiệm khoa học trên đảo Hoàng Sa do Tiến sĩ A.Krempf, Giám đốc Viện Hải dương học Nha Trang tổ chức thực hiện trên tàu lưới kéo De Lanessan.
Tuần báo L’Éveil Économique de l’Indochine ra số đầu tiên vào thứ bảy, ngày 16/6/1917 và số cuối cùng vào năm 1934. Người sáng lập và cũng là tác giả của nhiều bài viết trong tuần báo này là Henri Cucheroussset (1879 – 1934). Ông qua đời tại Hà Nội và cũng là người đặc biệt yêu mến Hoàng Sa. Ông Henri Cucheroussset đã đưa vấn đề ra Thượng viện và Hạ viện Pháp, vì lý do Toàn quyền Đông dương ở Hà Nội không đủ nỗ lực quan tâm đến vấn đề. Trên tờ tạp chí này, các sự kiện sau đây đã được phản ánh:
1. Các đề nghị đối với chính quyền bảo hộ, gồm: Đặt trạm hải đăng, trạm khí tượng, trạm phát sóng cực ngắn, các phao đèn và cọc tiêu, vẽ các bản đồ quần đảo Hoàng Sa: tỷ lệ 1:200.000, & 1:25.000. Xây dựng cảng cá và tổ chức nơi trú ẩn cho ngư dân, phát triển công nghiệp cá, phát triển các tầu đánh cá có thể đánh bắt xa bờ từ 2 đến 300 km. Thiết lập hệ thống hành chính trên hai quần đảo và cần thiết có quân đội thường trú bảo vệ và tuần tra khu vực. Trách nhiệm của nước Pháp và các quan chức Pháp tại Đông Dương. 2. Tác giả trách một số quan chức Đông Dương vô trách nhiệm đối với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa như Monguillot, Trung tá Rémy (hạm trưởng Hải quân Pháp tại Sài Gòn) và đặc biệt là ông Toàn quyền Pière Pasquier. Và nhờ đó, các chính khách đã quan tâm đến vấn đề quần đảo Hoàng Sa đề nghị tổ chức một hội nghị về quần đảo này tại Luxembourg và lâu đài Bourbon. 3. Vỉa phốt phát có diện tích khoảng 4 triệu mét vuông có độ dầy trung bình 2 mét, tức 8 triệu mét khối và với có thể thu được 2 tấn/mét khối phốt phát tức 16 triệu tấn phốt phát ở Hoàng Sa. Tuy nhiên, chính quyền quản lý lơ là để Nhật Bản và Trung Quốc khai thác bất hợp pháp, không mang lại đồng nào cho An Nam.
Ngày 13/4/1930, bằng con tàu Malicieuse, nước Pháp đã chính thức đặt chủ quyền của An Nam (dưới sự bảo hộ của Pháp) đối với quần đảo Trường Sa.
Ngày 30 tháng 3 năm 1938, Hoàng đế Bảo Đại ra dụ số 10 tách quần đảo Hoàng Sa ra khỏi địa hạt tỉnh Quảng Ngãi và đặt vào tỉnh Thừa Thiên. Ngày 15-6-1938, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định số 156-S-V thành lập đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Năm 1938, Pháp đặt một trạm khí tượng trên đảo Phú Lâm mang số hiệu 48.859, một trạm khí tượng mang số hiệu 48.860 và một trạm vô tuyến TSF trên đảo Hoàng Sa, đồng thời đưa một đơn vị lính bảo an Việt Nam ra đồn trú tại Hoàng Sa và tiến hành dựng bia chủ quyền ở đảo Hoàng Sa, trên cột mốc có ghi dòng chữ “République française - Royaume d’Annam-Archipel de Paracel 1816 - Ile de Pattle 1938” (Cộng hòa Pháp, Đế quốc An Nam, quần đảo Hoàng Sa - 1816, đảo Hoàng Sa - 1838).
Ngày 14 tháng 10 năm 1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao quyền kiểm soát quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cho chính phủ Quốc gia Việt Nam, do Bảo Đại đứng đầu.
Ngày 6 tháng 9 năm 1951, Tại Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hoà bình với Nhật Bản, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố rằng cả quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa đều thuộc lãnh thổ Việt Nam, và không gặp phải kháng nghị hay bảo lưu nào từ 51 nước tham dự hội nghị.
Trích: Sắc lệnh số 174-NV ngày 13 tháng 7 năm 1961 đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy danh hiệu là xã Định Hải trực thuộc quận Hòa Vang. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Chiếu sắc lệnh số 124-TTP ngày 28 tháng 5 năm 1961 ấn định thành phần Chính phủ; Chiếu dụ số 57-a ngày 24 tháng 10 năm 1956 cải tổ nền hành chính Việt Nam; Chiếu nghị định số 3282 ngày mùng 5 tháng 5 năm 1939 sửa đổi và bổ túc nghị định số 156-SG ngày 15 tháng 6 năm 1932, ấn định tổ chức hành chính tại quần đảo Hoàng Sa; Chiếu dụ số 10 ngày 30 tháng 3 năm 1938 sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên; Chiếu nghị định số 335-NC/P6 ngày 24 tháng 6 năm 1958 và các văn kiện kế tiếp ấn định các đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam; Chiếu đề nghị của Bộ trưởng nội vụ, SẮC LỆNH Điều thứ nhất, quần đảo Hoàng Sa, trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, nay đặt thuộc tỉnh Quảng Nam. Điều thứ hai, một đơn vị hành chính xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải, trực thuộc huyện Hòa Vang. Xã Định Hải đặt dưới quyền một phái viên hành chính . Điều thứ ba, Bộ trưởng nội vụ, tỉnh trưởng Thừa Thiên và tỉnh trưởng Quảng Nam, chiếu nhiệm vụ, lãnh thi hành sắc lệnh này. Sài Gòn, ngày 13 tháng 7 năm 1961.
Cùng với bản Hiến pháp các năm 1980, 1992, Luật biên giới quốc gia năm 2003, Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam.
Trong các năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam đều có công bố các Bạch thư về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 9 tháng 12 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Nghị quyết ngày 6 tháng 11 năm 1996 tại kỳ họp thứ X Quốc hội khoá IX nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tách huyện Hoàng Sa khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, sáp nhập vào thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Ngày 23 tháng 6 năm 1994; Quốc hội Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 có nghị quyết nêu rõ:
Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực.
Ngày 21 tháng 06 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 bỏ phiếu thông qua Luật Biển, gồm 7 chương, 55 điều. Ngay ở Điều 1 luật đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo từ 12/04/2022, hoàn thành vào 14/04/2022.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất