Lời đầu tiên

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Mục đích của bài viết này nhằm phân tích, làm rõ tương quan, quan điểm, chính sách và thế trận đối địch giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh cuộc so găng vị trí bá chủ toàn cầu của hai nước này trong thời điểm hiện nay. Tiêu đề của bài là cách gọi của riêng cá nhân tác giả về vấn đề tranh bá giữa hai quốc gia này, được lấy ý tưởng từ sự kiện “Hán - Sở tranh hùng” trong lịch sử Trung Quốc. Bài viết là phần đầu tiên trong loạt các bài về chủ đề “Mỹ - Trung tranh hùng”. Cơ sở lý luận trong bài được căn cứ trên lý thuyết Khoa học chính trị, Chủ nghĩa hiện thực kết hợp với Địa - Chính trị và tình hình kinh tế - xã hội của các nước. Như thường lệ, bài viết không thể hiện quan điểm chính trị của tác giả, đồng thời cũng không nêu lên vấn đề ủng hộ bất cứ bên nào có liên quan. Tôi rất hoan nghênh ý kiến đóng góp của quý vị. Tuy nhiên, những bình luận không nhằm xây dựng kiến thức, những bình luận tiêu cực, công kích cá nhân, trái với thuần phong mỹ tục nước ta sẽ không được chấp nhận ở đây.
Để cho quý độc giả dễ theo dõi, bài viết được chia làm hai phần chính, gồm các đề mục nhỏ như sau:
Phần I: Tương quan 1. Các chỉ tiêu so sánh. 1.1. Kinh tế. 1.2. Quân sự. 1.3. Khoa học - Kỹ thuật và Giáo dục. 2. Mỹ và cách Mỹ trở thành siêu cường độc tôn. Phần II: Thế trận 1. Thế trận địa lý và kinh tế nhằm phong ấn Trung Quốc của Mỹ. 2. Trung Quốc - kẻ thách thức bá chủ thế giới.

Phần I: Tương quan

1. Các chỉ tiêu so sánh.

1.1. Kinh tế
Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc.
Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc.
Theo số liệu của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP danh nghĩa của Trung Quốc vào năm 2021 ước đạt 16,64 nghìn tỷ USD, đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ [1]. GDP danh nghĩa (nominal gross domestic product) là tổng sản phẩm quốc nội được tính theo giá thị trường hiện tại, nó được xem là giá trị tiền tệ của tất cả các hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một quốc gia. GDP danh nghĩa được xem là chỉ số đánh giá sản xuất kinh tế trong một nền kinh tế của quốc gia nào đó gồm giá hiện tại trong tính toán. Cũng theo IMF, GDP theo sức mua tương đương (PPP) của Trung Quốc ước đạt 26,66 nghìn tỷ USD vào năm 2021, đứng đầu thế giới. GDP theo sức mua tương đương là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo sức mua tương đương, có thể hiểu nó là chỉ số để tính tỷ giá hối đoái giữa đơn vị tiền tệ của hai nước. Tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt 8,1% trong năm 2021, vượt xa mục tiêu hàng năm của Quốc vụ viện (Chính phủ Trung Quốc) là đạt tốc độ tăng trưởng trên 6%. GDP bình quân đầu người của nước này ước đạt 11.819 USD/người tính theo GDP danh nghĩa và 18.931 USD/người tính theo GDP PPP. Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong 11 tháng đầu năm 2021, vốn FDI đổ vào Trung Quốc đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ nhân dân tệ để đạt mức 1.040 tỷ nhân dân tệ (157,2 tỷ USD). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số chủ chốt về lạm phát giá bán lẻ, tăng 1,5%. Lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc vẫn ở mức thấp trong tháng 1/2022. Lạm phát lõi, lạm phát đã loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, tăng 1.2%, tương đương với mức của tháng 11 và 12/2021. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang khá ảm đạm vì tác động của đại dịch COVID-19. Bắc Kinh đã chuyển sang hướng hỗ trợ tăng trưởng vào cuối năm 2021 khi thị trường bất động sản suy yếu và dịch bệnh tái bùng phát.
Thành phố New York, trung tâm tài chính của Mỹ và thế giới.
Thành phố New York, trung tâm tài chính của Mỹ và thế giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, nền kinh tế Mỹ vẫn là nền kinh tế đứng đầu thế giới. Cụ thể, theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP danh nghĩa của Mỹ ước đạt 22,68 nghìn tỷ USD trong năm 2021, đứng đầu thế giới [2]. Theo IMF, GDP theo sức mua tương đương của Mỹ trong năm 2021 ước đạt khoảng 22,94 nghìn tỷ USD, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc [3]. GDP bình quân đầu người của Mỹ ước đạt 69.375 USD/người trong năm 2021 tính theo GDP danh nghĩa và cũng số liệu này tính theo GDP PPP. Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển công bố vào 24/01/2021, vốn FDI vào Mỹ đã giảm 49% vào năm 2020 còn 134 tỷ USD. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/02/2022 cho thấy trong vòng 12 tháng tính đến tháng 1/2022, giá tiêu dùng tại nước này đã tăng 7,5%. So với tháng 12/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 1/2022 tăng 0,6%. Lạm phát ở Mỹ đã lên tới 7,9% trong vòng 1 năm qua, mức cao nhất kể từ năm 1982 trong khi giá cả dự kiến vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bộ Lao động Mỹ vào 10/03/2022 thông báo lạm phát trong năm kết thúc vào tháng 2 vừa qua đã tăng lên 7,9%, mức cao nhất trong vòng 40 năm. Lạm phát từ tháng 1 tới tháng 2 tăng 0,8% so với mức tăng 0,6% từ tháng 12 tới tháng 1. Các chỉ số này thậm chí còn chưa tính đến việc giá xăng dầu tăng kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine, giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ đã tăng khoảng 62 cent lên 4,32 USD/gallon tương đương 3,78 lít.
Biểu đồ cho thấy tiến trình lạm phát của Mỹ trong thập niên vừa qua, với màu tím là chỉ số giá tiêu dùng (CPI), màu xanh là chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi không gồm giá thực phẩm và xăng dầu (Core CPI), màu đỏ là chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và màu vàng là PCE cốt lõi. Nguồn: Reuters
Biểu đồ cho thấy tiến trình lạm phát của Mỹ trong thập niên vừa qua, với màu tím là chỉ số giá tiêu dùng (CPI), màu xanh là chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi không gồm giá thực phẩm và xăng dầu (Core CPI), màu đỏ là chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và màu vàng là PCE cốt lõi. Nguồn: Reuters
1.2. Quân sự
Tương quan quân sự Mỹ và Trung Quốc. Nguồn ảnh: Hanoimoi.com.vn
Tương quan quân sự Mỹ và Trung Quốc. Nguồn ảnh: Hanoimoi.com.vn
Theo bảng xếp hạng của trang Global Firepower, Mỹ là cường quốc quân sự mạnh nhất trên thế giới, Trung Quốc đứng thứ ba sau Nga. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, Mỹ có ngân sách quân sự lớn nhất thế giới. Washington đã chi 778 tỷ đô la cho quân đội vào năm 2020, tăng 4,4% so với năm trước nhưng giảm 10% so với năm 2011. Trung Quốc là quốc gia có ngân sách quân sự lớn thứ hai nhưng khó ước tính chính xác quy mô ngân sách này. Năm 2019, Bắc Kinh cho biết đã chi khoảng 183 tỷ USD cho quốc phòng. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm ước tính ngân sách quốc phòng thực tế của Trung Quốc cao hơn khoảng 40% vì còn có nhiều các khoản khác, ước tính ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 240 tỷ USD năm 2019 và 252 tỷ USD năm 2020.
Theo báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc 2020 do Lầu Năm Góc thực hiện, lực lượng bộ binh của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) là lực lượng mặt đất lớn nhất thế giới với 915.000 binh sĩ, gần gấp đôi so với con số 486.000 của Mỹ. Trung Quốc đã đưa vào sử dụng trong bộ binh các loại vũ khí tự động nhẹ hơn nhưng uy lực hơn. Đồng thời, nước này cũng đã chuyển phần lớn trọng tâm hoạt động sang công nghệ kỹ thuật số. Theo Forbes, Mỹ có 6.333 xe tăng và có lượng xe thiết giáp nhiều thứ 2 thế giới sau Nga, trong khi Trung Quốc đứng thứ 3 với 5.800 xe tăng.
Mỹ vẫn duy trì thế vượt trội với hơn 13.000 máy bay quân sự, trong đó 5.163 máy bay hoạt động trong Không quân Mỹ, trong số này có cả F-35 Lightning II và F-22 Raptor - những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới. Trong khi đó, lực lượng không quân Trung Quốc, gồm cả không quân và không quân hải quân, là lực lượng không quân lớn thứ 3 thế giới với hơn 2.500 máy bay trong số đó khoảng 2.000 máy bay chiến đấu, theo báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc vào năm 2020.
Theo báo cáo của Quốc hội Mỹ, lực lượng hải quân của Trung Quốc lớn nhất thế giới với 360 tàu, trong khi Mỹ chỉ có 297 tàu. Cần phải lưu ý rằng lợi thế về số lượng của Trung Quốc nằm ở đội tàu nhỏ hơn, như các tàu tuần duyên. Đối với các loại tàu chiến lớn, Mỹ lại vượt trội cả về số lượng, công nghệ cũng như kinh nghiệm. Mỹ có 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi Trung Quốc chỉ có 2 tàu sân bay gồm Liêu Ninh và Sơn Đông. Cả hai tàu đều được thiết kế dựa trên tàu sân bay lớp Kuznetsov của Liên Xô và không phải loại chạy năng lượng hạt nhân. Tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể thực hiện các hành trình dài hơn so với các loại tàu sân bay chạy năng lượng thông thường, là một yếu tố quan trọng trong quân sự. Mỹ có kho hạt nhân lớn thứ 2 thế giới sau Nga với 7260 đầu đạn. Trung Quốc đứng thứ 4 với khoảng 260 đầu đạn (Trung Quốc không tiết lộ cụ thể số lượng đầu đạn hạt nhân mà nước này sở hữu, đây chỉ là số liệu ước tính khách quan từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm).
Nguồn ảnh: vtc.vn
Nguồn ảnh: vtc.vn
1.3. Khoa học - Kỹ thuật và Giáo dục.
Đối với tương quan về khoa học - kỹ thuật giữa hai nước, tôi sẽ so sánh số lượng bằng sáng chế và số lượng giải Nobel. Năm 2020, Trung Quốc đã đăng ký tổng cộng trên 68.000 bằng sáng chế trong khi Mỹ chỉ có trên 59.000. Trung Quốc là nước có số lượng bằng sáng chế hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO). Mỹ đã đứng đầu liên tục danh sách này kể từ năm 1978 cho đến khi bị Trung Quốc vượt qua vào năm 2019. Từ 1999 đến 2019, số đơn đăng ký bằng sáng chế phát minh của Trung Quốc đã tăng gấp 20 lần. Tính đến thời điểm khi tôi viết bài này, Mỹ là quốc gia giành được nhiều giải Nobel nhất với 400 huy chương. Trung Quốc chỉ có 8 giải Nobel, gần đây nhất là giải Nobel Y sinh của bà Đồ U U vào năm 2015.
Về giáo dục, Mỹ là một trong những nền giáo dục hàng đầu thế giới. Trong năm 2018 - 2019, có trên 1,1 triệu sinh viên quốc tế đang học tập tại các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ. Con số này đối với Trung Quốc là trên 390.000 trong năm 2015. Theo trang TopUniversities, các trường đại học danh tiếng của Mỹ như MIT, Stanford, Harvard nằm trong Top 10 trường đại học tốt nhất thế giới. Cũng theo trang này, Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc lần lượt đứng thứ 17 và 18 [4].

2. Mỹ và cách Mỹ trở thành siêu cường độc tôn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
“Siêu cường” là thuật ngữ dùng để chỉ một quốc gia đứng đầu trong hệ thống quốc tế, có khả năng gây ảnh hưởng về kinh tế và chính trị và phô trương sức mạnh và tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới. Siêu cường có phạm vi ảnh hưởng và quyền lực mạnh hơn cường quốc, siêu cường đóng vai trò lãnh đạo chủ chốt trên trường quốc tế, có khả năng áp đặt hệ tư tưởng chính trị, văn hóa, ảnh hưởng kinh tế, quyền lực mềm lên các quốc gia khác mà không sợ bị trả đũa hoặc trừng phạt.
Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, có ba quốc gia được xem là siêu cường là Mỹ, Liên Xô và Đế quốc Anh. Qua hàng loạt các nước thuộc địa tuyên bố độc lập, đặc biệt là Ấn Độ và cuộc khủng hoảng kênh đào Suez vào năm 1956 đã đánh dấu sự yếu kém và suy giảm ảnh hưởng nghiêm trọng của Đế quốc Anh với vai trò là một siêu cường. Anh không còn có thể cạnh tranh với Mỹ và Liên Xô trong vai trò lãnh đạo thế giới và đã trở thành một đồng minh của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ được xem là siêu cường duy nhất, độc tôn trên toàn cầu.
Duy trì quyền lực, hơn là phát triển nó, là mục tiêu trọng tâm của các quốc gia.
- Trích trong quyển “Bi kịch của chính trị cường quốc”, Giáo sư John Mearsheimer.
Như những số liệu về Kinh tế, Quân sự và Khoa học - Kỹ thuật đã được nêu ở phần 1, Mỹ là quốc gia đứng đầu trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Nền kinh tế Mỹ ước tính chiếm khoảng 25% nền kinh tế thế giới, là đối tác thương mại quan trọng của nhiều quốc gia. Về địa lý, Mỹ có diện tích 9.834.000 km vuông, đứng sau Nga, Canada và Trung Quốc (nếu tính cả Đài Loan và các khu vực tranh chấp với Ấn Độ, Nhật Bản). Vị trí địa lý đặc biệt của Mỹ ở Tây Bán Cầu khiến nước này tránh được nhiều cuộc chiến tranh với thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó, Mỹ có chỉ số phát triển con người (HDI) đứng thứ 17 thế giới trong năm 2019. Trong tổng số 500 công ty lớn nhất thế giới, có 134 công ty đặt trụ sở tại Mỹ. Các tập đoàn Mỹ giữ nhiều vai trò trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, bán dẫn, điện tử, viễn thông, hóa chất và phần mềm. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Microsoft, Google, Tesla, Intel,... đều là công ty Mỹ. Mỹ có rất nhiều các nước đồng minh như các nước thuộc khối NATO, Ả Rập Xê Út, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, Philippines. Văn hóa Mỹ ảnh hưởng trên khắp thế giới, từ các chuỗi đồ ăn nhanh cho đến các thể loại âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh Hollywood,... Trong các kỳ Olympic, Mỹ cũng sở hữu đến 2522 huy chương, trong đó có 1061 huy chương vàng tại thế vận hội mùa hè và 305 huy chương tại thế vận hội mùa đông. Hệ thống các căn cứ của Mỹ ở nước ngoài như một mạng nhện khổng lồ, cho phép nước này có thể triển khai các lực lượng quân đội một cách nhanh chóng trên bất cứ khu vực nào và mang tính răn đe các quốc gia khác.
Hệ thống các căn cứ quân sự Mỹ trên khắp thế giới.
Hệ thống các căn cứ quân sự Mỹ trên khắp thế giới.
Quyền lực mềm mạnh nhất của Mỹ là hệ thống Petrodollar (đô la dầu mỏ). Hệ thống Petrodollar có nguồn gốc từ Thỏa thuận Bretton Woods. Đến năm 1971, vì tình trạng lạm phát quá lớn, Tổng thống Mỹ khi đó là Nixon tuyên bố rằng đồng đô la Mỹ sẽ không còn được dùng để đổi lấy vàng, đánh dấu sự sụp đổ của hệ thống bản vị vàng và dẫn đến sự ra đời của hệ thống Petrodollar, khi Mỹ và Ả Rập Xê Út đồng ý thiết lập giá dầu bằng đô la Mỹ. Điều này có nghĩa là bất kì quốc gia nào muốn mua dầu từ chính phủ Ả Rập Xê Út sẽ phải đổi tiền nước mình thành USD để có thể thanh toán cho dầu mỏ. Sau này, các nước OPEC còn lại cũng làm theo và niêm yết giá dầu của họ bằng đồng USD. Đồng USD trở thành ngoại tệ được dự trữ chủ yếu của các quốc gia. Dầu mỏ không những một nhiên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp và các phương tiện vận tải mà còn là nguyên liệu cho các sản phẩm như nhựa đường, benzen, sáp parafin,... Nói không ngoa rằng bất cứ quốc gia nào muốn phát triển kinh tế đều cần dầu mỏ, mà việc mua dầu mỏ phải cần thanh toán bằng đồng USD. Thông qua hệ thống Petrodollar, Mỹ có thể cấm vận kinh tế bất cứ quốc gia nào đe dọa hoặc thù địch với Mỹ, tác động vô cùng tiêu cực lên các nước đó. Chính nước ta cũng hiểu rõ điều đó hơn ai hết khi đã phải chịu hàng loạt các lệnh trừng phạt và cấm vận của Mỹ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước. Khi có bất kỳ quốc gia nào muốn lật đổ bản vị dầu mỏ của đồng USD, Mỹ sẽ tìm cách ngăn chặn bằng các lệnh cấm vận, trừng phạt hoặc thậm chí là dùng quyền lực cứng đập nát tham vọng này, Iraq và Libya là những ví dụ điển hình.
Bậc quân vương phải dũng mãnh như sư tử, xảo quyệt như loài sói, đối với kẻ phản bội mình thì phải tàn độc như rắn rết, bọ cạp. Bậc quân chủ phải tỏ ra là người từ bi, rộng lượng, biết giữ lời hứa, chân thành, đáng tin, sùng bái thần linh. Nhưng khi cần thiết, phải biết vứt tất cả những phẩm chất đạo đức cao quý đó và thay đổi hoàn toàn thái độ. Tức là, bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Mục đích luôn là cái cớ để biện hộ cho thủ đoạn. Nhưng tuyệt đối không được để mất lòng dân. Bởi vậy, bậc quân vương phải vừa là một kẻ ngụy quân tử và vừa là một tên lừa đảo chuyên nghiệp. - Trích “Quân Vương”, Niccolò Machiavelli.

Phần II: Thế trận

1. Thế trận địa lý và kinh tế nhằm phong ấn Trung Quốc của Mỹ.

Chiến lược chuỗi đảo, vòng kim cô siết chặt Trung Quốc.
Chiến lược chuỗi đảo, vòng kim cô siết chặt Trung Quốc.
Chiến lược chuỗi đảo là một chiến lược vây xung quanh Liên Xô và Trung Quốc bằng đường biển được đề cập bởi nhà bình luận chính sách đối ngoại Mỹ John Foster Dulles vào năm 1951 trong thời gian Chiến tranh Triều Tiên. Sau khi Liên Xô sụp đổ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, mục tiêu chính của học thuyết là Trung Quốc. Mỹ đã thiết lập ra một “Vạn Lý Trường Thành ngược” bao vây Trung Quốc khi nước này còn quá yếu thế so với Mỹ, vốn là hệ quả của Chiến tranh thế giới thứ hai. Chuỗi đảo thứ nhất kéo dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cho đến quần đảo Philippines, Malaysia, Indonesia và thậm chí cả Úc. Chuỗi đảo thứ hai được xem là các đảo là vùng lãnh thổ hoặc căn cứ quân sự Mỹ như Guam. Nếu bạn là nhà lãnh đạo Trung Quốc, khi nhìn ra biển lớn, Trung Quốc đã bị “cắt cụt” đường ra biển Nhật Bản ở Mãn Châu, là hệ quả của lịch sử khi phải nhượng lại cho Đế quốc Nga hơn 1 triệu km vuông đất thời nhà Thanh. Nếu xem bản đồ Trung Quốc tựa như một con gà trống thì bán đảo Triều Tiên là “cái mỏ”, Việt Nam là “cái chân”. Tiếp đến là hàng vạn binh sĩ Mỹ đồn trú ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines,... rồi Hạm đội 7 của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương vốn có thể triển khai quân sự lên Trung Quốc nhanh chóng khi có chiến tranh với Mỹ. Mối đe dọa vây quanh như vậy khiến Trung Quốc khó lòng vươn ảnh hưởng ra biển lớn và Mỹ hoàn toàn có thể phong tỏa, cô lập hoàn toàn nước này khi có biến.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trên mặt trận kinh tế, Mỹ tiến hành chiến tranh thương mại toàn diện với Trung Quốc, tương tự như cái cách đã làm với Nhật Bản trước đây. Mỹ đang tìm cách cô lập và làm suy yếu tiềm lực kinh tế của Trung Quốc bằng cách đánh chặn các công ty công nghệ tiên phong hàng đầu Trung Quốc và giảm thâm hụt thương mại. Huawei đang phải “chết lâm sàng” trước hàng loạt các lệnh cấm vận của Mỹ. Huawei không thể tiếp cận với công nghệ Mỹ, mua chip bán dẫn của Mỹ, phần mềm thiết kế chip của Mỹ, dịch vụ của Mỹ, không thể đúc chip qua TSMC vốn sử dụng công nghệ Mỹ. Thị phần điện thoại thông minh của hãng này giảm sút nghiêm trọng và hoàn toàn bốc hơi trên thị trường thế giới. Các nước khác cũng ngại các sản phẩm viễn thông của Huawei vì an ninh quốc gia và lệnh trừng phạt của Mỹ. Thậm chí, Huawei đã phải... chăn nuôi lợn để tìm lợi nhuận khi mảng điện thoại và viễn thông gần như bị đóng băng. Trong các bài viết tiếp theo, tôi sẽ phân tích rõ hơn về Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và mặt trận kinh tế trong cuộc đối đầu chính giữa hai nước.
Nếu phải gây thương tổn cho ai đó, thương tổn nên đủ nặng nề để không còn cần phải sợ sự trả thù của anh ta.
- Niccolò Machiavelli.

2. Trung Quốc - kẻ thách thức bá chủ thế giới.

Trung Quốc đã nhận ra sự thế trận địa lý bao vây của Mỹ. Vì lẽ đó, nước này đang trở nên hung hăng bành trướng xuống Biển Đông nhằm biến khu vực này thành “ao nhà của Trung Quốc” để tiến ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Cần phải tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, Việt Nam có quyền chủ quyền, quyền tài phán với hai quần đảo này. Tôi sẽ một bài viết khác trong tương lai gần về các bằng chứng không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã và đang chiếm đóng trái phép Hoàng Sa và một phần Trường Sa của Việt Nam, hải chiến Gạc Ma 1988 là ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines và đang cố gắng chiếm quần đảo Natuna của Indonesia. Trung Quốc đã và đang áp dụng chiến lược chia rẽ ASEAN qua sức mạnh kinh tế và quân sự nhằm khiến các nước này xuống thang và nhượng bộ. Brunei đã từ bỏ tuyên bố chủ quyền của nước này với Biển Đông, Malaysia gần như im lặng cho đến gần đây khi cứng rắn hơn với Trung Quốc, Philippines phải xuống thang bất chấp phán quyết có lợi tại Tòa án Công lý Quốc tế và Campuchia đã cho thấy lập trường ủng hộ Trung Quốc. Trung Quốc đã và đang đàm phán riêng rẽ với từng thành viên ASEAN. Đồng thời, Trung Quốc cũng đã ban hành nhiều bộ luật liên quan với âm mưu biến Biển Đông thành sân sau của riêng Trung Quốc. Chỉ có nước ta, với tinh thần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng, sẵn sàng chống lại các tuyên bố phi lý của Trung Quốc, bị Trung Quốc xem là “hòn đá tảng”. Nước ta sẵn sàng nhẫn nhịn nhưng không bao giờ từ bỏ chủ quyền. Tôi tin rằng, trong tương lai, khi có cơ hội, nước ta sẽ không lặp lại sai lầm lịch sử mà sẽ giành lại được chủ quyền toàn vẹn với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trên mặt trận kinh tế, Trung Quốc đang tích cực đầu tư sang nước ngoài qua chiến lược “Vành đai và Con đường” để mở rộng ảnh hưởng và khiến các nước rơi vào bẫy nợ để có được những điều khoản có lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã và đang tích cực sao chép công nghệ Mỹ và Phương Tây và cải tiến chúng. Đồng thời, Trung Quốc đang cố gắng làm suy kiệt và phá vỡ hệ thống Petrodollar của Mỹ và thay vào đó là đồng nhân dân tệ. Vào cuối năm 2017, Trung Quốc tuyên bố rằng nước này đã cân nhắc việc niêm yết giá dầu bằng đồng nhân dân tệ. Vì là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc coi đây là một sự thay đổi hợp lí để niêm yết giá dầu mỏ.
Con người đi từ tham vọng này tới tham vọng khác: đầu tiên, họ tìm cách bảo vệ mình khỏi bị tấn công, và rồi họ tấn công kẻ khác.
- Niccolò Machiavelli.
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo từ 02/04/2022, hoàn thành vào ngày 11/04/2022.
Dẫn nguồn và tư liệu tham khảo:
[1] https://www.imf.org/en/Publications/WEO/weo-database/2021/April/weo-report?c=924,&s=NGDPD,PPPGDP,NGDPDPC,PPPPC,PPPSH,&sy=2015&ey=2026&ssm=0&scsm=1&scc=0&ssd=1&ssc=0&sic=0&sort=country&ds=.&br=1
[2] https://www.imf.org/en/Publications/WEO/weo-database/2021/April/weo-report?c=512,914,612,614,311,213,911,314,193,122,912,313,419,513,316,913,124,339,638,514,218,963,616,223,516,918,748,618,624,522,622,156,626,628,228,924,233,632,636,634,238,662,960,423,935,128,611,321,243,248,469,253,642,643,939,734,644,819,172,132,646,648,915,134,652,174,328,258,656,654,336,263,268,532,944,176,534,536,429,433,178,436,136,343,158,439,916,664,826,542,967,443,917,544,941,446,666,668,672,946,137,546,674,676,548,556,678,181,867,682,684,273,868,921,948,943,686,688,518,728,836,558,138,196,278,692,694,962,142,449,564,565,283,853,288,293,566,964,182,359,453,968,922,714,862,135,716,456,722,942,718,724,576,936,961,813,726,199,733,184,524,361,362,364,732,366,144,146,463,528,923,738,578,537,742,866,369,744,186,925,869,746,926,466,112,111,298,927,846,299,582,487,474,754,698,&s=NGDPD,&sy=2019&ey=2021&ssm=0&scsm=1&scc=0&ssd=1&ssc=0&sic=0&sort=country&ds=.&br=1
[3] https://www.imf.org/en/Publications/WEO/weo-database/2021/October/weo-report?c=111,&s=NGDP_R,NGDP_RPCH,NGDP,NGDPD,PPPGDP,NGDP_D,NGDPRPC,NGDPRPPPPC,NGDPPC,NGDPDPC,PPPPC,NGAP_NPGDP,PPPSH,PPPEX,NID_NGDP,NGSD_NGDP,PCPI,PCPIPCH,PCPIE,PCPIEPCH,&sy=2019&ey=2026&ssm=0&scsm=1&scc=0&ssd=1&ssc=0&sic=0&sort=country&ds=.&br=1
[4] https://www.topuniversities.com/student-info/choosing-university/worlds-top-100-universities