Mấy câu trước khi vào bài:
1. “Chúng ta” ở đây là người Việt Nam, không trực tiếp liên quan tới Nga hay Ukraine. Đối với mỗi sự kiện như vậy thì đừng có mạt sát lẫn nhau và nên phân tích, rút ra những bài học nhất định. Dĩ nhiên đừng tham, toàn bộ các bài học thì đóng được thành sách chứ chả đùa.
2. Bài viết được thực hiện vào ngày 05/3/2022, bởi một người lao động cổ trắng vốn không có nhiều thời gian theo dõi đầy đủ các content gồm clip, ảnh, bài báo… trên đủ các thể loại nền tảng; có trình độ ngôn ngữ tiếng Nga và Ukraine bằng 0. Giọng văn kém nghiêm túc.
OK, chiến tranh Nga Ukraine nổ ra ngày 20/02/2022, giữa lúc dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp nhưng các quốc gia đang tràn đầy hy vọng phục hồi và kiểm soát dịch bệnh. Việc Nga đánh Ukraine trông có vẻ như rất đường đột và bất ngờ, đối với một số người có theo dõi tin tức thì cũng chỉ thấy Nga dọa dẫm rồi lại bảo sẽ không đánh, thời gian kéo dài khoảng vài tháng. Nhưng thực tế, cuộc chiến này đã bắt rễ từ ngày Liên Xô sụp đổ, anh Francis Fukyuama đại diện cho phái Tân Tự do thống lĩnh phương Tây hoan hỉ viết cuốn “Sự cáo chung của lịch sử” (năm kẻ hèn này học đại học cũng bị bắt đọc cuốn này, nhận thức duy nhất: sự tự phụ của phương Tây); chính thức vào đường ray năm 2014, nguy cơ trở nên rõ rệt hơn với hoạt động của Tiểu đoàn Azov tại Đông Ukraine và không thể tránh khỏi khi Ukraine tuyên bố muốn gia nhập NATO. Tổng quá trình có nhõn 3 thập kỷ, thế nên nó phức tạp vô cùng. Mà kết quả của nó cũng sẽ tạo nên những động lực chính trị phức tạp chả kém. Trong bài viết này thì tôi chỉ bàn về 1 góc của 1 phần của cuộc chiến, đó là tuyên truyền.
1. Đầu tiên là vấn đề đáng bàn nhất – những thông tin chúng ta nhận được đáng tin tới đâu.
Tới ngày 05/3/2022, báo chí Việt Nam đưa tin dè dặt. Đầu giờ sáng sẽ là các thông tin mà cả hai phía đều xác nhận, ví dụ Nga di chuyển, tiến quân vào đâu; chiếm thành phố, địa điểm nào; bao vây địa điểm nào; giao tranh đang xảy ra ở địa điểm nào. Sau đó, sẽ là những thông tin không thể không đưa vì nó tràn ngập báo chí quốc tế, tạo ra những cơn thăng hoa, ví dụ cuộc tử thủ đảo Rắn, Bóng ma Kiev, người hung tự giật nổ mìn để kéo theo quân Nga chết chùng. Các mạng xã hội thì khá nhiều các clip, hình ảnh vui vẻ như người Di gan dùng máy kéo ăn cắp xe tăng Nga cho tới hung tráng như những dân quân Ukraine phóng xe tới gần một cái gì đó màu đen bất động, phóng 1 quả RPG bùng cháy rồi té lẹ. Hình ảnh vũ khí khí tài bị vứt bỏ khắp nơi cũng tràn ngập.
Báo chí truyền thông quốc tế thì dĩ nhiên ác liệt hơn, vô vàn những thông tin kiểu như Tổng thống Ukaine quyết tử thủ tới cùng, rồi binh sĩ Nga chỉ là đám trẻ bị bắt quân dịch, khóc lóc muốn về nhà. Trên các mạng xã hội thì thông tin về sự sụp đổ của nước Nga còn đang cận kề hơn bao giờ hết, có lẽ Putin đang ngồi hối hận cho sự ngu dốt hung hang của mình.
À quên không nói tới việc dân Việt Nam – giống như trong nhiều sự kiện khác, quay ra mạt sát lẫn nhau.
Tôi không phải Giám đốc CIA hay chỉ huy FSB, cũng không phải chỉ huy của quân Nga hoặc Ukraine trên chiến trường nên đành phải dùng liệu pháp cắt lát, phân tích những dữ liệu, thông tin nhất định kiểu dưới đây để đánh giá lại những tin tức chui vào feed của mình:
- Thiệt hại của quân đội Ukraine. Cụ thể là thiệt hại về thiết giáp. Tôi dùng 02 nguồn đơn giản nhất là Youtube và Google với cụm từ “Ukraine tank destroyed”. Youtube trả kết quả không tìm thấy clip nào nào như tôi tìm, mà tặng lại đủ các clip về xe tăng nga bị bắn cháy, vứt bỏ,… Google ảnh trả ra kết quả duy nhất 1 xe tăng Ukraine có cờ xanh vàng, còn lại như Youtube. Dĩ nhiên là tôi cũng chỉ xem các kết quả hiện ra gần nhất khoảng mười mấy lần kéo trang, không loại trừ khả năng nếu tôi đủ kiên nhẫn ngồi lọc và RAM máy tính cho phép thì tôi sẽ tìm thấy thông tin về xe tăng Ukraine bị bắn cháy.
Rồi thì anh Google:
Một số vấn đề cần lưu tâm trước kết quả này:
+ Thứ nhất, Ukraine chủ yếu biên chế xe tăng T-64 phiên bản nâng cấp cuối thời Liên Xô. Các đại tướng ghế bành online dĩ nhiên biết thừa phiên bản này không đến nỗi vô dụng nếu đem đi dẹp quân phiến loạn trang bị nhẹ, nhưng lại chả ăn thua nếu đem đập nhau với một đại quốc cấp vùng như Việt Nam. Còn trong thực tế, xe tăng Ukraine phải ra trận để đấu với đại quốc cấp quốc tế là Nga. Sau 10 ngày giao tranh, khá kì lạ là người Nga không bắn cháy nổi xe tăng Ukraine. Dĩ nhiên đây không phải phim Hollywood, cũng không phải chuyện cổ tích để có những pha lạng lách xe tăng, vào thật gần để bắn cháy đối phương trong khi đối phương làm tỷ thứ ngu ngốc, rồi lạng lách anh hung trốn mất.
+ Thứ hai, nếu Ukraine chưa thiệt nhiều xe tăng cho lắm vì quân đội Ukraine đem xe tăng ra hàng tuyến phía sau hết, thì phát sinh một vấn đề cũng to chả kém – Ukraine lấy cái gì để đánh chặn đà tiến quân của Nga. Địa hình Ukraine bằng phẳng, là đất biểu diễn của thiết giáp. Tới nay, ngay cả phía Ukraine cũng thừa nhận rằng họ mất ưu thế trên không, dĩ nhiên chưa tới mức nhận là không phận đã bị Nga kiểm soát hoàn toàn. Thiết giáp – không có, không quân – không dám bay linh tinh, đồi núi rừng rậm – không có nốt. Đa phần các bạn chưa đi bộ đội, ai đi rồi thì sẽ biết đại đội bộ binh thực hành tác chiến chống thiết giáp rất nhiêu khê và vất vả, từ bố trí chống tăng tới thu hút hỏa lực, vận động tiếp cận rồi bắn chùm đầu bộ binh tùng thiết, phiền anh cối 60 đừng bem nhầm vào anh em tiếp cận. Kết quả: thành công rực rỡ mỗi khi huấn luyện, thực chất ai cũng biết may rủi. Nếu thiết giáp đối phương đông như quân Nguyên thì cài mìn rút lẹ tới địa hình phức tạp, đứng giữa đồi mà lêu lêu chúng nó.
Ờ thì nói dài dòng thế, để rõ ra vấn đề thứ hai, là quân Ukraine lấy cái gì mà anh hùng đánh chặn bọn Nga ngố như báo chí đưa tin đây?
Nhân tiện, do cùng hệ Liên Xô nên trong quân đội Ukraine có rất nhiều khí tài giống Nga.
- Đoàn xe kéo dài dằng dặc vào ngày 02 – 03/3, tùy nguồn tin từ 15km tới 64km của Nga kéo tới Kiev. Công ty ảnh vệ tinh của Mỹ còn công bố ảnh rõ mồn một từng loại khí tài. Chúng ta hãy cùng phân tích một số vấn đề nho nhỏ như sau:
+ Báo chí phương Tây đưa tin với ám chỉ tướng lĩnh Nga là bọn ngốc. Mà phải công nhận là ngốc thật, từ Thế chiến 2 tới nay không ai ngu gì đi phơi toàn bộ xe pháo, khí tài ra giữa đường như thế cả. Trong chiến tranh vùng vịnh lần 1, quân Iraq tháo chạy khỏi Kuwait đã được biết mùi địa ngục trần gian khi không quân Mỹ nướng sạch sẽ lực lượng Iraq trên đường cao tốc số 80; và những hình ảnh đó lan truyền đi khắp thế giới.
+ Một đoàn xe như vậy rất dễ bị: (1) không kích hủy diệt, như Mỹ đã làm; (2) pháo kích hủy diệt, đặc biệt khi Ukraine cũng có trong tay các hệ thống pháo phản lực; (3) tập kích ngang sườn, bị chia cắt thành các túi nhỏ rồi bị hủy diệt. Nhưng đoàn xe trên đã không bị không kích, cũng không bị pháo kích và cũng chả bị đánh tạt sườn. Hay nói cách khác, quân đội Ukraine đang thắng như chẻ tre không thèm sờ vào đoàn xe ấy.
+ Tới nay, đoàn xe trên đã dần tản ra vào các vị trí chiến đấu. Có muốn hủy diệt thì cũng muộn rồi.
+ Chuỗi thông tin này củng cố một nghi ngờ của tôi: quân Nga biết thừa đối phương đang co cụm về các vị trí phòng thủ sâu ở trung tâm và phía Tây Ukarine và không có bất cứ cách nào để tấn công đoàn xe. Như vậy, tức là không quân Ukraine không thể lai vãng vào gần các vị trí của Nga. Nhân tiện, diễu võ giương oai khi đảm bảo an toàn cũng là một cách tuyên truyền tốt, và cũng là một cách để cười cợt: đấy đấy, NATO dư sức làm gỏi cả đoàn xe này ấy. Nhưng chúng nó có tới cứu mày đâu.
- Nhịp độ tiến công của Nga và thiệt hại ở các thành phố Ukarine:
+ Như đã đề cập ở trên, báo chí Tây đưa tin mỗi ngày trôi qua thì quân Ukraine lại giáng đòn đau đáo để vào quân Nga. Người Nga bỏ ngũ, tháo chạy, ra hàng. Tuy nhiên, mỗi ngày quân Nga lại tiến sâu hơn và Ukraine và vòng vây thì cứ thế siết chặt hơn.
+ Tới nay một số tài khoản Twitter tự nhận là “phóng viên khách quan”, và tờ Aljiazeera của Qatar đã vẽ 2 bản đồ trông khá na ná nhau. Điểm chung: người Nga có ý đồ rõ ràng chứ không phải kiểu đánh tràn sang theo style thô lậu và chưa thấy lực lượng Ukraine đánh chặn ra trò. Thực tế hai bên chưa có trận đánh lớn nào; quân đội chính quy Ukraine hiện đang ở đâu thì không ai biết. Toàn hình ảnh dân quân Ukraine anh hùng là chính.
+ Một số tin tức phương Tây phản ánh Nga bỏ lại nhiều thị trấn cho dân quân Ukraine tự mà hoan hô lẫn nhau. Cho thấy nhịp độ tiến quân của Nga rất nhanh, và có căn cứ nhận định người Nga chả coi dân quân Ukraine là mối đe dọa to lớn cho lắm, thế nên họ mặc kệ đám này ở sau lưng đội quân của mình. Dĩ nhiên khi hạ màn mới biết ai khôn ai dại. Hoặc một khả năng khác, sẽ nói ở dưới.
+ Các thành phố Ukraine chịu thiệt hại nhất định, nhưng trong thời đại của bom rải thảm và pháo phản lực, có vẻ những thiệt hại này còn quá nhỏ.
+ Toàn bộ ý trên cho thấy quân Nga có mục đích khác ngoài chuyện hủy diệt, chiếm đóng Ukraine lâu dài.
- Một số gương anh hùng Ukraine, đọc mà sợ phát ớn:
+ Bóng ma Kiev: mạng xã hội lan truyền thông tin về một phi công đạt trình ace, một mình bắn hạn 6 máy bay Nga trên bầu trời Kiev. Tất cả bắt nguồn từ tài khoản Twitter của cựu Tổng thống Ukraine Poroshenko, và Cơ quan An ninh Ukraine. Nhân dân tiến bộ phương Tây hoan hỉ, tuy nhiên đài DW của Đức phát hiện clip bắn nhau thì cắt ghép từ game, mà ảnh viên phi công anh hùng thì lại là ảnh một phi công Canada. Tại thời điểm tin xuất hiện, Nga mới thiệt hại 02 máy bay cường kích.
+ Tổng thống Ukraine gây bão mạng với câu nói: “I don’t need a ride. I need ammo” trong bối cảnh Mỹ đề nghị giúp đưa ông này thoát khỏi Ukraine. Nguồn gốc: một “quan chức tình báo cấp cao của Mỹ” lại “có hiểu biết sâu sắc về cuộc trò chuyện” giữa ngài Tổng thống và Đại sứ quán Mỹ đã tiết lộ câu nói này, gây ra trendy toàn cầu, khắp nơi đều đăng lại. Rất đáng tin, đến từng chữ, hmmmmh.
+ Lính thủy đánh bộ Vitaliy Skakun được Tổng thống Ukraine truy tặng danh hiệu anh hùng sau khi tự cho nổ cầu cùng bản than mình để ngăn bước xe tăng Nga. Vẫn đài DW của Đức đi xé váy, tra nguồn ảnh và phát hiện ra ảnh anh Skakun là hàng cắt ghép, lấy đầu của một luật sư tận Buenos Aires ghép vào. Kỳ lạ thay, quân đội một nước không có ít nhất 1 cái ảnh của binh sĩ của mình.
+ Vụ đảo Rắn thì thôi miễn trình bày.
Và vô vàn tấm gương khác nữa.
Những thông tin trên khiến tôi cực kì nghi ngờ những thông tin về tình hình chiến sự, rồi khung cảnh lãng mạn của cặp đôi chiến binh, rồi sự hèn nhát và ngu ngốc của người Nga.
2. Vậy, “chúng ta” rút ra được điều gì?
- Có cái nhìn cẩn trọng hơn về chiến sự Ukraine: sau khi loại trừ những thông tin vẽ vời, còn lại những thông tin cả 2 bên xác nhận, có thể thấy Nga chiếm ưu thế rõ rệt, quân đội Ukraine gần như không tổ chức đánh chặn, né là chính. Quân Nga cũng nhắm vào các khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng của Ukraine; chia cắt nước này làm 2 mảnh với phần Đông của người sắc tộc Nga. Chuyện “vĩ tuyến 17” nhiều khả năng sẽ tái diễn, với chính quyền Tây Ukraine sẽ “phải” thân Nga hay chỉ cần chính quyền Đông Ukraine làm vùng đệm thì chỉ thời gian mới trả lời được. Anh chị em nào đang kinh doanh ở Ukraine thì nên lưu ý kỹ, mà anh chị em nào đang sản xuất nhu yếu phẩm giá rẻ xuất khẩu, thiếu chỗ tiêu thụ thì cũng để ý.
- Đừng chọc vào phương Tây: Phương Tây không có Ban Tuyên giáo, nhưng đồng loạt báo chí truyền thông phương Tây có thể áp đảo và reo rắc thông tin không kiểm chứng, nội dung kiểu tiểu thuyết kiếm hiệp, ngôn tình đủ khiến người có chút am hiểu cũng bật cười. Với hiệu quả tuyệt đối. Cho dù đối phương cũng phát tin đi, nhưng những thông tin này bị ngập tràn và đè chết bởi truyền thông phương Tây nên không thể nào vang tới tai người dân toàn thế giới được. Một số nguồn thông tin ở Đông Ukaine kêu ca chuyện Tiểu đoàn Azov tân phát xít thực hiện thanh trừng sắc tộc nhắm vào người Nga từ năm 2014 tới nay, đều chưa được kiểm chứng và đa phần chả ai biết cả. Nên kể như có thật, thì vô vàn cái mạng người đã bay màu mà không có tí tiếc thương, đoái hoài nào của “nhân dân tiến bộ”. Nói cách khác, đúng hay sai, chính hay tà là do truyền thông phương Tây quyết. Bọn tao có thể thản nhiên chổng mông vào mặt Liên hợp quốc, đánh chiếm một nước khác, đóng quân ở đấy và đưa công ty dầu mỏ sang làm ăn tới tận bây giờ nhưng cấm chúng mày được bắt chước. Thích hay không thì kệ bạn, hiện thực là vậy và đừng bao giờ thực hiện bất cứ chính sách nào khiến phương Tây xù lên. Trừ khi bạn là Putin trong hoàn cảnh NATO vào sát tận nách. Nhân tiện, Mỹ không có Ban Tuyên giáo nhưng đa phần báo chí truyền thông chính thống thuộc có vài tập đoàn thôi.
- Tuyên truyền là con dao 2 lưỡi: tôi bắt đầu phát ớn với nội dung tuyên truyền của phương Tây nói chung và Ukraine nói riêng. Dĩ nhiên bài hát giải trừ quân phát xít của Nga thì cũng khắm lặm. Món tuyên truyền lúc nào cũng như con dao 2 lưỡi, một khi người nghe mà nghi ngờ thì sau đó có nói thật cũng chả ai tin. Thế nên, Ukraine cứ liên tục phát đi những thông tin một chiều, hoang đường dần sẽ tạo ra tâm lý hoài nghi trên diện rộng, nói cho cùng thì thiên hạ đâu có ngốc, sau khi rất đồng cảm thì họ sẽ cảm thấy có gì sai sai. Lúc này người Nga có trợ giúp thêm bằng cách cùng reo rắc những câu chuyện nhảm nhí vô cùng về anh hùng Ukraine, tinh thần quyết tử thủ, rồi tội ác của Nga thì chỉ càng khiến lòng tin sa sút dần hơn. Thành ra, Ukraine nắm được thế thượng phong về tuyên truyền lúc đầu chiến tranh mà lại đang đứng trước nguy cơ kêu không ai nghe mà khóc chả ai tin. Hãy luôn chau chuốt một chút với nội dung tuyên truyền.
- Một vấn đề nho nhỏ nữa là báo chí phương Tây luôn đồng cảm với người da trắng “văn minh” hơn những sắc dân khác:
“Đây không phải là noi giống như Iraq hay Afghanistan vốn trải qua hàng chục năm xung đột liên miên. Đây là một thành phố văn minh của châu Âu, nơi mà bạn không nghĩ sẽ có ngày chiến tranh nổ ra”. Charlie D’Agata của đài CBS, Mỹ. Dĩ nhiên đã xin lỗi nhưng cái gì đã nói thì cũng được ghi lại.
“Chúng ta đang không nói về những người Syrian phải bỏ chạy khỏi cảnh bom rơi đạn lạc do chính quyền Syria được Putin chống lưng; chúng ta đang nói về những người châu Âu phải đi tị nạn bằng xe hơi và trông họ thì giống hệt chúng ta”. Philippe Corbé của đài BFM TV, Pháp.
“Họ trông giống chúng ta. Đó là lý do khiến chuyện này shock tận óc. Ukraine là một quốc gia châu Âu. Người dân nước này cũng xem Netflix và có tài khoản Instagram, bỏ phiếu trong các cuộc tuyển cử tự do và đọc báo chí không bị kiểm duyệt. Chiến tranh không chỉ mò tới những dân tộc xa xôi, nghèo khổ nữa. Nó có thể xảy ra với bất cứ ai trong số chúng ta.” Daniel Hannan của tờ Telegraph mà tôi vẫn hay đọc.
Và vô vàn những câu nói hớ khác nữa. Hiện báo chí Trung Cận Đông đang ngồi soi mói do họ không vui vẻ cho lắm. Ai bảo da sẫm lại còn nghèo.
* Kể chuyện đêm khuya, viễn giao cận công, đại quốc tất thắng, tiểu quốc tất bại *
Nhân kể chuyện chính sách đối ngoại của Phần Lan thời Chiến tranh Lạnh (suomettuminen). Quý anh quý chị đọc sử nhiều, chắc không lạ với những chiến công oanh liệt của quân và dân Phần Lan chống Liên Xô trong Chiến tranh Mùa đông năm 1939, khi mà đội quân đông đảo và hiện đại của Liên Xô sa lầy, chịu thiệt hại vô cùng nặng nề trước lực lượng nhỏ bé của Phần Lan. Cuộc chiến này cũng sản sinh ra tay bắn tỉa có thành tích cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, ít người biết rằng thực tế sau đó Phần Lan kết đồng minh cùng Phát xít Đức, bị Liên Xô đánh cho sấp mặt và có nguy cơ trở lại làm một tỉnh của Liên Xô giống thời Sa hoàng. Đứng trước đạo quân tinh nhuệ của Liên Xô năm 1944 khác xa đạo quân năm 1939, đồng minh Đức Quốc xã đang tháo chạy còn Thụy Điển thì quá yếu đuối để giúp đỡ được mình, người Phần Lan đã lựa chọn không đối đầu với Liên Xô để giữ được độc lập. Cái giá đáng kể tới nhất: (1) Phần Lan cam kết phải đánh trả bất cứ lực lượng nào định xâm hại Liên Xô qua đất Phần Lan; (2) tự thực hiện kiểm duyệt báo chí, xuất bản, không được có nội dung bài bác Liên Xô; (3) ưu tiên mua hàng Liên Xô; (4) ác nhất, là tòa án Phần Lan phải kết án tù các lãnh đạo thời chiến của họ, gồm Tổng thống Ryti, Thủ tướng Rangell và Linkomies, 05 ông Bộ trưởng và thêm Đại sứ ở Đức. Để thể hiện lòng thành, Phần Lan còn lập hẳn bảo tàng Lê-nin giữa thủ đô. Dù bè bạn NATO và EU chửi bới là đớn hèn thì Phần Lan đã sống khỏe với tư cách một nước tư bản, có nợ máu ngay sát nách Liên Xô trong suốt Chiến tranh Lạnh, thậm chí Liên Xô còn trả lại sớm một số quân cảng vào năm 1956 và không hé răng chuyện số lãnh đạo Phần Lan sau khi ra tù lại ngồi vào các chức vụ cao khác. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Phần Lan vẫn là một đối tác tin cậy của Nga. Hiện người Phần Lan đang rung đùi viết Twitter ủng hộ Ukraine đánh quân xâm lược, nhưng không hé răng chuyện tìm cách gia nhập NATO, dù từ lâu họ đã hợp tác chặt chẽ với khối quân sự này.
Tôi kể câu chuyện không vì mục đích gì cả, mà nó cũng chả liên quan gì tới phần bên trên đâu. Thật đấy.
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất