Một cuốn truyện mà tôi tin rằng nó xứng đáng có một vị trí nào đó trong chương trình học của các quốc gia. Nó không đơn thuần là một cuốn truyện dành cho thiếu nhi, mà dành cho tất cả mọi người, những ai đã từng trải qua tuổi thơ. Không giáo điều về tầm quan trọng của giáo dục, Chiến binh cầu vồng vẫn truyền tải trọn vẹn sự khao khát con chữ của những nhân vật và khắc họa được rõ nét sứ mệnh của con chữ.  Câu chuyện được Andrea Hireta kể không hề trau chuốt, bóng bẩy mà trái lại nó đơn thuần, hồn hậu; những chương truyện mở ra dưới giọng kể chân thật như đang tâm sự với người đọc về một thời đã qua của ông dưới mái trường Muhammadiyah cùng bạn bè và người thầy kính yêu.
Ở làng quê nghèo nơi con người ta mãi bị đè nặng bởi cái ăn thì khó có thể quan tâm đối với con chữ. Đối lập với hòn đảo tráng lệ huy hoàng đó là những mảnh đời cơ cực. Những đứa trẻ được sinh ra không khao khát đi học mà chỉ khao khát đi làm để kiếm được một đồng lương rẻ mạt sống qua ngày. Không ai chỉ bảo cho chúng bất kì con đường nào khác. Mà phải con người ta ở trong cái khổ lâu, mắt người ta đã quen với bóng tối thì bất kì ánh sáng nào đến với họ chỉ là sự chói lòi khó chịu trong ánh mắt ấy.
Những tưởng việc đi học là quyền của bất kì đứa trẻ nào thì đi học ở đảo Balitong chỉ có bọn trẻ con nhà giàu mới được đi học.
Ngôi trường Muhammadiyah cứ tổn tại trơ trọi đó bởi chính tấm lòng nhiệt thành của thầy Harfan và cô giáo Mus, những con người hi sinh tất cả với hi vọng rằng họ có thể đem đến sự thay đổi nào đó với cuộc đời những đứa trẻ con nhà nghèo ấy. Nhưng ngôi trường này sẽ phải đóng cửa nếu không có đủ 10 học sinh vào buổi đầu khai giản. Ngôi trường này cũng chực chờ sập bất cứ lúc nào bởi 120 năm đã hằn sâu vào từng thớ gỗ lỏng lẻo nơi ấy. Và sự tồn tại của nó cũng là một cái gai mắt của tên thanh tra Samadikun.
Vào năm ấy, mười đứa trẻ với những nỗi bất hạnh riêng gặp nhau, được ánh sáng của con chữ xoa dịu những tâm hồn thương tổn ấy. Không bút, không vở, không máy tính, trong một căn phòng ọp ẹp chực chờ đổ sập, nhưng tinh thần học tập của mười đứa trẻ ấy vẫn sáng bừng. 10 đứa trẻ mỗi đứa một tính cách riêng một năng khiếu thiên phú bẩm sinh. Từng chương truyện, tác giả đã kể lại về bạn bè của mình với sự ngưỡng mộ và chúng ta đều tin rằng cuộc đời của mười đứa trẻ này sẽ xán lạn, sẽ trở thành những ông nọ bà kia.
Độc giả cùng Andrea Hireta bước vào một trận chiến thầm lặng của 10 đứa trẻ cùng thầy Harfan và cô Mus. Một cuộc chiến không bom đạn khỏi lửa, nhưng đầy khốc liệt. Khi ở nhà, những đứa trẻ bước vào cuộc chiến mưu sinh cơm áo gạo tiền; và khi vượt hằng ha sa số để đến trường, chúng bước vào cuộc chiến để được hằng ngày đi học. Chúng phải tham gia vào cuộc chiến giữ lấy ngôi trường. Và mười chiến binh này đã đem lại niềm tự hào và vinh quang cho ngôi trường của mình khi phải đấu lại ngôi trường của những đứa trẻ nhà giàu.
Chúng ta thán phục trước sự kiên cường và lạc quan của những đứa nhóc mới mười mấy tuổi đầu. Chúng ta tin tưởng rằng những đứa trẻ sẽ có một kết cục trọn vẹn. Nhưng cho dù là chiến binh, chúng vẫn không thể thắng lại cỗ máy tàn nhẫn của cuộc đời. Vòng quay mưu sinh đặt nặng lên vai những đứa trẻ này khiến chúng mãi không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn ấy.
Thật cay đắng biết bao khi thần đồng Toán học, nghệ sĩ đàn hát ở lứa tuổi trung niên lại lặp lại bi kịch của cuộc đời ba mẹ chúng. Nhưng có lẽ trong chúng, những kí ức của ngày tháng xưa không thể nào phai nhòa, và trong chúng càng hiểu rõ sự học quan trọng thế nào để những đứa con chắt của chúng sẽ không phải bị thất học nữa.
Việc đi học đối với chúng ta là quyền và bổn phận nhưng có một bộ phận đứa trẻ trên trái đất này chỉ ao ước có quyền được đi học, có quyền được thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn mưu sinh để được chạm tới con chữ.
Chiến binh cầu vồng chạm tới người đọc bởi cái khao khát được chạm tới chữ nghĩa của những đứa trẻ trong chuyện gây đau lòng cho người đọc và chính nó cũng đặt cho mọi người những trăn trở làm sao để ánh sáng của con chữ trải dài hành tinh này.