Dẫu họ dạy chúng ta rằng trọng trách với quốc gia là vĩ đại nhất, chúng ta thừa biết rằng sự giãy chết còn mạnh mẽ hơn.

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Phía Tây Không Có Gì Lạ (Im Westen nichts Neues – 1928)
– Tác giả: Erich Maria Remarque
– Dịch giả: Vũ Hương Giang
– Thể loại: Tiểu thuyết – Phản chiến
 Mua vì giảm giá.
 Vậy đó, lý do siêu tầm thường. Thấy giảm giá và search lẹ lẹ trên Goodread coi bao điểm, là mua. Mua cả bộ 10 cuốn của cùng tác giả luôn, vợ chửi quá trời. Và phải đọc thôi, vì vợ doạ đem bán…

2. Về tác phẩm

 Nói luôn là tôi chấm cuốn này 4.25/5, vì nó hay vượt kì vọng của tôi về mọi mặt.
 Truyện kể về những gì diễn ra ở mặt trận Tây Đức trong Thế Chiến Thứ Nhất, dưới góc nhìn của một người lính trẻ. Vì dựa trên lịch sử, nên đương nhiên các tình tiết về cuộc chiến ai cũng đã biết trước. Nên điểm hấp dẫn nằm ở những câu chuyện cá nhân. Ở đây là một chàng trai 19, phải dừng việc học và cùng với bạn bè tham gia vào một nơi còn đáng sợ hơn cả địa ngục – đó là chiến trường.
 So sánh vui một chút, 19 tuổi xa gia đình lên thành phố học, đã đủ để gây hoang mang với nhiều người. Còn ở đây, là chiến trường, nơi không có những thứ như “thi lại” để sửa chữa sai lầm, mà là nơi cơ thể của mình có thể tan tành bất cứ khi nào. Bị ném vào một nơi như vậy ở độ tuổi chưa chín về cả thể xác và tinh thần, các cậu học sinh này tất sẽ khủng hoảng khi nếm mùi lần ra trận đầu tiên. Và nếu may mắn, phải thật may mắn, họ mới có thể toàn thây mà trở về.
 Nhưng nếu chiến tranh chỉ có sự khốc liệt thì cuốn sách đã không hấp dẫn đến thế. Cuộc sống của binh lính phía sau những trận đánh được kể lại từ góc nhìn của một đám thanh niên 19 tuổi vô cùng cuốn hút. Toàn là khó khăn thôi, nhưng với giọng kể chân thật và dí dỏm đúng chỗ, ta vẫn có thể bật cười không ít lần. Các cậu trai thì ở đâu cũng ngốc nghếch như nhau, chiến trường không phải ngoại lệ. Để có thể tồn tại trong chiến tranh, có lẽ, sự lạc quan của tuổi trẻ là nguồn năng lượng rất lớn.
 Vì thuộc thể loại phản chiến, nên đương nhiên, tác phẩm này không ca ngợi những thứ lớn lao như “tinh thần dân tộc” hay “sự vẻ vang của quốc gia”, mà ngược lại, chỉ ra sự vô nghĩa-lý-tình của chúng. Truyện đi sâu vào tâm tư, suy nghĩ của những người lính không hiểu mình đang chiến đấu cho cái gì, và chỉ muốn chiến tranh mau chóng kết thúc mà thôi. Sự chân thật của cuốn sách này được bảo chứng bởi nó dựa trên chính trải nghiệm thực tế của tác giả, nó được coi như hồi kí chính thức của ông, dù kết thúc của nhân vật chính có hơi khác một chút. Nhưng cũng chính vì sự chân thật cảm động của nó, mà tác phẩm này bị cấm công khai tại Đức, tác giả cũng bị tước quốc tịch và phải sống lưu vong. Lý do thì ai cũng hiểu, giống như là bật “Xuân này con không về” cho đám du học sinh nghe mỗi dịp Tết đến vậy.
 Cộng hưởng tuyệt vời cho nội dung lúc trầm lúc bổng là giọng kể vô cùng mượt mà. Điều này tôi không biết là do tác giả hay dịch giả xuất sắc nữa. Nhưng tạm dành lời khen này cho dịch giả Vũ Hương Giang, vì rõ ràng, cách dùng từ phong phú của ví dụ dưới đây, chắc chắn đến từ sự tài hoa của người dịch.
Chúng tôi thấy những người bị mất sọ mà vẫn sống; chúng tôi thấy những anh lính đã bị đạn phạt bay cả hai bàn chân mà vẫn chạy; họ lảo đảo kéo lê những mỏm chân cụt rách đến tận hố đại bác gần đấy; một cậu binh nhất chống hai tay bò lết suốt hai cây số với một bên đầu gối vỡ nát; một cậu khác tự mò đến trạm cứu thương, hai tay ôm chặt đống ruột xổ ra lòng thòng; chúng tôi thấy những người không có mồm, không có hàm dưới, không có mặt; chúng tôi tìm thấy một người lính suốt hai giờ liền dùng răng kẹp chặt động mạch ở cánh tay để khỏi chết vì mất máu; mặt trời lên, đêm xuống, trái phá gầm rít, sự sống kết thúc.
 Hay một ví dụ khác hóm hỉnh hơn.
Trái lại, Kropp lại là một nhà tư tưởng. Cậu ta đề xuất nghi thức tuyên chiến nên là một lễ hội của dân chúng, có vé vào cửa và âm nhạc đàng hoàng, giống như thi đấu bò tót. Sau đó trên đấu trường, các ngài bộ trưởng và các vị tướng của hai nước sẽ mặc quần bơi, cầm gậy xông vào phang nhau. Vị nào trụ lại được, thì nước của vị ấy thắng trận. Được thế sẽ đơn giản và tốt hơn là ở đây, nơi toàn những người chả thù oán gì cứ phải choảng nhau.
 Căng thẳng, tàn khốc, bình yên, vui nhộn, hồi hộp, rồi lại căng thẳng… kiểu nào Hương Giang cũng truyền tải được hết. Tuy không biết các bản dịch cũ ra sao, nhưng tôi thích màu dịch này, nhất là những phần đối đáp của các cậu trai trẻ.
 Tóm lại, nội dung hay, góc nhìn và nhân vật thú vị, thông điệp thực tế, bản dịch xuất sắc, tất cả đem lại một trải nghiệm vượt trên mong đợi. Niềm vui khi mua được một cuốn sách hay mà không biết nhiều về nó, quả rất đáng nhớ.
 Tính kết phần review bằng câu trên, nhưng hơi chạnh lòng một chút khi nhớ lại mình đã mua cuốn này rẻ tới mức nào. Kể cả giá gốc cũng rất rẻ. Bỏ qua nội dung, với một cuốn cùng độ dày, chất lượng giấy và in ấn tương đương đương, các nxb khác đang bán với giá gấp rưỡi. Và việc cả bộ 10 cuốn của Erich Maria Remarque phải sale tận 50% để xả kho, đã cho thấy sự phi lý của thị hiếu đọc nước ta. Và cả các nxb nữa, vẫn biết với họ đây chỉ là kinh doanh, lời ăn lỗ chịu, nhưng những gì họ đang làm vô hình chung tạo nên định kiến “sách rẻ là sách dở”. Cá nhân tôi thấy rất may mắn khi được biết tới Erich Maria Remarque và các tác phẩm của ông. Người đã đem những tâm tư rất cá nhân và cảm động của các số phận bị ảnh hưởng bới chiến tranh theo nhiều cách khác nhau.
 Cám ơn ông!

3. Tản mạn

"Nhìn xem, nếu cậu luyện cho một con chó ăn khoai tây, rồi sau đó cậu chìa cho nó một miếng thịt, thì kiểu gì nó cũng đớp miếng thịt, vì chén thịt là bản năng của nó. Và nếu cậu cho con người một chút quyền hành, thì cũng y như thế thôi, hắn sẽ vồ lấy. Cái đó hoàn toàn xuất phát từ bản năng, vì con người xét về nguồn gốc và bản chất trước hết là một con thú, có lẽ sau này nó còn được quệt lên một chút lễ nghĩa, như lát bánh mì phết bơ vậy…"
(Katczinsky)
 Tính nói về chó nhưng thôi, nói về người vậy.
 Ở đây mấy cậu lính trẻ đang nói về sự tàn nhẫn của một vài tay sĩ quan hách dịch, thích hành hạ cấp dưới. Và theo cậu lính Katczinsky, thì việc thích hành hạ đồng loại là bản năng của con người rồi. Thử google là ra ngay, rất nhiều các cuộc thí nghiệm, phim, truyện có sử dụng chất liệu này, và đều khẳng định một điều, răng ta chỉ “TỐT” cho tới khi có cơ hội để “XẤU” mà thôi.
 Bản năng là cái luôn ở đó, khi đủ điều kiện nó sẽ trở thành hành động. Và “điều kiện” quan trọng nhất là “lý trí”. Lý trí là rào cản cuối cùng níu ta lại bên bờ vực tốt-xấu. Là thứ ngăn những suy nghĩ đồi bại biến thành hành động. Con người hành xử chừng mực hơn con vật là nhờ có lý trí. Nếu thiếu nó, mọi đàn ông đều trở thành kẻ hiếp dâm, còn đàn bà thì… tôi không biết.
 Vậy chẳng phải là, xét về bản chất thì vì cùng một loài, nên cũng xấu (hoặc tốt) giống nhau. Cái nên đem ra so sánh phải là “lý trí” của ai mạnh mẽ hơn. Tình yêu cũng vậy, toan tính một chút sẽ đem lại nhiều lợi thế hơn. Dù yêu hết mình sẽ đem lại cảm xúc thăng hoa nhất, nhưng yêu có toan tính, có khi lại bền lâu nhất chăng…
Sài Gòn ngày 6 tháng 7, 2020
Phúc