𝓒𝓗Ủ 𝓝𝓖𝓗Ĩ𝓐 𝓚𝓗Ắ𝓒 𝓚Ỷ

Ảnh sưu tầm
Cuốn sách “Chủ nghĩa khắc kỷ” là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong thực đơn tủ sách của mỗi người vì những triết lý sống không bao giờ lỗi thời mà sách mang lại. Mình không biết cơ duyên nào đưa các bạn đến tìm đọc cuốn sách tuyệt vời này, riêng mình thì có một cơ duyên rất khác thường đó là cái tựa đề cuốn sách. Chính cái title này đã dấy lên trong mình bao nhiêu sự tò mò cùng những bí ẩn, và nó đã thôi thúc mình tìm đọc quyển sách này. Để rồi, những giá trị và bài học mình nhận được từ sách đã giúp ích mình rất nhiều trong việc loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, biết tiết chế những cảm xúc đến những ham muốn, tham lam vô độ của bản thân hay là biết chấp nhận thực tế theo cái cách mà nó đang vận hành. Những lợi ích, giá trị kể trên là những yếu tố góp phần hình thành nên tâm bình an, sự bình thản của mỗi con người – cũng là mục tiêu cốt lõi mà chủ nghĩa Khắc kỷ hướng đến. Đặc biệt, tác giả đã đưa ra những kỹ thuật tâm lý nhằm giúp độc giả có thể thực hành chủ nghĩa khắc kỷ để đạt được sự bình thản – một món quà có lẽ là xa xỉ với nhiều người trong cuộc sống bộn bề với nhiều nỗi lo toan trong trong xã hội hiện đại ngày nay.
Chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicism) hình thành ở thành cổ đại Athens – Hy Lạp vào thể kỷ thứ 3 TCN. Người đã có công trong việc đặt nền móng cho sự ra đời của chủ nghĩa Khắc kỷ là Zeno. Tuy nhiên, chủ nghĩa Khắc kỷ trong thời kỳ đầu đã hứng chịu sự công kích của nhiều trường phái có trước đó như chủ nghĩa Hoài nghi hay chủ nghĩa Khoái lạc của Epicurus. Đến sau này, chủ nghĩa Khắc kỷ được đón nhận nhất tại trung tâm của đế chế La Mã là thành Rome, tuy tại nơi đây nó bị phản đối và trừng phạt bởi những hoàng đế nhưng lại được bảo vệ và đề cao bởi những người như Marcus Aurelius -  đại diện lớn của chủ nghĩa này.
Mục tiêu cuối cùng mà chủ nghĩa Khắc kỷ hướng đến là sự bình thản nơi lòng mình, cũng giống như những triết lý của Phật giáo đều hướng con người đến tâm bình an. Một cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp và ý nghĩa hơn nếu ta luôn sẵn có một “tâm bất biến giữa cuộc đời vạn biến’’. Để đạt được một tâm thái an lành như vậy không thể thiếu đi những triết lý. Nói như tác giả:

“Tôi nghĩ có nhiều người có tính cách và hoàn cảnh sống phù hợp để thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Hơn nữa, bất kể cuối cùng một người lựa chọn tuân theo một triết lý sống nào, họ cũng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn so với không có một triết lý sống nào cả’’
Vậy thì triết lý sống của chủ nghĩa Khắc kỷ chứa đựng những yếu tố, kỹ thuật nào được xem như là kim chỉ nam để vươn tới sự bình thản?... để làm rõ hơn về những giá trị của triết lý sống của chủ nghĩa khắc kỷ thì mình đã đúc kết được những bài dạy/ lời khuyên từ chủ nghĩa Khắc kỷ và cả tác giả dưới góc độ quan điểm cá nhân: 


1. Biết tiết chế ham muốn của bản thân

Đây là một trong những bài học đầy giá trị và quan trọng nhất mà chủ nghĩa Khắc kỷ muốn gửi đến cho độc giả. Nói chung, bản chất trong mỗi con người đều là sự tham lam, mong muốn được sở hữu, đạt thêm một điều gì đó, có thể là vật chất nhà cửa, đất tai, tiền bạc,… đến những thứ phi vật chất như danh vọng, địa vị, quyền lực. Ở mỗi người, lòng tham như một cuộc hành trình vô tận khi mỗi người không ngừng ngơi nghỉ truy cầu sự thỏa mãn, hài lòng cho cá nhân bằng việc đáp ứng những ham muốn như là một cách để khẳng định giá trị bản thân và có được niềm vui, hạnh phúc. Những niềm vui sướng hạnh phúc sau những lần “tự thưởng cho bản thân” đến vô độ đó có nơi chốn nào cho sự bền bỉ, lâu dài ngự trị hay chúng chỉ như là ngọn nến bùng cháy trong màn đêm rồi chợt tắt khi trời trở gió. Điều này không phải là sai, nhưng nếu ta cho phép cơn khao khát ham muốn hay lòng tham vô đáy đó trào dâng, kiểm soát và chế ngự lý trí của ta thì ta đã bị bại trận trong cuộc đua trường kỳ mang tên “TIẾT CHẾ”.
Thông qua những kỹ thuật tâm lý của chủ nghĩa Khắc kỷ giúp chúng ta nên tự khắc chế, tinh giảm và làm chủ các ham muốn, tham vọng của mình. Để làm được điều đó, chủ nghĩa Khắc kỷ nhắc nhở ta nên biết phân việt đâu là cái ta CẦN và đâu là cái ta MUỐN. “Cần” xuất phát từ nhu cầu sinh tồn (cần ngôi nhà để che mưa che nắng, cần một công việc để trang trải cuộc sống,…), những điều con người cần thì ít. Ngược lại “Muốn” sinh ra từ lòng tham của cái tôi (có nhà chệch thì lại đòi nhà cao cửa rộng, có xe máy lại đua đòi chúng bạn chạy xe moto…). Biết cách phân biệt giữa CẦN và MUỐN sẽ giúp ta giảm thiểu những bất hạnh gây ra bởi ham muốn sở hữu, thâu tóm thế giới bên ngoài để hướng đến một cuộc sống tối giản đúng nghĩa, đích thực cả về vật chất lẫn tinh thần, quả thật “ít hơn có thể là nhiều hơn”.


2. Biết trân quý những gì ta đang có

Đã bao giờ ta không biết gìn giữ những tài sản mà ta đang sở hữu? Đã bao giờ ta không biết quý trọng và nói lời yêu thương với những người thân xung quanh ta? Đã bao giờ ta nghĩ đến một ngày mình sẽ nhắm mắt xuôi tay, không còn trên cõi đời này nữa khi những mục tiêu lơn lao vẫn chưa thành? Để rồi khi những điều tồi tệ và khủng khiếp đó đến với ta trong hôm nay hoặc ngày mai sẽ khiến ta gục ngã và buông xuôi với những vết thương lòng vẫn hằn sâu vì ta vẫn chưa chuẩn bị cho mình một tâm thế vững vàng để đón nhận và chấp nhận sự thật đó. Thông qua kỹ thuật tâm lý tưởng tượng tiêu cực (negative visualization) – kỹ thuật được cho là quan trọng nhất của chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ giúp ta đón nhận cuộc sống của mình bất kể nó ra sao và biết cách chắt lọc niềm vui từ nó. Vì bẩn chất của thế giới là sự vô thường, “vạn vật, kể cả con người, đều chỉ tồn tại trong một thời gian ngăn ngủi và sẽ có ngày tàn lụi”, hợp - tan, thành - bại, được - mất đều là những thanh âm thăng trầm không thể thiếu trong bài ca mang tên cuộc sống. Bằng cách tưởng tượng về một viễn cảnh với những điều tồi tệ có thể xảy ra với mình sẽ trang bị cho ta một tinh thần mạnh mẽ, một tâm thế sẵn sàng để đón nhận những đổi thay cướp đi những niềm vui, hạnh phúc của ta. Thật vậy, chủ động thiết lập một sự trang bị kỹ càng cho bản thân trước những đổi thay mà ta không ngờ sẽ không bao giờ là thừa thãi.

3. Biết kiểm soát nỗi lo lắng

Con người luôn có xu hướng lo lắng quá nhiều, sự thật thì mọi thứ xung quanh ta vẫn đang tiếp diễn, thế nên để hạn chế và kiểm soát được nỗi lo lắng có phần thái quá của mình thì chủ nghĩa Khắc kỷ đã đưa ra kỹ thuật tâm lý kế tiếp mang tên “tam phân quyền kiểm soát” nhằm giúp chúng ta chi phối và kiểm soát nỗi lo, nỗi hoài nghi hình thành trong mình để bản thân luôn duy trì được sự bình thản. Thông qua kỹ thuật tâm lý này, ta sẽ biết đâu là những điều ta không thể nào kiểm soát được như suy nghĩ, cách nhìn, đánh giá của người khác về ta; đến những điều ta có thể kiểm soát một phầntoàn quyền kiểm soát như mục tiêu, suy nghĩ, hành động đến cảm xúc và tính cách của ta. Đặc biệt, kỹ thuật này còn giúp ta biết cách nội tại hóa mục tiêu (thiết lập, kiểm soát và chi phối đến những yếu tố bên trong ta) thay vì cứ cố gắng thay đổi những yếu tố bên ngoài dẫn đến chán nản, tuyệt vọng.

4. Bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân

Như đàn chim tung cánh xổ lồng và bay lên bầu trời cao rộng để nhìn ngắm thế giới diệu kỳ, con người cũng không ngừng bức phá để thoát khỏi sự an toàn để chinh phục những miền đất mới. Thông qua những trải lòng cuối sách của cha đẻ quyển sách, người đọc như được tiếp thêm một nguồn năng lượng và cảm hứng dồi dào, tích cực trong việc biết thách thức chính bản thân mình, hay như lời khuyên của tác giả là ta nên “tham gia vào trò chơi chống lại cái tôi khác của bản thân’’. Bằng việc khiến bản thân đối mặt và trải nghiệm những hoàn cảnh có phần mới mẻ, khó khăn sẽ giúp ta trang bị cho mình một ý chí tinh thần mạnh mẽ và bền bỉ, sự tự tin vào chính mình khi ta đã vượt qua ngưỡng cửa của sự hồi hợp, của lòng sợ sệt. Bằng việc thử thách chính mình qua những việc làm, cuộc thi, sự việc mới tạo cho bản thân ta khả năng miễn dịch trước những nỗi lo lắng trong tương lai. Biết đâu khi ta cho phép mình dấn thân vào một cuộc hành trình mới như chơi một nhạc cụ, chơi một môn thể thao mới, tìm một công việc mới, độc hành trên mỗi cung đường,... sẽ nâng cấp bản thân ta thành một phiên bản tốt hơn, hoàn thiện hơn so với trước đây.
Chủ nghĩa Khắc kỷ” là một quyển sách hay và đáng để đọc đối với mỗi người đang trên bước đường đi tìm một cuộc sống ý nghĩa và trọn vẹn. Thông qua những triết lý sống của chủ nghĩa Khắc kỷ, người đọc sẽ có cơ hội soi xét lại chính mình, về thế giới xung quanh và biết cách cải thiện, bồi đắp bản thân từng ngày để xua tan đi bao nỗi muộn phiền, hỗn độn, để đón nhận món quà tuyệt vời, món quà mang tên “BÌNH THẢN”.
👉 ĐỂ HIỂU THÊM VỀ CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ VÀ THỰC HÀNH CÙNG SENECA, BẠN CÓ THỂ ĐẶT MUA BỘ SÁCH NGAY TẠI ĐÂY: