Phần lớn con người đều muốn tạo ra một sự khác biệt trong cuộc đời. Nhưng: Ý định tốt vẫn rất dễ dàng đem lại kết quả tệ. Thách thức đặt ra là: Khi giúp đỡ người khác, làm sao chúng ta có thể chắc chắn sự giúp đỡ đó hiệu quả nhất có thể? Làm sao để chắc chắn trong quá trình làm việc thiện chúng ta không vô tình gây ra những thiệt hại, và thành công đem lại ảnh hưởng tích cực nhất có thể?
Dưới ngòi bút của William MacAskill, anh đã đưa ra một câu trả lời hết sức thuyết phục về một tư duy và phong trào mới do chính anh khởi xướng là “Nhân đạo hiệu quả” (Effective Altruism) trong cuốn sách “Làm việc thiện đúng cách”.
Anh cho rằng làm việc thiện cũng cần cách tiếp cận khoa học. Cũng giống như khoa học luôn tiếp cận theo hướng trung thực và vô tư để ra sự thật, đồng thời cam kết tin vào việc sự thật đấy sẽ diễn ra, nhân đạo hiệu quả cũng có cách tiếp cận tương tự để tìm ra điều tốt nhất cho thế giới này, đi kèm với cam kết sẽ làm những điều tốt nhất, bất kể điều gì xảy ra.
Phần đầu của cuốn sách đưa ra tổng quan về cách thức tư duy của tư tưởng nhân đạo hiệu quả bằng 5 câu hỏi chính:
Bao nhiêu người được lợi, và được lợi bao nhiêu?
Đây có phải thứ hiệu quả nhất bạn có thể làm?
Lĩnh vực này có bị bỏ quên không?
Điều gì có thể xảy ra theo chiều ngược lại?
Khả năng thành công như thế nào, và nếu thành công thì tốt như thế nào?
Độc giả có thể ngạc nhiên khi biết rằng người ta có thể tạo ra sự khác biệt lớn hơn bằng cách đóng góp vào các nhu cầu bị bỏ quên ở các nước chưa phát triển (ví dụ, việc tẩy giun sán) hơn là các nỗ lực quyên góp cho quỹ cứu trợ thiên tai; hay một nhà quản lý quỹ đầu cơ sẵn sàng quyên góp cho các chương trình hiệu quả sẽ cứu sống nhiều hơn hàng trăm người so với một bác sĩ làm việc trong một bệnh viện.
Trước đây, chính cá nhân tôi đã từng nghĩ nếu một tổ chức từ thiện này hoạt động hiệu quả hơn tổ chức từ thiện khác, thì chắc sự khác biệt cũng không quá lớn. Nhưng theo Làm việc thiện đúng cách”, MacAskill nêu ra một thực tế là ngay cả một chương trình tốt, hiệu quả của chương trình ấy cũng có thể kém hơn 500 lần so với một chương trình tốt nhất. 
Theo những ước tích khắt khe nhất, được đo bằng QALY, MacAskill đưa ra chi phí để cứu một mạng người ở các nước đang phát triển là khoảng 3,400 USD, vì vậy lựa chọn của chúng ta để quyên góp/ sử dụng tiền như thế nào ở đây thực sự mang ý nghĩa rất lớn lao. Anh viết Chỉ bằng hành động quyên góp đơn giản cho những tổ chức từ thiện hiệu quả nhất, chúng ta có quyền lực để cứu hàng chục mạng người.”
Ở phần hai của cuốn sách, "Làm việc thiện đúng cách” mở rộng phạm vi để khám phá cách để những người có tư duy đạo đức có thể chọn nghề nghiệp hiệu quả nhất. MacAskill gợi ý rằng “tốt nhất bạn nên thực hiện cách tiếp cận theo thực nghiệm, thử các loại công việc khác nhau và sử dụng lý lịch chuyên môn của mình để dự đoán mức độ hiệu quả của bạn trong tương lai. Khi bắt đầu sự nghiệp, hãy luôn cởi mở về lĩnh vực mà cuối cùng bạn có thể trở nên giỏi nhất.”
Khi đưa ra nhận định đừng chỉ “theo đuổi đam mê”, MacAskill đưa ra một ví dụ cụ thể rằng một bác sĩ đến từ một nước phát triển quyết định chuyển tới một quốc gia rất nghèo có thể cứu khoảng bốn mạng người mỗi năm khi chăm chỉ làm việc hàng ngày, nhưng một bác sĩ chuyên khoa ung thư làm việc tại quê hương của họ (một quốc gia phát triển) có thể cứu sống hàng chục người mỗi năm bằng cách quyên góp một phần đáng kể từ lương của họ cho các tổ chức từ thiện hiệu quả (mà sau đó số tiền còn lại vẫn đủ cho họ duy trì chất lượng cuộc sống tốt). Điều này đặt ra một câu hỏi hấp dẫn - lựa chọn đạo đức tốt nhất có phải là tập trung vào "kiếm tiền để cho đi?"
Một trong những điểm quan trọng được nêu ra trong “Làm việc thiện đúng cách” là điểm mấu chốt không phải là bạn làm được bao nhiêu điều tốt; mà nằm ở sự khác biệt giữa điều tốt bạn đạt được và những gì sẽ xảy ra nếu bạn chọn không làm. Khi bạn nhận một vị trí ở một tổ chức phi lợi nhuận, bạn chắc chắn đang làm gì đó giúp đỡ mọi người. Nhưng kể cả khi bạn không nộp đơn xin việc, vị trí ấy sẽ được trao cho người phù hợp tiếp theo. Giả sử họ chọn bạn vì bạn là người ứng tuyển đủ điều kiện nhất, thì cũng khá công bằng khi cho rằng bạn sẽ làm tốt hơn người thay thế mình. Nhưng liệu ta có đo được việc “tốt hơn” là bao nhiêu? Câu hỏi quan trọng ở đây là: Kỹ năng nào của bạn cho bạn cơ hội tốt nhất để tạo ra tác động lớn nhất?
Khi nảy sinh các điểm gây tranh cãi trong cuốn sách, MacAskill đã giải quyết chúng một cách nhất quán. Ví dụ, khi đọc tới thông tin 20% nằm ở đáy dân số của thế giới sống với mức thấp hơn 1,5 đô la mỗi ngày, tôi đã nghĩ "nhưng giá trị tương đương của 1,5 đô la ở những quốc gia đó là bao nhiêu?". Ngay lập tức tác giả giải thích cho tôi hiểu tám giây sau. Ý nghĩa của con số đó là 1,22 tỷ người nằm trong số “cực nghèo” sống bằng số tiền tương đương với những thứ có thể mua với 1,5 USD ở Hoa Kỳ vào năm 2014. MacAskill thực sự đã làm rất tốt trong việc chuẩn bị lời giải đáp cho những câu hỏi hóc búa của bất cứ độc giả hoài nghi nào đưa ra khi đọc cuốn sách.
Lối hành văn mạch lạc với các ví dụ hấp dẫn trong thế giới thực và cách lập luận sắc bén, “Làm việc thiện đúng cách” là một cuốn sách không chỉ truyền cảm hứng cho người đọc trên hành trình biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn mà còn cung cấp những công cụ cần thiết để chúng ta biến những mong muốn của mình thành những kết quả tốt đẹp.