Tôi quen Ngà cách đây vài tháng. Thấy em đăng bài trong một group nọ, tôi là người chủ động nhắn tin. Năm nay Ngà 17 tuổi, sống ở một vùng núi tỉnh Lai Châu, chuẩn bị thi Tốt nghiệp.
 Lúc tôi tuổi ấy, tôi không giống Ngà. Tôi chưa bao giờ biết nỗi vất vả khi sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tiện nghi. Tôi cũng chưa bao giờ phải lo nghĩ về việc không có quần áo để mặc đến trường. Những đêm mưa lạnh tôi nằm giữa đống gấu bông trong căn phòng đèn lấp lánh treo cửa sổ. Còn Ngà nằm khóc ôm đứa em lớp 2 nặng có 13 kí đang bị sốt, nơm nớp lo sợ ngói rơi vào người hai chị em. Bố tôi không đi suốt cả tuần lễ sang nhà vợ bé như bố em ấy. Mẹ tôi không bỏ đi biệt tăm như mẹ em ấy. Nếu không đi học, tôi nhốt mình trong phòng điều hòa mát rượi, còn Ngà được nghỉ thì phải đi gặt suốt cả ngày ngoài trời nắng nóng. Hồi 17 tôi cũng khóc nhiều. Nhưng nỗi đau của hai chúng tôi không giống nhau. Khi kể chuyện nhà cho tôi nghe, ở đầu dây bên kia, Ngà lúc nào cũng khóc.
Tôi hứa gửi bưu điện ít đồ dùng và quần áo cho em. Rồi dịch ngày càng dữ, thành phố có lệnh giãn cách nên tôi chẳng đi được. Tôi nạp cho em một thẻ cào Mobi, rồi lặng mất tăm. Hơn một tuần, tôi khóa Facebook. Bạn bè thân thiết đều biết tính tôi dở dở ương ương, rất khó mà liên lạc. Nhưng Ngà chưa biết cái nết ấy của tôi, con bé khi nhắn qua Messenger và Zalo không được, liền hốt hoảng gọi điện thoại tìm tôi. Nó bảo sợ tôi biến mất khỏi cuộc sống của nó, sợ tôi bị chuyện gì đó chẳng lành. Hỏi han đủ điều xong rồi nó phán: "Chị đừng rời đi khi em không cho phép". Đã lâu lắm rồi không ai lo lắng tìm tôi như thế. 
Lắm lúc tôi tự hỏi nếu tôi bỏ đi thật xa thì sẽ thế nào. Tôi nghĩ mình không thoát nổi lòng bàn tay của bố. Đi mà phải trốn chui nhủi thì rất nhục. Chưa kể, dạo này sáng nào tôi cũng pha trà cho bố. Nếu tôi không ở đây, mẹ pha trà chắc chắn bố sẽ càu nhàu. Nghĩ vậy, tôi dẹp ý tưởng bỏ nhà. 
Hôm qua, lúc bưng trà cho bố, tôi cố tình nán lại lâu hơn. Bố tôi gầy và già hơn trước. Tóc ông bạc nhiều. Gần đây tôi ở nhà, đều đặt mục tiêu mỗi ngày nói với bố ít nhất là ba câu. Có hôm tôi làm được. Có hôm không.
 Lúc bố nhấp một ngụm trà, tôi kéo ghế ngồi cạnh. Tôi thấy tay bố nhăn nheo và nhiều đồi mồi. Thuở tôi còn bé, bố hay cầm tay tôi chỉnh cách đặt ngón lên phím đàn sao cho duyên dáng. Lâu rồi bố con đã không chạm tay nhau. Tự dưng tôi ước mình là một cái cây nào đó trong vườn của bố. Nếu là cây, tôi thích là cây gì trông cứng rắn khỏe khoắn chứ đừng mảnh mai yếu ớt. Điều quan trọng là cây ấy phải có hoa thật thơm. Là cây trong vườn, ắt hẳn mỗi ngày tôi sẽ đều được chạm tay bố. 
Tôi có một sở thích là ngắm mây. Nếu là một cái cây, vậy thì có thể ung dung thỏa thích ngẩng mặt lên bầu trời mà không sợ người ta nói mình hâm. Đứng giữa không gian bao la rộng lớn, làm một cái cây yên bình nghe chim hót quả thật rất vui. Chỉ cần được như thế, tôi sẽ cố gắng nín mũi châm chước không nổi cáu nếu lỡ có bạn cún nào đến gốc cây tè bậy.  
Một cái cây tưởng chừng cô độc. Nhưng tôi nghĩ là không. Nó sẽ giao tiếp với những cái cây khác bằng một loại ngôn ngữ ngầm riêng biệt, truyền bằng chiếc rễ sâu trong lòng đất. Những bộ rễ ấy mạnh mẽ, dẻo dai, vươn dài thật dài để kết nối nhau.
Một cái cây sẽ biết cách xây dựng sức mạnh nội tại. Nó cần vững vàng để chống đỡ bản thân vượt qua giông bão. Một cái cây sẽ linh hoạt chấp nhận mọi biến đổi của thời tiết và thích nghi với những điều bất ngờ. Một cái cây thì không trốn đi đâu được. Cho nên, nó không bận lòng lo nghĩ xem nếu mình ra đi thì có ai tìm mình hay không. Nó can đảm, nhẫn nại và tuyệt nhiên không đánh mất mộng mơ. 
Hóa ra, một cái cây thật sự dũng cảm và tài giỏi hơn con người rất nhiều. Nếu có kiếp sau, tôi ước mình là một cái cây. Cây gì thì tôi chưa biết được. Nhưng phải trông vững vàng cứng cỏi. Và nhất định phải có hoa thơm. 
Tuy nhiên, đó là chuyện kiếp sau. Còn kiếp này, tôi phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "con gái trà" của bố cái đã.