Chào bạn, bạn đang đọc những dòng chữ được biên tập trong đầu lúc đi đường nhưng khi về nhà thì phải viết đi viết lại rất nhiều lần mà chẳng hiểu vì sao. 
Có lẽ vì càng nhỏ thì càng to...
Hoạt động "văn vẻ" vài năm, tôi và vô số các thanh niên trong ngành "công tăng" khác đều phải học một bài học: 

Keep it simple - Đơn giản thôi

Cái khái niệm đơn giản đó thoạt đầu có vẻ rất trừu tượng vì không phải cái "đơn giản" nào cũng sẽ được duyệt bởi khách hàng. Nhưng sau nhiều năm được tu luyện bởi những bàn tay rắn chắc khác nhau, ai cũng sẽ học được những cái mẹo khôn để "lươn lẹo" một chút trong khâu "đơn giản hóa" này. 
Thú thật, những cái đơn giản không bao giờ là đơn giản. Để trình bày một cái gì đó thì thật dễ nhưng để khiến bất cứ ai cũng hiểu được, bạn cần phải đạt được một trình độ nhất định.
Nhưng hôm nay tôi không muốn nói đến những thứ như nghệ thuật làm màu hay những mẹo nhỏ để thoát khỏi sự "hỗn làm" của khách hàng. Cái tôi muốn nhắc đến được sinh ra từ những ngày khó khăn, những ngày ăn không đủ bữa ngủ không đủ giấc. 


Nhìn vào cặp số đôi mươi, ai cũng ngán ngẩm. Ở rìa sáng của bầu trời tôi có quen một người bạn nhà làm nước rửa tay và đồ dùng y tế. Năm nay họ có đủ tiền để sống hết cả năm sau. Còn ở bên kia bầu trời, nơi bão tố đang chuẩn bị ập tới là bố tôi. 
Làm công nhân dịch vụ, bố tôi phải ở nhà, hưởng một nửa lương. Vợ của bố làm hàng ăn đầu ngõ, công tác này cũng bị dẹp. Hai người cui cút ở trong căn nhà nhỏ ở quê, cố gắng tằn tiện để giữ cho nhau. Còn tôi thì đang ở cách đó 2000km. 
Mới lập nghiệp, tôi không có gì trong tay ngoài đống kinh nghiệm nửa vời và một niềm tin mãnh liệt hơn các em sinh viên quay tay với bà cô mặc vest trên sân khấu. Ăn con dịch Covid và giãn cách xã hội, mọi thứ tôi có chỉ đủ để cầm chừng cho bản thân. 
Ấy là trường hợp dành cho người bình thường, còn với tôi, thanh niên "đ*t mẹ kiếp này bỏ đi!" thì không. 
Ốm lần 1.
Ốm lần 2.
Vào viện.
Chậm lương.
Thời gian này không phải đi làm, bố hay gọi Zalo hỏi thăm tình hình con trai lúc 10h tối. Ban đầu tôi cũng không ngại ngần chia sẻ tất cả với đại ca. Nhưng càng về sau, khi mũi bắt đầu tịt và người bắt đầu gầy đi, bố nhìn ra hết. 
Sau lần chậm lương thứ hai và phải nhận nửa lương như bao người khác, tôi bắt đầu gặp khó khăn với những dự tính của mình. Những ngày nghỉ vì ốm cộng dồn với việc chậm lương lần ba dẫn tới tháng lương tiếp theo còn thoi thóp hơn tháng trước. 

Bố hỏi:



Đọc thêm:

Không, thú thực là chẳng ai ổn cả. Nhưng tôi không muốn bố phải lo nghĩ nhiều. Có thể đây là cái tôi bắt đầu trỗi dậy hoặc có thể đây là tình cảm cho bố. Mặc dù vậy, tôi không nghĩ mình nên giấu bố điều gì cả.
Sau vài lần nói chuyện, tôi đã phải vay bố chút tiền để trang trải. Tôi biết ai cũng đang khó khăn nên số tiền tôi cần cũng không lớn. Chỉ đủ để chi trả viện phí và những con số dôi ra khi cuối tháng gần tới. 
"Con ổn chứ?"
Câu hỏi đó như một bát cháo hành cực cay được ship thẳng từ trên núi về đồng bằng sông Cửu Long. Cay mũi và vô cùng tỉnh. Mỗi thìa cháo vào miệng tôi lại thấm hơn cái thứ gọi là: "Càng to, càng nhỏ" kia. 
Nhìn lại, tôi chưa bao giờ nói yêu bố. Không phải so sánh nhưng con trai gần mẹ là chuyện thường tình. Chẳng hiểu sao tuổi này tôi lại thấy mình cần thổ lộ với bố nhiều thế. 
Tôi có nói được điều đó ra không? Một câu như vô thưởng vô phạt ấy? Với người ngoài, tôi tuôn chữ YÊU ra như Sơn Tùng vào 8h tối ngày 5/7/2020. Nhưng với gia đình, những người mang cùng dòng máu, tôi luôn thấy bứ họng mỗi khi muốn nói ra điều đó.

Nói ra thì có sao nhỉ?

Hay là nói ra sẽ phạm vào điều gì?

Sao lại không nói?

Một thứ quá đơn giản là một câu nói thôi nhưng sao lại to tát đến thế?
Tại sao Càng nhỏ...nó lại Càng to?

Ít nhất mọi thứ đã về quỹ đạo ban đầu. Lương đã về đúng ngày, nợ đã dần được trả hết và bệnh tật cũng đã qua. Tôi lên đường mỗi sáng đến công ty với một bầu suy nghĩ về bố, về bản thân, về câu nói mà tôi vẫn giữ ở cuống họng mỗi khi nghĩ về bố. 

Ngoài lề chút, ở tuổi của tôi bây giờ, bố đã lấy mẹ, năm sau là sẽ đón chị tôi vào đời. Lúc đó hai bố mẹ chẳng có một cắc trong tay, bố phải đi cuộn dây đồng làm biến thế để có chút tiền đem về mua sữa. Mà ngần ấy không đủ, bố đã phải đi làm xe ôm, và thậm chí còn phải đi bốc vác để gánh cả nhà. Mẹ từ quê lên chưa có nghề, không xin được công việc ổn định, phải một tay bồng con một tay lao lũng. Ấy vậy mà cũng trải qua được 4 năm ròng rã để rồi một ngày đông lạnh lẽo tới, bố và mẹ cùng "phụt" tôi ra. 
Hai đứa con nhỏ và một túp lều tranh ở cuối đường Mai Động, bố phải đi vác thêm bình ga cho nhà người ta, và rồi mãi mới xin được vào biên chế để làm công nhân bán xăng dầu đến tận giờ. 
Ngày ấy (năm 2000) lương 1 triệu cũng là khá ổn, nhưng tôi thì bắt đầu đi học cấp 2 và chuẩn bị lên cấp 3. Bằng cách thần kỳ nào đó, bố vẫn tiếp tục thăm ngàn, tôi vẫn tiếp tục ăn hại và rồi đến bây giờ, ngồi đây, luyên thuyên cái gì đó trên mạng. 


Đọc thêm:

Bố mạnh thật! Càng to phết! Còn tôi thì vẫn chưa tiến hóa, vẫn chỉ là con Krabby đang chuẩn bị cày cuốc để lên đủ Level mà hóa thành Kingler. Năm sau là phải tiến hóa rồi, mà có khi còn phải tiến hóa mạnh hơn để còn có sức nói ra cái điều đang ứ tận họng này với bố. 
Đúng là...Càng nhỏ, càng to.
PEACE!