Tôi không yêu chính bản thân mình. Đó là một sự thật mà tôi chỉ mới nhận thức rõ ràng trong thời gian gần đây.
Từ nhỏ tôi đã không thích chụp ảnh. Tôi cảm thấy rất gượng gạo và căng thẳng mỗi khi phải đứng trước ống kính. Tôi không biết phải tạo dáng ra sao, đứng thế nào lên hình cho đẹp. Tôi luôn tin rằng mọi ảnh chụp tôi lên đều sẽ rất xấu. Vì vậy, tôi né tránh việc chụp ảnh, còn nếu phải chụp tôi sẽ tìm góc khuất ở sau để khỏi phải xuất hiện nhiều trong khung. Sau khi ảnh chụp ra, tôi cũng không dám nhìn lại, sợ nhìn thấy hình ảnh xấu xí của mình thì lại thêm ghét mình hơn nữa.
Hình avatar facebook từ trước đến nay của tôi đa phần đều là ảnh thần tượng hoặc các nhân vật truyện tranh tôi yêu thích, hình các em bé trên mạng mà tôi thấy đáng yêu. Mãi đến khoảng vài năm gần đây, tôi mới đủ tự tin để đăng ảnh chính mình làm avatar, nhưng có lúc khi cơn căm ghét bản thân trào lên, tôi lại lên xoá ảnh đi, vừa xoá vừa cảm thấy chính mình trong ảnh thật tởm.
Bất chấp có nhiều người quen và bạn bè sẽ nhảy vào bình luận khen là "ôi ảnh này xinh thế", "cười tươi hơn hoa nè" vv..., tôi luôn tin đó chỉ là lời xã giao họ nói để có cái mà nói hoặc an ủi tôi mà thôi. Dù họ nói gì tôi chỉ cảm thấy đó là sự thương hại hơn là những lời khen thật. Chắc chắn nhiều người trong số đó cũng thấy ảnh của tôi lố hoặc chẳng có chút gì tinh tế.
Chắc bạn cũng đoán được tôi ghét nhìn chính mình trong gương như thế nào. Mỗi sáng tỉnh dậy, nhiều khi tôi đánh răng rửa mặt mà không bật đèn lên để khỏi phải nhìn vào gương. Cũng có đôi lúc tôi nhìn vào gương và thấy mình cũng ổn, cũng xinh, nhưng những khoảnh khắc đó là rất hiếm so với cảm giác chán ghét thường trực khi tôi vô tình đi qua tấm gương và nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong đó.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet
Tôi cũng đã bỏ facebook được hơn 2 năm, chỉ thỉnh thoảng lên để theo dõi các hội nhóm bạn bè công việc chứ tuyệt đối không đăng gì. Facebook là một nơi quá áp lực với tôi. Tôi sợ phải xem những hình ảnh xinh đẹp và thành công của các cô gái khác cùng tuổi. Người này vừa được nhận vào làm việc Bộ ngoại giao. Người kia vừa được cầu hôn trong một buổi lễ lung linh. Người nữa vừa đi du học và đang vi vu du lịch khắp châu Âu.
Dù vô thức hay cố ý, tôi luôn ngầm so sánh mình với họ, càng so sánh càng cảm thấy mình thất bại, vô dụng và xấu xí. Cảm giác của 1 kẻ loser, hay đúng hơn là sore loser. Điều tệ hơn là tôi nhận thức được mình đang so sánh bản thân với người khác, thấy mình càng ngày càng hèn mọn và nhỏ nhen khi ganh tỵ với thành công của bạn bè xung quanh, những người mà tôi biết đều rất đáng yêu và tốt bụng. Khi ấy, tôi cảm thấy mình chính là những kẻ xấu trong các câu chuyện trên phim ảnh - vừa xấu người vừa xấu bụng. Đó thực sự là một cảm giác đắng nghét.
Tôi quyết định unfollow những người tầm tuổi tôi để khỏi phải nhìn thấy họ rồi mất công ghen tỵ và trở nên xấu xí. Tôi cũng không đăng bài vì ghét cảm giác phải cố gắng thể hiện mình ổn, mình sống rất tốt cho thiên hạ xem. Nhưng bên trong, tôi hiểu việc unfollow hay dừng sử dụng mạng xã hội chỉ giải quyết được bề mặt của vấn đề, còn sự tự ti và căm ghét bản thân là cốt lõi thì vẫn còn nguyên.
Ghét chính mình là một cảm giác rất tệ hại. Giống như bạn mình bị cầm tù chung một căn buồng chật hẹp với một kẻ bạn không ưa, phải nhìn thấy kẻ đó 24/7, ăn cùng ngủ cùng và làm mọi thứ cùng nhau. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút bạn đều không thoải mái nhưng không có cách nào thoát ra được, trừ khi bạn tự giết chính mình đi.
Tôi hiểu rằng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài học cách chấp nhận chính mình. Vậy thì phải chấp nhận như thế nào? Tôi đã tìm đọc tài liệu về self-acceptance để tìm lối ra cho chính mình.
Theo những gì tôi tìm hiểu, những người gặp khó khăn trong việc chấp nhận bản thân đa phần có self-esteem - lòng tự tôn thấp, có thể do tuổi thơ sống với cha mẹ thiếu đồng cảm, hay phán xét. Họ luôn thấy cần phải chứng mình bản thân và cần sự công nhận từ người khác, nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiếp nhận lời khen hay sự quan tâm thật lòng vì họ luôn nghi ngờ chúng.
Những người không chấp nhận bản thân cũng luôn có cảm giác bản thể đang bị tách ra, một bản thể này căm ghét và chỉ trích bản thể còn lại. Vì vậy, họ thiếu đi cảm giác thống nhất - togetherness bên trong chính họ.
Người không chấp nhận bản thân sẽ phải học cách kiểm soát suy nghĩ tiêu cực về chính mình (self-regulation), nhận diện khách quan về bản thân (self-awareness) và tránh dựa vào đánh giá bên ngoài để định nghĩa bản thân (self-trancensdence).
Tất cả những điều này thực sự không dễ và cần khả năng sống rất tỉnh thức. Tôi chỉ mới đặt những bước chân đầu tiên trong một hành trình dài học cách chấp nhận bản thân. Có lúc tôi nhận ra được mình bắt đầu chỉ trích bản thân và tìm cách tự thoát ra. Lúc đấy tôi tưởng tượng một bản thể đầy cáu giận của mình đang xỉa xói một bản thể nhỏ bé yếu đuối khác, rồi tôi tưởng tượng thêm 1 bản thể thứ ba - thông thái, điềm tĩnh và lý trí hơn sẽ đưa ra lời khuyên giải. Có lúc bản thể thông thái này cũng ôm lấy cả 2 bản thể kia một cách cảm thông và yêu thương. Những lúc như thế, tôi thường khóc rất nhiều khi lần đầu tiên cảm nhận một sự bình an trọn vẹn khó tả bằng lời.
Nhưng cũng lúc tôi lại để mình rơi vào vòng xoáy căm ghét chính mình như trước, và cảm thấy cực kỳ tệ. Giống như một roller coaster - trò chơi tàu lượn trong đó cảm xúc lên xuống thất thường. Đó là vì tôi chưa hoàn toàn kiểm soát được suy nghĩ và cảm xúc của mình, nhưng ít ra tôi đang học cách để làm vậy, học cách để chấp nhận và tử tế hơn với chính mình, như lời một bài hát gần đây tôi rất thích vì nó chạm đến sâu thẳm trái tim tôi
"How many times can I tell you
You're lovely just the way you are
Don't let the world come and change you
Don't let life break your heart..."
Nguồn tham khảo:
Đọc thêm: