Đó là những câu hỏi cứ xoay mòng mòng trong đầu tôi 2 năm trước. Phải nói thật là trước tuổi 28 thì thật ra tôi đã từng nghĩ rằng mình... chắc chẳng bao giờ đạt được sự tự do tài chính cả, bởi vì số tiền tôi kiếm được lúc ấy quả thật quá ít, trong khi con số tôi tiêu thì lại quá nhiều. Cứ mỗi năm tôi lại ngồi lôi bảng cân đối thu chi ra và thở dài. Cơ mà sau khi gặp phải cơn "đói tiền", dẫn đến việc nhìn nhận lại bản thân mình, tôi, 29 tuổi đã đưa ra mục tiêu là mình cần cố gắng đạt được tự do về tài chính và nghỉ hưu sớm để theo đuổi ước mơ của mình. Đã nói là làm, tôi bắt tay vào nghiên cứu rồi nhận ra việc tính toán nó phức tạp hơn mình nghĩ. Tôi muốn chia sẻ 1 số cách tôi đã rút ra được trong quá trình nghiên cứu về tự do tài chính. Mong rằng có thêm nhiều bạn cùng chia sẻ quan điểm về điều này. Tôi cũng đang nhặt nhạnh để đạt được mục tiêu mình đã đề ra sớm nhất có thể ^^.
Disclaimer: Thông tin do tôi tự thu thập dựa trên các nguồn trên... google và kinh nghiệm tự thân nên nó có khả năng đúng và sai, hãy cân nhắc trước khi sử dụng. Tôi cũng không quảng cáo cho bất kì sản phẩm tài chính nào hay khóa học blah blah đâu nên cũng đừng hỏi tôi phải làm sao hay làm thế nào đạt được mục tiêu tài chính của các bạn. Chú ý đừng copy bài viết này mà ko ghi nguồn ở đâu. Nếu muốn có luôn công thức thì bạn có thể đọc lướt đến đoạn công thức cơ mà khuyên thật là nên đọc chậm, kĩ :P và hãy comment cho tôi biết nếu tôi sai nhé hoặc thiếu gì đó. Many thanks.
money, bait, business, businessman, concept, currency, dollar, finance, fishing, fraud, hanging, hook, incentive, metaphor, motivation, reaching, temptation, trap, wealth, investor, dangling, cartoon, competition, lure, blue, illustration, animation, hand, technology, finger, graphic design, icon
Nguồn: pxhere

1. Tự do tài chính là gì? Những biến số bạn cần biết

Chắc hẳn ai cũng từng nghe đến cụm từ này rồi, và có ti tỉ các trang ngoài kia cho các bạn 1 số các định nghĩa về tự do tài chính. Tôi sẽ không trích dẫn mà chỉ nêu cái khái niệm bản thân tôi tự ngẫm ra (tất nhiên nó có thể đúng với tôi và không đúng với bạn). 
Với tôi thì tự do tài chính là khi:
- Tôi có 1 khoản thu nhập hàng tháng, hàng năm mà tôi không phải làm việc tôi không thích mà vẫn có đủ tiền để trang trải cho các nhu cầu của tôi 1 cách thoải mái từ thời điểm đạt được tự do tài chính đến hết đời.
- Khoản thu nhập này tương đối ổn định và ít phụ thuộc vào người khác
Còn nếu một trong 2 điều kiện này không đạt được thì với tôi, mình sẽ không đạt được tự do tài chính lí tưởng.
Vậy thì ở đây từ định nghĩa của tự do tài chính, mình có các biến số cần xác định, nếu muốn đạt được mục tiêu:

6 biến số của tự do tài chính

1.Thời điểm đạt được tự do tài chính (năm bạn x tuổi)
2. Thời gian hưởng thụ tự do tài chính (từ năm x tuổi => cuối đời)
3. Chi phí hàng năm để sống 1 cách thoải mái sau khi đạt được tự do tài chính (bạn sẽ chi tiêu bao tiền khi đã tự do tài chính?)
4. Số tiền bạn cần kiếm để tự do tài chính 
5. Sau khi đã tự do tài chính rồi, thì nguồn thu nhập các năm tiếp theo sẽ đến từ đâu? Phải làm sao để không làm việc mà vẫn có tiền.
6. Làm thế nào để kiếm đủ tiền cho kế hoạch tự do tài chính
Khi đã xác định được các biến số này rồi, chúng ta hãy cùng đi tìm câu trả lời cho từng biến số  từ 1 đến 5. Biến số 6 thì tôi sẽ không nói rõ ở đây vì cái này là  kế hoạch tài chính bản thân mỗi bạn tự suy nghĩ nhưng tôi sẽ chia sẻ kế hoạch của tôi ở series Làm lại ở tuổi 30 sau- các bạn đón đọc nhé.

2. Cách tính các biến số để đạt được tự do tài chính

a. Thời điểm đạt được sự tự do tài chính

Nghỉ hưu thông thường theo quy định nước mình là 55 với nữ 60 với nam nhưng mà thực chất thì độ tuổi 55 với 60 theo như tôi nghĩ thì đã quá muộn rồi. Tôi và nhiều người theo đuổi sự tự do tài chính sẽ đưa ra cho mình một mốc sớm hơn độ tuổi nghỉ hưu kia. Cái mốc là bao nhiêu tuổi do bạn chọn, nhưng sau khi mình tính toán được các biến số ở dưới, mình sẽ phải so sánh, cân đo đong đếm sao cho có thể đạt được sự tự do tài chính như dự kiến còn nếu không thì cần cân nhắc lại để nới rộng hay là giảm các biến số này. Với tôi thì tôi đặt ra cái mốc 42 tuổi  cho mình với các lí do sau đây:
-  Tôi muốn cho mình hơn 10 năm để cố gắng, 1 khoảng thời gian khá dài, đủ để khiến tôi dễ thở hơn, không bị cố gắng quá nhưng ko quá thoải mái.
- Đấy là thời điểm mà bố mẹ tôi bước qua độ tuổi 70, nên tôi muốn dành thật nhiều thời gian cho họ hơn, thay vì thời điểm hiện tại.
- Độ tuổi đó tôi cũng muốn theo đuổi ước mơ và đam mê của riêng mình, chứ không muốn đi làm thuê cho ước mơ của người khác nữa.
- Độ tuổi 40 thì cũng là độ tuổi mà chúng ta bắt đầu được liệt vào hàng ngũ "trung niên" nên không còn quá nhiều những cơ hội chào đón chúng ta như lứa tuổi 20-30, thế cho nên nếu không nỗ lực sớm, rất có thể tuổi xế chiều, mình sẽ không có đủ tiền, đặc biệt là với những người độc thân, không con cái như tôi.
- Độ tuổi 40 cũng là lúc phụ nữ như tôi xuất hiện dấu hiệu lão hóa và bước vào thời kì "xấu",  dễ nhiễm các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng khiến cho tôi bị động, mất 1 khoản chi phí lớn và đồng thời hoàn toàn làm tan vỡ các dự định của tôi. Vậy nên tôi muốn càng sớm càng tốt kiếm đủ tài chính để đảm bảo chi phí cho  các rủi ro đặc  biệt trong tương lai khi tôi không có chồng hay cũng không có con để san sẻ gánh nặng.

b. Thời gian hưởng thụ sự tự do tài chính

Để xác định được thời gian này, chúng ta sẽ cần phải biết được liệu mình sẽ sống thọ được bao lâu :)). Ở đây tôi sẽ đề cập đến 2 cách mà tôi dùng. Sau đó tính toán con số trung bình dựa trên 2 cách tính này.

b.1. Dựa trên số liệu thống kê trung bình về tuổi thọ của người dân Việt Nam

Con số này chính xác nhất thì mọi người hãy lên website của Tổng cục thống kê để lấy nhé.  Đây là link thống kê. Trong link này, các bạn có thể chọn các thông tin mình muốn lấy dựa trên : giới tính, vùng miền, năm và cả dạng hiển thị của biểu đồ. Số liệu update đến năm 2019 nên tôi sẽ lấy 5 năm liên tục nhé.
Nguồn: Tổng cục thống kê
Theo số liệu ở đây để áp vào bản thân thì tôi sẽ có thể sống ít nhất là 76 tuổi. Tôi sẽ tạm thời lấy con số này.
Với con số 76 tuổi thì từ lúc 42 tuổi cho đến 76 tuổi, tôi còn tận những 34 năm để tận hưởng sự tự do tài chính cơ đấy !

b.2. Dựa trên dữ liệu về lối sống, sức khỏe...

Google 1 hồi thì mình có thấy 1 bài báo mạng Việt Nam về 1 nữ tiến sĩ Mỹ đưa ra công thức tính về tuổi thọ có tên là Diana S. Woodruff - pak và tìm hiểu sâu hơn thì mình tìm thấy được luôn cái Quizz của bà để tính ra số tuổi thọ trung bình của  1 người từ 100 câu hỏi khác nhau. Các bạn rảnh có thể ngồi làm thử, còn tôi thì đi tìm 1 web khác có sẵn công thức và các câu hỏi tương tự (số lượng ít hơn) thì tìm thấy các bên khác nhau trong đó có 1 bên mình thấy khá ok. Sau khi điền thông tin về cân nặng, chiều cao, huyết áp, tiền sử sức khỏe của người trong gia đình, thói quen sinh hoạt, tập luyện, ăn uống, sức khỏe tinh thần, kết quả là mình có khả năng sống đến 90 tuổi cơ đấy.

Điều này đồng nghĩa là nếu tôi tự do tài chính ở tuổi 42, tôi vẫn còn tận 47 năm để ngồi hưởng thụ tự do tài chính và lợi ích của nó.

Chốt lại dựa trên 2 hình thức tính toán thì số năm trung bình tôi có thể hưởng sự tự do tài chính là 40 năm

c. Chi phí để sinh hoạt thoải mái sau khi tự do tài chính là bao nhiêu/ năm.

Này là 1 vấn đề siêu siêu siêu phức tạp nha. Vì cơ bản các chi phí của mỗi người là vô cùng khác nhau. Mà phần quan trọng là đây là chi phí cho tương lai nên nó thường khá khó tính. Nên là thay vì đâm đầu vào các cách tính phức tạp thì tôi sẽ cố gắng đơn giản hóa nó theo 1 số các bước sau đây
c.1 Tính mức chi cho sinh hoạt thời tương lai theo giá của thời điểm hiện tại
Giả định là mức chi dành cho sinh hoạt trong 40 năm kể từ khi tự do tài chính là không đổi (thật ra nó sẽ thay đổi là điều chắc chắn, nhưng vì mình chưa đoán trước được nó thay đổi ntn nên trong trường hợp này, để đơn giản hóa, có thể cho đây là 1 khoản chiếm tỉ lệ không đổi so với tài sản bạn có) thì hàng năm, con số này sẽ bị trượt giá do lạm phát, mình sẽ chỉ cần tính nó ở thời điểm được tự do tài chính (hay tôi gọi nó là năm số 0) , và sau đó căn cứ vào tỉ lệ lạm phát để tính thực tế con số trong tương lai vào mỗi năm. Nhưng tất nhiên, cần cân nhắc vì thực tế, tỉ lệ lạm phát cũng thay đổi theo các năm nên trong trường hợp lý tưởng này, tôi cũng giả định luôn là tỉ lệ lạm phát không thay đổi.
VD: Năm tôi 42 tuổi, tôi dự định sẽ tiêu 120 triệu /năm cho sinh hoạt. Thì tôi vẫn sinh hoạt như vậy, không thay đổi, không tiêu nhiều hơn hay ăn sang hơn, thì 40 năm sau- khi tôi 89 tuổi, thật ra mức phí sinh hoạt của tôi về giá trị nó ngang với 6 triệu/tháng ở thời điểm tôi 42 tuổi nhưng thực tế nó sẽ có giá thật là: 576 triệu với mức trượt giá 4%/ năm như hiện tại. Điều tôi cần tính ở đây là chi phí dự định tiêu cho năm 42 tuổi khi tôi tự do tài chính thì con số này phải được tính toán dựa trên chi phí thực trong năm 2021 khi tôi 30 tuổi.
Và để tính được chi phí tại thời điểm tự do tài chính ấy (thực tế cũng là 1 mốc thời gian trong tương lai) mình cũng cần tính dựa trên chi phí thực tế trong hiện tại và rồi sau đó cộng vào tỉ lệ lạm phát.
VD: Năm 2021 bạn 30 tuổi tính ra là bạn cần 1 năm tiêu 200 triệu khi bạn đã tự do tài chính ở năm bạn 42 tuổi. Thì thật ra giá trị thật của con số 200 triệu ở năm 42 tuổi đó là 200* (1+ tỉ lệ lạm phát )^12. 12 ở đây là số năm bạn đạt được tự do tài chính.
Và vì đây là mức chi dành cho sinh hoạt ở thời điểm năm bạn tự do tài chính, nên bạn cần rất rạch ròi các khoản, để tránh bị bỏ sót. Thông thường chi phí sinh hoạt này bạn có thể bóc ra các mục như sau:
- Đồ ăn: Cái này bạn xem hiện tại bạn tiêu khoảng bao nhiêu, có thể áng chừng là đến khi tự do tài chính là mình sẽ ăn ít hơn hay nhiều hơn để tính. Tôi vẫn tính nó nhiều hơn chi phí đồ tôi ăn hiện tại 20-30% vì có thể lúc đó tôi sẽ ăn ít, nhưng mà ăn chất và tinh tế hơn, ngon hơn.
- Nhà ở: Bạn lúc ấy có nhà hay vẫn đi thuê, bạn cần coi xem giá nhà đất mấy năm nay đang tăng hay giảm như thế nào để điều chỉnh. Nếu bạn đang mua trả góp nhà và sẽ lấy được nhà vào thời gian đó, thì có thể ko cần tính chi phí vào đây. Là 1 người đã và đang thuê nhà, thì tôi thấy mỗi năm giá thuê lại tăng lên 10%, thậm chí có nơi tăng 20-30%. Các bạn có thể áp dụng công thức tính trượt giá như trên để tính giá thuê nhà trong tương lai ở độ tuổi "nghỉ hưu" nhé.
- Đi lại: Đây là chi phí phục vụ sinh hoạt ăn uống, vui chơi giải trí gần, trong khu vực bạn sống, không tính đến việc đi xa nhé. Cái này lại phụ thuộc vào giá xăng và phương tiện bạn dùng. Đi xe máy thì tiền sẽ tăng cao hơn nếu đi các phương tiện công cộng (vì nó có trợ giá nhà nước). Theo mình xem lịch sử tăng giá xăng thì năm 2021 giá đã tăng 30% so với 2010, tức là trong 10 năm đã tăng lên 30%, các bạn cũng có thể lấy luôn mức này để tính.
- Sức khỏe: cái này bạn có thể căn cứ vào mức đóng bảo hiểm y tế của các công ty để tính trung bình và lấy chi phí khám sức khỏe định kì hàng năm để có được con số này.  Có rất nhiều công ty bảo hiểm có gói đóng trọn đời, mình có thể cân nhắc lấy mức đóng phí mỗi năm cho cái gói trọn đời của họ để tính vào đây. Theo tôi thì mức chi cho sức khỏe thậm chí nên tính là x2 số tiền đóng bảo hiểm bởi vì sau khi mình tự do tài chính, có thể mình đã hơi già hơn 1 chút, số tuổi lớn làm cho mình có nguy cơ mắc bệnh tật nhiều hơn.
- Đầu tư cho bản thân: làm đẹp, mua sắm, học hành..... Ít nhất cũng bỏ ra khoảng 5% thu nhập hiện tại.
- Thuế thu nhập cá nhân: may quá, hiện tại nếu chỉ gửi tiết kiệm hoặc đầu tư tài chính thì thuế chỉ tầm 0.1-1%, không phải là con số quá lớn. Trừ phi bạn nhận cổ tức của công ty bạn đầu tư thì bạn bán đi sẽ phải nộp 5% thuế của các khoản đó.
- Phí cho các hoạt động xã hội: ma chay, cưới xin, sinh nhật, sinh nhật bạn bè, sinh nhật con bạn bè ^^,... ti tỉ thứ. Nói chung cái này ước lượng thôi, chắc max 5% chi phí sinh hoạt là hợp lí.
- Tình phí: đây là phí hẹn hò, quà tặng cho người yêu, vợ chồng.... Nói chung tôi thấy vui vì hiện tại và có thể tương lai, chắc tôi cũng ko lo có khoản phí này phát sinh vì ế trường kì, ế dài lâu, =))).
- Phí dành cho gia đình: Tết, tiền gửi phụng dưỡng bố mẹ, tiền mừng cho các cháu, tiền hỗ trợ người thân.... Bạn nào phải lo cho bố mẹ, các em... thì hãy tính luôn cả khoản phí này vào. 
- Nhu cầu khẩn cấp: cái này +10% tổng số chi phí đã tính ở trên, mục đích là để phòng ngừa lúc nguy nan.
1 tip tính chi phí sinh hoạt và thuê nhà đó là: tham khảo giá cả 1 tháng của 1 viện dưỡng lão tầm 4-5 sao ở nơi bạn sống. Đấy là cách khá nhanh và dễ dàng hình dung được chi phí thông thường bạn sẽ cần sau khi nghỉ hưu. Ngoài ra, bạn cũng có thể tính được luôn tiền phụng dưỡng cha mẹ nữa. Thông thường mình tham khảo thì hiện tại chi phí 1 người nếu vào viện dưỡng lão bết nhất là 9 triệu/ tháng,  trung trung thì 11 triệu/ tháng, xịn hơn là 20 triệu/ tháng.

c.2. Tính các chi phí phát sinh không định kỳ

Tất nhiên ngoài chi phí sinh hoạt ra thì tôi và các bạn còn rất nhiều khoản chi khác và nó hoàn toàn không theo tháng, theo quý, theo năm, mà nó lại phát sinh bất kì lúc nào. Những khoản chi phí này thường sẽ là:
- Chi phí đi du lịch
- Chi phí mua nhà, xe...
- Chi phí đầu tư học hành cho con cái (nếu có)
- Các chi phí mình ko thể đoán được, biết được.
Điều tôi làm là :
- Tính hết tất cả các khoản phí này, sau đó, chia nó ra theo số năm mình sẽ tiêu nó.
VD: Du lịch thì mình ko đi du lịch cả 40 năm kể từ sau khi tự do tài chính, mình sẽ chỉ đi du lịch 10 năm thôi=> mình tính chi phí du lịch mình cần trả trong 10 năm đó là X, chia đều cho 10 năm.=> 1 năm chi phí đi du lịch là X/10
Tiền mua xe là Y, thì từ năm bao nhiêu tuổi mình sẽ cần có xe => mình trừ đi cái tuổi mình tự do tài chính thì ra được số năm.=> Tính 1 năm chi phí để mua xe là bao nhiêu.
- Cộng gộp các khoản phí này khi đã chia ra theo năm vào tổng chi phí sinh hoạt các kiểu mình tính ở phần c.1 phía trên. (VD: X/10+Y/20+Z/30....)
c.3. Tính chi phí năm số 0 khi tự do tài chính với tỉ lệ lạm phát ước tính
Cái quan trọng nhất trong việc tính chi phí năm số 0- khi được tự do tài chính đó là... tỉ lệ lạm phát. Tỉ lệ lạm phát trong 10 năm trước có biến động vô cùng lớn, nhưng đã dần ổn định từ khoảng 5 năm gần đây cho đến khi nó tăng nhiều hơn vào năm 2020 do Covid 19. Với tỉ lệ hiện tại trong 5 năm gần nhất thì dự báo là trong năm tiếp theo -2021, tỉ lệ lạm phát sẽ tầm 4 % hoặc cao hơn. Cơ mà nói thật thì đấy là tỉ lệ trung bình thôi các bạn ạ, chứ mấy thứ thiết yếu nó tăng lên kinh lắm.
 
Source: Báo Lao Động.


Tóm lại thì tôi thấy là mình nên chọn tỉ lệ lạm phát trung bình là 5%/ năm đi.
Với các chi phí như ở trên, tôi sẽ có công thức tính chi phí ở thời điểm tôi tự. do tài chính như sau:

FC (y0)= PC(y0)*(100+IR)%^n

FC (y0): Chi phí trong năm số 0 khi đạt tự do tài chính
PC(y0): Chi phí  trong năm số 0 được tính theo giá hiện tại
IR: Inflation rate (Tỉ lệ lạm phát)
n: số năm để có được tự do tài chính.

VD: Hiện tại (năm 2021) bạn tính ra được mức chi phí mong muốn của bạn cho năm khi đã đạt được tự do tài chính (năm bạn 40 tuổi) là 50 triệu, thì tại đúng năm bạn 40 tuổi, chi phí ấy chính xác sẽ là = 50*((100+5)%)^10)=81 triệu. Giả định là tỉ lệ lạm phát luôn ko đổi và là 5%.

d. Số tiền bạn cần kiếm để tự do tài chính và làm gì với nó sau khi tự do tài chính

Số tiền này cũng là 1 con số rất thách thức! Lí do bởi vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cách tính cũng ko phải ai cũng giống ai. Trong phần này tôi gộp 2 yếu tố 4-5 vào với nhau bởi vì nó thường đi theo cặp :)).  Về thực chất thì mình sẽ chỉ cần kiếm sao đủ chi phí cho năm số 0 khi tự do tài chính và chi phí đầu tư để các năm còn lại mình thừa tiền để sống. Nên số tiền mình cần kiếm được sẽ phụ thuộc vào cái chi phí mình muốn chi và cách mình tái đầu tư nó.

d.1. Bạn làm gì với tiền tích góp được để đạt tự do tài chính?

Để tiền để ra tiền (kiểu gọi là thu nhập thụ động), ko phải đi làm công ăn lương thì hầu như, theo tham khảo và tự nhận thức của tôi thì đều đến từ việc đầu tư tiền vào các kênh tài chính. Có khá nhiều kênh đầu tư mà không ít người chọn:
- Vàng
- Cho vay lấy lãi
- Cho thuê
- Chứng khoán
- Trái phiếu
- Chứng chỉ các quỹ đầu tư
- Forex
- Coin hay còn gọi là tiền điện tử
- Ngoại tệ
Đây là quan điểm của tôi về các loại kênh đầu tư:
- Theo tôi thì những kênh đầu tư như cho thuê, cho vay thì thu nhập vẫn phụ thuộc vào con người mà tôi cho vay hay cho thuê và việc tôi có thể kiếm ra những người đó hay không. Chẳng may mà 1 con nợ của tôi die, hoặc bỏ trốn, hoặc có ai đó thuê nhà tôi rồi phá hoại, bỏ trốn... thì coi tôi mất trắng! Tất nhiên rủi ro đó vẫn ít nhưng nó vẫn xảy ra :)). Ngoài ra, tiền mua BĐS để cho thuê cũng khá nhiều đấy, không ít và sau dịch Covid 19 thì hiện tại giá thuê đang quá rẻ đi, nếu tính cả phí bảo trì nhà cửa cho thuê thì cũng chẳng lãi gì cho lắm. Còn cho vay thì còn phải ... thuê người đi đòi nợ :v, chịu chấp nhận làm dân anh chị và có khả năng bị nhà chức trách sờ gáy. 
- Nếu tính đến sự an toàn và biến động về giá, thì các kênh đầu tư như coin, forex này mang lại rủi ro khá lớn, cho nên hầu như ít ai chọn đầu tư vào các kênh này khi họ nghỉ hưu cả vì không an tâm khi an hưởng mà cứ phải lao đầu vào hàng ngày vì biến động lớn. 
- Vàng vốn dĩ là 1 bến đỗ cho nhiều người (trong đó có bố mẹ tôi) vì nó là tiền thật, không bị nhà nước hay các công ty hay cơ quan nào ảnh hưởng, cơ mà thật sự thì đầu tư đồng nghĩ phải chi tiền ra bảo vệ và bảo quản nó. Nhà nào có quá nhiều tiền thì sự chú ý của trộm cắp cũng lớn! Rồi vàng để lâu cũng han gỉ ít nhiều, bán ra cũng bị hao hụt mấy giá. Tính ra cũng mạo hiểm phết. Có nhiều ngân hàng cho gửi vàng vào két sắt nhưng không có lãi gì đâu, còn mất phí nữa cơ. Nhưng nếu thế giới có quá nhiều biến động như hiện tại thì đôi khi, cái kênh vàng này cũng là 1 kênh tránh bão không tồi.
- Chứng khoán: Nó thật ra là vô cùng mạo hiểm, nhất là thị trường ở Việt Nam khi có quá nhiều cá mập :)) nhưng nếu tỉnh táo thì vẫn ok nhé vì nó cho mức lãi khá cao, ít thì cũng 10-20%/ năm, nhiều thì vô cùng. Các bác đầu tư lâu năm và cao tay thì mức lãi cũng tầm 50% trở lên. Tuy nhiên cũng lưu ý là đây là kênh phụ thuộc vào các công ty cho nên không phải lúc nào lãi lỗ cũng ổn định được. Và để đầu tư thì dù sao cũng phải theo sát thường xuyên, đâu phải an tâm ngồi mát mà thụ hưởng đâu.
- Trái phiếu: trái phiếu ở Vn thì được các doanh nghiệp và cả nhà nước phát hành. Trái phiếu nói chung là lãi ít hơn nhiều so với chứng khoán, cơ mà tỉ lệ thì cũng khá ổn so với gửi lãi ngân hàng. Mức lãi lí tưởng là 10%, còn thời điểm hiện tại thì hơn 8-9%. Trái phiếu thì an tâm hơn chứng khoán 1 tí :v, vì dù sao chứng khoán có mua bán được thường xuyên, giá cả biến động lớn chứ trái phiếu là cam kết lãi từ công ty, nó cũng khá ổn định (do thời gian cũng khá dài). Rủi ro là nếu công ty die, thì mình cũng sẽ bị mất đi ít nhiều. Nên nếu đầu tư kênh này, cũng phải coi mặt gửi vàng nhé.
- Chứng chỉ quỹ: có rất nhiều quỹ đầu tư và đây là hình thức gửi ủy thác cho các quỹ đầu tư hộ mình, và trả phí cho họ. Quỹ thường có mức lãi giao động từ 8-16% hoặc hơn tùy các quỹ và tùy vào lúc thị trường lên xuống. Nói chung đây là kênh ok, ổn định, kha khá là an tâm tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, rủi ro nhất là mọi thứ đổ bể nếu cái quỹ đó... bưng tiền nhà đầu tư chạy trốn :v hoặc họ đầu tư vớ vẩn để mất tiền nhà đầu tư. Trong trường hợp này thì đen thôi đỏ quên đi =))).
Nhìn chung chẳng có phương án nào hoàn hảo 100%, và ai cũng sẽ có sự lựa chọn riêng. Quy luật thì vẫn luôn là không nên bỏ trứng hết vào 1 giỏ :)) cho nên vạn sự tùy... đầu của chúng ta, tùy thời thế, tùy tình hình mà quyết định.
Đây chỉ là suy nghĩ của tôi thôi vì nói chung kinh nghiệm tài chính của tôi chưa có được nhiều, hi vọng các bạn sẽ có nhiều cái nhìn khác sâu sắc hơn hoặc thông tin khác hơn để chia sẻ cùng tôi. 
Việc quyết định xem mình làm gì với số tiền mình kiếm được sau khi tự do tài chính sẽ cho mình 1 cái hướng đi để tính toán số tiền mình kiếm được để đạt tự do tài chính.

d.2. Tính chi phí cần để tự do tài chính dựa trên quy luật  ngón tay cái- quy luật 4%

Như đã nói ở phần trên, cách mình dùng tiền sẽ quyết định số tiền mình dự định kiếm được để đạt tự do tài chính. Vì tiền này theo lí thuyết sẽ được đem đi đầu tư, cho nên nó sẽ càng ngày càng nhiều hơn về mặt giá trị. Và vì vậy, chúng mình sẽ chỉ cần quan tâm đến cái con số mình có được vào thời điểm mình đạt được tự do tài chính- ở đây được coi là năm số 0. Cũng vì thế, chúng ta cũng sẽ lấy con số chi phí chi tiêu trong năm số 0 này để tính con số mình cần có được đạt tự do tài chính.
Để tính khoản tiền này, tôi có đọc thì  các nhà tư vấn tài chính đều thấy đề cập đến 1 quy luật phổ biến: Quy luật 4%. Các bạn có thể đọc thêm về nó ở đây.
Theo quy luật này ấy thì mỗi năm mình sẽ:
- Rút ra 4% số tiền quỹ tự do tài chính để tiêu trong vòng 25 năm, dài hơn thì ko áp dụng được.
- Bắt buộc phải tái đầu tư cái tiền quỹ tự do tài chính đó.  Danh mục đầu tư là 60% stock và 40% bonds. 
-Mức sinh lời kì vọng được điều chỉnh dựa trên tỉ lệ lạm phát hàng năm. VD: tỉ lệ lạm phát 4% thì mình phải đầu tư sao cho lãi = 4% tiền rút + 4% lạm phát + 1% thuế => Lí tưởng là 9%. Còn nếu tỉ lệ lạm phát thấp hơn hay cao hơn sẽ điều chỉnh lại.
Từ cái quy luật này thì mình mới tính được số tiền mình cần tiết kiệm để đạt tự do tài chính là gấp 25 lần số tiền mình cần chi tiêu.
Tôi đã nghiên cứu 1 số trang thì thấy các trang đều nêu ra rằng quy luật 4% này có vấn đề:
- Nó quá lâu và lỗi thời vì được tính toán từ thời năm 70s của thế kỉ 20 cơ mà.
- Nó cho rằng thị trường không đổi, nghĩa là bonds và stocks đều có triển vọng lãi suất không thay đổi. Không tính đến các trường hợp suy thoái kinh tế... bởi vì mọi thứ được tính toán dựa trên bonds và stocks các năm 20s-70s của thế kỉ trước.
- Chưa tính đến trường hợp tuổi thọ càng ngày càng tăng, tức là chúng ta có thể sống lâu hơn mà sức khỏe tồi hơn, chi tiêu cho sức khỏe nhiều hơn.
Nhưng cũng không thể phủ định rằng, đây là 1 quy luật đơn giản cho bất kì ai cũng có thể tiếp cận được, đặc biệt là kẻ chẳng học hành tài chính bài bản nào như tôi :P. Cho nên bạn nào thích thì vẫn có thể áp dụng cách này để tính.

Theo cách này thì số tiền mình cần phải kiếm được để tự do tài chính là:
FV(y0)= FC(y0) ÷ 4%

FV(y0): Số tiền cần để tự do tài chính 
FC(y0): Chi phí tương lai trong năm đầu tiên tự do tài chính

d.3 Quy luật 4% nâng cấp lên để tính thu và chi hợp lí

Về chi tiêu- Xác định mức trần- sàn cho việc chi tiêu
Thật ra thì các chuyên gia đều khuyên là nên giữ 1 tỉ lệ chi tiêu linh hoạt thay vì cứ khăng khăng rút 4% và bắt buộc mỗi năm phải cố kiếm tiền bù vào trong lúc kinh tế khó khăn và các tỉ lệ đầu tư trái phiếu hay chứng khoán không tốt. 1 số người thì khuyên nên đặt mức trần và sàn:
- Trần: mỗi năm tối đa rút ra 5% số tiền quỹ tự do tài chính để chi tiêu.
- Sàn: mỗi năm tối thiểu rút ra 2.5% số tiền quỹ để chi tiêu.
Về việc đầu tư- phân bổ linh hoạt các hạng mục
Số tiền còn lại mang đi đầu tư thì nhiều bác cũng khuyên là nên phân bổ linh hoạt và nên dựa trên tình hình thị trường mà đầu tư. Người thì 50% chứng khoán, 50% trái  phiếu, nhưng có người thì là 30% quỹ, 70% chứng khoán.
Lời khuyên như thế nào thì tùy mức lãi bạn muốn, hãy google để tìm hiểu hoặc tốt nhất thì hãy cân nhắc dựa trên cách mình đầu tư hiện tại nhé.

d.4 Cách tính số tiền để đạt mục tiêu tự do tài chính của tôi 

Suy cho cùng thì tôi thấy thật ra tỉ lệ 4% cũng là 1 tỉ lệ khá lí tưởng hóa. Để đề phòng trường hợp xấu, tôi nghĩ rằng chúng ta nên lấy tỉ lệ thấp hơn. 2.5% trong bài viết ở trên thì là tỉ lệ sàn, đó có thể là tỉ lệ thích hợp vì khi mình lấy chi phí chia cho 2.5% thì mình sẽ ra con số 40 :)) có vẻ bằng con số năm an hưởng tự do tài chính của tôi nhỉ - tương đương với việc số tiền tôi cần kiếm được cũng phải gấp 40 lần số tiền chi tiêu khi về hưu sớm của tôi. Tức là về cơ bản số tiền mình cần kiếm được sẽ là 1 khoảng như thế này:

FV: Số tiền tối thiểu cần kiếm được để đạt được tự do tài chính. A= FC(y0)/ 5%

B: Số tiền tốt nhất mình cần kiếm được để đạt được tự do tài chính. B= FC(y0)/ 2.5%

Khoảng mình cần kiếm sẽ dao động từ A->B các bạn ạ.  

FC(y0): Chi phí năm đầu khi tự do tài chính

Và trong những năm được tự do tài chính, hãy cố mà có portfolio đầu tư hợp lý chứ đừng nghĩ để số tiền này chết dí ở đó!

3. Mình cần đầu tư bao tiền/ năm để có thể được tự do tài chính 

Về lí thuyết thì ai cũng có thể làm việc, đầu tư, kinh doanh... để kiếm ra được số tiền mà họ muốn để nghỉ hưu sớm, tự do về tài chính. Cơ mà liệu điều đó có thực tế không?
Câu trả lời là... tôi không biết :v.
Cái đó tùy vào việc tình hình hiện tại của bạn như thế nào. Mà muốn biết được hiện tại với tương lai nó có match nhau hay không, mình sẽ cần tính toán thôi. 
Để đơn giản hóa, các chuyên gia đều khuyên chúng ta hãy coi cái việc đạt được tự do tài chính chính là 1 cái món đầu tư, và món đầu tư đó được thực hiện ngay vào thời điểm hiện tại. Nếu bạn không có gì thì bạn ko thể đầu tư được rồi, nhưng bạn chỉ có chút xíu á, thì số tiền bạn kiếm được sẽ tỉ lệ thuận với nỗ lực của bạn, ngược lại, bạn có nhiều tiền để đầu tư rồi, thì tiền đẻ ra tiền sẽ nhanh thôi.

Công thức đơn giản để tính khoản tiền bạn cần kiếm trong mỗi năm để tự do tài chính

Có 1 công thức mà từ 1 số tiền trong tương lai mình có thể truy ngược lại số tiền trong mỗi năm mình cần chi ra để có được đủ tiền quỹ tự do tài chính. Công thức thần thánh đó hoá ra tôi đã từng được học trước kia, trong môn... Excel :v. Nay thì khi phải ôn lại kiến thức về tài chính, tính toán, tôi mới biết hồi ấy học vớ vẩn đến mức nào. Thôi không lòng vòng nữa, đó chính là công thức tính PMT các bạn ạ. Đây nó đây:

Số tiền cần kiếm/ năm để tự do tài chính= PMT(r, nper, -PV, FV(y0))

PV:  Số tiền mình đang có trong thời điểm hiện tại.

FV(y0) : Số tiền cần để tự do tài chính 

r: Tỉ suất sinh lời (interest rate) hàng năm.

nper: số năm mình cần để tự do tài chính

Điều kiện để sử dụng công thức này:
- Tỉ suất sinh lời không thay đổi theo thời gian
- PV không đổi theo năm
- Tiền lãi trả vào 1 ngày cố định trong mỗi năm.
Các bạn đọc thêm về PMT ở đây 
PV là khoản mình bỏ vào đầu tư cho tương lai nên nó sẽ là -PV nhé
Nhìn chung với các điều kiện như thế này thì thật ra nó hơi không hợp lí về mặt thực tế vì chúng ta luôn kì vọng là tiền có để đầu tư mỗi năm lại 1 nhiều lên, lãi mỗi năm lại tăng, rồi tỉ suất ính lời mỗi năm lại cao hơn. Còn các bạn nào muốn sử dụng công thức này cho nó đơn giản thì hãy lấy mức tỉ suất sinh lời thấp nhất trong các nguồn thu của bạn mà tính. 

Cách tính số tiền cần để tự do tài chính khi có nhiều nguồn thu khác nhau

Cái này thì tôi chịu =))), các bạn tự tính nhá. Làm khó nhau vãi đạn. Thật ra tư duy của tôi là hãy đơn giản hóa vấn đề đi các bạn ah, hãy quy hết về 1 dải lãi suất và 1 cái khoản tiền đầu tư không đổi mỗi năm để cho nó dễ. Suy cho cùng thì cái này chỉ để mình ước lượng và điều chỉnh, vì thế đừng mất time cho nó quá :v.

3. Với mức thu nhập và chi tiêu hiện tại, chúng ta cần bao lâu mới đạt được tự do tài chính? Mà liệu đạt được không?

Câu hỏi quan trọng nhất đây, và tôi tình cờ cũng tìm thấy 1 cái file cho phép bạn nhập số vào để tính toán luôn, vậy cho đỡ mệt người. Cái file đó đây:
Nguồn: https://www.doughroller.net/
Các bạn tạo bản copy của file, sau đó tự nhập các thông số để nó tự tính ra cho mình. Đây là file của 1 bác làm dựa trên cái quy luật 4% nhưng mình hoàn toàn có thể tự modify các chỉ số:
- Annual Savings: hàng năm mình tiết kiệm được bao nhiêu
- Annual spending in retirement: nếu tự do tài chính rồi thì hàng năm ăn tiêu bao nhiêu
- Withdrawal rate: Tỉ lệ rút ra để tiêu khi tự do tài chính là bao nhiêu
- Return %: Tỉ lệ sinh lời của khoản tiền tự do tài chính sau khi đạt tự do tài chính.
- Current savings: con số hiện tại mình đang có
Ngoài ra phía trên còn có 1 bảng khá quan trọng liệt kê theo tỉ lệ chi tiêu/ tỉ lệ saving và càng saving càng nhiều hơn chi tiêu thì nó lại càng rút ngắn khoảng thời gian đạt tự do tài chính hơn.
Nguồn: https://www.doughroller.net/ Các bạn điền thông số vào phần xanh lơ bên tay trái nhé.

4. Cạm bẫy của tự do tài chính

Nói chung nguồn cơn của mọi sự cám rỗ đều đến từ lòng tham, hãy thực tế, đừng mơ mộng hão huyền, đừng tin vào những thứ hứa hẹn rằng làm cái này thì bạn nhanh được tự do tài chính. Lừa đảo hết thôi các tình yêu ơi. Nên nhớ cái giá của độc lập, tự do, tài chính và hạnh phúc chính là... sương máu, mồ hôi và cả nước mắt. Tiền của mình mà, hãy dùng nó 1 cách khôn ngoan!
Để đạt được tự do tài chính không phải là không thể, nhưng bạn cần phải biết hi sinh, tuổi trẻ, tình yêu, thậm chí cả đam mê nếu nó không hái ra tiền. Có người bảo với tôi rằng là tại sao cứ phải cố gắng vì cái mục tiêu xa vời trong 10-20 năm thậm chí có thể là 30-40 năm? Tôi cũng nghĩ ngợi lắm, nhưng tôi đã chọn rồi, con đường tuy gian nan, nhưng nói chung nó cũng có chút rõ ràng, cũng có định hướng, chứ nếu không, tôi sẽ chết vì bị mù đường mất. Mà tôi nghĩ, cứ đi thử xem, nếu cùng lắm lạc đường thì ít nhất mình có kinh nghiệm thôi, nếu có chẳng may chết thì thôi :)), còn thất bại thì lại làm lại từ đầu.