Thực ra thì vì đã 30 nên đọc đề xuất của chính phủ xong tôi cũng chẳng đau buồn hay hoang mang gì cho lắm, chỉ chờ ngày quyết định được thực thi là đem tiền đi nộp phạt thôi. Nhưng thôi thì nhân tiện vừa đọc xong "Bến không chồng", tưởng không liên quan mà lại liên quan không tưởng, tự dung muốn viết ra vài dòng suy nghĩ về hôn nhân và gia đình. Hy vọng đóng góp được một góc nhìn chi tiết hơn, đặc biệt cho các bạn trẻ ... hơn mình, những đối tượng trọng tâm của chính sách.


Bến không chồng kể về số phận hẩm hiu của những cô gái làng Đông khi trai tráng trong làng cứ từng đợt từng đợt ra đi vào chiến trường miền Nam chống Mỹ. Vài cô liều lĩnh thì chấp nhận ăn cơm trước kẻng, hưởng cái lịm ngọt ân ái trước ngày chàng trai ra chiến tuyến, nhưng phần lớn thì giữ trọn đạo thủ tiết chờ ngày anh bộ đội trở về.
Thực ra ở thời bình này, tôi nghĩ những người con trai sau khi rời trường lớp, họ cũng sẽ phải bước vào chiến trường như vậy. Chỉ khác là chiến trường ngày nay nó không có cái hiểm nguy tính mạng như trong chiến tranh, mà thay vào đó là một cuộc chiến tâm lý (với bản thân mình và xã hội), để tìm ra con người mình, và để có một chỗ đứng trong xã hội. Nhưng, giữa anh lính khi xưa và những cậu trai hai tư hai lăm bây giờ, có lẽ có một điểm chung: đó là họ sẽ dành phần lớn thời gian nhìn về phía trước, về “quân thù” của họ, mà ít khi quan tâm đến hậu phương sau lưng. Họ sẽ ích kỷ mà tập trung vào những mục tiêu sự nghiệp; sẽ thường xuyên phải đối mặt với những hoang mang lo sợ - ý tưởng đấy, làm hay không làm, mở hay không mở, nhảy việc hay không; sẽ vì cái mệt mỏi công việc mà nhiều khi trở nên lười biếng bê tha khi về nhà. Cái áp lực của thất bại, của những so sánh với bạn bè anh em, nó khiến họ trưởng thành, nhưng cũng khiến tâm trí họ không yên. Tất nhiên sẽ có những người có thể vừa tạo dựng sự nghiệp vừa dành thời gian chăm lo cho gia đình, nhưng chị em đừng nhìn vào những đối tượng đặc biệt ấy mà xây cho mình mộng tưởng. Từ khi ra trường, ít nhất phải năm bảy năm, tức là tới tầm 27 28 - nếu không nói là phải 30, đàn ông phần lớn thường bị cái ích kỷ hiếu thắng ham việc làm chủ mình, vậy nên sẽ có những lúc họ sẽ vô tình mà quên mất cái biểu ngữ quen thuộc "gia đình là số một" mà thôi. Cũng chả phải tự nhiên mà từ thời xưa những người học thức được cho là có trí tuệ đều khuyên nam nhi nên cưới sau 30 tuổi (nếu nhớ không lầm thì Aristotle khuyên tầm 35, Michel de Montaigne nói nên lấy sau tuổi 33, vv.).
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là mọi chuyện sẽ chắc chắn đen tối nếu cưới xin hay có con sớm hơn tuổi đó. Nhưng ở những trường hợp như vậy, nếu không muốn lục đục, thường các đôi trẻ sẽ phải nhờ đến hậu thuẫn từ bên ngoài, mà phần lớn đến từ gia đình hai bên. Như thằng bạn nối khố thân nhất của tôi (người hơn tôi rất nhiều, không phải chỉ về sự thành đạt trong công việc, mà kể cả sự trưởng thành và bản lĩnh trong cuộc sống) cũng đã phải thú nhận rằng nếu không có bà ngoại bà nội thay nhau chăm hai đứa bé, thì hai vợ chồng nó chắc không xong. Cái áp lực gây dựng sự nghiệp và bước từng bước trên thang bậc địa vị trong 3 4 năm vừa qua thực sự không cho phép nó dành nhiều thời gian mà chăm vợ chăm con, dù đến chính vợ nó còn phải tâm sự là cực kỳ ngạc nhiên khi thấy nó yêu thương con cái đến vậy.
Nhưng có mấy gia đình trẻ được như thế, khi ông bà nội bán nhà chuyển lên Hà Nội để ở gần chăm cháu, khi bà ngoại gần như ở nhà nó nhiều hơn nhà ông bà trong suốt 5 6 tháng đầu của cả hai đứa trẻ, phụ hai vợ chồng từ việc bế cháu đến nấu ăn cơm nước.
Vậy nên với những đôi trẻ, đặc biệt các bạn sẽ cố gắng bươn trải bám víu nơi thành phố lớn, trước khi để ý đến mấy cái tiền phạt hay hưởng khoản lợi trợ cấp, hãy tự hỏi: “Liệu mình có chịu nổi cái áp lực ấy hay không?” nhé. 

Thực lòng chỉ lo việc khuyến khích này, kể cả có tác động tích cực đến tuổi lao động, lại kéo theo tỷ lệ ly dị cũng tăng, rồi dẫn đến hàng trăm hàng ngàn đứa trẻ sau này phải lớn lên trong những hoàn cảnh hoặc chẳng hạnh phúc gì, cha mẹ cãi cọ chửi nhau suốt ngày, hoặc thiếu thốn sự chăm sóc dạy dỗ của người cha hay người mẹ mà thôi.

A Dreamer