Trước khi vào nội dung chính, mình rất muốn hỏi mọi người một câu, trước đây, trong quá khứ, bạn còn nhớ bản thân đã từng là đứa trẻ như thế nào chưa? 
Hồi nhỏ, mình là một đứa trẻ tăng động từ trong trứng. 8 tháng rưỡi biết đi, 9 tháng biết chạy. Khả năng nói cũng phát triển vượt trội hơn so với hầu hết các khả năng khác. Có lẽ ngoài cái tăng động ra, mình chẳng có gì nổi trội cả. Nhưng mình rất thân thiện, hòa đồng và cực kì nhanh chóng kết giao bạn bè. Trong sổ liên lạc lúc nào mình cũng được nhận xét là nhanh nhẹn, thông minh và nói nhiều :))). 
Có một lần ngồi cùng bàn với một bạn nam học rất giỏi, được thầy cô rất cưng, khổ nỗi bạn ấy lại rất thích nghe mình nói nhảm. Nên mỗi ngày đến trường là mỗi lần mình được thể hiện khả năng bốc phét với cậu bạn kia. Đến một hôm cô dạy văn đang dạy bỗng nện một tiếng thước thật to xuống bàn, chỉ vào mình và nói, nếu em không muốn học thì để cho Hải Hà học, đừng làm ảnh hưởng tới bạn ấy. Lúc đó mình uất ức vô cùng, rõ ràng bạn ấy bảo em nói, nhưng cô chỉ trách mình em. 
Càng lớn dần, không hiểu sao mình lại ít nói dần đi. Mình không dám đưa ra ý kiến của bản thân, mình sợ làm phật lòng người khác, mình suy nghĩ đắn đo từng câu từng chữ mỗi khi nói chuyện với ai đó, mình không dám kết thân với ai vì sợ họ nghĩ mình có ý đồ với họ. Mình đi từ việc có hàng tá bạn bè sẵn sàng í ới gọi nhau đi đánh cầu lông, thả diều, đuổi bắt, nhảy dây, đến chỉ có một người bạn duy nhất trong những năm cấp 2. Mình không dám mở lòng, cũng không cho ai mở lòng với mình. Cứ thế, có những người bạn rất tốt, rất yêu thương mình ở những năm cấp 3 nhưng rồi mình cứ đẩy người ta ra, không biết trân trọng họ. Hình ảnh mình tạo ra là một cô gái khó gần, lạnh lùng, ít nói nhưng hiểu chuyện, điềm đạm. 
Rồi như bao người khác, mình cũng phải trải qua quá trình trưởng thành. Càng trưởng thành mình càng cảm thấy nhớ da diết đứa trẻ kia. Đứa trẻ nhiệt tình, hăng hái và nhiều chuyện. Tự hỏi, rốt cuộc mình thích bản thân khi ấy, hay là bản thân của bây giờ? Câu trả lời rõ ràng là bản thân của khi ấy. Vậy tại sao không thể đưa đứa trẻ ấy quay về?
Và mình, ở tuổi 21, đã nỗ lực đưa đứa trẻ ấy quay về, theo đúng nghĩa đen.
1. Mình chủ động liên lạc lại với những người bạn đã cũ 
Đó là những người bạn từ cấp 1. Nghe hơi vô ích phải không, nếu xét về việc xây dựng mạng lưới xã hội thì những người bạn xa lắc xa lơ như vậy sẽ thường không nằm trong danh sách ưu tiên cần gây dựng mối quan hệ. Nhưng mà mình may mắn khi những người bạn cấp 1 kia vẫn chơi với mình cho đến tận đại học, sau đó vì giận nhau mà cắt đứt liên lạc cả 1 năm. Cho tới bây giờ, việc hàn gắn lại mối quan hệ này là quyết định ý nghĩa nhất mà mình từng làm. 
Họ gặp mình khi mình còn là một cô bé hay nói, hay cười, hay bốc phét, họ lớn lên cùng mình, cùng mình trải qua thanh xuân. Ở cạnh họ, mình cảm thấy như thể 10 năm qua mình chưa từng thay đổi. Họ cứ ở đó, vẫn là những con người năm ấy cùng mình ăn bánh tráng trộn, bàn về trai đẹp, những bộ phim cẩu huyết,...Ở cạnh họ, mình biết mình không bao giờ bị phán xét, và ngược lại. Có điều, bạn bốc phét ở tuổi 21 sẽ rất khác so với bạn bốc phét năm 8 tuổi, với các vấn đề mang tính vĩ mô hơn.
Nhưng điều mình muốn nói là, trước khi quá muộn, hãy tìm về với những người có thể khiến bạn là chính mình khi ở bên, và bằng mọi giá giữ họ lại, vì cuộc sống càng xô bồ, bạn sẽ nhận ra có người chịu lắng nghe tiếng lòng lập dị và những suy nghĩ thiếu đứng đắn của bạn là một điều vô giá :)))
2. Mình mở lòng, mình dùng chân thành và nhiệt huyết đổi lấy tình bạn
Mình quan tâm hơn tới sở thích của bạn bè, mình tìm hiểu điều mà họ quan tâm, rồi sau đó cũng nhanh chóng cảm thấy những điều ấy rất thú vị, và từ từ bước ra khỏi thế giới nhỏ của mình. Mình chủ động gợi chuyện để nói, trong group nào mình cũng là người nói nhiều nhất, gửi sticker và emoji nhiều nhất. Thấy một mẩu tin hay hay, mình sẽ tag những người mà mình biết họ quan tâm tới chủ đề này vào. 
Mình làm đúng như những gì hồi nhỏ mình đã làm, mình xông vào đám trẻ ấy, mình xin tham gia, mình cười nói, mình học chơi bất cứ thứ gì họ đang chơi, mình nhanh chóng hòa nhập, và trở thành người chơi giỏi nhất. Nhưng bạn sẽ nhận ra rằng, những con người từ 18 tuổi trở đi, họ không phải là những đứa trẻ ham vui, họ là những con người đầy lí trí và cảnh giác. Họ sẽ nghi ngờ động cơ của bạn, họ sẽ phán xét bạn, họ sẽ cảnh giác với bạn. Nhưng tin mình đi, nếu bạn hành động chân thành, kiên trì và không nản chí, họ sẽ chuyển dần thái độ của họ với bạn. Nếu bạn không làm gì sai, thì bạn không cần phải sợ hãi. 
Mình đã đọc nhiều bài viết và xem nhiều video về chủ đề "Điều tôi muốn khuyên bản thân mình ở những năm đầu tuổi 20", "Điều tôi ước mình đã làm ở những năm đầu tuổi 20", "Nếu quay trở lại năm 20 tuổi, tôi sẽ làm những điều này", vân vân. Và hầu hết đều đề cập tới việc hãy nỗ lực duy trì liên lạc với những người bạn của mình. Tình cảm đúng là có nhiều phần là tự nhiên, nhưng nếu bạn không bỏ công sức của mình để phát triển và duy trì những gì có ý nghĩa với cuộc sống của bạn, chúng cũng sẽ dần phai nhạt. 
Mình làm những việc này không phải vì mình rảnh rỗi, mình không có việc gì làm, mình cũng rất bận, cũng rất hoang mang về tương lai phía trước, nhưng mình luôn tin rằng chỉ cần cố gắng ở hiện tại, về sau sẽ không phải hối hận. Mình không muốn ở tương lai, thay vì nói rằng tôi cảm thấy rất tự hào vì tôi đã làm điều đó, thì mình lại nói giá như khi ấy tôi đã làm. Hai từ giá như luôn là hai từ đáng tiếc nhất trong cuộc đời. 
3. Thật ra đứa trẻ trong bạn có thực sự đáng sợ đến thế không?
Ý mình là, đã bao giờ bạn thử phô bày những mặt trẻ con của mình ra chưa, mọi người phản ứng thế nào? Họ ghét bạn, căm thù bạn, bài trừ bạn, xóa sổ bạn ra khỏi tổ chức? Vậy thử nghĩ ngược lại khi bạn thả đứa trẻ ấy ra, mọi người bỗng cực kì yêu thích nó, muốn chơi cùng nó, muốn trò chuyện với nó. Nếu bạn đã nghe về định luật hấp dẫn (The law of attraction) bạn sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc có thiết lập một tư duy tích cực hướng tới điều mà bạn mong muốn. Những đứa trẻ rất đáng yêu, trừ những lúc chúng ngỗ nghịch và phá luật, thì chúng ta đều muốn được ở cạnh chúng, chúng đem lại cho người khác cảm giác tự nhiên, thoải mái, cảm giác hạnh phúc của việc không hoàn hảo. Nhưng bây giờ bạn lớn rồi, chẳng lẽ lại không phân biệt được hành động nào là ngỗ nghịch hành động nào là tốt sao? Nên là lược bớt các động tác vô lí và bất hợp tác của trẻ con ra, bạn sẽ còn lại một đứa trẻ được là chính nó một cách healthy :))) Sự tiết chế của người lớn, sự vô tư thoải mái của trẻ con, đó là một sự kết hợp đẹp đẽ nhất mà mình từng thấy. 
Đây lại là một bài chia sẻ cá nhân của mình thôi, có thể hợp với người này có thể trái ý người khác, nhưng dù là kiểu người có quan điểm thế nào, cũng chúc mọi người các ngày còn lại trong tuần thật awesome nhé!!! ^_<  Cảm ơn vì đã đọc bài của mình, và những người luôn nhiệt tình theo dõi và upvote cho mình, mình cảm ơn rất nhiều!
person standing on green grass field