***Bài viết chia sẻ kinh nghiệm rút ra từ trải nghiệm sống của bản thân. Đối tượng hướng tới là những bạn trẻ muốn trau dồi kỹ năng giao tiếp ứng xử. Cần được đọc và điều chỉnh sao cho phù hợp với bản thân, tình huống và đối tượng

1. LỜI NÓI KHI CÓ BẤT ĐỒNG QUAN ĐIỂM

Bất đồng quan điểm là việc quá là điều bình thường trong cuộc sống. Và mỗi khi hai quan điểm trái chiều được nêu lên, tranh cãi rất dễ nổ ra nếu bạn không nghĩ thật kỹ trước khi nói. Vấn đề của nhiều bạn trẻ ngày nay, nhất là những bạn nam còn đang trong độ tuổi “máu chiến”, thường có nhu cầu chứng tỏ bản thân. Vì vậy, họ coi mỗi lần xảy ra bất đồng quan điểm đó là cơ hội để họ chứng minh họ ưu việt, họ hơn người, họ đúng. Nhu cầu này lớn tới nỗi nhiều người thậm chí còn cố bày tỏ ý kiến của mình ngay cả khi không được hỏi, dẫn tới những cuộc cãi vã, thậm chí xô xát. Dễ thấy nhất là những anh hùng bàn phím trên mạng, lĩnh vực nào bài post nào cũng để lại những comment dài dằng dặc.

Cách xử lý 1: Mặc Kệ

Mặc kệ tức là im lặng, không nói gì hết. Khi nào thì mặc kệ? Một là khi mà việc người kia có đồng ý với bạn hay không cũng không THỰC SỰ có ảnh hưởng tới bạn. Đó có thể là một chàng trai ngồi bàn bên cạnh bạn trong quán cà phê bô bô lên rằng "Đầu Moi mới là nghệ thuật, mới là chân ái". Đó có thể là một bài post của một người bạn trên facebook bênh bệnh nhân số 17. Giả sử bạn đều có quan điểm trái chiều với hai người trên, hãy nghĩ thật kĩ xem, BẠNBẮT BUỘC phải cố thay đổi ý kiến của họ hay không? Hay nói cách khác, việc họ giữ nguyên ý kiến đó có THỰC SỰ có ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn hay không? Mình nhấn mạnh chữ THỰC SỰ là bởi như đã nói ở trên, nhu cầu luôn muốn chứng tỏ mình đúng rất có thể sẽ làm bạn NGHĨ rằng BẠN có trách nhiệm phải chỉnh sửa quan điểm “sai lầm” của những người kia, nhưng THỰC SỰ thì những quan điểm đó của họ chẳng hề ảnh hưởng gì tới bạn. Việc họ bày tỏ quan điểm của họ cũng không khác gì việc họ nói họ thích ăn táo còn bạn thì đang cố thuyết phục họ cam ngon hơn vậy. Nó vốn dĩ không có đúng-sai, nó chỉ đơn giản là KHÁC.
Trường hợp thứ 2 bạn nên im lặng là khi lĩnh vực mà người kia đang đề cập tới không thuộc vùng hiểu biết của bạn. Có thể bạn không biết gì, có thể bạn chỉ biết chút chút, nhưng dù thế nào đi nữa, nếu bạn không chắc chắn những gì bạn biết về lĩnh vực đó là đúng, thì đừng vội nhảy vào và đả kích những gì người kia đang nói. Nếu bạn là một người tò mò thì vẫn có thể đặt câu hỏi cho người ấy để biết nhiều hơn về lĩnh vực mới đó, nhưng nếu bạn chỉ biết lơ mơ, chút chút về lĩnh vực đó, thì dù những gì bạn biết có khác với những gì người kia đang nói thì cũng hãy im lặng. Thử tưởng tượng bạn nhảy vào chê người kia sai, những gì bạn tưởng-bạn-biết mới là đúng, nhưng hóa ra lại là sai, thì lúc đó sẽ dơ thế nào? Chưa kể người đối diện sẽ có ấn tượng rằng bạn là một người nhanh nhẩu, hấp tấp nữa.
Ngay cả khi bạn tự tin rằng điều bạn biết là đúng, vẫn hãy nghĩ thật kỹ xem việc chứng minh người kia sai có cần thiết không? Có quan trọng không? Ví dụ ngồi trà chanh chém gió với đứa bạn, có cả con bé nó đang crush ở đó, thì bạn có nhất thiết phải chửi nó ngu ngay lập tức, ngay tại chỗ khi nó nói Quang Trung và Nguyễn Huệ là 2 anh em không? Không. Việc đó cứ để crush của nó làm. Còn bạn hãy giữ im lặng. Kể cả không có ai lên tiếng thì cũng mặc kệ nó. Nếu cả đời này nó vẫn luôn tin như vậy mà công việc nó làm không liên quan gì tới kiến thức đó, lương tháng của nó vẫn mấy chục triệu, vẫn có vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng, thì bạn vẫn nên mặc kệ nó. Điều này càng đúng khi người có quan điểm trái với bạn là người lớn. Tóm lại, khi gặp một quan điểm trái chiều, hãy nghĩ thật kĩ xem bạn CÓ NHẤT THIẾT phải nói ra quan điểm trái chiều của mình hay không để tránh gây ra những tranh cãi không đáng có và lãng phí thời gian.

Cách Xử Lý 2.1: Lên Tiếng Về Facts

Cách xử lý thứ hai khi gặp một quan điểm trái chiều là nói ra quan điểm của mình. Cách xử lý này chỉ nên được thực hiện sau khi bạn đã cân nhắc kĩ về việc im lặng và đưa ra quyết định rằng mình buộc phải lên tiếng. Cách xử lý này lại được chia ra làm 2 hướng nói chuyện: một là thảo luận, hai là khuyên giải.
Thảo luận là khi vấn đề đang được bàn luận là kiến thức/sự thật chung mang tính trung lập việc có được kiến thức đúng là QUAN TRỌNG với người kia. Nhớ là phải có vế đằng sau để chắc chắn rằng bạn cần phải lên tiếng nhé. Trong ví dụ thằng bạn sủa về quang trung nguyễn huệ bên trên, việc sửa lại hiểu biết của thằng bạn, dù rất sướng và thỏa mãn, bạn vẫn nên kìm lại. Tuy nhiên nếu đó là câu nó nói ra trước bài kiểm tra Sử thì bạn lại phải chửi nó một cách thật thanh lịch vào, bởi khi này, kết quả bài kiểm tra rất có thể mang tính sống còn giữa tiên tiến và Học Sinh Giỏi.
Cũng lưu ý luôn là việc “thảo luận” một cách bỗ bã như vậy chỉ nên làm với những người thân của bạn, những người mà dù bạn có bảo “Mày bị ngáo à? Quang trung là bố Nguyễn Huệ” thì cũng vẫn không bị tự ái, không cảm thấy bị xúc phạm, mà chỉ cười hề hề “à thế hả?”. Còn nếu người nhớ sai kiến thức ấy là một người lạ, nhất là một người lớn tuổi hơn bạn, và bạn nghĩ rằng bạn THỰC SỰ cần sửa người ấy, đừng vội nói luôn là “Anh hay Chị bị ngu à” nếu bạn trân trọng hàm răng của mình. Thay vào đó, hãy dẫn dắt để người ta tự sửa chính bản thân mình. Ví dụ, anh bạn đồng nghiệp khen ngợi rằng “Bình Ngô Đại Cáo quả là một tuyệt tác. Nguyễn Du giỏi thật” và có ý định dùng tác phẩm ấy để dẫn dắt vào một bài thuyết trình sắp tới của anh ấy với các sếp. Rõ ràng việc biết đúng kiến thức này là quan trọng với anh ấy, thậm chí là sự nghiệp của anh ấy, vậy là bạn quyết định sửa cho anh ấy. Ngay cả khi bạn biết tác giả đúng là Nguyễn Trãi, Hãy bắt đầu bằng việc giả vờ như chính bạn cũng không biết chắc kiến thức đúng là gì với câu nói đại loại như “Ơ em tưởng Bình Ngô Đại Cáo là của Nguyễn Khuyến? Anh chắc không?”. Vì bạn đang thể hiện rằng chính bạn cũng không biết rõ kiến thức đang được đề cập tới, vô hình trung việc giả vờ này đưa bạn vào vị trí ngang bằng hay thậm chí thấp hơn người kia, vì vậy câu nói của bạn sẽ không được coi là một đòn tấn công vào hiểu biết, hay nói cách khác là lòng tự ái của người kia, từ đó họ sẽ không sinh ra phản kháng và dễ tiếp thu ý kiến của bạn hơn.
Nếu sau câu nói gợi ý của bạn rằng kiến thức họ biết có thể không đúng, họ cảm thấy lung lay và tự kiểm tra lại, thì tốt rồi, bạn không phải nói họ sai, mà họ cũng tự có được kiến thức đúng. Nhưng nếu họ vẫn khăng khăng là điều họ biết là đúng, thì bạn buộc phải có biện pháp mạnh hơn. Bạn có thể nói đại loại như “Trước đây em từng kiểm tra văn về tác phẩm này mà bị lỗi sai tác giả. Mà giờ em không nhớ là ai. Để em tra lại” và tra trên google và cho người kia xem kết quả đúng. Câu nói giả vờ này cốt là để cho người kia cảm thấy dễ chịu hơn khi họ biết là họ sai, bởi người sửa lưng họ, tức là bạn, cũng đã từng sai như thế. Thay vì cảm thấy bạn hơn họ, thì giờ họ sẽ cảm thấy trong vô thức rằng “Vì bạn đã từng sai như thế nên bạn cũng không khá hơn họ”. Đi kèm với câu “Ơ em tưởng Bình Ngô Đại Cáo là của Nguyễn Khuyến? ” ở trước nữa thì họ lại càng cảm thấy an toàn hơn trong việc thừa nhận mình sai và tiếp thu kiến thức mới, bởi mới vài giây trước thôi bạn cũng vẫn còn sai như họ.
Một lưu ý nhỏ nữa là, sau khi đã sửa xong kiến thức cho họ, hãy nói vài câu để làm cho họ cảm thấy thoải mái với cái sai của mình, vì các bạn biết rồi đấy, không ai thích cảm giác mình sai cả, nhất là khi là người ở vị trí cao so hơn với người vừa sửa lưng họ. Bạn có thể nói đại loại như “Cũng nhiều người hay nhớ nhầm kiến thức này lắm” hoặc “Đứa em em vừa hỏi em câu đấy xong, em cũng bảo là Nguyễn Du mà nó bảo sai nên em vẫn còn nhớ”. Sẽ tốt hơn nếu bạn đặt mình là người sai trong câu giả vờ của bạn, bởi BẠN là người họ đang phải đối mặt, tức BẠN là người họ cảm thấy ngại/xấu hổ nhất. Nếu bạn tự nhận mình cũng từng sai như họ thì họ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Đây gọi là white lies, những lời nói dối vô hại, và cuộc sống đôi khi nên dùng chúng nếu nó không gây tổn hại gì cho mình và người khác. Hãy học dần đi nhé :D Điều cuối cùng cần lưu ý về vấn đề này là, hãy sửa sai cho họ một cách kín đáo, riêng tư. Nếu chỉ có riêng 2 người thì tốt, bởi sẽ khá ngượng ngùng khi bị bới ra lỗi sai trước mặt nhiều người, đúng không?

Cách Xử Lý 2.2: Lên Tiếng Về Ý Kiến Chủ Quan

Nãy giờ chúng ta đã nói về việc đưa ra ý kiến khi kiến thức đang được bàn luận tới mang tính trung lập, tức nó là sự thật, có đúng sai rõ ràng. Vậy còn khi vấn đề đang được đề cập tới mang tính chủ quan, ý kiến của bạn cũng là chủ quan và bạn nghĩ rằng nếu người kia làm theo ý kiến của bạn thì sẽ tốt hơn cho họ? Đó là khi chúng ta cần khuyên giải một ai đó.
Ví dụ điển hình cho việc này là khi con bạn thân cứ luôn than phiền về người yêu nó đối xử với nó tệ bạc ra sao nhưng vẫn cứ liên tục quay lại với hắn. Bạn thấy người yêu nó không phải là người dành cho nó, và ngay cả khi rất nhiều người cũng đồng ý với bạn về điều đó, thì ý kiến đó vẫn mang tính chủ quan bởi không có điều luật, nghiên cứu khoa học hay công thức toán học nào khẳng định người yêu nó không hợp với nó, tức nó vốn dĩ không mang tính đúng, sai rõ ràng, mà nghiêng nhiều về cảm tính. Một ví dụ khác tương tự là khi đứa em học lớp 11 khoe nó đang tán gái, và nó tán theo cái kiểu mà bạn biết là sẽ không thành công nhưng nó lại nghĩ là như thế mới ngầu và con gái ngày nay mới thích. Đây là những đối tượng rất thân thiết của bạn, và vì họ rất quan trọng với bạn, nên bạn thực sự muốn đưa cho họ những lời khuyên giúp họ được hạnh phúc và thành công.
Những tình huống như thế này thì bạn lại càng phải cẩn thận hơn trong lời nói của mình. Vì sao? Khi sửa sai một kiến thức được cả thế giới công nhận, thì hậu quả của việc sử dụng kiến thức đó, nếu kiến thức đó sai, sẽ là trách nhiệm của các nhà khoa học, những nhà làm luật. Nhưng nếu người thân kia làm theo ý kiến chủ quan của riêng bạn, thì kết quả của họ sẽ là trách nhiệm của bạn. Được thì không sao. Nếu họ mất mát gì hay thất bại vì nghe theo lời khuyên của bạn, ngay cả khi họ không hề trách gì bạn và khẳng định đó là quyết định của họ, thì bạn vẫn sẽ cảm thấy có lỗi ít nhiều với họ. Vì vậy, điều đầu tiên trước khi khuyên ai đó dựa theo ý kiến chủ quan của mình, đó là phải nói rõ cho họ biết ĐÓ là ý kiến CHỦ QUAN của Bạn, nó đúng với bạn, CÓ THỂ đúng với người kia, nhưng họ vẫn phải có những cân nhắc của riêng họ. Làm như vậy thì trách nhiệm của bạn chỉ là đưa ra một sự lựa chọn mà bạn nghĩ là tốt hơn cho họ, còn họ chọn thế nào, có cân nhắc các yếu tố không hay cứ nghe bạn nói là làm theo luôn thì đó là trách nhiệm của họ, không phải là của bạn nữa.
Điều thứ hai cần nhớ khi muốn khuyên ai đó là bạn phải biết đặt mình vào vị trí của họ để khuyên. Điều này tưởng như là đương nhiên, nhưng lại rất dễ bị ngó lơ. Rất nhiều người khi nghe câu chuyện của ai đó sẽ nhảy ngay vào và nói “Phải tao thì tao đã làm thế này thế kia”. Điển hình là các chị Eva, cứ hễ nghe ai kể xích mích với chồng phát là nhảy vào kêu bỏ đi, ngay cả khi xích mích đó là rất nhỏ và họ cũng không biết hết hoàn cảnh gia đình của người ta ra sao. Đó là khi họ hoàn toàn không đặt mình vào vị trí người trong cuộc mà toàn khuyên theo kiểu sướng mồm, sống chết mặc bay, mày làm theo mà đời mày tàn thì cũng chả liên quan gì tới tao. Việc đặt mình vào vị trí của người mà bạn muốn khuyên sẽ giúp bạn hiểu rõ tình thế của họ, những khó khăn của họ, để từ đó khoanh vùng lại được các lựa chọn, và giúp bạn đưa ra một giải pháp không những hợp lý, mà còn nằm trong khả năng thực hiện của họ.
Lời khuyên khả thi mới là lời khuyên hữu ích. Nếu bạn vừa nghe bạn của bạn kể công việc chán, mà bạn lại bảo nó bỏ việc đi, đi du lịch 1 tuần rồi về tìm việc mới cho đầu óc thoải mái trong khi nhà nó thì không có điều kiện thì đó là giết bạn chứ không phải giúp bạn nữa.
Việc tự tưởng tượng mình ở vị trí của người kia chỉ giúp bạn hiểu được phần nào hoàn cảnh của họ chứ không thể biết chính xác, càng không thể biết hết những gì họ đang gặp phải. Vì vậy, trước khi khuyên ai đó, hãy hỏi họ càng nhiều càng tốt về những thông tin có liên quan, giúp ích cho việc lọc ra những lựa chọn phù hợp nhất cho họ. Ví dụ đơn giản nhất là một bạn gái nhờ bạn tư vấn mua laptop. Rõ ràng bạn không thể độp cái bảo họ mua máy đắt nhất được. Bạn phải hỏi rõ về nhu cầu sử dụng, về khả năng chi trả, về những tiêu chí mà họ muốn có cho một chiếc laptop, thậm chí cả sở thích như màu sắc, hình dáng hay cân nặng hay trình độ tin học nữa. Biết càng nhiều thì bạn sẽ càng hướng được cho cô ấy tới chiếc laptop phù hợp nhất. Những vấn đề càng phức tạp hay nhạy cảm thì càng phải hỏi thật kĩ, thật nhiều và sàng lọc thật cẩn thận trước khi đưa ra lời khuyên. Ví dụ cho những vấn đề như vậy bao gồm chuyện tình cảm, chuyện hướng nghiệp, chuyện du học, đầu tư, v...v…. Và, mình lại phải nhắc lại, cho dù bạn có chắc chắn rằng lời khuyên của mình có đúng tới đâu, hãy luôn nhắc họ tự cân nhắc và đừng mù quáng làm theo lời khuyên của bạn.
Ngược lại, việc có lời khuyên hữu ích không đồng nghĩa với việc lời khuyên ấy phải được nói ra. Hãy nghĩ thật kĩ về câu mình vừa nói. Đôi khi có những tình huống hay vấn đề mang tính cá nhân thuộc phạm trù rất riêng mà bạn không nên tham gia vào. Đa phần những tình huống như vậy khá nhạy cảm: ví dụ như cách tiêu tiền của người khác, tôn giáo, chuyện gia đình v..v….. Trừ phi người đó là người chưa đủ tuổi trưởng thành, còn quá non nớt và cần sự hướng dẫn chủ động từ bạn, còn không, với những vấn đề như vậy, hãy im lặng cho tới khi họ chủ động nhờ cậy lời khuyên của bạn. Ví dụ mình có một cậu em chơi thân mà mình rất quý mến. Cậu em trai này hay xích mích với cô bạn gái, mà theo quan sát cũng như sau khi lắng nghe nhiều tâm sự của cả hai đứa, nguyên nhân chủ yếu là do cả hai còn thiếu kinh nghiệm trong giao tiếp với nhau, chưa chịu thay đổi vì nhau dù rất yêu nhau. Mình có những lời khuyên mà mình biết sẽ giúp ích cho cả hai, nhưng mình thường chọn im lặng, và chỉ lên tiếng khi hai đứa thực sự hỏi “Anh ơi, em làm thế này có đúng không?" Hoặc "thế này thì phải làm thế nào hả anh?” chứ không phải ngày nào mình cũng nhảy vào hỏi “Ê đã làm theo anh bảo chưa? Còn cãi nhau nữa không?”. Đương nhiên, chỉ im lặng cho tới khi bạn cảm thấy rằng vấn đề vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát. Ví như khi bạn của bạn định bán nhà để cá độ bóng đá hay hai đứa em định chia tay thì bạn đương nhiên phải vào cuộc rồi. 
Và cuối cùng, vì lời khuyên của chúng ta chỉ nên là lựa chọn cho họ, không phải là điều luật, là chân lý. Vì vậy ngay cả khi họ từ chối làm theo lời khuyên của chúng ta, đừng tự ái, dỗi hay nghĩ rằng “Từ giờ tao đếch thèm care nữa”. Hãy cứ khuyên họ khi bạn nghĩ rằng mình nên khuyên, dù cho bạn có phải khuyên đi khuyên lại họ cùng một lời khuyên, hay bạn biết là rồi họ cũng sẽ không nghe đâu. Đừng bỏ cuộc, vì họ là những người quan trọng đối với bạn. 
Kênh Youtube Đàn Ông Học:
Facebook Group Đàn Ông Học: