***Bài viết chia sẻ kinh nghiệm rút ra từ trải nghiệm sống của bản thân. Đối tượng hướng tới là những bạn trẻ muốn trau dồi kỹ năng giao tiếp ứng xử. Cần được đọc và điều chỉnh sao cho phù hợp với bản thân, tình huống và đối tượng

3. Cẩn Trọng Khi Đánh Giá/ Nhận Xét

Điều đầu tiên mà mình muốn nói tới ở đây là, trong tiềm thức chúng ta luôn liên tục có những đánh giá về mọi thứ xảy ra xung quanh chúng ta. Ngay cả khi chúng ta tự nhận chúng ta không phải là người thích "soi mói", nhưng mỗi khi chúng ta bước chân ra khỏi nhà, hay thậm chí ngồi nhà lướt web, chúng ta đều có những nhận xét trong đầu về những thứ đập vào mắt chúng ta, dù muốn dù không, dựa trên những chuẩn mực của cá nhân mỗi người. Ví dụ bạn chỉ đơn giản là đi trên đường và vô tình nhìn thấy cái một cô gái đi ngang qua, trong đầu bạn cũng sẽ có rất nhiều những suy nghĩ như "Chà chân cô ấy dài ghê. Đeo khẩu trang nên không biết có xinh không. Đi guốc cao thế, chắc chỉ 1m5 là cùng". Bạn nhìn thấy một bình luận trên mạng, trong đầu bạn có thể nghĩ “lập luận ông này kém thế” hay “nghe giọng điệu này là biết đầu gấu rồi”. Ngay cả khi những suy nghĩ đó chỉ xảy ra trong tích tắc, lướt qua xong rồi lại thôi, nhưng bạn vẫn có thể thấy là bộ não chúng ta tự động phát sinh ra chúng, dù muốn dù không.
Vì vậy, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta luôn đánh giá mọi thứ, "soi mói" mọi thứ, và điều đó không xấu. Những nhận xét như vậy chỉ trở nên phức tạp hơn, và có thể trở nên "xấu" hơn khi chúng được nói ra ngoài. Như đã nói, chúng ta đánh giá một điều gì đó dựa trên những chuẩn mực của cá nhân chúng ta. Ta thấy một người đẹp trai, xinh gái là vì chúng ta có những tiêu chuẩn thế nào là đẹp trai, thế nào là xinh gái, thậm chí thế nào là xấu, thế nào là trung bình. Vấn đề ở chỗ, không phải ai cũng có tiêu chuẩn như nhau.
Vì vậy, khi bạn nói ra một nhận xét nào đó mà không tính tới sự khác biệt về tiêu chuẩn này, rất có thể bạn sẽ làm phật lòng người khác, thậm chí trở thành vô duyên hay thô lỗ. Ví dụ, bạn của bạn giới thiệu bạn với cô người yêu của anh ta mà bạn lại nói luôn là "Xấu thế" hay "không xinh bằng người yêu tao" thì bạn đang không trân trọng hàm răng của mình. Hoặc ví dụ bạn tới ăn một nhà hàng và cảm thấy không hợp khẩu vị, bạn nói to "Eo ăn kinh thế" rồi nhăn mặt rồi tỏ thái độ bực bội phê phán nhân viên, bạn nghĩ xem những người xung quanh, từ phục vụ tới những vị khách khác sẽ cảm thấy thế nào? Bạn ăn cảm thấy không ngon, nhưng người khác ăn lại thấy ngon. Nếu bạn thể hiện thái độ của mình một cách gây sự chú ý như vậy, không những ảnh hưởng tới nhà hàng, mà làm cả những người xung quanh ăn mất ngon nữa. Như vậy thì trong mắt người khác, bạn không ngầu, mà là vô duyên.

Cách xử lý 1: Nhấn mạnh sự chủ quan trong quan điểm của mình

Những lúc như vậy, hãy nhớ rằng, sự không ưng ý của bạn dựa trên trải nghiệm và tiêu chuẩn cá nhân của riêng bạn, không phải của người khác.
Việc bạn nói ra ý kiến chủ quan nhưng lại nói kiểu chụp mũ như thể nó là sự thật là không công bằng cho lắm. Nếu bạn thực sự không thể có gì tốt đẹp để nói về thứ gì đó hay ai đó, hãy im lặng. Ngay cả khi chúng ta có muốn tham sân si, hãy là người tham sân si thông minh. Mỗi khi tọc mạch muốn nói xấu ai đó, hãy nói trong nhóm kín, đừng để lộ ra bên ngoài. Nếu bạn thực sự muốn hay phải đưa ra nhận xét của mình, hãy nhấn mạnh rằng những nhận xét đã được so sánh với tiêu chuẩn của mình. Ngoài ra, nếu có thể, hãy cố gắng đưa ra những nhận xét mang tính xây dựng thay vì chỉ là một câu chê bai vừa vô ích vừa gây tổn thương cho người khác.
Ví dụ, khi bạn thấy một cái áo xấu, mà không có ai hỏi ý kiến bạn về nó, đừng nói bô bô ra là nó xấu. Nếu người bán hàng hỏi thẳng bạn là “Bạn thấy áo này có đẹp không?”, tệ nhất thì cũng hãy nói “với mình thì nó xấu” hoặc tốt hơn thì “không phải gu của mình”. Còn nếu bạn có thể đưa ra góp ý, bạn có thể nói “nếu nó dài hơn chút thì đẹp” hoặc “nếu dáng nó ôm người hơn thì đẹp”. Nói như vậy sẽ làm người bán hàng hiểu rằng, à, sản phẩm đó đơn giản là không hợp với người đó. Nó vẫn có thể là một sản phẩm tốt, và gợi ý của bạn có thể sẽ giúp người ấy có động lực để tạo ra sản phẩm tốt hơn và vừa ý bạn hơn. Rõ ràng, câu nói như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với cái nhăn mặt lắc đầu và nói “xấu kinh đi được”.
Cá nhân mình thì mình hay tập thói quen mỗi khi có một điểm để chê ở một điều gì đó, mình sẽ cố gắng tìm một điểm đáng khen ở chính điều đó. Cái áo có thể có dáng xấu nhưng màu đẹp. Anh này có thể kệch cỡm nhưng lại dẻo miệng. Cô này dáng xấu nhưng mặt xinh. Kiểu kiểu như vậy. Mình tập như vậy để cố gắng giữ cho đầu óc luôn được khách quan, cởi mở, và… thiện hơn. Cứ thử nghĩ tới việc nhìn cái gì cũng chỉ toàn cái không vừa ý, đáng ghét, đáng chê, thì cuộc sống này thật u tối, đúng không? :D.

Cách Xử Lý 2: Khen công khai, góp ý riêng tư

Khi thực sự trải nghiệm của bạn khi sử dụng thứ gì đó hay dịch vụ gì đó rất tồi, đầu tiên, hãy cho người cung cấp sản phẩm/ dịch vụ cơ hội để sửa chữa những tiêu cực bạn nhận phải.
Hãy nhắn tin riêng trên facebook page, email hoặc gọi điện trực tiếp tới cửa hàng. Nếu đó chỉ là sơ sót vô ý của người bán hoặc của nhân viên, và người ta sẵn sàng đền bù hay giải quyết thỏa đáng cho bạn, và bạn hài lòng với cách giải quyết của họ, thì việc không có gì phải bàn, thậm chí họ xứng đáng có một review tốt trên trang của họ. Nhưng nếu họ từ chối giải quyết cho bạn và bạn cho như vậy là vô lý, không công bằng, thậm chí mang tính chất lừa đảo, thì sẽ là hợp lý nếu bạn muốn “bóc phốt” họ.
Tuy nhiên, bóc phốt cũng phải bóc phốt thông minh. Thứ nhất, bạn phải đảm bảo rằng bạn là người đúng. Rất nhiều khách hàng do không được ý mình nên nóng giận và không cần biết đúng sai, cứ thế đăng bài bóc phốt. Tới lúc cư dân mạng vào chửi cho mới thấy mình sai và lại phải xóa bài đi trong ê chề. Hãy chờ cho cơn tức giận lắng xuống, nhìn tổng thể sự việc xem yêu cầu của mình, cách xử lý của nhà hàng có hợp lý không. Chắc chắn mình đúng rồi mới bóc phốt.
Thứ hai, phải thu thập đủ bằng chứng từ đầu tới cuối sự việc để đảm bảo rằng bạn đang bóc phốt một cách công bằng, không cố lèo lái dư luận. Ngay cả khi trong số bằng chứng đó thể hiện rằng bạn có một phần lỗi trong đó, hãy cứ show ra để họ biết rằng mình minh bạch.
Thứ ba, khi bóc phốt, hãy miêu tả lại sự việc, đừng xúc phạm hay bôi nhọ nhân phẩm của người khác. Nếu bạn đã miêu tả đủ để người đọc thấy rằng sản phẩm hay dịch vụ tệ, việc chen thêm những câu chửi rủa hay trù tréo người bán không những là thừa thãi, mà còn khiến người ngoài nghi ngờ độ chân thực của bài viết. Có thể họ sẽ nghĩ là bạn là người nào đó có tư thù cá nhân và đang cố dựng chuyện để hại người khác. Ngoài ra, chắc cũng không ai muốn làm quen với một người mà có giọng chửi đanh đá hay sử dụng từ ngữ chợ búa trên mạng đâu, đúng không?
Một lưu ý khác, nếu bạn muốn góp ý về phong cách phục vụ của nhân viên thay vì chất lượng dịch vụ hay sản phẩm, và bạn đang rơi vào hoàn cảnh không thể ngay lập tức bỏ dịch vụ hay sản phẩm ấy để tìm người khác mà buộc phải tiếp tục dùng của họ, hãy chờ cho người ta hoàn thiện xong sản phẩm hay dịch vụ rồi mới góp ý hay bóc phốt sau. Bạn sẽ không muốn mắng xa xả một người về việc người ta tới muộn mà không báo hay thái độ bất lịch sự trong khi người ta đang lắp điều hòa cho bạn hay chuyển đồ cho bạn. Lỡ mà bạn nói quá, người ta cố tình làm hỏng đồ của bạn thì khi đó, dù bạn có bắt người bán đền được đi chăng nữa, thì bạn đã bực lại phải chịu bực thêm, chưa kể là mất thêm thời gian và tiền bạc nữa. Vào những tình huống như vậy, dù khó chịu tới mấy, hãy im lặng cho tới khi họ làm xong phần việc của họ, trao cho bạn sản phẩm hay dịch vụ vừa ý bạn rồi mới góp ý với họ. Nếu họ vẫn thái độ thì mới góp ý với chủ. Không được nữa thì bóc phốt hay lần sau chọn người khác là lựa chọn của bạn. 

Cách Xử Lý 3:  Tránh nói ra những định kiến của cá nhân

Bạn còn nhớ bên trên mình nói chúng ta luôn vô thức quan sát mọi thứ và có nhận xét về mọi thứ không? Trong lúc quan sát như vậy, bộ não của chúng ta sẽ cố gắng nhận ra và tổng hợp thông tin theo pattern. (Pattern dịch trong google translate là mô hình thì không đúng lắm, nên mình sẽ dịch theo ý mình nhé.)
Pattern tức là những gì xảy ra y hệt như nhau hoặc tương tự nhau theo kiểu lặp đi lặp lại. Với sự việc, nó có thể là những việc xảy ra theo chu kỳ. Kiểu như có một anh bạn vay tiền bạn nói là “vợ em ngã cầu thang đi viện cần tiền mổ” nhưng lại đem đi cá độ bóng đá mất hết. Lần sau anh ta lại dùng lý do cũ để vay tiền bạn, bạn cũng cho vay, và anh ta lại đem đi cá độ bóng đá. Tới lần thứ ba anh ta vay tiền bạn, ngay cả trước khi anh ta kịp nói lý do thì ngay lập tức bộ não bạn sẽ nhận ra có gì đó giống giống ở đây, và cũng ngay lập tức tự suy ra rằng anh ta sẽ lấy lý do là vợ ngã cầu thang, tự suy ra rằng anh ta sẽ lấy tiền này đi cá độ bóng đá, và ngay cả khi anh ta dùng lý do khác đi chăng nữa thì bạn vẫn sẽ không tin dù bạn hoàn toàn không có bằng chứng nào để chứng minh là anh ta đang nói dối.
Định kiến cũng hoạt động tương tự như vậy. Định kiến là những bài học, suy nghĩ rút ra từ những trải nghiệm, kinh nghiệm thực tế từ những sự việc đã xảy ra giống nhau nhiều lần trước đó. Nếu bạn 3 lần mua hàng ở thế giới di động, cả ba lần đồ đều hỏng lên hỏng xuống và phải đem bảo hành nhiều lần, thì trải nghiệm đó sẽ khiến bạn có một định kiến không hề tốt đẹp về TOÀN BỘ đồ ở thế giới di động.
Có thể nói, định kiến là một lối tắt trong logic của bộ não để bộ não không phải suy nghĩ quá nhiều lần về cùng một sự việc hoặc những sự việc giống nhau nữa. Cứ là đồ ở TGDĐ thì sẽ hay hỏng hóc, cứ thằng kia vay tiền thì nó sẽ mang đi cá độ bóng đá v.v…..  Vì vậy, trong quan điểm của mình, ngay cả khi định kiến được tạo ra từ những mẫu thử không đầy đủ, thì việc nảy sinh ra định kiến là không sai, mà cũng khó có thể không có được. Ngay cả những câu nói nghe tưởng chừng như không có gì như “Ơ, thằng kia, sao lại để con gái bê vác nặng thế kia” hay “Cháu học ĐH Ngoại thương ra hả? Bảo sao giỏi thế” thực ra cũng mang tính chất phân biệt, định kiến trong đó.
Dựa theo logic đó, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính hay bất kể các loại phân biệt gì, có lẽ cũng là hợp lý VỚI BẠN nếu bạn có đủ những trải nghiệm tiêu cực có cùng pattern. Vấn đề là, cũng giống như đã nói ở trên, những định kiến đó chỉ gây rắc rối nếu được nói ra bên ngoài. Vì vậy, tránh nói ra những định kiến của cá nhân. Nếu muốn bình luận dựa trên định kiến, hãy đảm bảo là trong nhóm kín, và người nghe là người đủ tinh tế để không đánh giá bạn dựa trên định kiến đó. Ngay cả khi định kiến của bạn là tốt đi chăng nữa, không hẳn lúc nào đối tượng của định cũng vui vẻ khi nghe nó. Mình nhớ có lần mình thấy một anh bạn dùng tay trái viết, mình khen bảo Ồ người tay trái là hay khéo tay và có tài lẻ lắm. Thế là anh ta tỏ ra bực bội và nói “Đừng nói như thế. Tôi chả có tài lẻ hay khéo tay gì cả. Tôi chỉ đơn giản là viết bằng tay trái thôi. Đừng có tạo áp lực lên cho tôi như thế”. Sau đó anh ta xin lỗi vì đã bực bội và nói đã có rất nhiều người nói như vậy với anh ta và anh ta cảm thấy thực sự khó chịu vì điều đó. Từ đó mình càng thấm thía bài học trên.
Quan trọng hơn, là bạn sẽ làm gì với những định kiến đó? Bạn sẽ để định kiến đó làm hạn hẹp tâm trí bạn, hay bạn vẫn sẽ có sự cởi mở và sẵn sàng chào đón những luồng thông tin mới? Bạn vừa nhận một sinh viên Ngoại Thương vào làm. Bạn nghĩ rằng người đó giỏi, bạn sẽ ngay lập tức giao cho người đó những công việc phức tạp, hay bạn sẽ bắt đầu từ những việc đơn giản và dành thời gian đánh giá năng lực người đó như bao sinh viên tới từ các trường khác? Bạn được giới thiệu làm quen với một anh bạn người Hải Phòng. Bạn sẽ cứ trò chuyện với anh ta như bao người khác hay bạn sẽ sợ mà né tránh vì bạn nghĩ anh ta có súng hoa cải? Nếu bạn để định kiến của mình nắm quyền điều khiển, bạn sẽ bỏ lỡ đi rất nhiều cơ hội trong cuộc sống đấy. Mặt khác, ai thì cũng có một giới hạn, ai cũng chỉ có thể cởi mở tới một số lần nhất định nào đó. Ví dụ có một ông chủ người Nhật, 5 lần thuê người Việt vào làm, cả 5 lần đều sa thải họ vì họ ăn cắp đồ của cửa hàng, thì dù bạn là người thứ 6 tới xin việc, dù bạn không hề liên quan tới 5 người kia, dù 5 người kia không thể là đại diện cho cả 95 triệu người VN, thì việc ông chủ ấy có định kiến về người Việt và từ chối nhận bạn âu cũng là hợp lý. Tương tự, một cô gái 2 lần bị lừa tình lừa cả tiền bởi trai HN thì có lẽ sẽ tự thề với bản thân không bao giờ mở lòng với trai HN nữa. Vì vậy, với những người có những định kiến khá cứng nhắc về một điều gì đó, việc nói “Ở đâu cũng có người này người kia” sẽ không có tác dụng. Khi đó, hãy cứ im lặng dùng hành động của mình để chứng minh nhé.
Đây cũng là phần cuối cùng trong series Cẩn Trọng Trong Lời Nói của mình. Mong là đã giúp được các bạn trẻ ít nhiều trong việc cân nhắc lời ăn tiếng nói trong cuộc sống hằng ngày :D Nếu các bạn có vấn đề gì cần giải đáp thì có thể join vào Facebook Group Đàn Ông Học của mình nhé :D
Kênh Youtube Đàn Ông Học:
Facebook Group Đàn Ông Học: