Có rất nhiều bạn trẻ ngày nay rất giỏi các kỹ năng chuyên môn, nhưng lại thiếu các kỹ năng mềm trong giao tiếp. Mặc dù họ rất thông minh, có óc hài hước, nhưng lại không biết cách mở đầu hay kéo dài cuộc hội thoại như thế nào. Bài viết này sẽ giúp các bạn giao tiếp thông minh, ứng xừ khéo léo hơn trong cuộc sống. 

1. Lấy chân thành làm gốc

Tầm quan trọng cũng như những lợi ích thiết thực của kỹ năng giao tiếp thì ai cũng có thể dễ dàng tưởng tượng ra như mở rộng mối quan hệ, trau dồi sự tự tin,… Nhưng có nhiều người lại đặt ra câu hỏi: Giao tiếp tốt liệu có phải là một hình thức sống giả tạo? Điều này tùy thuộc vào việc bạn sử dụng các kỹ năng đó vào mục đích gì? 
Tôi biết một trường hợp áp dụng triệt để kỹ năng giao tiếp quá mức dẫn tới việc đánh mất chính bản thân mình, luôn cố làm hài lòng tất cả mọi người. Ngược lại, có trường hợp ứng xử vô cùng khôn khéo nhưng là để trục lợi cá nhân. Cả 2 thái cực này đều không phải là ứng dụng đúng đắn của kỹ năng giao tiếp. Những kỹ năng giao tiếp tới đây tôi trình bày đều có cái tâm là sự Chân Thành. Đó là, các bạn hãy cứ cảm thấy đúng những gì các bạn cảm thấy, tôi chỉ trình bày cho các bạn cách để thể hiện chúng ra ngoài một cách hợp lý nhất. 
  1. 2. Kỹ năng kéo dài cuộc hội thoại

Sau nhiều năm kinh nghiệm thực tế, tôi lựa chọn đưa kỹ năng này lên đầu tiên, bởi đây có lẽ là kỹ năng quan trọng nhất và cũng làm nhiều người vướng mắt nhất. Có nhiều người hỏi tôi rằng họ đã dám lấy hết can đảm để bắt chuyện với đối phương, nhưng lại không biết phải làm gì tiếp theo, từ đó để vuột lỡ cơ hội trong tiếc nuối. 


Đọc thêm:

Kéo dài một cuộc hội thoại thực ra không khó như bạn tưởng. Ai cũng muốn mình là người quan trọng. Vì vậy hãy hướng chủ đề của cuộc nói chuyện về họ. Nói cách khác, hãy để họ nói về họ nhiều hơn những gì bạn nói về mình. Và bạn hoàn toàn có thể làm được điều này bằng những phương pháp sau:

Phương pháp A Dua

Đây là phương pháp dành cho đối tượng đang trên đà nói nhiều sẵn, hoặc đang có tâm sự chất chứa cần giải tỏa và cái họ cần chỉ là một người lắng nghe. Vì họ đã biết những gì họ muốn nói nên tất cả những gì chúng ta cần nói khi này là những câu mang tính cảm thán, tùy vào nội dung cuộc trò chuyện. Ví dụ:
– Ồ! (ngạc nhiên) 
– Vậy á/sao? (ngạc nhiên) 
– Không thể nào! (ngạc nhiên – phản biện)
– Ra là vậy (đồng cảm) 
– Mình hiểu (đồng cảm). 


Đọc thêm:

Nghe rất đơn giản đúng không? Khi bạn gặp một đối tượng đang trên đà “xả van”, bạn chêm những câu nói trên vào những lời người ấy nói vào ĐÚNG THỜI ĐIỂM (Đúng thời điểm tức là khi họ nói chi tiết gì đó bất ngờ thì ta thể hiện sự ngạc nhiên, khi nói điều gì đó buồn thì ta thể hiện sự đồng cảm. Điều này yêu cầu bạn cần nghiêm túc lắng nghe họ nói để biết được thời điểm nào thì biểu hiện nào là hợp lý. Đừng có Ồ lên thật lớn khi họ nói 1+1=2.), vì chúng là những nhân tố kích thích khiến đối phương sẽ cảm thấy bạn đang nghiêm túc lắng nghe nỗi lòng của họ và họ sẽ lại càng trải lòng ra nữa. Đoán xem, khi họ giải bày tâm sự xong, khi nỗi niềm của họ được giải tỏa, họ sẽ có ấn tượng tốt hay xấu về bạn nào. 
Tôi còn nhớ khi tôi áp dụng phương pháp này với cô tôi khi cô ấy đang muốn trút bầu tâm sự. Tất cả những gì tôi nói hôm đó là Dạ, vậy ạ, dạ cháu hiểu, vâng, thế ạ. Phần còn lại của cuộc hội thoại kéo dài 15 phút đó là của cô ấy. Phương pháp này hiệu quả tới mức tới cuối buổi trò  chuyện, cô tôi đã khóc vì cuối cùng cũng đã nói được ra hết những gì muốn nói. Trước khi rời đi, cô nói: “Ở nhà này tâm sự với H là thích nhất đấy!”. 
Phương pháp này được dùng chủ yếu với phụ nữ, những người luôn có sẵn nhu cầu được lắng nghe và quan tâm tới cảm xúc. Những người mà tính chất công việc khiến họ ít có cơ hội được giao tiếp với người khác cũng có thể là đối tượng cho phương pháp này, bởi nhu cầu nói của họ cũng cao không kém.
Nhược điểm của phương pháp này là chỉ có tính chất kích cho đối phương giãi bày tâm sự khi bản thân họ đã có nhu cầu muốn nói sẵn, không có tính chất xây dựng hoặc đào sâu từ phía chúng ta. Nếu đối phương là đàn ông, phương pháp này sẽ không được hiệu quả cho lắm, bởi họ không có thiên hướng kể lể hay giãi bày. 

Phương pháp Đặt câu hỏi

Phương pháp này khá linh hoạt. Câu hỏi mở thì luôn gợi cho đối phương nói nhiều hơn, nhưng qua kinh nghiệm thực tế, câu hỏi đóng sử dụng hợp lý vẫn có tác dụng tương đương. Vấn đề là hỏi cái gì? 

Nhiều người khi tiếp xúc lần đầu thì mắc phải sai lầm là tra hỏi đối phương đủ thứ như thể hỏi cung người ta: Em học trường nào? Nhà có mấy anh em? Bố mẹ làm gì? Đây là sai lầm khá phổ biến, dễ khiến đối phương cảm thấy bị áp lực, khó chịu và cho rằng bạn tẻ nhạt. 
Để biết được nên hỏi gì một cách tự nhiên nhất, hãy nhặt những từ khóa trong những lời nói của đối phương để hỏi. Bạn có thể chọn bất kỳ từ khóa nào, điều quan trọng là bạn cần thực sự lắng nghe những gì người ấy nói thì mới biết được có những từ nào để chọn. Ví dụ cô ấy nói: 
– Em đang làm giáo viên tiểu học trên Sapa. 
Ở đây ta có thể thấy ba từ khóa là “giáo viên”, “tiểu học”, “Sapa”. Ta có thể hỏi tiếp những câu hỏi mở như: 
 Tại sao lại là nghề giáo viên? 
 Tại sao lại là Sapa? 
– Em làm thế nào để học sinh biết nghe lời? 
Hay những câu hỏi đóng như: 
– Dạy tiểu học chắc vất vả lắm nhỉ?
– Sapa hẳn là lạnh lắm phải không em?
– Học sinh ở đó có khác với học sinh thành phố không? 
Mặc dù các câu hỏi trên là câu hỏi đóng nhưng đa phần mọi người sẽ không chỉ nói Có hoặc không, mà còn đi kèm các thông tin khác nữa, nên vẫn có tác dụng kéo dài đoạn hội thoại. 
Rồi sau đó trong câu trả lời tiếp theo của đối phương, ta lại tiếp tục nhặt những từ khóa mới để đặt ra những câu hỏi mới. Cứ như vậy là chúng ta sẽ không bao giờ có thể hết thứ để hỏi, vừa giữ cho cuộc hội thoại không bị chết, vừa giúp chúng ta biết rõ về đối phương hơn. 
Có một vài lưu ý cho phương pháp này: 
* Không hỏi những chủ đề nhạy cảm: nhìn chung với những người lần đầu gặp mặt, ta nên tránh hỏi họ về những chủ đề như lương bổng, tôn giáo, tình trạng hôn nhân v…v.. 
* Đôi khi hãy thêm vào một vài ý kiến của riêng mình xen vào trong câu hỏi để cuộc hội thoại không bị một chiều. Ví dụ người ấy nói: 
– Tôi chơi guitar được 5 năm rồi. 
Chúng ta có thể hỏi: 
–  Sao anh không chơi piano? Tôi tưởng piano dễ hơn chứ (nếu bạn thực sự nghĩ như vậy)?
Hoặc 
–  Trước đây tôi cũng từng thử chơi guitar/cũng muốn thử chơi một nhạc cụ (nếu bạn thực sự đã từng thử) mà thấy khó quá/mà không biết chơi cái nào. Anh có gặp khó khăn gì khi chơi guitar/gợi ý gì không? 
Như các bạn thấy, tôi vẫn luôn nhấn mạnh cái cốt lõi là sự chân thành. Tôi không khuyến khích các bạn không có hứng thú gì với nhạc cụ rồi tự dối lòng là mình thích lắm chỉ để làm người khác vui. 
* Đừng chỉ biết hỏi. Có qua có lại. Vẫn có lúc chúng ta nói về mình, nhưng luôn cố gắng nhường ánh sáng sân khấu cho họ. 
* Với phụ nữ, hãy hỏi những câu mang tính cảm tính. Em cảm thấy sao về việc đó? Hẳn là cô cảm thấy tức giận lắm nhỉ? Cô vẫn ổn sau chuyện đó chứ? Điều này là do họ quan tâm tới mặt cảm xúc của vấn đề hơn. Khi ta hỏi những câu như vậy, có thể nói là “gãi đúng chỗ ngứa” của họ, và khả năng lớn là họ sẽ lại nói thêm 1 tràng dài nữa cho mà xem. 
* Với đàn ông, hãy hỏi về cách anh ta giải quyết một vấn đề nào đó. Vì họ cũng là những cá thể có cảm xúc, nên vẫn có thể hỏi những câu hỏi cảm tính, nhưng không nên đào sâu, bởi họ cũng sẽ không hào hứng về chủ đề đó cho lắm. Và họ không ngại nếu được tranh luận với bạn về một chủ đề nào đó mà họ hứng thú (ngược lại, họ còn rất thích thú là đằng khác). 
Ưu điểm của phương pháp này là tài nguyên “nói gì” người kia đã cung cấp sẵn. Nhiệm vụ của chúng ta đơn thuần chỉ là “nói như thế nào” thôi. Thực sự rất hữu ích cho những ai hay bị bí đề tài trong khi nói chuyện. Đây cũng thường là phương pháp hữu hiệu nhất để kéo dài cuộc hội thoại. 
Nhược điểm ở đây là một cái bẫy rất lớn, đó là người hỏi dễ bị sa đà vào việc hỏi mà không góp phần xây dựng, dễ khiến đối phương bị choáng ngợp bởi số lượng câu hỏi, cảm giác như bị hỏi cung. Cần đọc lại các lưu ý bên trên để tránh bẫy. 
Bên trên là hai phương pháp chính tôi vẫn hay dùng và có hiệu quả lớn. Điểm chung của cả 2 phương pháp là yêu cầu sự lắng nghe chân thành. Và cách cơ thể chúng ta lắng nghe cũng vô cùng quan trọng. Nói chung khía cạnh này thuộc về ngôn ngữ cơ thể, tôi sẽ dành một bài riêng để nói về điều này. 

3. Kỹ năng bắt đầu cuộc hội thoại

Kỹ năng này thì cần điều kiện tiên quyết nhất là sự dũng cảm. Việc mở lời trước với một người lạ là một trong những nỗi e ngại lớn nhất không chỉ của người VN mà cả người nước ngoài. Hãy nhớ rằng, ai cũng chỉ là con người bình thường. Và hậu quả lớn nhất có thể xảy ra nếu bạn bắt chuyện thất bại là gì? Cùng lắm thì người ta đi mất chứ có gì đâu, đúng không? ^^ 
Phương pháp Thực tại 
Thực tại tức là ngay bây giờ. Những điều hiện giờ đang xảy ra trước mắt mình và đối phương, đó chính là chủ đề dễ bắt chuyện nhất, bởi đó là những điểm chung mà cả 2 người đều đang trải qua. Ví dụ: thời tiết, kẹt xe, tin bóng đá (nếu cả 2 người đều đang xem cùng một tivi). Nếu cả hai đang nhìn chung vào một cái balo nào đó thì cũng dùng nó làm chủ đề luôn. Cụ thể hơn: 
– Hôm nay trời nóng quá anh nhỉ? (khi bạn thực sự cảm thấy nóng) 
– Ừ 32 độ lận đó. Mai còn nóng nữa 
– Thế cơ ạ (phương pháp a dua) 
– Ừ nóng thấy sợ luôn. Mãi cuối tuần mới mưa 
– Mưa thì chỗ này có lụt không anh? (phương pháp Đặt câu hỏi bằng từ khóa) – Không đâu. Đường ABC mới lụt cơ. 
Nếu đối phương chỉ “Ừ” cho câu hỏi “Hôm nay trời nóng quá anh nhỉ?”, ta có thể nói thêm, để dễ hơn thì cứ coi như đang nói chuyện một mình vậy. 
– Hôm nay trời nóng quá anh nhỉ?
– Ừ 
– Mai còn nóng nữa. Mà tận cuối tuần mới mưa. Chết mất! 
Tới đây một người bình thường sẽ đáp lại vài ba câu, và thế là ta lại dùng các phương pháp trên để kéo dài cuộc hội thoại. Nhưng nếu thấy sau vài câu mà đối phương chỉ Ừ và Không thì hãy tế nhị và lui ra chỗ khác, bởi có lẽ họ đang không muốn nói chuyện. 
Phương pháp này có ưu điểm là tiện, ở đâu cũng dùng được, có gì dùng nấy, và vì nói về việc ở thực tại nên đối phương dễ cùng quan điểm với mình hơn (bởi họ cũng đang trải nghiệm thấy điều đó), tạo khởi đầu cho một cuộc hội thoại suôn sẻ. 
Nhược điểm của phương pháp này là có thể dẫn tới câu trả lời đóng. Bởi phương pháp này nói về việc cả hai bên đều đang trải nghiệm thấy, nên khả năng cao là đối phương sẽ không nói gì khác ngoài việc đồng ý. Tới đây nếu không biết tiếp tục dẫn dắt như trên đã ví dụ, người nói dễ cảm thấy bị tắc và lại đơ. 

Phương pháp Khen

Ai khi được khen cũng thích, nhưng nếu khen lố thì sẽ bị phản tác dụng. Hãy chọn một điểm bất kỳ về đối phương mà bạn thực sự cảm thấy thích và khen họ. Đó có thể là bất cứ thứ gì, từ đôi giày, khuyên tai, chiếc đồng hồ, tới cách bày trí trong quán của họ (nếu bạn đang trong quán) hay cách nhân viên phục vụ khách hàng. Hãy nhớ, phải là điều bạn thực sự cảm thấy thích, và hãy nói lời khen tương xứng. Có như vậy lời khen mới được tự nhiên. 

Ví dụ thực tế:
– Bạn ơi, xin lỗi vì làm phiền bạn. Chiếc đồng hồ này bạn mua ở đâu thế?
– Mình mua ở Vincom bạn ạ! 
– Ồ. Cái này trông đẹp quá. Mình cũng muốn có một cái. (nếu bạn thực sự muốn nó). Nhất là cái dây da này trông rất nam tính. Có đắt không hả bạn? – Cũng không đắt lắm đâu. (blah blah blah) 
Như vậy là có một cuộc hội thoại nho nhỏ rồi. Một ví dụ khác: 
– *tôi nói chuyện với anh thu ngân* Em có đi nhiều quán cà phê ở Sài Gòn nhưng chỗ anh làm matcha ngon nhất. 
– *Cười rạng rỡ* Cảm ơn em (tới đây nếu không biết dẫn dắt hay hỏi tiếp rất dễ bị cụt) 
Dạ không có gì anh. Là do anh nhập nguồn matcha riêng hay do anh bỏ nhiều matcha vào hơn mà vị nó được đậm như thế ạ? (phương pháp đặt câu hỏi bằng chính sự tò mò của mình) 
Vì đã có sự phấn khích khi được khen như vậy nên khi tôi hỏi câu đó, anh ấy nhiệt tình trả lời rất cặn kẽ, còn nói cả về các thứ đồ uống khác nữa, giống như anh bạn trên đã làm. 
Ưu điểm của phương pháp này là gợi được ngay thiện cảm từ đối phương ngay những phút đầu bởi họ được khen. Một mẹo nhỏ là khen càng tiểu tiết càng tốt (trong ví dụ trên, khi khen đồng hồ, tôi đã khen dây của chiếc đồng hồ đó. Và đó thực sự cũng là điểm mà tôi thích nhất ở chiếc đồng hồ đó), bởi điều đó thể hiện bạn thực sự thích đồ vật đó lắm mới để ý tới chi tiết nhỏ vậy. Làm tương tự nếu bạn muốn khen cách bài trí hay tác phong dịch vụ. Ngay cả khi khen ai đó xinh đẹp, cũng hãy khen cụ thể rằng mắt đẹp như thế nào, thích nhất đôi môi ra sao. 
Nhược điểm là nếu khen không thực tâm và không khéo, dễ bị lố và gượng gạo, làm người ta đề phòng và tránh xa. 
Bên trên là hai trong số nhiều phương pháp giao tiếp mà tôi cho là hữu hiệu và dễ thực hiện nhất. Tuy nhiên, không có nghĩa là sẽ nhiều người thực sự thực hành chúng. Tôi biết và tôi hiểu cái cảm giác khi chuẩn bị nói thì đầu lại nghĩ ra lý do này lý do khác để thoái thác, vì tôi đã từng trong hoàn cảnh đó. Người duy nhất có thể giúp bạn vượt qua nó là chính bạn. Mẹo tôi hay sử dụng là làm như không có gì để mất. Nghĩ như vậy bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn. 
Như vậy là đã kết thúc phần Nói gì, mà Nói gì chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong sự thành công của nghệ thuật giao tiếp. Bài viết tới tôi sẽ viết  về Ngôn Ngữ Cơ Thể Trong Giao Tiếp, điều chiếm tới 85% tầm quan trọng. Rất mong bài viết này sẽ giúp được nhiều bạn. Nếu các bạn sử dụng các kỹ năng trên và thành công, tôi sẽ rất vui nếu các bạn có thể kể cho tôi nghe qua email [email protected]
Nguồn tham khảo: How to instantly connect to anyone – Leil Lowndes