Cẩn Trọng Trong Lời Nói (Phần 2)
Trong văn hóa VN, vai vế trong tuổi tác luôn có sức ảnh hưởng nhất định đến cách chúng ta tương tác với nhau. Người lớn tuổi hơn mặc...
***Bài viết chia sẻ kinh nghiệm rút ra từ trải nghiệm sống của bản thân. Đối tượng hướng tới là những bạn trẻ muốn trau dồi kỹ năng giao tiếp ứng xử. Cần được đọc và điều chỉnh sao cho phù hợp với bản thân, tình huống và đối tượng
2. Giao Tiếp Với Người Lớn
Trong văn hóa VN, vai vế trong tuổi tác luôn có sức ảnh hưởng nhất định đến cách chúng ta tương tác với nhau. Người lớn tuổi hơn mặc định là phải được kính trọng, hay chí ít là nể nang bởi người nhỏ tuổi hơn. Kính lão đắc thọ thì đẹp đấy, nhưng “người lớn nói phải nghe” hay “Mày tí tuổi đầu thì biết cái gì” thì ở nhiều trường hợp đã không còn phù hợp và đúng đắn nữa. Cũng chính bởi sự khác biệt về quan điểm sống, lối sống này mà sự kết nối giữa thế hệ trẻ ngày nay và thế hệ già bậc bố mẹ chú bác ở VN thường khá mong manh, ở nhiều trường hợp thậm chí còn không có. Vậy chúng ta sẽ phải xử lý tình huống thế nào khi có những mâu thuẫn, những khác biệt ấy với những người thuộc thế hệ cũ?
Để làm được điều này chúng ta trước hết cần hiểu tâm lý của người lớn. Thực ra thì tâm lý người lớn nhìn chung cũng không khác chúng ta là mấy, đó là tâm lý không muốn nhận mình sai. Ai cũng thế thôi. Cảm giác khi biết mình sai hoặc phải thay đổi một thói quen, một niềm tin mãnh liệt, một quan điểm sống chưa bao giờ là một cảm giác dễ chịu hay là một điều dễ dàng. Điểm khác biệt trong tâm lý người lớn so với người trẻ tuổi là cái thói quen ấy, cái niềm tin ấy, họ đã có từ rất rất lâu rồi. Nó được đúc kết từ kinh nghiệm sống của hàng chục năm bôn ba với cuộc đời. Chúng như thể được khắc vào đá vậy, nên việc thay đổi nó sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với lớp trẻ.
Ngoài ra, không chỉ thế hệ cũ mà hầu hết chúng ta đều mắc một bẫy tâm lý về tuổi tác. Giờ cứ tưởng tượng bạn đang học đại học, đang không biết giải 1 bài toán cao cấp, và cậu em học lớp 1 nhảy vào bảo để em giải cho, thì bạn có xua nó đi và nói “Linh tinh. Để yên cho tao học” không? Khi đó bạn sẽ cho rằng thằng em có nói cái gì thì cũng không thể nào giúp bạn giải bài toán đó, ngay cả trước khi nó kịp mở lời chỉ vì nó đang học lớp 1. Tâm lý của bố mẹ chúng ta khi nhìn chúng ta cũng rất giống vậy. Với bố mẹ hay với những người lớn khác đã sống gần nửa cuộc đời, chúng ta, những thanh niên dưới 24 tuổi cũng chỉ là những thằng trẻ con. Ngay cả khi chúng ta đã có đủ tuổi đời, biết đúng sai thế nào, thì người lớn vẫn có xu hướng từ chối chấp nhận ý kiến của chúng ta, bởi trong thâm tâm họ, họ vẫn luôn thường trực cái sĩ diện của người lớn, luôn muốn giữ hình ảnh của bản thân là người hiểu biết hơn, là người đưa ra lời khuyên cho con cháu, chứ không phải là người nhận lời khuyên từ con cháu. Họ cũng đã quá quen với cách dạy con truyền thống là “Người lớn bảo gì, trẻ con nghe nấy, không được cãi”, nên càng cảm thấy khó chịu mỗi khi thanh niên chúng ta có quan điểm trái chiều với họ.
Tất cả những yếu tố đó gộp lại, tạo nên một tâm lý nhìn chung khá cứng nhắc và bảo thủ trong việc tiếp nhận ý kiến từ lớp trẻ. Nếu chúng ta càng cố sửng cồ lên bảo vệ quan điểm của mình, thì họ sẽ càng phản kháng lại mạnh mẽ, bởi cái tôi người lớn của họ càng bị đe dọa. Và với vị thế là người lớn, nhất là khi họ là bố mẹ mình, thì họ càng mặc định họ có quyền lực cao hơn mình. Vì vậy những quyết định trong cơn giận dữ của họ sẽ thường gây ra thiệt hại rất lớn và sâu sắc, cả những thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần cho không chỉ bạn mà cho cả mối quan hệ trong gia đình. Ngay cả khi họ nguôi giận và nghĩ lại, thì những thiệt hại đó, những tổn thương đó cũng đã xảy ra và rất nhiều trường hợp mà mình biết, mối quan hệ giữa con cái và bố mẹ không thể cứu vãn được nữa. Ngay cả khi họ nghĩ lại và nhận ra mình sai, cái sĩ diện của họ cũng sẽ không cho phép họ nói lời xin lỗi, mà họ sẽ chỉ xin lỗi theo cách của riêng họ.
Đó, nói qua như vậy để các bạn thanh niên còn trẻ tuổi hiểu được rằng khi có quan điểm trái chiều với người lớn, thì việc thuyết phục thay đổi họ là một thách thức lớn như thế nào. Thách thức này lớn hơn rất nhiều so với bài viết ở phần 1, bởi người lớn trong ngữ cảnh của bài này là những người có quyền lực ảnh hưởng tới mình. Đó có thể là bố mẹ, bố mẹ có làm gì nghĩ gì thì họ vẫn luôn là bề trên của mình, là máu mủ của mình, là người mà chúng ta mang ơn suốt cả cuộc đời. Chúng ta có thể không hợp về tính cách, nhưng đạo làm con thì vẫn luôn phải phụng dưỡng bố mẹ. Đó có thể là bố mẹ vợ hay bố mẹ chồng. Ở một số nơi, lời ra tiếng vào của cô dì chú bác họ hàng cũng quan trọng không kém. Trong công việc, đó có thể là trưởng nhóm, trưởng phòng hay sếp của bạn, những người mà bạn hoàn toàn không muốn làm họ khó chịu hay bực bội. Ở bài trước mình đã nói, chúng ta cần biết linh hoạt giữa cứng và mềm dù là giao tiếp với ai đi chăng nữa. Mềm là khi chúng ta giữ im lặng về quan điểm của mình, vì việc nói ra ấy là không cần thiết và có thể gây thiệt hại cho người khác cũng như cho bản thân mình. Nhưng nếu bạn rơi vào tình huống mà bạn buộc phải cứng, buộc phải nói ra và bảo vệ quan điểm của mình trước một người lớn, bạn sẽ nên làm thế nào? Có 2 điều mà mình muốn các bạn chuẩn bị thật kĩ trước khi tiến hành các "chiến thuật" cụ thể.
Chuẩn Bị 1: KHÔNG ĐƯỢC VÔ LỄ
Việc đầu tiên bạn cần làm, và PHẢI làm, đó là KHÔNG ĐƯỢC VÔ LỄ. Nếu như bình thường bạn có bực bội ai, bạn thể hiện ra trên mặt và người ta cùng lắm nói lại vài câu rồi thôi. Nhưng NẾU người mà bạn đang tỏ thái độ là người lớn, thì với họ, đó sẽ không còn là bất lịch sự nữa, mà là LÁO. Như đã nói ở trên, văn hóa kính trọng người lớn tuổi hơn là một mặc định ở VN. Vì vậy, việc bạn tỏ thái độ bực bội, khó chịu, thậm chí là cao giọng với người lớn tuổi hơn bạn không những vi phạm vào phép tắc của văn hóa, mà còn đe dọa uy quyền của người lớn. Những lúc như vậy, người lớn sẽ hoàn toàn không tập trung vào tính đúng đắn của lập luận của bạn, mà sẽ làm mọi cách để lấy lại cái uy của mình bằng việc gào to hơn bạn, mắng chửi bạn, và gạt phăng đi ý kiến của bạn để nhấn mạnh thông điệp "Tao mới là người quyết định ở đây". Như vậy, không những ý kiến của bạn không được lắng nghe, mà mối quan hệ của bạn và người lớn ấy cũng trở nên xấu xí hơn, càng làm giảm đi khả năng thành công của những buổi nói chuyện sau này. Những người trẻ thiếu kinh nghiệm sống thường thiếu khả năng kìm chế bản thân cũng như cảm xúc trong những thời điểm bức xúc nên mình muốn nhấn mạnh bước này đầu tiên để đảm bảo các bạn không làm hỏng việc trước khi có cơ hội giải thích ý kiến của mình. Ngay cả khi sự phản bác của người lớn có chối tai tới mấy, bạn vẫn phải làm đúng phép tắc của phận con cháu hoặc người nhỏ tuổi hơn, và tiếp tục ôn tồn nói chuyện. Không được cau mày hay lên giọng hay nói những lời lẽ khó nghe.
Chuẩn Bị 2: Cảm nhận không khí của buổi nói chuyện
Việc đưa ra ý kiến trái chiều với người lớn bản thân nó đã là một cú tấn công vào sự "uyên bác" và "uy quyền" của họ, dù bạn có nói nhẹ nhàng và hợp lý tới đâu. Vì vậy, khả năng rất cao là người lớn sẽ không ngồi yên và lắng nghe bạn từ đầu tới cuối đâu. Nếu cảm thấy phản ứng của người lớn đó đang dần trở nên gay gắt hoặc không có hứng thú lắng nghe nữa, khiến không còn thích hợp để tiếp tục nói chuyện thì hãy từ tốn đổi chủ đề hoặc rút lui và lần sau nói chuyện lại từ đầu. Tuyệt đối tránh để căng thẳng leo thang lên đỉnh điểm và khiến họ giận dữ. Nhiều bạn có khả năng giữ cách nói chuyện bình tĩnh trong suốt buổi nói chuyện nhưng lại không để ý tới phản ứng của người lớn, cứ thế mà độp vào mặt họ nào là bằng chứng, nào là số liệu, nào là giải thích mà không biết rằng người lớn ấy đã gạt phăng đi ý kiến của bạn ngay từ giây thứ hai rồi. Bạn càng nói họ càng thấy chán, khó chịu và mất đi sự tôn trọng của họ dành cho bạn. Vì vậy, hãy tinh ý cảm nhận phản ứng của họ nhé.
Nếu đã chuẩn bị chắc chắn 2 bước trên trong đầu thì dưới đây là 3 chiến thuật giúp tăng khả năng thuyết phục người lớn mà mình tự rút ra từ kinh nghiệm sống của mình. Điểm chung của 3 chiến thuật này là chúng cần một khoảng thời gian mới thấy được hiệu quả vì người lớn thường cứng nhắc hơn thế hệ trẻ rất nhiều.
Chiến Thuật 1: Chứng minh khả năng của bản thân bằng những thành tựu cụ thể
Người lớn khó lắng nghe ý kiến của người nhỏ tuổi hơn đơn giản là vì chúng ta không có được sự tôn trọng của họ như cách họ tôn trọng một người lớn khác. Và người lớn chỉ tôn trọng một người lớn khác khi họ thấy được người kia làm được những điều mà họ phải kính nể. Đương nhiên bạn không cần phải trở nên quá xuất sắc, nhưng chí ít hãy có những thành tựu đáng nể đủ để không chỉ bạn bè mà cả người lớn xung quanh cũng phải công nhận bạn. Những thành tựu này càng có ít sự giúp đỡ của người lớn thì sự nể trọng của người lớn dành cho bạn càng nhiều.
Ví dụ bạn tự học IELTS 9.0 hoặc tự đi kiếm tiền để tới trung tâm học và được IELTS 9.0 thì sẽ có 'uy' hơn là việc bố mẹ bạn đầu tư cả trăm triệu cho bạn đi học lớp đảm bảo đầu ra 9.0. Khi đó, việc bạn có IELTS 9.0 sẽ không còn là thứ gì đáng ngưỡng mộ nữa, mà là điều đương nhiên, và người lớn sẽ nói "Đầu tư tưng ấy tiền thì phải được như thế chứ còn gì nữa". Những thành tựu khác có thể gây ấn tượng tốt với người lớn là tự đi xin việc lương cao, tự phấn đấu được bổ nhiệm lên vị trí lãnh đạo, tự phát triển startup thành công hay giúp đỡ một ai đó hoàn thành một việc lớn nào đó.
Như các bạn có thể thấy, các ví dụ mà mình đưa ra đều là những ví dụ cụ thể, rõ ràng mà ai cũng có thể nhìn thấy. Những thứ như dẻo mồm, gọn gàng sạch sẽ hay đẹp trai xinh gái không phải là những thành tựu có thể tạo được sự nể trọng nơi người lớn. Rõ ràng rồi, bạn có khéo léo đối nhân xử thế tới mấy mà lương tháng vẫn bèo bọt, thậm chí phải nhờ bố mẹ hỗ trợ thêm khi bạn đã 30 tuổi thì đến bạn bè bạn có khi còn không nể trọng bạn chứ đừng nói người lớn, đúng không? Bạn phải biến được những điểm mạnh của mình thành những điều có giá trị cụ thể thì vị thế của bạn, không chỉ trong mắt người lớn, mà trong xã hội mới được công nhận. Bạn càng có nhiều quyết định hay việc làm đem lại kết quả đúng đắn trước đó, thì những quan điểm về sau của bạn khi trình bày với người lớn, sẽ càng dễ được tiếp thu.
Chiến Thuật 2: Tặng quà người lớn bằng tiền của mình.
Nghe thì có vẻ giống như chiến thuật 1, nhưng ở chiến thuật này, những giá trị bạn TỰ tạo ra được điều hướng về cho gia đình của mình. Lại nhắc lại, nó không nhất thiết phải là thứ gì đó quá đắt đỏ, miễn sao phù hợp với khả năng của bạn, và phù hợp với nhu cầu của người lớn đó.
Nó có thể đơn giản là một túi xoài xanh mẹ bạn thích ăn, hay một lọ kem cừu dưỡng da cho dì, một thỏi son cho chị, hoặc to hơn nữa là một cái ghế mát xa cho bố v..v.... Ngay cả khi tất cả những gì bạn dành cho gia đình bằng chính khả năng tài chính của bạn là những thứ rất bình thường mà ai cũng mua được, bạn vẫn đang thể hiện ra cho người lớn trong gia đình thấy rằng bạn đã trưởng thành, đã có thể và biết chăm lo cho gia đình, và đang trên đà trở thành trụ cột của gia đình. Nếu món quà bạn tặng họ còn đúng thứ họ thích nữa, thì họ sẽ càng cảm thấy rằng bạn thực sự rất quan tâm tới họ, từ đó cảm giác quý mến đó sẽ khiến họ dễ bị thuyết phục hơn khi bạn đưa ra quan điểm của mình. Và nên nhớ, cốt lõi của mọi chia sẻ của mình là chân thành. Vì vậy, bạn chỉ thực hiện chiến thuật này khi bạn THỰC SỰ muốn dùng nó, tức bạn thực sự muốn tặng những người bạn yêu quý những món quà mà tự tay mình làm hoặc mua bằng tiền tự mình làm ra. Đừng ngó lơ họ suốt cả năm, rồi chỉ mua quà cho họ khi bạn biết bạn sắp xin xỏ họ điều gì đó. Người lớn có đủ kinh nghiệm sống để nhận ra kẻ nịnh bợ, và làm như vậy chỉ khiến họ khinh thường bạn và ý kiến của bạn hơn thôi. Một lưu ý nhỏ khác là chỉ nên dùng chiến thuật này với người thân trong gia đình. Mua quà cho người lớn ở chỗ làm rất có thể bị coi là hối lộ, không nên làm.
Chiến Thuật 3: Hỏi ý kiến của người lớn trước khi đưa ra một quyết định lớn.
Ngay cả khi bạn đã chắc chắn rằng mình sẽ làm điều đó dù họ có đồng ý hay không, ngay cả khi quyết định đó là đương nhiên, vẫn cứ hãy trình bày với họ về kế hoạch của bạn. Lý do đi tới quyết định đó là gì, bạn đã chuẩn bị những gì để thực hiện nó, kế hoạch của bạn trong tương lai gần và xa ra sao, những rủi ro là gì và bạn sẽ xử lý chúng thế nào v..v.... Bạn trình bày càng cụ thể và chu toàn, người lớn càng thấy được năng lực của bạn ra sao, càng tăng tính thuyết phục cho bạn. Chưa kể là rất có thể họ sẽ chỉ ra được lỗ hổng trong kế hoạch của bạn nữa. Ngoài ra, việc hỏi ý kiến người lớn sẽ làm cho họ cảm thấy mình quan trọng, cái uy của họ được vuốt ve, từ đó họ càng dễ chấp nhận ý kiến của bạn hơn. Thậm chí, nếu bạn cần giúp đỡ, họ rất có thể sẽ ra tay hỗ trợ dù trước đó họ có quan điểm trái chiều với bạn. Lưu ý của chiến thuật này là bạn thực sự phải có sự kế hoạch kĩ lưỡng cho quyết định ấy. Nếu trong quá trình trình bày với người lớn, họ hỏi vặn nhiều câu mà bạn không ấp úng không trả lời được hay nói "uh nhỉ", thì độ đáng tin cậy của bạn sẽ giảm và từ đó ý kiến của bạn sẽ mất đi sức nặng. Chiến thuật này thì có thể được áp dụng với cấp trên ở công ty.
Đó là 3 chiến thuật chính mà mình sử dụng trong suốt 5 năm trước khi có được sự lắng nghe của bố mẹ mình lần đầu tiên vào năm mình 23 tuổi. Từ đó về sau, mình vẫn liên tục cố gắng hết sức để có được những thành tựu mới, cũng như quan tâm tới gia đình. Mình làm vậy là cho chính bản thân mình, nhưng hiệu ứng phụ là sức nặng của lời nói của mình đã cao hơn rất nhiều so với trước khi mình 23 tuổi. Thậm chí sức ảnh hưởng của lời nói của mình không chỉ lớn trong gia đình mình mà cả trong họ hàng nội ngoại nữa, vì những gì mình tạo ra ai cũng có thể nhìn thấy và công nhận.
Nếu như nói chuyện với giới trẻ có thể chủ yếu sử dụng logic, thì nói chuyện với người lớn lại cần có sức nặng trong lời nói, đủ để họ không thể ngay lập tức gạt phăng đi ý kiến của mình mà lắng nghe, cân nhắc và đánh giá. Và sức nặng của lời nói không thể có được trong một sớm một chiều. Vì vậy, hãy kiên trì, "nếm mật nằm gai" một thời gian để tích lũy dần nó, thay đổi dần cái nhìn của người lớn về bạn. Đừng mong đợi những người lớn cổ hủ hay bảo thủ ngay lập tức thay đổi quan điểm chỉ vì bạn nói đúng nhé.
Kênh Youtube Đàn Ông Học:
Facebook Group Đàn Ông Học:
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất