Buồn, đen tối và nghiệt ngã là những tính từ mình hay dùng khi giới thiệu Bạch Dạ Hành cho bạn bè. Lần đầu tiên đọc một truyện thể loại trinh thám - kinh dị, thứ ám ảnh không phải các tình tiết máu me hay động cơ gây án, mà là hậu quả nặng nề của chấn thương tâm lý tác động lên những đứa trẻ. Chúng phải trải qua những gì? Chúng phải cam chịu những gì? Và liệu có thể dùng những tổn thương ấy để bào chữa cho các hành động sai trái sau này hay không? 

Bài viết sẽ gồm hai phần. Phần đầu tiên sẽ nói sơ qua về nội dung chính cũng như một số điều mình thấy thú vị về cách kể chuyện của tác giả trong Bạch Dạ Hành, và sẽ không spoil quá nhiều để đảm bảo trải nghiệm đọc của các bạn.  Phần sau sẽ nói về cảm nhận của mình về hai nhân vật chính, và sẽ spoil cực mạnh nội dung của truyện. Vì đây là một tác phẩm mình thấy rất hay, nên hy vọng những ai đã đọc truyện rồi thì mới tiếp tục đọc phần sau của bài viết nhé.

Nội dung chính của Bạch Dạ Hành

Bạch dạ hành mở đầu với một vụ án mạng. Người chủ tiệm cầm đồ bị sát hại trong một khu công trường, số tiền ông mang theo cũng không cánh mà bay. Ít lâu sau, nhân tình của nạn nhân, đồng thời là nghi phạm chính cũng tự tử. Không còn manh mối, các hướng điều tra của cảnh sát đi vào những ngõ cụt và vụ án dần bị quên lãng ...  Nhưng đối với Yukiho và Ryoji - hai đứa trẻ mười một tuổi, cũng là con của hai nạn nhân - vụ án đã để lại một chấn thương tâm lý lên trí óc non nớt của chúng, thay đổi thế giới quan, tính cách và cuộc đời chúng mãi mãi.
Sinh tồn và trưởng thành dưới bóng đen cái chết của bố mẹ, cho đến cuối đời, Ryoji vẫn luôn khao khát được một lần đi dưới ánh mặt trời, còn Yukiho cứ ra sức vẫy vùng rồi mãi mãi chìm vào đêm trắng
Bạch Dạ Hành kể về quãng thời gian 20 năm của Yukiho và Ryoji sau vụ án mạng, từ hai đứa trẻ mười một tuổi đến tận lúc trưởng thành. Người đọc sẽ được đào sâu vào tâm lý các nhân vật chính, thấy những tác động nặng nề của vụ án lên cuộc sống của chúng và cách mà chúng đối mặt với chấn thương tâm lý đó. Vì thế, yếu tố tâm lý và phát triển nhân vật được đưa lên hàng đầu, trong khi tính chất trinh thám được sử dụng như chất xúc tác, giới thiệu các nhân vật chính và bối cảnh diễn ra của truyện. Nếu bạn muốn tìm kiếm một "Phía sau nghi can X" thứ hai, thì có lẽ Bạch Dạ Hành sẽ khiến bạn thất vọng, vì nó không có những tình tiết quá mức gay cấn và dồn dập, nhưng nếu bạn muốn đọc để hiểu được tâm lý nhân vật, để cảm nhận được sự đáng sợ và tác động khủng khiếp của chấn thương tâm lý mà những đứa trẻ phải chịu lên tương lai của chúng, thì đây là cuốn sách lý tưởng cho bạn.

Đọc thêm:


Điều thú vị trong cách kể truyện

Điểm nhìn được đặt ở nhân vật phụ

Bạch Dạ Hành có cách kể chuyện khá thú vị, đó là toàn bộ đều được kể thông qua điểm nhìn của các tuyến nhân vật phụ. Quãng thời gian 20 năm được chia ra thành nhiều giai đoạn nhỏ, mỗi giai đoạn sẽ kể một câu chuyện riêng, có các tuyến nhân vật phụ riêng, và người đọc sẽ được quan sát những gì xảy ra qua điểm nhìn của nhân vật phụ ấy. 
Việc đặt điểm nhìn ở các nhân vật phụ làm người đọc tiếp cận nhân vật chính với một cái nhìn không khách quan, mà phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ và các tương tác của nhân vật điểm nhìn lên nhân vật chính. Sẽ có lúc ta thấy Yukiho và Ryoji rất đáng thương và bất lực trước số phận, nhưng cũng có lúc họ hiện lên thật đáng ghét, nhẫn tâm. Điều này khiến người đọc cảm thấy luôn có một màn sương mơ hồ phủ lên hai người. Trải qua từng mẩu chuyện, từng tuyến nhân vật phụ xuất hiện rồi lại biến mất, người đọc sẽ trải qua rất nhiều góc nhìn khác nhau, mỗi góc nhìn, dù tích cực hay tiêu cực cũng sẽ để lại những mảnh ghép giúp xây dựng bức tranh toàn cảnh về tâm lý và thế giới quan của hai nhân vật chính. Và với mỗi mảnh ghép được thêm vào, ta lại phải tự hỏi rằng: Liệu họ có tốt đẹp đúng như vẻ bề ngoài, hay tất cả chỉ là vỏ bọc cho sự biến chất và méo mó từ bên trong? Liệu sự lương thiện trong mỗi con người sẽ chiến thắng, hay những chấn thương tâm lý ấy sẽ đè bẹp lên tâm hồn non nớt của những đứa trẻ và biến chúng thành những người quỷ quyệt, xấu xa? 
Thêm nữa, cũng vì sự giới hạn bởi góc nhìn, người đọc không biết những gì đang thực sự xảy ra giữa hai nhân vật chính. Chúng ta biết họ có kết nối với nhau, nhưng không biết họ gặp nhau như thế nào, tương tác với nhau ra làm sao. Và khi mọi chuyện xảy ra, người đọc sẽ phải tự mường tượng ra những cuộc gặp gỡ ấy. Một lần nữa, tất cả lại bị bao phủ bởi một màn sương mờ, nhưng khác ở chỗ, nếu tính cách và bản chất của hai nhân vật chính được bộc lộ ở phía cuối truyện, thì những tương tác và hành động của họ sẽ mãi là ẩn số đối với độc giả. Ta có thể đoán ra những gì Yukiho và Ryoji đã làm, nhưng không bao giờ biết được nó chính xác diễn ra như thế nào, hay những gì ta nghĩ có đúng hay không. Điều này khiến độc giả phải đọc đi đọc lại để tìm ra những manh mối củng cố suy nghĩ của mình, bởi một chi tiết ẩn, một câu nói vu vơ, một hành động bất chợt lại là lời giải cho những bí ấn của cuốn truyện. Nó biến trải nghiệm đọc lại của mỗi người trở nên cực kỳ thú vị. Ví dụ cho những bạn đã đọc xong rồi, hãy chú ý khi lần đầu tiên viên thanh tra vào phòng của Ryoji, ông đã nhìn thấy gì? Có thể lần đọc đầu tiên bạn sẽ bỏ qua, và lần đọc thứ hai (nếu có) cũng vậy. Nhưng đây là một chi tiết khá hay mà mình đọc được từ một bình luận trên goodreads, và nó là câu trả lời cho một chi tiết mà khi đến kết thúc truyện vẫn không có lời giải. 

Hai tuyến nhân vật song song và chia thành nhiều giai đoạn

Bạch Dạ Hành được kể theo hai tuyến truyện riêng biệt, một của Yukiho và một của Ryoji, và hai tuyến truyện này hoàn toàn không giao nhau. Nói cách khác, Yukiho và Ryoji không gặp nhau trong cả câu chuyện. Điều này rất thú vị bởi khi đọc đến tuyến truyện của Yukiho, người đọc cần phải đoán xem trong thời gian đó Ryoji đã và đang làm gì, điều tương tự cũng xảy ra với Ryoji. 
Không chỉ tách riêng các tuyến truyện cho từng nhân vật chính, mỗi tuyến truyện lại được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau ứng với các mốc thời gian riêng biệt. Vì thế, dù câu truyện diễn ra 20 năm liên tục, với rất nhiêu nhân vật phụ, rất nhiều điểm nhìn khác nhau, nhưng người đọc không bị rối khi phải nhớ quá nhiều nhân vật, bởi các nhân vật này hầu như không xuất hiện lại khi chuyển sang một giai đoạn mới. Ngoài ra, các giai đoạn sẽ không dài nên người đọc không thấy nhàm chán, mạch truyện cũng không bị trùng xuống quá nhiều. 
Tất nhiên, Bạch Dạ Hành vẫn là một cuốn sách dày và khá tốn thời gian đề đọc hết. Nhưng mình cảm thấy điều này là cần thiết để người đọc hiểu và hòa mình vào câu chuyện. Theo dõi sự phát triển của Yukiho và Ryoji trong 20 năm, từ hai đứa trẻ 11 tuổi bị mất người thân, trở thành học sinh trung học, rồi trưởng thành và kết hôn, thật dễ để người đọc thực sự quan tâm đến các nhân vật. Chỉ có như vậy chúng ta mới cảm nhận được một cách sâu sắc những tác động mà chấn thương tâm lý để lại trên mỗi người, đặc biệt là những đứa trẻ.

___________________________________________________________________________
Spoiler Alert
Bắt đầu từ đây, mình sẽ spoil cực mạnh nội dung Bạch Dạ Hành, hy vọng  phần trên đã thành công giúp bạn có hứng thú và đọc hết cuốn truyện.

___________________________________________________________________________

Cảm nghĩ về hai nhân vật chính trong Bạch Dạ Hành

Câu chuyện được kể trong Bạch Dạ Hành dễ đồng cảm vì nó viết về một vấn đề rất được quan tâm hiện này, đó là ấu dâm, và vụ án đề cập trong truyện chỉ là hệ quả của một chuỗi sự kiện liên quan đến vấn đề này. Vì lẽ đó, toàn bộ câu chuyện không tập trung vào việc phá giải vụ án, mà chủ yếu viết về cuộc sống và cách đối mặt với thế giới của những đứa trẻ sau sự kiện ấy. Liệu những đứa trẻ có thể vượt qua được bóng đen đã che phủ tuổi thơ chúng, hay sẽ để bóng đen nhấn chìm, và cuộc đời chúng trở thành một màn đêm vĩnh cửu? 
Thật tiếc là trong Bạch Dạ Hành, Yukiho và Ryoji đã chịu thua và để bóng tối nhấn chìm cuộc đời mình. 

Nhân vật Yukiho

Yukiho chiếm được thiện cảm của mình ngay từ lần đầu tiên xuất hiện. Đó là bé gái có gia cảnh không mấy khá giả, cặm cụi đọc sách khi hai thanh tra cảnh sát đến lấy lời khai về vụ án mà mẹ của Yukiho là tình nghi số một. Đó cũng là bé gái mặt tái xanh khi chứng kiến mẹ mình chết vì ngộ độc khí gas ngay trước mắt. Rồi đứa bé ấy lớn lên, trở thành một học sinh chăm chỉ, giỏi giang và nổi tiếng nhất trường, mình đã nghĩ Bạch Dạ Hành sẽ đi theo một mô típ quen thuộc, rằng Yukiho sẽ làm một thanh tra hay đại loại thế, và tìm ra lời giải thỏa đáng cho vụ án năm nào. Nhưng thay vào đó, tác giả đã lựa chọn kể câu chuyện theo hướng đen tối hơn. Sau vụ án, hay đúng hơn là sau quãng thời gian dài bị lạm dụng khi chỉ mới 11 tuổi, Yukiho đã trở nên sợ hãi quá khứ, và làm đủ mọi cách cho dù có ác độc và hèn hạ đi chăng nữa, chỉ để thoát khỏi sự nghèo khổ, thứ đã dẫn đến những bi kịch thời thơ ấu của cô. 
Bởi có thiện cảm với Yukiho từ trước, nên khi cú twist ở giữa truyện xảy ra, mình đã nghĩ đây chỉ là một "cú lừa" của tác giả, rằng tất cả chỉ là sự setup cho một bước ngoặt ở cuối truyện và đứa trẻ có quá khứ đen tối ấy sẽ vượt qua nghịch cảnh, vượt qua định kiến và tìm ra chân tướng vụ án năm nào. Nhưng càng đọc về cuối, thứ nhân cách vặn vẹo, méo mó của Yukiho dần bộc lộ, khi cô phản bội và hủy hoại người bạn thân nhất của mình, khi cô tự tay rút ống thở người mẹ nuôi đã cưu mang và giúp cô thoát khỏi cái quá khứ nghèo túng mà cô luôn sợ hãi, thì tất cả các viễn cảnh về một cái kết có hậu của mình đã sụp đổ. Tất cả những thiện cảm của mình đối với Yukiho chuyển thành sự kinh tởm và giận dữ, kinh tởm vì những việc cô đã làm, giận dữ vì mình đã bị lừa ngay từ đầu truyện. Nhưng bên cạnh đó còn là một cảm giác buồn bã. Một đứa trẻ phải trải qua những tổn thương tâm lý khủng khiếp như thế nào để trở nên biến chất, méo mó và độc ác đến vậy? Trong những cơn ác mộng, nó mơ thấy những gì? Và những ác mộng ấy sẽ đeo bám, ám ảnh nó đến tận khi nào nữa? Mình không xót thương cho Yukiho, mà xót thương cho một đứa bé, một linh hồn đã chết bởi những tàn bạo, thú tính và nhẫn tâm của những ác quỷ đội lốt người - những kẻ sẵn sàng hủy hoại tương lai của đứa trẻ để thỏa mãn dục vọng nhất thời của bản thân, những kẻ sẵn sàng bán con mình để thoát khỏi cảnh nghèo túng.
Mình nghĩ nhân vật Yukiho là một nhật vật thực sự hay và để lại ấn tượng trong rất nhiều người, mặc dù đó là một ấn tượng rất xấu. Yukiho có một vẻ ngoài hoàn mỹ và luôn hành xử một cách lễ độ, mực thước trước mặt tất cả mọi người. Không những thế, cô luôn thành công, nổi bật trong bất cứ lĩnh vực nào mình tham gia. Một đứa trẻ có quá khứ đen tối, nhưng có thể vượt lên nghịch cảnh, chạm đến thành công, đây chẳng phải một hình mẫu lý tưởng đáng để mọi người noi theo hay sao? Nhưng đằng sau sự thành công ấy là những thủ đoạn ác độc và sự phản bội. Nó được ngụy trang khéo léo đến mức không một ai bên cạnh cô nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào, cho đến khi vị thanh tra, người đã theo đuổi vụ án 20 năm xuất hiện. Quá khứ bị lạm dụng cùng với những hành động kinh tởm, đáng lên án đã khiến Yukihi trở thành một nhân vật khó đánh giá, vừa đáng thương, vừa đáng ghét. Cuối cùng, khi đã có tất cả mọi thứ, được nhiều người ngưỡng mộ, cuộc sống của cô vẫn chìm trong bóng đen vĩnh cửu, ngay cả ánh sáng cuối cùng trong cuộc đời cô là Ryoji cũng đã bỏ cô đi mất rồi. Cá bống trắng không có tôm pháo, liệu có tồn tại được không?

Nhân vật Ryoji

Khác với Yukiho, Ryoji được sinh ra trong một gia đình khá giả, thậm chí là giàu có, nhưng cậu lại không hề hạnh phúc. Mẹ cậu đã ngoại tình ngay trong chính căn nhà, thậm chí là ngay trước mặt cậu, bà ngang nhiên nhốt cậu trong phòng để có thể vui thú với người đàn ông khác. Bố cậu là một gã ái nhi, dùng tiền để thỏa mãn những ham muốn bệnh hoạn của bản thân, và đáng buồn thay, nạn nhân lại chính là bạn thân của cậu. Trải qua tất cả những chuyện đó lúc 11 tuổi, không ngạc nhiên khi nó trở thành một vết thương tâm lý, khiến cậu trở nên căm ghét gia đình, chống đối xã hội. Cuối cùng, để giải thoát cho người bạn kia, Ryoji đã tự tay sát hại bố mình...
Ban đầu mình không rõ lý do tại sao cậu lại dành cả đời để bảo vệ Yukiho, nhưng rồi sau khi đặt mình vào hoàn cảnh của Ryoji, mình đã hiểu động cơ đằng sau quyết định đó. Trưởng thành trong một môi trường đầy độc hại, Ryoji căm ghét và kinh tởm chính gia đình mình. Cậu chỉ có một người bạn là Yukiho, cho cậu những phút giây thoát ra khỏi gia đình ấy. Và khi chứng kiến bố mình sắp làm hại người bạn thân nhất, cậu đã quyết định giải cứu Yukiho, cũng là giải cứu cho cuộc sống của chính mình. Dành cả đời bảo vệ Yukiho, một phần Ryoji muốn chuộc lỗi mà cha cậu gây ra, nhưng phần hơn là cậu muốn giữ lại người cuối cùng có ý nghĩa đối với cậu. 

Khi đã hiểu mục đích của Yukiho và Ryoji, phân đoạn gần cuối, lúc hai người bày mưu hãm hại con riêng của chồng Yukiho, mình thực sự đã chìm trong một hỗn hợp cảm xúc xen lẫn giữa buồn và phẫn nộ. Để đạt được mục đích, hai người họ lại trở thành chính những người mà họ đã từng căm ghét nhất. Yukiho trở nên giống mẹ của cô, người mà để thoát khỏi cảnh nghèo, đã cam tâm hãm hại một đứa bé chưa tới 18 tuổi. Ryoji trở nên giống bố của anh, thực hiện những hành vi bệnh hoạn mà lão đã làm 20 năm trước. Suy cho cùng, cả Yukiho và Ryoji không bao giờ thoát khỏi cái bóng đen đã đè nặng lên tuổi ấu thơ của mình.
___________________________________________________________
Đọc xong Bạch Dạ Hành, thực sự là mình không còn nhớ quá nhiều những chi tiết, sự việc diễn ra trong cuốn sách, mà thứ đọng lại trong mình là cảm giác đau đớn, xót xa cho số phận của hai đứa trẻ trong chuyện. Chúng đáng trách, đáng ghét nhưng cũng thật đáng thương. Và mình nghĩ, mục tiêu của Keigo khi viết Bạch Dạ Hành cũng là để độc giả cảm nhận nỗi đau mà Yukiho và Ryoji phải chịu, từ đó giúp mọi người có trách nhiệm hơn đối với các vấn đề về quyền trẻ em. Bởi bản chất con người là tốt đẹp, và kẻ ác không thể tự xấu đi mà chỉ là được gieo mầm từ sự xấu xa của chính con người.
Đọc thêm: