Hình ảnh sách
Hình ảnh sách
Bạn từng cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng khi đối mặt với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống phải không? Tất cả chúng ta đều trải qua những khoảnh khắc như vậy. Nhưng thay vì để nghịch cảnh đánh bại, điều quan trọng là phải tìm ra cách để vượt qua và chấp nhận những điều không thể thay đổi. 
Trong cuốn sách "Thực Hành Khắc Kỷ", giáo sư triết học William B. Irvine đã phân tích những nguyên tắc then chốt của chủ nghĩa khắc kỷ kết hợp với một vài hiệu ứng tâm lý để xây dựng nên những bài tập, chiến lược giúp bạn đối mặt và vượt qua những thử thách trong đời sống hàng ngày.
Cuốn sách đã nhận được nhiều đánh giá tích cực với số điểm 4.4/5 trên Amazon về tính ứng dụng thực tế. Mặc dù đây không phải là tác phẩm xuất sắc nhất về chủ đề khắc kỷ, nhưng cuốn sách vẫn khá thiết thực và dễ tiếp cận.

Đôi nét về tác giả

Internet
Internet
William B Irvine là giáo sư triết học tại Đại học bang Wright tại Dayton, OhiO. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ Russell, mối quan tâm của giáo sư đã chuyển từ chủ đề “triết học thuần túy” sang những chủ đề triết học gần gũi với đối tượng độc giả phổ thông như vấn đề về đạo đức trong tài chính, khía cạnh đạo đức, chính trị trong nuôi dạy con cái.
Các đầu sách ông viết được xuất bản ở Việt Nam bao gồm: Chủ nghĩa khắc kỷ, Thực hành khắc kỷ, Bàn về ham muốn. Ông cũng đã viết cho Huffington Post , Salon , Time và BBC. 
Hiện tại William B Irvine đang sinh sống ở Dayton, Ohio.

Nội dung cuốn sách:

Cuốn sách được chia làm 4 phần.
Phần 1 tác giả bàn về những trở ngại, vấn đề về sự giận dữ, những câu chuyện kể về các nhân vật chuyển hóa bi kịch thành cơ hội phát triển. Ở phần 2, William B.Irvine lý giải cách tâm trí con người vận hành, trong đó phân tích mối tương quan giữa các phương pháp khắc kỷ và hai hiệu ứng tâm lý “thả neo”, “đóng khung”. Phần 3, là phần hướng dẫn sử dụng chiến lược khắc kỷ. Phần cuối cùng - phần 4 mang tính trải nghiệm thực tế, tác giả bàn nhiều về tầm quan trọng của việc rèn luyện bền bỉ, đón nhận “thất bại” như bài học quý giá, khuyến khích bạn đọc suy ngẫm về cái chết để biết sống sao cho trọn vẹn. 
B. Irvine mở đầu cuốn sách bằng đoạn mô tả về cơn ác mộng chậm trễ máy bay. Về cơ bản, tất cả hành khách đều cảm thấy khó chịu đối với sự cố không mong muốn này, William B. Irvine cũng không ngoại lệ. Nhưng mắn may, trước khi kịp thốt ra những lời phàn nàn, lời dạy các nhà khắc kỷ đã văng vẳng trong đầu ông:
“Chúng ta không thể kiểm soát những gì xảy ra với mình nhưng chúng ta có thể kiểm soát cách bản thân phản ứng với chúng”
Kiểm soát phản ứng bản thân trước sự cố máy bay chậm trễ, B. Irvine thấy tâm hồn bình an và nhẹ nhõm, ông  biết ơn vì đã không tự làm khổ bản thân bằng những cảm xúc nóng giận như bao hành khách trên chuyến bay hôm ấy.
Internet
Internet
Phải nói rằng trong cuộc sống, trở ngại là một phần không thể tách rời. Những điều tươi đẹp vừa mới xảy ra thì rất có thể mọi thứ đã bị bủa vây bởi những sự cố xui xẻo bất ngờ ập tới. Những trục trặc có thể ở bất cứ đâu, ở chỗ làm, trong nhà, ngoài đường, trên chuyến du lịch với bản kế hoạch hoàn hảo.
Một ý tưởng rất hay trong cuốn sách là khi đối diện với tình huống khó khăn. Để giảm bớt sự tổn thất tinh thần, hãy thực tập coi mỗi trở ngại là bài kiểm tra tinh thần được các vị thần Khắc Kỷ gửi xuống thử thách trí tuệ của bạn. 
Suy nghĩ như vậy sẽ giúp bạn giảm bớt sự kháng cự của tâm trí, có thêm nguồn động lực vượt qua những chuyện bất như ý.
Tuy nhiên, nói thì có vẻ dễ hơn thực hành rất nhiều. Lý thuyết suông chỉ là bước đầu, quan trọng hơn là bạn phải có những bài tập cụ thể, luyện tập thường xuyên để nó thực sự trở thành thói quen và phản ứng tự nhiên của bản thân.
Chỉ khi thực hành liên tục, sự chuyển hóa mới thực sự diễn ra.
Trong chương 2 và chương 3, tác giả William B.B. Irvin giải thích tác động từ hiệu ứng tâm lý lên tâm trí từ đó đề xuất một vài chiến lược cụ thể.
Hai phương pháp thực hành khắc kỷ đề xuất “tượng tượng tiêu cực” kết hợp với “hiệu ứng neo đậu” và “thay đổi góc nhìn” kết hợp “hiệu ứng đóng khung”. 

Hiệu ứng mỏ neo và bài tập tưởng tượng tiêu cực

Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ cổ đại đã đi trước các nhà tâm lý học hiện đại từ rất sớm. Họ sử dụng hiệu ứng mỏ neo để có một cuộc sống trọn vẹn hơn. 
Hiện tượng mỏ neo (anchoring effect) trong tâm lý học là một hiện tượng mà con người đưa ra các đánh giá, quyết định dựa trên một giá trị, điểm tham chiếu ban đầu, thay vì dựa trên thông tin đầy đủ.
Ví dụ dễ hiểu nhất cho hiện tượng mỏ neo là trong quá trình mua sắm. Bạn có nhớ lần gần nhất bạn mua chiếc áo với bảng giá (40$ giảm 20% còn 32$). Mua được chiếc áo, trong lòng bạn thầm mừng đã mua được hàng giảm giá. Tâm lý chung của con người là thích hàng giảm giá, chúng ta nghĩ mình thông minh hơn các nhà kinh doanh. Nhưng thực tế, bạn đã mắc bẫy thả neo tâm trí (nghĩ chiếc áo là hàng giảm giá). Sự thật là, giá bán chính thức chiến áo cũng là 32$. Các nhà kinh doanh khéo léo ứng dụng hiệu ứng tâm lý thả neo trong các chương trình bán hàng.
Phương pháp “Tưởng tượng tiêu cực” của Chủ nghĩa khắc kỷ cũng có cơ sở tương tự hiệu ứng thả neo
"Tưởng tượng tiêu cực" có nghĩa là bạn sẽ thỉnh thoảng hình dung trong đầu những tình huống khó khăn, tồi tệ hơn so với hoàn cảnh hiện tại của mình. Việc tưởng tượng tiêu cực sẽ giúp bạn học cách biết ơn, trân trọng những gì mình đang có, thay vì cứ mãi đắm chìm trong những cảm xúc tiêu cực, những ham muốn vô vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ví dụ, nếu bạn luôn cảm thấy phiền lòng vì đang sống trong một ngôi nhà nhỏ hẹp, trong khi bạn bè xung quanh đều có những ngôi nhà rộng lớn, sang trọng hơn, hãy thử tưởng tượng xem bạn sẽ phải sống ra sao nếu không có được ngay cả một mái nhà nhỏ để trú chân. Hãy nghĩ về cảnh mình phải lang thang ngoài đường, vật lộn với mưa gió, không nơi nương tựa. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy vô cùng biết ơn với ngôi nhà bé nhỏ mà bạn đang sở hữu.
Hoặc nếu bạn thường xuyên phàn nàn về những bữa ăn nhàm chán lặp lại mỗi ngày, hãy tưởng tượng xem bạn sẽ phải làm gì nếu chỉ được ăn cơm với nước mắm mãi mãi. Lúc đó, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rằng, những món ăn quen thuộc bây giờ, dù có đơn điệu đến đâu, cũng là một điều may mắn lắm rồi.
Bằng cách suy nghĩ mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn so với hiện tại, bạn sẽ ghim một tiềm thức một chiếc neo biết đủ. Biết đủ thì tự động bạn sẽ thấy hạnh phúc và thỏa mãn với những gì đang có.

2. Trò chơi đóng khung và thay đổi góc nhìn

Hiệu ứng đóng khung là cách bạn lý giải một tình huống sẽ tác động sâu sắc đến cách bạn phản ứng lại nó về mặt cảm xúc.
Như đã đề cập, bằng cách lý giải các sự kiện thất bại, khó khăn, trở ngại là bài kiểm tra tính cách bạn có thể thay đổi phản ứng cảm xúc của mình đối với tình huống, phát triển khả năng làm chủ bản thân.
Lúc này hiệu ứng đóng khung hiểu đơn giản là việc bạn tạo chiếc khung theo cách nhìn nhận riêng bạn đối với tất cả sự kiện.
Câu chuyện tác giả kể về cô bé Bethany Hamilton sẽ cho bạn thấy sức mạnh việc đóng khung. Sáng sớm ngày 31 tháng mười năm 2003, Bethany Hamilton cùng người bạn thân, cha và anh trai lướt sóng ngoài bờ biển Kauai. Trong khi đang giữ mình thư thả trên mũi ván, tay trái đung đưa trong làn nước mát lạnh. Bất ngờ cá mập tấn công cắn đứt cánh tay cô bé. Với sự giúp đỡ những người cùng lướt ván cô bé được đưa đến bệnh viện. Khi đến nơi, cô bé mất 60% máu và cận kề cái chết. May mắn Hamilton được cứu sống, nhưng cô bé chỉ còn một cánh tay phải. Với một người có ước mơ trở thành một vận động viên lướt sóng chuyên nghiệp, chuyện mất đi một cánh tay chắc chắn là một cú sốc rất lớn. Lúc này Bethany Hamilton không thể thay đổi sự mất mát, nhưng rõ ràng cô bé tự do trong suy nghĩ.
Trường hợp đầu tiên, cô bé có thể mắc kẹt trong trạng thái đau buồn, tủi thân, than thân trách phận, giá như không ra biển hôm đó, giá như không mất đi cánh tay, coi việc xảy đến là điều bất hạnh, sau sự kiện này có thể Hamilton từ bỏ ước mơ cô bé ngày nào.
Tuy nhiên Bethany Hamilton đã không làm như vậy, cô bé rất mạnh mẽ, dưới sự gợi ý từ bác sĩ điều trị, Hamilton bắt đầu suy nghĩ về những trở ngại cô bé cần vượt qua từ sinh hoạt cơ bản nhất. Nằm ngoài dự đoán, sau 2 năm của vụ bị tấn công Hamilton đã giành chức cúp vô định hiệp hội lướt sóng bài bản Quốc Gia. Cô bé cũng trở thành vận động viên lướt sóng chuyên nghiệp.
Chiếc khung Bethany Hamilton tự tạo ra cho mình là chấp nhận và vượt qua hoàn cảnh. Góc nhìn can đảm giúp cô bé chuyển hóa nghịch cảnh trở thành cơ hội nhìn thấy sức mạnh nội tại.
Bethany Hamilton khi đã trưởng thành
Bethany Hamilton khi đã trưởng thành
Tương tự, tùy vào cách lý giải của mỗi cá nhân về một sự kiện sẽ quyết định hành động của người đó là thụt lùi hay tạo nên bước đột phát triển. Dù mọi chuyện không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng chỉ thay đổi một ý niệm, bánh xe số phận sẽ dịch chuyển về những hướng khác nhau.
Trong sách, tác giả trình bày 6 loại khung : khung nghĩa vụ cạnh tranh, khung thiếu năng lực, khung kể chuyện, khung hài hước, khung trò chơi, khung kiếm tra khắc kỷ. 
Viết tất cả sẽ rất dài, vì vậy  mình sẽ chọn mô tả cơ bản về 2 loại khung mình thấy ý nghĩa nhất. 
- Khung hài hước: Khung hài hước khuyến nghị bạn đáp lại sự buồn bực bằng một nụ cười. Có nghĩa là khi ai đó đối xử không tốt với bạn, hãy ghi nhớ lời nhận xét của Seneca: “Tiếng cười, thật nhiều tiếng cười, là phản ứng đối với những gì chúng ta rơi lệ”. Nó không phải là kiểu cười hô hố, mà là nụ cười duyên dáng, chẳng hạn có kẻ cố tình lăng mạ bạn, thay vì phản ứng dữ dội, bạn hãy đáp trả đối phương bằng một nụ cười, sau đó lặng lẽ bỏ đi. Chắc chắn khi ấy kẻ lăng mạ sẽ tự cảm thấy ê chề.
- Khung trò chơi: Bằng cách coi thất bại là một phần của trò chơi, bạn có thể giảm đáng kể tác động về mặt cảm xúc lên sự kiện phải đối mặt. Đọc đến đoạn này mình chợt liên tưởng đến câu nói “Just relax, don't be too serious”. Chẳng hạn như bị ai đó từ chối tình cảm, đừng nghĩ hành động đó quyết định việc bạn mãi mãi không được yêu. Sau này, sẽ có một ai đó nhận ra vẻ đẹp của bạn và yêu bạn bằng cả trái tim. Với nhiều điều trong cuộc sống (bao gồm, thi trượt, phạm sai lầm) khôn ngoan là hãy coi đó là một bài kiểm tra, chứ đừng coi đó dấu chấm kết thúc cuộc đời.
Ở chương ba và chương bốn, bạn sẽ hiểu nhiều hơn về tinh thần của chủ nghĩa khắc kỷ với những lời chia sẻ về tư duy khi đối diện với nghịch cảnh,  gia tăng sức mạnh nội tại, thực hành chiêm nghiệm về cái chết để hiểu hơn về cách sống.
Có một ý tưởng mình rất thích phần cuối, ý tưởng đó là việc nên tự nguyện đưa bản thân vào những trải nghiệm “kham khổ” để nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống và gia tăng sức chịu đựng với nghịch cảnh.
Ví dụ bạn có luyện tập tắm tắm nước lạnh vào mỗi buổi sáng có thể giúp tăng cường khả năng chịu đựng và thích ứng của cơ thể. 
Hay khi trời chuyển lạnh, hãy thử mặc quần áo mỏng. Nếu nhiệt độ bắt đầu giảm, đừng vội mặc thêm áo ấm, bạn hãy cố gắng chịu đựng với lớp quần áo mỏng hơn trong một thời gian. Thực hành đều đặn, bạn sẽ thấy sự thay đổi, trong khi mọi người không ngừng than thở về tiết trời lạnh thì bạn có thể ung dung bước ngoài trời với chiếc thun ngắn tay và hít thở đều đặn với nụ cười sảng khoái.
Hoặc cách để tìm lại khả năng cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống, chẳng hạn như ăn gì cũng không thấy ngon, cách cải thiện không phải tìm thêm nhiều món ngon mà là hãy nhịn ăn một hai ngày hoặc hãy ăn đạm bạc trong khoảng thời gian. Thực hành như vậy, sau này ăn trở lại mấy món đầy đủ gia vị, bạn sẽ cảm nhận được hương vị tuyệt vời của nó. 
Cũng giống như việc ăn kem cả tháng, bạn sẽ không thấy ngon lắm đâu, nhưng hãy nhịn nguyên tháng, ăn một lần, bạn sẽ thấy vị kem một ấy quả thực rất tuyệt vời.

Kết luận

“Cuộc sống đầy những thử thách, nhưng phản ứng của chúng ta trước những thử thách đó mới thực sự xác định con người chúng ta.”
William B. Irvine, The Stoic Challenge
Tổng kết, "Thực hành khắc kỷ" bao gồm nhiều chiến lược giúp rèn luyện tinh thần, giúp bạn học cách vượt qua những trở ngại trong cuộc sống.
Đây là cuốn sách rất phù hợp với những ai mới tiếp cận triết lý khắc kỷ, muốn hiểu hơn về cách áp dụng các nguyên tắc thực hành khắc kỷ áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, nếu mục tiêu của bạn là tìm hiểu sâu về chủ nghĩa khắc kỷ thì theo mình bạn không nên lựa chọn cuốn sách này nhé.
Nhìn chung lại, "Thực hành khắc kỷ" là một cuốn sách nên tham khảo để có thêm góc nhìn thú vị về một triết lý sống có tính ứng dụng thực tế cao.