Higashino Keigo - điều kỳ diệu của văn học hiện đại Nhật Bản
Sơ lược về một trong các trụ cột của văn học Nhật bản hiện đại - Higashino Keigo
Tác giả thứ ba trong series này là người (có lẽ) đang nắm giữ lượng fan đông đảo nhất tại Việt Nam trong số các nhân vật quan trọng của văn học hiện đại Nhật Bản.
Sinh ra ở Osaka, sau khi tốt nghiệp đại học bằng cử nhân kỹ thuật ngành điện, ông vừa làm công việc kỹ sư ở DENSO vừa viết tiểu thuyết. Sau khi đoạt giải Edogawa Rampo với “Giờ tan học”, ông quyết định dừng việc ở nhà máy rồi chuyên tâm với công việc tiểu thuyết gia toàn thời gian của mình.
Có thể Keigo không có bố là triết gia như Banana Yoshimoto nhưng ông là bậc thầy miêu tả tâm lý, không có tài năng thiết kế ra các thế giới song song ẩn dụ cho nội tâm con người như Murakami Haruki nhưng ông có khả năng xếp hình hảo hạng - tạo ra các câu chuyện đơn lẻ tưởng như chẳng liên quan gì rồi ráp lại với nhau.
Nếu như bạn ngồi cả tháng cũng không hiểu nổi các thế giới của Murakami thì ở Keigo, ông chỉ cần bạn đừng “drop” sách giữa chừng để thấy phép màu ở cuối mỗi tác phẩm.
Một số điểm mạnh khác giúp cho các tác phẩm của ông tiếp cận đại chúng rất tốt có thể kể đến như: viết đa thể loại (trinh thám, tâm lý-xã hội chiếm phần lớn, kỳ ảo, gia đình), ông thường đề cập đến những vấn đề “đáng lẽ ra” cần được xã hội quan tâm, lồng ghép kiến thức về xã hội - công nghệ, sự bao phủ của Chủ nghĩa Nhân văn - một cứu cánh khác bên cạnh Chủ nghĩa hiện sinh cho tâm trí của con người hiện đại. Và trên hết, điểm đáng sợ nhất ở Keigo là ông có tài tạo ra những câu hỏi mà bạn sẽ không có câu trả lời, những câu hỏi gây ám ảnh.
Hãy bắt đầu với chức danh được đề cập trong phần giới thiệu tác giả ở các bìa sách và trên Wiki của ông - một tiểu thuyết gia trinh thám.
Nếu như bạn muốn đọc các tác phẩm thuần trinh thám nhất của Keigo (tức là chú trọng motif cổ điển - án mạng/ động cơ/ hung thủ/ điều tra) thì bạn có thể tìm hiểu hai series sau.
Galileo Series - xoay quanh Yukawa Manabu, một thiên tài vật lý, là phó giáo sư ở một trường đại học. Nhân vật được xây dựng theo kiểu hình thiên tài - lập dị, nhưng rất có tình người, Yukawa chỉ giúp phía cảnh sát phá án chỉ khi anh thấy bị thách thức hoặc “có hứng thú” với vụ án.
Tác phẩm cộm cán nhất trong series này là Phía sau nghi can X (ra mắt năm 2006). Đã nhận về rất nhiều giải thưởng, được dịch sang nhiều thứ tiếng và được chuyển thể thành phim ở cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc,... Nó đặc biệt bởi vì tình tiết và nội dung có phần đột phá rất nhiều so với trinh thám truyền thống. Keigo sẽ cho bạn toàn bộ chi tiết của vụ án ngay từ đầu nên người đọc không cần bận tâm đến việc tìm ra hung thủ, thay vào đó nghi can X đặc biệt ở cách che đậy vụ án, về cả vật chất lẫn tinh thần cho người đã gây ra án mạng, tạo ra một vòng xoáy cuốn cả suy nghĩ của cảnh sát và độc giả vào, rồi chơi đùa với những tâm trí đó.
Một tác phẩm khác cùng series này có phương thức gây án cực kỳ điên rồ là Sự cứu rỗi của thánh nữ, đúng như phát ngôn Keigo từng nói trong một số ít lần ông xuất hiện trước giới báo chí trước đây,
"Tôi muốn mọi người phải ngạc nhiên vì các ý tưởng của mình".
Trong Sự cứu rỗi của thánh nữ, Keigo đã tạo ra một phương thức gây án mà “trên thực tế hoàn toàn không thể thực hiện được”.
Quyển thuần thinh thám thứ ba của ông nằm ở series về thanh tra Kaga, có nhan đề là Ác Ý. Nếu ở Nghi can X ông đã cố tạo ra phương thức che đậy hoàn hảo, ở Thánh nữ ông cố tạo ra phương thức gây án hoàn hảo, thì ở Ác Ý, Keigo đã cố tạo ra một động cơ hoàn hảo. Là một câu chuyện do hung thủ dựng lên để khiến cho người khác cảm thấy đồng cảm, cảm thấy việc làm của hắn là hợp lý thay vì loay hoay cố tìm cách chối tội, cùng với đó ông cho người đọc thấy cách mà Ác Ý (hay dã tâm) hình thành trong mỗi con người, trường hợp này là sai lầm trong cách nuôi dạy con trẻ khi còn nhỏ.
Các tác phẩm khác thuộc hai series này như Phương trình hạ chí hay Ma thuật bị cấm vẫn có yếu tố trinh thám nhưng tâm lý - xã hội được đặt nặng hơn, và hầu hết các tác phẩm khác của Keigo cũng theo cách chia thị phần này: dựa trên nền tảng trinh thám nhưng thật ra nặng về tâm lý - xã hội, cùng lúc nêu ra một vấn đề xã hội cần được quan tâm.
Như trong Bạch Dạ Hành, người đọc có thể lờ mờ đoán được hung thủ sau các chương đầu tiên, nhưng hai yếu tố chính khiến cho Bạch Dạ Hành là một trong các tiểu thuyết gây ám ảnh nhất của ông là nạn ấu dâm và tác động tâm lý của nó lên thế giới quan của những đứa trẻ lớn lên từ các tổn thương kép. Nếu bạn đã đọc và cảm thấy Bạch Dạ Hành không có một chút sức nặng nào, nhiều khả năng là vì bạn đang coi hai yếu tố này độc lập với nhau."
Thế giới quan của hai nhân vật chính - Ryoji và Yukiho - bị phá hủy hoàn toàn sau sự kiện then chốt của vụ án mà không còn có thể sửa chữa. Từ hai đứa trẻ có tình cảm với nhau, bản thân Yukiho lựa chọn biến thành ma nữ có hào quang chói lọi nhất vì cô biết thiên đường không hề tồn tại, cô sẽ tìm cách cướp tất cả mọi thứ mình muốn hay nghĩ rằng mình "xứng đáng" có được.
Còn Ryoji mãi mãi cảm thấy có tội với cô vì đã sinh ra là con trai của ác quỷ, cách duy nhất để cậu có thể chuộc lại lỗi lầm đó là phải sống, và trở thành hoặc thực hiện bất cứ chuyện gì mà Yukiho cần. Giống như cá bống trắng và tôm pháo, đây là cách duy nhất để hai nhân vật này thể hiện tình cảm với nhau, để cuộc sống của họ có ý nghĩa, để có thể tiếp tục đi dưới "Đêm trắng" của mình.
Hoặc như trong Thánh giá rỗng, điểm quan trọng không phải là yếu tố trinh thám mà ở yếu tố nội tâm. Lại một lần nữa là câu chuyện của hai đứa trẻ, một lần nữa sai lầm ở độ tuổi chưa trưởng thành về mặt tâm lý cùng với việc thờ ơ của người lớn xung quanh đã khiến cho cuộc đời của hai con người thay đổi mãi mãi, Fumiya lựa chọn trở thành bác sĩ khoa nhi để cứu sống những sinh mạng sơ sinh khác, còn cả đời Saori luôn cảm thấy mình bị nhốt trong một căn phòng màu đỏ - màu của máu từ nạn nhân cả hai đã bóp nghẹt đến chết.
Câu hỏi đặt ra trong Bạch Dạ Hành là Ryoji và Yukiho còn có thể có được hạnh phúc không? Làm thế nào để cả hai được đi dưới ánh mặt trời một lần nữa? Thì câu hỏi đặt ra trong Thánh Giá Rỗng là Fumiya và Saori có tội hay không, tử hình là hình phạt cần thiết hay sáo rỗng? Sống để chuộc tội hay chết để chuộc tội mới đúng?
Nếu cảm thấy những câu hỏi ở hai tác phẩm này vẫn còn tương đối có thể trả lời được vì ít nhiều vẫn có thể dựa trên pháp luật hay tâm lý của hung thủ - nạn nhân, thì mời bạn đến với Bí mật của Naoko - một trong các tác phẩm được viết dưới góc nhìn một chiều ở thể loại tâm lý kinh khủng nhất mà mình từng đọc.
Nhân vật chính mất đi vợ của mình trong một tai nạn giao thông, nhưng con gái anh may mắn sống sót. Chuyện kỳ lạ xảy ra khi ý thức của vợ anh được chuyển vào cơ thể của con gái và Hirasuke sống cùng vợ trong cơ thể của con mình. Kể từ đây anh phải một mình chịu đựng tất cả những thay đổi của người mình thương nhất, bao gồm cả những quyết định sống một cuộc đời khác của Naoko - học hành, các mối quan hệ khác, thích, yêu, rồi cuối cùng kết hôn với một người khác.
Khi mà toàn bộ câu chuyện ‘CHỈ’ được kể từ góc nhìn của Hirasuke thì độc giả phải chịu chung tâm lý với anh, mãi mãi không biết con người trong cơ thể còn lại là vợ hay con gái của mình. Giá mà chỉ cần Naoko nói một câu: “Anh Hirasuke cũng hãy sống một cuộc đời mới của mình đi.” hoặc có cách nào khiến anh cho bước tiếp, thì có lẽ tâm lý của độc giả cũng nhẹ nhõm đi đôi phần.
Nhưng khi sách khép lại, người đọc sẽ bị bủa vây bởi liên tiếp các câu hỏi: Cuối cùng đó là Naoko hay con gái anh ở trong cơ thể kia? Naoko làm vậy là đúng hay sai? Hirasuke có phải đã lãng phí cuộc đời thứ hai của mình không, trong khi Naoko được sống, và còn đang hạnh phúc thêm một lần nữa?
Ngôi nhà của người cá say ngủ cũng theo motif này, nặng về tâm lý - tình cảm - gia đình. Nó đặt ra cho độc giả, chính phủ và cả hệ thống y tế của Nhật Bản một câu hỏi cũng gần như không có câu trả lời. Một đứa trẻ bị chết não nhưng vẫn còn thở thì có phải là chết không? Nếu người mẹ vẫn còn cảm nhận con mình đang sống thì có phải là chết không?
Nhưng may mắn hơn khi ở tác phẩm này, Keigo đã tự tay giải tỏa cảm giác nặng nề cho độc giả bằng cách cho hai nhân vật chủ chốt của chúng ta tiếp xúc và tạm biệt nhau lần cuối.
Đó là những dấu hiệu của chủ nghĩa nhân văn, là sau khi gấp sách lại, ít nhiều bạn sẽ cảm thấy yên lòng, cảm thấy có thể đồng cảm được với các nhân vật, cảm thấy họ đã cố gắng hết sức để sống và muốn bản thân mình cũng có thể như vậy để cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Tác phẩm đứng đầu trong danh sách này là Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya, xen kẽ một chút kỳ ảo với khả năng du hành thời gian của những lá thư ở một tiệm tạp hóa là câu chuyện của những người trẻ đang đương đầu với khủng hoảng tâm lý trong cuộc sống, phải vật lộn để tìm được đường đi và ý nghĩa cho từng hành động của mình.
Liệu mình từ bỏ ước mơ của bố thì có đúng hay không?
Mình phải làm sao để báo đáp người đã nuôi dưỡng mình? Họ đang già đi quá nhanh còn bản thân mình chưa có gì cả.
Mình có đáng được sinh ra trên đời này hay không?
Ngoài việc đóng vai là một ông già đi tư vấn tâm lý cho các câu hỏi gặp phải ở hầu hết người trẻ, đây là lúc Keigo thể hiện khả năng sắp xếp hoàn hảo của mình. Các câu chuyện riêng lẻ của “Thỏ ngọc cung trăng”, “Chó nhỏ lạc lối”, “GreenRiver”, hay “Nghệ sĩ hàng cá” và 3 thằng Atsuya, Kohei và Shota cuối cùng tụ họp với nhau dưới một mái nhà đã được ban phước bởi tình yêu của hai con người từ nhiều thập kỷ trước.
Namiya đã đoạt giải thưởng ngay vào năm ra mắt và tương tự như nghi can X, nó đã được dịch sang rất nhiều thứ tiếng và được chuyển thể thành phim ở cả Nhật Bản và Trung quốc. Trở thành tác phẩm "phải đọc" của Higashino Keigo bên cạnh những Bạch Dạ Hành, hay Nghi can X. (Vẫn khuyên mọi người đọc sách vì thời lượng của film khiến cho nó không thể truyền tải hết phần quan trọng nhất là tâm tư và những băn khoăn của các nhân vật.)
Keigo vẫn còn hàng loạt các tác phẩm khác đi vào nhiều rất chủ đề khác nhau của cuộc sống cho các bạn lựa chọn, như Án mạng mười một chữ, Biến thân, Trứng chim cúc cu này thuộc về ai.. Hay hai tác phẩm mới ra mắt của ông tại Việt nam cuối nửa năm 2021 là Hung khí hoàn mỹ và Cánh kỳ lân. Phần mình thì đang mong chờ một tiểu thuyết mới gần đây nhất của ông được chuyển ngữ sang tiếng Việt - Người canh gác cây long não.
Không khó hiểu, không cầu kỳ, lồng ghép các vấn đề xã hội đáng suy nghĩ, tạo ra những câu hỏi hay bên trong những câu chuyện ấm lòng, đa dạng trong chủ đề và thể loại. Nhiều điểm mạnh riêng lẽ kết hợp lại như chính khả năng sắp xếp của ông đã khiến cho sách của Keigo như một ngọt lửa lan rất nhanh giữa những người yêu thích tiểu thuyết, và (theo ý kiến cá nhân) nó cũng khiến cho sách của ông phù hợp với phần lớn những bạn muốn bắt đầu tìm hiểu văn học Nhật Bản.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất