Tháng 8 năm 1945, 2 quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima Nagasaki khiến cho Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, trở thành nước thất trận nặng nề nhất của Đệ Nhị Thế Chiến nếu tính đến cả những yếu tố khác như địa lý, khả năng phục hồi kinh tế, và còn phải chịu kiểm soát quân sự từ lực lượng quân đồng minh, đặc biệt là từ Mỹ.
Bảy năm sau đó, tháng 2 năm 1952 tại Nagasaki, một trong những người được cho là có thể cách tân nước Nhật thông qua văn học của chính mình - Ryu Murakami ra đời. Ông được biết đến với tư cách là một người chuyên viết truyện ngắn, viết luận văn, và cả nhà làm phim.
Sinh ra trên những con phố của một trong hai thành phố khó khăn nhất Nhật Bản thời bấy giờ, dường như Murakami đã lớn lên từ những đầm lầy đen tối nhất của đất nước mặt trời mọc. Và sau khi người ta đọc những tiểu thuyết do ông viết ra, cảm giác đó không còn là dường như nữa.
Cuốn đầu tiên của ông mình đọc cách đây ba năm là Thử vai,  và lúc đó  mình đã quyết định luôn là sẽ không đọc tiếp các tác phẩm khác của ông nữa. Thay vào đó là Tokyo Hoàng đạo án, là Một lít nước mắt, và kể cả Bạch Dạ Hành vẫn cho cảm giác dễ đọc hơn rất rất nhiều so với các đầu sách của bác Ryu Murakami.
Hai năm sau, khi mà mình đã quen dần với văn học Nhật, quen với những gì dữ dội hơn thì có một bộ phim khiến cho mình muốn cho Ryu Murakami một cơ hội nữa, là Ikari - Thịnh nộ, ra mắt năm 2016. Phim kể về cuộc đời của 5, 6 nhân vật khác nhau cùng bị cuốn vào câu chuyện của một tên sát nhân, qua đó người xem có thể thấy một hình ảnh hoàn toàn khác của một nước Nhật đang bị sự dửng dưng và khủng hoảng niềm tin tổn thương sâu sắc.
Thế là mình quay lại, cuốn thứ hai của ông mình đọc là Ba đêm trước giao thừa (tựa tiếng Anh và tiếng Nhật là Trong chén soup Miso). Nội dung xoay quanh nhân vật chính Kenji, là một thanh niên trẻ hành nghề hướng dẫn các địa điểm vui chơi ở Nhật cho khách hàng ngoại quốc. Trước thời khắc giao thừa vài ngày, anh gặp một ông khách người Mỹ tên Frank, hóa ra cuối cùng là một tên sát nhân máu lạnh.
Ở đoạn đầu của truyện, Ba đêm trước giao thừa thật ra không cuốn hút lắm, nhưng càng về sau mọi người sẽ càng thấy rõ hơn những đầm lầy nơi Murakami đã lớn lên. Những con phố đèn đỏ, các tay chèo mời khách, những câu lạc bộ tình dục ở mọi người cấp độ, xem có, chạm có, phục vụ đầy đủ có. Và càng đọc thì mọi người sẽ càng hiểu ra là ông đang lên án nạn bán dâm phục vụ khách nước ngoài cùng với đó là phơi bày sự yếu mềm trong con người Nhật Bản những năm thời hậu chiến. Lúc này mình cũng cảm thấy hiểu được hơn các chi tiết trong Thử vai, tác phẩm này cho người đọc thấy truyền thông của Nhật Bản vớ vẫn và dễ bị thao túng đến cỡ nào.
Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa tôn thờ phương Tây đầy rẫy trong sách của ông từ các chi tiết như việc so sánh khánh sạn Hilton - bảo nó là rác và chỉ có người Nhật mới sùng bái nó, Disneyland, các sân golf, cá tráp 2000 yên một phần,... lên án  những kẻ đang kết bè kết phái đàn áp chính đồng bào của mình và tôn thờ người Mỹ.
Có một chi tiết quan trọng hơn cả là càng đọc, mọi người sẽ càng có cảm giác tay người Mỹ khát máu này chính là Kenji, là một phần nào đó trong con người cậu hơn là một gã ngoại quốc bằng xương bằng thịt. Gã vừa là mặt tối đang sợ hãi không lối thoát và cũng là tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng của Kenji. Từ việc phải chuyển mình theo lối sống của phương Tây để mưu sinh, để những cảm xúc trong con người của mình bị dồn nén, cuối cùng Kenji trở thành một tay sát nhân máu lạnh và coi đó như nhân cách thứ hai của mình.
Mất tám tháng sau để mình quay trở lại để đọc sách của ông lần nữa, nhưng mình vẫn chưa quen được hoàn toàn với những đầm lầy đó. Quyển thứ ba mình chọn là Màu xanh trong suốt, và trong một phần ba đoạn đầu của tiểu thuyết này thì mình luôn có một suy nghĩ là "Dừng lại thôi." 
Một đống nhân vật cùng tên tuổi quá lẫn lộn cùng với hút chích, tình dục bừa bãi, ma túy, trộm cắp và một đống tên các chất gây nghiện hay thuốc mà mình chưa nghe bao giờ như Mibrole, hashish, mescaline,... Cuộc sống của các thanh niên trong tiểu thuyết tăm tối đến nỗi có thể chắc chắn một điều là Ryu Murakami sẽ không bao giờ chọn lối viết nhân nhượng hay nói giảm nói tránh.
Nhưng sau khi qua được vài chương thì mình dần nhận ra các chi tiết đắt giá, rất nhỏ thôi, mỗi nhân vật chỉ được ông để lộ ra chừng một hay hai dòng tâm sự thông qua các đoạn thoại mà nếu không để ý kĩ hay bị các chi tiết khác về cách sống của họ làm cho phân tâm, chắc chắn bạn sẽ vuột mất.
Reiko là một cô gái yêu thích sinh học, đặc biệt là tiêu bản lá cây và côn trùng. Yoshikawa là người luôn muốn có một gia đình thực sự và có thể lo được cho bạn gái của mình, Kei. Lily sợ hãi tất cả mọi thứ của thực tại và chỉ bình tĩnh được khi có thuốc. Okinawa nhận ra được tài năng của bạn bè. Và Ryu là một thanh niên 19 tuổi có tài thổi sáo nhưng tinh thần đã không ổn định từ khi người bà thân thương của mình mất.
Tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết đều là thế hệ thanh niên của Nhật, đều là những con bướm đêm, đều bị thu hút bởi ánh đèn hào nhoáng, đều bị hứng thú với một hỗn hợp "kẹo" đặc biệt, đều bị tổn thương tinh thần nặng nề mà không hề có một cá nhân hay tổ chức nào có trách nhiệm giúp đỡ họ đáng lẽ ra phải đứng ra giúp đỡ họ. Người dân coi họ là đám nghiện ngập, cảnh sát gọi những đứa con gái như Kei và Reiko là con đ.ĩ non.
Đoạn khi Ryu ôm Lily dưới cơn mưa trên đường băng, cậu cảm thấy như cơ thể mình trong suốt, màu xanh là bởi vì nước mưa hòa với bầu trời đêm, còn trong suốt là bởi vì bên trong cậu hoàn toàn không có gì, lỡ như có ai đi ngang qua chắc cũng không thể thấy cậu và Lily đang nằm đó mà chỉ có mưa đang rơi theo một hình thù hơi kỳ lạ khi gần xuống đến mặt đường, kể cả xác thịt của hai người cũng không thật, và không biết nếu chúng ta tìm thật kỹ thì có thể tìm thấy dù chỉ một mảnh nhỏ nhoi nào đó gọi là tâm hồn bên trong cơ thể của hai con người đó hay không.
Cùng lúc khi cảm thấy Màu xanh trong suốt là cuốn hay nhất trong ba cuốn mình đọc của Murakami thì mình cũng hiểu ra rằng ông không nên viết giảm nhẹ, hay sử dụng lối nói giảm nói tránh. Tất cả những chi tiết trần trụi trong các tác phẩm của Murakami đưa ra là để cho chính người Nhật xem, không phải để phê phán, hay chê trách, mà là để cảnh tỉnh nước Nhật.
Thông điệp mà ông đưa ra nhắm đến con người Nhật Bản, đặc biệt là giới trẻ - những người mà ông coi là thế hệ dễ bị tổn thương, rằng ông muốn họ phải thay đổi, phải thật mạnh mẽ, phải kiên cường, phải giành lại quyền làm chủ đất nước. Việc này không phải chỉ một mình ông lên tiếng hay những người trẻ thay đổi là được, mà rất cần những người có điều kiện và trách nhiệm phải hành động, đứng ra giúp đỡ những người yếu thế để các thế hệ sau của Nhật Bản có thể mạnh mẽ hơn, để Nhật Bản không bị Tây hóa quá mức hay dần dần đánh mất đi các giá trị truyền thống của chính mình.
Ryu Murakami đã đạt nhiều giải thưởng mà trong đó nổi bật có giải Akutagawa - giải thưởng danh giá nhất của văn học Nhật Bản. Các tác phẩm khác của ông cũng đánh vào những chủ đề nhạy cảm tương tự như Topaz miêu tả những khía cạnh cực đoan của tình dục mại dâm. Xuyên thấu khai thác đề tài lạm dụng tình dục trẻ em và tiếng nói yếu ớt của các nạn nhân. Ngoài ra còn những tiểu thuyết khác của ông được đánh giá khá cao như The World in Five Minutes From Now ( Thế giới sau năm phút nữa tính từ hiện tại ), hay Parasites kể về một hikikomori yêu thích chiến tranh một cách kỳ lạ.
Sách của ông ở Việt Nam hiện tại mọi người có thể tìm mua ở những hiệu sách cũ vì không còn tái bản nhiều, phần nhiều vì nó rất kén độc giả, hoặc có thể đọc bản PDF nếu muốn tìm hiểu, có tác phẩm Xuyên Thấu là còn có thể mua ở các trang thương mại online.