Rốt cuộc ta nên BỨC XÚC về điều gì?
Chúng ta Không Nên và Nên bức xúc về vấn đề nào trong xã hội, từ cuốn sách "Bức xúc không làm ta vô can" của tác giả Đặng Hoàng Giang.
Nói về những cây bút chính luận viết về đề tài hiện thực xã hội ở thời điểm hiện tại, ta không thể nào không nhắc đến tên Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Với tư cách là một chuyên gia phát triển và nhà hoạt động xã hội, các đầu sách của ông liên tiếp đề cập đến những vấn đề gai góc, chưa được bàn luận đủ sâu trong bối cảnh xã hội Việt Nam (ít nhất là ở thời điểm sách được phát hành). Ta có thể kể đến Thiện, ác và smartphone (2017) - Bàn luận về mặt tối của mạng xã hội và thời đại Internet; Điểm đến của cuộc đời - Đồng hành cùng những người cận tử và những bài học cho cuộc sống (2018) - Nội dung được tóm gọn trong cái tên; Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ (2019) - Cuốn sách đào sâu về những tổn thương tuổi niên thiếu và tác động của chúng; và gần đây nhất là Đại dương đen (2021) - Chia sẻ câu chuyện chân thực của những người mắc bệnh trầm cảm.
Mỗi cuốn sách trên đều là một công trình nghiên cứu và tổng hợp kỳ công, dành cho bất cứ ai mong muốn được tìm hiểu và có góc nhìn toàn diện hơn về một vấn đề cụ thể. Mặt khác, nếu như bạn đang không thực sự có thời gian hay nhu cầu cho các đầu sách có cách tiếp cận như trên, nhưng vẫn bị thu hút bởi cách đặt vấn đề và lối hành văn của tác giả Đặng Hoàng Giang thì Bức xúc không làm ta vô can là cuốn sách dành cho bạn.
Phát hành lần đầu tiên vào năm 2015, Bức xúc không làm ta vô can là tuyển tập 26 bài viết, tức 26 câu chuyện, lời bàn luận về các chủ đề đa dạng khác nhau, từ quen thuộc như ăn thịt chó, ấn đền Trần, phẫu thuật thẩm mỹ, từ thiện câu like,... đến các vấn đề xa xôi hơn như sự tàn phá của kinh tế thị trường, du lịch đại trà, thói sính ngoại hay khoảng cách giàu nghèo. Tư duy phản biện sắc bén được thể hiện qua văn phong trào phúng thú vị, kết hợp cùng nhiều kiến thức đa chiều về bối cảnh xã hội Việt Nam và thế giới đã khiến cuốn sách đầu tay của Đặng Hoàng Giang nhận được sự ủng hộ đông đảo của bạn đọc. Bức xúc không làm ta vô can cho đến nay, theo quan điểm của cá nhân mình, vẫn là một trong những đầu sách đáng đọc nhất của Đặng Hoàng Giang.

Tác giả Đặng Hoàng Giang chia sẻ về cuốn sách trên Văn hoá - Sự kiện - Nhân vật trên VTV3 (Ảnh từ Facebook của tác giả)
Dù vậy, đã gần một thập kỷ trôi qua từ thời điểm sách phát hành, mình nhận thấy rằng nhiều quan điểm tác giả đề cập trong sách đã trở nên cũ và không còn thích hợp để tham khảo trong bối cảnh xã hội hiện đại. Có những điều ta nên ngừng bức xúc đi.
Bài viết này sẽ làm rõ những suy nghĩ đó của bản thân mình trong quá trình đọc sách. Đồng thời, mình cũng chắt lọc ra những điểm sáng, những bài học về những điều ta nên tiếp tục bức xúc tương tự (hoặc thậm chí là nên bức xúc hơn) cách tác giả Đặng Hoàng Giang đã làm ở thời điểm 9 năm về trước. Mục đích của toàn bộ bài viết này có lẽ chỉ để người viết (và có lẽ cả người đọc) thực hành kỹ năng tư duy và trình bày phản biện - điều mà chắc chắn bạn sẽ rút ra và học được sau khi đọc Bức xúc không làm ta vô can, bất kể việc bạn có thực sự đồng ý với những quan điểm tác giả trình bày hay không.
ĐẦU TIÊN, ĐÂY LÀ LÚC TA NÊN THÔI BỨC XÚC VỀ VIỆC…
Góc nhìn cực đoan về việc phẫu thuật thẩm mỹ.
Ở bài viết Cơ thể giả, khát vọng thật, tác giả Đặng Hoàng Giang thể hiện quan điểm phản đối các thông điệp truyền thông sai lệch nhằm lôi kéo khách hàng của ngành công nghiệp thẩm mỹ thời điểm những năm 2010-2015: Báo chí và truyền hình tung hô việc phẫu thuật thẩm mỹ tựa là “sự phù phép khó tin”, “sự lột xác ngoạn mục”; Nhiều câu chuyện được lựa chọn đưa lên truyền hình ngầm nhấn mạnh lối suy nghĩ “Phụ nữ phải đẹp mới giữ được chồng”; Phụ nữ Việt Nam phải đẹp kiểu quốc tế thì mới đúng chuẩn…
Trong thời đại thông tin tại Việt Nam vẫn bị thống trị chủ yếu bởi những hình thức truyền thông một chiều như báo chí và truyền hình, những lo lắng của ông khi ấy là hợp lý. Khi công chúng liên tục tiếp nhận những thông điệp ám thị sai lệch về một chuẩn đẹp bất khả thi, ý kiến của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang dường như là một lời cảnh tỉnh cho những ai bị dắt mũi bởi truyền thông và hiệu ứng đám đông. Trong bài viết, tác giả cũng đã nêu ra nhiều dẫn chứng hợp lý về sinh học và xã hội học, ví dụ như đặc thù về nói giống và chủng tộc của người Việt mình không thể chạy theo tiêu chuẩn sắc đẹp của hoa hậu thế giới. Tuy nhiên dần về giữa và cuối bài viết, sau khi lên án những “ánh mắt phán xét vô hình của một xã hội nam trị” khiến tư tưởng phụ nữ Việt Nam bị ám ảnh bởi suy nghĩ phải đi phẫu thuật thẩm mỹ, tác giả dường như lại để lộ sự nam trị của chính mình khi khẳng định rằng việc phẫu thuật thẩm mỹ sẽ khiến người phụ nữ đánh mất con người thực của mình.
Gọt hàm, nâng mũi, độn ngực là những can thiệp sâu sắc vào cái tôi, vào bản sắc cá nhân.Trích bài viết "Cơ thể giả, khát vọng thật"
Tác giả Đặng Hoàng Giang viết. “Những người phụ nữ cảm giác rõ ràng điều đó, nhưng họ chấp nhận rủi ro sức khỏe và chi phí tâm lý. Họ lên bàn mổ như một sự dấn thân, một động tác giải phóng bản thân khỏi sự kìm kẹp của tạo hóa.” Gần cuối bài viết, khi trích lại lời chúc “Chúc các nàng đã và sẽ thành thiên nga mãi xinh đẹp, hạnh phúc” của một “mẹ” chuẩn bị phẫu thuật ngực trên Webtretho, ông bình luận: Câu chúc kia vang lên như một lời tuyệt vọng.
Thực tế cho thấy đã có nhiều sự chuyển dịch về mặt nhận thức và cách tiếp nhận thông tin của phụ nữ hiện đại. Theo Báo cáo tổng quan năm 2022 của Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ, nhờ mạng xã hội, việc phẫu thuật thẩm mỹ dần được bình thường hóa vì ngày càng có nhiều người mạnh dạn chia sẻ câu chuyện của họ một cách công khai. Dù tỷ lệ người muốn phẫu thuật thẩm mỹ tăng, nhưng họ hiểu biết khá rõ về quy trình cũng như rủi ro của việc phẫu thuật thẩm mỹ, đồng thời cũng có những yêu cầu chi tiết, kỹ lưỡng để trao đổi cởi mở với bác sĩ trước khi làm phẫu thuật chỉnh sửa.

Thạch Trang - Influencer nổi tiếng chia sẻ về quá trình độn ngực trên kênh Youtube 560.000 người đăng ký của mình và nhận được rất nhiều phản ứng tích cực
Đặt vào bối cảnh tại Việt Nam, báo Thanh Niên cũng có một bài viết chia sẻ quan điểm của TS.Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Phó Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM cho biết một trong những lý do một người muốn thay đổi ngoại hình của mình là do có thể họ muốn trở thành hình ảnh mà bản thân họ ao ước từ trước đó, thậm chí từ ấu thơ. Điều này liên quan đến sự tự đánh giá/ lòng tự trọng bản thân của cá nhân (trước khi bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của xã hội).
Nhìn chung, bài viết này thể hiện một cái nhìn cực đoan của tác giả Đặng Hoàng Giang có về việc phẫu thuật thẩm mỹ. Ông chỉ tập trung cảnh tỉnh và lên án một bộ phận phụ nữ Việt Nam đi phẫu thuật thẩm mỹ theo phong trào và hoàn toàn ngó lơ những trường hợp phụ nữ đưa ra quyết định chỉnh sửa một phần của bản thân chỉ vì… họ muốn thế.
Việc chỉ cân nhắc một khía cạnh của của một vấn đề và hoàn toàn bỏ qua những khả năng còn lại cũng nguy hại không kém việc hiểu sai lệch về vấn đề đó. Mình không nghĩ tất cả những người phụ nữ đã phẫu thuật thẩm mỹ đều đã “hủy hoại bản thân”, đã “chối bỏ cơ thể mình”. Bởi có lẽ hơn bất kỳ thời khắc nào trong đời, có lẽ họ đã cảm thấy là mình, vui với chính mình, tự tin với cơ thể mình và hiểu rõ cuộc đời mình hơn bao giờ hết, nhờ vào quyết định sử dụng dao kéo do chính họ đưa ra.

Phong cách cá nhân của Thạch Trang ngày càng cuốn hút sau khi phẫu thuật
Phải cất điện thoại đi thì mới đẹp?
Thay vì bình tâm ngắm hoàng hôn lộng lẫy thì điên cuồng tìm những cái lọc khác nhau để chụp mấy chục cái ảnh, rồi bận rộn tìm một cái ‘đạt’ nhất để post lên, băn khoăn nghĩ một lời tựa hấp dẫn.Trích bài viết "Vẻ đẹp của người đứng một mình"
Lời chê bai này đã lạc hậu lắm rồi.
Giữa thời đại mạng xã hội lên ngôi và mọi tiện ích vượt trội của chúng ta đều đi kèm với sự phát triển của công nghệ, mình từ chối việc tin mù quáng vào quan điểm: Mọi cái tệ hại của con người tới từ chỗ họ không thể rời smartphone để ngồi yên một mình mà tác giả khẳng định trong bài viết. Giờ là thời của chính những người không rời smartphone để ngồi yên một mình đó - thời đại của Content Creator.
Họ là Tiktoker, Blogger, Streamer, thậm chí là Youtube Vlogger, những người nhiều khi chỉ ngồi im trước màn hình điện thoại và kiếm bộn tiền hơn bất kỳ ngành nghề nào khác. Theo Advertising Việt Nam, trong năm 2023 có đến hơn 200 triệu Nhà sáng tạo đang hoạt động tích cực mỗi ngày trên mạng xã hội. Báo cáo của The Influencer Marketing Factory cho thấy nền kinh tế sáng tạo đang tăng trưởng từng ngày, và sẽ đạt mức giá trị lên đến 104 tỷ USD trên toàn cầu vào cuối năm 2023. Hiện tượng “mỗi người là một ông bầu của chính mình trong công cuộc xây dựng một hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội” được tác giả cho là kỳ quặc và nhắc đến với tông giọng châm biếm, hơi hướng chỉ trích đã trở thành hiện thực, nhưng theo một hướng nghiêm túc và tràn đầy tiềm năng hơn nhiều. Giữa thời đại của các nhà sáng tạo nội dung và smartphone này, liệu việc chỉ trích người ta cứ dính lấy chiếc điện thoại và để ý đến lượt like share, hay với nhiều trường hợp, chính là cái nghề kiếm cơm người ta, có còn hợp lý? Mình nghĩ câu trả lời đã khá rõ ràng.

Top 10 Content Creator nổi tiếng nhất thế giới do Forbes bình chọn. Bạn biết những ai trong số này?
Dẫu vậy, bài viết của Đặng Hoàng Giang vẫn bao gồm nhiều luận điểm có giá trị xuất phát từ khía cạnh tâm lý học. Điển hình là các dẫn chứng về việc con người ta đôi khi phụ thuộc vào mạng xã hội và thời gian online để khỏa lấp nỗi cô đơn; hay hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội đã điều khiển dư luận và suy nghĩ người dùng như thế nào. Lời nhắn nhủ của tác giả ở phần cuối bài viết cũng phần nào định hướng cách sử dụng mạng xã hội văn minh, đúng đắn, và trên hết là vẫn phù hợp với bối cảnh hiện tại như sau: “Một mình không có nghĩa là phải tách khỏi người khác một cách vật lý. [...] Các ẩn sĩ hiện đại không cần thiết phải lên núi. Họ vẫn ở trong xã hội, yên lặng, quan sát và tìm hiểu thế giới. Họ tự do trước các con sóng của đám đông để có thể quan tâm tới cộng đồng một cách sâu sắc, đóng góp cho cộng đồng một cách hiểu biết hơn.”
VẬY TA NÊN BỨC XÚC VỀ ĐIỀU GÌ?
Người nghèo không có lỗi.
Với nhiều người (bao gồm cả mình) có lẽ sẽ bỏ quên khoảng cách giàu nghèo khi nhắc đến những vấn đề nổi cộm tại Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2023, chênh lệch thu nhập của Việt Nam là khoảng 7,6 lần; trong khi con số này ở Mỹ có thể lên đến… 196 lần. So với nhiều vấn đề xã hội khác đang tồn tại, chính phủ nước ta có thể có nhiều gạch đầu dòng cấp thiết hơn cần phải đề cao hoặc song song giải quyết. Nhưng chẳng mấy chốc khoảng cách giàu nghèo sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu, nếu như những người lao động có thu nhập khá đến cao của xã hội thiếu nhận thức về những người đồng bào có nguồn thu thấp hơn họ.
Trong tập podcast “Vai trò của giáo dục trong vòng lặp giàu nghèo”, người dẫn dắt là chị Thùy Minh đã kể về trải nghiệm của mình với một hộ gia đình ở Cần Thơ như sau: “Trong nhà họ không có một cái gì. Giống như họ phải ăn chay, nhưng mà không phải vì họ lựa chọn ăn chay mà là do họ không có thịt để ăn. Sáng hôm sau mình quyết định là mình sẽ đi chợ với họ để mình đưa tiền cho họ mua thịt về. Mình vẫn nhớ là Thùy Minh đưa tiền cho họ mua 5 cân thịt, nhưng khi họ cầm về thì họ nấu hết 5 cân thịt xong một bữa đấy! Tức là họ nấu trong một cái nồi to khủng khiếp chứ họ không nghĩ được là hôm nay ăn 5 lạng xong để dành. Tức là đó là những kiểu tư duy khác. Có thể là những cái giàu nghèo nó tích trữ từ những cái tư duy như thế.”

Host Thùy Minh chia sẻ câu chuyện về 5 cân thịt trong tập podcast "Vai trò của giáo dục trong vòng lặp giàu nghèo"
Trong bài viết Người nghèo không có lỗi viết vào tháng 4 năm 2014, tác giả Đặng Hoàng Giang trích dẫn phần nội dung sau của bài báo Sống ăn bám trên VnExpress: “Người nghèo quen xin xỏ, dựa dẫm, được cấp cho con bò thì buộc cọc bỏ đói, có cơ hội thì “đào mỏ” tới cạn kiệt những họ hàng khá giả hơn. Tâm lý ăn bám, hèn nhược bệnh hoạn, tác giả kết luận, là lý do khiến nhiều người nghèo vẫn hoàn nghèo.” Ông chỉ ra vấn đề cơ bản của lối suy nghĩ này là: không phải lối sống của họ dẫn họ tới nghèo đói, mà nghèo đói đã tạo cho họ lối sống như vậy. Ở góc độ tâm lý học, Đặng Hoàng Giang cũng đưa ra nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy rằng môi trường sống bệnh tật, thiếu thốn, đói kém có thể trực tiếp ảnh hưởng tới não bộ của những người sống trong môi trường đó một thời gian dài. “Cái nghèo làm cho người ta thiếu những kỹ năng sống cơ bản, cũng như năng lực nhận thức để có thể làm chủ bản thân và cuộc sống.”
Bản thân mình đồng ý với quan điểm này hơn là luận điểm mà chị Thùy Minh - một người đến Cần Thơ lần đầu và bất ngờ giữa sự khác biệt giữa hoàn cảnh sống của người dân địa phương với điều kiện của khách sạn 4 sao cao cấp chị từng ở - cố gắng chứng minh. Ở bên dưới phần bình luận của podcast, nhiều người cũng cho rằng người dẫn dắt Thùy Minh thiếu trải nghiệm và chưa có sự thấu hiểu sâu sắc về tầng lớp người lao động thu nhập thấp trong xã hội. Một bạn tự nhận là fan của Have a sip và khách mời của The Present Writer liên hệ câu chuyện 5kg thịt với hoàn cảnh của gia đình mình như sau:

Nhiều người cũng có bình luận như "Người miền Tây hào sảng và chân thành, không liên quan gì đến tư duy giàu nghèo hay giai cấp"
Cũng trong Bức xúc không làm ta vô can, tác giả Đặng Hoàng Giang có bài viết Quốc gia có tỉ phú đô la, nên vui hay buồn?. Trong đó, ông đã chỉ rõ ra 3 hệ quả của việc chênh lệch giàu nghèo quá mức trong xã hội, trong đó bao gồm việc chênh lệch giàu nghèo quá mức phá hủy gắn kết xã hội. Các tệ nạn xã hội thường xuyên xảy ra ở những nơi có mức bất bình đẳng cao hơn. Phân hóa giàu nghèo tạo ra cảm giác bất công, viễn cảnh cực đoan nhất là người giàu rồi cũng không thể sống yên ổn. Nghe thì có vẻ xa vời với bối cảnh Việt Nam, nhưng nếu như chúng ta cứ ngồi im và gán những ấn tượng mơ hồ, hay lối tư duy sẵn có của ta lên cộng đồng người có thu nhập thấp - như cách mà Vietcetara đã (mình cho là) vô tình phạm phải, thì chẳng mấy chốc viễn cảnh trên sẽ trở thành sự thật.
Mặt tối của một ngôi sao.
Gần mười năm trước, khi phân tích những hiện tượng mới nổi như Lệ Rơi hay Bà Tưng, Đặng Hoàng Giang đã chỉ ra rằng đây là cột mốc quan trọng của truyền thông Việt Nam, khi “giá trị của một ngôi sao không được đo bởi đóng góp của họ cho xã hội và cộng đồng, mà được đo bởi số lượng người theo dõi họ.” Ở thời điểm hiện tại, kể cả trong thế hệ những người sáng tạo nội dung thống trị và việc viral trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, hiện tượng truyền thông này vẫn đúng.
Hãy nhìn vào những người có tầm ảnh hưởng nhất trong khoảng thời gian gần đây như bé Pam, hay cặp đôi Ninh Anh Bùi - Nguyễn Tùng Dương, ta vẫn có thể chỉ ra được những điểm chung nhất định giữa những “ngôi sao” này. Đó là họ...
Họ không nổi tiếng vì đã đạt được những thành tựu nào đó trong khoa học, nghệ thuật hay thể thao, vì dũng cảm trong chiến tranh hay là tấm gương đạo đức trong khủng hoảng xã hội. Họ nổi tiếng vì họ được nhiều người biết tới.Trích bài viết "Bi kịch của sự hào nhoáng"
Dẫu rằng cách công chúng lựa chọn người tiếp theo để bàn tán và hâm mộ đã khác xưa (nay người ta chọn sự chân thực, gần gũi thay vì chạy theo hình ảnh hào nhoáng hay những trò làm lố kịch cỡm), cách họ nhìn nhận một người nổi tiếng dường như vẫn không khác cách Đặng Hoàng Giang mô tả 9 năm về trước: “Hình ảnh của các sao là cầu nối dẫn người ta tới một thế giới long lanh, phiêu lưu, phấn khích và hồi hộp, không buồn chán, bụi bặm và mòn mỏi như cuộc đời thực. Đầu tư tình cảm vào một mối quan hệ một chiều với các sao, các fan dường như nhờ họ sống cho mình, sống hộ mình.”

Trong scandal "tình tay ba" giữa Hyeri - Ryu Jun Yeol - Han So Hee, bình luận viral trên mạng là "Có phải Cha Eunwoo đâu mà phải tranh?". Cộng đồng mạng ngầm ý chê bai ngoại hình của nam diễn viên và đánh giá thấp gu đàn ông của hai nữ diễn viên. Đây cũng là scandal tốn nhiều chất xám tạo content nhất trong đầu năm nay, khi hàng loạt các page cộng đồng liên tục mổ xẻ tin tức và phân tích từng động thái nhỏ của người trong cuộc.
“Công chúng vô thức hiểu được rằng mình sở hữu các ngôi sao, không có công chúng thì không có sao. Chính vì thế đám đông có thể thất vọng và nổi giận khi phát hiện ra ngôi sao không sống đúng với kỳ vọng của mình.” Câu chuyện này vẫn luôn xảy ra, với bất kỳ ngôi sao nào, bất kỳ cộng đồng người hâm mộ nào. Có chăng này ở thời điểm hiện tại, quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội ngày càng khiến quyền lực của người hâm mộ được nhấn mạnh và được lạm dụng một cách tinh vi hơn mà thôi. Theo một bài báo của báo Đại Đoàn Kết (Thuộc Trung ương của Mặt trận tổ quốc Việt Nam), các hình thức ẩn dưới tẩy chay lan tỏa mạnh mẽ thông qua việc thành lập các nhóm antifan (người tẩy chay hay người chống đối) có số lượng rất đông đảo. Chỉ từ một sự việc rất nhỏ của một ai đó là ngay lập tức họ kêu gọi tham gia tẩy chay có khi lên tới cả mấy trăm nghìn người. Điều đáng chú ý là, tình trạng chèo kéo, a dua tẩy chay trên mạng lan rộng đã ảnh hưởng lớn đến phát triển nhân cách, đạo đức và văn hóa của giới trẻ, thậm chí có đối tượng đã lợi dụng việc này để tống tiền và bị khởi tố.
Giờ mặt tối của một ngôi sao không chỉ có nguy cơ bao phủ tương lai sự nghiệp của họ, mà còn có khả năng sẽ che mắt cư dân mạng, khiến họ hiểu lầm về quyền lực của bản thân trên một thế giới ảo và ngó lơ những vấn đề quan trọng hơn trong cuộc sống thực của chính mình.
Thế là sách self-help bị tẩy chay thật hả?
Từng có một bài viết mang tên Sách "Đắc Nhân Tâm" Viết Về Điều Gì Và Tại Sao Sách Lại Bị Tẩy Chay? được đăng tải trên Spiderum đã nhận được gần 600 lượt upvote và gần 40 nghìn lượt xem. Tác giả Huskywannafly dành riêng bài viết này để giải thích nội dung cuốn sách và từ đó phân tích tại sao cuốn sách Đắc Nhân Tâm lại bị tẩy chay mạnh mẽ đến vậy. Không bàn đến việc luận điểm của Huskywannafly thuyết phục và xác đáng đến đâu, ta chỉ cần biết rằng Đặng Hoàng Giang chắc chắn có một quan điểm hoàn toàn khác: “Nhiều nguyên tắc của Đắc Nhân Tâm phục vụ cho những con người giả tạo, cơ hội và thao túng.” Ông khẳng định. “Đưa sách dạy làm giàu và kỹ năng sống (gọi chung là sách self-help) như những cuốn trên cho thanh niên, hay bất cứ ai cũng vậy, là gửi họ và cộng đồng vào con đường cụt, bởi những tác động tiêu cực của chúng.” Tác giả Đặng Hoàng Giang không tiếc lời chê bai dòng sách self-help, đặc biệt là dòng sách dạy làm giàu và ảnh hưởng cực đoan của chúng tới tư duy của người đọc.
Ở đây chúng ta sẽ không bàn về việc tẩy chay sách self-help là đúng hay sai. Vì dù sao sách self-help đã phải hứng chịu làn sóng tẩy chay từ một bộ phận độc giả Việt Nam. Hiện tượng “ngộ độc self-help” hay “tích cực độc hại” ngày càng trở nên phổ biến. Tương tự như việc tìm kiếm những điều gần gũi, chân thành khi hâm mộ những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, gu của độc giả ngày nay cũng dần chuyển sang những cuốn sách “chữa lành”, dễ đọc, dễ cảm. Những nội dung khô đanh, giáo điều dù vẫn bán đều, nhưng không trở thành hiện tượng như vài năm về trước. Điều này có đang chứng minh rằng ngành xuất bản Việt Nam đã chọn lọc và có định hướng mới tươi sáng hơn cho người đọc? Mình không nghĩ thế.
Chín năm trước, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã đánh giá rằng “sách đã trở thành một biểu tượng tín ngưỡng”. Khi người ta đổ xô đi mua sách self-help, họ tin rằng họ sẽ được “nạp vào một giá trị phi thường, vượt xa giá trị vật lý mấy chục nghìn đồng”. Khi Hội Nhà văn yêu cầu Quốc hội ban hành Luật nhà văn để rộng đường phát triển nền văn học nước nhà, Đặng Hoàng Giang tin rằng không xa nữa các tác giả sách sẽ có vai trò đặc biệt trong xã hội. Điều ông chưa nghĩ đến (hoặc ông đã lường trước nhưng không viết ra) là khi tất cả mọi người được tạo điều kiện, ai cũng có thể trở thành tác giả sách. Chỉ cần có một lượt follow ổn định trên các nền tảng mạng xã hội và có… gan đồng ý với lời mời của đơn vị phát hành, bạn có thể trở thành tác giả Việt chỉ trong vài tháng có lẻ. Trong nhiều trường hợp, các trang cộng đồng nổi tiếng cũng có thể tổng hợp các bài viết ngắn của mình, thêm thắt một số nội dung để tạo ra một cuốn sách mới. Hệ quả tất yếu là số lượng sách tác giả Việt lấn át chất lượng.
Việc sách của Tun Phạm bị tẩy chay, theo quan điểm của mình, không chỉ đơn thuần xuất phát từ quan điểm của bạn ấy, mà gốc rễ nằm ở việc đơn vị phát hành lựa chọn tác giả dựa trên sức ảnh hưởng của mạng xã hội thay vì những giá trị nội dung mà tác giả có thể truyền đạt
Lời kết
Hy vọng là bài viết của mình đã cho các bạn thấy một hình dung nhất định về cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can của tác giả Đặng Hoàng Giang, trong trường hợp bạn chưa đọc nó. Những gì mình chia sẻ chỉ là một phần nhỏ giữa rất nhiều chủ đề thú vị mà tác giả đề cập, các bạn vẫn nên trực tiếp đọc sách để có cái nhìn toàn diện và có thể đánh giá sách một cách khách quan hơn. Có nhiều vấn đề khá hay trong sách mà mình chưa thể đề cập được hết trong bài viết này, như Tội phạm vị thành niên, Tử tù sinh con, Đừng “Làm giàu trước, dọn dẹp thiệt hại sau”...
Trong trường hợp bạn đã đọc sách và có nhiều suy nghĩ muốn chia sẻ, mình rất tò mò về suy nghĩ của bạn. Do tính chất công việc và ngành học, mình chỉ có đủ kiến thức để phản biện dựa trên những khía cạnh khá “bề nổi” như bối cảnh xã hội hay các phương tiện truyền thông. Nhiều luận điểm của tác giả được đưa ra dựa trên những nghiên cứu cụ thể và chuyên sâu về tâm lý học, xã hội học, mình nghĩ các bạn theo học hay có kiến thức về những chuyên ngành này sẽ có lý lẽ phản biện thú vị hơn nữa.
Sau cùng, bất kể vấn đề bạn chọn để bức xúc là gì, mình vẫn tin vào giá trị của cái tên cuốn sách này. Bức xúc không làm ta vô can. Bởi có thể chúng ta không phải là những kẻ trực tiếp tạo ra bất công, nhưng cuộc sống của chúng ta đang phụ thuộc vào những kẻ đó, chúng ta ngồi cùng bàn tiệc với họ. Ý thức về điều đó là việc tối thiểu chúng ta có thể làm.
Không ngừng bức xúc. Không ngừng đặt câu hỏi. Không ngừng lên tiếng cho những điều mà chúng ta cho là xứng đáng để đấu tranh.
Đó là cách mà con người chúng ta sẽ tiếp tục phát triển và trở nên mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Narcy Nguyen

Mình tự hỏi vì sao 9 năm qua khi tác giả ra sách sao bạn không viết mà bạn chọn thời điểm tiến sĩ DHG bị NN kiện để lên bài viết này? Và đó là bài viết đầu tiên của bạn?
Mình xin phép bức xúc.
Phần quan điểm về phẫu thuật thẩm mỹ có lẽ tiến sĩ Giang hơi cực đoan thật, như giọng văn đanh đá,sắt thép của ông trong cả cuốn BXKLTVC, đã giảm dần thông qua quá trình làm 4 cuốn sách sau đó, chuyển sang một giọng văn u buồn, không còn quá sắc cạnh nữa.
Trong series "Nip/Tuck", bác sĩ thẩm mỹ Sean McNamara thể hiện sự bức xúc khi đòi hỏi thuê một chuyên gia tâm lý vì quá nhiều thân chủ nghiện PTTM nhưng thật ra đang gặp chứng Body dysmorphic disorder.
Tiếp theo, quan điểm "Phải cất điện thoại đi thì mới đẹp?" không phải là một quan điểm cổ lỗ sĩ. Tác giả cuốn Deep work - Cal Newport đã ra cả một cuốn sách về việc tối giản thiết bị số: Digital Minimalism. Thậm chí trong cuốn Deep work của Newport cũng có một phần về Thoát khỏi truyền thông xã hội. Youtuber Matt D'Avella cho ra 4 video về việc bỏ mạng xã hội (và anh ta vẫn viral), dùng điện thoại gập, dùng điện thoại cổ lỗ sĩ và bỏ dùng điện thoại.
Là một content creator, đối tượng tiêu điểm của phần "Phải cất điện thoại đi mới đẹp", mình vẫn đề cao sự làm việc sâu, vẫn cảm thấy khó chịu khi người yêu mình ở bên mà vẫn dính lấy cái điện thoại, dẫu rằng công việc mình không cho phép mình cất điện thoại đi để kiếm cơm.
- Báo cáo

màu xanh
Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã dành thời gian đọc và để lại bình luận dưới bài viết của mình!
Mình rất trân trọng những kiến thức bạn chia sẻ ở đây. Như mình đã đề cập ở Lời kết bài viết, những điều bạn bổ sung ở phần bình luận này thuộc một phạm trù kiến thức mình chưa có và rất sẵn lòng được tiếp nhận. Đây cũng chính là một trong những mục đích chính của mình khi viết bài viết này: Để trao đổi thông tin và học hỏi thêm kiến thức từ những người viết, người đọc khác.
Dẫu vậy, mình cũng xin phép làm rõ hơn một chút góc nhìn của mình khi viết bài. Bạn có thể thấy phần lớn bài viết, mình bình luận và "phản biện" tiến sĩ Đặng Hoàng Giang dựa trên bối cảnh xã hội và... thái độ đôi khi hơi cực đoan của ông - ở thời điểm ông viết cuốn sách.
Là một người phụ nữ trưởng thành và sống trong xã hội hiện đại, khi đọc một cuốn sách bán chạy nhưng lại thấy có những góc nhìn chưa thực sự thỏa đáng của tác giả trong cuốn sách, mình muốn chỉ ra những điểm mà bản thân mình từ chối tin tưởng hoàn toàn trong cuốn sách này. Và chỉ trong cuốn sách này mà thôi.
Mình không khẳng định rằng những điều tiến sĩ Đặng Hoàng Giang viết ở đây vẫn là suy nghĩ của ông ở thời điểm hiện tại, cũng như không phủ nhận sự thay đổi của ông trong các cuốn sách sau này.
Bạn có thể nói rằng bài viết này chỉ đơn thuần nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân của mình và thực tế không có mang lại giá trị gì đặc biệt. Mình đồng ý.
Hy vọng những gì mình chia sẻ ở trên cũng phần nào trả lời cho câu hỏi ở đầu phần bình luận của bạn.
Chúc bạn một ngày tốt lành!
- Báo cáo