Cảm nghĩ khi nghe một số bài nhạc Việt
Hoa Sữa - Sáng tác: Hồng Đăng Có những người đi qua cuộc đời tôi. Vì một lẽ nào đó, họ và tôi ngày càng xa cách. Trong những...
Hoa Sữa - Sáng tác: Hồng Đăng
Có những người đi qua cuộc đời tôi. Vì một lẽ nào đó, họ và tôi ngày càng xa cách. Trong những tháng năm hiện tại, trong những viễn ảnh tương lai, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có dịp gặp lại họ.
Rồi có những ngày, khi chỉ vô tình nhìn thấy một hình ảnh từng quen thuộc: một con đường khuya những ngày cuối năm, một cái cây hay rụng hoa, người đi qua dẫm lên hoa, nghe cả tiếng gào thét đâu đó trong cái mùi hương sực lên chốc lát rồi lẫn vào hư không.
Khi ấy, đồng hiện về là những gương mặt người đã từng thân quen. Thoáng chốc thấy những giận hờn là phù phiếm, và thấy bao dung được cả những khiếm khuyết của nhau. Ký ức lúc này không là hư vô, mà đã thành máu thịt.
Những người bạn ấy, họ chẳng đi đâu cả. Họ ở đâu đó trong tôi. Nhưng thôi, lúc này thì tha thứ hay đối chất đều không còn quan trọng nữa, vì chúng ta có còn là chúng ta của ngày xưa nữa đâu.
Im lặng đêm Hà Nội - Sáng tác: Phú Quang
Khi nghĩ về tuổi thơ, tôi nghĩ lần đầu tiên tôi biết trầm tư là khi tôi bắt đầu ý thức được hình ảnh của mình trong mắt mọi người...
Tôi nhớ có những bối cảnh rất dễ khiến tôi rơi vào sự im lặng, đó là đêm khuya. Hiển nhiên lúc ấy chẳng còn nhiều người để nói chuyện và mình cũng cảm thấy không muốn làm náo động cái sự cô tịch ấy.
Nhưng dạo gần đây, khi càng quen với cuộc sống thành thị, tôi càng dễ trầm tư hơn trên một cái ghế đá công viên nhìn ra đường phố giờ cao điểm, và cũng dễ thấy mình cô đơn hơn giữa rất rất nhiều người xung quanh.
Khúc mưa - Sáng tác: Phú Quang
Năm nhất đại học, tôi sống hơn bốn tháng trong một căn nhà rất đẹp ở vùng ngoại ô phía Tây thành phố. Khoảng thời gian đó, tôi ít gặp bạn cũ và không có cảm giác muốn chia sẻ với bạn mới. Tôi thường dành thời gian làm nhiều thứ một mình.
Tôi nghĩ rằng trong từng khoảng thời gian nhất định, những mối quan hệ nổi trội và những thói quen sinh hoạt nổi trội sẽ mang đến cho chúng ta một cảm thức đặc trưng về bản thân.
Những ngày ấy, có những đêm cả căn nhà đã say ngủ, tôi vẫn ngồi đánh máy bên cái tủ nhỏ đầu giường. Mùa mưa. Sàn gỗ rất lạnh. Mà gió lạnh mang theo hơi ẩm đi vào trong phòng.
Khi bước ra ban công để đóng cửa, tôi bị chững lại bởi một khoảng không đen kịt, chỉ thấy đèn đường như một đốm sáng yếu ướt. Vọng về từ cõi xa xăm nào đó là âm thanh rất nhỏ của máy móc công trường và thỉnh thoảng là tiếng một chiếc xe chạy vụt qua.
Và trong khoảng thời gian ấy, mỗi lần nhìn vào nội tại của mình, tôi đều cảm thấy lạ lùng: tôi nghĩ mình hao gầy và tao nhã, trầm lặng và lãng mạn, đẹp và buồn, nữ tính và có phần cần được chở che nữa.
Nghe thật ủy mị và trái ngược với vẻ ngoài của tôi, nhưng thật sự lúc ấy tôi nghĩ bên trong cái thể xác bất toàn của mình, có một bản ngã như thế.
Bóng tối ly cà phê - Sáng tác: Dương Thụ
(Bài này hình như không thể nghe hết trên soundcloud, bạn vào đây nhé)
Tôi nghe bài hát này lần đầu tiên trong chương trình Radio Bài ca Hà Nội số 145. Bài hát được mở đầu bằng một lời dẫn khá hàn lâm:
Với những năm 90, trong trào lưu nhạc trẻ lên cao, người ta nhận thấy rằng thực ra thành tựu của chúng đã có nguồn gốc từ trước. Nhiều sáng tác của các nhạc sĩ đã viết từ lâu, nhưng phải đến thời điểm này, lúc các nhạc sĩ hòa âm phối khí trẻ mạnh dạn dùng kỹ thuật mới và các ca sĩ đã trưởng thành thì chúng mới cất cánh. Điều đáng nói ở đây là nhiều ca khúc vẫn nằm trong cái mạch cảm xúc trữ tình quen thuộc: cái buồn và cái lãng mạn vẫn là nét thẩm mỹ dễ thấy.
Và sau lần đó, tôi đã nghe đi nghe lại bài hát này rất rất nhiều lần. Không có một từ vựng nào lạ lẫm, không có một phép tu từ nào phức tạp, vậy mà tôi thấy vẽ ra trước mắt mình là cả một khung cảnh vô cùng ám ảnh: một căn phòng tối tăm và cô tịch, một người đàn bà ôm gối ngồi trong góc và câm lặng nhìn ra màn đêm đen đặc ngoài cửa sổ.
Cúi xuống thật gần - Sáng tác: Trịnh Công Sơn
Bài hát này được sáng tác vào những năm 60, lúc chiến tranh vẫn đang diễn ra, người và người chia xa nhau mỗi ngày. Theo một câu chuyện được kể lại, lần nọ trong lúc vào bệnh viện quân y thăm một người bạn, thì nhạc sĩ thấy một cô gái trẻ đang gục đầu lên ngực một anh lính vừa chết, gương mặt im lìm. Ông không thấy mặt cô gái, mà chỉ thấy mái tóc xõa trên bờ vai run lên theo từng cơn nấc. Hình ảnh đầy ám ảnh đó đã xui khiến ông viết nên Cúi xuống thật gần.
Nhưng mà nào cần phải nhìn thấy gương mặt cô gái ấy chứ, vào thởi điểm này thì đó có thể là gương mặt của rất nhiều người phụ nữ Việt Nam xung quanh, mất đi mỗi ngày những người thân yêu.
Giang Trang còn hát một bài nữa mà tôi cũng thấy hay, là bài Lại gần với nhau.
Phía không người - Sáng tác: Trần Viết Tân
Có những bài hát nói về chia xa nhưng mà không bi lụy. Chẳng hạn như bài Người em đã yêu của Thành Vương. Thường xúc cảm được gợi ra từ những bài hát này giống như khi những dư chấn hậu chia tay đã lắng xuống, dù những bải hoải nhớ tiếc vẫn còn, người ta đã dần bình thản chấp nhận chuyện tình đã qua như là một kỷ niệm.
Những bài hát thế này tôi nghĩ sẽ có sức sống bền bỉ hơn những bài hát mang nội dung trách móc hay mô tả những xúc cảm tính dục nồng gắt của tình yêu, vì nó có chừng mực và nó đã đi qua cả thành kiến lẫn niềm tin. Nghe nó khiến người ta từ bi hơn, yêu được cả những mảnh vỡ của những cuộc tình đã qua.
Còn nhiều bài hát khác nữa, nhưng xin tạm khép lại bài cảm nhận này ở đây và hẹn vào một dịp khác ạ.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất