ngày đầu học français
Ngày đầu học francais của tôi khá éo le. Từ công ty, tôi phải chạy về nhà để phơi cái cặp ướt và lấy tập vở, rồi chưa được ăn tối...
Ngày đầu học francais của tôi khá éo le. Từ công ty, tôi phải chạy về nhà để phơi cái cặp ướt và lấy tập vở, rồi chưa được ăn tối đã tiếp tục lao vội vào cơn giông tháng tám để kịp giờ có mặt tại Thái Văn Lung. Dường như thời tiết muốn thử thách sự chuyên cần của tôi đây mà. Nhưng bấy nhiêu hạt mưa, bấy nhiêu đèn đỏ trong khởi sự học tiếng Pháp của tôi đã thấm gì so với những tréo ngoe trong sự học tiếng Pháp của cụ Phan Khôi? Phan Khôi là người hiếm hoi trong thế hệ của cụ chịu học tiếng Pháp để không bị thời thế bỏ lại. Nhưng sự học của cụ luôn bị dang dở, lúc vì tù tội, lúc vì thầy chết, lúc vì bận việc gia đình. Cụ lớn tuổi mà không hề ngại khi ngồi chung lớp ấu nhi, mới vào cụ đội sổ, mà chỉ sau hai tháng cụ đã lên đứng đầu. Có một người như cụ Phan là tấm gương về sự học tiếng Pháp, tôi thấy những rắc rối hôm nay chẳng là gì.
Thực tế là tôi háo hức đến mức, trong lúc chạy xe đến lớp, tôi cứ tưởng tượng giả sử giáo viên hỏi mỗi người vì sao lại học tiếng Pháp, thì tôi có thể trả lời một cách rất nhanh mà không cần nghĩ ngợi. Tôi muốn học tiếng Pháp là vì tôi muốn hát được Non, je ne regrette rien của Edith Piaf, Ne me quitte pas của Jacques Brel, Je t’aime của Lara Fabian, Comme toi của Jean-Jacques Goldman và cả C’est toi của Lam Phương nữa. Tôi muốn một ngày có thể xem Climax (2018) của Gaspar Noé hay Jonas (2018) của Christophe Charrier mà không cần phụ đề. Tôi muốn một ngày có thể đọc nguyên tác của Balzac, Proust, Lévi-Strauss hay Foucault. Tôi muốn tìm lại những dấu tích của một thời Đông Dương qua tài liệu Pháp văn. Tôi muốn đọc Phạm Duy Khiêm, Cung Giũ Nguyên, Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Văn Ký, Linda Lê và những nhân vật Việt Nam khác đã dự phần vào cái nền văn chương francophone. Tôi cũng muốn được học ở Université de Toulouse, nơi mà nhiều người Việt đã từng học. Nhưng nếu tôi nói ra như vậy thì sẽ thành đao to búa lớn, mà tôi vốn hiểu rõ mình là một đứa cả thèm chóng chán, bằng chứng là tôi cũng từng bắt đầu học tiếng Quan thoại với những lý do tương tự mà chẳng đủ kiên trì để học tiếp lớp thứ hai, nên thôi có lẽ tôi sẽ giữ cho riêng mình biết vậy.
Tôi đã đến kịp trước khi anh thầy giáo vào. Tôi cứ thấy các anh học Pháp văn có vẻ gì đó hao hao nhau nhỉ: PVQ, CVD. Phải chăng muốn học tiếng Pháp giỏi thì phải cao gầy, thư sinh nho nhã? À không đâu, nếu thế thì chắc ông Nguyễn Văn Vĩnh của chúng ta sẽ dốt tiếng Pháp lắm luôn.
Đến hôm nay tôi mới biết từ “ông”, tức “mr” trong tiếng Anh, mà các cụ phiên âm ngày xưa là “me sừ” thực ra viết là monsieur /mə.sjø/.
Tên người Pháp có thể rất dài, nhưng vẫn có hai thành phần quan trọng nhất là họ và tên (nom et prénom). Khi gọi ai đó một cách trang trọng, thường trong thư tín, thì mình đặt họ của họ (nom de famille) vào sau monsieur. Chẳng hạn như monsieur Deleuze hay monsieur Sartre.
Còn “bà”, tức “mrs”, trong tiếng Pháp là madame. Theo anh thầy nói thì vào thập niên 90 ở Pháp có tranh cãi về việc vì sao với đàn ông chỉ có monsieur, còn với phụ nữ thì lại phân biệt thành madame và mademoiselle? Như vậy là người ta phân loại, sắp đặt phụ nữ dựa trên mối quan hệ của họ với đàn ông à? Là l’objectification chứ còn gì nữa? Hẳn là vụ tranh cãi này rất có liên quan đến féminisme và madame Simone de Beauvior. Nhưng trong khi tiếng Anh có một cách giải quyết khá đơn giản là dùng “ms” cho mọi đối tượng phụ nữ trong các văn bản hành chính, dù cho họ đã kết hôn hay chưa kết hôn, thì người Pháp có lẽ khó giải quyết hơn, phần vì madame và mademoiselle có quá nhiều khác biệt trong cách viết lẫn cách phát âm, phần vì mỗi từ đều có những connotation riêng. Có lẽ phụ nữ Pháp sẽ đi vào double standard (deux poids, deux mesures) nếu họ vừa muốn được cánh mày râu nhìn nhận như một cô gái chưa chồng trẻ trung (mademoiselle) lại vừa muốn độc lập khỏi mọi cái nhìn của đàn ông.
Một đặc điểm của tiếng Pháp mà mọi người học lớp vỡ lòng đều biết, đó là tiếng Pháp có sự phân biệt giữa langage familier và langage formel, tức là phân biệt về ngữ cảnh thân mật, suồng sã và ngữ cảnh tương kính, trang trọng. Khi gọi một người thân thì gọi là tu, khi gọi một người sơ giao thì gọi là vous.
Những từ như monsieur, madame hay mademoiselle đều là những từ thuộc langage formel. Trong langage formel, người ta chào bằng bonjour hay bonsoir à tous; người ta hỏi tên nhau bằng vous vous appelez comment; người ta hỏi thăm sức khỏe nhau bằng vous allez comment, và đáp lại bằng je vais bien. Merci. Et vous; người ta chào tạm biệt bằng au revoir.
Còn trong langage familier, người ta chào gặp nhau lẫn chào chia tay bằng salut (hoặc coucou); người ta hỏi tên nhau là tu t’appelles comment; người ta hỏi thăm sức khỏe bằng çava và đáp lại là Oui, çava. Merci. Et toi? hoặc Non, ça ne va pas.
Tôi tự hỏi, sự phân biệt thân sơ này nói lên điều gì về người Pháp? Đây cũng là một đặc tính nổi bật trong một số ngôn ngữ khác, bên cạnh sự phân biệt về giống đực giống cái hay sự phân biệt tuổi tác. Ở Việt Nam có phân biệt thân sơ không? Tôi chỉ nhận thấy có một đặc điểm nổi bật trong tiếng Việt là vai vế, thứ bậc trong kinship (parenté) rất được xem trọng. Chú thì khác với bác, cô thì khác với dì. Đặc điểm này nói lên điều gì về người Việt? Những câu hỏi này có lẽ một lúc nào đó tôi sẽ suy nghĩ để tự trả lời.
Nhưng dù thân hay sơ thì văn hóa Pháp, cũng giống như Ý hay Anh, dường như rất thoải mái trong các tiếp xúc cơ thể. Khi xem Call me by your name (2017) của Luca Guadagnino, tôi cảm thấy rất hứng thú khi người Ý họ ôm hôn nhau một cách thật tự nhiên bất kể là nam hay nữ. Trong sự gặp gỡ của người Pháp, sau khi đã chào hỏi, đã nói enchanté thì sẽ có faire la bise, tức là hôn má. Ở Việt Nam mà bạ đâu cũng faire la bise thì có khi lại bị kết tội phạm thượng ngay. Cũng tương tự, người già ở phương Tây mà còn son phấn và đi “dẫy đầm” thì người ta bảo là biết sống, còn người già ở Việt Nam thì chắc sẽ bị bảo là mất nết. Dường như ở Việt Nam mỗi người đều phải ở yên cái vị trí của mình đi, chứ nhoi nhoi khác người là coi chừng bị lên thớt.
Còn một đặc điểm khác của tiếng Pháp mà anh Duy nói, đó là khi phát âm, khẩu hình luôn phải giữ chậm hơn luồng hơi vài nhịp. Điểm này thấy rõ khi phát âm âm /y/ trong từ tu. Theo IPA thì âm này cũng chính là âm đã xuất hiện trong tiếng Quan thoại, như trong từ 去 (bính âm là qù). Đây cũng lại là một điểm mà tôi nghĩ có liên quan gì đến tính cách Pháp không?
Tôi nghĩ giả sử tôi đã học tiếng Pháp từ những 10 năm trước thì chắc cái lúc con bé đồng nghiệp nọ bày đặt học vẹt cách hát hai câu đầu của bài La vie en rose (Des yeux qui font baisser les miens/ Un rire qui se perd sur sa bouche), tôi đã chỉnh cho một phát để nó lé mắt chơi. Và tôi đã sẽ không đọc tous les jours là “tua lờ giua” mà sẽ đọc đúng như cách đọc của nó, cũng như sẽ gọi món croissant một cách thật tinh tế và trang nhã như đúng cách phát âm của nó.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất