Cậu ạ, việc miêu tả tình yêu nam nữ trong trời thu Hà Nội nó cũng giống như việc tìm ra một câu so sánh đèm đẹp trong văn của Flaubert: chúng dễ dàng, đương nhiên, thừa mứa và chẳng phục vụ mục đích gì. Người ta nói về chúng nhiều đến buốt cả họng, viết về chúng nhiều đến nhàu cả giấy, nhưng những nhà phê bình văn học và những người Hà Nội vẫn đau đáu viết về chúng và vẫn khoan khoái với thành tựu của mình như một cái gì đó thật mới mẻ. Ừ thì cũng chẳng sai vì thu Hà Nội đẹp thật (còn văn Flaubert thì khỏi bàn). Nhưng cái vẻ đẹp thu Hà Nội để làm phông nền cho tình yêu nam nữ ấy, nó được nói đến thật nhiều rồi, và cậu ạ, sẽ thật buồn nếu có vị khách đến chơi Hà Nội chẳng vào mùa thu và cũng chẳng đi tìm tình yêu. Nhỡ họ chẳng được đón bởi những làn gió mát the the trên đường Phan Đình Phùng hay tận hưởng được thoang thoảng mùi hoa sữa Nguyễn Chí Thanh thì thật là buồn. Buồn cho cả người tả về Hà Nội và người đến thăm.
Này nhé, giả sử cậu, một anh bạn từ miền trong ra Hà Nội vào mùa xuân thì sao? Người Hà Nội nói chung ghét trời nồm. Họ có thể nói về hoa đào cành quất, về cái rét nàng Bân rất mơ và về cái Tết phố phường vắng tanh, ý nhị nói tác giả Hà Nội chẳng cần về quê… Nhưng những thứ đó chỉ là một vài sự kiện lặt vặt. Cả mùa xuân đâu chỉ gói gọn trong mỗi Tết và nàng Bân, phỏng? Vậy chứ, ta mời gì một người bạn cũ trong cái tiết trời ai cũng ghét?
Đầu tiên là bữa sáng. Tôi sẽ dẫn cậu đi ăn một bán bún thang. Tôi nghĩ đơn giản: Phở Hà Nội nổi tiếng thì nổi thực, nhưng mà người Nam Định sẽ cự nự cái xuất xứ, cái hương vị, còn phở Nam lại cũng có cái ngon riêng. Bảo phở là hồn tuý của Hà Nội thì cũng được thôi, nhưng tôi luôn thấy bún thang hợp với cái danh đó hơn. Tại sao thế nhỉ? Chúng ta hãy cứ ăn đã, tôi không cho rằng nơi ăn uống cần nói gì nhiều. Tôi biết một hàng bún thang gần chỗ chúng ta sắp đến. Nó nằm trên ngõ Bảo Khánh, bán kèm xôi gà. Bát nào cũng bé bé xinh xinh thôi, giá thì giờ bớt xinh hơn trước nhưng vị vẫn khá dễ chịu. Bà chủ quán vẫn ngồi đó mọi sáng, từ lúc tôi còn bé tý cơ. Người ta sành nghề thì phải đổi làm gì, phỏng?

Bình thường tôi sẽ ăn một bát bún và một bát xôi gà, nhưng thôi tuỳ cậu. Xôi ở đây khá ngon, trứng luộc xong rán vỏ ngoài rất giòn. Có lần trước tôi gọi patê hơi lạnh một chút, có lẽ cậu nên tránh thôi, còn đâu thì chẳng chê vào đâu được. Cứ ăn đi, tôi sẽ chẳng nhìn đâu: bên cạnh là một cửa sổ hoa giấy, hoa nở lún phún xuân. Cây hoa cũng lớn rồi, chườm xuống cả lan can.

Tôi nghĩ đồ ăn ở đây hợp với trời kiểu này. Trời nồm nồm ẩm ẩm như muốn khóc còn đồ ăn thì gãy gọn và dịu dàng. Chẳng bị quá nóng, hơi nước nhoè cả kính cậu lên. Chả bị quá nguội, ăn vào ẩm ẩm như nuốt phải thứ đồ để qua đêm. Nó dịu dàng và nhẹ nhõm.

Và giờ là món chính. Nó ở ngay kia thôi, một quán nước bên trên ngõ Bảo Khánh một tý. Tôi đến đây không phải mỗi ngày nhưng cũng hàng tuần. Quán nước nhỏ chẳng có gì đặc biệt, nhưng quen rồi thì vui. Bà cụ chủ quán già như chính Hà Nội, những nếp nhăn dài, sâu và xiên như những con phố cổ. Cụ ngồi thụt vào trong căn buồng nhỏ nơi ánh nắng không chiếu đến. Quầy hàng nhô ra, có đủ những thứ cậu sẽ hy vọng ở một quán trà đá. Trà đá (đương nhiên), bò húc, coca, vối, kẹo lạc. Cụ còn bán trứng luộc, trứng của cụ luộc rất tới. Bán cũng chạy lắm, nên nếu còn thì thật là may mắn… Nhưng chúng ta tới đây vì một thứ quà khác: Ấy là thuốc lào.

Mình hãy chia nhau một bi thuốc lào. À, đấy cũng là cái hay của việc đi với một thằng bạn. Có mấy cô gái sẽ chịu chia một bi với cậu trong buổi hẹn đầu tiên? Cậu nói đó là những cô gái phải níu giữ? Có thể, chuyện đó lúc khác hẵng, nhưng giờ chỉ có cậu và tôi, tôi sẽ châm cho cậu. Cậu hỏi bật lửa ở đâu? Cả quán sẽ ồ lên cười: Ở đây chúng tôi không làm như thế.

Thật ra nếu hỏi, bà cụ cũng miễn cưỡng cho cậu mượn bật lửa. Nhưng “Hà Nội xịn” thì chúng tôi châm một thanh gỗ ép mỏng vào chiếc đèn dầu đang liu riu cháy. Rồi chúng tôi hơ qua trên bi thuốc lào vón dày, hơ cũng phải thật mau thật đều vì gỗ cháy nhanh. Tại sao chúng tôi phải làm những thứ phức tạp như thế, và làm như vậy thì có gì Hà Nội? Nhưng mà bạn ơi, điếu đã nâng lên rồi và tôi cũng đã hút mồi một hơi, sao cậu cứ để tôi đợi?

Trong lúc cậu hút, tôi sẽ nói gì đó. Ví dụ, bi nhìn dày thật, nhưng thuốc Hàng Gà êm và mềm, không “gắt” như thứ thuốc lào Thanh Nghệ. Cảm giác phê, ừ thì vẫn đắng họng đấy, nhưng mượt hơn và chậm chậm tê tê, tự tôi thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Đúng không cậu? Hút xong rồi thì làm hớp nước vối ở đây, bình tĩnh đừng ngã. Còn nói gì nữa nhỉ? À, cái vụ châm. Bà cụ sợ mất bật lửa, người già rồi nên giữ lắm, tôi sẽ thì thầm với cậu thế. Nhưng cậu lại hỏi, châm bằng một thanh gỗ ép vào đèn dầu thật chẳng dễ dàng gì và cũng có nhiều cách giữ bật lửa hơn, thế tại sao họ lại làm như vậy?

Lý do thì nhiều, nhưng như những thằng tiểu tư sản nhàn rỗi ngồi quanh cái ống điếu, chúng ta hãy huyên thuyên một chút. Tôi nghĩ, cậu có thể thấy nó như một thứ rất Hà Nội. Châm bằng thanh gỗ ép vào đèo dầu thì khó thật, nhưng nó bớt mùi gas từ bật lửa. Tương tự với châm xì gà ấy. Thậm chí là chẳng có mùi gas đi, tại sao họ lại làm vậy? Tôi chỉ có thể trả lời, bởi vì họ có thể. Bởi vì họ tự làm cái thú thưởng thức của mình phức tạp thêm một chút, cầu kì thêm một chút. Bởi vì đấy là một thứ ngốc nghếch rất Hà Nội.

Lúc nãy tôi có nói chuyện bát bún thang. Bún thang cũng vậy. Tự thân nó thì chẳng có gì: Thịt gà, trứng rán, củ cải, giò và nấm hương, cơ bản là vậy. Cậu cũng có thể suy tính nó như một món đồ thừa, một món “thập cẩm” sau những ngày giỗ Tết lễ lạt đi. Nhưng, điều tôi cho rằng khiến nó “Hà Nội” hơn tất thảy, ấy là sự cầu kì trong khâu chế biến: trứng phải rán mỏng dính và thái thật đều, giò và cải cũng tương tự như vậy. Nước không chỉ là nước gà, mà còn thêm cả nấm hương…. Bản thân cái món chẳng có gì, nhưng sự cầu kì, sự “kĩ” mà nói nôm na ra là cái sự “tự làm khó” của người Hà Nội mới biến nó thành một món ăn kinh điển Hà Nội. Chẳng thế mà ngày xưa có ông nhà văn Hà Nội, nghèo thì nghèo đấy nhưng ăn con chim sẻ nhất quyết chỉ ăn đúng cái chân!

Tôi cho rằng, đó là sự “tử tế” của người Hà Nội, một trò chơi riêng giữa người với người. Họ có thể hơi kênh kiệu và màu mè, và thật ra tôi chẳng biết làm sao mà họ lại như vậy, nhưng họ có một sự tử tế theo đúng nghĩa ngôn ngữ nhất của nó. Tử tế là gì? Tử là nhỏ, tế là những việc tốt. Vậy tử tế là những việc tốt nhỏ. Người Hà Nội nói chung thích làm những việc tỉ mỉ và cầu kì, một kiểu tự tăng độ khó cho chính mình kể cả khi họ không khá khẩm gì cho cam.

Tôi cho rằng, viết về Hà Nội cũng phải như vậy. Tôi tự muốn viết về trời nồm, vì trời nồm thật là khó để yêu. Viết về thu thì dễ quá, trời thu Hà Nội đẹp và cao, ai cũng nhìn rộng được và thật dễ tưởng tượng. Nhưng, tôi trộm nghĩ, viết về một điều khó yêu, một điều cần sự quan sát chú ý nhất định mới cảm được… chẳng phải nó cũng có tinh thần “tự làm khó” hơn hay sao?

Tôi chẳng dám cho mình là một ai đó yêu Hà Nội hơn mọi người. Tôi chỉ nghĩ, tôi có thể dẫn cậu đi loanh quanh mà không bị buồn hay khuôn mẫu quá. Sự khuôn mẫu đó làm tôi phát ngấy lên được. Cậu thấy không, ngay trong chính văn viết về Hà Nội, họ lại muốn chạy trốn khỏi Hà Nội. Họ muốn tận hưởng Hà Nội chỉ trong vài ngày thu ngắn ngùi và nhất quyết chẳng cho rằng Hà Nội có gì ngoài những cái trời se se lạnh và những con phố heo may và những cung đường đầu bóng râm… Họ là người Hà Nội hay không tôi không biết, nhưng họ dường như không sống ở Hà Nội với đủ nữhng thứ lấm lem và những trời nồm và những buổi trư dài oi ả và những cơn mưa hè không bao giờ ngớt… Họ, những người viết hiện đại, muốn trốn vào trang giấy, một sự thủ dâm với cái “Hà Nội mùa thu” của mình với dày đặc những khuôn mẫu cùng những đặc tính lặp đi lặp lại… Ai mà đánh giá được chứ, nhưng tôi thì tôi mệt mỏi lắm.

Tôi không cho rằng mình khá hơn chút nào, nhưng việc đó hãy để cuối cuộc hành trình của chúng ta. Cậu hỏi rằng, chúng ta sẽ đi đâu? Đi đâu nữa, trong tiết trời mịt mù ẩm này. Bất kì hàng ăn nào cũng sẽ đầy những cáu bẩn trơn trượt và ẩm nồng, một hàng là quá đủ. Đi… về nhà thôi!

Tôi thích phát điên lên được cái mùi cái vị của một căn hộ tập thể trong tiết trời nồm. Nó không thơm, xin được nói trước. Nó nồng nồng hôi, bí khí dù trong nhà đã mở toang toàn bộ cửa nẻo. Nó khiến sàn nhà phồng rộp lên như những đụn đất nhỏ giữa phòng. Nhưng nó có gì đó… thân thương ở đấy. Ở cái mùi cơm nấu vừa sôi, từng đoạn khói bốc lên ngà ngà trắng, đặc quánh, quyện vào nhau và lan ra hết cả căn nhà. Mùi một món thịt, có thể là thịt rim nước mắm chăng, cũng quyện vào luôn, mời gọi đến bên mâm cơm… Và thịt chó. Có thể tôi sẽ mua một dĩa thịt chó về. Thịt chó nóng, chó hấp ăn cái trời này là nhất khoảnh. Nhưng nếu cậu không ăn thì tôi cũng chẳng ép được. Tôi chỉ muốn nói là, ngay cả cách nấu thịt chó, xưa kia người ta cũng nấu theo một kiểu khác, một thứ cầu kì “không phải lối” rất dễ thương… Nhưng thôi, nếu nó phản cảm quá thì hãy quay về chủ đề thời tiết và văn học.

Đây là điều tôi đặc ghét ở những bài văn Hà Nội mùa thu. Tại sao người ta cứ phải đi ra ngoài? Tại sao người ta cứ phải tìm trốn khỏi căn nhà của mình để tận hưởng Hà Nội như một cái gì đó xa vời và ngoài cơ thể, chẳng liên kết gì tới ta và lại một lần nữa giấu cái sự trốn tránh yếu ớt đó trong con chữ? Người ta chạy trốn hai lần: Chạy khỏi nhà mình và chạy khỏi Hà Nội thực tế. Người ta trốn vào một thứ thu Hà Nội trong vắt và không dịch chuyển và hoàn mỹ. Nhưng chính sự tồn tại của thứ văn hoàn mỹ, dễ nuốt và mê muội đó lại một lần nữa đại diện cho thế giới tồn tại ngoài kia, rằng nó phải có cái gì đó hơn nữa, phải có cái gì đó thật sự “Thu”, thật sự “Hà Nội” ngoài cái không gian kia để mà người ta hớt hải tìm, hớt hải hy vọng…

Hớt hải có lẽ đúng. Người Hà Nội hiện đại hay bị vội, đèn đỏ thường còn ba giây đã vượt. Cả thời tiết cũng thế. Cả khách lẫn cư dân (trung lưu), ai ai cũng cầu nguyện cho mùa thu mau đến và mùa đông sớm lạnh. Họ nghĩ rằng, nếu những áng văn kia là thật, phải có cái gì đó sau đó nữa và khắc khoải hơn nó nữa. Họ đi tìm một Hà Nội văn chương nào đó, tìm một cách lẩn tránh khỏi oi ả trời hè và nồng ẩm trời xuân để hưởng thụ nó.

Tôi nghĩ thế là không hay. Dẫn bạn về nhà chơi có gì là xấu? Ngôi nhà cũng như chính con người chúng ta, nó thể hiện ra toàn bộ những thứ tốt đẹp cũng như ẩu tả. Chúng ta vận một bộ đồ đẹp đi gặp bạn gái giữa trời thu, nhưng ở đây, như anh em bạn bè, chúng ta có thể mặc quần đùi gác chân lên ghế và cho nhau những câu chuyện nhảm nhí nhất.

Chẳng có gì là không “Hà Nội” trong những thứ đó cả. Cậu có biết, bài hát “Những Ánh Sao Đêm” được sinh ra khi Phan Huỳnh Điểu cảm khái chính những khu tập thể này? Những bài hát, những cách sống, những cách nghĩ, những tự sự… Những điều đó làm nên vẻ đẹp của Hà Nội vậy. Tôi thì cho rằng nó nằm trong chính sự cầu kì và tử tế trong cách họ đối xử với nhau, đối xử với đồ ăn, thức uống. Người khác thì thích thu Hà Nội. Người nữa lại bảo bọn tôi là những thằng tiểu tư sản lưu manh, không nhìn thấy gì được ngoài chính bản thân bọn mày, và chúng ta phải hiểu cảm giác của những người nghèo… Tôi chả quan tâm. Tôi thấy Hà Nội là tất cả những thứ đó, những tự sự đan xen va đập vào nhau. Tôi chỉ sợ và ghét khi người ta nói về thu Hà Nội như một cái gì đó vĩnh hằng và duy nhất, và tôi ghét khi người ta sử dụng Hà Nội như một tấm phông nền uỷ mị cho tình yêu trai gái. Những thứ đó không về Hà Nội, những thứ đó như để tán gái thì đúng hơn. Nhưng kể cả thế, nó vẫn nên tồn tại, và thay vì bảo mọi người đừng viết như vậy nữa, tôi đã thử viết mấy dòng này, thử “phản” lại ý tưởng về Hà Nội đó. Tôi nghĩ, văn cũng như đời sống đô thị, nó phải đa ngôn đa diện vậy.

Tôi có thể dẫn cậu đi thêm: thật ra, cậu thấy không, tôi đã bỏ qua hẳn cả nửa ngày. Tôi có thể dẫn cậu đi nhiều chỗ nữa, và tôi cũng định viết về mùa hè. Mùa hè oi còn tệ hơn mùa xuân nồm. Nhưng không, chúng ta sẽ dừng lại ở đây, bởi vì…

Cậu không có thật. Cuộc trò chuyện này không có thật. Tôi cũng không có thật. Tôi và cậu sẽ biến mất ngay khi tôi chấm câu kết thúc câu này và như vậy một bài viết về phản – thu Hà Nội sẽ trở thành một bài viết thủ dâm của tác giả cũng như hàng ngàn hàng vạn bài viết khác của những người trung lưu thanh niên buồn bã và sến súa và tôi sẽ không bao giờ không bao giờ hiểu được những con người khác hay cách nhìn của họ về Hà Nội và tôi sẽ phải sống Hà Nội và tôi sẽ ghét nó chứ chẳng thể yêu nó mọi lúc như tôi tuyên bố trong bài và chính vì vậy nó sẽ biến thành một bài viết thủ dâm tiểu tư sản chẳng khác gì những bài viết về thu Hà Nội kinh tởm khác nhưng tôi sẽ sống, vâng, tôi sẽ thật sự sống, sống ở Hà Nội, dù có tự xưng là một người Hà Nội hay không, vì Hà Nội vẫn đang sống, nó đang sống mà, sao chúng ta lại giết nó sao chúng ta lại biến nó áp nó vào con chữ như một chiếc lá bàng thu trong quyển sổ mùa hè sao chúng ta lại phải cố gắng yêu trời nồm sao chúng ta phải thủ dâm chính mình qua những con chữ sao chúng ta không thể yêu nó yêu nó yêu nó ra ngoài kia và yêu nó và yêu những con người của nó và yêu đường phố của nó và yêu sự sống của nó và đấu tranh co sự phát triển sự đa ngôn sự tồn tại của một thành phố.

Đây là Phản - Thu Hà Nội. Lần tới, để mọi thứ khó khăn hơn, tôi sẽ dẫn cậu đi chơi Hà Nội vào giữa mùa hè oi nhất, có được không?

Đọc thêm: