Đã từng có cuộc đối thoại như thế này giữa tôi và ba.
"Mày còn nhớ ông ngoại tại sao mất không ?"
"Ông nghèo không có tài sản để lại, nên bị cậu thím lạnh nhạt, bệnh rồi mất."
"Thế còn ông nội ?"
"Chú út làm ông giận, nên qua đời."
"Thế ông nội có nghèo không ?".
Thở dài, ông vỗ vai tôi mà nói: "Hai người đó mất vì có những đứa con bất tài!"

Vài câu chuyện về những kẻ "hiếu thảo":

Chuyện của ông ngoại

Ông ngoại từng là y sĩ cho Pháp, dành dụm được đôi ít, tài sản vật chất lớn nhất là ngôi nhà mặt phố ở Sài Gòn. Vì vài vấn đề mà gia đình bên ngoại phải bán đi căn nhà ấy. Tôi lúc đó còn quá nhỏ để ý thức được chuyện đó đau lòng đến đâu, chỉ nhớ các cô cậu cãi nhau rất to, mẹ khóc, ba thì chỉ lắc đầu thở dài nói với anh em tôi rằng: 
"Ráng mà nhìn cho kĩ, không phải lúc nào cũng thấy đâu, sau này lớn lên phải đủ bản lĩnh để không phải mất mặt vì vài đồng bạc của ông bà già."
Rồi thời gian qua đi, sức khỏe ông dần yếu đi, không thể đi lại bình thường được nữa, cô cậu lại bắt đầu cãi nhau về việc ai sẽ trông nom ông. Sau vài lần "trung chuyển" trách nhiệm, ông qua đời trong sự vô tâm của những người lạ cùng máu mủ.

Chuyện của Gia Gia

Gia gia, cách mà tôi vẫn gọi ông nội khi bé, là một hiệu trưởng của một trường cấp ba, cuộc sống cũng dư giả, có tiếng nói trong gia đình. Rồi vài việc bất nhẫn nào đó về chú út khiến ông nổi giận mà cũng lâm bệnh qua đời. Như kết cục của tất cả câu chuyện dễ đoán khác, lũ con "hiếu thảo" lại lao vào nhau, tranh giành từng cắc lẻ của cha chúng. 
Ba đứng đó không nói gì cả, nhìn tôi với ánh mắt đỏ hoe vì giận, đó là lần duy nhất tôi thấy ông khóc.
Chắc có lẽ cả đời Gia Gia đi dạy thành tài cho bao người, xem giáo dục là cả sự nghiệp, mà lại không thể dạy cho lũ con bản lĩnh như học trò của mình. Nực cười !

Tài sản "thừa kế" của tôi


Lúc nhỏ, có lần anh em tôi cùng đám nhóc trong xóm đá bóng, vô tình làm vỡ bình hoa, cả đám giải tán ai về nhà nấy, để lại hai chúng tôi ở lại gánh hậu quả. Hôm đó, chỉ riêng tôi là bị ba đánh đòn.
Những lần bị cô chủ nhiệm mời phụ huynh, ba đều không đến, cả mẹ cũng vậy, tôi bị cô phạt trực nhật suốt ba tháng liền.
Vào đại học, ba chỉ với một câu nói "Muốn học gì, ba bỏ tiền cho mày học!",  thế là bốn năm của tôi đã trôi qua bình lặng, vô lo không như bạn bè cùng trang lứa khác.
Lúc chụp ảnh tốt nghiệp, ba la tôi: "Đứng lưng cho thẳng coi !".  Câu mà ba vẫn thường nhắc tôi từ lúc nhỏ đến tận bây giờ.
Ra trường, tôi lao ra ngoài xã hội vật lộn với cuộc sống. Ba năm khoảng thời gian không quá dài nhưng đủ khiến tôi vài lần bị cuộc đời úp sọt tơi tả. Mỗi khi như thế, tôi lại trèo lên sân thượng nằm thơ thẩn nhìn trời hàng giờ, đến lúc tâm trạng ổn định trở lại. Có lần bước xuống thì thấy ba ngồi ở đó từ khi nào, rồi ba hỏi:
"Làm gì trên đó thế, ổn không mày ?"
"Mọi chuyện vẫn ổn ba !" . Tôi dặn lòng luôn và sẽ luôn trả lời như thế, cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, lòng tự trọng của gã trai mới lớn không cho phép tôi thừa nhận nó. 
Im lặng một lúc, ba nói: "Con trai thì đi đứng thẳng lưng lên !"
Vẫn câu nói ấy, nhưng lần này nó như đấm thẳng vào cảm xúc mới vừa bình lặng của tôi, gợn lên những làn xóng xô vào mắt. 
Thẳng lưng khó thật! Cần rất nhiều dũng khí mới có thể giữ cho lưng lúc nào cũng thẳng. Bao lần làm trái với ý nghĩ bản thân, bao lần sợ hãi, bao lần hoang mang đủ khiến dáng đi của thằng con trai thấp đi, và tôi cũng không ngoại lệ. 
Tôi ngậm ngùi kể ba nghe những lần tôi "cúi người", như là lần tôi và thầy cãi nhau bị đuổi ra khỏi phòng thí nghiệm và mất cơ hội, lần tôi thất vọng về bản thân, rằng tôi mâu thuẫn với bản thân như thế nào khi muốn dừng lại công việc hiện tại để làm nghiên cứu, rằng tôi thiếu dũng khí để đưa ra quyết định của mình. Ba nói:
"Ông nội trải qua chiến tranh vì sinh tồn mà sống, ba cả đời vì gia đình mà sống, tất cả chỉ để mong mày có thể vì mày mà sống, nếu như mày không thể sống vì mình, thì uổng phí cả hai đời người, con ạ !"
Tôi biết ba không giỏi ăn nói, chúng tôi giống nhau ở điểm ấy, nên rất ít cơ hội để có thể trò chuyện với nhau như thế, nhưng tôi biết bằng cách nào đấy hằng đêm ba vẫn lắng nghe mẹ kể lại tâm sự của tôi hằng ngày. Và ông có lẽ là người luôn biết tôi đang nghĩ gì.
Vài hôm sau, ba hỏi tôi chọn trường để đi du học, ông bảo: "Chi phí tao lo! Ráng mà thành tài nha mày !". Chả hiểu sao tôi lại khóc khi đó, có lẽ là xấu hổ khi từng tuổi này mà vẫn phải để ông lo cho tôi, hoặc có lẽ tôi biết đây là sự hỗ trợ cuối cùng mà ba có thể cho tôi lúc này, cơ hội thứ hai cho thằng bất tài như tôi chứng minh bản thân mình.
Tôi của hiện tại chắc chắn không giỏi giang như ba, người 17 tuổi đã dạt nhà lên Sài Gòn bương trải, tự tay cất cho mình một căn nhà riêng và mở tiệm kinh doanh của mình, chưa từng ngửa tay xin một đồng từ Gia Gia, cũng như chưa bao giờ để anh em tôi chịu thiệt thòi với lũ bạn dù chỉ một ngày. 
Nhưng lưng tôi luôn sẽ thẳng, tôi rồi sẽ lì đòn, sẽ bản lĩnh hơn ba, hay chí ít sẽ không hèn hạ như cách mà anh em ông đối xử với Gia Gia ngày đó.
Có lẽ tài sản quý giá nhất của ba để lại cho anh em tôi sẽ không phải là cơ ngơi của mình, mà là những trận đòn đau điếng dạy chúng tôi về trách nhiệm, là sự tôn trọng giá trị bản thân, là những lời nhắc nhở đơn giản đầy yêu thương, là cơ hội mà ông luôn sẵn sàng cho khi ông có thể, là hình tượng một người đàn ông có thể trở thành. Tất cả chỉ để thằng con ngỗ ngược của mình trở đứng thẳng lưng với đời. 
Thẳng lưng lên!