"prosperity"
"fluctuate"
"illustrate"
...
Nếu bạn có thể nhận ra các từ ở trên dễ dàng, thì có lẽ bạn đã gặp chúng ít nhất 1 lần trong các bài Writing và Reading của IELTS.
IELTS là một hệ thống bài kiểm tra về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh trải dài qua cả bốn kĩ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Với tài năng marketing tuyệt đỉnh, IELTS đã trở thành một trong những chứng chỉ đánh giả khả năng tiếng Anh của mọi học sinh Việt Nam. Và cũng vì thế, các trung tâm luyện thi IELTS mọc lên như nấm với nhiều lời hứa hẹn sẽ mang đến điểm IELTS từ 7.0 trở lên chỉ với vài triệu, đi cùng đó là hàng dài học sinh sẵn sàng bỏ vài trăm cho tới chục triệu để đi học cộng với 5 triệu đi thi để nhận được cái bằng hứa hẹn rằng sẽ mang tới nhiều "cơ hội" hơn.  
Bởi cái "cơ hội" và "danh vọng" mà IELTS lớn đến vậy, hàng trăm cộng đồng trên Facebook được lập ra với mong muốn chinh phục IELTS, hàng vạn trang web được ra đời để cung cấp các cách học IELTS đồng thời PR cho các trung tâm tiếng Anh, và cả hàng tá những kênh buôn bán dịch vụ dự đoán đề IELTS. Mỗi ngày lướt Facebook, không ít các trung tâm, giáo viên bị bóc phốt là làm giả bằng IELTS. Nhưng điều này chính là nguyên căn của thứ tôi gọi là "hội chứng IELTS" - hiện tượng thần thánh hóa bộ môn IELTS để chạy theo điểm số cho bằng bạn bằng bè, hoặc để khè thiên hạ. "hội chứng IETLS" không những khiến con người thay đổi tư tưởng về việc đánh giá học sinh, làm các học sinh ám ảnh, mà nó còn làm tha hóa cả một số thầy cô muốn tận dụng xu hướng "cuồng" IELTS của học sinh.
Tôi nhớ như in cái lần thi thử IELTS về điểm thấp lẹt đẹt mà ngồi khóc vì xấu hổ. Tôi nhớ mỗi lần tôi trầm trồ trước những người học vài ba tháng mà được điểm ngất ngưởng. Tôi thấy tủi thân khi mấy đứa bạn cùng lớp thì 8.0 8.5. Tôi thấy tình yêu của mình với ngôn ngữ này bị phủ nhận bởi một vài lần điểm kém. Tôi sợ khi mọi người nhắc đến chuyện thi lại để lên được 0.5 đến 1 band. Tôi tự ti khi một vài người đạt IELTS cao ngất ngưởng trong vài tháng. 
Nhưng có phải điểm cao sẽ đánh giá được khả năng của học sinh không? Một sự thật không thể phủ nhận là IELTS đang trở thành công cụ đo độ "thành công" của hầu hết học sinh Việt Nam. Chắc bạn sẽ không lạ gì với gương mặt trầm trồ của bạn bè nếu bạn nói bạn 8.0 IELTS. Và vài câu khen "giỏi thế," "đỉnh quá" với một người được 7.5 Writing thì cũng quá bình thường. Tôi cũng không có ý nói rằng họ không giỏi, cũng không định phân tích cấu trúc đề thi IELTS trong bài viết này. Nhưng với hiện tượng buôn bán đề tràn lan và sự chênh lệch độ khó giữa các đề, một tấm bằng IELTS thực sự KHÔNG thể đánh giá khả năng "giỏi", và thậm chí là khả năng tiếng Anh, của ai.