Học cách để trưởng thành và chín chắn bắt đầu bằng việc hiểu bản thân bạn thực sự xem điều gì là giá trị. Trở thành một người trưởng thành có nghĩa là gắn bó với những giá trị của bạn, ngay cả khi nó không giống số đông hoặc đơn thuần không mang lại lợi ích. 

---
Khi tôi lên bốn, mặc cho mẹ đã dọa trước, tôi vẫn để ngón tay lên lò nóng. Chiếc lò đỏ tươi mà tôi biết rằng thức ăn thơm ngon vẫn hàng ngày đi ra từ đó, quả là quyến rũ khó cưỡng. 
Ngày hôm ấy tôi có cho mình một bài học quan trọng: những thứ nóng thường thật tệ. Nó sẽ làm bạn bỏng. Vì thế bạn sẽ muốn tránh chạm vào nó một lần nữa. 
Cũng khoảng thời gian đấy, tôi có một khám phá quan trọng khác. Chiếc kem ngon lành mà bố mẹ tôi thỉnh thoảng cho ăn được trữ trong tủ đá, ở ngăn mà tôi luôn có thể dễ dàng với đến nếu đứng nhón lên bằng ngón chân. 
Một ngày nọ, khi mà mẹ đang ở phòng bên cạnh (tội nghiệp mẹ), tôi với lấy một chiếc kem rồi ngồi trên mặt sàn và bắt đầu ăn ngấu nghiến với đôi tay trần. Đấy là lần gần nhất tôi có cảm giác sung sướng tột cùng trong suốt cả thập kỷ. Nếu thực sự thiên đường có tồn tại trong đầu óc của đứa bé bốn tuổi, tôi hẳn vừa tìm ra nơi ấy. Sự hoàn hảo tới tột cùng. Danh sách mục tiêu nho nhỏ của tôi về chốn bồng lai dường như đã vừa được lấp đầy. 
Và khi cây kem bắt đầu chảy ra, tôi quệt nó lên khắp mặt, để nó nhỏ giọt lên chiếc áo phông, cứ thế đắm chìm trong sự ngọt ngào tuyệt diệu.
…rồi mẹ bước vào. Và địa ngục như đổ ập xuống - bao gồm nhưng không giới hạn việc tôi cần một lần tắm nữa. Tôi có thêm một bài học nữa ngày hôm ấy. Trộm cây kem và bôi nó ra khắp người cùng sàn bếp làm cho mẹ của bạn vô cùng tức giận. Và những bà mẹ nóng nảy thì thường rất kinh khủng và không mấy dễ chịu. Họ sẽ la mắng và trừng phạt bạn. Và ngày đó, cũng giống như lần với cái lò, tôi học điều không được làm. 
Photo: Unsplash
Nhưng còn có cả một bài học thứ ba được đúc kết. Một bài học đơn giản và vô cùng hiển nhiên nhưng thường không được nhận ra. Nhưng bài học ấy, thực tế lại quan trọng hơn nhiều so với những bài học khác: ăn kem thì ngon hơn bị bỏng.
Điều này dẫu có vẻ không làm bạn sửng sốt vì sự sâu xa nào, nhưng bản chất thì có. Bởi đây chính là một suy xét về giá trị. Kem lạnh thì tốt hơn là lò nóng. Tôi thích sự ngọt ngào trong miệng hơn là cảm giác bỏng rát trên tay. Đó là một khám phá về sự lựa chọn, sự ưu tiên. Đấy chính là kiến thức rằng có một thứ trên thế giới này được ưa chuộng hơn một thứ khác và sau tất cả, mọi hành vi của mỗi con người cũng là nhằm xem xét thực tế đó. 
Đây cũng chính là nhiệm vụ của đứa trẻ ngái ngủ bốn tuổi. Là khám phá liên tục. Để khám phá thế giới xung quanh chúng - để quyết định xem thứ gì làm nó cảm thấy tuyệt vời và thứ gì cảm thấy tệ, qua đó tạo ra những cấp bậc về giá trị dựa trên kiến thức có được. Kem tốt hơn là bị bỏng. Chơi với chó thì vui hơn là chơi với đá. Những ngày nắng thì tốt hơn là những ngày mưa. Vẽ thì vui hơn là hát. Những cảm giác của mãn nguyện và đau đớn này dần trở thành nền tảng cho mọi sự yêu ghét của chúng ta, dẫn lối ta trong cuộc sống và thực tế là đặt ra nền tảng cho điều sẽ trở thành nhân cách sau này. 

Lớn lên sẽ như thế nào?

Một người bạn của tôi từng miêu tả về việc làm cha mẹ như sau, “Cơ bản là chỉ theo dõi đứa bé trong một vài thập kỷ và đảm bảo là nó sẽ không bất cẩn giết chết chính mình. Rồi bạn sẽ ngạc nhiên vì số cách mà đứa bé ấy có thể khám phá ra để bất cẩn làm điều đó.”
Một người có thể nói rằng những đứa trẻ này luôn tìm ra được cách để bất cẩn giết chính mình vì bị thúc đẩy bởi một nguồn sức mạnh tiềm ẩn chính là sự tò mò vô tội. Khi còn nhỏ, chúng ta được định hướng bởi nhu cầu khám phá thế giới xung quanh, bởi bộ não của ta vẫn đang thu thập thông tin xem thứ gì làm ta hài lòng và thứ gì gây hại cho ta rồi thứ gì đáng để theo đuổi và thứ gì thì nên tránh xa. 
Nhưng dần dần, giai đoạn khám phá ấy cũng dần kết thúc. Không phải là chúng ta đã hết thứ để khám phá - thực ra là ngược lại. Giai đoạn khám phá ấy dần thu vén khi mà ta lớn lên, ta bắt đầu nhận ra rằng có quá nhiều thứ để khám phá. Quá nhiều thứ để tiếp thu. Bạn không thể chạm vào và nếm thử tất cả mọi thứ. Bạn không thể gặp tất cả mọi người. Bạn cũng không thể nhìn thấy mọi thứ trên đời. Có quá nhiều tiềm năng trên đời và sự vĩ đại trong chính sự tồn tại của mỗi chúng ta làm ta choáng ngợp. 
Vì vậy, bộ não của chúng ta bắt đầu tập trung ít hơn vào việc cố gắng để thử tất cả mọi thứ và thay vào đó tập trung vào phát triển một số quy tắc để định vị bản thân trong sự phức tạp vô hạn của thế giới xung quanh. Chúng ta áp dụng gần như mọi quy luật này từ bố mẹ và các giáo viên nhưng đồng thời cũng tự học hỏi đáng kể từ những trải nghiệm của chính bản thân mình. Ví dụ, sau khi lởn vờn đủ gần mấy ngọn lửa, bạn sẽ phát triển một quy tắc về tâm lý rằng mọi ngọn lửa đều nguy hiểm chứ không chỉ là lửa trong bếp lò. Và sau khi chứng kiến mẹ bạn phát điên lên đủ nhiều, bạn cũng sẽ bắt đầu khám phá ra rằng ăn trộm luôn là điều không tốt, bài học này không chỉ áp dụng với que kem.
Như một kết quả, một số nguyên tắc chung sẽ dần được tư duy tiếp nhận. Cố gắng để trở nên cẩn thận với những thứ nguy hiểm để tránh bị đau. Thành thật với bố mẹ và họ sẽ đối xử lại tử tế. Hoặc chia sẻ đồ ăn cùng anh chị em và rồi họ sẽ chia sẻ lại khi họ có.
Những giá trị mới này phức tạp hơn bởi tính trừu tượng hoá của nó. Những đứa trẻ bé thơ chỉ nghĩ “Kem thì thật tuyệt, nên mình thèm kem.” Những thanh niên thì nghĩ “Kem tuyệt thật đấy, nhưng trộm đồ sẽ làm bố mẹ cáu và vì thế mình sẽ bị trừng phạt; vì thế, mình sẽ không lấy kem từ tủ lạnh đâu.” Những thanh niên có thể áp dụng những thói quen và quy tắc vào hành động của mình theo cách mà một đứa trẻ không thể.
Như một kết quả, một thanh niên hiểu rằng việc chỉ thuần túy theo đuổi sự thỏa mãn và tránh né những nỗi đau có thể tạo ra vấn đề. Những hành động cũng luôn đi kèm với hệ quả. Bạn phải cân bằng giữa mong muốn của cá nhân và mong muốn của những người xung quanh. Bạn phải chơi theo luật của xã hội và những người có quyền hành và rồi bạn sẽ (thường là như thế) được tưởng thưởng.
Trẻ em -> Thoả mãn
Thanh niên -> Các quy tắc -> Thoả mãn
Điều này, thật vậy, chính là sự trưởng thành trong hành động: phát triển cấp độ cao hơn và sử dụng những quy tắc trừu tượng hơn để tăng khả năng ra quyết định trong phạm vi bối cảnh rộng lớn hơn. Đây là cách mà bạn điều chỉnh cho phù hợp với thế giới, học cách để xử lý những sự xáo trộn dường như vô tận của các trải nghiệm. Đây là một bước ngoặt nhận thức lớn cho những đứa trẻ, thứ vô cùng cần thiết để lớn lên theo một cách lành mạnh và hạnh phúc.
Khi còn là đứa bé đi chập chững, ta học cách nhìn thế giới theo kiểu nguyên nhân-kết quả. Của sự thỏa mãn và nỗi đau. Chạm vào lò nóng làm tay bị đau tức là điều ấy không hề tốt. Trộm kem từ tủ lạnh làm cơ thể thấy thỏa mãn, tức là điều ấy tốt. Và điều tốt thì tốt hơn là điều không tốt. 
Đây là lý do mà những đứa trẻ cũng chẳng khác gì các bệnh nhân tâm lý tí hon. Bởi chúng không thể tiếp thu điều gì trong cuộc sống ngoài sự thoả mãn tức thời hay nỗi đau ở một thời điểm cụ thể trong cuộc sống. Chúng không thể cảm thấy cảm thông. Chúng cũng không thể tưởng tượng cuộc sống của bạn ra sao. Chúng chỉ muốn một vài chiếc kem, NGAY LẬP TỨC!
Điều xảy ra khi chúng ta già hơn là ta bắt đầu hiểu rằng có những hậu quả phức tạp cho bất kỳ hành động đơn lẻ nào và rất nhiều trong số đó sẽ ảnh hưởng ta trực tiếp hoặc gián tiếp ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Những quy tắc chung và sự đánh đổi được hiểu như cách mà nhân quả vận hành. Bố và Mẹ sẽ tức giận nếu tôi trộm gì đó; vì thế, tôi sẽ không trộm, ngay cả khi thành quả khiến tôi thỏa mãn. Giáo viên sẽ phạt tôi nếu tôi nói chuyện riêng; vì thế, tôi sẽ không nói, ngay cả khi tôi muốn làm như thế. 
Photo: Unsplash
Kiến thức về sự thỏa mãn và nỗi đau vẫn luôn ở đó trong những đứa trẻ già hơn. Chỉ là, sự thỏa mãn và nỗi đau đó không còn quyết định hầu hết mọi lần ra quyết định như ngày xưa. Chúng không còn là nhân tố căn bản trong hệ thống giá trị của chúng ta. Những đứa trẻ lớn hơn so sánh giữa cảm xúc cá nhân của chúng với những hiểu biết về luật lệ, sự đánh đổi và các yêu cầu xã hội xung quanh để từ đó lên kế hoạch và ra quyết định. 
Đây là một sự cải thiện nhưng vẫn còn một điểm yếu trong cách mà những thanh niên tiếp cận với cuộc sống. Lúc này, mọi thứ lại đều được nhìn nhận như sự trao đổi. Những đứa trẻ lớn hơn và các thanh niên (và bao gồm cả một con số bất ngờ những người trưởng thành) nhìn nhận cuộc sống như chuỗi vô tận của những phi vụ tìm kiếm món hời. Tôi sẽ làm điều sếp tôi nói để tôi có thể kiếm được tiền. Tôi sẽ gọi cho mẹ của mình để mẹ không kêu la nữa. Tôi sẽ làm các bài tập về nhà để không huỷ hoại tương lai của mình. Tôi sẽ dối trá và tỏ ra tử tế để không phải dành cả ngày giải quyết những mâu thuẫn. 
Không có gì được hoàn thành chỉ bởi vì nó cần hoàn thành. Mọi thứ đều là một sự tính toán trao đổi, thường là hệ quả từ nỗi lo sợ của những hậu quả tiêu cực. 
Bạn không thể sống cả cuộc đời theo cách này, nếu không, bạn sẽ không bao giờ thực sự sống cuộc đời của bạn. Bạn sẽ chỉ đơn thuần sống như sự tập hợp mong muốn của những người xung quanh. Để trở thành một cá nhân lạc quan và vui vẻ, bạn phải phá bỏ chính thương vụ này và bắt đầu hiểu được những quy tắc trừu tượng cao cấp hơn trong cuộc sống.

Làm thế nào để trở thành một người trưởng thành

Khi bạn tìm kiếm “cách để trở thành một người trưởng thành” trên mạng, hầu hết những kết quả sẽ xoay quanh cách để chuẩn bị cho những buổi phỏng vấn, cách quản lý tài chính hoặc cách để không trở thành gã khốn bị mọi người thiếu tôn trọng. 
Những điều này đều rất tuyệt, thêm vào đó, đây cũng đều là những điều mà những người trưởng thành được kỳ vọng sẽ thực hiện. Nhưng tôi cho rằng những chỉ những điều trên sẽ không khiến bạn trở thành một người trưởng thành. Đơn giản là chúng ngăn bạn khỏi việc cư xử như đứa trẻ nhưng cũng không đồng nghĩa là trở thành một người trưởng thành. 
Bởi hầu hết mọi người thực hiện những công việc trên vì họ hành xử và trao đổi theo một cơ sở. Bạn sẽ chuẩn bị tốt cho một cuộc phỏng vấn bởi vì bạn muốn có một công việc tốt. Bạn học cách để dọn nhà sạch vì nó có những hệ quả trực tiếp lên sức khoẻ và cách mà những người khác nghĩ về bạn. Bạn cố gắng quản lý tài chính bởi nếu bạn không làm, sẽ có ngày bạn vuột mất cuộc sống sung sướng bạn đang có.
Việc thương lượng với những quy tắc và trật tự xã hội cho phép chúng ta thực hiện chức năng như một con người trong xã hội. Nhưng dẫu có lý tưởng hóa, theo thời gian, chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra rằng bạn không thể đi thương lượng được với cả thế giới, càng không nên phân loại mọi khía cạnh của cuộc sống như một chuỗi những thương vụ trao đổi. Bạn sẽ không muốn phải thương lượng với bố mình để có tình yêu thương hoặc với người bạn thân cho tình bạn hay với sếp để được tôn trọng. Tại sao? Vì cảm giác mà bạn phải cố gắng chi phối mọi người để họ yêu thương hay tôn trọng bạn là cái gì đó khá vớ vẩn. Nó phá hoại chính bản thân tình cảm đó. Nếu bạn phải cố gắng thuyết phục ai đó để yêu thương bạn, tức là họ không hề yêu thương bạn. Nếu bạn phải cố gắng phỉnh phờ ai đó để tôn trọng bạn, tức là họ không hề tôn trọng bạn. Những điều quý giá và quan trọng nhất trong cuộc sống đều là thứ không thể thương lượng được. Cố gắng làm điều đó chẳng khác nào huỷ hoại những giá trị này. 
Bạn cũng không thể bày mưu tính kế để có được hạnh phúc, điều đó là bất khả thi. Nhưng thường đây lại là điều mọi người cố để làm, đặc biệt là khi họ tìm kiếm những lời khuyên kiểu động viên hoặc phát triển bản thân phổ biến - cơ bản là họ đang nói “Hãy chỉ cho tôi luật lệ của trò chơi này và tôi sẽ chơi nó.” Trong khi không nhận ra thực tế là việc họ tưởng rằng có những luật lệ dẫn đến hạnh phúc thực sự lại đang ngăn cản họ khỏi việc được hạnh phúc. 
Mặc dù mọi người có thể cố gắng để định vị và tiến xa trong thế giới vật chất bằng cách thương lượng và thông qua những luật lệ, họ lại tê liệt và cô độc trong thế giới cảm xúc của mình. Điều này xảy ra bởi việc tôn thờ những giá trị trao đổi tạo ra những mối quan hệ độc hại - những sự kết nối xây dựng trên nền tảng của sự thao túng.
Khi bạn đạt được sự trưởng thành, bạn nhận ra rằng việc nhìn nhận các mối quan hệ và theo đuổi chúng như những thương vụ lấy đi mọi niềm vui và ý nghĩa. Rằng việc sống trong một thế giới mà mọi thứ đều cần phải thương lượng biến bạn thành nô lệ cho suy nghĩ và mong muốn của người khác thay vì việc được tự do theo đuổi những điều bạn mong mỏi. Để có thể đứng vững trên đôi chân, đôi khi bạn phải sẵn sàng đứng một mình. 
Tuổi trưởng thành cũng là sự nhận thức rằng đôi khi một quy tắc trừu tượng là hợp lý và tốt vì bản thân nó là như thế. Cũng giống như khi một thanh niên nhận ra rằng có nhiều thứ ở ngoài thế giới hơn là sự thỏa mãn và nỗi đau như cách một đứa trẻ ấu thơ hình dung, những người trưởng thành nhận ra rằng có nhiều thứ ở ngoài thế giới hơn là sự mặc cả không ngừng của những thanh niên cho sự ghi nhận, sự chấp thuận và sự mãn nguyện. Những người trưởng thành làm những điều đúng đắn vì lý do đơn giản rằng đó là điều đúng đắn, chỉ vậy thôi. 
Trẻ em - Thoả mãn
Thanh niên - Quy tắc - Thoả mãn
Người trưởng thành - Quy tắc
Một thanh niên sẽ nói rằng cô ấy đánh giá cao sự trung thực - vì cô được học rằng nói như vậy sẽ tạo ra kết quả tốt - nhưng khi phải đối mặt với những cuộc hội thoại khó khăn, cô sẽ thốt ra những lời nói dối trắng trợn, thổi phồng sự thật, vậy là thất bại trong việc bảo vệ chính giá trị bản thân mình. 
Một thanh niên sẽ nói rằng anh ấy yêu bạn. Nhưng khái niệm của anh về tình yêu chỉ là anh sẽ nhận ngược lại cái gì đó (có thể là tình dục), rằng tình yêu thuần tuý chỉ là một sự trao đổi về cảm xúc nơi mà mỗi người mang tới tất cả những gì đang có để trao đổi với người còn lại cho một phi vụ hoàn hảo nhất. 
Một thanh niên nói rằng cô ấy rất hào phóng. Nhưng khi cô phải giúp ai đó hoặc trao đi quà tặng, nó luôn được thực hiện một cách có điều kiện với suy nghĩ ngầm định rằng rồi cô sẽ nhận lại sau này. 
Một người trưởng thành sẽ thật thà rằng sự trung thực quan trọng hơn cả thoả mãn hay nỗi đau. Sự trung thực quan trọng hơn cả việc đạt được điều bạn muốn hay đạt được một mục tiêu nào. Sự trung thực vốn dĩ đã tốt và sở hữu giá trị từ chính bản thân nó. Một người trưởng thành sẽ yêu thương vô tư mà không kỳ vọng trở lại bất cứ thứ gì vì hiểu được đó là cách duy nhất có thể tạo ra một tình yêu thật sự. Một người trưởng thành sẽ luôn trao đi mà không kỳ vọng nhận lại bởi làm như vậy đã là huỷ hoại mục đích của việc trao tặng ngay từ đầu. 
Vậy là những đứa bé trộm kem vì nó cảm thấy điều đó tuyệt, hoàn toàn lãng quên đi hậu quả. Đứa trẻ lớn hơn thì không trộm kem vì nó biết hành động ấy sẽ tạo ra hậu quả tồi tệ hơn ở tương lai. Nhưng quyết định đó sau cùng cũng chỉ là một phần của thương vụ với chính cái tôi ở tương lai: “Tôi sẽ bỏ qua một số thỏa mãn lúc này để tránh những nỗi đau lớn hơn ở tương lai.” 
Nhưng chỉ có một người trưởng thành mới không trộm kem, vì một quy tắc đơn giản rằng trộm cắp là sai trái. Và việc trộm - ngay cả khi họ không bị lật tẩy, cũng sẽ là điều làm cho họ cảm thấy thất vọng vì bản thân. 

Giá như có nhiều người trưởng thành hơn trên đời

Giờ, tôi biết là bạn đang định nói gì, “Gượm đã nào Mark, nếu theo như định nghĩa của anh, hầu hết mọi người trên thế giới đều là một đống thanh niên ngu độn hoặc thậm chí tệ hơn là một đám trẻ con quá khổ.” 
Chà, xem nào. Gần đây bạn có nói chuyện với ai đó không? Về cơ bản, họ đều tệ thôi.
Photo: Unsplash
Đây là một sự thật đáng buồn: rất ít trong số chúng ta đạt tới sự trưởng thành. Còn ít hơn trong đó đủ sức trụ lại đấy. Tại sao lại thế?
Khi chúng ta còn thơ ấu, cách mà chúng ta học để chuyển tiếp qua hệ giá trị của thỏa mãn/nỗi đau (“kem là tốt”, “lò nóng không tốt") là thông qua việc theo đuổi những giá trị đó và xem nó làm ta thất vọng thế nào. Ta trộm kem, mẹ giận dữ và trừng phạt ta. Bỗng chốc, “kem là tốt" có vẻ như không còn chính xác như trước đó nữa - có vẻ như có thêm những điều khác cần phải cân nhắc. Tôi thích kem. Tôi cũng yêu mẹ. Nhưng lấy trộm kem sẽ làm mẹ buồn. Vậy tôi phải làm gì đấy? Dần dần, đứa trẻ phải tin tưởng vào thực tế rằng có những hậu quả ngoài dự tính của việc theo đuổi sự thỏa mãn và né tránh những nỗi đau. Điều này lí giải tại sao việc dạy dỗ từ sớm của cha mẹ lại vô cùng thiết yếu: áp dụng đúng những hậu quả cho những hành vi theo đuổi sự thoả mãn/né tránh nỗi đau của một đứa trẻ. Trừng phạt chúng vì trộm kem. Thưởng khi chúng biết giữ im lặng trong một nhà hàng. Bố mẹ khi ấy, về cơ bản, đang giúp con trẻ hiểu rằng cuộc sống phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ đơn giản theo đuổi những thoả mãn và né tránh nỗi đau. 
Những bố mẹ thất bại trong việc này về cơ bản đã thất bại từ bản chất trong việc nuôi dạy con cái bởi, khi mà đứa trẻ lớn lên, chúng sẽ nhận ra một sự thật sửng sốt rằng thế giới bên ngoài rõ ràng không mua vui cho những ước mong non trẻ. Điều này sẽ trở nên vô cùng đau đớn với những tâm hồn non nớt, đau hơn rất nhiều so với điều chúng có thể phải chịu nếu đã có những bài học ấy từ khi nhỏ hơn. Như một hệ quả, do phải học bài học này muộn hơn, chúng sẽ bị trừng phạt từ bên ngoài bởi những bạn bè đồng trang lứa, vì không hiểu được quy luật cơ bản đó. Sẽ không ai muốn kết bạn với một kẻ tự phụ ích kỉ. Sẽ không ai muốn làm việc với người không quan tâm tới cảm xúc người khác và thiếu tôn trọng các quy tắc. Một đứa trẻ không được dạy dỗ sẽ bị xa lánh và chế giễu vì hành vi của chúng trong thế giới bên ngoài, để lại những hậu quả còn tệ hơn cả sự chịu đựng và đau đớn. Các cha mẹ cũng có thể thất bại trong việc nuôi dạy trẻ theo một cách khác: bạo hành con cái. 
Một đứa trẻ bị bạo hành cũng sẽ không thể phát triển vượt ra khỏi hệ giá trị về sự thỏa mãn/nỗi đau bởi những sự bạo hành chúng phải chịu không tuân theo bất kỳ quy tắc tư duy nào và càng không củng cố thêm những giá trị sâu sắc, giá trị hơn. Đơn giản là những hình phạt ngẫu nhiên và tàn nhẫn. Việc trộm kem đôi khi để lại hệ quả là những cơn đau khủng khiếp. Nhưng cũng có lúc lại không để lại hệ quả gì. Vì vậy, không có bài học nào được rút ra cả. Không có giá trị mới nào được sản sinh. Và đứa trẻ sẽ không bao giờ học được cách điều khiển hành vi của mình. Đây là lý do mà những đứa trẻ bị bạo hành và những đứa trẻ bị bỏ rơi thường có kết cục chung khi bước vào tuổi lớn khôn: kẹt lại ở hệ giá trị thuở bé thơ. Tệ hơn, nếu sự bạo hành cực kỳ nghiêm trọng (hoặc đứa trẻ tương đối nhạy cảm), những nỗi đau liên tục này có thể ảnh hưởng đến tâm lý suốt đời đứa trẻ. Sự hiện diện ngày-qua-ngày của chúng sẽ luôn đi kèm với những sự thiếu tin tưởng và sợ hãi, chúng sẽ bắt buộc phải tìm kiếm sự thoả mãn để xoa dịu những nỗi đau tiềm ẩn. Đây là lúc mà sự cưỡng bách và những cơn nghiện được sản sinh. Rượu chè, tình dục, ma túy, bài bạc - khi lớn lên, những đứa trẻ này sẽ ngày càng lấn sâu vào những hoạt động như trên bởi nó cho phép chúng phân tâm khỏi chính bản thân, để quên đi trong chốc lát rằng bản thân là ai và đang phải cảm thấy thế nào. Rất nhiều đứa trẻ bị bạo hành trong quá khứ sẽ vô thức tìm kiếm sự bạo hành sau này trong những mối quan hệ ở tuổi trưởng thành vì một lý do đơn giản rằng việc bạo hành là điều duy nhất có ý nghĩa với chúng. Thậm chí, dần trở thành một định vị cho những con người này và họ cần sự bạo hành ấy để cảm thấy được là chính mình. 
Mọi người hay kẹt lại ở nấc thang giá trị thứ hai là tuổi thanh niên cũng bởi lý do tương tự, mặc dù những hậu quả thì đỡ nghiêm trọng hơn. Thậm chí, một số người còn làm tốt đến đáng ngạc nhiên trong những trò chơi thương lượng ấy. Họ có sức thuyết phục và lôi cuốn. Họ có khả năng bẩm sinh để cảm nhận điều người khác muốn ở họ và lão luyện trong việc đáp ứng nhu cầu đó. Thẳng thắn mà nói: họ quá giỏi trong việc thao túng người khác để đạt được điều họ muốn. Và bởi vì sự thao túng của họ không mấy khi thất bại, họ dần tin rằng đơn giản đây chính là cách mà thế giới này vận hành. Mọi người đều như vậy. Mọi người đều có thể bị thao túng và điều khiển. Tình yêu là thứ vớ vẩn. Niềm tin là một biểu hiện của sự yếu đuối. Lúc này, nó đòi hỏi những bậc cha mẹ và giáo viên tốt, những người sẽ không cho phép những thanh niên này gục ngã trước cám dỗ của những sự mặc cả và thương lượng. Đây là trách nhiệm của họ để chỉ ra cho những thanh niên thấy rằng kiểu hành vi này sẽ chỉ dẫn đến một guồng quay bất tận, rằng chỉ có thể nhận được đến thế từ thế giới bằng cách cố gắng để thương lượng với nó, rằng những giá trị thực sự trên đời chỉ có thể đạt được vô điều kiện và không phải bằng thương lượng. 
Cách tốt nhất để giáo dục điều này là thông qua những ví dụ. 
Cách tốt nhất để dạy một thanh niên về tin tưởng là tin tưởng chúng. 
Cách tốt nhất để dạy một thanh niên về sự tôn trọng là tôn trọng chúng. 
Cách tốt nhất để dạy ai đó về yêu thương là yêu thương họ. 
Thường thì nếu các bố mẹ và giáo viên thất bại trong việc này, điều ấy thường là bởi chính bản thân họ cũng đang kẹt trong cấp độ thanh niên xét về hệ giá trị. Bản thân những người dạy dỗ cũng nhìn thế giới theo cách của những thương vụ trao đổi. Chính họ cũng thương lượng tình yêu để đối lấy tình dục, sự trung thành lấy sự ảnh hưởng, sự tôn trọng lấy sự phục tùng. Thực tế, họ cũng thương lượng với chính những đứa trẻ của họ để giành được ảnh hưởng, tình yêu thương hay sự tôn trọng. Và chính kiểu mối quan hệ hời hợt giữa bố mẹ và con cái này lại sẽ được nhân bản khi mà những đứa trẻ bắt đầu có các mối quan hệ tình cảm của riêng mình. 
Một số thanh niên cũng kẹt lại ở nấc thang giá trị thứ hai vì một lý do tương tự với việc kẹt ở nấc thang đầu tiên: sự bạo hành và những chấn thương. Những nạn nhân của việc bắt nạt là một ví dụ đáng quan tâm. Một người đã từng bị bắt nạt trong những năm đầu đời sẽ bước vào đời với một sự ngầm định rằng sẽ không có ai yêu quý hoặc tôn trọng họ vô điều kiện, rằng mọi sự quan tâm đều cần phải đạt được đầy vất vả thông qua hàng loạt những cuộc hội thoại và hành động. Bạn phải mặc theo một cách nhất định. Bạn phải nói theo một cách nhất định. Bạn phải hành động theo một cách nhất định. Và cứ thế. 
Bước vào tuổi trưởng thành, những đứa trẻ này sẽ bước vào một thế giới với mặc định rằng mọi mối quan hệ đều là chuỗi những sự trao đổi tương xứng. Sự thân mật nào đó sẽ không có ý nghĩa gì ngoài một cảm xúc giả tạo của việc quen ai đó nhằm phục vụ mục đích chung của cả hai. Một lần nữa, điều này là bởi, trong thế giới đổi chác của trường phổ thông, người này đã bị đối xử không tốt và chịu bạo hành vì thực hiện những “phi vụ đổi chác” thất bại. Họ không ăn mặc đúng cách. Họ không phải là một đứa trẻ “ngầu". Họ bị điểm kém hoặc gặp phải khó khăn trong việc học tập hoặc hay ngại ngùng. Như một hệ quả, họ bị trừng phạt về mặt tâm lý trong hàng thập kỷ và cứ thế sống phần còn lại cuộc đời trong nỗi sợ không ngớt rằng sẽ lại làm hỏng một mối quan hệ đổi chác khác. Và thay vì nhận ra vấn đề chính là cách tiếp cận thế giới xung quanh theo kiểu những thương vụ đổi chác, họ ngộ nhận rằng cần thêm rất nhiều thời gian để họ có thể thực hiện những thương vụ đổi chác một cách thích hợp.
Có lẽ hơi cường điệu khi nói rằng Marilyn Manson đã cứu cuộc đời tôi nhưng đúng là ông đã cứu sự trưởng thành của tôi. Khi 13 tuổi, tôi đã bị đuổi khỏi trường học và gần như mất toàn bộ bạn bè. Bố mẹ tôi ly dị vài tháng sau đó, không lâu sau anh trai tôi cũng bỏ nhà đi. Để giúp tôi tránh khỏi những ảnh hưởng xấu xung quanh, bố mẹ gửi tôi tới một trường Cơ đốc giáo ở ngoại ô Texas, nơi tôi chẳng hề quen ai. Tôi khi ấy, một kẻ vô thần và cũng không mấy khoẻ mạnh bỗng phải sinh trưởng ở nơi tôn thờ bóng bầu dục và chúa Giê-su. 
Photo: Unsplash
Trong một khoảng thời gian, mọi thứ không dễ chịu chút nào. Tôi bị nhét vào một vài tủ đồ. Tôi bị cười nhạo trên sân bóng. Tôi mất gần hai năm để bắt đầu kết bạn. Mọi thứ thật tệ. Tôi cảm thấy có một sự bắt buộc phải cố gắng để thử nghiệm và hoà hợp, để tiếp thu bản chất trao đổi của đời sống xã hội ở trường phổ thông, để “vờ như là nó tới khi trở thành nó". Nhưng, cũng thời điểm đó, chính những hành vi mà mọi người kỳ vọng tôi sẽ làm cũng là thứ tôi ghét cay đắng. 
Marilyn Manson là nguồn cảm hứng cho tôi lúc này bởi thông qua âm nhạc và những buổi phỏng vấn của mình, ông lên tiếng thúc đẩy thông điệp của việc tự trao quyền, đặc biệt tới những đứa trẻ tưởng như đã vỡ mộng như tôi khi ấy. Ông cũng là người đầu tiên cho rằng chính bản thân tôi mới là người quyết định rằng cái gì là ngầu và cái gì thì không ngầu, rằng mọi người xấu hổ vì những người không tuân thủ những tiêu chuẩn thường cũng bởi họ sợ chính bản thân mình không đáp ứng tiêu chuẩn đó; rằng việc dám không tuân thủ và trao quyền cho bản thân để trở thành người mà mình muốn trở thành cũng sẽ cho phép những người khác làm điều tương tự. 
Ngày nay, Marilyn thường được nhớ đến bởi cách trang điểm bảnh bao và những bộ trang phục rock ấn tượng của ông trên sân khấu. Mọi người không nhớ ông ấy đã thực sự gần gũi thế nào với những đứa trẻ ngoại ô bất mãn của thập niên 90. Có lý do cho việc ông ấy làm mọi người bất ngờ với những bài phỏng vấn thông minh nhiều như những trò khôi hài ông làm trên sân khấu. Đó là bởi luôn có một thông điệp ẩn sau sự điên khùng: rằng bạn không cần phải bước vào trò chơi trao đổi ấy nếu bạn không muốn. Bạn luôn được toàn quyền lựa chọn. Và không chỉ được toàn quyền lựa chọn, bạn còn có nghĩa vụ phải chọn bản thân sẽ trở thành ai, dù bạn có nhận ra điều đó hay không. Câu hỏi duy nhất là: bạn có dũng cảm để làm điều đó hay không? Bạn có lòng dũng cảm để trở thành một người trưởng thành hay không? Bạn có sự dũng cảm để quyết định cho bản thân mình xem giá trị của bản thân là gì không?

Hệ thống giá trị của bạn đang nằm ở đâu?

Việc viết về bất kỳ hệ thống giá trị nào, giống như bài viết này, tạo ra vấn đề rằng người đọc ngay lập tức tưởng tượng mình ở nấc thang cao nhất. Họ cảm thấy thỏa mãn trong việc phán xét số đông những linh hồn đáng thương, bất hạnh mắc kẹt ở những nấc thang bên dưới họ.
Trên thực tế, nếu bạn đang đọc bài viết này, hầu hết các giá trị của bạn có khả năng trong giai đoạn thỏa mãn/đau đớn hoặc giai đoạn trao đổi. Tôi biết điều này vì một lý do đơn giản: phần lớn dân số vẫn đang loay hoay trong những giai đoạn này hầu hết thời gian (bao gồm cả bản thân tôi). Và hãy thành thật rằng: đây là nơi bạn tìm đến để phát triển cá nhân - bạn sẽ không đến đây nếu mọi thứ đã không có vẻ hơi tồi tệ. 
Trên hết, những giá trị cao cấp và trưởng thành này là định nghĩa cho những phẩm hạnh cao quý trong suy nghĩ của chúng ta. Giống như một CEO chịu lỗi thay cho nhân viên; người giáo viên hy sinh những ngày nghỉ của mình để giúp đỡ một học sinh đang gặp khó khăn; hay một người bạn mạo hiểm tình bạn để nói với bạn rằng thói quen tiệc tùng của bạn đã vượt khỏi tầm kiểm soát.
Chúng ta đều biết và tôn kính những câu chuyện này. Và lý do chúng ta biết và tôn kính chúng là vì chúng không phổ biến. Vì chúng ta hiếm khi có thể tự làm những việc này. Hầu hết chúng ta, vào hầu hết thời gian, bị mắc kẹt ở mức độ trao đổi, tự hỏi bản thân mình: “Tôi được gì từ chuyện đó?” hoặc tệ hơn, ở mức độ ham muốn trẻ con, sẽ hét lên, “Đưa tôi cái này, tôi muốn nó!
Sự thật là, thật khó có thể xác định giá trị của chúng ta ở mức nào. Điều này là do chúng ta vẫn hay tự nói với bản thân đủ loại câu chuyện phức tạp để biện minh cho những gì chúng ta muốn. Một người nghiện cờ bạc bắt buộc phải theo đuổi sự bồn chồn của việc kiếm và mất tiền; nhưng trong đầu, anh ta phát minh ra một câu chuyện đầy thuyết phục về cách anh ta sẽ giành lại mọi thứ và cho mọi người thấy anh ta không phải là kẻ thua cuộc (như là lời mặc cả của người thanh niên), hoặc anh ta thực sự làm điều này cho gia đình mình (như là phẩm chất của người trưởng thành).
Tất nhiên điều này là nhảm nhí. Anh ta chỉ đơn giản là không thể dừng lại được.
Rõ ràng là chúng ta không thể tin tưởng vào sự suy diễn về hành động của bản thân. Có một số bằng chứng tâm lý để hỗ trợ điều này: trước tiên chúng ta thường cảm thấy gì đó, sau đó chúng ta biện minh bằng những câu chuyện tự nói với mình. Những câu chuyện đó thường rất thiên vị và đánh giá quá cao việc ta đã cao thượng và vị tha như thế nào.
Do đó, chúng ta phải học cách ngừng tin tưởng vào suy nghĩ của bản thân. Chúng ta phải trở nên hoài nghi về những diễn giải trong hành động của chính mình. Thay vào đó, ta cần tập trung vào chính các hành động.
Photo: Unsplash
Những suy nghĩ có thể lừa dối bạn. Những lời diễn giải có thể bị thay đổi hoặc quên lãng. Nhưng hành động là vĩnh viễn. Do đó, cách duy nhất để đạt được giá trị của bạn - để thực sự hiểu những gì bạn coi trọng và những gì bạn không - là quan sát hành động của bạn.
Nếu bạn nói rằng bạn muốn quay lại trường học và lấy bằng, nhưng sau 12 năm bạn đã có tới lý do thứ 57 để không làm, thì không, bạn không thực sự muốn quay lại. Những gì bạn muốn là cảm thấy như bạn muốn quay trở lại. Và điều đó thì hoàn toàn khác.
Nếu bạn nói rằng bạn coi trọng sự trung thực trong mối quan hệ của mình hơn tất cả, nhưng thường xuyên che giấu hành vi của bạn với đối phương, thường xuyên đặt câu hỏi về động cơ trong hành động của họ và nơi họ đã đến, rình mò tin nhắn khi họ đang ngủ, thì không, bạn không coi trọng sự trung thực. Bạn chỉ nói vậy để biện minh cho các giá trị thấp kém của bạn.
Có thể bạn rất giỏi trong việc tuân thủ các giá trị cấp cao hơn trong một số bối cảnh. Có những người thật tuyệt vời khi làm bạn nhưng làm cha mẹ thì không. Có những người là cha mẹ tuyệt vời nhưng không thể làm chuyên gia. Có những người thật tệ trong hành xử, nhưng kỳ lạ thay, họ làm việc vô cùng năng suất. Tất cả chúng ta đều có những lĩnh vực trưởng thành và những lĩnh vực mà ta non nớt.
Hầu hết các vấn đề về cảm xúc mọi người hay gặp phải chỉ đơn giản là hệ thống giá trị cấp một và cấp hai. Họ bấu víu vào hệ thống giá trị này, dù sự thật là họ đang thất bại. Một người mẹ cãi nhau với con mình liên tục vì chúng không gọi cho cô đều đặn, thực ra đang bấu víu vào niềm tin rằng tình yêu có thể cân đo đong đếm và đem đi trao đổi. Một người bạn nói với bạn những lời nói dối vô hại, có lẽ vì anh ta không muốn bị đe dọa bởi bất cứ điều gì từ bạn. Một đồng nghiệp ăn cắp công việc của bạn và gọi đó là công việc của riêng họ, thực ra đang đắm chìm trong ham muốn rằng họ phải thành công.
Cách duy nhất để hiểu rõ về giá trị của bản thân là học cách quan sát hành động của chính chúng ta, quan sát chúng một cách độc lập như thể chúng ta là người ngoài cuộc trung lập:
Những hành động liên tục làm tổn thương bản thân hoặc người khác, mà bạn đã nhiều lần kiếm cớ và/hoặc nói dối để che giấu, cho thấy khả năng bạn hành động theo giá trị thỏa mãn/nỗi đau ở mức độ thấp. Nói dối vốn dĩ là ích kỷ và được thiết kế để mở đường cho những ham muốn ích kỷ nhất của chúng ta. Nếu tôi nói dối vợ về nơi tôi đã ở tối qua; thì theo định nghĩa, tôi đang hành động ích kỷ và cưỡng chế. Nói chung, càng nói dối, sự cưỡng chế càng thể hiện rõ.Các hành động được khởi xướng với mong muốn nhận được kết quả nhất định từ ai đó hoặc điều gì đó, là giá trị thương lượng/trao đổi. Có một sự khác biệt giữa việc nói với ai đó rằng bạn rất quan tâm đến họ vì bạn nghĩ họ muốn nghe so với đơn giản vì bạn được tự do thể hiện bản thân. Lý do sau là sự trung thực, trong khi lý do trước là thao túng. Đối với nhiều người, ranh giới giữa hai giá trị đó khá mờ nhạt.Các hành động được thúc đẩy bởi các nguyên tắc đạo đức sâu sắc mà bạn sẵn sàng chịu đựng vì bạn tin rằng chúng đúng trong mọi bối cảnh, bất kể kết quả cụ thể với bản thân bạn như nào, đại diện cho các giá trị trưởng thành cấp cao. 
Đây là những điều bạn cần để hiểu về bản thân mình, vì bạn không chỉ đặt câu hỏi về hành động mà cả những suy diễn về hành động đó. Bạn phải ngồi lại và suy nghĩ chín chắn về bản thân và về những gì bạn đã chọn để quan tâm, không phải qua lời nói, mà qua hành động.
Suy cho cùng, đây là ý nghĩa của việc “hiểu chính mình” - để biết giá trị của chính bạn, để hiểu rõ về hành động của bạn và điều gì thúc đẩy chúng, để hiểu mức độ trưởng thành mà bạn đạt được.
Bất cứ khi nào bạn ngồi xuống với một nhà trị liệu/huấn luyện viên/bạn bè, đây là quá trình sẽ xảy ra. Bạn mô tả hành động của bạn và diễn giải về những hành động đó. Với sự hỗ trợ và hướng dẫn của nhà trị liệu/huấn luyện viên/bạn bè, bạn ngồi đó và phân biệt những diễn giải về hành động của bạn thực sự có ý nghĩa hay bạn chỉ đang tự lừa dối bản thân? Hành động của bạn có phản ánh những gì bạn nghĩ là quan trọng? Nếu không, sự mất kết nối nằm ở đâu?
Quá trình bạn điều chỉnh sự suy diễn của hành động cho phép bạn kiểm soát cuộc sống và hành động của mình. Sự điều chỉnh này cho phép bạn cảm nhận được ý nghĩa và niềm thỏa mãn trong cuộc sống, để trở nên hạnh phúc và khỏe mạnh, giúp bạn trưởng thành. 

Sự khủng hoảng trong phát triển văn hoá

Nền dân chủ hiện đại về cơ bản, được phát minh theo giả định rằng con người là những kẻ ích kỉ và ảo tưởng. Người ta tin rằng cách duy nhất để bảo vệ chúng ta khỏi chính chúng ta là tạo ra các hệ thống đan xen và phụ thuộc lẫn nhau. Sự phụ thuộc này lớn đến nỗi vào bất kỳ thời điểm nào, không một người hay nhóm nào có thể hoàn toàn đẩy phần còn lại của dân số đi.
Nói cách khác, những người sáng lập và các nhà tư tưởng Khai sáng hiểu rằng hoạt động chính trị và cai quản đất nước cần phải duy trì ở mức độ quan hệ dựa trên thương lượng và trao đổi, do đó các hệ thống cần phải được xây dựng theo cách mà không ai (hoặc tổ chức nào) có thể giành chiến thắng quá nhiều hoặc quá thường xuyên.
Hầu hết các chính trị gia tạo nên danh tiếng và tiền bạc bằng cách tồn tại trong một mạng lưới các mối quan hệ trao đổi rộng lớn. Họ thương lượng với các cử tri và nhà tài trợ của họ. Họ thương lượng với nhau để xây dựng liên minh. Họ thương lượng với các nhánh khác của chính phủ và các đảng chính trị để đấu tranh cho danh tiếng và vị thế. Chính trị là một trò chơi trao đổi ích kỷ và dân chủ là hệ thống tốt nhất cho đến nay vì lý do duy nhất là nó là hệ thống duy nhất công khai thừa nhận điều đó.
Chỉ có một cách để đe dọa một hệ thống dân chủ: bằng cách đòi hỏi rằng những ham muốn và thú vui riêng của họ quan trọng hơn bất kỳ ai khác. Nói cách khác, bằng cách trở thành những đứa trẻ.
Đây là bản chất của những kẻ cực đoan: một đám trẻ con. Bởi vì những kẻ cực đoan là bất trị và không thể thương lượng. Định nghĩa ngắn gọn, những kẻ cực đoan là trẻ con. Họ muốn thế giới sống theo cách của họ, họ từ chối thừa nhận bất kỳ lợi ích hoặc giá trị nào khác ngoài chính họ. Họ từ chối mặc cả. Họ từ chối bị hấp dẫn bởi một phẩm chất hoặc nguyên tắc cao hơn những ham muốn ích kỷ của riêng họ. Do đó, họ phá hỏng mọi thứ xung quanh.
Những người cực đoan rất nguy hiểm vì họ biết cách trưng diện những giá trị trẻ con của mình bằng ngôn ngữ trao đổi hoặc nguyên tắc phổ quát. Một kẻ cực đoan phía cánh hữu sẽ tuyên bố rằng anh ta khao khát sự tự do trên tất cả những thứ khác và anh ta sẵn sàng hy sinh cho sự tự do đó. Nhưng điều anh ta thực sự muốn là thoát khỏi mọi giá trị khác. Anh ta muốn thoát khỏi việc phải đối phó với sự thay đổi hoặc phân biệt đối xử của người khác. Anh ta muốn tự do theo đuổi những thôi thúc và ham muốn của chính mình.
Thành phần cực đoan bên cánh tả cũng chơi cùng một trò chơi như vậy, điều duy nhất thay đổi là ngôn ngữ. Một người cực đoan cánh tả sẽ nói rằng cô ấy muốn có sự bình đẳng cho tất cả. Và rằng cô ấy sẽ từ bỏ bất cứ điều gì cho nó. Nhưng ý nghĩa thực sự của những câu nói đó là cô ấy không bao giờ muốn cảm thấy thấp kém hoặc bị tổn hại. Rằng cô ấy không bao giờ muốn cảm thấy bị đe dọa hoặc không an toàn. Về cơ bản, cô không bao giờ muốn cảm thấy đau đớn. Và yêu cầu mọi người phải được đối xử bình đẳng mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh, là một cách để chạy trốn khỏi nỗi đau đó.
Xu hướng cực đoan, ở cả bên cánh tả và cánh hữu, đã tăng lên không thể chối cãi trong vài thập kỷ qua. Có nhiều lý do phức tạp và chồng chéo cho việc này. Nhưng tôi sẽ đưa ra một quan điểm: rằng sự trưởng thành của dân số bỏ phiếu đang xấu đi. Văn hóa hiện đại dựa trên niềm đam mê và sự né tránh đau đớn. Chủ nghĩa tiêu dùng đã trở nên rất giỏi trong việc nuông chiều những xung lực trẻ con này đến nỗi phần lớn dân chúng đã coi họ là quyền lợi. Những người cực đoan bên cánh hữu tin rằng biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp, hay tiến hóa chỉ là giả mạo với tuyên bố rằng họ có quyền tin bất cứ điều gì họ muốn. Những người cực đoan ở bên cánh tả cho rằng mọi người vốn dĩ không bình đẳng và một xã hội tự do và hoạt động hiệu quả đòi hỏi phải có người chiến thắng và kẻ thua cuộc, bằng cách tuyên bố họ có quyền được đối xử giống với bất kỳ ai khác.
Đây là những góc nhìn trẻ con. Họ từ chối hiện thực. Và khi bạn từ chối hiện thực, tai họa sẽ xảy ra.

Cách để trưởng thành

Bước số 1: Vấp ngã

Rất có thể là, khi mà bạn đang đọc những dòng này, bạn đang kẹt trong việc tổ chức cuộc sống xoay quanh những giá trị thỏa mãn/nỗi đau hay những giá trị dựa trên thương lượng/trao đổi, chắc tới giờ bạn cũng không cần tôi phải lý giải tại sao những hệ giá trị này tạo ra vấn đề - vậy là cơ bản thì cuộc đời bạn giờ đang là một đống hỗn độn. 
Nếu bạn vẫn cần những lời giải thích thì của bạn đây:
Hệ giá trị thỏa mãn/nỗi đau thất bại vì một lý do đơn giản rằng sự thỏa mãn và nỗi đau là một hệ thống dự báo về lâu dài tệ hại cho sức khỏe, sự trưởng thành và hạnh phúc. Ví dụ, việc chạm vào lò nóng thì tệ và bạn không nên làm điều đó thêm nữa. Nhưng việc nói dối một người bạn thì sao; hay là dậy sớm một buổi sáng hoặc thậm chí là không sử dụng ma tuý. Đó chỉ là một vài trong số hàng triệu ví dụ của việc theo đuổi hệ giá trị thỏa mãn/nỗi đau sẽ làm bạn lạc lối. Hệ giá trị trao đổi/dựa trên luật lệ sẽ cướp đi của bạn niềm tin, sự thân mật và tình yêu cần thiết để trở nên khỏe mạnh về cảm xúc và hạnh phúc. Điều này là bởi, khi bạn nhìn nhận mọi mối quan hệ và những hành động chỉ như con đường tới một kết quả nào đó, bạn sẽ luôn nghi ngờ một động cơ ẩn sau của mọi thứ xảy ra trong cuộc sống và mọi điều mà người khác làm cho bạn.
Trước khi bạn có thể bước tiếp và học hỏi từ những hệ giá trị chưa hoàn thiện này, bạn phải trải qua những nỗi đau khi chúng thất bại. Điều đó không có nghĩa rằng hãy phủ định sự thất bại mà là không tránh né những nỗi đau của thất bại ấy. Điều đó cũng có nghĩa rằng hãy đối mặt với thất bại khi chúng tới và thừa nhận điều rõ ràng trước mắt: rằng bạn đã sai và hẳn là có một cách tốt hơn. 

Bước số 2: Da thịt trong cuộc chơi

Những người sống theo hệ giá trị trẻ thơ của thỏa mãn/nỗi đau có lòng tự trọng phụ thuộc vào mức độ thỏa mãn hay đau đớn họ cảm nhận. Vì vậy, khi họ cảm thấy tốt, họ cũng sẽ cảm thấy tốt về bản thân. Khi họ cảm thấy tồi tệ, họ cũng sẽ cảm thấy tệ về bản thân. Vì thế khi một người ở cấp giá trị này gặp chuyện tồi tệ lớn, lý giải đầu tiên của họ sẽ là “Tôi chẳng ra gì cả. Tôi là một con người tồi tệ. Tôi đã nghĩ gì thế nhỉ?
Điều này rất có hại và thường thì còn làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Đơn giản bởi vấn đề không phải là bản thân bạn. Vấn đề chính là giá trị bạn chọn để theo đuổi, cách mà bạn chọn để nhìn nhận về thế giới và cách mà nó vận hành. Không có gì sai với sự thỏa mãn và cũng không có gì sai với việc những nỗi đau tồn tại. Chính lý do mà mỗi nỗi đau hay sự thoả mãn tồn tại là điều làm chúng đúng hoặc sai. 
Nhận ra sự thật này là điều sẽ dần dần uốn nắn hệ giá trị của bạn trở thành một hệ giá trị trưởng thành hơn so với thương lượng/trao đổi. Bạn không bao giờ nổi điên lên chỉ vì bạn gây ra đau đớn mà chỉ nổi điên vì gây ra đau đớn bởi những lý do tồi tệ. Lý do một tài xế say xỉn đâm trúng một chiếc xe khác là vô đạo đức không phải là chuyện ai bị thương - nó là việc người tài xế lái xe khi say xỉn, điều đáng khiển trách hơn nhiều.
Rất nhiều người cố gắng để “sửa" những người phải chịu đựng việc hành động có xu hướng ép buộc và kẹt lại hệ giá trị thỏa mãn/nỗi đau bằng cách cố gắng đưa họ thẳng tới sự trưởng thành. Họ muốn dậy những kẻ nghiện rượu giá trị của sự trung thực. Họ muốn thuyết phục những kẻ bạo hành về tầm quan trọng của sự rộng lượng và bình tĩnh. 
Nhưng bạn không thể làm điều đó, bạn không thể bỏ qua các cấp độ. Điều đó cũng giống như bỏ qua đại số và nhảy thẳng tới tích phân. Bạn không thể từ một đứa trẻ trở thành một người lớn mà không trải qua tuổi thanh niên. 
Những người kẹt lại trong sự cưỡng bách trước tiên cần học cách nghĩ về mọi thứ dưới góc nhìn của sự trao đổi. Chứng nghiện rượu không tệ bởi cơ thể bạn cũng chính là một thánh đường, chỉ có việc tự hành hạ bản thân mới là sai từ bản chất - phải chăng đó là những giá trị trưởng thành. 
Không, chứng nghiện rượu rất tệ bởi đó là một sự đánh đổi tồi tệ. Nó làm mọi người tổn thương, những người không đáng phải chịu điều đó. Những người mà bạn vốn luôn yêu thương và luôn muốn giúp đỡ. Nó phá hoại những kế hoạch khác trong cuộc sống. Nó phá huỷ các gia đình, tài chính và uy tín. Nó chẳng khác gì việc từ bỏ một ngọn núi để nhận về một nắm đất cả. 
Những người nghiện và các phạm nhân thường tìm cách vượt qua tình trạng này bằng cách gắn vào một số giá trị như tôn giáo chẳng hạn. Nhưng với hầu hết, nó là những người họ yêu thương. Tôi từng nói chuyện với một người từng nghiện rượu nhưng đã cai thành công, người nói rằng điều duy nhất giúp anh vượt qua chính là cô con gái. Anh không hề nghĩ gì về bản thân trước đó nhưng khi nghĩ về việc cô con gái sẽ mất đi cơ hội có một người cha dù không hề làm gì để phải chịu đựng điều đó - chính suy nghĩ ấy đã giúp anh vượt qua cơn nghiện rượu.
Photo: Unsplash
Những người nghiện thường nói về khái niệm “chạm đáy". Đáy là nơi mà mọi thứ đã hoàn toàn bị tàn phá và chỉ còn những nỗi đau, rằng đó là cảm giác họ không thể tránh đối mặt với một sự thật đơn giản rằng những hành vi của họ đang tự huỷ hoại cuộc sống cá nhân và cuộc sống của những người xung quanh. Đó là sự nhận thức về nỗi đau tột cùng mà người nghiện phải đối mặt thông qua sự trao đổi với bản chất cuộc sống. Rằng những lựa chọn của họ có hậu quả, không chỉ cho bản thân họ tương lai mà còn là những người khác. Và những hậu quả đó cần phải được kiểm soát. 
Chúng ta tiến xa khỏi những giá trị trẻ thơ khi ta nhận ra rằng da thịt đã ở trong cuộc chơi - rằng có những kết quả cho những hành động của ta nằm ngoài chính bản thân ta ngay lúc này.
Đây cũng là lý do mà các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra cách tốt nhất để phá vỡ bất kỳ thói quen xấu nào - bạn đoán xem - là thương lượng cho nó. Thử cái này xem: viết cho bạn thân bạn một tờ séc 3000 đô-la và nói anh ấy nếu còn thấy bạn hút thuốc thêm một lần nào nữa, anh ấy hoàn toàn có thể đi rút nó ra tiêu xài. Bạn sẽ bất ngờ vì tính hiệu quả của phương pháp này đấy. Tạo ra hậu quả cho chính bản thân bạn sẽ tạo ra trách nhiệm. 

Bước số 3 - Sẵn sàng để chết cho một thứ gì đó

Có được một chỗ đứng vững chắc trong hệ giá trị thương lượng/trao đổi sẽ khiến bạn gần với một con người thực thụ hơn. Nhưng vẫn không thể khiến bạn trở thành một người trưởng thành. Bạn sẽ vẫn phải chịu đựng những mối quan hệ độc hại, thuần tuý trao đổi cũng như khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống mỗi ngày. 
Điểm khác biệt mấu chốt giữa một thanh niên và một người trưởng thành là những thanh niên luôn sợ hãi để làm điều gì trừ phi cảm thấy tự tin rằng sẽ nhận lại cái gì đó:
Họ không muốn mạo hiểm từ bỏ công việc hiện tại trừ phi chắc chắn rằng có thứ gì đó hạnh phúc hơn chờ đợi. Họ không muốn nói với ai đó rằng có tình cảm cho người đó trừ phi có thể đảm bảo sẽ tồn tại một mối quan hệ tốt đẹp. Họ không muốn mạo hiểm chia sẻ ý tưởng trừ phi biết chắc chắn rằng sẽ giành được sự chấp thuận của những người khác. 
Đối với một thanh niên, cách họ cảm nhận về bản thân sẽ được quyết định dựa trên việc thương lượng với thế giới bên ngoài tốt đến đâu. Nếu họ thất bại khi thương lượng với thế giới bên ngoài, họ sẽ bắt đầu chỉ trích bản thân. Vì lý do này, những thanh niên luôn sợ việc bị từ chối hay thất bại. Đối với họ, thất bại hay bị từ chối cũng chẳng khác gì một kiểu chết vì cảm giác như mọi thứ họ muốn từ thế giới này - mọi mục đích, mọi ý nghĩa - giờ đây đều sẽ từ chối họ. 
Photo: Unsplash
Nhưng cũng chính sự sẵn sàng để chết này dẫn tới sự trưởng thành. Sự trưởng thành diễn ra khi một cá nhân nhận ra rằng cách duy nhất để vượt qua đau khổ chính là không để sự đau khổ làm suy chuyển. Sự trưởng thành vì vậy sẽ xảy ra khi một cá nhân nhận ra rằng sẽ tốt hơn là đau khổ vì một vài nguyên nhân hợp lý thay vì cảm thấy thỏa mãn vì những lý do sai lầm. Sự trưởng thành cũng xảy ra khi một cá nhân nhận ra rằng sẽ là tốt hơn khi yêu thương rồi mất mát thay vì không bao giờ yêu thương. 
Một người trưởng thành nhìn vào sự thay đổi trong công việc và nói, “Tôi thà chết còn hơn là làm một thây ma lờ đờ sống một cuộc đời không phải của tôi”. Rồi anh ấy bỏ việc. Một người trưởng thành nhìn người mình đã say mê và nói, “Tôi thà chết còn hơn là phải giấu trái tim mình với thế giới”. Rồi cô ấy thổ lộ. Một người trưởng thành sẽ nhìn vào những ý tưởng của mình và nói, “Tôi thà chết còn hơn là chôn vùi tài năng và tiềm năng của mình". Rồi cô ấy hành động.
Một người trưởng thành chấp nhận rằng có một số cách sống còn tệ hơn cả không sống. Và vì nhận ra điều này, họ có thể hành động cương quyết theo quan điểm bản thân.
Trong quyển sách của mình, Nghệ thuật của việc đếch quan tâm, tôi đã đưa ra hàng loạt những trải nghiệm đau đớn từ thuở niên thiếu của tôi: sự chia tách của gia đình, sự từ chối đau đớn của xã hội, sự mất mát trong mối quan hệ đầu tiên hay cái chết của một người bạn.
Vì đã trải nghiệm quá nhiều đau đớn trong những mối quan hệ của mình khi còn trẻ nên trong phần lớn năm tháng đầu tuổi trưởng thành, tôi tiếp cận những mối quan hệ đầy tính toán. Tôi học từ sách vở về con người và cố gắng để thể hiện bản thân theo những cách tối thiểu hoá sự từ chối, những điều sẽ giúp tôi tăng tầm ảnh hưởng đến cách mọi người nhận thức về mình. Tôi theo đuổi tình dục không ngừng nghỉ như một nỗ lực để bù đắp cho những nỗi đau tâm lý sâu sắc trong các mối quan hệ hời hợt của mình. Trong suốt nhiều năm cuộc đời, tôi nghĩ về tình bạn chỉ đơn giản như việc trao đổi lợi ích: tôi làm điều gì đó cho ai đó để tôi có thể nhận lại điều tương ứng. Và ngay khi một mối quan hệ bắt đầu gây ra đau đớn, tôi sẽ tìm cách để trốn khỏi nó. 
Tôi đã rất thành công trong việc này suốt nhiều năm. Tôi liên tục khởi lên rồi bỏ trốn - về cơ bản, chu du vòng quanh thế giới để tránh khỏi hàng tá mối quan hệ với nhiều người tốt, một số trong đó thực sự quan tâm tới tôi nhưng tôi khi ấy lại không đủ chín chắn để tiếp nhận. 
Nhưng sự trốn chạy này cũng là một giải pháp đau đớn như chính vấn đề vậy. Điều duy nhất đau đớn hơn việc mất đi một mối quan hệ quan trọng chính là không có một mối quan hệ nào như thế. Và một bình minh dần sáng lên trong tôi rằng hạnh phúc hoá ra không phải là điểm mấu chốt mà chính là nỗi đau. Đây cũng là cách mà thử thách trong sự nghiệp của tôi làm cho những thành quả cũng trở nên ý nghĩa hơn, sự sẵn sàng để đối mặt với nỗi đau và bất an hoá ra chính là điều làm cho những mối quan hệ thêm ý nghĩa. Không phải sự quyến rũ hay hào hứng hay là cảm giác mãn nguyện nào cả. 
Vì vậy, ở cái tuổi 30 này, tôi cuối cùng đã hiểu việc sống một cuộc đời như một người trưởng thành có ý nghĩa thế nào. Đây là cơ hội để lựa chọn xem sự thoả mãn nào đáng bỏ công, nỗi đau nào đáng bỏ sức, để mưu cầu và yêu thương vô điều kiện, không đánh giá hay xấu hổ. Thế là tôi đã chọn sẽ ăn mừng. Tôi và 8 người bạn thân nhất đã tới Las Vegas sau đó và uống khoảng 1000 đô la tiền rượu trong một đêm, đêm đó thật tuyệt. 
----
MinhLoc Is Positive
Biên dịch từ: How To Grow The Fuck Up: A Guide To Humans - Mark Manson.
Đọc thêm: