Hiểu về chính mình
Càng lớn dần và trưởng thành, mình càng khao khát hiểu nhiều hơn về chính mình, vì mình biết hiểu về chính mình là chiếc chìa khóa...
Càng lớn dần và trưởng thành, mình càng khao khát hiểu nhiều hơn về chính mình, vì mình biết hiểu về chính mình là chiếc chìa khóa quan trọng để mở ra những tiềm năng của chính mình, biết điểm mạnh, điểm yếu, tính cách, cách mình phản ứng lại trong các tình huống. Từ đó có một trọng tâm vững chắc cho vòng tròn cuộc đời.
Hiểu về chính mình là xác định xem mình có những tính cách nào đặc trưng.
Trong trắc nghiệm tính cách MBTI, mình là nhóm người INFP (người lý tưởng hóa). Mình thấy mô tả của nhóm này khá chính xác với mình. Trong đó, mình càng ngày càng có xu hướng trở thành một người hướng nội nhiều hơn khi đặt trong một môi trường những người mình khó kết nối và đồng điệu. Mình thường không thoải mái khi ở đông người, trong các cuộc họp hay các buổi thảo luận, mặc dù mình có thể sôi nổi ở một nhóm người khác, trò chuyện vui vẻ với một người khác, nhưng nhìn chung, mình rụt rè và ít nói trong đám đông.
Đôi khi mình cảm thấy bị rút cạn năng lượng khi ở cùng nhiều người, và thấy hoàn toàn dễ chịu khi ở một mình - như lúc này. Thế nên mình thật sự trân quý những ngày nghỉ, chúng giúp mình có thời gian nhiều hơn dành cho chính mình, đọc, viết, chìm đắm trong suy nghĩ của riêng mình. Đó là cách tái tạo năng lượng tốt nhất.
Mình có thể là một người vui vẻ và hoạt ngôn trong mắt nhiều người khác. Trong những cuộc nói chuyện mà mình cảm thấy được lắng nghe và đối phương có thiện chí quan tâm tới những điều mình nói, mình dường như có thể nói mãi không ngừng về những điều mình thích, những vấn đề mình có nhiều ý niệm. Nhưng số người mình thực sự có thể giao tiếp một cách tích cực như thế thật sự không nhiều. Mình chỉ có thể cảm thấy thoải mái khi được trò chuyện và lắng nghe, từ những người cùng chung thế giới quan và quan tâm đến những gì mình nói.
Đó cũng là lý do mình thường xuyên bị lạc lõng trong vòng tròn bạn bè xã giao và đồng nghiệp thường gặp hàng ngày. Vì đa phần họ không quan tâm đến những điều mình thấy hứng thú, họ có đời sống và thế giới quan hoàn toàn khác biệt với mình.
Đó là lý do những ngày trẻ bơ vơ trong chính lớp học với rất nhiều bạn bè, những ngày đi làm không thể hòa vào thế giới của những người đồng nghiệp ở công sở, và cần lắm một bộ lạc cho riêng mình. Nơi mà có những người cùng mối bận tâm, cùng sở thích, cùng hệ giá trị, cùng nhân sinh quan, nơi mình được thấu hiểu và nâng đỡ, như trong "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu" chị Rosie vẫn thường hay nhắc đến.
Sẽ có một nơi mà mình được tôn trọng với những nét tính cách riêng có của mình, một nơi đối xử với mình như-mình-là. Chứ không phải một nơi xem mình là một đứa kì dị, ít nói, lạnh lùng xa cách hay hành xử khác thường.
"Những người có loại tính cách này là thực sự rất trìu mến, một đặc điểm không thường thấy ở các loại tính cách khác. Lòng trắc ẩn của họ thực sự nồng nhiệt và lâu dài - nhưng các INFP sẽ sử dụng nó khá dè dặt, họ hướng nguồn năng lượng này đến với một vài người được chọn hoặc một nguyên nhân xứng đáng. Chủ nghĩa lý tưởng là ngọn cờ của những người mang tính cách INFP - và họ rất tự hào về nó. Thật không may, nó cũng khiến cho các INFP thường có thể cảm thấy bị hiểu lầm và bị cô lập, vì rất ít người mang chủ nghĩ lý tưởng như họ."
Mình chưa bao giờ thấy cuộc sống hết tươi đẹp và diệu kì, nhiều lúc người khác thường nói mình quá mộng mơ. Chắc vì đặc điểm tính cách của nhóm INFP là chủ nghĩa lý tưởng, vì thế nhóm này thường bị thất vọng khi thực tế không như những gì họ mong đợi.
Mình thật sự biết ơn về lòng trắc ẩn như suối nguồn mát lành nuôi dưỡng tâm hồn mình, từ tấm bé, rồi khi lớn lên, lòng trắc ẩn ngày càng được nôi dưỡng qua các trang sách, các trang viết, lòng trắc ẩn cho mình đối xử với cuộc sống, con người và đối với chính mình một cách mến thương hơn.
Hiểu chính mình còn thông qua cách mình nghĩ, cách mình hành động, giá trị cốt lõi nào mình chọn tin theo, và cách mình lựa chọn dựa trên những nguyên tắc của hệ giá trị ấy.
Trong một cuộc nói chuyện với một anh bạn mình rất yêu quý và ngưỡng mộ, anh ấy bảo đang có ý tưởng về một trang fanpage, hay viết một cuốn sách kể lại những câu chuyện trưởng thành của những người trẻ (và những người đã từng trẻ), về những sự lựa chọn, cách đối mặt và giải quyết những khúc mắc nội tại, để "trở thành" chính con người họ ở hiện tại. Anh ấy và mình đều có một niềm tin rằng, hành trình trở thành của ai cũng có nhiều câu chuyện mang màu sắc rất riêng, về những quyết định trong đời, về những đấu tranh, những trăn trở, những câu hỏi, những thắc mắc... để là họ hôm nay, để đến gần với người mà họ muốn-trở-thành.
Thế nên trong lúc viết bài viết này, mình chợt thấy không thỏa mãn lắm với ý niệm "hiểu về chính mình". Khám phá để hiểu về những đặc điểm sẵn có của chính mình rất quan trọng, nhưng bên cạnh đó, điều quan trọng không kém đó là khám phá, lựa chọn, quyết định nên người-mà-mình-muốn-trở-thành.
Vì mình đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện tính cách mỗi ngày, giai đoạn mà chính mình sẽ toàn quyền quyết định rằng mình sẽ trở thành ai trong tương lai, không còn phụ thuộc bởi bố mẹ, gia đình, nhà trường nữa. Giai đoạn mà mình đã đủ nhận thức để dần dần hiểu ra mình thực sự phù hợp với điều gì, để từ từ khám phá ra mình là ai và mình muốn trở thành ai. Nên việc quan sát cách mình phản ứng, cách mình lựa chọn, cách mình trưởng thành để hướng mình đến hình mẫu của mình trong tương lai là rất quan trọng. Điều đó không ai làm thay mình được cả.
Một người sống trong tỉnh thức, trong sự ý thức rằng mình hoàn toàn có thể sáng tạo ra đời sống của chính mình thông qua ba công cụ là suy nghĩ, lời nói và hành động, sẽ khác hoàn toàn với một người chỉ biết sống dựa vào kinh nghiệm của đám đông, của xã hội và cuộc sống chỉ là chuỗi hệ quả của những sự lựa chọn trước đó.
Mình tập hiểu chính mình bằng cách quan sát cách mình suy nghĩ, nói năng, hành động trong cuộc sống hàng ngày trên những nguyên tắc cơ bản như:
- Mình hoàn toàn có thể điều khiển được suy nghĩ của chính mình
- Luôn nhắc mình sống trong chánh niệm, quan sát suy nghĩ, đưa suy nghĩ về hiện tại, khuyến khích những suy nghĩ tích cực.
- Quan sát những suy nghĩ tiêu cực, không đánh đồng suy nghĩ của mình với con người mình. Quan sát mà không phán xét chúng. Mỗi khi xuất hiện những suy nghĩ hay cảm xúc tiêu cực, mình thường học cách lần tìm lại xem có điều gì đang xảy ra, có điều gì chưa đúng ở đây, bằng cách viết ra những suy nghĩ và cảm xúc của mình lúc đó. Để biết cách não mình vận hành, từ đó dần dần xoa dịu và điều chỉnh.
Luyện tập quan sát suy nghĩ mỗi ngày, mình nhận ra hàng ngày trong trí não mình có hàng vạn suy nghĩ, chúng chạy vòng vòng bất kể mình đang làm gì. Mình ý thức được rằng, suy nghĩ có sức mạnh lớn hơn mình nghĩ rất nhiều. Suy nghĩ là cấp độ sáng tạo thứ nhất, tiếp đến là lời nói (hoặc chữ viết), cấp độ sáng tạo cuối cùng là hành động. Suy nghĩ, lời nói, hành động sẽ quyết định nên mình là ai và mình sẽ sống một cuộc sống như thế nào.Thế nên hãy đối xử thận trọng và học cách quan sát những suy nghĩ.
Vừa học cách hiểu chính mình vừa phải tìm cách để mình trở thành con người mà mình muốn trở thành. Bằng cách học hỏi mỗi ngày, học những điều mình cảm thấy cần, học từ những anh chị, bạn bè mình ngưỡng mộ, học cách hạn chế và khắc phục những khuyết điểm, trân trọng, nuôi dưỡng những ưu điểm. Rèn luyện và phát huy thế mạnh của mình. Tìm điều mình sinh ra để làm và cố gắng để trở thành người mà mình muốn trở thành.
Vừa học cách hiểu chính mình vừa phải tìm cách để mình trở thành con người mà mình muốn trở thành. Bằng cách học hỏi mỗi ngày, học những điều mình cảm thấy cần, học từ những anh chị, bạn bè mình ngưỡng mộ, học cách hạn chế và khắc phục những khuyết điểm, trân trọng, nuôi dưỡng những ưu điểm. Rèn luyện và phát huy thế mạnh của mình. Tìm điều mình sinh ra để làm và cố gắng để trở thành người mà mình muốn trở thành.
Và cuối cùng thì “Be the best version of yourself”!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất