Thời đại học mông lung và cách tối ưu hóa từ một sinh viên tiến bộ
90% người đọc quyết định sẽ dành 10 phút quý giá tiếp theo của họ hay không chỉ sau 10 giây đầu. Mình tin những giá trị mình sắp đóng...
90% người đọc quyết định sẽ dành 10 phút quý giá tiếp theo của họ hay không chỉ sau 10 giây đầu. Mình tin những giá trị mình sắp đóng góp sẽ tiết kiệm cho bạn nhiều hơn thế. Một chia sẻ về cách để học rất tốt ngay cả khi không sở hữu đam mê cháy bỏng cho nó, đúc kết từ hành trình GPA 2.5 tới 4.0 tuyệt đối của bản thân mình.
Một thời đại mông lung về giá trị của việc học
Chúng ta vẫn hay thấy những tranh cãi xoay quanh giá trị của trường học trong thời đại nay. Đặc biệt từ cấp Đại học, khi giai đoạn này cũng là thời điểm mà những người trẻ bắt đầu có sự hoàn thiện về quan niệm và tư duy. Với những bạn trẻ đến từ các tỉnh lẻ, Đại học thực sự là bước ngoặt lớn khi những tư duy cũ vốn phổ biến trong cộng đồng nhỏ ở quê nhà giờ đây được thử thách bởi hàng loạt luồng kiến thức mới trong môi trường rộng lớn hơn rất nhiều. Mỗi người đều mang trong mình một khát vọng được vươn lên và thành công - điều được xem như vạch đích chung mà trong quá trình phát triển mỗi cá nhân dần tự tìm ra con đường phù hợp.
Đã có nhiều tranh luận xem việc học Đại học có thực sự là cần thiết hay không, nhất là xét trong bối cảnh của một người trẻ tại Việt Nam. Cá nhân mình có một quan sát khá thú vị. Với một số người có quan điểm cổ điển, Đại học dường như vẫn là con đường duy nhất để hướng tới thành công, “ăn chắc mặc bền" - một quan điểm chịu ảnh hưởng nhiều của lối tư duy cũ xuất phát từ gốc Nho giáo và thời kỳ bao cấp. Một số khác có quan điểm “mới" thì khẳng định chắc nịch rằng Đại học là không cần thiết và những dẫn chứng muôn đời soạn lại như “Bill Gates không cần học đại học", “Elon Musk tuyển người không cần bằng đại học",...vẫn thường được đưa ra. Khá buồn cho những lập luận này là thực tế thì nơi Bill Gates bỏ học là đại học Harvard và bài test về AI (Trí tuệ nhân tạo) của Elon thì nhiều sinh viên xuất sắc ngành khoa học máy tính cũng chưa chắc giải được.
“Để thành công, học Đại học cũng được mà không học Đại học cũng được” có lẽ là nhận định đúng đắn nhất. Quan trọng là xác định điều gì phù hợp với mỗi cá nhân để duy trì sự học tiếp diễn và không ngừng - Để “Đại học" trở về là một lựa chọn và mỗi người qua những lựa chọn mà vẽ nên bức tranh đẹp nhất cho cuộc đời mình. Trong bài viết đầu tiên tại Spiderum, mình đã bảo vệ quan điểm rằng việc học đại học là lựa chọn giá trị với một người trẻ tại Việt Nam hiện nay mà những lý do không chỉ đến từ kiến thức, đó còn là tạo ra cơ sở cho tuyển dụng, tiếp cận môi trường của những “chủ nhân xã hội tương lai" hay ít nhất là ánh trăng dẫn lối khi một cá nhân chưa thể tìm ra đam mê của mình.
Trong bài viết hôm nay, mình sẽ cập nhật thêm về tình hình học bản thân và những kinh nghiệm mình đúc kết được trong quá trình cân bằng giữa công việc, cuộc sống và học tập cùng một số phương pháp hiệu quả bản thân đang sử dụng.
Một xuất phát điểm không khả quan, đừng lo vì mình bên bạn
Mình chưa bao giờ có hứng thú với việc học và hầu hết thời gian cũng học không giỏi. Một phần đến từ việc bản thân tương đối chật vật do chứng khó đọc và không có khả năng tập trung do căn bệnh ADHD từ nhỏ. Để mọi thứ có thể tệ hơn, mình sinh ra trong gia đình mà mọi người đều học giỏi và có thời gian dài luôn bị xem là cái bóng của chị gái khi sự đối nghịch dường như quá lớn. Mình thường đặt ra câu hỏi: “Học để làm gì?” khi nhận thấy phần nhiều những kiến thức trong trường học thường không được tận dụng trong thực tiễn đời sống sau này và chẳng hạn “việc dành 3 năm dùi mài cho một kì thi kéo dài 180 phút quyết định phần tiếp theo của cuộc đời" có vẻ khá may rủi. Nhưng cũng chính trong những lúc rối bời ấy, mình may mắn được gặp những người thầy lớn để hiểu rằng sự thoả hiệp cũng là một yếu tố quan trọng để tạo bàn đạp cho những kết quả tiếp theo và sự thỏa hiệp với xã hội qua việc chuyên tâm và có kết quả học tốt cũng là khởi đầu cần thiết để suy nghĩ tới bất kỳ mục tiêu nào lớn hơn - tại Việt Nam.
Gắng sức cho một kết quả thi đại học trong thời gian giới hạn, mình may mắn đậu vào một trường đại học tốt nhưng sự khởi đầu ở đây còn chật vật hơn. Môi trường mới ở thủ đô cũng đi kèm với nhiều thứ thu hút trong khi việc học thì không dễ để lơi là. Hậu quả là điểm chác cũng nhanh chóng tụt xuống, mình kết thúc học kỳ đầu năm ngoái (vâng, là học kỳ mà mình viết bài về giá trị của việc đại học) với GPA cận trung bình: 2,5.
Đây là lúc mình biết rằng bản thân cần xốc lại và đề ra những chiến lược phù hợp cũng như thử nghiệm liên tục nhằm tìm ra phương pháp cân bằng tốt nhất. Điểm số của mình sau đó đã vọt lên 3.5 vào kỳ học tiếp theo, 3.8 ở kỳ học tiếp nối và cuối cùng là 4.0 tuyệt đối ở kỳ học vừa qua.
Đây có lẽ là cơ sở đủ vững chắc để mình tin rằng những phương pháp bản thân áp dụng là phù hợp và có hiệu quả, hi vọng nó sẽ giúp bạn được phần nào trong tối ưu việc học.
1. Bạn có thực sự cần việc học này không? Sức mạnh của tư tưởng
Đây là câu hỏi lớn nhất và là câu hỏi đầu tiên bạn nên đặt ra. Bạn có thực sự cần việc học này không? Nếu có thì tại sao và nếu không thì vì sao; bạn có lựa chọn nào tốt hơn việc học không. Hãy luôn cố gắng trả lời đến cùng những câu hỏi này để tự tâm trí của bạn cảm thấy “chắc chắn" về sự lựa chọn của chính mình - vì cuộc đời bạn là do bạn lựa chọn và bạn chịu trách nhiệm cho những kết quả sau này.
Việc học không bao giờ nên là kết quả của một quá trình khiên cưỡng, đặc biệt là nếu bạn muốn những kết quả lớn hơn. Để một lựa chọn “hời hợt" tồn tại đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận bỏ ra nhiều thời gian lãng phí trong khi thanh xuân thì vẫn đang trôi qua. Việc học có thể là để làm vừa lòng bố mẹ, nếu bạn tin vào những giá trị của chữ “Hiếu” hay hiểu rằng những trợ cấp của gia đình vẫn vô cùng giá trị và khi phải chịu áp lực “ra đường liếm lá” thì rất khó có cơ sở để bạn hiện thực hóa những mục tiêu của bản thân. Việc học cũng có thể bởi bạn muốn có một tấm bằng tốt - minh chứng cho năng lực và một tiền đề cho các công việc nhất định hay đơn giản là người bạn thích học giỏi và bạn không muốn thua kém cô ấy, gì cũng được quan trọng là biết tại sao mình học và học để làm gì.
Với cá nhân mình, mình xác định việc học phục vụ nhiều mục đích của bản thân từ việc giúp bố mẹ vui lòng và tiếp tục nhận khoản trợ cấp cần thiết (tiết kiệm thời gian đáng lẽ phải đi làm kiếm tiền để dành cho việc tích lũy và học hỏi) cũng như phần nào đáp ứng những góc nhìn xã hội trong khi vẫn có thể đồng thời phát triển chuyên môn cho những hướng đi khác. Vậy nên mình thấy cần phải học và học tốt, đây là điều cần thiết cho mình.
2. Đạp phanh và vào côn, đến lúc đảo chiều rồi! Bắt đầu bằng hành động
Thực tế, khi bạn cần đặt ra những câu hỏi như trên, tình hình học của bạn cũng không quá phấn khởi nếu không muốn nói là khá tệ và việc bắt đầu hành động chính là “bước đi nhỏ nhưng ý nghĩa lớn" đầu tiên bạn cần thực hiện. Một khả năng rất cao là bạn không biết mình đang ở ngưỡng nào trong việc học, không thực sự nắm được phần mình đang học hay bản thân cần làm gì để học tốt hơn - điều mình đã trải qua vào đầu năm ngoái khi còn không biết bản thân đang học gì. Sự khó khăn ngay từ lúc bắt đầu này thường giết chết nhiều kế hoạch trong mơ khi thực tế là sẽ không có ông bụt nào xuất hiện và chỉ dẫn cho bạn cả, chỉ có bản thân bạn và tương lai của bạn mà thôi. Vậy nên, đừng từ bỏ.
Đã bao giờ bạn tắm nước lạnh vào mùa đông chưa? Nhớ cảm giác đứng trước vòi nước và căng thẳng đi bộ quẩn quanh trước khi đủ tự tin nhắm mắt nhắm mũi chờ dòng nước đáng sợ chứ hả - hay là bạn sợ quá bước ra ngoài rồi đợi nước nóng đấy ^^. Thuật ngữ này được gọi là “The Flinch", một cảm giác chùn bước đầy e sợ trước khi thực sự dám dấn thân (1) - điểm mấu chốt quyết định liệu bạn có thể hiện thực hóa một dự định hay sẽ bỏ cuộc và mãi nuối tiếc một kế hoạch “đáng lẽ là tuyệt vời lắm". Việc học cũng vậy, bắt đầu thì khó khăn và vô định như thế đấy.
Mình đã bắt đầu bằng cách giở lại từng trang Đề cương môn học, để ít ra nắm được mình đang học cái gì. Sau đấy lật giở lại các bài đọc từng tuần, đánh vật để hiểu được những cụm từ cơ bản nhất của môn học khi ấy (do các môn chuyên ngành mình học bằng Tiếng Anh). Cái gì không biết thì đi hỏi hoặc tra google, thời gian khó khăn này thực ra sẽ không quá dài như tưởng tượng ban đầu. Chưa kể, khi bạn bắt đầu nắm được những thuật ngữ cơ bản để tiếp thu, việc học sẽ đỡ “vô vọng” hơn. Quan trọng là phải dám bắt đầu hành động.
3. Tự tạo ra lợi thế tích lũy đầu tiên của mình - Sự chủ động khác biệt
“Thành công là cả một quá trình”, mình hay nghe bảo thế. Mình thì chưa thành công nên không dám nhận định thành công theo bản thân là gì, nhưng nếu để đưa ra một nhận xét về những sự thành công mà mình đọc được (2) trong suốt chiều dài lịch sử - mình chắc chắn khẳng định “Thành công luôn là kết quả của một quá trình tích lũy lợi thế.”
Từ kinh tế học cơ bản, việc mở rộng và phát triển quy mô của mô hình kinh doanh luôn đến từ việc quay vòng vốn và tái đầu tư - chính là sự tích lũy lợi thế. Trong học thuật, việc phát triển các công trình nghiên cứu luôn bắt đầu với các hiểu biết mang tính nền tảng - chính là sự tích lũy lợi thế. Chưa đủ hả, Bill Gates thực tế đã được tiếp cận với máy tính từ những năm tiểu học khi mà máy tính còn là thứ gì đó xa lạ với phần lớn dân số hay Warren Buffett đã được thử sức với chứng khoán năm 13 tuổi, những lợi thế tích luỹ này lớn dần theo thời gian và từ đó tạo ra thành công. Nhớ lại thời bạn học phổ thông, ai sẽ được chọn đi học đội tuyển (và qua đó còn giỏi hơn) nào? Lợi thế tích luỹ chi phối và qua những tác động nhỏ theo thời gian mà tạo ra kết quả lớn.
Vậy chủ động tạo ra lợi thế tích lũy cho bản thân thì sao? Tại sao không đưa bản thân mình vào guồng quay tích lũy ấy? Mình đã tư duy như thế khi trở lại với việc học và nhận ra việc này không khó như tưởng tượng. Chỉ cần chủ động đọc trước bài học một buổi và tích cực phát biểu ở lần học tiếp theo, sự khác biệt sẽ nhanh chóng xuất hiện (3). Khi đọc trước bài, bạn nghiễm nhiên tạo ra lợi thế nhỏ, lợi thế này khi được biểu hiện trên lớp sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần đáng kể và tiếp tục thúc đẩy bạn đọc trước nhiều hơn (tức là tiếp tục thúc đẩy quá trình này lặp lại) và đồng thời tạo ra các lợi thế phụ khác (cô giáo sẽ có ấn tượng tốt hơn, bạn bè sẽ tin tưởng hơn, áp lực tích cực của việc tiếp tục cố gắng nhằm duy trì những ảnh hưởng tốt đẹp bản thân đang có). Chỉ cần bằng một bước đi nhỏ, bạn đã bắt đầu đưa mình vào guồng quay tích lũy lợi thế và dần dần đưa kết quả đi lên.
Khi ấy, mình đã chủ động chuyển từ ngồi bàn cuối lên bàn đầu để có thể tiếp thu bài học hiệu quả nhất. Mình đọc trước toàn bộ các tài liệu tham khảo của mỗi buổi học và có thể những phát biểu trong buổi còn chưa thực sự hoàn hảo nhưng sự khích lệ lớn về tinh thần đã giúp mình tiếp tục duy trì thái độ cầu thị này trong suốt quãng thời gian tiếp theo. Chúng ta đều muốn cảm thấy hạnh phúc và sẽ luôn cố gắng để duy trì sự hạnh phúc đang có, thế là mình lại càng cố gắng hơn.
4. Duy trì môi trường bạn muốn trở thành - Tác động to lớn của yếu tố ngoại vi
“Muốn đi nhanh, đi một mình. Muốn đi xa, đi cùng những người khác”, đây là một câu châm ngôn mình rất thích và tin tưởng. Việc cố gắng của bạn trong bất kỳ việc gì dù là học hành hay công việc đều có thể có xuất phát tốt nhưng sẽ chỉ duy trì được (và thu kết quả lớn nhờ lợi thế tích luỹ) nếu bạn có thể tạo được một môi trường phù hợp. Môi trường ở đây không chỉ giới hạn trong chuyện bạn bè,trường lớp - nó là tất cả những yếu tố ngoại vi xung quanh mà bạn có quyền lựa chọn và chọn để tiếp xúc. Duy trì một môi trường mà ở đó có những “mục tiêu" bạn muốn trở thành sẽ là cách tốt nhất để duy trì sự phấn đấu.
Bạn sẽ khó suy nghĩ nhiều đến việc học nếu những nội dung bạn xem mỗi ngày không phải là tiếp thu kiến thức hay bạn cũng khó có thể tư duy tích cực nếu điều bạn thường xuyên nhìn thấy là góc nhìn bi quan, chán nản. Liên tục tiếp xúc và học hỏi từ những điều bạn hướng tới sẽ tạo ra bước đệm vững chắc cho hành trình tiến bước ấy. Lựa chọn là của bạn, nên đừng đổ lỗi cho một môi trường chưa phù hợp nếu bạn không đủ dũng cảm để thay đổi cuộc đời mình mà bước ra khỏi đó.
Thời điểm ấy, để tâm trí thực sự tập trung cho việc học và đặc biệt là cải thiện khả năng tiếng Anh, mình huỷ đăng ký gần như toàn bộ các nội dung không liên quan trên mạng xã hội. Theo dõi nhiều hơn những bạn học tốt để học hỏi thêm phương pháp và chứng kiến những thành tựu từ họ để có thêm động lực. Mình cũng chủ động tìm đến những bạn có chí tiến thủ lớn để kết giao và cùng giúp cả hai có động lực tiến bộ hơn. Dần dần, khi môi trường mới đã trở thành thứ quen thuộc, bản thân sẽ không còn cảm thấy phải “cố” mà nó sẽ dần trở thành một tư tưởng mới, một tư tưởng của bạn.
5. Liên tục theo dõi và đánh giá - tạo ra đường ray tiếp theo cho cuộc đời
Mục tiêu là cái tất cả chúng ta đều hướng tới nhưng mỗi người chỉ có thể kiểm soát được một số yếu tố nhất định chứ không thể hoàn toàn quyết định bằng nỗ lực cá nhân trong khi mục tiêu thì vẫn cố định. Vì vậy, việc liên tục theo dõi và đánh giá để điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với mục tiêu chính là cách đảm bảo các nỗ lực vẫn đi đúng hướng và duy trì được kết quả tiến bộ theo thời gian.
Việc này nghe có vẻ to tát nhưng thực thi lại vô cùng đơn giản. Bạn chỉ cần dành một khoảng thời gian nhất định mỗi tuần, mỗi tháng hay vài phút mỗi ngày để hồi tưởng và hệ thống lại hệ thống mục tiêu, những việc bản thân đã và đang làm để tiếp tục chuẩn bị tâm lý, kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo. Sự duy trì ý thức cá nhân (self-awareness) giúp ta định vị mình trong một xã hội gấp gáp như hiện nay và đảm bảo việc tiến bước vẫn tiếp tục diễn ra, kịp thời kéo bản thân khỏi những sai lầm có thể mắc phải.
Khi bắt đầu việc học tập nghiêm túc, mình đặt ra các mục tiêu bao gồm việc cải thiện điểm số của kì học ngay trước mắt, hoàn thành kì học tiếp nối với kết quả xuất sắc và vươn lên bằng giỏi trong kỳ tiếp sau đó. Sau này, mình vạch ra chiến lược cho từng môn học do các môn có độ khó/dễ khác nhau và cơ sở điểm cũng khác nhau. Các chiến lược này thay đổi theo thời gian do nhận thức của mình về môn học cũng thay đổi - đấy là lý do việc liên tục theo dõi đánh giá vô cùng giá trị.
Ví dụ như môn Tiếng Anh chuyên ngành, một môn học tương đối nặng ở Học viện mình. Ban đầu đặt ra mục tiêu A cho môn học này nhưng sau một kì học tương đối vất vả mà chỉ suýt soát 8.0 (tức vẫn thiếu 0.5 để lên được A) thì mình xác định kì học tới sẽ tập trung nhiều hơn cho các môn chuyên ngành khác và cố gắng duy trì Tiếng Anh ở một ngưỡng an toàn để vẫn được B mà không mất quá nhiều thời gian. Như bạn thấy, việc theo dõi để vạch ra chiến lược phù hợp có ảnh hưởng lớn tới kết quả của quá trình. Nó không chắc chắn giúp bạn thành công, nhưng sẽ bạn giúp có cơ hội thành công cao nhất.
***
Ba bí quyết nhỏ mình luôn áp dụng trong quá trình theo đuổi mục tiêu và học tập
Luôn tư duy ngày thi là Game Day
Bạn đã cố gắng nhiều, bạn đã bỏ biết bao công sức và cố gắng hết mình cho ngày hôm nay, ngày bạn được chứng tỏ mình. Vậy thì tại sao không quậy hết mình và cố hết sức cho thế giới biết bạn đã nỗ lực như thế nào trong suốt thời gian qua? Lo lắng, ừ thì đúng thật, trước một trận chiến lớn cuối cùng đấu sĩ nào chả lo âu. Nhưng đừng để những lo lắng ấy kéo chùng bạn xuống, hãy để nó trở thành động lực của bạn, để bạn chiến thắng trong Game Day! Hãy sẵn sàng cho cuộc chiến. (4)
Bạn có nghĩ tới chiến thắng sẽ tuyệt vời thế nào không?
Sức mạnh của sự liên tưởng không chỉ hiển hiện trong cuộc sống thường ngày, nó còn được chứng tỏ trong những thời khắc quyết định. Khi được hỏi về những thành công của mình ở các khoảnh khắc quyết định, từ Michael Phelps cho tới các vận động viên điền kinh vô địch Thế vận hội của Nga đều có chung câu trả lời: họ vốn dĩ đã hình dung nó kĩ lưỡng thế nào, tư duy nó cẩn thận ra sao và trải nghiệm cảm giác của người chiến thắng trước cả khi cuộc chiến bắt đầu và bước vào cuộc chiến thực sự với tâm thế của người thắng cuộc. Đừng nhầm lẫn với “daydreaming" nhưng cũng đừng quên thử một lần, bạn sẽ bất ngờ về kết quả đấy.
Sức mạnh của tiềm thức, lợi thế nhỏ đem kết quả lớn
Theo một nghiên cứu được chỉ ra trong cuốn sách “Trong chớp mắt-Blink" của mình, Malcolm Gladwell lập luận rằng những nội dung mà bạn vừa tiếp xúc sẽ luôn có ảnh hưởng nhất định đến các kết quả hành động tiếp nối. Nói đơn giản, nếu bạn vừa tiếp xúc với những cụm từ như “chậm chạp", “lù khù", “mụ mẫm" thì kết quả của bạn so với khi vừa tiếp xúc với những từ như “nhanh nhẹn”, “minh mẫn", “tinh thông" sẽ có sự khác biệt. Dẫu sự khác biệt này không quá lớn nhưng khi mà thành công và thất bại đôi khi chỉ có khoảng cách rất nhỏ, việc tận dụng mọi yếu tố thuận lợi là điều rất quan trọng.
Việc đầu tiên mình làm trước lúc vào thi luôn là tư duy và tự nhẩm ba từ khóa cũng như viết vào giấy nháp thi ngay lúc bắt đầu: “Chắc chắn", “ Mạch lạc", “IQ 140”. Mình nhận thấy những kết quả tích cực kể từ khi bắt đầu thực hành phương pháp này và hy vọng nó cũng sẽ có ích với bạn.
P/s: Mình còn phải cố gắng rất nhiều
Mình vẫn luôn tư duy từ trước, trong và sau khi viết bài này rằng bản thân vẫn còn cần cải thiện rất nhiều. Nhưng đồng thời, mình cũng tin rằng bài viết sẽ có giá trị nhất định và giúp đỡ mọi người phần nào trong việc cân bằng giữa công việc và học tập cho kết quả tối ưu tốt nhất. Chân thành cảm ơn các bạn đã đọc tới đây và cùng chúc chúng ta sẽ tiếp tục tiến bước trong tương lai! Mình rất hy vọng sẽ tiếp tục được học hỏi từ các bạn, các anh/chị cũng như được nghe mọi người đưa ra những quan điểm khác mà mục đích chung đều vì sự phát triển tốt đẹp cho tất cả chúng ta.
----
Chú thích:
(1): Xem thêm “I took cold shower for 30 days” - Matt D'Avella
(2): Đọc thêm “Những kẻ xuất chúng - Outlier" - Malcolm Gladwell
(3): Phương pháp mình nhận ra từ câu chuyện của Adam Khoo (Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế)
(4): Xem thêm “How I Crush Tests and Exams (and you can too) - John Fish
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất