Có thể nói, nhờ cách ly xã hội, nhờ một “thông lệ mới” khá phổ biến trong những ngày cách ly vì Covid: học online, mà mình gặp được những người bạn mới – những người thầy mới.
Và những điều thú vị đã bắt đầu
Một người cho mình cảm hứng để viết về Hạnh phúc, rồi một người bạn thân lại hứng thú là làm một talk online về chủ đề này, từ đó lại dẫn đến cho mình một người bạn mới - một người thầy mới.
Tranh vẽ  từ facebook của Nguyễn Liêu 

" The seed of goodness is found in the soil of appreciation 

Những điều tốt đẹp bắt nguồn từ lòng biết ơn"                                                                        Daila Latma

Điều thú vị là tình cờ, họ đều nói về những điều liên quan tới thứ mình đang quan tâm: Giáo dục, mà cụ thể hơn nữa là Giáo dục Gia đình. Hay tại mình luôn nhìn thấy ở họ những thứ ấy nhỉ. Có phải là kiểu “vẻ đẹp là trong mắt kẻ si tình” không nhỉ ;)
Còn hôm nay, mình muốn viết về một NGƯỜI THẦY mới nữa, người mình mới nghe và học hỏi qua khóa học online, nhưng chưa hề được gặp gỡ, giao tiếp trực tiếp (dù online), nên chưa thể gọi là bạn, dù mình hy vọng, sẽ có ngày ấy.
Đó là Thầy Trần Việt Quân.
Thực ra mình có nghe loáng thoáng về Thầy qua các câu chuyện của những người bạn của mình, là những người cũng đang loay hoay với câu chuyện giáo dục. Họ nói về Thầy với sự cung kính, làm mình cứ nghĩ thầy cũng lớn tuổi rồi, kỳ thực, Thầy còn trẻ (so với mình haha :D). Và mình cũng được nghe đâu đó tên trường Tuệ Đức – hệ thống trường của Thầy hay Thầy là người dẫn lối gì đó.
Thế nên khi tình cờ nhận được thông tin về một series các khóa học, cũng online, lại free: “Chuỗi gieo hạt cùng Thầy Trần Việt Quân”, mình đăng ký học luôn.
Chuỗi Gieo Hạt cùng thầy Trần Việt Quân
Thú thật lúc đầu nghe loáng thoáng những chủ đề “Tâm linh, Nhân tướng, Nhân Quả…” mình cũng hơi ngại ngại, vì có vẻ liên quan đến tôn giáo. Mà mình là người tin vào khoa học, và cho rằng, nếu có đạo đức, có trí thức, thì đâu có cần tôn giáo, vì người ta sẽ tin vào chính mình mà không phải tin vào cái gì đó bên ngoài mình, tức là như kiểu phải nhấc lòng tin ra ngoài đặt vào một thứ hay một người nào đó, có thể nhìn thấy được, thậm chí sờ nắm được (như tràng hạt hay cây thánh giá…) 
Tuy nhiên, mình vẫn sẵn sàng mở để học. Chẳng phải “Gạn đục khơi trong” là điều mà mình luôn nói với các học viên trong các khóa học Cao học Việt _Bỉ hồi những cuối những năm 90.
Và rồi, khi nghe vào những bài giảng của Thầy, mình có cảm giác rất hứng thú, vì cách tư duy hết sức logic và mạch lạc của Thầy, vì cả cách nói rất dung dị, chất, mà mộc mạc, không hề làm choáng ngợp người nghe vì “kỹ năng thuyết trình đỉnh cao”. Bây giờ nhiều người có kỹ năng thuyết trình tuyệt đỉnh kiểu đó, phần do năng khiếu, phần do “luyện công”, họ đang làm mưa làm gió trên thị trường đào tạo vô cùng sôi động và đa dạng. Công bằng mà nói, có nhiều thứ rất hay, rất hữu ích trong các khóa học đó, và chúng có thể là nguồn bổ sung tốt cho sinh viên trong các nhà trường chính quy, thường là khá buồn tẻ và trì trệ. Tuy nhiên, trong các khóa đào tạo hoành tráng đó, thường hàm chứa rất nhiều nguồn năng lượng, nhưng không phải lúc nào cũng tích cực, mà có thể mang tính “kích động”, và nếu không thận trọng và bình tĩnh, các bạn trẻ có thể bị trôi dạt theo những vòng xoáy dữ dội của nó, và rồi có thể bị nhấn chìm.
Nghe bài giảng của Thầy, nghe thêm những bài trên YouTube, trong khoảng một tuần liền, thì mình cũng thấy choáng váng.
Chỉ riêng việc ngồi nghe theo các livestream online buổi tối, từ 7h tối, thường phải đến 10h, có khi đến  11h đêm, mới thấy khâm phục về sức lực và sự nhiệt thành của các thầy, và về cả số người chăm chú “ngồi học” đêm đêm. Trên zoom và trên livestream, tổng cộng cứ khoảng gần 2K đến hơn 3K người cùng theo dõi, tương tác. Chỉ có thể nói lời biết ơn với kỹ thuật online ngày nay, nghĩa là với Bill Gate, hay Mark Zuckerberg … hay ai là người phát minh (mình khá low-tech, không biết chính xác), và tất nhiên, biết ơn vô cùng những người thầy đứng lớp, thầy Quân, thầy Minh, cô Kim Sơn, và những người khách mời khác.
Nhưng điều làm mình choáng váng nhất là ở khối lượng tri thức mà các thầy chuyển tải, quá nhiều, và quá hay, cũng quá dễ hiểu, ai cũng có thể hiểu được, lại còn được trang bị công cụ để thực hành, được hướng dẫn, giúp đỡ, nuôi dưỡng. Chỉ là nếu bạn không muốn, còn nếu muốn, bạn hoàn toàn có thể đưa tất cả những điều được học áp dụng vào cuộc sống.   
Những ngày sau đấy, và ngay bây giờ, mình cũng đang dừng hết mọi việc đang làm dang dở, và chú tâm vào “học”, bởi ở đây, mình được “sờ vào gốc rễ của vấn đề”. Phải nói đúng thế này: mình cảm thấy như được trao cho một bảo bối, một “tấm bản đồ” cho hành trình mà mình muốn đi. Trước kia mình cũng đi, cũng háo hức và đầy nhiệt tình, cũng trăn trở, cũng suy nghĩ quan sát, và lâu lâu lại nhìn ra, “ngộ” ra được một cột mốc mới cho hành trình của mình, để vui mừng biết là mình vẫn đang đúng đường. Nhưng dường như cái đích thực sự vẫn đâu đó xa vời, sau những chân trời mù sương. Còn bây giờ, dù cái đích vẫn còn xa, mình đã có thể hình dung rõ ràng chặng đường trước mắt.
Và mình sẽ mô tả tóm tắt cái bản đồ đó, vì cũng muốn chia sẻ với mọi người, với những người cha người mẹ, cùng với những đứa con trong gia đình, với các bạn trẻ, và với cả những người ông người bà đã lớn tuổi, gần đất xa trời, món “Bảo bối” quý giá này.

Trước hết, hãy xem Bảo bối này là dành cho ai?

Bảo bối dành cho ai?

Bảo bối này KHÔNG dành cho những người thỏa mãn 2 điều kiện sau: 
(i) họ thấy lúc nào cũng vui vẻ và hài lòng về cuộc sống, đang hạnh phúc mỗi ngày (hay có thể chẳng bao giờ đặt ra câu hỏi mình có hạnh phúc hay không)
(ii) họ cũng không hề băn khoăn về mong muốn chia sẻ hay làm gì để những người khác cũng hạnh phúc/hài lòng với cuộc sống như mình.
Số này có nhiều không ta? Các bạn trả lời hộ mình nhé.  
Với những người không thuộc nhóm trên, Bảo bối này chắc chắn sẽ hữu dụng cho bạn, dù bạn là người đang còn phải băn khoăn, rằng cuộc sống mình quá mệt mỏi, hay cuộc sống của bạn có vẻ ổn nhưng dường như vẫn sao sao đó; hoặc bạn là người hạnh phúc hài lòng với cuộc sống của mình, nhưng bạn không muốn “yên  thân” (bởi nếu yên thân, thì hình như bạn lại không thấy hạnh phúc nữa) và bạn muốn lan tỏa niềm hạnh phúc của bạn, niềm vui của bạn, cho những người khác.
Số này thì có đông không các bạn? Số vẫn đang tìm hạnh phúc cho mình đông hơn hay số hạnh phúc muốn chia sẻ với người khác đông hơn? Bạn thuộc nhóm nào? Mà cũng có thể, bạn thuộc cả hai nhóm này? Có thể thế chăng?

Bây giờ thì đưa Bảo bối ra thôi nhỉ? Có vẻ như hơi gìn dứ đây ?

Chứ không ư?  Bảo bối cơ mà. May mà mình tự nhiên nhặt được, được cho không biếu không, được mời gọi hãy nhặt lấy. Chứ nếu không, để mình luyện công cho ra được bảo bối này, chưa chắc bạn đã được nhận không thế này đâu nha. Haha :)
Bảo bối đây rồi
Bảo bối. Nó đây rồi nhé, bao gồm:

01 cái túi càn khôn là “Bốn vòng tròn đào tạo: 
Kiến thức – Kỹ năng – Xu hướng tính cách – Nhân cách cốt lõi”

4 vòng tròn đào tạo mô tả các “lớp năng lực” của một con người.
Lớp ngoài cùng là Kiến thức, thông thường hay được hiểu là gắn với trình độ văn hóa, trình độ học vấn, có thể “dễ đánh giá”, dễ thấy nhất, bởi đã được quy định bằng các thước đo thông dụng: lớp Kiến thức – thường thể hiện qua các loại bằng cấp, từ bằng cấp theo trình độ giáo dục phổ thông (THCS, THPT), hay bằng cấp chyên môn, từ Sơ cấp, Trung cấp, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ và cả trên tiến sĩ. Lớp ngoài cùng này, tiếc thay, lại là điều dường như được chú trọng nhất, được cả hệ thống giáo dục tập trung vào, và được hầu hết các gia đình bỏ công bỏ của chạy theo.
Lớp tiếp theo là Kỹ năng, bao gồm các kỹ năng sống thông thường (kỹ năng sinh tồn, kỹ năng xử lý các mối quan hệ) và kỹ năng chuyên môn, liên quan tới kiến thức, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn.
Hệ thống giáo dục chính thức trong các nhà trường nhìn chung đang tập trung xung quanh 2 lớp ngoài này (vòng 4 và vòng 3), thậm chí vòng 3- vòng kỹ năng cũng mới chỉ được chú ý nhiều hơn trong thời gian gần đây, thậm chí trong hệ thống các trường công, mảng này vẫn đang rất thiếu.
Đi tiếp vào trong, vòng 2, vòng đào tạo liên quan đến Xu hướng tính cách. Có rất nhiều tranh cãi trái chiều về các công cụ tìm trắc nghiệm tính cách, như sinh trắc vân tay, MBTI, DISC; tử vi, nhân tướng, xem bói bài…  Vấn đề không nằm ở các công cụ này, vấn đề nằm ở chỗ cách sử dụng các công cụ. Nếu sử dụng các công cụ này để nhận biết xu hướng tính cách của một người rồi cho rằng đó chính là “số phận” định sẵn thì là điều hết sức nguy hiểm và phản khoa học, càng nguy hiểm khi người sử dụng công cụ chưa thực sự hiểu biết thấu đáo và thiếu kinh nghiệm, chưa kể có thể có một số vừa chưa hiểu thấu đáo, lại vừa cố tình trục lợi dựa trên sự hoang mang lo lắng của người khác. Vòng tròn đào tạo thứ 2 hướng đến việc phát huy những điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của các xu hướng tính cách bẩm sinh của mỗi người. Với cách tiếp cận này, những dự báo tính cách từ nhân tướng học, tử vi, hay các công cụ khác đều có thể là một chỉ báo có ý nghĩa, chỉ ra định hướng đào tạo phù hợp để điều chỉnh tính cách của mỗi người, hoặc định hướng lựa chọn môi trường hoạt động phù hợp cho mỗi người.
Vòng trong cùng, vòng “Hạt nhân”, bao gồm 3 yếu tố tạo nên Nhân cách cốt lõi của mỗi người: Trí tuệ – Đạo đức – Nghị lực.
Đây chính là điểm đặc sắc của mô hình. Vòng lõi, vòng đào tạo có ý nghĩa quan trọng nhất, giúp hình thành nhân cách cốt lõi của mỗi người, làm cho người đó có bản lĩnh, trí tuệ và đạo đức để sống cuộc đời của chính mình, một cách có ý nghĩa, tràn đầy niềm vui, niềm hứng khởi. Tuy nhiên, đây lại là điều mà hệ thống giáo dục hiện hành dường như đang bỏ qua, hoặc hầu như chưa chạm tới được.
4 vòng tròn đào tạo, cho sự trưởng thành của con người 

Trong túi chứa các chỉ dẫn: 

  • 3 gốc rễ của Nhân cách cốt lõi : Trí tuệ - Đạo đức – Nghị lực

3 yếu tố này có thể coi như một “thang đo” để xem xét mọi hoạt động đối với sự trưởng thành của một đứa trẻ. Liệu hoạt động này đang hướng vào điều gì? Trang bị cho trẻ điều gì: trí tuệ, đạo đức hay nghị lực? Có thể bằng cách nào đó, bổ sung hoặc điều chỉnh hoạt động để tăng hiệu quả xét theo các phương diện nói trên không? Nếu giáo viên nẵm vững “thang đo” này, chắc chắn họ sẽ không thể cho học sinh làm các bài văn mẫu, hoặc cho học toán cũng theo bài mẫu, thay vào đó có thể sáng tạo thêm nhiều nội dung học tập đa dạng mà không sợ sai mục tiêu.
Các môn học, khi đó cũng không còn phân biệt môn chính môn phụ, bởi mỗi môn đều sẽ có vai trò của mình trong việc hình thành nhân cách cốt lõi của đứa trẻ. Ví dụ, thể thao là môn học rất tốt để rèn luyện nghị lực cho trẻ, bên cạnh việc nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ của các môn học khác.
  • 3 báu vật, là thức ăn cho Nhân cách cốt lõi, còn được gọi là Tam bảo: Thầy hiền trí – Tủ sách hay – Nhóm bạn tốt 

Những người thầy là một trong 3 báu vật quan trọng, là nguồn nuôi dưỡng 3 gốc rễ cho con người. Và thầy, không phải là bất kỳ ai đã từng dạy học ở trường, người thầy theo nghĩa “1 chữ cũng là thầy nửa chữ cũng là thầy”. Thầy ở đây phải là thầy Hiền & Trí, tức là vừa có đạo đức và vừa có trí tuệ, để có thể hết lòng dạy dỗ, khơi gợi cảm hứng, và truyền đạt tri thức đúng đắn cho học sinh.
Điều cần chú ý là Người thầy đầu tiên và quan trọng nhất đối với một đứa trẻ, chính là bố mẹ của chúng. Và để dạy một đứa trẻ nên người, không có con đường nào khác là bố mẹ cũng phải luôn học hỏi, để dạy con những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, giúp con rèn luyện nghị lực, đạo đức, tìm cho con những người thầy tốt để đồng hành cùng họ trong quá trình trưởng thành của trẻ.
Báu vật thứ 2 trong 3 báu vật nuôi dưỡng nhân cách cốt lõi của đứa trẻ là Sách. Ai cũng biết đọc sách là điều tốt. Song có đọc sách thường xuyên không, đọc sách gì, đọc có suy nghĩ đúc kết để lĩnh hội được cái hay cái đẹp trong sách cho phù hợp với mình…  đó lại là một câu chuyện dài cần được học hỏi và rèn luyện, để thực sự giúp cho đứa trẻ có thể thông qua sách mà nâng cao trí tuệ, đạo đức và nghị lực, rèn nhân cách vững vàng của mình.
Báu vật thú 3, là nhóm bạn tốt của trẻ. Học thầy không tày học bạn. Một nhóm bạn tốt với những đứa trẻ có chung các giá trị cốt lõi, sẽ là một môi trường tốt để một đứa trẻ được nâng đỡ, khích lệ, nỗ lực học hỏi rèn luyện và trưởng thành thông qua những trải nghiệm đẹp đẽ của tuổi thơ, để những kỷ niệm của thời thơ ấu có thể là những đôi cánh nâng con người vượt qua những thử thách của cuộc sống một cách tự nhiên nhất, thậm chí không kịp nhận ra sự khó khăn hay đau đớn của những thử thách đó.
3 gốc rễ của Nhân cách cốt lõi








3 báu vật, là thức ăn cho Nhân cách cốt lõi








  • Cách dùng Tam bảo nuôi bộ rễ : Học – Hiểu – Hành (hay Văn – Tư – Tu), cùng quá trình Quan sát – Phân tích – Đúc kết:

Đặc biệt phải thông qua những khó khăn, thử thách đủ lớn, thì những “thức ăn” mới được tiêu hóa tốt (có vẻ giống như con gà khi mổ thức ăn phải mổ kèm thêm sỏi đá).

  • Quy trình vận hành chuyển hóa giữa  Tham - Sân - Si và Giới - Định -Tuệ

Lý giải cho câu ngạn ngữ vẫn hay nghe, một thông điệp vừa mang tính cảnh báo, vừa gieo niềm hy vọng “Không ai giàu 3 họ. Không ai khó 3 đời”, và cả chỉ dẫn để thoát ra khỏi vòng đó, nếu muốn 😉  

Sơ đồ này cũng có thể dùng để giải thích được bản chất của nhiều mối quan hệ, vì sao thành công, vì sao thất bại. Ví như mối quan hệ vợ chồng, thường bắt đầu là một mối quan hệ của hai người “bạn tình”, xuất phát từ tâm “Tham” (tam giác màu đỏ), muốn được ở hữu, muốn có người kia một cách rất bản năng, sau khi kết hôn, họ phải chuyển sang có sự đồng điệu về nhân cách (tam giác mầu xanh) để có thể trở thành hai người “bạn đời”, đồng hành cùng nhau trong suột cuộc sống mưu sinh đầy gian nan thử thách song cũng chia sẻ nhiều niềm vui của quá trình trưởng thành và phát triển gia đình. Hết giai đoạn này, nếu không cùng tiếp tục chia sẻ, cùng hướng tới một cuộc đời có ý nghĩa, họ sẽ hết “nội dung sống” để có thể chuyển tiếp sang một giai đoạn cao nhất, viên mãn nhất trong đời sống vợ chồng, là trở thành 2 người “bạn đạo” của nhau. Muốn được như vậy, cả hai đều cần ý thức để rèn luyện cái “tôi” của mình, sao cho không để những thành công, trải nghiệm trong quá khứ làm cho cái Tôi của bản thân trở thành rào cản để kết nối với cái tôi khác, kiểu như nhiều cặp khi về già thường trở nên “khó ở” và bỗng nhận ra rất nhiều những tính xấu của nhau. Và đó sẽ là điều vô cùng đáng tiếc.
P/S: Nếu chỗ này chưa hiểu, mời bạn hãy tìm khóa học Chánh kiến (hay Đánh thức ý nghĩa cuộc đời) của thầy Quân nha bạn. Bạn sẽ còn được hiểu thêm nhiều điều quý giá khác nữa. 

Kèm theo có một số tip quan trọng: 

  • Tư duy VUA là Tư duy NHÂN – QUẢ;
  • Kỹ năng VUA là Kỹ năng TỰ HỌC;
  • Cái gì cha mẹ không có thì không thể cho con được;
  • Và THIỀN, thiền chánh niệm, thiền Vipassana… là cách để thuần hóa cái Tôi.

Ôi con người thật mệt, tìm mọi cách để cái Tôi mạnh mẽ lên, vững vàng lên, lớn lên, rồi lại phải tìm cách để thuần hóa nó, sao cho nó dù to lớn đến đâu, vẫn cho vừa vào một hạt cát, để nó có thể lăn đi, dù có thể dẫn lối muôn vàn hạt cát khác, nhưng không làm tổn hại, không đè bẹp “đồng loại” của mình. 

THIỀN cũng là chương cuối cùng, bài học cuối cùng trong “21 bài học của thế kỷ 21”, cuốn sách thứ 3 trong bộ 3 cuốn sách của chàng Yuval Noah Harari nổi tiếng, mình cũng mới đọc xong trong kỳ nghỉ lễ dài nhất trong mọi kỳ nghỉ, kỳ nghỉ Coronacation.
“21 bài học của thế kỷ 21” - Yuval Noah Harari
Đọc cuốn 21 bài học ấy, mình thấy Harari như người đứng phía bên ngoài, từ trong vũ trụ kia, tức là như người “ngoài hành tinh”, nhìn xuống, nhìn xuyên dọc suốt chiều dài lịch sử của trái đất, của loài người, từ thuở hồng hoang của những homo sapiens tiêu diệt các giống loài khác để vượt lên, tự coi mình là bá chủ trái đất, cho đến một thế giới “phẳng” ngày nay; và cũng nhìn xuyên thấu ngang qua mọi ranh giới của chủng tộc, của quốc gia, của tôn  giáo, của những truyền thuyết đã tạo nên những ranh giới hữu hình và vô hình, để chỉ ra sự thật trần trụi của một xã hội loài người hiện nay, đang quay cuồng và bị cuốn vào những vòng xoáy chóng mặt vì sự phát triển vượt bậc đến đứt gãy của công nghệ, đặc trưng bởi những chỉ số so sánh, kèm theo đó là những cuộc đua tranh ở mọi phạm vi, từ trong gia đình, nhà trường, tới các tổ chức, công ty, giữa các quốc gia… Kết cục của tất cả là một bức tranh về tương lai đáng hoang mang, khi con người thậm chí không còn nhận ra những sự thật về bản thân mình, và thậm chí sẽ còn khó khăn hơn nữa, khi triển vọng của việc bản thân con người sẽ bị các yếu tố bên ngoài điều khiển ngày càng trở nên rõ nét. 
Trong lúc đọc, mình cứ mơ hồ tự hỏi, không biết tác giả có thiền không nhỉ, dù mình chưa thực sự thực hành thiền, song mình đã nghe thấy rằng, thiền có thể cho ta khả năng “nhìn thấu” hơn người. Và khi lật đến chương cuối, bài học thứ 21 của cuốn sách, nó chính là THIỀN. Mình thấy cực kỳ thú vị. Oh, có thế chứ. Thì ra là nó đấy !
Thì ra là nó đấy !
Rồi khi đọc hết chương này, được nghe kể lại rằng chàng trai trẻ Harari, một tiến sĩ sử học Oxford, với những nghiên cứu và tư duy phức tạp, phong phú về tri thức, cuối cùng đã dẹp lại các nghi ngờ của mình về thiền, như một câu chuyện thần bí khác trong ngàn vạn câu chuyện thần bí mà con người đã thêu dệt lên, tham gia một khóa thiền Vipassana đầu tiên trong cuộc đời, để rồi từ đó về sau, cứ mỗi ngày dành 2 giờ để thiền, và mỗi năm đi 1-2 khóa thiền từ 1-2 tháng. Bí mật đã được bật mí: nếu không có thiền, chàng sẽ chẳng thể ra được bộ 3 cuốn sách về quá khứ, hiện tại và tương lai của loài người vi diệu như vậy.

Lời cuối chốt lại trong cuốn sách, trong chương cuối cùng đó, là con người vẫn còn có cơ hội hiểu được sự thật về mình. Và hãy làm ngay khi vẫn còn kịp. Đúng, chỉ khi biết được sự thật đó, con người ngõ hầu mới có thể làm chủ được mình, mới biết nên tiến nên lùi hay chọn lối nào.  

Phật giáo – một Tôn giáo hay một Triết lý sống, một Lối sống? 

Mình không đưa ra và không thể đưa ra câu trả lời ở đây. Bởi mình chỉ biết đến phật giáo như bất kỳ một người Việt Nam bình thường nhất có thể biết, rằng nó là một tôn giáo mà mình theo hay không theo (các lễ nghi của nó) không quan trọng, vì Phật ở tại Tâm. Như thế, với mình, thì Phật giáo không phải là một tôn giáo, đó là một triết lý sống, một lối sống. Mình chỉ chợt nhận ra, ngay lúc này, là có lẽ đã có sự hội tụ ở đây, trong tinh thần và tư duy Phật giáo, linh hồn trong triết lý và các công cụ giáo dục của thầy Trần Việt Quân, và trong Thiền Vipassana, một công cụ hướng tâm hình như ban đầu là của Phật giáo, song có lẽ cũng đã thoát ra ngoài khuôn khổ phật giáo, cũng chính là phương cách được Harari khuyến cáo sử dụng, “ngay khi còn kịp”, để  giúp con người có thể nhìn thấu vào sự thật bên trong của mình, vì chỉ khi nắm được sự thật đó, con người mới có thể hiểu mình, để có thể sống chính cuộc sống của mình, với sự tôn trọng cuộc sống của những người khác như chính bản thân nó đang tồn tại.
Mình nhớ tới một câu quote trên tường facebook của một bạn trẻ, học chung với mình trong một khóa học về Kinh tế trong Phát triển, câu nói của nhà Kinh tế học người Đức gốc Anh E.F. Schumacher nổi tiếng: “Economics without Buddhism is like Sex without Love – Một nền kinh tế thiếu vắng Phật giáo, giống như Tình dục thiếu vắng Tình yêu”.
Nhà Kinh tế học người Đức gốc Anh E.F. Schumacher

Vâng, có vẻ như con người vẫn có thể có tình dục mà không cần tình yêu.

Song liệu có ai đó có thể chấp nhận hoặc lựa chọn điều đó trong suốt cả cuộc đời mình không?
Hãy đừng để cuộc sống với tốc độ ngày càng nhanh, ngày càng xô bồ của một nền kinh tế của những siêu kỷ lục, siêu lợi nhuận, siêu khổng lồ…, không còn giới hạn của sự khiêm nhường, của tình yêu thương, của lòng dâng hiến, kéo bạn đi không thương tiếc, để rồi đến lúc bạn có thể vĩnh viễn không còn được biết tới Tình yêu.
Phải chăng, mỗi người cần đến triết lý Phật giáo để xây dựng cho mình một nhân cách minh tuệ, cần đến Thiền “thuần hóa cái tôi của mình” để trở nên khiêm nhường hơn, để có thể tồn tại hòa hợp với những người khác, trên cơ sở tôn trọng sự thật hiện hữu của họ, chứ không phải nhìn sự hiện hữu của họ qua một lăng kính của cái Tôi tham – sân – si, làm cho họ trở thành đối tượng của một mục tiêu nào đó, để rồi bị cuốn theo những ham muốn ngày càng lớn, muốn khai thác đối tượng của mình.
Và không chỉ từng người, mà chính CON NGƯỜI, với tư cách là một trong muôn loài cùng tồn tại trên Trái đất của chúng ta, cần có sự khiêm nhường hơn, cần được “thuần hóa cái Tôi của LOÀI NGƯỜI”, để có thể sống hòa hợp với thiên nhiên, với muôn loài trên Trái Đất, giảm đi sự ngạo mạn của một giống loài tự phong cho mình vai trò bá chủ, cho phép mình chinh phục thế giới, dời núi, ngăn sông, lấp biển, khai thác muôn loài nhằm thỏa mãn những khát vọng vật chất ngày càng lớn lên không có điểm dừng… để rồi phá hủy đi chính ngôi nhà TRÁI ĐẤT xinh đẹp –một đặc ân hiếm hoi trong vũ trụ hoang vắng mênh mông, mà không nhận ra sự thật giản đơn, rằng thế giới này chỉ đẹp khi con người được tồn tại hòa hợp bên cạnh muôn loài khác. Bởi tất cả đều là những đứa con của Đất Mẹ.

Đất Mẹ bao dung, nhưng Đất Mẹ cũng thật nghiêm khắc.

Đại dịch Covid phải chăng là thông điệp của NGƯỜI gửi đến cho loài người chúng ta?  

Phần mình, dù thế nào, mình vẫn phải cảm ơn kẻ truyền thông điệp đó của NGƯỜI, Covid, đã tạo duyên cho mình biết đến Thầy Quân, biết đến Triết lý giáo dục của Thầy và những đồng nghiệp của Thầy, để mình biết rằng, từ đây, mình sẽ đi trên con đường sáng, con đường Chánh niệm phát triển nhân cách cốt lõi cho chính mình, cho những người khác, cho thế hệ trẻ, là con đường dẫn dắt con người đến với mục tiêu phát triển và thuần hóa cái tôi của mình, để có thể hạnh phúc với muôn loài, để trở thành những hạt cát, cho gió cuốn đi, bên cạnh những hạt cát khác, cùng tạo nên và gìn giữ  vẻ đẹp vĩnh hằng của ngôi nhà trái đất dấu yêu.
Cảm ơn Covid.
Ngươi đã hoàn thành sứ mệnh của mình,
và ngươi hãy rời đi. 
Xin ngươi!