Chúng ta đã coi nhẹ tác hại của thuốc lá
Thời còn đi học tôi có nghe một nhà giáo nhận xét: “Chỉ cần nhìn vào thói quen hút thuốc lá, ta có thể nhìn thấy tương lai của một đất nước”. Lúc đó tôi không hiểu được lời lẽ ấy, tôi nghĩ rằng cái gì ghê gớm vậy, đằng nào cũng chỉ là điếu thuốc cỏn con có gì đâu mà ông thầy này cường điệu vấn đề lên như thế. Ai thích thì hút thôi làm gì mà căng thẳng quá. Ngày ấy tôi nghĩ rằng tương lai của đất nước phụ thuộc vào giáo dục, vào nhiệt huyết của tuổi trẻ, vào đủ thứ ở tầm vĩ mô cơ chứ chuyện hút thuốc liên quan gì, dù gì kinh doanh thuốc lá cũng đóng góp nhiều vào kinh tế nước nhà. Bán được càng nhiều, kinh tế càng phát triển ấy chứ. Như bà dì ở nhà tôi, bà ấy hút thuốc phà phà mà có làm sao đâu.
Nhưng tôi đã lầm!
Khi mà chúng ta đã lớn, đã nếm trải sự đời đủ để rút ra những bài học cho chính mình thì chúng ta mới hiểu được lời dạy của thầy cô, cha mẹ mang ý nghĩa sâu sắc như thế nào. Nhiều người trong chúng ta chắc cũng không lạ lẫm gì về tác hại của khói thuốc lá rồi, có thể đã nghe đến mòn tai về đủ mọi tác hại, nhưng thói quen hút thuốc thì vẫn giữ nguyên, nhiều người hút thuốc tặc lưỡi: “Kệ đi, có chết ngay đâu mà sợ, mình biết hôm nay thôi”. Cũng đúng, khói thuốc không làm người ta chết ngay mà phá hủy dần dần nội tạng sau một thời gian dài, người sức khỏe kém thì chết sớm còn người khỏe thì sau hàng chục năm mới bắt đầu bị bệnh. Cái quan trọng ở đây là thuốc lá không chỉ tác động lên sức khỏe của người hút mà còn cả những người ở xung quanh, giống như rượu vậy, nhưng cách tác động lên người xung quanh của 2 loại chất gây nghiện này có khác nhau:
- Với rượu, người nghiện rượu gây ảnh hưởng lên người khác bằng các hành vi của họ sau khi uống rượu, ví dụ gây tai nạn giao thông, hành hung người khác, làm buồn phiền vợ con, họ là gánh nặng tiềm năng trong tương lai cho gia đình.
- Với thuốc lá, người nghiện tức thời đầu độc trực tiếp người hít phải khói xung quanh và là gánh nặng tiềm năng trong tương lai cho xã hội và gia đình.
Như vậy, tác động của thuốc lá có tính trực tiếpthường trực mỗi khi một điếu thuốc được châm. Nếu như các hậu quả do say rượu không phải lúc nào cũng xảy ra, ví dụ người ta vẫn lái xe được hoặc vẫn tự chủ được hành vi sau khi say chờ đến hôm sau tỉnh rượu thì một người hút thuốc vừa đầu độc mình vừa đầu độc người xung quanh cùng một lúc, thường trực là chỗ đó. Chỉ có điều quá trình này diễn ra âm thầm nên không mấy ai để ý. Cách giải quyết vấn đề này là ban hành các quy định về khu vực hút thuốc riêng để không ảnh hưởng đến người khác. Tuy nhiên, trong thực tế thì những quy định này không hề được tuân thủ, y như muối bỏ biển. Đến đây lại xuất hiện vấn đề thứ hai ở người hút thuốc: vấn đề đạo đức.
Đối với những người chỉ hút thuốc ở đúng nơi quy định hoặc hút một mình thì không nói, tôi đã nhìn thấy rất nhiều người bất chấp đó là nơi đông người, nơi cấm hút hoặc hút luôn ở bệnh viện (!). Đáng trách hơn nữa là hút khi đang chạy xe ngoài đường, hoặc ngay cả khi đang chở theo gia đình có con nhỏ. Có thể giải thích như thế nào về việc này? Ắt hẳn cơn nghiện ở những người này đã quá lớn đến nỗi người ta bất chấp mọi sự khó chịu xung quanh và bất chấp luôn sức khỏe của người khác để thực hiện cho kỳ được việc hút thuốc. Thật xót xa cho những bệnh nhân hay người đi nuôi bệnh phải hứng chịu bầu không khí đầy khói thuốc ở bệnh viện, và càng xót xa hơn nữa cho những đứa trẻ phải chịu đựng khói thuốc của cha (hoặc mẹ) chúng. Ở đây cơn nghiện thuốc lá dường như đã xóa nhòa đi liêm sĩ và trách nhiệm của một con người. Nhưng vì phép lịch sự, hay vì nhiều lý do khó nói nào đó đa phần những người chịu ảnh hưởng từ khói thuốc đều im lặng.
Một người đang hút thuốc tại bệnh viện, trước mặt người nhà của mình.
Tôi từng đúc kết được rằng: Để biết một người có tử tế hay không, chỉ cần nhìn vào hai điều, đầu tiên là ăn mặc tươm tất, tiếp theo là không hút thuốc, rồi mới nói tới những thứ khác. Thuốc lá ở đây có thể được mở rộng ra bất kỳ một chất gây nghiện nào khác như rượu bia, ma túy, thuốc lá điện tử, v.v...
Ý kiến trên có thể khá cực đoan nhưng quả thật tôi thấy nó đúng nếu như nhìn vào sâu hơn, chuyện bạn cần ăn mặc chỉnh tề thì đương nhiên rồi, chỉnh tề chứ không cần phải đẹp vì đẹp lộng lẫy quá thì cũng chưa chắc. Thậm chí mặc đồ rách cũng không thành vấn đề, nhưng vế thứ hai quan trọng hơn nhiều. Cố gắng tránh xa khói thuốc thể hiện được bạn quan tâm đến sức khỏe của mình tới đâu, bạn phải khỏe thì mới nói chuyện quan tâm tới người khác được. Bạn không thể dạy dỗ con cái mà trên miệng phì phèo điếu thuốc, bạn không thể kể lể với vợ rằng mình yêu cô ấy lắm mà trên miệng nhả khói, yêu mà hạ độc người mình yêu và biến mình thành một gánh nặng tiềm tàng cho người mình yêu ư? Tử tế hay không nằm ở những điều hết sức đơn giản ấy. Tôi đã nhìn thấy khá nhiều người nghiện thuốc lá, điểm chung ở họ đều là những con người gầy gò, vầng môi thâm, khuôn mặt nhăn nhúm, dáng điệu lọm khọm, nói chung là thiếu sức sống và trông già trước tuổi. Họ nhìn còn không ra con người nữa. Đôi khi chỉ cần nhìn vào dung mạo của một người, tôi có thể đoán được họ có phải là người hút hay không.
Khi mà cơn đại dịch Corona đang hoành hành trên thế giới lúc này khiến người ta hoảng loạn lên vì nó, thì tôi lại thấy một cơn đại dịch khác khủng khiếp hơn nhiều đã tồn tại qua hàng thế hệ, đó là đại dịch thuốc lá. Corona virus chỉ gây bệnh trong một thời gian và nó chỉ gây tử vong ở nhiều người già yếu hoặc có sẵn nhiều bệnh, một khi nó đã khỏi thì có thể khá yên tâm. Còn thuốc lá thì sao? Nó âm thầm phá hủy các cơ quan nội tạng của bạn, kích hoạt cơ chế sản sinh tế bào ung thư không chỉ ở phổi mà còn ở các cơ quan khác. Một người hút thuốc nếu như từ bỏ nó thì cũng chỉ giảm đáng kể được nguy cơ ung thư sau một thời gian dài lên đến 10-20 năm. Không phải bạn không hút là bạn không còn bị bệnh nữa, mà nó vẫn ở đó chực chờ một khi cơ thể yếu sẽ phát tác, như thế đủ cho thấy sự tàn khốc của nó là như thế nào. Tất cả điều này cũng đúng đối với người hút thuốc lá thụ động.
Tiếc thay với cơn đại dịch này người lại không dành đủ sự cảnh giác, trái lại vẫn chung sống vô tư với nó. Có thể nói không ngoa rằng sự hoành hành hiện nay của đại dịch này cũng như sự tự tung tự tác của người hút thuốc lá đến từ phản ứng yếu ớt của số đông còn lại.
Những ngụy biện của người hút thuốc lá
Như tôi đã trình bày bên trên, thói quen hút thuốc không chỉ tác hại đến sức khỏe người hút, nó còn tác hại đến liêm sỉ của họ nữa, vì vậy họ đưa ra hàng loạt lý do ngụy biện phản khoa học để bào chữa cho thói quen này như sau, gọi là ngụy biện vì chúng chứa một phần nhỏ sự thật song được người hút đưa ra để quy cho toàn thể:
Phải biết hút thì mới đáng mặt đàn ông.
Phản biện: Đàn ông thường được mệnh danh là phái mạnh, mạnh là gì nếu không phải là khỏe mạnh về tinh thần và thể chất? Một người suốt ngày phải dựa vào khói thuốc để giải tỏa tâm trạng thì đó là kẻ yếu đuối về tinh thần, một người hút thuốc thì đã luôn âm ỉ mọi căn bệnh trong người sao có thể gọi là khỏe mạnh? Người đàn ông phải mạnh để bảo vệ cho gia đình của mình, cho những người mình yêu thương, rõ ràng để đáng mặt đàn ông thì phải là một người không hút thuốc trước đã. Cũng giống như những người hay nổi nóng, chửi bới, hay sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề nhìn bề ngoài có vẻ hùng hổ nhưng họ chỉ là những kẻ yếu đuối, có một cơn khủng hoảng đang xảy ra bên trong họ, làm sao có thể đáng mặt đàn ông.
Tôi hút tôi bệnh thì tôi chịu, liên quan gì các người?
Phản biện: Trong khói thuốc lá có hơn 4,000 hóa chất, trong đó có hơn 200 loại hóa chất có hại cho sức khoẻ và có tới hơn 40 chất gây ung thư. Vậy bạn không chịu một mình mà người xung quanh cũng phải chịu, ở những nơi công cộng bạn đến thì người ta chỉ phải chịu một lần; còn vợ con, cha mẹ, người thân của bạn ở nhà thì họ phải chịu bao nhiêu lần? 365 lần một năm là tối thiểu. Với tần suất đó thì không chỉ bạn bệnh mà gia đình của bạn cũng lần lượt kéo nhau vào bệnh viện, rõ ràng nó rất có liên quan đến người khác chứ không phải chỉ liên quan tới bạn. Khi bạn ngã bệnh, thì bạn trở thành gánh nặng cho người thân và xã hội, liên quan là ở chỗ đó.
Tôi cần phải hút để giải tỏa tâm trạng
Phản biện: Để giải tỏa tâm trạng có rất nhiều cách tích cực như: nghe một bản nhạc, đọc một câu chuyện cười, thưởng thức một cuốn sách hay, làm một ly cà phê, ngắm một phong cảnh đẹp, ăn một bữa ăn ngon lành hay đứng dậy tập một bài thể dục. Phải là những biện pháp nâng cao sức khỏe và làm giàu thêm tri thức, làm phong phú cho tâm hồn thì mới là cách để giải tỏa tâm trạng chứ không phải là các biện pháp làm hao mòn sức khỏe như hút thuốc. Hít một đống chất độc vào người thì não bộ của bạn làm sao giải phóng được những chất giúp cải thiện tâm trạng? Đến khi nằm trên giường bệnh, bạn sẽ thấy thế nào là sự “giải tỏa tâm trạng” chung cuộc mà nó đem lại. Do đó ngụy biện này hoàn toàn phản khoa học.
Điều lạ là những cách giải tỏa tâm trạng tích cực như tôi đã liệt kê trên lại không tác động đến người khác, bạn làm thì chỉ có mình bạn hưởng, trong khi chúng ta rất cần nó tác động. Nhưng các cách thức tiêu cực như hút thuốc, uống rượu thì lại có tác động. Sự đời thật đáng buồn.
Có nhiều người hút vẫn sống đến trăm tuổi có bị gì đâu?
Phản biện: Số người hút sống đến trăm tuổi trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn đa phần người sống lâu đều đến từ lối sống lành mạnh không thuốc lá, đâu cần phải trăm tuổi. Không thể đem một số trường hợp cá biệt để phủ nhận một nguy cơ sức khỏe đã được khoa học chứng minh.
Nên hút vì nhiều diễn viên, ca sĩ hút thuốc trên TV trông rất có phong cách.
Phản biện: Đến lúc này mà bạn còn nghĩ rằng những thứ xuất hiện trên các chương trình TV là đáng học hỏi? Nếu bạn muốn nói đến một thứ phong cách tồi thì không còn gì để nói, nhưng nếu là phong cách tốt thì trên TV bây giờ đếm được trên đầu ngón tay.
Nhân cách suy sụp
Thời gian hút thuốc của một người càng dài, thì nhân cách của họ càng đi xuống một cách thảm hại. Ở những người hút thuốc có thâm niên, thì tôi đoán rằng gia đình của họ đã hoàn toàn đầu hàng trước thói quen đó, mọi bi kịch trong tương lai có lẽ chỉ trông chờ vào sự may rủi của số phận. Trong nhiều mối quan hệ bạn bè, tôi có một cách đơn giản để xác định đó có phải là bạn tốt hay không, nếu như họ hút thuốc trước mặt bạn, thậm chí bất chấp lời góp ý của bạn thì bạn nên rời bỏ người bạn ấy. Bởi vì một người mặc kệ sức khỏe của bạn thì họ sẽ làm bạn tốt kiểu gì? Thói quen hút thuốc chính là CHỈ BÁO HÀNG ĐẦU cho kết quả tồi tệ của một tình bạn, chẳng hạn bạn có thể bị người bạn đó phản bội hoặc bán đứng.
Hút thuốc trước mặt trẻ em và phụ nữ, đây là "đáng mặt đàn ông"?
Trong một mối quan hệ yêu đương cũng vậy, một người hút thuốc lá trước mặt bạn gái (bạn trai) mình là người không đáng để quen biết, họ sẽ yêu thương bạn kiểu gì với thái độ đó, và họ sẽ yêu thương con cái của hai người như thế nào? Có rất nhiều bà vợ than phiền về thói quen hút thuốc của chồng, tôi nghĩ rằng họ nên im lặng đi là hơn vì chính họ đã mù quáng lựa chọn một người như vậy ngay từ đầu thì trách gì ai? Thậm chí họ đã cố gắng khuyên nhủ nhưng không kết quả thì việc họ cần làm là ly hôn để bảo vệ bản thân và con cái mình chứ không phải ngồi đó than phiền. Nếu bạn chấp nhận lập gia đình với một người hút thuốc, thì bạn đã phớt lờ những thảm kịch CHẮC CHẮN sẽ xảy ra trong tương lai, điều duy nhất có thể nói về bạn là "mù quáng". Nói vậy thôi chứ nhiều người chẳng hề quan tâm mù quáng hay không đâu vì ông bà ta đã nói rồi, nồi nào thì úp vung nấy.
Người yêu hay bạn đời của bạn hiện thời có thể không toàn hảo ở nhiều mặt, nhưng chỉ cần anh ấy hay cô ấy không hút thuốc thì hãy yên tâm, bạn sẽ không phải hối hận về lựa chọn của mình.
Trong quan hệ làm ăn, người ta thường viện cớ lịch sự nên sẽ không góp ý một đối tác hút thuốc lá, thậm chí nể mặt hút thuốc theo lời mời. Nhưng như tôi đã nhận định ở trên, thói quen này liên quan chặt chẽ đến nhân cách của một người, nên bạn sẽ thấy ngay rằng mối quan hệ này sẽ “tốt đẹp” tới cỡ nào với một đối tác như thế. Họ mong muốn cả đôi bên cùng có lợi, nhưng tại sao họ không biết tôn trọng sức khỏe của bạn? Bạn thấy đấy, kết cục của một thương vụ đã được dự báo từ một thói quen hết sức đơn giản. Nếu bạn chấp nhận làm ăn với một đối tác hút thuốc lá trước mặt bạn, thì bạn đã phớt lờ sự thua lỗ CHẮC CHẮN sẽ xảy ra trong tương lai. Có vẻ như không liên quan gì giữa một thói quen nhỏ nhặt với chuyện làm ăn, nhưng thật ra lại rất liên quan.
Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải liên tục đưa ra lựa chọn trong khi chúng ta không hề biết trước kết quả sẽ ra sao, thì thuốc lá vô tình thay lại là một dấu hiệu rất tốt để chúng ta biết được kết quả ngay từ đầu đối với một số lựa chọn. Mà đây lại là những lựa chọn quan trọng trong cuộc đời.
Người nghiện thuốc lá thường rơi vào trạng thái không thể dừng lại việc châm thuốc, cứ khoảng 5-10 phút họ sẽ châm một điếu, như vậy trong một ngày họ đã hút hàng chục điếu thuốc. Hãy tưởng tượng chi phí họ bỏ ra thay vì đem lại điều tốt thì lại phá hủy sức khỏe của họ và bao nhiêu người khác hít phải. Đây quả là một sự lãng phí khủng khiếp! Ở Việt Nam có một hình ảnh đặc biệt là sân của các bệnh viện lại thấy rất nhiều người hút thuốc. Thật kỳ lạ khi ở một nơi rất cần bầu không khí trong lành cho các bệnh nhân thì nó đã bị hủy hoại nặng nề bởi khói thuốc, bất chấp các quy định đã được gắn bảng hẳn hoi trong bệnh viện, suy đồi nhân cách nằm ở chỗ đó.
Biểu đồ minh họa diễn tiến sức khỏe của một người hút thuốc, đường màu cam thể hiện chi phí liên quan tới thuốc lá và chữa các bệnh do thuốc lá gây ra.
Thực sự tôi đánh giá rất cao những người không hút thuốc và đã từ bỏ nó, thậm chí những người kiên quyết tránh xa những nơi có khói thuốc và dám lên tiếng phản đối nạn hút thuốc nơi công cộng lại càng là những người đáng trân quý biết bao, vì họ biết đâu là con đường đúng đắn phải đi trong cuộc đời này.  Nói không với thuốc lá chính là một lựa chọn vừa dũng cảm vừa khó khăn, là một thái độ sống vô cùng tích cực. Nói không chẳng những bằng cách tránh xa khói thuốc mà còn bằng cách có thái độ phản kháng lại những người hút vì họ chính là một thứ bệnh dịch của xã hội. Họ đe dọa sức khỏe của người không liên quan tới họ cũng như đe đọa chính các thế hệ tương lai trong gia đình mình.
Những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình có người cha hoặc người mẹ hút thuốc một là có sức khỏe bị đe dọa ngay từ thuở ấu thơ, hai là cũng bị cuốn theo thói quen đó của cha mẹ. Mà các nước đang phát triển có tỷ lệ hút thuốc rất cao, thì ta cũng thấy rõ tương lai của đất nước đó đang bị đe dọa ra sao.
Hung Le