"Kỹ nữ" là một danh từ. Nghe thấy từ này, có lẽ chúng ta thường liên tưởng ngay đến nghề bán dâm. Nhưng nhìn từ lịch sử hình thành của nghề kỹ nữ ở Trung Quốc thì đó là một cách hiểu chưa chính xác. Kỹ nữ xuất hiện ở Trung Quốc từ rất sớm, tồn tại liên tục và trở thành một trong những quần thể văn hóa đặc thù của xã hội phong kiến. Trong văn học, mẫu người kỹ nữ cũng cho thấy vai trò khác nhau vô cùng quan trọng, vừa là đối tượng phản ánh, vừa là chủ thể sáng tạo. Sự tham gia của mẫu người kỹ nữ vào đời sống văn học cũng đã để lại rất nhiều dấu ấn và thành tựu. Nhân tìm hiểu về hình ảnh người kỹ nữ trong văn học trung đại, tôi đã tìm đọc được một số tài liệu khá lí thú về lịch sử, nguồn gốc của nghề kỹ nữ Trung Quốc nói riêng và các nước Đông Á nói chung, thấy lạ lạ nên tôi muốn viết thành một bài. Do đó, bài viết này sẽ không đi sâu vào phân tích hình tượng người kỹ nữ trong văn học mà tập trung giới thiệu một số thông tin "độc đáo" về nghề đặc biệt này. Tạm gọi là "Kỹ nữ: chuyện chưa biết" nghe cho oách xà lách. 
Các kỹ nữ tại lầu xanh Yoshiwara. (Ảnh tư liệu lịch sử Nhật Bản)

Đọc thêm:

1. Định nghĩa và diễn biến về tên gọi 

Tên gọi "kỹ nữ" ngay từ đầu hoàn toàn không phải là nói về nghề nghiệp bán dâm của phụ nữ, mà vốn là nghề ca múa. Như Thuyết văn giải tự nói, "kỹ là vật dùng nhỏ của phụ nữ". Trương Tập thời Ngụy giải thích "kỹ" là "gái đẹp". Thiết vận của Lục Pháp Ngôn thời Tùy nói "Kỹ nữ là nữ nhạc". Các sách Chính tự thông, Khang Hy tự điển về sau cũng giải thích "kỹ" là "nữ nhạc". Nữ nhạc thời cổ thường dùng để chỉ phụ nữ dung mạo xinh đẹp, giỏi ca múa âm nhạc. 
Chữ "kỹ" trong từ "kỹ nữ", tiếng Trung có nhiều dạng. 
Dạng thứ nhất: 伎 (nhân + chi) để chỉ ca nhi, vũ nữ thời xưa. 
Dạng thứ hai: 技 (thủ + chi) có nghĩa là tài năng, tài nghệ.
Dạng thứ ba: 妓 (nữ + chi) để chỉ những người hành nghề buôn son bán phấn.
Các chữ này, Trung Hoa thời cổ dùng thông nhau, không phân biệt. Đôi khi còn dùng thông với các chữ xướng: 娼 (nữ + xương), xương 倡 (nhân + xương) để chỉ phụ nữ theo nghề ca múa nghệ thuật. 
Như vậy, từ xa xưa, chữ "kỹ" vừa dùng để chỉ một nghề, vừa thể hiện tài năng của những người phụ nữ trong âm nhạc, vũ đạo và các hình thức nghệ thuật khác, kể cả văn học. Việt Nam mượn nguyên vẹn từ "kỹ nữ", trong khi Nhật dùng geisha và Triều Tiên dùng kisaeng. 
Ý nghĩa hiện đại của từ "kỹ nữ" chủ yếu là chỉ thị kỹ (kỹ nữ ở thành thị) đem bán thân xác của mình đánh đổi lấy tiền của khách. Nó manh nha từ thời Đường Tống, định hình từ thời Minh Thanh. Từ giữa thời Minh trở đi thì vô cùng thịnh hành, mới khiến "bán dâm" đồng nghĩa với "kỹ nữ". 

Đọc thêm:

2. Đẳng cấp của kỹ nữ

Kỹ nữ trong lịch sử Trung Quốc thường lấy tiêu chí về tài sắc của kỹ nữ mà chia hạng. Thật ra thì tiêu chí phân hạng kỹ nữ qua các giai đoạn rất không giống nhau. Những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến việc phân hạng thứ bậc gồm có: dung mạo, tài nghệ, thân phận, giàu nghèo. 
Đầu tiên thì người ta lấy nhan sắc của kỹ nữ làm tiêu chí phân loại chủ yếu để chia thành 3 hạng là hạng trên, hạng giữa và hạng dưới. Đến thời Đường, tiêu chí phân loại kỹ nữ có sự thay đổi lớn, lấy tài nghệ làm chủ, nhan sắc là thứ hai, thân phận là thứ ba. Lấy việc phân loại kỹ nữ trong giáo phường ở cung đình làm ví dụ, thì đều lấy khả năng ca múa làm tiêu chí, người giỏi gọi là "Tiền đầu nhân" (hoặc "Nội nhân"), thường được biểu diễn ca múa trước mặt hoàng đế, được đeo ngọc bội hình con cá. Sách còn chép, những người hát hay múa giỏi đứng đầu, trò chuyện hài hước là thứ hai, thạo âm luật là bậc dưới nữa, mà dung mạo trong con mắt của mọi người đã không còn quan trọng. 
Thời Tống Nguyên khi phân loại kỹ nữ thì nhấn mạnh tiêu chí tài sắc. Sắc đẹp kiêm toàn là kỹ nữ hạng nhất, họ là "Đầu nhân" trong Quan kỹ, lúc biểu diễn ca múa thường đứng ở hàng đầu. Những người này ngoài dung mạo và tài nghệ thì còn được chú trọng ở khí chất bất phàm, tức là "phong thái", "cử chỉ". Người có tài nghệ được xếp hạng hai, chỉ có sắc đẹp là hạng ba.
Thời Minh Thanh, người ta thường căn cứ vào tài tình sắc nghệ để phân chia đẳng cấp. Quyển Kim Lăng kỹ phẩm phân chia 32 danh kỹ làm 4 loại để phẩm bình: thứ nhất là Phẩm chất, người có khuôn phép là hơn; thứ hai là Thanh vận, người có phong nghi là hơn; thứ ba là Tài nghệ, người có tài năng là hơn, thứ tư là Nhan sắc, người có sắc đẹp là hơn. 
Thời cận đại, việc phân loại đẳng cấp kỹ nữ ở Thượng Hải vô cùng đa dạng. Có thể chia thành mấy dạng như sau: 
- Nữ hiệu thư: là dạng có đẳng cấp cao nhất trong kỹ nữ, tài sắc kiêm toàn, bán nghề không bán thân, chỉ kể chuyện đàn hát, mời rượu, đóng kịch cho khách thưởng thức. 
- Trường tam: thấp hơn Nữ hiệu thư một bậc, nhưng họ vẫn xếp vào kỹ nữ hạng sang. Họ cũng là mang danh "bán nghề không bán thân" để đề cao thân giá. Tuy nhiên vẫn có hiện tượng giữ khách lại qua đêm.
- Yêu nhị: kỹ nữ hạng vừa, phần lớn là kỹ nữ bán mình hay kỹ nữ trừ nợ. Vì họ "ra cuộc" thì phải trả 2 đồng , nên có tên gọi như thế. 
- Gà lẻ (Dã kê): kỹ nữ hạng thấp, có thể chia thành Gà lẻ ở nhà và Gà lẻ phổ thông. Địa vị và thân giá của Gà lẻ ở nhà cao hơn, chỉ tiếp khách quen. Gà lẻ phổ thông thì thê thảm hơn rất nhiều, phải đêm hôm khuya khoắt, mưa gió tuyết sương đứng bên đường, không có khách còn bị chủ chứa đánh đập tàn nhẫn. 
- Bàn đinh (Đinh bằng): họ được xem là kỹ nữ bậc thấp nhất ở Thượng Hải. Khách chỉ cần bỏ ra 3 hào. 

3. Nguồn gốc

Tù nhân
Ở Trung Quốc thời Hạ Thương hay thậm chí trước đó, tù nhân đã trở thành nguồn gốc chủ yếu của kỹ nữ, nên giới học thuật gọi đó là "thời đại kỹ nữ nô lệ". Các thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều có phụ nữ bắt làm tù nhân biến thành kỹ nữ mang hình thức gia nô thấp kém, hoặc phải thỏa mãn nhục dục cho tướng sĩ. 
Sung công
Cái gọi là "Sung công" (Tịch một) là chỉ việc quan phủ bắt các phụ nữ trong gia đình kẻ tội phạm làm kỹ nữ, cũng là một trong những nguồn gốc quan trọng của kỹ nữ thuộc quan lại ở Trung Quốc thời cổ. Tuyệt đại đa số gia thuộc của tội phạm bị sung công đều rơi rụng làm nô tỳ nhưng bộ phận lớn những người xinh đẹp hoặc "khéo léo nữ công" trong đó sẽ biến thành công cụ thỏa mãn dục vọng cho kẻ thống trị. 
Buôn người
Con gái nhà lành bị buôn bán làm nô tỳ chính là một nguồn gốc chủ yếu của kỹ nữ, nhất là tư kỹ ở Trung Quốc. Nó gồm 2 dạng là "tự bán mình" và "bị bán". Cái gọi là "tự bán mình" chủ yếu là chỉ vào số đông những người lao động nghèo, bị kẻ thống trị bóc lột sưu cao thuế nặng hoặc vì thiên tai nhân họa gây ra mất mùa đói kém. Thời Tống, việc bán người trở thành nguồn gốc chủ yếu của kỹ nữ. Thường là nhà kỹ viện tìm cách lừa các gia đình nhà nghèo, ngụy tạo văn khế bán mình, viết tăng giá lên mấy lần. Quan lại cũng biết nhưng lờ đi. Triều Gia Phong nguyệt ký có nói: "Kỹ nữ trên thuyền ít người là con ruột của chủ chứa mà đều mua từ các nhà nghèo". 
Nói chuyện buôn người sẵn tiện nhớ qua chuyện Thúy Kiều, lại buôn dưa lê một tí. Ta cứ quen miệng "Kiều bán mình chuộc cha" thành ra cái sự "bán" này được nhiều bạn nhỏ hiểu lầm là Kiều "tự nguyện" vào lầu xanh. Một lần tôi được mấy bé lớp 10 hỏi, "Ủa thiếu gì cách mà sao Kiều lại chọn vào lầu xanh, tự nguyện theo Mã Giám Sinh qua chỗ Tú Bà, đồng ý với giá 400 lạng rồi mà nói lừa là lừa làm sao". Chèn ơi, thế là tôi phải giải thích cho mấy ẽm. Nói Mã Giám Sinh lừa Kiều là đúng chứ còn gì. Mã Giám Sinh vốn là phường "buôn thịt bán người" như Tú Bà nhưng lại nói dối mình là người học trò họ Mã trường Quốc tử giám. Kiều bán mình ở đây có nghĩa là để người mua về dùng làm vợ hoặc tì thiếp. Tức là Kiều đồng ý lấy Mã Giám Sinh làm chồng chứ nào có biết cái kế hoạch kinh khủng khiếp của bọn kia. Tú Bà sai chồng là Mã Giám Sinh đi mua thiếu nữ ở Bắc Kinh; Mã mua được Thuý Kiều; giữa đường, gã lưu thông họ Mã, "giống hôi tanh" đã "chung chạ" với Kiều. Đến khi vỡ lẽ biết mình bị lừa, Kiều mới đau xót thì cũng đã muộn. Tú Bà nổi cơn tanh bành vì cha nội Mã Giám Sinh làm mất giá cô Kiều. Kiều chọn phản kháng lại bằng cách tự vẫn để khỏi rơi vào chốn nhơ nhuốc, song mọi người cứu được. Lần này là lần thứ hai Kiều mơ thấy Đạm Tiên, Kiều gặp Đạm Tiên trong mơ sau khi tự vẫn (Rỉ rằng: Nhân quả dở dang/ Đã toan trốn nợ đoạn tràng được sao/ Số còn nặng nghiệp má đào/ Người dù muốn quyết trời nào đã cho/ Hãy xin hết kiếp liễu bồ/ Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau). Kiều gọi giấc mơ này là “thần mộng” (Và trong thần mộng lấy lời) và tin vào lập luận về duyên kiếp, duyên nghiệp của Đạm Tiên. Kiều đã tìm thấy ở lời tiên tri của Đạm Tiên một sự hy vọng, chấp nhận chờ đợi, bởi những biến cố này chính là nghiệp mà Kiều phải trả. Sau giấc mơ này, Kiều chấp nhận làm kỹ nữ. Vậy nên, cần phải nói rõ là không phải cô Kiều cổ chủ động lựa chọn con đường này đâu. 
Một kỹ nữ lầu xanh với đôi chân nhỏ gọn vì theo tục bó chân từ nhỏ (vtc.vn).

4. Nhân viên trong kỹ viện

- Cha hờ, mẹ hờ: Cha hờ mẹ hờ tức là cha mẹ nuôi của kỹ nữ, là chủ nhân của kỹ viện, còn gọi là "Can gia Can má". Cha hờ mẹ hờ phần lớn là kẻ âm hiểm xảo quyệt, mất hết nhân tính. Đây đều là những kẻ không làm mà ăn, coi kỹ nữ là "cây tiền chậu của", tìm đủ mọi cách giày vò, bóc lột họ. 
- Bà dì, chị lớn: Bà dì, chị lớn là các đầy tớ gái trong kỹ viện, là người giúp việc cho kỹ nữ. Người có chồng thì gọi là Bà dì (Di nương), người còn trẻ chưa chống lầy thì gọi là Chị lớn (Đại thư). Họ chủ yếu phụ trách tạp vụ, như quét dọn bàn ghế, bưng cơm rót nước, dọn dẹp giường chiếu, cho tới những việc như chải đầu trang điểm cho kỹ nữ, cũng kiêm luôn phụ trách mang vác đàn, hay bảo vệ lẫn kiểm soát kỹ nữ. Bà dì thường được giao việc nặng nhọc hơn. Chị lớn thì phải giúp kỹ nữ tiếp khách, tiêm thuốc phiện, mời trà bánh, cũng như các a hoàn bên cạnh tiểu thư con nhà quý tộc vậy. Có trường hợp, chị lớn cũng phải thay kỹ nữ trẻ tiếp khách ngủ lại. Địa vị họ trong kỹ viện rất thấp. 
- Giúp việc: Đầy tớ trai trong kỹ viện gọi là Ngoại trường, Ngoại thế, Tương ban, Quy nô, Nhị gia,... Họ thường khiêng kiệu, kéo xe, giúp việc canh đêm ...  Ngoại trường (làm vòng ngoài) địa vị hèn hạ nhất, phần lớn là phường vô lại ở chợ búa nhưng lanh lẹ, biết ăn nói. Họ có khả năng đặc biệt là: chỉ cần khách chơi vào kỹ viện 1 lần, thì lần thứ 2 bước vào, bất kể là xa cách bao lâu, họ cũng nhất định nhớ được tên khách là gì, lần trước là ai tiếp đãi. 
- Bì điều khách: Bì điều khách là nhóm ăn không ngồi rồi, làm mối lái cho kỹ nữ và khách. Họ tuy không phải người trong kỹ viện nhưng có mối quan hệ với nơi này rất chi là mật thiết. 
Ngoài những nhân viên kể trên, một số kỹ viện hạng sang còn có các nhân viên như Mã sư: thầy nhạc, người đàn giúp vui cho tiệc. Tương trướng: tiên sinh kế toán trong kỹ viện. Tư thái: đầu bếp trong kỹ viện. 
Xem ra nhân viên được phân nhiệm vụ thứ bậc rất rõ ràng, quy củ, ai làm việc nấy, phối hợp nhịp nhàng linh động. 

5. Nghi thức "Buộc lược"

Theo tục lệ của Kỹ viện, Thanh quán nhân (chỉ kỹ nữ còn trinh) chỉ cài lược trên bím tóc, sau lần đầu tiếp khách ngủ lại qua đêm thì đổi thành búi tóc lên, nên gọi là Buộc lược (Sơ lộng). Búi tóc lên cũng là từ chuyên dùng chỉ việc kỹ nữ tiếp khách qua đêm lần đầu. Nó vốn là dấu hiệu về việc phụ nữ kết hôn, tỏ ra là thời thiếu nữ đã kết thúc. Nghi thức Buộc lược được xem là nghi thức vô cùng quan trọng đối với một kỹ nữ, cũng như nghi lễ hôn nhân bình thường. Kỹ viện rất coi trọng việc này mà chủ chứa cũng lấy đó làm món hàng lạ, coi dịp này là dịp để "đào vàng". Nghi thức Buộc lược cũng long trọng nhiều tiểu tiết, nào là thắp đôi nến lớn, Thắt dây (Kết tuyến đầu) với khách, uống cạn Rượu hòa hợp (Hòa hợp tửu)... Người kỹ nữ vận xiêm y cũng lộng lẫy hơn ngày thường, đeo thắt lưng khảm ngọc, gấm thuê như lối trong cung, búi tóc gắn thoa hình chim phượng, chân mang hài nhẹ,... Người khách được thực hiện nghi lễ này cũng phải là phú thương thân hào có tiền có thế, hoặc là đầu mục bang phái xã hội đen, thủ lĩnh thổ phỉ. Khi xong việc, kỹ nữ còn phải giữ lại chiếc khăn vấy máu để giao cho khách để khách xác minh rằng họ mua được hàng thật. 
Cái nghi thức này hái ra bao nhiêu là tiền, vậy nên khi biết Kiều thất thân với Mã Giám Sinh, Tú Bà mới lên cơn tanh bành, tức giận long trời lở đất, chửi rủa Kiều thậm tệ đến vậy. 

6. Số phận bất hạnh của các kỹ nữ

Không chỉ là công cụ mua vui, kỹ nữ còn là công cụ để giai cấp thống trị thực hiện những mưu đồ chính trị. Cuộc đời họ gắn với nhiều nỗi bất hạnh.  Bàn về cái chết của các kỹ nữ, các tư liệu miêu tả vô cùng chi tiết. Thời Xuân thu Chiến quốc, hiện tượng kẻ thống trị dùng kỹ nữ tuẫn táng rất phổ biến. Hiện tượng này đến thời Minh vẫn không hề gia giảm. Trong lịch sử Trung Quốc cũng tồn tại những chuyện cưỡng đoạt rồi giết kỹ nữ khiến người nghe phải rợn người. Dương Chính thời Nam Tống có "mấy chục cơ thiếp, đều giỏi ca múa". Tính vốn tàn nhẫn, thích giết người, "cơ thiếp hơi có chuyện không vừa ý ắt dùng gậy đánh chết rồi lột da từ đầu đến chân, đóng đinh lên vách, đến khi khô cứng mới gỡ ra, ném xuống sông". Trước khi chết ông ta còn sai tráng sĩ dùng dây siết cổ các kỹ nữ được sủng ái nhất để tuẫn táng. 
Các kỹ nữ còn chịu cảnh quan phủ áp bức, chủ chứa ngược đãi, khách chơi ức hiếp, lưu manh hạch sách. Những cảnh đọa đầy khi đã không còn sức chịu đựng, nhiều kỹ nữ tìm đến cái chết để giải thoát. Nhiều người mệnh bạc, "tuy nổi danh mà không sống lâu", có người "tiều tụy mà chết", có người "ôm hận mà chết". Những người may mắn hoàn lương, thoát khỏi cảnh đời cũ, chuộc mình lấy người lương thiện vô cùng hiếm. Cũng có người tuổi già ập đến, hương sắc tàn phai, không tránh khỏi cảnh ngựa xe thưa thớt, cổng ngõ lạnh tanh, bị ruồng bỏ thê thảm. Cũng có người tuổi già lưu lạc giang hồ, bôn ba khắp nơi, ăn xin sống qua ngày. Để trốn ra được khỏi kỹ viện, nhiều người phải liều mình mạo hiểm, rồi chọn cách trốn lánh tha hương. Số đông kỹ nữ chọn xuất gia làm ni cô cũng rất phổ biến trong lịch sử Trung Quốc. Một là họ bị bức ép xuất gia, tức là một số đế vương quý tộc và sĩ phu vì muốn chiếm hữu ái kỹ suốt đời, không muốn sau khi mình chết thì cô này bị người khác làm nhơ nhuốc bèn sai phá hủy dung mạo, "đốt ngón tay nuốt tro, xuất gia làm ni cô". Hai là họ tự nguyện xuất gia, nương nhờ cửa Phật, mong muốn được thoát khỏi sự khinh khi của người đời. Tuy nhiên, kỹ nữ muốn xuất gia cũng không phải chuyện đơn giản, bởi kẻ tay không thì các chùa chiền đều không chịu thu nhận. 
Những cô gái làng chơi cuối thời nhà Thanh (vtc.vn)
Trong mắt mọi người, kỹ nữ là loại tiện nhân đem thân xác ra bán, nhưng khi nghiên cứu về "văn hóa kỹ nữ" trong suốt chiều dài lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc đã khẳng định những đóng góp không hề nhỏ của kỹ nữ đối với âm nhạc, văn học, chính trị. Vương Thư Nô tiên sinh trong quyển Trung Quốc xướng kỹ đã viết: "Tôi thấy kẻ rất không thủ cựu, thay đổi theo phong khí thời đại xưa nay không ai bằng kỹ nữ. Thời đại chuộng thơ thì họ có thể đọc thơ làm thơ, thời đại chuộng từ thì họ ca từ soạn từ, thời đại chuộng khúc thì họ viết khúc hát khúc... không những là bạn thơ văn với văn nhân mặc khách đương thời mà còn là công thần giúp đỡ học thuật văn hóa của thời đại". 
Lâm Ngữ Đường tiên sinh trong quyển Trung Quốc nhân viết bằng tiếng Anh 1935 cũng có nhận xét: "Đàn ông cho rằng để phụ nữ con nhà có thể diện đi học đánh đàn là không thích hợp, có hại cho việc bồi dưỡng phẩm đức của họ, cho rằng đọc nhiều sách cũng không hợp, có hại cho đạo đức của họ... Nhưng đàn ông lại không phải vì thế mà từ bỏ theo đuổi những phụ nữ có thành tựu về văn học và nghệ thuật. Các ca kỹ đều phát triển trên những phương diện đấy, vì họ không cần tới thứ phẩm đức vô tri để tự bảo vệ mình... Có một phần lịch sử phụ nữ trí thức Trung Quốc phải được tìm hiểu từ thân thế của các ca kỹ này."
Kỹ nữ Đông Á ngay từ đầu đã coi nghệ thuật là nghề nghiệp, không mưu sinh bằng thân xác. Kỹ nữ đều xuất hiện sau khi con người đã thiết lập nhà nước phong kiến, là sản phẩm của chế độ phụ quyền và chế độ tư hữu.  Trước những biến đổi thăng trầm của lịch sử, sức mạnh của đồng tiền và nhu cầu ngày càng đa dạng của đàn ông mọi thể loại, họ buộc thay đổi cách thức mưu sinh. Từ thanh tới tục, từ nghệ thuật tới thân xác, đó là con đường đi chung của kỹ nữ các nước Đông Á. So với ý nghĩa ban đầu, khái niệm kỹ nữ càng về sau càng gần với nghề bán dâm. So với Nhật Bản và Triều Tiên, Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nhiều hơn cả. Vì vậy, chắc chắn kỹ nữ và kỹ viện ở nước ta cũng hình thành từ khá sớm. Đáng tiếc là chúng ta chưa có một tài liệu nào chính thức nghiên cứu về sự xuất hiện, tồn tại và hoạt động của các kỹ viện trong lịch sử phong kiến. 


Tài liệu tham khảo
1. Từ Quân, Dương Hải, Lịch sử kỹ nữ  (Cao Tự Thanh dịch), NXB Trẻ, TPHCM, 2001.
2. Phan Nguyễn Phước Tiên, Mẫu người kỹ nữ trong văn học trung đại Đông Á,https://elearning.tdmu.edu.vn/elearning-ebook/T%E1%BA%A1p%20Ch%C3%AD%20S%E1%BB%91%20Ho%C3%A1/mau%20ng%20ky%20nu%20trong%20vh.pdf