Nguồn bài viết: Health Mind.
Người có Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) thường phải đương đầu với những suy nghĩ và hành vi khó để kiểm soát, lặp đi lặp lại và gây ra nhiều lo lắng.
Trong thời gian đại dịch, những biến động và thay đổi lớn có thể tạo nhiều áp lực cho người bị OCD.
Bài viết sau gợi ý những phương pháp mà người bị OCD có thể thực hiện để phần nào kiểm soát được những tác động tiêu cực mà đại dịch gây ra cho sức khỏe tinh thần của mình:

1.NHẬN BIẾT YẾU TỐ THÚC ĐẨY SUY NGHĨ VÀ HÀNH VI LẶP ĐI LẶP LẠI

Có một số khía cạnh của đại dịch COVID-19 có thể gây ra nỗi sợ và thúc đẩy các triệu chứng của OCD, bao gồm:
- Lời khuyên nên rửa tay thường xuyên hơn;
- Chú trọng vào kỹ thuật rửa tay đúng cách;
- Nhu cầu rửa tay sạch sẽ mỗi khi ai đó trở về nhà;
- Lời khuyên chỉ nên rời khỏi nhà để mua thức ăn và những thứ cần thiết khác.
Những tác nhân này có thể góp phần vào các hành vi sau:
- Mua sắm một cách hoảng sợ, cố gắng tích trữ càng nhiều càng tốt;
- Thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình rửa tay;
- Tìm kiếm thông tin về thời gian vi-rút hoạt động trên các bề mặt nhất định.
Việc giãn cách xã hội trong một khu vực cũng có thể khiến những người mắc chứng OCD nói chung cảm thấy căng thẳng hơn, và khó để làm chủ các triệu chứng của mình.

2. THAM VẤN VỚI CHUYÊN GIA TÂM LÝ

Đại dịch và giãn cách khiến cho những người có vấn đề trong sức khỏe tâm lý, trong đó bao gồm người có OCD, gặp khó khăn hơn trong hành trình chữa lành. Một số có thể không muốn tiếp tục chữa trị, ngừng quan tâm về việc chăm sóc bản thân, hoặc thậm chí có những suy nghĩ làm tổn thương chính mình. Chính vì thế việc nhận diện những chuyển biến tiêu cực và tìm sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý là một điều quan trọng và cần thiết. Các chuyên gia sẽ là người có đủ chuyên môn và kinh nghiệm, cũng như sự thấu hiểu và mở lòng để giúp bạn vượt qua những trở ngại trong việc bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình một cách hiệu quả nhất.Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một chuyên gia tâm lý phù hợp với nhu cầu của mình, bạn liên hệ với Healthy Mind qua m.me/healthymindvn để được hỗ trợ và tham vấn tâm lý cùng chuyên gia.

3. HẠN CHẾ XEM TIN TỨC VÀ MẠNG XÃ HỘI

Sự cập nhật liên tục các tin tức về đại dịch và số ca nhiễm mới trên phương tiện truyền thông xã hội có thể khiến cho người có OCD bắt đầu kiểm tra tin tức quá mức.
Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) khuyên rằng những người nhận thấy rằng họ đang kiểm tra tin tức nhiều hơn bình thường, hãy đặt ra một giới hạn cho bản thân. Xác định một giới hạn cụ thể, chẳng hạn như chỉ đọc tin tức một lần mỗi ngày, có thể giúp giảm bớt lo lắng. Ngoài ra, APA cũng khuyến nghị hạn chế số lượng nguồn tin tức mà mọi người sử dụng để tìm kiếm thông tin. Hãy chỉ tìm kiếm thông tin ở một ít nguồn đáng tin, và tránh kiểm tra chéo giữa quá nhiều nguồn khác nhau.

4. GIỮ LIÊN LẠC VỚI GIA ĐÌNH VÀ BẠN BÈ

Sự cô lập có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc chữa trị các triệu chứng của OCD, vì thế việc thường xuyên liên lạc với gia đình, bạn bè, hay bất cứ ai sẵn sàng mở lòng và thấu hiểu có thể sẽ giúp ích cho người mắc OCD. Sự xa cách về thể chất có thể khiến việc giao tiếp trở nên khó khăn, nhưng có rất nhiều cách giúp bạn giữ vững liên lạc với mọi người: gọi điện, nhắn tin, trò chuyện qua video, v.v.

5. ĐỪNG QUÁ KHẮT KHE VỚI CHÍNH MÌNH

Các chuyên gia nói rằng những người có OCD có thể cảm thấy tốt hơn nếu họ tự nhắc nhở bản thân rằng lo lắng là điều bình thường và đó không phải là lỗi của họ. Các hoạt động chăm sóc bản thân có thể giúp mọi người tập trung hơn vào những gì họ có thể kiểm soát và ít tập trung hơn vào đại dịch.Hãy nhận diện bất kỳ suy nghĩ và hành vi nào đang trở nên tồi tệ hơn có liên quan đến OCD và tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc nhà trị liệu tâm lý khi cảm thấy quá tải.
Nguồn tham khảo: Bài viết How to cope with OCD during the COVID-19 pandemic của tác giả Jessica Caporuscio, được duyệt bởi tiến sĩ tâm lý Timothy J. Legg