Năm 2007, Bill Gates đã nói : “Nếu từ 5 – 10 năm nữa bạn không kinh doanh qua Internet thì tốt nhất bạn đừng kinh doanh nữa”. Trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay, phát biểu này vẫn vô cùng hợp thời và đúng đắn. Hầu như không có bất kỳ doanh nghiệp (hay cá nhân kinh doanh) nào nằm ngoài cuộc cách mạng công nghiệp này. Và một yêu cầu quan trọng khi duy trì thương hiệu khi kinh doanh qua internet chính là sở hữu 1 website.
Nguồn Internet

Website là một tập hợp các trang thông tin có chứa nội dung dạng văn bản, chữ số, âm thanh, hình ảnh, video… được lưu trữ trên máy chủ và có thể truy cập từ xa thông qua Internet.
Việc thiết kế website riêng cho cả doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh, gần như đã trở thành một điều bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn thúc đẩy sự phát triển cũng như quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình với người tiêu dùng. Website đã trở thành bộ mặt, một kênh quan trọng để doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm của mình tới mọi nơi trên thế giới. 
Website có thể mang đến những lợi ích cho doanh nghiệp như sau:
Tạo thương hiệu riêng của doanh nghiệp trên internet, tăng cơ hội tiếp xúc với khách hàng ở mọi nơi và tại mọi thời điểm.Giúp gia tăng sự tin cậy và tính chuyên nghiệp. Một doanh nghiệp có thể không lớn mạnh nhưng có hệ thống website chuyên nghiệp thì định dạng, định doanh của doanh nghiệp đó cũng sẽ tốt hơn. Kể cả những khách hoàng chưa biết đến thương hiệu này thì họ cũng sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn.Có thêm cơ hội phục vụ khách hàng tốt hơn, lắng nghe phản hồi, ý kiến của khách hàng để tiếp tục cải thiện sản phẩm, dịch vụ của mình.Website đóng vai trò như là những nhân viên lễ tân, hành chính, nhân viên sale và thậm chí là tư vấn viên… Và thay vì chỉ làm việc 8h/mỗi ngày thì website sẽ hoạt động: 24/7/365. Điều này giúp tiết kiệm sức người, thời gian và thậm chí là cả tiền bạc. Bên cạnh đó, website thể hiện đầy đủ nội dung, thông tin đa chiều ở mọi khía cạnh của 1 doanh nghiệp. Thông qua website, người đọc cảm nhận được thông điệp, quan điểm tư duy và thẩm mỹ của những người vận hành cho thương hiệu.
Phân biệt Website và landing page
Landing Page là một trang có giao diện, nội dung và tên miền gần giống như một trang web bình thường. Tuy nhiên nó đơn giản hơn, chỉ là một trang đơn, chỉ có duy nhất 1 trang, 1 địa chỉ url và chỉ tập trung vào một nội dung nhất định. Theo thuật ngữ chuyên ngành, Landing Page còn có một tên gọi khác nữa đó là trang đích (trang mục tiêu) và mục tiêu chính của nó là thu hút lượt xem, lượt click, hay kích thích hành vi mua hàng của người dùng thông qua các tác vụ kêu gọi xuất hiện trong Landing Page như điền form, click mua hàng, đăng ký nhận thông tin…
Trong khi đó, website bao gồm nhiều trang, mỗi trang có địa chỉ url khác nhau. Về nội dung thì website cung cấp nhiều thông tin liên quan đến sản phẩm, thông tin về doanh nghiệp, kiến thức…
Tóm lại, có thể coi landing page là “tập con” của website. Landing page phù hợp cho các mục tiêu mang tính ngắn hạn, do đó thời gian xây dựng website và landing page cũng khác nhau. Bạn có thể dùng Landing page khi: chạy quảng cáo, khi ra mắt sản phẩm dịch vụ mới, khi tặng hàng khuyến mãi, hay khi chuẩn bị chạy sự kiện.
Phân biệt website thông tin và website thương mại điện tử
Website thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng (định nghĩa theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử). Hiểu đơn giản thì website thương mại điện tử là buôn bán, giao dịch thông qua website.
Website thương mại điện tử được phân làm 02 loại:
–          Website thương mại điện tử bán hàng. Là website doanh nghiệp lập ra chỉ giới thiệu và bán các sản phẩm do công ty mình kinh doanh, không cho thương nhân khác bán trên trang của mình. Ví dụ: fptshop.com, Innisfree.com, …
–          Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Là website doanh nghiệp lập ra cho phép các cá nhân, công ty khác giới thiệu và bán các sản phẩm của họ trên website này. Ví dụ: Tiki.vn, Lazada, Shopee.vn…
Về cơ bản, bản chất của website thông tin khác thương mại điện tử ở chỗ: website thông tin chỉ thể hiện thông tin, còn website thương mại điện tử để thực hiện giao dịch trên website. Do đó, website thông tin tập trung vào sự trải nghiệm thương hiệu của người dùng, yếu tố cá tính thương hiệu đc thể hiện rõ nét, cung cấp thông tin, các sản phẩm, dịch vụ của một doanh nghiệp. Còn website thương mại điện tử mục tiêu là để bán hàng, cung cấp cho người dùng phương tiện để mua sản phẩm, nên trải nghiệm mua hàng được ưu tiên hàng đầu. 
Các bước xây dựng website hoàn chỉnh
B1: Xác định mục tiêu của website
Đây là một trong những yêu cầu cơ bản khi thiết kế website. Bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các tính năng khác cũng như cấu trúc của website. Các mục tiêu khác nhau sẽ quyết định độ phức tạp của trang web, thời gian và chi phí mà bạn phải bỏ ra để có một trang web ưng ý. Khi không thể xác định đúng mục tiêu, website có thể trở nên rườm rà, sai mục đích, tốn kém thời gian và tiền bạc.
Bạn cần xác định xem sẽ đưa những thông tin gì lên trang web của mình. Điều này giúp bạn có thể chuẩn bị được nội dung cho trang web một cách phù hợp. Hãy xác định thật chi tiết xem bạn định cho những loại thông tin nào lên (sản phẩm, dịch vụ, đại lý phân phối, giới thiệu công ty, sự kiện hoạt động…)
Website giới thiệu công ty thì cần có lịch sử hình thành phát triển, thành tựu, sản phẩm dịch vụ, thông tin liên lạc…
Website giới thiệu cá nhân thường tập trung giới thiệu về người sở hữu, đóng vai trò như một bản CV.
Website bán hàng thì cần cung cấp thông tin chi tiết về hàng hóa, có lời giới thiệu sản phẩm, có phần đánh giá sản phẩm…
B2: Chọn lựa tên miền cho website.
Tên miền ví dụ như: www.dantri.com.vn; www.vnexpress.net. Bạn cần chọn lựa tên miền thật tốt để khách hàng có thể dễ tiếp cận và dễ ghi nhớ nhất, đồng thời thể hiện được ý nghĩa, mục tiêu của doanh nghiệp. Đây là một yêu cầu thiết kế web tưởng chừng như đơn giản nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh cho công ty/cửa hàng của mình.
Với những bạn mới bắt đầu thì có thể vào trang website của Mắt bão để mua tên miền, vì dễ thao tác, có tư vấn viên hỗ trợ nếu cần, nếu mua cho doanh nghiệp thì cũng có hoá đơn.

Ngoài ra, bạn có thể mua tên miền ở các trang nước ngoài như Bluehost, Host Gator, GoDaddy, NameCheap, NameSillo…
B3: Xác định các tính năng cơ bản của website.
Đa số các website hiện nay đều là web động, có nội dung thường xuyên thay đổi, có thể dựa trên tương tác với người dùng. 
Các tính năng cơ bản của website có thể là:
Banner, logo:
Banner thường nằm ở đầu trang. Những hình ảnh trong banner thể hiện được những dịch vụ công ty mình.Logo thường là ở đầu trang web bên trái hoặc cuối web bên trái.Logo có thể được đặt trên banner cùng 1 tấm hình.
Giao diện web ( Trang chủ ):
Từ trang chủ, người dùng có thể dễ dàng truy cập và đi sâu hơn vào các khu vực khác trong website, bao quát được toàn website. Trang chủ còn đóng vai trò để định hướng khách truy cập, cung cấp cho người dùng các tiêu đề trang, hình ảnh, sơ đồ trang. 
Khi thiết kế trang chủ cần:
Giao diện trang chủ cần đẹp mắt, ấn tượng để thu hút khách truy cập và khẳng định bộ mặt thương hiệu cho đơn vị chủ quảnThiết kế cấu trúc trang chủ khoa học, các module, thanh menu cần bố trí rõ ràng, dễ nhìnMàu sắc hài hòa, font chữ, nội dung và hình ảnh rõ nét, dễ đọcThiết kế trang chủ cần được tối ưu hóa chuẩn SEO để thân thiện với mọi công cụ tìm kiếm, dễ có thứ hạng cao khi cần quảng bá website.Bài viết, tin tức sự kiện:Tin tức được sắp xếp theo danh sách. Bố trí theo hàng dọc và được sắp xếp từ trên xuống theo thứ tự mới đến cũ hơn.Trong chi tiết mỗi bài viết điều có chức năng như nhau: Chủ đề, tiêu đề tin tức, nội dung ngắn, hình ảnh, chi tiết nội dung, chia sẻ trên trang mạng xã hội, tin liên quan…Sản phẩm:Hiển thị sản phẩm theo danh mục.Thông tin sản phẩm đa dạng gồm: Tên sản phẩm, mã sản phẩm, giá (nếu có), mô tả sản phẩm, đánh giá nhận xét của khách hàng về sản phẩm, chia sẻ trên trang mạng xã hội.Chat trực tuyến: Cho phép khách hàng và người quản lý Website có thể chat trực tiếp với nhau thông qua Website.Liên kết mạng xã hội: Công cụ giúp Website liên kết với nhiều trang mạng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook, Google+, Zing me,… Ngoài việc like, share trực tiếp, khách hàng có thể trực tiếp bình luận bằng mạng xã hội trên trang bài viết.Trang liên hệ: Sẽ chứa các thông tin về công ty bạn như địa chỉ, số điện thoại, email,….. ngoài ra cung cấp thêm một form thông tin để khách hàng có thể gửi yêu cầu đến bạn là khách hàng đang có nhu cầu như thế nào để bạn chủ động liên hệ lại. Tương thích Google Maps trực tiếp trên Website. (nếu công ty có nhiều địa chỉ có thể cập nhật nhiều bản đồ)
Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các mục khác tùy thuộc vào hình thức kinh doanh và sở thích của chủ doanh nghiệp.
B4: Xây dựng sơ đồ website (sitemap)
Sitemap (bản đồ trang web hoặc sơ đồ trang web) là một danh sách các trang của một trang web được thiết kế dành cho trình thu thập dữ liệu hoặc người sử dụng. Nó có thể là một tài liệu dưới hình thức bất kỳ được sử dụng như một công cụ lập kế hoạch thiết kế web, hoặc là một page liệt kê các trang trên một trang web, thường tổ chức theo thứ tự thời gian. Điều này giúp khách hàng và công cụ tìm kiếm dễ dàng tìm thấy và lập chỉ mục các trang trên trang web. Sitemap thường được lưu trữ dưới định dạng XML, hoặc HTML trên website.
Toàn bộ công việc chủ yếu của các Sitemap, đó là góp phần định hướng cho các công cụ, bộ máy tìm kiếm có thể truy cập và thu thập thông tin của website một cách hiệu quả, dễ dàng, cho đánh giá website chính xác hơn.
Đồng thời, sitemap sẽ giữ chức năng update những thay đổi trên trang web của bạn khi bạn thực hiện những thay đổi bất kỳ, ví dụ như thêm một trang mới hay thay đổi website hiện tại..
Mình hay dùng phần mềm online Mindup để nháp khung sitemap, bạn không cần phải signup hay truy cập phức tạp.

Ở bài viết này mình không đề cập đến các thao tác kỹ thuật vì nó tương đối phức tạp cho người mới bắt đầu. Nếu bạn là người mới bắt đầu, thì mình nghĩ nền tảng dễ thử nghiệm là Wix vì nó chỉ có các thao tác kéo thả mà không cần phải code. Tuy nhiên, để đảm bảo website hiển thị chuyên nghiệp và vận hành mượt mà (nhất là khi bạn không chuyên) thì bạn nên thuê 1 bên code riêng để thao tác.
B5: Chuẩn bị nội dung sẽ đưa lên website
Một website được thiết kế bắt mắt có thể sẽ thu hút khách hàng nhưng nội dung bên trong mới là thứ chính yếu quyết định xem khách hàng có ở lại hay không. Một website có nội dung hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách hàng, dễ dàng truy cập sẽ “níu chân” khách hàng dễ dàng hơn.
Nếu như chưa thể quyết định nội dung cho các bài viết được đăng lên website, bạn có thể tham khảo những trang web có nội dung tương tự. Tuy nhiên cần tôn trọng bản quyền, trích rõ nguồn tham khảo và nếu như muốn trang web của mình được đánh giá cao, bạn nên tự sáng tạo những nội dung của riêng công ty mình, mang đến sự khác biệt.
Nội dung để đưa lên website không chỉ là bài viết, câu chữ mà còn là hình ảnh, video…
Bài viết:Một bài viết cần có đầy đủ tiêu đề, tên người viết, nội dung, thông tin liên quan đến lĩnh vực mà công ty/cá nhân đang kinh doanh, nguồn tham khảo, các đường link liên kết đến các bài viết khác.Lựa chọn văn phong phù hợp, từ ngữ cẩn thận. Các bài viết có ngôn từ đơn giản, dễ hiểu, ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin sẽ đáp ứng và tiếp cận được nhiều người đọc hơn.Khi chỉnh sửa cần tránh lỗi chính tả, nội dung lan man, chú ý cách dòng, chia mục để quá trình theo dõi bài viết được dễ dàng hơn.Hình ảnh, video:Các hình ảnh, video đi kèm với bài viết sẽ có tác dụng minh họa cho nội dung bài viết, giúp đoạn văn trở nên sinh động, dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng vì có thể gây phản tác dụng. Hình ảnh, video cần liên quan đến nội dung bài viết, có chất lượng tốt. 
B6: Xem xét và điều chỉnh
Bước cuối cùng trong xây dựng website là xem xét lại tổng thể toàn bộ. Bạn cần kiểm tra toàn bộ, thường xuyên để bảo nó không còn bất kỳ lỗi nào. Nếu phát hiện chỗ chưa ưng ý, cần chỉnh sửa thì hãy điều chỉnh để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và tăng chất lượng trải nghiệm cho người dùng.
Lưu ý khi xây dựng website
Chi phí xây dựng website khác nhau sẽ đưa ra các phiên bản, chất lượng khác nhau. Một website giá 5 triệu đồng nó sẽ khác với một website giá 25 triệu đồng mặc dù giao diện có thể sẽ tương tự nhau. Giống như bạn mua 2 chiếc áo khác nhau về chất vải vậy. Vì thế, bạn cần tính toán, lựa chọn kĩ mức giá phù hợp để xây dựng được một website ưng ý. Lời khuyên là nếu như bạn không có một ngân sách đủ nhiều để xây dựng một website unique mà vẫn muốn hệ sinh thái digital hoá và giao diện bắt mắt thì bạn có thể lựa chọn những nền tảng sẵn có như Haravan, Sapo… Dĩ nhiên, sử dụng nền tảng sẵn cũng giống như bạn ở nhà chung cư, sẽ có nhiều cái bất tiện hơn so với việc có code riêng (tương tự như ở nhà mặt đất chỉ riêng gia đình mình), nhưng về cơ bản nó phù hợp với các trường hợp có ngân sách không quá dồi dào.
Điều quan trọng nữa là sau khi thống nhất từng bước thì 2 bên nên bám sát kế hoạch, vì thực tế thường xảy ra các tình huống điều chỉnh lại cả cấu trúc website khi đã hoàn chỉnh, như vậy sẽ không đảm bảo tiến độ.