Disclaimer: Mình không phải là một chuyên gia tâm lý, không nhận là chuyên gia tâm lý cũng như có những quan điểm được chứng nhận bởi bất kỳ hội đồng tâm lý nào mà đơn giản chỉ viết những trải nghiệm của cá nhân liên quan đến các vấn đề tâm lý mà mình đã (và vẫn đang) gặp trong cuộc sống.
Xét cho cùng, cho đến năm 2022, thì psychiatry (tâm thần học) vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và thai nghén để tìm ra những liệu pháp điều trị phù hợp.
Và đó là điều tốt. Có vô số khả năng mình có thể tạo ra, những cách giải quyết của riêng mình, những giả thuyết giúp đỡ cho các vấn đề tâm lý trong quá trình đi tìm chính bản thân.
Tâm lý học nói chung đã là một vấn đề khá nhạy cảm. Những biểu hiện các hội chứng hoàn toàn có thể bị nhầm lẫn với nhau, khiến cho những người mắc phải chúng rơi vào cảnh bế tắc.
Mình là một người bị OCD (ám ảnh rối loạn cưỡng chế) nặng trong nhiều năm.
OCD nặng, với mình, đồng nghĩa với việc tất cả mọi thứ phải “hoàn hảo”, nhưng không nhất thiết phải hoàn vẹn.
OCD nặng, đôi khi đồng hành với nhìn thấy các sai lệch về patterns trong hầu hết tất cả mọi thứ.
Nếu bạn đã trải qua OCD, hay tiệm cận OCD thì sẽ hiểu câu trên của mình (hoặc không, vì một cách trớ trêu, một phần nhỏ của OCD của bạn sẽ làm bạn nghi ngờ chính câu trên).
OCD với mình, còn là sự lặp đi lặp lại đến nỗi ám ảnh của một âm thanh, một câu nói hay một từ ngữ nào đó mình nghe được từ bản thân đến mức mình bị consume hoàn toàn bởi nó. Hệ quả bao gồm việc không thể nào ngủ được vì có cảm giác thôi thúc muốn giải quyết điều đó ngay lập tức; bằng không, mình sẽ bứt rứt khó chịu đến một mức không thể nào chịu nổi trong ít nhất là phần ngày còn lại.
OCD được phản ánh qua (hãy nhớ trong đầu đây chỉ là những ví dụ đúng với bản thân mình, vì những triệu chứng của OCD có thể được biểu hiện khác với mỗi người) việc rửa tay thường xuyên (overly hygienic), hay những lời nói cứ lặp đi lặp lại trong đầu, hành động như thể đang đóng một vai diễn nào đó hay là cảm giác muốn quay trở lại một khoảnh khắc nào đó để thay đổi lời mình nói – quan trọng đến khó ưa những tiểu tiết.
Miêu tả thôi là không đủ – nó như thể giải thích âm thanh cho người điếc hay hình ảnh cho người mù. Suy nghĩ thôi là chưa đủ, vì bạn sẽ OCD về chính suy nghĩ của mình, và nghi ngờ về chính cả việc bạn có nghi ngờ hay không. OCD là một cảm giác và cảm giác thì vượt khỏi những cách giải nghĩa thông thường.
Dưới đây là một ví dụ kết hợp giữa lo âu xã hội và OCD.
Về vụ trên thì… mình nghi ngờ còn dính líu khá chặt chẽ đến sự tự ti của bản thân (và tự ti giả danh tự tin thông qua cái tôi cao). Cái này sẽ được đề cập đến ở một bài viết riêng biệt về cái tôi.
Nặng thì, OCD sẽ khiến suy nghĩ ám ảnh đeo bám bạn càng mãnh liệt hơn trước và dẫn đến các hành vi không phù hợp với chuẩn mực xã hội hoặc tệ hơn là hủy hoại cơ thể, tâm lý. Càng lúc, bạn càng lún sâu hơn vào cái hố vô hình của tiềm thức và điều duy nhất bạn có thể làm là nhìn thấy bản thân mình bị mắc kẹt trong một vòng lặp kéo dài bất tận.
Nhưng cái tệ hại nhất mà OCD mang lại, với mình, thậm chí còn không phải là những thứ kể trên. Không, cái điều kinh khủng nhất của nó đó chính là SỰ NGHI NGỜ về việc mình có bị OCD hay không, hay mọi thứ chỉ là việc mình tự nghĩ ra đẻ đánh lừa chính mình.
Đến bây giờ mình vẫn vậy.
Sheldon Cooper dính OCD cả trong phim lẫn ngoài đời.
Ở mặt khác nữa của đồng xu, ít người thấy được những gì mà OCD có thể mang lại. OCD là một sức mạnh nếu như biết cách tận dụng – một sức mạnh rất lớn, và đi kèm với trách nhiệm. Bạn có để OCD thay đổi bạn hay không (tất nhiên là có nhưng mà đến mức nào) và bạn để cho những hành vi OCD của bạn ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày đâu là hai câu hỏi cần được trả lời.
Vi dụ: khi OCD thôi thúc mình nhắc đi nhắc lại một cụm từ nào đó là lúc mình biết từ đó sẽ có ích – nó có thể đóng vai trò làm một keyword trong các bài viết cho mình.
OCD kết hợp cùng với “hàng nóng” anxiety disorder (rối loạn lo âu) lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Mình cũng là một người bị anxiety nặng. Không chỉ là social anxiety, mà lo lắng nói chung về… mọi thứ. Chủ yếu, mình đổ lỗi cho đám bully ngồi cạnh mình trong lớp, và, cả đám bully đứng trên bục giảng suốt 4 năm cấp 2 (vâng ý mình chỉ thầy cô giáo).
Cảm giác bất an sợ hãi luôn ở đó.
Khó có thể nào ngừng lại.
Và bạn nói với chính mình là bạn không thể.
Và ai cũng nói với bạn là bạn không thể vì bạn tự nói với mình là bạn không thể, nên khi mọi người nói bạn có thể thì bạn cũng nghe thành không thể.
Dẫu có hiểu là trong tình cảnh ấy hoặc ở bất cứ khoảnh khắc nào cũng không thể thay đổi được gì thì anxiety vẫn cứ làm nhiệm vụ của nó: đeo bám.
Misconceptions về Anxiety:
Anxiety không có nghĩa là mặt bạn luôn ở trong trạng thái lo lắng hay hoảng loạn. Ngược lại, anxiety hoàn toàn có thể vẫn đang build up bên trong một người đang cười hoặc có vẻ mặt như không hề quan tâm, ví dụ như khi bạn đang có resting bitch face.
=> những vấn đề tâm lý có quan hệ mật thiết với nhau và đôi lúc chúng còn bổ trợ cho nhau.
Nó là một mớ bòng bong, điểm tụ họp của những sợi dây tai nghe khác nhau (mỗi dây là một vấn đề) cần được gỡ rối một cách từ từ phụ thuộc vào từng trường hợp, từng môi trường và bản thân của người mắc các disorders đó.
Lý thuyết luôn khác xa sự thật: những vấn đề tâm lý khi ta vẽ lên giấy có vẻ như đơn giản hơn nhiều (một phần nhờ các label ta đặt cho chúng) nhưng thực tế thì lại khác – có vẻ như không có đường ra.
Nghe như tự kỷ. Và đôi lúc là do tự kỷ thật.
Vâng, và giờ chúng ta đến The Big A. A for Autism...um, Asperger’s Syndrome.
Có lẽ là một phân vùng khá là nhạy cảm trong các vấn đề tâm lý vì định nghĩa về tự kỷ (Autism) cũng như Asperger’s (tự kỷ dạng cao) khá là vô cùng. Nó có thể bao gồm một hoặc tất cả những dấu hiệu sau:
- Thiếu hụt về common sense – khả năng nhận biết những tình huống giao tiếp mỉa mai (irony) - Thiếu khả năng xã giao hay điều khiển cơ thể - Xu hướng thu mình - Ám ảnh về một hoặc một vài chủ đề nhất định - Là người dùng 4chan/Reddit (JK)
David Byrne, trưởng nhóm của Talking Heads, chẳng hạn, là một trong những nhân vật của lịch sử trên spectrum Asperger’s và khá open về điều đó trong các bài phỏng vấn của mình.
Dưới đây là một bài phỏng vấn với Byrne năm 1983 – các bạn có thể thấy nét mặt cũng như phong thái (mannerism) của Byrne trong video được thể hiện rõ ràng là ông đang không cảm thấy thoải mái – một nỗi lo lắng bao trùm và được thể hiện rõ qua sắc thái mặt của ông – nghiêm nghị.
Bởi vì hội chứng tự kỷ chỉ mới biết được biết đến rộng rãi từ cuối thập niên 1970 và giữa những năm 1980 – chủ yếu là nhờ phim Rain Man của đạo diễn (một phim khá hay và vui và Tom Cruise đẹp trai hahaha), nên những gì ta biết về tự kỷ, thực sự, có lẽ không nhiều.
Để mọi người có cái nhìn rõ rệt hơn về việc tâm lý học vẫn còn sơ khai đến mức nào trong con mắt của giới đại chúng, thì phim Rain Man ra mắt tính cho đến năm 2022 là mới có 34 năm trước – chỉ bằng 1/3 thế kỷ.
Cảm ơn Dustin Hoffman và Tom Cruise vì đã trải qua bao nhiêu năm tháng diễn xuất chỉ để tôi xem lại Rain Man 5 lần.
Không liên quan mấy (thực ra là khá-đến-rất liên quan) nhưng Tom Cruise ở ngoài đời là một người không hề ủng hộ với ngành Psychiatry (nôm na, dịch sang tiếng Việt, Tâm thần học) và gọi nó là ngụy khoa học.
Và những gì Tom Cruise nói, đáng buồn, có phần đúng – tất nhiên không hoàn toàn; bởi lẽ nếu ta theo hoàn toàn phe của chú Cruise thì sẽ đồng nghĩa với việc ủng hộ giáo phái Scientology trong truyền thuyết. Ngành tâm thần học, hay tâm lý học, ngoài những nghiên cứu nền tảng ra thì quả thật dù bạn không phải là một nhà khoa học cũng biết hay từng nghe qua về BIG PHARMA. Không phải là giả thuyết âm mưu – nó là sự thật: Những công ty lớn đang thống lĩnh thế giới y học.
Điều này cũng có nghĩa, những gì mà bạn đọc hay nghe về các hội chứng tâm lý rất có khả năng đã bị bóp méo một cách không nhân từ để làm giàu thêm cho các tập đoàn bán thuốc lớn.
Và biết làm sao được, khi cuối cùng, chúng ta vẫn phải tự mình vật lộn hàng ngày và giúp đỡ lẫn nhau thoát khỏi cảnh khổ sở mà tâm trí và môi trường tạo nên khi sức khỏe tinh thần cũng đã bị tư bản hóa một cách không thương tiếc?
Kết luận.
Sự thật đó là, dù bạn có được chẩn đoán tự kỷ, mắc phải OCD, hay là nạn nhân của bất cứ hội chứng hay biến thể của hội chứng nào đi chăng nữa thì hãy nhớ rằng bạn không hề “lỗi”, bạn không hề đáng chết hay “không xứng đáng để tồn tại” – bạn là một con người quý giá, với những suy nghĩ và cảm xúc độc đáo giúp tạo nên cá tính của riêng mình.
Và cũng như tất cả mọi người, bạn đôi lúc sẽ có những xu hướng, có thể là hành động gì đó khác với chuẩn mực thông thường của xã hội.
Và sự khác thường độc đáo ấy khiến bạn là bạn, chứ không phải là bất cứ ai khác.
Và…tôi yêu bạn.
Đọc thêm tại blog Mê tú linh. và site Wordpress:

Minh Tu Le