Bóc tách bất cập và cái nhìn sâu hơn về tháp nhu cầu Maslow
Abraham (Harold) Maslow (1 tháng 4 năm 1908 – 8 tháng 6 năm 1970) là một nhà tâm lý học người Mỹ. Ông được thế giới biết đến qua mô...
1. Sơ lược về tháp nhu cầu Maslow (Maslow's hierarchy of needs)

Abraham (Harold) Maslow
Abraham (Harold) Maslow (1 tháng 4 năm 1908 – 8 tháng 6 năm 1970) là một nhà tâm lý học người Mỹ. Ông được thế giới biết đến qua mô hình nổi tiếng Tháp nhu cầu.
Hệ thống nhu cầu của Maslow là một lý thuyết về tâm lý học được đề xuất bởi Abraham Maslow trong bài viết "A Theory of Human Motivation" trong Psychological Review năm 1943. Lý thuyết này chỉ ra hành động của con người được tạo động lực bởi những nhu cầu từ sinh lý đến tâm lý, từ đơn giản tới phức tạp.
Đây là 5 tầng trong Tháp nhu cầu Maslow, với điều kiện mỗi tầng nhu cầu phải được thoả mãn theo trật tự từ thấp tới cao:

Tháp nhu cầu Maslow
Tầng thứ nhất: Các nhu cầu căn bản nhất thuộc về sinh học (physiological) - thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, tình dục, bài tiết, thở, nghỉ ngơi.
Tầng thứ hai: Nhu cầu an toàn (safety) - cần có cảm giác yên tâm về an toàn thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản được đảm bảo.
Tầng thứ ba: Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc (love/belonging) - muốn được trong một nhóm cộng đồng nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy.
Tầng thứ tư: Nhu cầu được quý trọng, kính mến (esteem) - cần có cảm giác được tôn trọng, kính mến, được tin tưởng.
Tầng thứ năm: Nhu cầu về tự thể hiện bản thân cường độ cao (self - actualization) - muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt.
Năm 1970, Maslow bổ sung thêm 3 nhu cầu khác, bao gồm: nhu cầu hiểu biết ( cognitive needs), nhu cầu thẩm mĩ ( aesthetic needs), nhu cầu siêu nghiệm ( transcendence needs).

Mô hình tháp nhu cầu Maslow mở rộng
2. Bất cập của tháp nhu cầu Maslow:
Lý thuyết này được giảng dạy ở nhiều trường đại học, được sử dụng trong các cuộc hội thảo, thậm chí, được dùng làm cơ sở lý thuyết trong nhiều nghiên cứu, tài liệu về xã hội học, tâm lý học, quản trị học, marketing. Vấn đề đáng chú ý ở chỗ, khi lý thuyết này được đưa ra thì hầu hết mọi người đều tin sái cổ mặc dù ban đầu Maslow chỉ đưa ra lý thuyết (theory) chứ chưa phải một sự thật. Nếu lý thuyết này là một sự thật (truth) thì nó phải đúng với tất cả các trường hợp hoặc chí ít là hầu hết trường hợp.
Xung quanh lý thuyết này hiện có rất nhiều ý kiến đáng quan tâm được đưa ra:
Nhu cầu không phát sinh theo thứ tự tôn ti.
Arland D. Williams Jr là một trường hợp chứng minh cho luận điểm trên, trong vụ thảm kịch máy bay rơi Air Florida Flight năm 1982, sau khi rơi xuống một dòng sông băng giữa bão tuyết, William vẫn còn tỉnh táo và bám vào một mảnh vụn máy bay, ở tình trạng này bạn chỉ có tối đa 45 phút để sống sót, sau đó trực thăng cứu hộ đến, họ ưu tiên cứu những người có dấu hiệu sống sót và chỉ cứu được tối đa một đến hai người mỗi lần, đáng lẽ William là người được ưu tiên cứu nhưng ông đã chọn nhường lượt cho những người sống sót khác cho đến khi ông không may bị dòng nước lạnh giá cuốn đi. Rõ ràng, trường hợp của William đã phớt lờ động lực sinh học lẫn an toàn mà vẫn tồn tại động lực khác, nếu nói William đã thoả mãn nhu cầu sinh học lẫn an toàn là vô lý, ai ở trong trường hợp đó đều nhận thức rất rõ rằng mình đang bị đe doạ mạng sống, vả lại, ở hiện trường lúc đó còn có đội cứu hộ.
Một ví dụ khác, vụ tự thiêu của Bồ Tát Thích Quảng Đức năm 1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho thấy nhu cầu an toàn đã hoàn toàn bị phớt lờ trước sự siêu nghiệm (Transcendence).
Gần gũi hơn với chúng ta, những người nghèo vẫn có nhu cầu được tôn trọng (esteem) và nhu cầu sống trong tình cảm gắn kết gia đình, bạn hữu (love/belonging) bên cạnh nhu cầu sinh học và nhu cầu an toàn.
Các nhu cầu của con người không thể đo lường bao nhiêu là thoả mãn.
Chúng ta không thể định lượng chính xác mức thoả mãn nhu cầu của một người để áp dụng cho một người khác hay định lượng đại diện cho một nhóm, một cộng đồng khác. Ví dụ, nhu cầu an toàn thu nhập bao nhiêu là đủ trong khi khả năng tài chính của các tầng lớp là khác nhau và cả vấn đề lòng tham không đáy thì làm sao thoả mãn. Nếu không thoả mãn thì làm sao tiến lên nhu cầu tiếp theo?
Nhu cầu phát sinh ở mỗi người là khác nhau, có nhu cầu phát sinh ở người này nhưng không phát sinh ở người kia.
Điều này rất dễ thấy, nhu cầu tình cảm của mỗi người là khác nhau, theo số liệu thống kê trong sách trắng về bình đẳng giới được chính phủ Nhật công bố năm 2022, năm 2021, có 514.000 cặp được đăng ký kết hôn, giảm một nửa so với 1,029 triệu cặp năm 1970. Điều này cho thấy dù trong một cộng đồng nhưng khác thời điểm thì nhu cầu tình cảm đã khác xa nhau.
Hệ tư tưởng, hệ giá trị thay đổi dẫn tới nhu cầu không bền vững mãi mãi.
Kỷ Tín chết thay vua Cao đế, Dự Nhượng nuốt than, tự dày vò bản thân để tàn tạ cải trang trả thù cho chủ, đây là tư tưởng trung thành cao độ đến mức sẵn sàng hi sinh cho chủ hay vua trong xã hội xưa phương Đông, trường hợp này có thể xếp vào nhóm siêu nghiệm (Transcendence needs) nhưng thực tế thay đổi thì tư tưởng cũng thay đổi theo để phù hợp với thực tiễn, từ động lực lòng trung thành đối với một cá nhân hay tập đoàn trong xã hội phong kiến thì tư tưởng đã dần thay đổi thành trung thành với quyền lợi của đại đa số dân chúng. " Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh", đây là tư tưởng lấy dân làm gốc của Mạnh Tử được trọng dụng đến tận ngày nay.
Thực tế hơn, thời đại ông bà cha mẹ chúng ta sống trong thời chiến tranh, khó khăn chỉ có nhu cầu ăn no mặc ấm nhưng xã hội ngày càng sung túc làm người ta nâng cao nhu cầu lên ăn ngon mặc đẹp.
Trước nhu cầu về sinh học vẫn còn một động lực quan trọng khác, đó chính là lý do để tồn tại (reasons to live).
Luận điểm này dễ dàng được bắt gặp ở những người trầm cảm, người bệnh nặng thậm chí có cảm giác tuyệt vọng, tự làm đau bản thân và tự sát nếu giai đoạn khó khăn đó quá sức chịu đựng với họ, ở những người này nhu cầu sinh học của họ chỉ le lói và kém quan trọng hơn nhu cầu tìm một lý do để sống tiếp hay một cách để giải quyết vấn đề đang gặp phải.
Nếu nhóm người trên quá đặc thù thì chúng ta hãy nhìn lại bản thân mình, chúng ta vì lý do nào để sống, vì bản thân, vì gia đình, vì xã hội hay đơn thuần chỉ đang duy trì tồn tại vì sợ sự hoại diệt, chính xác hơn là sợ "mất", mất đi cái tôi, cái của tôi. Điều đó chứng minh, động lực tìm ra và duy trì lý do sống ở người trưởng thành còn phát sinh trước, quan trọng, và cần được thoả mãn hơn cả động lực sinh học.
Maslow chỉ thực hiện nghiên cứu dựa trên những người thành công ở xã hội phương Tây.
Maslow đã nghiên cứu ở những người mà ông cho là bậc thầy như: Albert Einstein, Jane Addams, Eleanor Roosevelt và Frederick Douglass hơn là chọn những người bị bệnh tâm thần hoặc thần kinh. Vì ông cho rằng "nghiên cứu về các người có bộ não bình thường, chưa trưởng thành và không lành mạnh chỉ mang lại sự tê liệt trong triết lý." Nên Maslow đã nghiên cứu 1% người khỏe mạnh nhất trong số sinh viên đại học. Điều này làm lý thuyết của ông không mang tính đại diện cao.
Maslow không tự mình vẽ ra cái hình kim tự tháp nhu cầu ấy.
Thật vậy, người ta không tìm ra tài liệu nào minh chứng cho việc Maslow đã tự tay vẽ ra cái kim tự tháp ấy. Một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, chính nhà tâm lý học Charles McDermid mới là người đưa ra mô hình kim tự tháp trong một bài báo trên tờ Business Horizons "How money motivates men" năm 1960. Không ai biết được tại sao lại có sự hiểu lầm này, tuy nhiên, kim tự tháp nhu cầu vẫn được lan truyền cho đến tận ngày nay như là một sự mô hình hoá gọn gàng lý thuyết của Maslow. Điều này gây ra một hiểu lầm rằng nhu cầu dưới phải được thoả mãn 100% thì mới thúc đẩy người ta tìm đến nhu cầu cao hơn, và những nhu cầu đã được thoả mãn thì không còn ảnh hưởng đến hành vi nữa, mặt khác, nó còn ngầm định rằng những người ở cùng một bậc nhu cầu thì sẽ có hành vi y như nhau!
Thực chất, trong bài Psychological Review năm 1943, Maslow đã đoán trước rằng phát biểu của ông sẽ bị hiểu lầm và đính chính lý thuyết ông đưa ra không bao gồm ý kiến " nhu cầu phải được thoả mãn 100% mới xuất hiện nhu cầu tiếp theo". Thêm vào đó, trật tự các nhu cầu xuất hiện cũng không cố định. Vậy là chúng ta đã có được lời giải sự cho khác biệt giữa ý nghĩa của kim tự tháp và lý thuyết thực sự được Maslow đưa ra, lý thuyết này chưa hoàn thiện và cái tháp đó còn là một phiên bản kém hoàn thiện hơn nữa mặc cho ưu điểm lớn nhất của nó là dễ hình dung.
3. Tổng kết vấn đề:
Tháp Maslow là một mô hình thú vị, nó thiếu sót chứ không phải hoàn toàn không chính xác hay không có ý nghĩa, chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa kim tự tháp và lý thuyết thực sự được Maslow đưa ra như thông tin trên tôi đã nêu. Đặc biệt, trong quá trình tra cứu nhiều tài liệu cho bài viết, tôi nhận ra các trang web tiếng Việt chưa đưa ra thông tin cụ thể và chính xác như từ nguồn tiếng Anh, ở một diễn biến khác, trong quá trình học đại học, tôi đã từng tham khảo qua nhan nhản tài liệu liên quan đến tâm lý học, quản trị học, marketing sử dụng tháp nhu cầu Maslow làm nền tảng theo kiểu cho có mà không cần hiểu bản chất đó là gì, thử hỏi một căn nhà xây trên một nền móng yếu thì có chất lượng hay không? Điều này cũng phần nào nói lên vấn đề, chúng ta đôi khi "học vẹt" mà chưa hiểu rõ đầu đuôi bản chất thứ mà mình đang học là thứ gì, đây là một sự sai lầm, cẩu thả trong nghiên cứu và giảng dạy. Chú ý, Maslow chỉ đưa ra lý thuyết và sau đó nhiều năm ông vẫn tiếp tục cập nhật nó, có lẽ, chính ông cũng biết nó chưa hoàn thiện và rất hoan nghênh ý kiến đóng góp có ích của tất cả mọi người nhưng chúng ta, những con vẹt của giáo dục rập khuôn, không khéo tư duy đã dậm chân tại chỗ thậm chí còn thụt lùi trong tiến trình hoàn thiện hay sử dụng lý thuyết này.
" Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức". Sự học cũng nên vậy, hãy chủ động có trách nhiệm với thứ mà mình đang nạp vào đầu chứ đừng thụ động đợi người khác mớm vào, đôi khi người ta sẽ vô tình hoặc tệ hơn là cố tình mớm rác vào đầu bạn đấy.
Đây vẫn là lý thuyết đáng được lưu hành trong quản trị nhân lực, là cách để các nhà quản trị hiểu về động viên nhân viên nhưng nếu bạn muốn tìm một lý thuyết đủ mạnh để làm nền tảng cho nghiên cứu khoa học, hãy tham khảo qua lý thuyết tự quản, mối liên hệ và thẩm quyền (autonomy, relatedness and competence), trích lời của Susan Fowler trong Havard Business Review.
Nguồn tham khảo:
1. Why Maslow’s hierarchy of needs is wrong, Three Saplings, 2020, link:
2. What Is Maslow's Hierarchy Of Needs? A Deep Dive Into The Research & Criticisms, Sarah Fielding and Kristina Hallett, 2022, link:
3. Maslow’s Hierarchy of Needs is Great, But Wrong, Failfection, 2020, link:
4. Who Created Maslow’s Iconic Pyramid?, Scott Barry Kaufman, 2019, link:

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Cấn Xuân Nam
Nó chẳng bất cập gì, chả qua do cách hiểu của nó bị sai thôi. Bạn đặt tiêu đề như thế vẫn còn mang tính tiêu cực rất nhiều trong góc nhìn. Mọi người cần một cái nhìn rõ ràng và cách lí giải tốt hơn để làm sao vận dụng nó cho đúng. Đó thật sự là một thành tựu về nghiên cứu nhu cầu lẫn tâm lý cơ bản của một con người. Ý kiến của mình, mình cực kì đánh giá cao giá trị thực tiễn của công trình này.
- Báo cáo

quocdat

@Cấn Xuân Nam đúng, đây là một thuyết hữu dụng trong nghiên cứu cơ bản tâm lý nhưng chính do tính quá cơ bản nên nó không thể hiện được rõ nét vấn đề, thế nên, nếu đem nguyên bản của nó ra làm cơ sở cho những nghiên cứu yêu cầu tính chính xác cao thì chưa thoả đáng. Đây nên là nền tảng của nền tảng mà mỗi người trong mỗi cộng đồng và thời đại sẽ phải đo lường chính xác lại nếu muốn sử dụng với độ chính xác cao. Còn điểm bất cập mình muốn nói đã được nhắc ở nhiều nghiên cứu: nó mang tính cục bộ khi chỉ dựa trên những người thành công, có giáo dục trong xã hội Mĩ nên nó không có tính đại diện cao khi áp dụng lên những cộng đồng khác, cụ thể, trong một nghiên cứu năm 2013 của đại học Illinois trên 123 quốc gia, họ nhận ra bên cạnh những nhu cầu chung là chính xác với lý thuyết Maslow, song, những nhu cầu bậc cao như sự tương hỗ cộng đồng, sự tự quản và được tôn trọng cảm xúc vẫn rất quan trọng trong khi những nhu cầu cơ bản vẫn chưa hoàn toàn được thoả mãn. Chính Maslow cũng không phủ nhận việc nhu cầu không nhất định phát sinh theo thứ tự và không nhất định thoả mãn 100% mới phát sinh nhu cầu kế tiếp. Bấp cập kế tiếp mà mình muốn đề cập là có nhiều người đem nó ra lạm dụng vô tội vạ, xem nó là chân lý mà chưa xem xét cụ thể có chính xác không, có điểm nào bất hợp lý không, nhất là trong lĩnh vực marketing, thử hỏi chỉ một sản phẩm ( không đề cập tới dịch vụ) thì làm sao đáp ứng được hầu hết nhu cầu của con người mà lại áp dụng tháp nhu cầu ở đây, ngoài ra, trong giảng dạy tháp nhu cầu này, người ta còn chưa quan tâm đến việc nhìn ra bản chất của nó mà phần nhiều chỉ giới thiệu khái quát.
Ngoài lề một chút, ở nước ta cũng có một định kiến nặng nề và khốn nạn na ná là " nghèo còn bày đặt tự trọng", thế nên, người TỰ CHO MÌNH LÀ NGHÈO sẽ được có quyền được lợi dụng lòng tốt của người khác ( lừa đảo dưới danh nghĩa từ thiện) hoặc có hành vi bất chính, mặt khác, người khá giả tự cho mình quyền giẫm đạp lên danh dự người nghèo, không lẽ miếng ăn ( nhu cầu cơ bản) nó lấn át cả danh dự và lương tâm ( nhu cầu bậc cao) của một con người hay sao?
- Báo cáo

Cấn Xuân Nam
okay có khi bạn nên tìm hiểu thêm về phần mở rộng tháp maslow từ người khá nổi tiếng tên là Tony Robbins. Ông ấy là bậc thầy về huấn luyện con người đấy, và phần mở rộng tháp nhu cầu của Tony Robbins sẽ khiến bạn hiểu rõ hơn về tháp nhu cầu Maslow. Tháp Maslow chỉ về những nhu cầu thiết yếu, còn Tháp Tony Robbins chỉ về những nhu cầu "đòn bẩy" trong động lực hành động của mỗi con người.
- Báo cáo

quocdat

@Cấn Xuân Nam cảm ơn bạn
- Báo cáo

Mina0496
Trong trường hợp của William năm 1982, có khả năng William đã "từng" được thỏa mãn các nhu cầu sinh lý (an toàn) trong quá khứ, nên khi trong những tình huống nguy kịch anh ta vẫn có thể hi sinh cho người khác.
Và cảm giác an toàn về sinh lý cũng không rõ ràng trong tình huống này. Vì William có thể không "tính" đến việc mình sẽ chết nếu thực hiện hành động đó. Nếu đặt trường hợp William "biết" 100% (Dù phi thực tế) mình sẽ chết khi thực hiện quyết định đó thì có khả năng anh ta sẽ không thực hiện (theo như tháp Maslow).
Ý tưởng là hành động hi sinh "này" có thể diễn ra do người thực hiện không suy nghĩ đến kết cục là bản thân sẽ chết.
- Báo cáo

quocdat

Cơ mà không có thông tin về việc ông đã trải qua tình trạng này trong quá khứ chưa nhưng trong tình trạnh lạnh giá của dòng sông băng Potomac lúc bấy giờ, cộng thêm vừa trải qua tai nạn rơi máy bay thì khó có thể không sợ chết được, và còn một thông tin khác từ bạn gái thời trung học của ông càng khẳng định điều này: ông mắc chứng sợ nước. Dù sao đi nữa thì ông cũng đã thực hiện một hành vi vô cùng anh hùng và sau khi ông mất, tổng thống Ronald Reagan đã truy tặng ông huân chương vàng cứu hộ của đội bảo vệ bờ biển.
- Báo cáo

quocdat

Cơ mà không có thông tin về việc ông đã trải qua tình trạng này trong quá khứ chưa nhưng trong tình trạnh lạnh giá của dòng sông băng Potomac lúc bấy giờ, cộng thêm vừa trải qua tai nạn rơi máy bay thì khó có thể không sợ chết được, và còn một thông tin khác từ bạn gái thời trung học của ông càng khẳng định điều này: ông mắc chứng sợ nước. Dù sao đi nữa thì ông cũng đã thực hiện một hành vi vô cùng anh hùng và sau khi ông mất, tổng thống Ronald Reagan đã truy tặng ông huân chương vàng cứu hộ của đội bảo vệ bờ biển.
- Báo cáo