Được và mất khi dùng Máy Đọc Sách
Sau hơn 2 năm sử dụng MĐS, tôi đã nhận ra được nhiều điều tôi "có được" và "mất đi" nhờ thiết bị này.
Chiếc máy đọc sách (MĐS) đầu tiên của tôi là Kindle Paperwhite 4 và từ đó đến nay tôi đã trải qua 3 "đời" MĐS. Sở dĩ số lượng MĐS của tôi lên đến con số 3 là bởi MĐS giờ đây không còn chỉ đơn thuần là thiết bị dùng để đọc sách và tối ưu việc đọc của tôi nữa. Tôi coi MĐS như một thú vui tiêu dùng, chạy theo công nghệ cùng sự thời thượng chẳng khác iPhone là mấy. Sau hơn 2 năm sử dụng MĐS, tôi đã nhận ra được nhiều điều tôi "có được" và "mất đi" nhờ thiết bị này.
Tiền
Đầu tiên, MĐS giúp tôi tiết kiệm (rất nhiều) tiền.
2 năm trước, tôi là khách hàng thân thiết của Tiki với mức chi tiêu hơn 3 triệu/tháng cho các đơn đặt sách trên nền tảng TMĐT này. Vì thể loại yêu thích của tôi là "tiểu thuyết" nên mức giá của mỗi cuốn tôi mua đều không rẻ, đa phần đều hơn 100k mỗi quyển. Bên cạnh bản thường với bìa mềm, các NXB và nhãn sách lại phát hành thêm bản đặc biệt với bìa cứng. Dĩ nhiên, số tiền cần bỏ ra cho bản đặc biệt lớn hơn rất nhiều so với bản thường.
Không chỉ vậy, tôi tiếp xúc với văn học Nhật khá muộn, vậy nên tôi đã bỏ lỡ khá nhiều đầu sách hay. Những đầu sách này kén người đọc, số lượng phát hành không nhiều, doanh thu không tốt – tôi bắt buộc phải đầu tư thêm nếu muốn sở hữu sách cũ có ngoại hình đẹp. Những quyển từng phát hành với giá chỉ 5-6 chục ngàn, giờ đây được chào bán với mức giá gấp 2-3 lần.
Số tiền đầu tư cho sách chiếm phần lớn quỹ chi dùng hàng tháng của tôi; nhiều lúc không kiểm soát được lỡ mua hơi nhiều, cả tháng còn lại chỉ biết mòn mỏi trông đến kỳ lương tháng tới. Rồi một ngày, tôi tình cờ xem được video trên YouTube giới thiệu về MĐS Kindle PPW4. Tôi đã quyết định bỏ tiền sắm cho mình một chiếc bản 8GB với giá 1tr9.
Những lý do tôi đưa ra cho quyết định này là:
- Số tiền cần bỏ ra là 1tr9, trong khi giá thị trường hiện tại là 1tr7-2tr3 tùy thuộc vào người bán cá nhân hay shop có tiếng. Sau một thời gian sử dụng, nếu muốn nâng cấp lên model mới, tôi có thể bán lại máy với giá 1tr7-1tr9. Tức là, tôi hoàn toàn không lỗ khi bán lại hay hao phí sử dụng cực kì thấp.
- Với sách tiếng Anh, kho ebook miễn phí mọi đầu sách từ non-fiction đến fiction vô cùng đồ sộ và được cập nhật thường xuyên. Với sách tiếng Việt, bên cạnh cú pháp "tên sách + ebook" quen thuộc, tôi tham gia làm thành viên của 1 nhóm tạo và chia sẻ ebook với mức phí 100k/năm.
- Các đầu sách cũ đã ngừng bán, hoặc không tìm mua được sách cũ, tôi có thể dễ dàng tìm thấy bản ebook chia sẻ trên mạng. Ngoài ra, có những đầu sách tôi phân vân có nên đọc hay không, việc sử dụng ebook chỉ là "import" và "remove" mà không mất đồng nào – trong khi đó, nếu mua về và thất vọng, tôi chẳng thể làm gì với mấy trăm nghìn đã bỏ ra.
Tôn trọng Bản quyền
Thứ hai, tiết kiệm được tiền đồng nghĩa với không tôn trọng bản quyền.
Tôi hiếm khi đọc sách tiếng Anh, và giá ebook tiếng Anh được bán trên Amazon cũng cao đến mức tôi chần chừ không mua nữa. Ở Việt Nam, sách điện tử không được quan tâm mấy; những nguồn ebook có bản quyền khan hiếm về số lượng lẫn chất lượng, gần như tôi không thể tìm được cho mình cuốn sách tôi cần hay tôi thích. Lựa chọn duy nhất của tôi chỉ còn lại ebook "lậu", và dĩ nhiên, đã "lậu" thì đồng nghĩa với không tôn trọng bản quyền.
Nhóm làm ebook sẽ mua 1 quyển sách giấy và sử dụng sách giấy làm ebook chia sẻ với các thành viên có cùng đam mê. Tiêu chí chia sẻ công khai cho thành viên tham gia đóng quỹ hàng năm là sau 2 năm kể từ thời điểm phát hành sách. Nếu bạn muốn nhận ebook sách mới phát hành, bạn cần trao đổi bằng một cuốn sách giấy khác có giá trị tương đương. Như vậy, phần đông những người sử dụng ebook đều không mua sách giấy, hoặc cũng chỉ đóng góp phần nhỏ trong tổng số sách được tiêu thụ. Lưu ý, ở đây tôi không đề cập đến các bạn đã mua sách giấy và sưu tầm ebook như một phương án bổ sung.
Vậy là, tôi không thể làm gì khác ngoài vừa đọc ebook vừa thấy tội lỗi. Tôi cố gắng mua sách giấy của những đầu sách tôi thích, nhưng tôi cũng chẳng có giải pháp nào để bớt đi cảm giác tội lỗi khi không tôn trọng bản quyền như này. Tôi đành hy vọng, một ngày nào đó thị trường đủ lớn, các nhà phát hành và NXB chú ý đến mảng ebook – tôi sẵn sàng bỏ tiền ra mua ebook, dẫu có phải giảm bớt yếu tố "tiết kiệm tiền" tôi nêu bên trên.
Tiện lợi & Linh hoạt
Tôi là một con lười, tôi chỉ thích nằm trên giường thôi... Nếu đọc sách giấy, tôi không thể vừa nằm vừa đọc được, vì sách giấy nặng cũng như cần dùng cả 2 tay mới duy trì được khoảng cách thích hợp từ mắt đến giấy. Với MĐS lại khác, trọng lượng của máy nhỏ, kích thước vừa vặn để cầm 1 tay; tất cả đều khiến việc đọc sách trên giường trở nên dễ dàng và thoải mái vô cùng. Vấn đề với kính, ánh sáng, và độ nặng của sách là những rào cản rất lớn khiến cho việc đọc sách trở nên khó hơn.
Khung giờ đọc sách của tôi là 21h-24h mỗi ngày, sách sẽ là thứ cuối cùng tôi nhìn thấy trước khi chìm vào giấc ngủ. MĐS có đèn nền nên tôi không cần bật điện mới đọc được (cũng không cần ngồi dậy cất sách tắt đèn rồi mới ngủ haha). Tôi còn có thể tùy chỉnh giao diện MĐS theo ý muốn của mình, từ cỡ chữ, độ sáng, đến chế đọc ngang/dọc màn hình. Nhờ vậy, tôi có thể đọc ở mọi tư thế mình muốn, cũng như đọc ở mọi môi trường ánh sáng tôi thích.
Một đặc điểm của MĐS luôn được nhắc đến, chính là việc MĐS tăng khả năng tập trung khi đọc của mỗi người. Bởi lẽ, MĐS đáp ứng duy nhất mục đích là đọc sách, bạn hoàn toàn cách biệt với các tác động gây mất tập trung (như Facebook, Messenger,...) Tôi thường để điện thoại ở chế độ tập trung trong khung giờ đọc sách đã định, chính vì vậy tôi đều "trên núi" trong 3 giờ mỗi ngày.
Không kiểm soát được thời gian
Việc tách biệt hoàn toàn với các yếu tố gây mất tập trung cũng không hoàn toàn có ích. Việc đọc quá tập trung và thoải mái khiến tôi không kiểm soát được thời gian của mình. Tôi thường liên tục kết thúc việc đọc trễ hơn nhiều giờ so với mốc thời gian dự định của mình. Vì tôi đọc vào ban đêm nên thời gian cho việc ngủ của tôi bị giảm xuống, ảnh hưởng đến trạng thái của tôi ngày hôm sau.
MĐS nói chung và Kindle nói riêng có tính năng đo lường tốc độ đọc của bạn. Máy sẽ hiển thị và cho tôi biết cần bao lâu nữa để đọc xong chương này. Với nhiều người, tính năng đo thời gian đọc này rất hữu ích, bởi họ có thể kiểm soát và đưa ra quyết định có nên đọc tiếp hay không. Thế nhưng, khi con số thông báo là "14 phút nữa" và thời gian của tôi còn hơn 20 phút, tôi sẽ gia tăng tốc độ đọc. Việc này khiến tôi đọc hết chương nhanh hơn dự tính, kéo dài sang chương khác và bị cuốn hút vào nội dung sách đến không ngừng lại được. Tôi liên tục tự bảo mình "còn chút nữa là hết chương rồi", và cuối cùng tôi không biết "hết chương" của tôi là hết 10 chương hay hết 1 chương...
Kindle còn có 1 chức năng khác: Bạn đã đọc được bao nhiều % rồi. Chức năng giống như con dao 2 lưỡi vậy, nó kích thích việc đọc - hoàn thành cuốn sách, nhưng cũng làm bạn mải mê trong việc đọc sách mà quên mất "lời nhắc" đang chờ khác. Như tôi, tôi quên phải đi ngủ!
Ngược lại, với 1 cuốn sách 500 trang: Nếu mỗi ngày chỉ đọc được 10 trang, bạn sẽ thấy cuốn sách vẫn rất dày y như hôm qua khi gấp lại. Cũng với 1 cuốn sách 500 trang trên Kindle, bạn có thể thấy thanh progress thay đổi sau mỗi lần đọc – số % hoàn thành ngày một nhiều lên, bạn sẽ tự động viên bản thân đọc nốt để số % đạt 100.
Tính năng này tạo ra hiệu ứng Zeigarnik: Zeigarnik effect mô tả hiện tượng tâm trí luôn bị “gõ cửa” bởi những điều còn dang dở. Dù đã gác lại và nhảy sang hoạt động khác, nhiệm vụ ấy cứ liên tục hiện ra trong đầu và lôi kéo bạn quay trở lại. Cảm giác day dứt chỉ tan biến khi bạn đã hoàn thành mục tiêu đó.
Mỗi cuốn sách hoàn thành, bạn sẽ thấy việc đọc của mình tiến bộ dần, điều này thúc đẩy bạn đọc nhiều và nhiều hơn nữa.
Chạy đua MĐS
Tôi có thói quen khi tìm hiểu một thứ gì đó sẽ tham gia vào các cộng đồng người dùng. MĐS cũng không ngoại lệ, tôi join vào rất nhiều group về MĐS trên Facebook. Trên những group này, tôi đọc được rất nhiều bài chia sẻ về MĐS, cùng với nhiều cuộc tranh luận nảy lửa về các hãng MĐS. Mỗi hàng có ưu nhược điểm riêng, mỗi đối tượng khách hàng có sự ưu tiên về tính năng và đặc tính riêng. MĐS cũng có loại cơ bản, trung bình, đến hàng flagship đắt đỏ (có máy 500k, có máy 2tr, cũng có máy hơn 10tr).
Nhiều người lựa chọn MĐS như một thú vui công nghệ, họ đổi từ mẫu này sang mẫu khác để trải nghiệm. Nhiều người am hiểu MĐS nên lựa chọn một mẫu, một hãng nhất định và ít khi thay đổi. Những người mới thường nhận được nhiều lời khuyên, để rồi cũng mắc kẹt trong quá nhiều lời giới thiệu và không biết lựa chọn nào phù hợp với nhu cầu của mình. MĐS sinh ra để phục vụ nhu cầu đọc sách, vốn dĩ chỉ cần hài lòng trong quá trình đọc sách, thì giờ đây người ta quan tâm đến nhiều điều bên lề hơn.
Kindle là hãng MĐS phổ biến nhất, với nhiều dòng máy từ giá rẻ đến cao cấp. Kindle đọc được các định dạng ebook cơ bản, nhưng đọc file pdf kém và không tối ưu. Cộng đồng người dùng lớn nên dễ dàng tìm hỗ trợ, mua bán - trao đổi,...
Kobo là hãng MĐS từ Nhật và được ưa chuộng không kém Kindle ở Việt Nam. Giá MĐS của Kobo cao hơn Kindle và chất lượng hiển thị màn hình được đánh giá đẹp hơn. Kobo không hỗ trợ tiếng Việt nên cần cài thêm font và can thiệp kỹ thuật để sử dụng tiếng Việt.
Boox là MĐS chạy hệ điều hành Android nên có thể đọc được gần như toàn bộ các định dạng sách điện tử. Ngoài ra, bạn có thể cài thêm các app/web đọc truyện online khác trên MĐS (điều này Kindle và Kobo khó xử lý hơn vì trình duyệt web để cho có thôi). Boox nổi tiếng với các dòng máy flagship giá cao, có bút hỗ trợ take note, thiết kế đẹp – nhưng có lẽ quá thừa tính năng của 1 MĐS cơ bản.
Tóm lại...
Với tôi, MĐS có nhiều ưu điểm hơn là khuyết điểm. Vậy nên tôi sẽ tiếp tục sử dụng MĐS. Hiện tại, tôi đang sử dụng và hoàn toàn hài lòng với Kobo Libra 2 (giá: 4tr5-5tr5). Máy là phần quà tôi tự thưởng mình sau khi ký HĐLĐ chính thức đầu tiên (dù vẫn là tiền tiết kiệm hàng tháng gộp vào). Nếu chỉ chọn MĐS để đọc sách và không quá quan tâm đến trải nghiệm khác (hoặc không có budget dồi dào), tôi nghĩ bạn có thể thử Kindle PPW5/Kobo Clara HD (2tr7-3tr) hay Kindle Basis (1tr-1tr5, phù hợp đọc sách chữ, đọc truyện tranh bị đuối).
MĐS sẽ thích hợp với bạn nếu:
- Bạn thích đọc sách và muốn tiết kiệm tiền
- Bạn cần sự tiện lợi và thoải mái trong quá trình đọc sách
- Bạn muốn quản lý (và có thể quản lý) quỹ thời gian cho việc đọc của mình
- Bạn cần ghi chép, highlight và tổng hợp toàn bộ ghi chú của mình tự động và sẵn sàng trên các thiết bị điện tử
- Bạn biết mình cần gì ở một MĐS để tránh lãng phí MĐS...
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất