Chính trị đã trở thành nỗi khổ hình ám ảnh cả đời tôi.
Cố Thủ tướng Pakistan - Benazir Bhutto (1953-2007). 
Ảnh: Wally McNamee/CORBIS/Academy of Achievement.
Cố Thủ tướng Pakistan - Benazir Bhutto (1953-2007). Ảnh: Wally McNamee/CORBIS/Academy of Achievement.
Ở bài viết trước, "Indira Gandhi: 15 năm chèo lái Ấn Độ và vụ ám sát kinh hoàng", tôi đã kể về câu chuyện của một nữ thủ tướng kiệt xuất trên đất Ấn. Vài năm sau đó tại Pakistan, người anh em chia tách khỏi Ấn Độ từ năm 1947 chứng kiến sự xuất hiện của một nữ thủ tướng, như một sự tiếp nối hào quang của bà Gandhi. Người phụ nữ tên là Benazir Bhutto (1953-2007) - nữ thủ tướng đầu tiên của Pakistan đồng thời là nữ lãnh đạo đầu tiên của một quốc gia Hồi giáo.

TRƯỞNG THÀNH TỪ MẤT MÁT

Ở tuổi 16, Benazir rời quê hương để theo học tại Havard, sau này tiếp tục theo học tại trường Đại học Oxford (Anh). Năm 1977 bà nhận bằng thứ hai tại trường này đồng thời là phụ nữ châu Á đầu tiên được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch Hiệp hội Oxford.
Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi và Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto gặp gỡ tại Shimla vào 28/6/1972, bên cạnh ông Bhutto là con gái lớn Benazir Bhutto. 
Ảnh: Academy of Achievement.
Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi và Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto gặp gỡ tại Shimla vào 28/6/1972, bên cạnh ông Bhutto là con gái lớn Benazir Bhutto. Ảnh: Academy of Achievement.
Benazir sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm chính trị. Ông nội của bà là Shahnawaz Bhutto, lãnh đạo cấp cao của Đảng Liên minh Hồi giáo Pakistan. Cha bà - ông Zulfikar Ali Bhutto là người sáng lập Đảng Nhân dân Pakistan (PPP). Ông gắn liền với thời hoàng kim của bà Gandhi xứ Ấn, giữ chức Tổng thống Pakistan (1971-1973) và Thủ tướng Pakistan (1973-1977).
Ông Zulfikar Ali Bhutto giữ chức Tổng thống và Thủ tướng Pakistan. 
Ảnh: Bettmann/CORBIS/Academy of Achievement.
Ông Zulfikar Ali Bhutto giữ chức Tổng thống và Thủ tướng Pakistan. Ảnh: Bettmann/CORBIS/Academy of Achievement.
Ngày cha tôi bị bắt, một thiếu nữ đã trở thành một người phụ nữ. Ngày ông bị sát hại, tôi hiểu rằng cuộc đời tôi sẽ vì Pakistan.
Tháng 3/1976, ông Zulfikar bổ nhiệm Tướng Muhammad Zia-ul Haq lên làm tổng tham mưu trưởng quân đội. Một vị tướng với một niềm tin tôn giáo bất diệt. Đó là nước đi sai lầm của ông Zulfikar.
Tướng Muhammad Zia-ul-Haq (1924-1988). Ảnh: Wikimedia Commons.
Tướng Muhammad Zia-ul-Haq (1924-1988). Ảnh: Wikimedia Commons.
Năm 1977, bà Benazir hoàn thành việc học và quay trở về quê hương. Cuộc tổng tuyển cử diễn ra cùng năm mang lại thắng lợi lớn cho Đảng PPP. Không lâu sau đó, ngày 5/7/1977, Tướng Zia tiến hành cuộc đảo chính lật đổ ông Zulfikar, giam cầm ông và treo cổ vào ngày 4/4/1979.
Bà Nusrat Bhutto chứng kiến chồng mình bị hành hình. Ảnh: Dawn.
Bà Nusrat Bhutto chứng kiến chồng mình bị hành hình. Ảnh: Dawn.
Sau cái chết của cha, bà Nusrat Bhutto tạm thời thay chồng lãnh đạo Đảng PPP, bà Benazir - con gái lớn gia tộc Bhutto được kỳ vọng sẽ tiếp tục sự nghiệp của người cha quá cố.

LƯU VONG VÀ NẮM QUYỀN

Ngay sau khi người cha bị hành hình, bà Benazir bị chính quyền tướng Zia quản thúc tại nhà riêng trong vài năm. Năm 1984, bà được phép sang London để chữa bệnh, sống lưu vong tại xứ sương mù. Tại nước ngoài, bà Benazir ngày đêm vận động hành lang nhằm phản đối chính quyền quân sự tại Pakistan.
Ngày 10/4/1986, bà Benazir trở về quê hương sau khi Tướng Zia dỡ bỏ thiết quân luật. Một triệu người dân Pakistan đã chào đón con gái của vị cố thủ tướng. Chuyến trở về năm ấy, bà mặc nhiên trở thành lực lượng đối đầu với chính quyền Tướng Zia.
Bà Benazir Bhutto từ London trở về Lahore, Pakistan vào ngày 10/4/1986. Ảnh: AP.
Bà Benazir Bhutto từ London trở về Lahore, Pakistan vào ngày 10/4/1986. Ảnh: AP.
Năm 1987, bà kết hôn với ông Asif Ali Zardari, một thương gia giàu có và họ có với nhau ba người con. Tháng 8/1988, Tướng Zia đột nhiên qua đời trong một vụ va chạm máy bay. Khoảng trống quyền lực xuất hiện. Benazir khi ấy là lãnh đạo của Đảng PPP, một ứng cử viên sáng giá cho vị trí thủ tướng. Trong cuộc bầu cử cùng năm, Đảng PPP của bà giành chiến thắng áp đảo, Benazir ở tuổi 35 trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Pakistan.
 Bà Benazir trong lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Pakistan năm 1988. 
Ảnh: GeoTV.
Bà Benazir trong lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Pakistan năm 1988. Ảnh: GeoTV.
Vị hôn phu của bà Benazir nổi tiếng với biệt danh "Quý ông 10%" cùng nhiều cáo buộc nhận hoa hồng, tham nhũng khét tiếng. Giới truyền thông từng phanh phui nhiều vụ nhận hoa hồng trị giá hàng trăm triệu USD của ông Asif từ các hợp đồng và đấu thầu của chính phủ trong thời kỳ vợ ông đương nhiệm. Tai tiếng của vị hôn phu gây ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh của bà Benazir.
Bà Benazir Bhutto và vị hôn phu Asif Ali Zardari trong ngày cưới, được tổ chức tại quê nhà Karachi, Pakistan tháng 12/1987. Ảnh: Fancoise de Mulder/CORBIS.
Bà Benazir Bhutto và vị hôn phu Asif Ali Zardari trong ngày cưới, được tổ chức tại quê nhà Karachi, Pakistan tháng 12/1987. Ảnh: Fancoise de Mulder/CORBIS.
Ở nhiệm kì đầu tiên (1988-1990), bà Benazir nỗ lực thương thuyết với lực lượng quân đội và thiết lập liên minh với các nghị sĩ kỳ cựu, tuy nhiên mọi nỗ lực bất thành. Thiếu lòng tin, chính quyền Benazir trong nhiệm kỳ đầu chưa thể thông qua nhiều chính sách hiệu quả, trong bối cảnh đói nghèo, tội phạm và xung đột sắc tộc ngày càng trầm trọng. Năm 1990, Tổng thống Ghulam Ishaq Khan phế truất bà khỏi vị trí thủ tướng. Đến năm 1993, bà tiếp tục trở lại chính trường và tái đắc cử chức thủ tướng.
Bà Benazir Bhutto tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Pakistan năm 1993, giữ chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ 2 không liên tiếp. Ảnh: The Nation.
Bà Benazir Bhutto tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Pakistan năm 1993, giữ chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ 2 không liên tiếp. Ảnh: The Nation.
Ở nhiệm kỳ thứ 2 (1993-1996), bà Benazir chủ trương tiến hành nhiều chính sách giải quyết đói nghèo, xây dựng trường học, tải điện đến vùng nông thôn, trao quyền cho phụ nữ,... Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ này bà Benazir dính líu nhiều đến các hoạt động kinh doanh của chồng cùng với các cáo buộc tham nhũng. Đối mặt với nhiều chỉ trích, Tổng thống Leghari phế truất bà và giải tán Quốc hội vào tháng 11/1996.
Cuộc bầu cử năm 1997, Benazir và Đảng PPP bị đánh bại. Năm 1999, một cuộc đảo chính do Tướng Pervez Musharraf khởi xướng, nắm quyền cai trị đất nước và ban bố thiết quân luật. Chồng bà cũng ngồi tù sau cáo buộc tham nhũng, Benazir thì sống lưu vong ở nước ngoài. Xa xứ hơn 8 năm, bà và các con sống tại London và Dubai, vẫn tiếp tục lãnh đạo Đảng PPP từ xa.
Năm 2004, ông chồng tai tiếng được trả tự do và đoàn tụ cùng gia đình tại London. Mùa thu năm 2007, cả hai quyết định trở về quê nhà, tiếp tục đấu tranh dân chủ tại Pakistan.

ĐỘC TÀI VÀ HỒI GIÁO

Thời vàng son của Hồi giáo đã qua nhưng nó để lại sự khao khát và tiếc nuối cho những kẻ cầm quyền, từ đó sinh ra hai dòng tư tưởng chính trị đối lập nhau.
Với nếp nghĩ thế tục (secular), những kẻ độc tài đã không tách rời tôn giáo/giáo hội ra khỏi nhà nước như phương Tây mà ngược lại, dần đè bẹp và loại trừ tôn giáo như một món đồ chơi hết giá trị. Và như PGS. TS Nguyễn Phương Mai, tác giả cuốn Con đường Hồi giáo cho rằng: "Ở châu Âu, thế tục là chuyển quyền lực từ nhà thờ sang tay chế độ dân chủ. Ở Trung Đông, thế tục là chuyển quyền lực từ thánh đường Hồi giáo sang tay các nhà độc tài". Ngoài ra, những kẻ độc tài mộ đạo đã nỗ lực nhằm làm sống dậy thời kỳ vàng son của Hồi giáo. Họ đã chính trị hóa nó, biến tôn giáo này trở thành chiếc ô bảo hộ cho sự độc đoán và mưu đồ chính trị. Kể từ đó, chủ nghĩa Hồi giáo (Islamism) ra đời, trở thành kim chỉ nam trong đời sống chính trị - văn hóa - xã hội của một số quốc gia Trung Đông và một vài quốc gia Hồi giáo khác.
Tại Pakistan, ngay sau khi lật đổ chính quyền ông Zulfikar, Tướng Zia nhanh chóng thi hành chính sách Hồi giáo hóa (Islamization) với tư tưởng "đất nước Pakistan ra đời nhân danh Hồi giáo". Ông đi theo di sản của một nhân vật cốt cáng trong nền chính trị và tôn giáo của Pakistan: Abu Ala Mawdudi (1903-1979), lãnh đạo của Đảng Jammat-e-Islami, một người có quan điểm bảo thủ về vai trò và vị thế của phụ nữ trong thế giới Hồi giáo và là một trong những cha đẻ của thuyết Hồi giáo toàn thống (Islamic fundamentalism).
Thuyết Hồi giáo toàn thống khẳng định các diễn giải của các sách Mặc Khải (các diễn giải của các học giả về Kinh Qur'an và truyện kể Hadith) nên được giải thích theo nghĩa đen và nguyên bản, điểm mấu chốt là không thể thay đổi. Một thuyết khác đối nghịch với thuyết trên là thuyết Hồi giáo tự do (Islamic Liberalism), nhấn mạnh sự thay đổi theo các khuynh hướng khác nhau để đức tin Hồi giáo thích ứng với bối cảnh của thế giới hiện đại.
Xe tăng quân Liên Xô tiến vào Afghanistan. Ảnh: The Atlantic.
Xe tăng quân Liên Xô tiến vào Afghanistan. Ảnh: The Atlantic.
Khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan tháng 12/1979 và sự kiện Cách mạng Hồi giáo Iran cùng năm càng làm củng cố thêm ý chí của Tướng Zia về chính sách tôn giáo của mình. Ông tin rằng việc xây dựng một nhà nước dựa trên các thực hành Hồi giáo bảo thủ sẽ làm cố kết quốc gia, tránh khỏi sự xâm lược và sụp đổ.
Cách mạng Hồi giáo tại Iran năm 1979, Khomeini khởi xướng cuộc cách mạng lật đổ chính quyền của ông Shah, đánh dấu sự ra đời của một nhà nước thần quyền. 
Ảnh: Brookings.
Cách mạng Hồi giáo tại Iran năm 1979, Khomeini khởi xướng cuộc cách mạng lật đổ chính quyền của ông Shah, đánh dấu sự ra đời của một nhà nước thần quyền. Ảnh: Brookings.
Động thái của Pakistan lúc bấy giờ cũng làm Mỹ hài lòng, họ nối lại mối quan hệ tưởng chừng như đã nguội lạnh bằng gói viện trợ quân sự và kinh tế trị giá 3.2 tỷ USD. Chính quyền Tướng Zia cùng Mỹ "nuôi" các tay súng mujahedin tại láng giềng Afghanistan nhằm làm suy yếu Liên Xô. Vài năm sau, cáo buộc của Mỹ về việc Pakistan phát triển vũ khí hạt nhân trước đó cũng tạm lãng quên.
Các tay súng Mujahedin tại Afghanistan đang phục kích quân Liên Xô. 
Ảnh: The Atlantic.
Các tay súng Mujahedin tại Afghanistan đang phục kích quân Liên Xô. Ảnh: The Atlantic.
Dưới ngọn cờ của Tướng Zia, người Hồi giáo trên khắp Pakistan bắt buộc phải khai báo mình là người Shia hay người Sunni trong các loại giấy tờ định danh, bất chấp xung đột giữa người Sunni và Shia trong thế giới Hồi giáo đã âm ỉ hơn cả ngàn năm nay. Người Sunni tại Pakistan chiếm 85-90% trong khi người Shia chiếm 10-15% (theo số liệu năm 2020 - CIA - The World Factbook). Người Sunni chiếm đa số bắt đầu kỳ thị người Shia thiểu số.

QUAN ĐIỂM CỦA BENAZIR VỀ HỒI GIÁO

Nếu tại Myanmar bản Hiến pháp do quân đội viết năm 2008 là rào cản cho bà Aung San Suu Kyi vươn tới quyền lực thì tại Pakistan, niềm tin tôn giáo bảo thủ lại là rào cản cho vị nữ thủ tướng nắm quyền.
Mặc dù thắng cử trong cuộc bầu cử năm 1988, bà Benazir cũng chẳng thể yên tâm mà nắm quyền lực ngay. Một vài người đã phát tán các bức ảnh của bà Benazir nhảy nhót trong một hộp đêm tại Pháp hay các bức ảnh bà Benazir mặc các bộ quần áo để lộ da thịt như một bằng chứng cho thấy bà đi ngược lại tinh thần mà Kinh Qur'an quy định vai trò và hình ảnh của một phụ nữ.
Họ tiến hành một cuộc tham vấn để xem xét có nên tước bỏ vị trí thủ tướng của bà hay không. Họ viện dẫn các câu nói trích dẫn hadith của giáo sĩ Bukhari "Một dân tộc mà giao phó trọng trách cho một người phụ nữ thì sẽ chẳng bao giờ phồn vinh".
Thách thức cả kinh kệ thiêng liêng, người phụ nữ vẫn trở thành nguyên thủ quốc gia.
Trong khi Hijab - chiếc khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo dần trở thành thứ tất yếu và được luật pháp hóa tại một số quốc gia Hồi giáo, bà Benazir chưa bao giờ nhấn mạnh việc luật pháp hóa nó. Trên trường quốc tế, ta chưa bao giờ thấy bà mặc lên bộ vest hay chiếc váy kiểu mẫu phương Tây. Bà khoác lên mình bộ váy truyền thống của phụ nữ Pakistan, chỉ trùm lên đầu một chiếc khăn mỏng, để lộ phần tóc mái - gọi là dupatta.
Benazir Bhutto trong trang phục truyền thống của Pakistan.
 Ảnh: Lichfield/First Run Features
Benazir Bhutto trong trang phục truyền thống của Pakistan. Ảnh: Lichfield/First Run Features
Benazir có một tư tưởng tiến bộ về Hồi giáo, bà cho rằng Hồi giáo vốn dĩ không hạ thấp vai trò của nữ giới, cũng chẳng cản bước nữ giới tham gia vào chính trường. Hồi giáo trao công lý và bình đẳng cho nữ giới và chính những kẻ cuồng tín và độc tài đang phá hoại đi những thứ đẹp đẽ của tôn giáo này. Benazir đề cao lòng khoan dung, bình đẳng, công lý, chủ nghĩa đa nguyên (pluralism) và hòa giải, cho rằng đây là các nguyên tắc cốt lõi của Hồi giáo.
Những kẻ ngày đêm dạy cách thủ tiêu những người anh em Hồi giáo khác dòng hoặc khác tôn giáo là đang giết đi xã hội Hồi giáo cũng như đe dọa đến các xã hội phi Hồi giáo.

MỤC TIÊU CỦA LỰC LƯỢNG KHỦNG BỐ

Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, bà Benazir bày tỏ sự ủng hộ đối với lực lượng Taliban tại Afghanistan, xem họ là lực lượng có thể làm ổn định tình hình tại nước này sau khi Liên Xô rút quân năm 1988.
Trong nhiệm kỳ thứ hai (1993 -1996), chính quyền Benazir gắn kết hơn mối quan hệ giữa Pakistan với các đồng minh phương Tây, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế. Sự ủng hộ của bà dành cho Taliban giảm dần, họ chuyển sang căm ghét bà. Trong nước, một số phần tử Hồi giáo toàn thống cũng bày tỏ thái độ tương tự với nữ thủ tướng.
Năm 1996, Taliban lật đổ chính quyền Afghanistan. Ban đầu nó được xem là một khởi đầu chưa đáng lo ngại. Về sau, loạt chính sách bảo thủ và hà khắc dựa trên niềm tin Hồi giáo, đặc biệt là luật Shariah đối với vị thế và vai trò phụ nữ, làm xã hội và nền kinh tế Afghanistan suy sụp trầm trọng.
Sau sự kiện khủng bố 11/9/2001, Mỹ cáo buộc Taliban đã dung dưỡng Osama Bin Laden và tổ chức al-Qaeda khét tiếng. Mỹ chính thức lật đổ chính quyền Taliban tại Afghanistan chỉ trong hai tháng, thành lập một chính quyền thân Mỹ và phương Tây vào tháng 12/2001.
Tại Pakistan, chính quyền ông Musharraf cũng trở thành đồng minh thân cận của Mỹ trong chiến dịch chiến tranh chống khủng bố (war on terror). Pakistan trở thành tuyến đầu, đối đấu trực tiếp với lực lượng Taliban và các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Đáp lại, Mỹ viện trợ Pakistan gần 12 tỷ USD (2002-2008), khoảng 3/4 trong gói viện trợ này dành cho quân sự.
Trong suốt thời gian lưu vong ở nước ngoài, bà Benazir bày tỏ quan điểm về mối nguy của khủng bố quốc tế và các phần tử Hồi giáo cực đoan trong nước.
Nền dân chủ tại Pakistan không chỉ quan trọng đối với nhân dân Pakistan, mà còn là của thế giới. Trong thời đại mới của sự bốc lột và diễn giải cực đoan hóa tôn giáo mà tôi yêu, tôi chỉ muốn chúng ta phải luôn nhớ rằng chính phủ dân chủ không bao giờ trao quyền để bảo vệ hay dung dưỡng các kẻ khủng bố. Nền dân chủ Pakistan, khi thoát khỏi ách thống trị của độc tài quân sự, sẽ không còn là chiếc đĩa petri để nuôi cấy chủ nghĩa khủng bố quốc tế. [bà Benazir Bhutto viết trong cuốn tự truyện Daughter of the East].
Với tư tưởng tiến bộ về Hồi giáo đồng thời quan điểm chính trị về mối nguy của các lực lượng khủng bố Hồi giáo, bà Benazir trở thành mục tiêu hàng đầu của các tay súng thánh chiến trong và ngoài nước.
Trung tâm Thương mại Thế giới [New York] bị tấn công đến hai lần, nhưng hầu hết mọi người chỉ nhớ đến lần tấn công thứ hai [11/9/2001]. Lần đầu tiên vào năm 1993, thủ phạm là Ramzi Yousef và lần thứ hai là chú của hắn - Khalid Sheikh Mohammed, người gây ra thảm kịch tồi tệ cho Hoa Kỳ. Và sự thật là cả hai bọn chúng đều đã từng cố gắng giết tôi nhưng không thành. [Bà Benazir nói trong tờ báo tại Anh vào tháng 4/2007].

CHIẾC KHĂN DUPATTA CHÁY RỤI

Không lâu sau khi Musharraf tái đắc cử Tổng thống Pakistan, bà Benazir và ông Musharraf đạt được thỏa thuận san sẻ quyền lực sau khi chính quyền Mỹ và phương Tây hối thúc sớm tái thiết nền dân chủ tại đây. Ông Musharraf ban hành lệnh ân xá cho toàn bộ cáo buộc tham nhũng của bà Benazir, mở đường để bà quay trở về nước, chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra vào đầu năm 2008.
Chuyến trở về lần này, hòa trong đám đông là những kẻ chỉ điểm và những kẻ khủng bố, họ muốn người phụ nữ này mãi mãi im lặng.
Khi trở về, tôi không biết mình sẽ sống hay chết. Cả chính quyền của Musharraf và chính phủ Hồi giáo nước ngoài đều nói có đến bốn đội đánh bom tự sát đang cố giết tôi.
Bà Benazir viết trong cuốn hồi ký năm 2007, hoàn thành một tuần trước khi bị ám sát.
Ngày 18/10/2007, bà Benazir quay trở về quê nhà Karachi trong sự chào đón nồng nhiệt từ người dân yêu mến bà. Đột ngột hai quả bom phát nổ và tiếng súng vang lên liên hồi, nhắm thẳng vào chiếc xe bọc thép đang chở bà Benazir. Một lát sau, hai quả bom khác tiếp tục phát nổ. Ghi nhận ít nhất 136 người thiệt mạng, 300 người bị thương. Benazir thoát chết trong gang tấc.
Bà Benazir may mắn thoát chết trong vụ đánh bom khi bà trở về nước sau 8 năm lưu vong. Ảnh: Fareed Khan/Associated Press.
Bà Benazir may mắn thoát chết trong vụ đánh bom khi bà trở về nước sau 8 năm lưu vong. Ảnh: Fareed Khan/Associated Press.
Nếu thiết bị phá sóng hoạt động, những trái bom đó không thể phát nổ. Nếu đèn đường không tắt, chiếc xe chở bom đã bị phát hiện. [bà Benazir viết trong cuốn hồi kỳ năm 2007].
Chiều 27/12/2007, bà Benazir tham dự một buổi meeting tại công viên Liaquat Bagh tại Rawalpindi để vận động tranh cử. Bà rời đám đông và đi đến một chiếc xe đang đậu ở cổng công viên. Đột nhiên tiếng nổ vang lên, bà gục xuống và kẻ khủng bố đã áp sát chiếc xe chở bà Benazir và bắn loạn xạ, sau đó cho nổ bom tự xác.
Bà Benazir Bhutto trong chiến dịch vận động tranh cử ngày 27/12/2007. 
Cùng ngày, nữ thủ tướng thiệt mạng trong vụ ám sát của phần tử khủng bố. 
Ảnh: Aamir Qureshi/Agence France-Presse/Getty Images.
Bà Benazir Bhutto trong chiến dịch vận động tranh cử ngày 27/12/2007. Cùng ngày, nữ thủ tướng thiệt mạng trong vụ ám sát của phần tử khủng bố. Ảnh: Aamir Qureshi/Agence France-Presse/Getty Images.
Xe cứu thương tức tốc đưa bà Benazir đến bệnh viện nhưng vết thương quá nặng, bà Benazir qua đời. Vụ đánh bom ám sát gây ít nhất 14 người chết và 40 người bị thương.
Cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án vụ ám sát và kêu gọi chính quyền Pakistan lúc bấy giờ cung cấp hồ sơ liên quan đến vụ án nhằm tìm ra thủ phạm. Tuy vậy, cuộc điều tra liên quan đến vụ ám sát bị trì hoãn trong nhiều năm. Cho đến năm 2018, lực lượng Taliban tại Pakistan mới tuyên bố nhận trách nhiệm trong vụ ám sát nữ thủ tướng. Họ đưa ra lý do rằng vì lo ngại bà Benazir trong chuyến trở về lần này sẽ phối hợp với Mỹ để chống lại nhóm thánh chiến, trong trường hợp nhóm này trở lại cầm quyền Afghanistan.
Chiếc khăn dupatta đã cháy rụi, bi kịch một lần nữa gõ cửa gia tộc Bhutto.
Dòng người biểu tình tưởng nhớ bà Benazir Bhutto, vài ngày sau vụ ám sát. 
Ảnh: K.M Chaudary/AP Images.
Dòng người biểu tình tưởng nhớ bà Benazir Bhutto, vài ngày sau vụ ám sát. Ảnh: K.M Chaudary/AP Images.
Tương tự như dòng dõi Gandhi tại Ấn Độ. Sau vụ ám sát bà Benazir, gia tộc Bhutto tiếp tục tham gia vào chính trường Pakistan.
Ông Asif Ali Zardari và con trai Bilawal Bhutto Zardari tiếp tục tham gia vào chính trường sau cái chết của Benazir. Ảnh: VOA.
Ông Asif Ali Zardari và con trai Bilawal Bhutto Zardari tiếp tục tham gia vào chính trường sau cái chết của Benazir. Ảnh: VOA.
Ông Asif trở thành lãnh đạo Đảng PPP và là Tổng thống Pakistan nhiệm kỳ 2008-2013. Con trai Bilawal Bhutto Zardari sau khi hoàn thành việc học ở nước ngoài, tiếp tục kế thừa cha lãnh đạo Đảng PPP cho đến nay. Ông trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pakistan trong một khoảng thời gian ngắn.

CHÍNH TRỊ: NỖI KHỔ HÌNH CỦA NHÂN DÂN PAKISTAN

Có lẽ chính trị không chỉ là nỗi khổ hình của bà Benazir mà còn là của người dân Pakistan.
Từ khi tuyên bố độc lập, chính biến tại Pakistan không thôi hạ nhiệt khi các đảng phái liên tục đấu tranh vì quyền lực. Có người bị bịt miệng, có người bị giam cầm, có người bị thủ tiêu. Địa chiến lược có tầm quan trọng cùng với nguồn tài nguyên dồi dào sớm trở thành một "lời nguyền".
Kể từ sự kiện 11/9/2001, Pakistan trở thành vùng đất mà các lực lượng thánh chiến và tổ chức Hồi giáo cực đoan trong đó có al-Qaeda gọi nơi đây là thiên đường. Ngần ấy năm trôi qua, sau sự kiện cựu Tổng thống Mỹ Obama năm 2011 tuyên bố thủ lĩnh Osama Bin Laden bị tiêu diệt tại Pakistan sau chiến dịch đặc biệt (Operation Neptune's Spear), mầm mống khủng bố vẫn chưa thể tận diệt mà ngược lại, như một căn bệnh ung thư lây lan khắp khu vực Trung Đông và Nam Á.
Tháng 8/2021, lực lượng Taliban quay trở lại nắm quyền Afghanistan, Mỹ chính thức rút quân khỏi quốc gia này sau 20 năm. Dù dưới thời Tổng thống Trump, Taliban đưa ra cam kết với Mỹ rằng sẽ cùng cộng đồng quốc tế tiêu diệt các phần tử khủng bố và sẽ không biến Afghanistan trở thành thiên đường của bọn khủng bố. Tuy vậy, các nhánh nhỏ của Taliban vẫn ngày đêm gieo rắc ám ảnh cho láng giềng Pakistan, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Ngoài ra, nhà nước Hồi giáo tự xưng IS cũng đã quay trở lại khu vực này.
Tại Pakistan, vài ba tháng lại có một trận bom dội, kẻ chết vì đạo, người vô tội thì nằm xuống, máu thịt ngổn ngang. Vậy thì bao giờ hận thù sẽ kết trái và rụng đi?
Tôi không chắc chắn cho câu trả lời của mình, nhưng trong thời đại này, sự không chắc chắn chính là điều chắc chắn nhất!
Một số thông tin tham khảo từ các nguồn báo chí chính thống.