Vạn Lý Trường Thành có lẽ là một trong những địa danh nổi tiếng nhất của Trung Quốc nói riêng và cả thế giới nói chung. Hệ thống thành lũy này cực kỳ đồ sộ, có chiều dài lên tới hàng ngàn km, chiều cao của những bức tường thành lên tới 7m và mặt tường thành rộng 5-6m. Công trình kỳ vĩ này được tạo nên không hề dễ dàng, khi đã có tới hàng triệu người tham gia vào việc xây dựng, và số người bỏ mạng để Trường thành được xây nên có thể lên tới hàng chục vạn người. Có vô vàn điều thú vị xoay quanh lịch sử của Vạn Lý Trường Thành; ví dụ như có thật là có thể trông thấy dãy thành lũy này từ ngoài Trái Đất được hay không? Vạn Lý Trường Thành bắt đầu thành hình từ bao giờ, và nó đã thay đổi ra sao theo năm tháng? Vai trò của nó có thực sự quan trọng đến như vậy hay không? Chúng ta hãy cùng giải đáp những câu hỏi đó thông qua bài viết sau.

Thông tin chung

Việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành có thể đã bắt đầu từ tận thời Tây Chu (từ năm 1046 - 771 TCN); khi tiền thân của nó là một loạt các đài đốt lửa ở Ly Sơn gần kinh thành Cảo Kinh để báo hiệu khi có ngoại tộc xâm lấn. Tuy nhiên, việc xây dựng những dãy tường thành thật sự có lẽ bắt đầu vào thời Xuân Thu - Chiến Quốc (khoảng từ năm 771 - 221 TCN). Lúc ấy, nhà Chu dần suy yếu, chư hầu nổi dậy thôn tính đánh chiếm lẫn nhau; cho nên việc xây dựng các dãy tường thành ở biên giới bắt đầu được chú trọng. Việc xây dựng đáng kể nhất diễn ra dưới thời Chiến Quốc, khi các nước có biên giới giáp với vùng thảo nguyên phía bắc như Tần, Triệu và Yên đều cho xây dựng những dãy tường thành dài để phòng thủ đất nước trước mối nguy từ các bộ tộc Hung Nô. Sau khi Tần Thủy Hoàng diệt sáu nước và thống nhất Trung Nguyên, ông đã cho khởi công việc nối liền những dãy tường thành riêng lẻ này lại, gọi là Trường Thành. Tuy nhiên, đến hiện nay thì chỉ còn sót lại ít di tích của Trường Thành nhà Tần. Suốt hơn 2000 năm lịch sử, hầu hết các triều đại Trung Quốc đều ít nhiều cho xây dựng thêm và tu sửa các đoạn Trường Thành có sẵn. Vạn Lý Trường Thành còn lại đến ngày nay thực chất chủ yếu được xây dựng dưới thời Minh.
Vạn Lý Trường Thành trải dài qua tổng cộng 15 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc. Theo số liệu từ Cục Di tích Văn hóa và Khảo sát lập bản đồ Trung Quốc thực hiện thì chiều dài của Trường Thành thời Minh đạt khoảng 8851 km; trong khi đó tổng chiều dài các đoạn tường thành được xây dựng dưới thời Tần - Hán vượt quá 10000 km. Tính tổng các đoạn tường thành lại thì chiều dài của Trường Thành vượt quá 21000 km (tức là hơn 1,3 vạn dặm; cái tên “Vạn Lý” thực sự không hề nói quá chút nào).

Tên gọi

Việc xây dựng và tu sửa của Vạn Lý Trường Thành kéo dài xuyên suốt hơn 2000 năm, gắn liền với các triều đại và thời kỳ khác nhau trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên có lẽ ít ai biết rằng cái tên “Vạn Lý Trường Thành” thực chất chỉ mới được sử dụng rộng rãi và phổ biến từ thời nhà Thanh. Những ghi chép đầu tiên về Trường Thành đến từ Sử ký của Tư Mã Thiên. Trong Mông Điềm liệt truyện, ông chép rằng:
Tần thôn tính thiên hạ, bèn sai Mông Điềm cầm ba mươi vạn quân lên phía bắc đánh đuổi nhung địch, thu phục Hà Nam. Xây dựng Trường thành, dựa vào địa hình, khống chế vùng biên tải hiểm yếu, khởi từ Lâm Thao đến Liêu Đông, dài trên vạn dặm.
Có lẽ đó là khởi nguyên cho cách gọi “Vạn Lý Trường Thành” như ta vẫn dùng bây giờ. Tuy nhiên các ghi chép thời xưa hầu hết chỉ gọi đơn giản nó là “Trường thành”, và hay đi kèm với mô tả là “dài đến vạn dặm”. Con số “vạn dặm” ở đây chỉ mang tính ước lệ, ý chỉ dài không thể đo đếm được, chứ không mang nghĩa đen là bức tường dài một vạn dặm.
Bên cạnh cách gọi thông dụng nhất là “Trường thành”; công trình này còn được gọi bằng một số cái tên khác như: “Tái” - nghĩa là “chỗ hiểm yếu ngoài biên ải”; “Viên” - nghĩa là “tường thành”; “Chướng” - nghĩa là “tường thành ở nơi hiểm yếu”; “Ngoại bảo” và “Biên tường” - nghĩa là “thành lũy ở bên ngoài biên giới”. Trong thơ văn, đôi khi Trường thành còn được gọi với cái tên “Địa long”, tức là “Rồng đất”. Cách gọi “Vạn Lý Trường Thành” dường như chỉ thực sự trở nên thông dụng từ thời nhà Thanh, tức là phải đến thời cận đại.

Vạn Lý Trường Thành sơ khai

Kể từ thời Tần Thủy Hoàng, hầu hết các triều đại cai trị Trung Nguyên đều ít nhiều cho xây dựng thêm hoặc tu sửa Trường thành. Sau nhà Tần; các triều đại như Hán, Tấn, Bắc Ngụy, Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Tề, Bắc Chu, Tùy, Đường, Tống, Liêu, Kim, Nguyên, Minh, Thanh đều đã tham gia vào việc xây dựng và mở rộng Trường thành ở nhiều quy mô và mức độ khác nhau. Tuy nhiên, tiền thân của Trường thành thì đã xuất hiện từ trước đó ít nhất là khoảng 5 thế kỷ rồi.
Một trong những ghi chép đầu tiên nhắc đến việc xây dựng tường thành để chống kẻ địch từ phương bắc xuất hiện trong một bài thơ thuộc Kinh Thi. Theo đó thì vua Chu Tuyên vương của nhà Tây Chu đã lệnh cho tướng Nam Trọng xây thành ở biên giới phía bắc để chống lại bộ tộc Hiểm Doãn. Rồi sau đó chúng ta có câu chuyện về việc Chu U vương vì say mê nàng Bao Tự nên đã cho đốt lửa ở Phong Hỏa đài để mua vui cho nàng. Phong Hỏa đài là một loạt hệ thống các đài cảnh báo nằm ở Ly Sơn nhằm cảnh báo cho chư hầu biết khi có kẻ địch xâm phạm Cảo Kinh mà đem quân đến cứu.
Sang đến thời Đông Chu, quyền lực Thiên tử suy giảm, Trung Hoa bước vào thời đại chiến loạn mang tên Xuân Thu - Chiến Quốc. Do đó, nhiều nước chư hầu đã cho xây dựng các bức tường thành hoặc công sự để phòng thủ biên giới. Ghi chép sớm nhất nhắc đến các công trình này là một dãy tường thành của nước Sở được xây dựng năm 656 TCN - khoảng 1,4 km tường thành này đã được khai quật ở phía nam tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên hệ thống công sự phòng thủ của nước Sở không phải một bức tường kéo dài, mà là tập hợp từ nhiều pháo đài riêng lẻ. Nước Tề cũng đã cho củng cố hệ thống phòng thủ biên giới vào khoảng năm 441 TCN, di tích của những bức tường này ở Sơn Đông ngày nay được đặt tên là “Trường thành nước Tề”. Nước Ngụy cũng cho xây dựng hai hệ thống tường thành ở biên giới phía tây và phía đông, lần lượt hoàn thành vào các năm 361 TCN và 356 TCN - di tích của chúng vẫn còn tồn tại ở ngày nay ở Hàn Thành và Thiểm Tây.
Trường thành các nước thời Chiến Quốc
Trường thành các nước thời Chiến Quốc
Nếu như các nước Tề, Ngụy, Sở xây thành để bảo vệ đất nước khỏi các chư hầu khác thì các nước ở phía bắc xây thành để phòng thủ trước các bộ tộc du mục. Các nước Yên, Triệu và Tần đều có những bức tường thành như vậy. Ở nước Yên, sau khi đánh đuổi các tộc người Hồ khỏi xâm lấn, Yên Chiêu vương (ở ngôi từ 311 - 279 TCN) đã cho xây dựng một dãy tường thành dài để bảo vệ đất nước. Trường thành nước Yên kéo dài từ bán đảo Liêu Đông đến tận phía bắc tỉnh Hà Bắc ngày nay. Tương tự như thế, Triệu Vũ Linh vương (ở ngôi từ 325 - 299 TCN) sau khi đánh bại các bộ tộc Hung Nô là Lâm Hồ và Lâu Phiền cũng đã xây dựng một hệ thống tường thành kéo dài. Hiện nay vẫn còn lại ba di tích lớn của Trường thành nước Triệu: một đoạn tường thành ở phía bắc kéo dài từ Trương Gia Khẩu cho đến thành Cao Khuyết thuộc Nội Mông ngày nay; một đoạn tường thành khác ở phía nam thì xuất phát từ phía bắc Hà Bắc và vắt ngang qua Nhạn Môn Quan; đoạn tường thành thứ ba nằm ở cực bắc xa nhất của biên giới nước Triệu, vắt ngang qua sườn m Sơn. Nước Tần cũng là một quốc gia cho xây dựng những dãy tường thành để phòng thủ quốc gia. Trường thành nước Tần dài khoảng 1775 km, xuất phát từ Cam Túc và kết thúc ở ngay sát biên giới với nước Triệu.
Năm 214 TCN, 7 năm sau khi thống nhất Trung Nguyên, Tần Thủy Hoàng đã sai tướng Mông Điềm đem đại quân lên bắc đánh đuổi Hung Nô. Sau đó Mông Điềm lại được lệnh cho dân phu nối liền các đoạn tường thành có sẵn của Tần, Yên và Triệu lại; tạo thành Trường thành nguyên thủy, kéo dài từ Lâm Thao tới tận Liêu Đông. Việc xây dựng kéo dài tới tận khi Tần Thủy Hoàng băng hà năm 210 TCN. Khi ấy, Triệu Cao và Lý Tư làm giả di chiếu, tôn Hồ Hợi lên ngôi; buộc Thái tử Phù Tô và Mông Điềm phải tự vẫn. Mông Điềm trước khi tự vẫn có than rằng: “Khởi từ Lâm Thao kéo đến Liêu Đông, tường thành dài hơn vạn dặm, việc làm ấy không thể không cắt đứt mạch đất ư? Đó là tội của Điềm vậy.” Việc xây dựng Trường thành cũng bị bỏ ngưng, người Hung Nô được thể bèn vào lấn chiếm đất đai. Tuy nhiên, giai đoạn ngắt quãng này không kéo dài quá lâu, khi chỉ ít lâu sau, Trường thành xuất hiện trở lại trong các trang sử của Trung Quốc, nhưng với vai trò thay đổi theo từng thời kỳ.

Sự phát triển của Vạn Lý Trường Thành

Năm 202 TCN, sau khi kết thúc Chiến tranh Hán - Sở, Hán vương Lưu Bang được tôn làm Hoàng đế, nhà Hán được thành lập; tình trạng hỗn loạn cát cứ sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà chấm dứt. Tuy nhiên, Hán Cao tổ Lưu Bang đã không thể giải quyết vấn đề Hung Nô bằng giải pháp quân sự; do đó ông buộc phải thực hiện hòa đàm với Thiền vu của Hung Nô - sử gọi đây là chính sách Hòa thân. Trường thành trở thành dấu mốc ngăn cách biên giới giữa nhà Hán với Hung Nô. Chính sách này kéo dài đến tận thời Hán Vũ đế, khi ông quyết định mở một loạt chiến dịch để giải quyết vấn đề Hung Nô một cách triệt để. Chiến tranh nổ ra đồng nghĩa với việc Trường thành cũng được tu sửa và mở rộng, kéo dài. Các nhà khảo cổ học ước tính rằng trong suốt triều đại của Hán Vũ đế, hàng nghìn km Trường thành kéo dài từ Hà Bắc đến vùng Nội Mông đã được xây thêm và củng cố. Hệ thống phòng thủ này được nâng cấp bằng một loạt các tháp canh, trạm báo hiệu và các pháo đài; tất cả đều được đắp bằng đất và đá tương đối kiên cố vững chãi. Cực tây của Trường thành nhà Hán nằm ở Ngọc Môn Quan (tức là xa hơn so với điểm cực tây của Vạn Lý Trường Thành ngày nay khoảng 460km). Các chiến dịch đánh Hung Nô của Hán Vũ đế tuy thành công, nhưng nó cũng khiến quốc khố cạn kiệt. Do đó sau thời Vũ đế, hầu như không có cuộc viễn chinh nào xảy ra, Trường thành vì thế cũng không được mở rộng thêm. Trong thời Đông Hán, có vài lần Trường thành được mở rộng, nhưng không đáng kể, và chỉ mang tính chất phòng thủ chứ không nhằm phục vụ một cuộc viễn chinh nào.
Trường thành nhà Hán
Trường thành nhà Hán
Sau khi nhà Hán sụp đổ năm 220, Trung Quốc rơi vào thời kỳ hỗn loạn kéo dài; tuy có một khoảng ngắn yên ổn dưới thời Tây Tấn, nhưng không đáng kể. Nhà Tấn từng có tham vọng mở rộng và tu sửa Trường thành, nhưng không kịp thực hiện thì đã rơi vào nội chiến và ngay sau đó là thời kỳ các tộc người du mục tràn vào Trung Nguyên. Miền bắc Trung Quốc rơi vào tình trạng chiến loạn kéo dài - sử gọi là Thời kỳ Ngũ Hồ Thập lục quốc, và mãi đến năm 439 mới được thống nhất bởi nhà Bắc Ngụy của tộc người Tiên Ti. Tuy nhiên từ trước đó, các Hoàng đế Bắc Ngụy cũng đã xúc tiến việc xây dựng thêm các bức tường thành để phòng thủ quốc gia khỏi các tộc người du mục khác ở thảo nguyên. Năm 423, Bắc Ngụy cho xây dựng một hệ thống tường thành phòng thủ kéo dài khoảng 1080 km để chống lại các đợt tấn công của người Nhu Nhiên. Trường thành Bắc Ngụy có tuyến đường khá giống với Trường thành nước Triệu thời xưa: kéo dài từ quận Hà Bắc cho đến Nội Mông. Đến năm 446, hơn 10 vạn người được huy động để xây một lớp tường thành nữa trong lãnh thổ Bắc Ngụy đi ngang qua kinh đô Bình Thành. Hai lớp tường thành này chính là tiền thân của hệ thống phòng thủ Bắc Kinh của nhà Minh sau này.
Vào năm 535, Bắc Ngụy phân liệt thành Đông Ngụy và Tây Ngụy và không lâu sau hai nước này lần lượt trở thành Bắc Tề và Bắc Chu. Để chống lại các cuộc tấn công của người Đột Quyết, từ năm 552 - 556, Bắc Tề đã cho xây dựng một dãy tường thành dài tới 1600km, kéo dài từ Thiểm Tây tới Sơn Hải Quan. Riêng trong năm 555; 1,8 triệu người đã được huy động để xây dựng và mở rộng Cư Dung Quan - các lớp tường thành của nó được kéo dài lên đến 450km. Vào năm 557, Bắc Tề cho xây dựng thêm một lớp tường thứ hai trong nội địa và di tích của nó vẫn còn đến ngày nay. Đến năm 577, Bắc Chu đem quân đánh diệt và thôn tính Bắc Tề; sau đó cũng cho tu sửa các lớp tường thành đã có sẵn. Trường thành Bắc Tề và Bắc Chu sau này cũng được tu sửa và trở thành một phần của Trường thành nhà Minh.
Năm 581, nhà Tùy được thành lập dựa trên cơ sở của Bắc Chu; sau đó thống nhất toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa vào năm 589. Hoàng đế khai quốc nhà Tùy là Văn đế cũng đã cho khởi công việc tu sửa và xây thêm các dãy tường thành ở Hà Bắc và Thiểm Tây để chống lại các cuộc tấn công của Đột Quyết. Tuy nhiên, dãy tường thành mới này tỏ ra khá vô dụng khi kỵ binh Đột Quyết tìm được cách đi vòng qua nó và tràn vào đánh cướp Cam Túc và Thiểm Tây. Do đó, từ năm 585 - 588, Tùy Văn đế tiếp tục cho xây dựng thêm tường thành để lấp các khoảng trống này lại. Người kế vị ông là Tùy Dạng đế cũng tiếp tục việc xây dựng Trường thành. Trong hai năm 607 và 608, hơn 1 triệu dân phu đã được huy động để xây một dãy tường thành khác kéo dài từ Du Lâm đến Thanh Thành thuộc Nội Mông với mục đích phòng thủ Đông đô Lạc Dương. Tùy thư chép rằng khoảng 50 vạn người đã chết trong quá trình xây dựng Trường thành nhà Tùy; và nó đã góp phần không nhỏ vào sự sụp đổ của nhà Tùy năm 618.

Rơi vào quên lãng

Đến thời Đường, chính sách phòng thủ phía bắc có sự thay đổi và việc xây dựng cũng như tu sửa Trường thành không còn được chú trọng nữa. Đường Thái tông chủ trương sử dụng quân đội và phát động các cuộc viễn chinh để kiểm soát thảo nguyên phía bắc, thay vì hao tốn sức người sức của cho Trường thành. Trong hàng trăm năm sau đó, Trường thành gần như bị bỏ hoang và dần hư hại.
Nhà Đường sụp đổ năm 907, tiếp theo đó là thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, và cuối cùng Trung Hoa thống nhất dưới triều đại nhà Tống vào năm 979. Xung đột giai đoạn này ở biên giới phía bắc chủ yếu với nhà Liêu của người Khiết Đan. Sau nhiều cuộc chiến, cuối cùng hai bên đi đến việc ký kết Hòa ước Thiền Uyên vào năm 1005. Theo đó, Tống phải chịu cống nạp cho Liêu hàng năm dù là bên thắng trận; biên giới hai bên vẫn như cũ (tức là Tống không lấy lại được 16 châu đất Yên, Vân mà khi trước nhà Hậu Tấn cắt cho Liêu). Trường thành giai đoạn này cũng chủ yếu dùng để xác định biên giới giữa hai nước và không đóng góp nhiều giá trị về mặt quân sự. Tuy nhiên các nước Liêu, Tây Hạ và sau này là nước Kim của người Nữ Chân cũng đều xây dựng một số các dãy tường thành của riêng mình để phục vụ cho việc phòng thủ lãnh thổ. Trong đó đáng kể nhất vẫn là Trường thành nhà Kim, khi nó được cấu thành từ hai dãy tường thành lớn. Một lớp tường thành ở biên giới phía bắc kéo dài khoảng 700km từ Hắc Long Giang tới Ngoại Mông. Một lớp tường thành khác nằm ở phía bắc và đông bắc của Bắc Kinh, dài khoảng 1000km. Hệ thống tường thành của nhà Kim tương đối kiên cố, có hào sâu, tháp báo hiệu, lũy và rào chắn.
Trường thành nhà Kim
Trường thành nhà Kim
Đến thế kỷ 13, Mông Cổ trỗi dậy dưới thời của Thành Cát Tư Hãn và dần trở thành một thế lực hùng mạnh. Khi Thành Cát Tư Hãn tấn công nước Kim, vì biết hệ thống Trường thành rất kiên cố và vững chãi, cho nên các đạo quân Mông Cổ đã tìm cách đi vòng qua để tiến sâu vào nội địa. Nhờ chiến lược này nên Trường thành nước Kim không giúp ích gì được trong việc chống lại quân Mông Cổ; cuối cùng dẫn đến việc diệt vong năm 1234. Trên cơ sở là Đại Mông Cổ quốc, nhà Nguyên được thành lập năm 1271, và sau khi diệt Nam Tống năm 1279, họ đã kiểm soát được hoàn toàn các vùng lãnh thổ Trung Hoa. Dưới thời Nguyên, Trường thành tiếp tục bị bỏ hoang và không được tu sửa hay mở rộng thêm.

Trở lại thành xương sống của việc phòng thủ phía bắc

Năm 1368, nhà Nguyên sụp đổ và nhà Minh do Chu Nguyên Chương được thành lập. Tàn dư nhà Nguyên rút về thảo nguyên, và phần lớn lãnh thổ Trung Hoa nằm dưới quyền kiểm soát của nhà Minh. Tuy bị buộc phải rút ra ngoài thảo nguyên, nhưng tàn dư nhà Nguyên vẫn là một mối đe dọa lớn với triều đại mới thành lập. Do đó, Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương đã cho thiết lập một loạt các hệ thống thành lũy phòng thủ ở biên giới - đây chính là tiền thân và nền móng cho Trường thành nhà Minh. Trong suốt thời kỳ cai trị của mình, Minh Thái tổ đã cho thiết lập rất nhiều trạm canh và thành lũy dày đặc ở biên giới phía bắc; đồng thời phát động nhiều cuộc viễn chinh để giải quyết vấn đề tàn dư nhà Nguyên. Đến năm 1421, Minh Thành tổ đã cho dời đô từ Nam Kinh lên Bắc Kinh, và tiếp tục củng cố cũng như phát triển các chiến lược và hệ thống phòng thủ lấy Bắc Kinh làm trung tâm. Giai đoạn này nhà Minh ở thế chủ động trong việc bảo vệ biên giới và thường xuyên mở những cuộc tấn công vào thảo nguyên. Tuy nhiên vào năm 1449, Sự biến Thổ Mộc Bảo đã làm thay đổi hoàn toàn sách lược phòng thủ của nhà Minh. Đại quân viễn chinh của nhà Minh bị tộc Ngõa Lạt phục kích và gần như bị tiêu diệt hoàn toàn; Hoàng đế nhà Minh là Minh Anh tông bị bắt sống. Từ đó về sau, sách lược bảo vệ biên giới của nhà Minh chuyển dần sang phòng thủ. Cũng chính vì thế, nhà Minh quay lại việc tu sửa và xây dựng hệ thống Trường thành để bảo vệ biên giới.
Việc xây dựng và mở rộng Trường thành kéo dài trong gần như toàn bộ thời kỳ cai trị của nhà Minh. Khác với Trường thành của những triều đại trước, hệ thống tường thành của nhà Minh kiên cố và vững chắc hơn nhiều do chủ yếu được xây dựng bằng gạch và đá. Dọc theo chiều dài của Trường thành, có khoảng 25 ngàn tháp canh được thiết lập; và những lớp tường thành ở khu vực gần kinh thành Bắc Kinh thì đặc biệt vững chắc và được canh phòng cẩn thận. Trong khoảng từ năm 1567 - 1570, đại tướng Thích Kế Quang cũng đã cho tu sửa và gia cố thêm cho Trường thành, thiết lập thêm 1200 tháp canh trong khu vực từ Sơn Hải Quan đến Trường Bình. Trước đó vào giai đoạn từ năm 1440 - 1460, nhà Minh cũng cho xây dựng thêm một dãy tường thành ở Liêu Đông để bảo vệ khu vực này khỏi sự xâm lấn của các tộc người Nữ Chân. Tuy nhiên dãy tường thành Liêu Đông này không được vững chắc bằng Trường thành, và chủ yếu được làm từ đất và có đào hào mà thôi.
Trường thành nhà Minh
Trường thành nhà Minh
Việc phòng thủ ở biên giới phía bắc của nhà Minh chủ yếu dựa vào Trường thành và thật sự khá hiệu quả, một phần vì sự vững chắc của nó và một phần nhờ lợi thế hỏa khí của quân đội. Kể cả sau khi mất Liêu Đông vào tay người Mãn Châu và phải đối mặt với hàng loạt cuộc tấn công của nhà Hậu Kim (tiền thân của nhà Thanh), Trường thành nhà Minh vẫn chứng tỏ được sự lợi hại của nó. Quân Minh tập trung chủ yếu vào việc trấn thủ Sơn Hải Quan - pháo đài cực kỳ kiên cố và là cứ điểm quan trọng nhất ngăn chặn quân Mãn xâm lấn Trung Nguyên. Sự thực là quân Thanh chưa bao giờ hạ nổi Sơn Hải Quan, và phải nhờ đến sự đầu hàng của tướng trấn thủ là Ngô Tam Quế thì họ mới có thể tiến vào Trung Nguyên sau khi nhà Minh sụp đổ năm 1644. Quân Thanh nhanh chóng chiếm Bắc Kinh và dần dần đánh chiếm được toàn bộ Trung Nguyên; cuối cùng tiêu diệt hẳn tàn dư nhà Minh ở phía nam vào năm 1662.
Dưới thời nhà Thanh, biên giới được mở rộng vượt ra xa khỏi Trường thành; cho nên việc tu sửa, mở rộng và phòng thủ nó đã không còn cần thiết nữa. Đến ngày nay, Trường thành chỉ còn tồn tại với vai trò một di sản văn hóa và điểm đến du lịch.

Vạn Lý Trường Thành ngày nay

Ngày nay, Vạn Lý Trường Thành đóng vai trò là một điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, do chiều dài của mình mà hầu hết các phần của nó đều không được bảo dưỡng hay tu sửa mà dần hoang phế và thậm chí đổ sụp. Chỉ có một số phần Trường thành ở phía bắc của Bắc Kinh và một số điểm du lịch khác là được bảo dưỡng, tu sửa định kỳ mà thôi. Vào năm 2012, một bản báo cáo của Cục quản lý di sản văn hóa quốc gia Trung Quốc cho biết rằng khoảng 22% của Vạn Lý Trường Thành đã biến mất bởi nhiều tác nhân khác nhau - ứng với khoảng gần 2000km tường thành. Trong 20 năm tới, thêm 60km tường thành sẽ biến mất bởi các tác nhân như xói mòn và bão cát. Theo đà này, dần dần sẽ chỉ còn lại một phần rất nhỏ của Vạn Lý Trường Thành được bảo tồn cho các thế hệ tương lai chiêm ngưỡng. UNESCO cũng đã công nhận Vạn Lý Trường Thành là Di sản thế giới vào năm 1987.
Có một điều thú vị là rất nhiều người vẫn tin rằng có thể trông thấy Vạn Lý Trường Thành từ ngoài vũ trụ - thậm chí là từ Mặt Trăng! Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai sự thật. Trên thực tế, ngay từ quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất (tức khoảng 160km tính từ mặt nước biển) thì đã gần như không thể trông thấy Vạn Lý Trường Thành bằng mắt thường rồi. Với điều kiện thời tiết hoàn hảo, may ra mới có thể lờ mờ trông thấy Vạn Lý Trường Thành ở độ cao đó. Nhà du hành vũ trụ người Mỹ Gene Cernan từng phát biểu rằng: “Ở quỹ đạo của Trái Đất trong khoảng từ 100 - 200 dặm tính từ mặt nước biển, vẫn có thể nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành bằng mắt thường.” Tuy nhiên một nhà du hành vũ trụ khác người Trung Quốc là Lư Kiệt làm việc trên Trạm Vũ trụ Quốc tế cho biết thêm rằng: “Rất khó để phân biệt, và phải biết chính xác nhìn vào chỗ nào thì mới thấy được.” Hay nói cách khác, trong điều kiện thời tiết hoàn hảo và nếu người quan sát biết chính xác phải nhìn vào chỗ nào, thì đúng là có thể dùng mắt thường để phần nào trông thấy Vạn Lý Trường Thành từ vũ trụ. Tất nhiên, làm được điều ấy là rất khó, không hề dễ dàng.
Vạn Lý Trường Thành chụp từ quỹ đạo Trái Đất - có thể thấy là rất khó để phân biệt được
Vạn Lý Trường Thành chụp từ quỹ đạo Trái Đất - có thể thấy là rất khó để phân biệt được