Nếu như Tần Thủy Hoàng là người đặt nền móng cho nền quân chủ chuyên chế và định hình lịch sử 2000 năm tiếp theo của Trung Quốc; thì có thể nói Hán Cao tổ Lưu Bang là người đã hoàn thiện và phát huy cái nền móng đó. Ông là người đã sáng lập nhà Hán - triều đại quân chủ chuyên chế dài lâu và nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc. Thường bị đánh giá là người thô lỗ và ít học, nhưng đến cuối cùng chính Lưu Bang chứ không phải ai khác, mới trở thành Hoàng đế. Con người của Lưu Bang ra sao, và ông đã giành lấy thiên hạ như thế nào; ta hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết sau.
(Chính xác thì nên gọi đúng miếu hiệu của Lưu Bang là Hán Thái tổ, nhưng vì cách gọi Hán Cao tổ đã quá quen thuộc rồi nên mình sẽ dùng nó cho đỡ lạ tai; nhưng các bạn nên nhớ rằng Lưu Bang được dâng miếu hiệu là Thái tổ và thụy hiệu là Cao Hoàng đế. Cách gọi Hán Cao tổ đến từ việc Tư Mã Thiên khi viết Sử ký đã ghi là Cao tổ bản kỷ)
Tài liệu tham khảo chủ yếu từ hai bộ sử là "Sử ký" và "Tư trị thông giám"

Thân thế

Hán Cao tổ có tên húy là Lưu Bang, biểu tự là Quý; ông vốn người làng Trung Dương, ấp Phong thuộc huyện Bái vốn thuộc nước Sở. Sau khi Tần diệt Sở, thống nhất Trung Nguyên và đặt ra 36 quận thì huyện Bái thuộc về quận Tứ Thủy. Tên cha mẹ của Lưu Bang không được ghi lại rõ ràng mà chỉ được gọi là ông Thái Công và bà Lưu. Không có nhiều thông tin về Lưu Bang được ghi lại trong sử liệu. Đại khái thời trẻ của ông chỉ được tóm gọn trong mấy dòng, nhưng cũng nhuốm nhiều màu sắc kỳ quái và phi lý; hẳn là vì chúng đều được người sau ghi lại cho nên hình tượng ông được tô vẽ cho thêm vẻ thần nhân để xứng với thân phận Hoàng đế khai quốc nhà Hán. Phần Cao tổ bản kỷ trong sách Sử ký chép như sau:
Khi trước, bà Lưu từng nằm nghỉ trên bờ đầm lớn, mơ thấy mình giao hợp với một vị thần. Lúc bấy giờ sấm chớp nổi lên, trời tối mịt mù, Thái Công qua đó tìm thì thấy một con giao long ở trên người bà. Không lâu sau bà có thai rồi sinh ra Cao tổ. Cao tổ mũi cao, trán rồng, râu ở cằm với má đều đẹp, bắp đùi bên trái có bảy mươi hai nốt ruồi đen. Ngài nhân hậu mà thương người, thích ban ơn, bụng dạ khoáng đạt. Thường có chí lớn, không làm việc kiếm sống như người thường. Đến khi trưởng thành, Cao tổ thử làm quan, được bổ làm Đình trưởng Tứ Thủy, quan lại trong vùng chẳng ai không bị coi khinh bỡn cợt. Tính ngài ham rượu và háo sắc, thường mua chịu rượu ở chỗ bà Vương, bà Vũ, hễ say rượu nằm ngủ, bà Vương bà Vũ lại nhìn thấy có con rồng ở trên người ngài, lấy làm lạ. Mỗi lần Cao tổ đến mua rượu hay ở lại uống, rượu bán ra đều nhiều gấp ngày thường mấy lần. Đến khi thấy việc lạ kia, cuối mỗi năm, hai nhà ấy thường chẻ sổ miễn nợ cho Cao tổ. Cao tổ từng đi sưu đến Hàm Dương, được thoải mái ngắm nhìn Tần Hoàng đế, thế rồi cảm khái thở dài mà rằng: “Ôi chao, đại trượng phu đáng phải như thế!”
Bỏ qua những chi tiết kỳ dị không có thực trong đoạn trên (như chuyện bà Lưu giao hợp với thần rồi sinh ra Lưu Bang, hay việc có người thấy con rồng trên người ông), ta có thể rút ra mấy điều về Lưu Bang. Đầu tiên, ông là người khoáng đạt, thậm chí có thể nói là khá buông thả và không câu nệ - thể hiện ở những việc như tham rượu, háo sắc, thích ban ơn. Lưu Bang cũng không quan tâm mấy đến công việc của gia đình; đến lúc trưởng thành được làm Đình trưởng quản mười làng, nhưng dường như cũng không quá tận tụy và vẫn giữ lối sống như cũ, lại thường coi khinh bỡn cợt quan lại trong vùng. Nhưng ta cũng biết được rằng Lưu Bang cũng mang chí lớn, không hề tầm thường; thể hiện ở câu cảm thán khi ông nhìn thấy nghi trượng của Tần Thủy Hoàng ở Hàm Dương.
Thoạt nhìn, dường như Lưu Bang có vẻ là một con người ít học, thất phu, gia cảnh không khá giả và bản thân ông cũng không quan tâm chuyện làm ăn. Thế nhưng nếu suy xét kỹ ra, ta sẽ thấy thực chất xuất thân và gia thế của Lưu Bang cũng đâu hẳn tầm thường. Điều ấy không được thể hiện trực tiếp qua những dòng mô tả, mà qua những điều sau:
Đầu tiên, ta phải khẳng định rằng Lưu Bang không hề thất học. Ông được ăn học đàng hoàng từ nhỏ. Trong Sử ký - Hàn Tín, Lư Oản liệt truyện có chép như sau:
Lư Oản, người đất Phong, cùng làng với Cao tổ. Cha Lư Oản và cha Cao tổ rất quý nhau, cùng sinh được con trai, Cao tổ và Lư Oản sinh cùng ngày, trong làng mang dê, rượu chúc mừng hai nhà. Khi Cao tổ và Lư Oản lớn lên, đều học sách, lại quý mến nhau.
Thời xưa, không phải nhà nào cũng có điều kiện cho con cái học hành. Như vậy, để có thể cho Lưu Bang đi học thì nhất định gia cảnh nhà ông phải thuộc hạng tương đối có tiền - không đến mức giàu nứt đố đổ vách nhưng ít nhất cũng gọi là có của ăn của để. Hơn nữa cũng có thể nói là nhà Lưu Bang có thế lực nhất định trong vùng. Bởi vì sao? Hãy xem xét việc Lưu Bang lớn lên không lo chuyện làm ăn của gia đình, nhưng lại được bổ làm Đình trưởng. Ở thời Chiến Quốc, để được bổ nhiệm làm quan thì quay đi quay lại chỉ có mấy cách như sau: lập quân công; nhờ làm khanh sĩ hoặc môn khách của các nhân vật quyền lực; hoặc dựa vào thế lực của gia đình ở địa phương. Trường hợp của Lưu Bang hẳn là nằm ở mục thứ ba, khi nhờ vào gia đình có thế lực nhất định nên ông được làm Đình trưởng Tứ Thủy - một chức quan thuộc dạng tương đối khá ở địa phương. Mặt khác, ta thấy rõ rằng dù Lưu Bang không chịu làm ăn mà sống vẫn ổn, lại có thể mua chịu rượu cả năm ở các quán; thì càng khẳng định vào việc gia đình ông có tiền. Ta hãy bỏ qua cái chi tiết nhuốm màu sắc thần bí về chuyện chủ quán rượu trông thấy rồng quấn trên người Lưu Bang, rồi thêm việc cứ có ông thì nhiều người đến hàng mua. Rõ ràng các chủ quán rượu biết rằng dù Lưu Bang không sẵn tiền mua rượu thì vẫn có thể đến đòi nợ cha của ông, thậm chí còn miễn nợ cho, chứng tỏ rằng ít nhiều họ cũng có e ngại đến gia thế của Lưu Bang. Vậy có thể tin rằng Lưu Bang có được ăn học nhất định, gia đình khá giả và tương đối có thế lực; thế nhưng bản tính ông lại khoáng đạt buông thả, thích đánh bạn với nhiều người - nhờ thế ông mới quen biết và thân với những người về sau đều một tay giúp dựng nên cơ đồ nhà Hán.
Một lần, Lưu Bang tham dự một buổi tiệc chiêu đãi của Lã Công - người rất giàu có và đang muốn giao hảo với người trong vùng. Trong tiệc, Lã Công nhìn Lưu Bang, cho là ông có tướng bất phàm, sẽ làm nên đại sự, nên quyết định gả con gái Lã Trĩ cho Lưu Bang, mặc cho trước đó quan Lệnh huyện Bái cũng từng ngỏ ý cầu thân.
Trong suốt những năm sau đó hầu như không có thêm điều gì đáng chú ý. Thế nhưng một lần, Lưu Bang được giao nhiệm vụ áp giải tù phạm đến Ly Sơn tham gia xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Dọc đường đi nhiều người bỏ trốn, Lưu Bang không cản được. Ông tự biết đến nơi chắc là chẳng còn ai, và kiểu gì cũng sẽ bị bắt tội; cho nên Lưu Bang dừng lại ở một cái đầm phía tây ấp Phong rồi thả hết các tù phạm. Ông bảo rằng: “Các ông chạy cả đi, từ nay ta cũng trốn biệt thôi!”. Trong số ấy có mười mấy người cảm kích nên tình nguyện đi theo, rồi cả đoàn đi tìm nơi ẩn nấp tránh triều đình và Lưu Bang cử một người đi trước dò đường. Người ấy đi một đoạn rồi quay về bảo rằng có con rắn lớn màu trắng nằm chắn giữa đường, nên quay lại tìm nẻo khác. Lưu Bang bấy giờ đang say rượu, nên không nghe mà đánh bạo đi lên, tuốt luôn kiếm chém đứt đôi con rắn rồi lăn ra ngủ luôn giữa đường. Những người đi sau gặp một bà già khóc lóc trên đường. Khi người của Lưu Bang hỏi tại sao lại khóc, bà trả lời: “Người ta giết con tôi, cho nên tôi khóc.” Người kia lại hỏi: “Con bà làm sao mà bị giết?” Bà lão bèn đáp: “Con tôi là con của Bạch Đế vậy, hóa làm rắn chắn ngang đường, nay bị con của Xích Đế chém, cho nên tôi khóc”. Nói xong bà lão đột nhiên biến mất. Câu chuyện nhuốm màu sắc quái lạ này càng khiến những người đi theo nể sợ, việc này truyền ra ngoài lại khiến nhiều người nảy ý muốn đi theo Lưu Bang. Bấy giờ cũng vừa là lúc Tần Thủy Hoàng tuần du phương đông, Lưu Bang hẳn là đã có ý làm đại sự, nên quyết định ẩn náu giữa vùng núi non đầm lạch ở giữa hai huyện Mang và Đãng. Nhiều người ở huyện Bái và các vùng lân cận nghe tin theo đến khá đông.
Thế rồi giữa chuyến tuần du, Tần Thủy Hoàng băng hà tại Sa Khâu vào tháng 9 năm 210 TCN. Triệu Cao và Lý Tư làm giả di chiếu, tôn hoàng tử Hồ Hợi kế vị, tức là Nhị Thế Hoàng đế. Cũng từ lúc ấy, những cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Tần bắt đầu nổ ra, và Lưu Bang cũng tìm cách tham gia vào cơn sóng cuồn cuộn khủng khiếp rồi sẽ hủy diệt đế quốc Đại Tần ấy.

Khởi nghĩa chống nhà Tần

Tháng 7 năm 209 TCN, Trần Thắng - Ngô Quảng khởi binh chống lại nhà Tần, xưng hiệu là Đại Sở; khắp các vùng Sơn Đông và Hà Bắc đều hưởng ứng, tạo thanh thế lớn. Trần Thắng sau đến đất Trần, có hào kiệt là Trương Nhĩ và Trần Dư đến yết kiến. Cả hai khuyên Trần Thắng nên tìm lập con cháu sáu nước bị diệt để lập phe cánh cùng đánh Tần. Nhưng Trần Thắng không nghe, bèn tự lập làm Vương, lấy hiệu Trương Sở. Lực lượng của Trần Thắng tuy mạnh, nhưng rồi về sau các tướng được cử đi đánh Tần đều mang lòng riêng, lần lượt tự lập Vương cả. Trần Thắng dần lại trở nên cô thế, lại sai lầm dẫn đến mất lòng quân, cuối cùng quân Sở của ông bị quân Tần do Chương Hàm thống lĩnh đánh bại. Trần Thắng phải bỏ đất Trần mà chạy, cuối cùng bị người đánh xe giết chết để hàng quân Tần vào đầu năm 208 TCN, sau 6 tháng làm Vương.
Lại quay về lúc Trần Thắng mởi khởi binh, các quận huyện khốn khổ vì pháp luật hà khắc của triều đình đã lâu, nay được thể liền tranh nhau giết quan lại để hưởng ứng Trần Thắng. Quan Lệnh huyện Bái bấy giờ sợ hãi, bèn muốn đi theo hưởng ứng Trần Thắng. Bấy giờ Ngục duyện Tào Tham với Chủ lại Tiêu Hà bèn khuyên ông triệu những người bỏ trốn về làm thanh thế. Quan lệnh nghe theo nên hai người cử Phàn Khoái - một anh em kết nghĩa rất thân với Lưu Bang - đi mời ông về, bởi lúc đấy bộ hạ của ông đã có gần trăm người rồi. Thế nhưng sau khi Phàn Khoái đi, quan Lệnh lại đâm hối hận không muốn mạo hiểm phản Tần; nên cho đóng cửa thành và muốn giết Tiêu Hà, Tào Tham. Hai người sợ nên bỏ trốn khỏi thành đến chỗ Lưu Bang, khuyên ông viết thư truyền vào trong thành kêu gọi dân chúng lật đổ quan Lệnh. Dân chúng trong huyện Bái bắt được thư của ông, lập tức nghe theo, giết quan Lệnh rồi mở cổng thành nghênh đón Lưu Bang, cùng muốn tôn ông làm quan Lệnh huyện Bái để mưu việc phản Tần. Ban đầu Lưu Bang từ chối muốn nhường cho người khác, nhưng không ai dám nhận, nên cuối cùng ông quyết định đồng ý. Lưu Bang được lập làm Bái Công, cờ xí đều dùng màu đỏ, hưởng ứng Trần Thắng phản Tần. Đám Tiêu Hà, Tào Tham, Phàn Khoái và Hạ Hầu Anh cùng đi chiêu mộ trai tráng trong vùng được hai - ba nghìn người. Lưu Bang bèn đem quân đi đánh các vùng Hồ Lăng, Phương Dư rồi quay về giữ đất Phong.
Sang đến năm 208 TCN, tình hình ngày càng hỗn loạn. Tông thất các nước chư hầu bị Tần diệt đều nổi dậy tự lập. Trong lúc đó, quan Giám quận Tứ Xuyên của Tần đem quân vây đất Phong rồi bị quân của Lưu Bang đánh bại. Sau đó ông sai một người dưới quyền là Ung Xỉ trấn thủ đất ấy, còn mình thì đem quân tới đánh huyện Tiết. Quân Lưu Bang đánh thái thú ở Tứ Xuyên của nhà Tần; người này bỏ chạy đến huyện Thích rồi bị Tả tư mã của Lưu Bang bắt giết. Lưu Bang quay về đóng quân ở Cang Phụ và đi đến quận Phương Dư. Cùng lúc đó tướng nước Ngụy là Chu Thị cũng đến đánh Phương Dư, nhưng chưa đánh trận nào. Chu Thị bèn sai người dụ hàng và đe dọa Ung Xỉ đang giữ đất Phong. Ung Xỉ vốn không muốn theo Lưu Bang từ đầu nên khi bị Chu Thị đe dọa liền lập tức hàng Ngụy. Lưu Bang rất giận nhưng không thể làm gì bởi lực lượng chưa đủ để chiếm lại đất Phong.
Bấy giờ quân Tần vừa mới đại phá quân Sở của Trần Thắng; bản thân Trần Thắng thì bị giết. Có hai người khác cũng là các thủ lĩnh khởi nghĩa chống Tần là Ninh Quân và Tần Gia nghe tin, bèn bỏ đất Đàm mà đến Thành Lưu thu thập tàn quân của Trần Thắng, lại tìm được dòng dõi vua Sở là Cảnh Câu nên lập người ấy làm Sở vương để tiếp tục đánh Tần. Lưu Bang nghe tin Sở vương Cảnh Câu đang đóng quân ở đất Lưu, nên kéo hết thuộc hạ tới muốn theo. Giữa đường ông gặp được Trương Lương là người nước Hàn cũ, cũng tụ tập hơn trăm trai tráng định theo với Sở vương Cảnh Câu. Trương Lương bèn quy thuộc Lưu Bang, được ông bái làm Cứu tướng (tức là một chức quan chủ quản về xe và ngựa). Trương Lương vốn thông thạo binh pháp, có tài, thường nhiều lần đem các sách lược trong Thái công binh pháp ra bàn luận; Lưu Bang đều khen, thường nghe theo, trong khi những người khác không mấy ai hiểu. Trương Lương vì thế cho là Lưu Bang đáng phò trợ nên quyết định theo dưới trướng ông không đi nữa. Lưu Bang tới yết kiến Sở vương Cảnh Câu, muốn mượn binh lực để quay về đánh chiếm lại đất Phong. Ninh Quân cùng Lưu Bang đem quân về phía tây đánh huyện Tiêu nhưng bất lợi, hai người đem quân trở về, tập hợp quân ở đất Lưu rồi đem binh đánh chiếm được đất Đãng, thu binh được 6000 người. Sau đó, ông đánh lấy được ấp Hạ rồi cùng Ninh Quân đem quân về đánh đất Phong, nhưng vẫn không hạ nổi.
Tình thế bấy giờ có vẻ bất lợi với các lực lượng khởi nghĩa. Đa phần trước đây nổi dậy hưởng ứng Trần Thắng; nhưng nay Trần Thắng đã chết (tuy nhiên hầu hết các nơi đều không rõ mà chỉ biết ông thua bại rồi mất tích). Tàn dư các chư hầu được thể cũng đều nổi lên tự lập vương, nhưng lực lượng còn manh mún và không thể đơn độc đánh lại quân Tần. Mặc dù Tần Thủy Hoàng cùng đa số các danh tướng nước Tần đã không còn, nhưng đây vẫn là một đội quân cực kỳ đông đảo và hùng mạnh. Các lực lượng khởi nghĩa cần phải liên kết dưới trướng một người đủ danh nghĩa và có lực lượng đáng kể.
Khi trước có một thuộc tướng của Trần Thắng là Triệu Bình được lệnh đem quân đi đánh Quảng Lăng, chưa hạ được nên còn dùng dằng ở đó. Về sau nghe tin Trần Thắng thua chạy, quân Chương Hàm sắp đến, bèn vượt sông Giang sang đông, tìm gặp dòng dõi đại tướng nước Sở là Hạng Lương. Hạng Lương cùng cháu là Hạng Vũ bấy giờ nắm giữ quận Cối Kê, chiêu tập binh mã với mong muốn diệt Tần để khôi phục nước Sở. Triệu Bình đến nơi bèn bái Hạng Lương làm Thượng trụ quốc của Sở, khuyên ông vượt sông Giang dẫn binh sang phía tây để đánh Tần. Hạng Lương nghe theo, bèn đem 8000 quân vượt sông sang tây, thu phục được nhiều lực lượng khác của Trần Anh và Anh Bố. Lực lượng của Hạng Lương lên đến sáu, bảy vạn người; đóng cả ở Hạ Bì. Tần Gia và Sở vương Cảnh Câu bấy giờ đang đóng quân ở phía đông Bành Thành, muốn ngăn chống Hạng Lương. Hạng Lương tuyên bố rằng Trần Thắng vốn khởi sự đầu tiên, nay không biết tung tích mà Tần Gia lại đã dám bội phản mà lập Cảnh Câu làm Sở vương, tức là đại nghịch vô đạo. Hạng Lương quyết định tiến binh đánh Tần Gia, đại thắng. Tần Gia và Sở vương Cảnh Câu bỏ chạy rồi cuối cùng đều chết cả. Lưu Bang nghe tin, bèn dẫn người đến yết kiến Hạng Lương; được cấp cho 5000 quân cùng mười viên tướng. Lưu Bang có thêm quân, quay về đánh được đất Phong, Ung Xỉ bỏ chạy sang nước Ngụy.
Hạng Lương sau đó nghe lời khuyên của một mưu sĩ tên Phạm Tăng, cho người đi tìm được cháu của Sở Hoài vương tên là Mễ Tâm, bèn lập lên làm Sở vương, cũng lấy hiệu Hoài vương. Hạng Lương tự xưng là Vũ Tín Quân để hiệu lệnh các lực lượng chống Tần. Mấy tháng sau, Hạng Lương thống lĩnh quân Sở lên phía bắc cứu nước Tề, đánh bại quân Chương Hàm tại Đông A. Hạng Lương chia quân làm hai, đích thân ông dẫn quân truy đuổi quân Tần; còn lại giao cho Lưu Bang và Hạng Vũ đi đánh Thành Dương, làm cỏ cả thành. Sau đó tiếp tục đánh thắng quân Tần một trận nữa ở Bộc Dương; nhưng do địa thế hiểm trở và việc quân Tần tử thủ nên hai người chưa hạ nổi thành. Lưu Bang và Hạng Vũ bèn bỏ đi đánh Định Đào nhưng không hạ được thành, lại đem quân về phía tây cướp đất. Hai người sau đó tiến quân đến thành Ung Khâu, đánh nhau với quân Tần, chém được Thái thú quận Tam Xuyên của nhà Tần là Lý Do, rồi thu quân về đánh Ngoại Hoàng.
Mấy lần đại phá quân Tần khiến Hạng Lương trở nên kiêu căng, có ý khinh thường quân Tần. Thuộc tướng là Tống Nghĩa khuyên can mà không được. Chương Hàm bấy giờ được tăng viện, bèn cấp tốc đang đêm cho quân bí mật đi đánh quân Sở. Quân Tần đại thắng ở Định Đào, Hạng Lương tử trận, quân Sở tan tác gần hết. Lưu Bang và Hạng Vũ đang đánh Trần Lưu nghe tin đại bại, liền rút lui để bảo toàn lực lượng. Chương Hàm đánh bại được Hạng Lương rồi, cho rằng quân Sở không còn đáng ngại, bèn dẫn quân lên bắc đánh nước Triệu.
Năm 207 TCN, Sở Hoài vương vì thấy quân Hạng Lương đã tan vỡ nên lo lắng, dời về đóng ở Bành Thành cùng các cánh quân còn lại. Lưu Bang được phong tước Vũ An Hầu; còn Hạng Vũ được phong Trường An hầu, lấy hiệu Lỗ Công. Bàn việc đánh Tần, Hoài vương giao ước với các tướng rằng ai vào được Quan Trung trước thì làm Vương ở đấy. Lúc ấy quân Tần đang mạnh nên các tướng không ai cho là vào Quan Trung trước thì có lợi; duy chỉ có Hạng Vũ căm hận việc Hạng Lương bị giết nên xin được cùng Lưu Bang sang phía tây để đánh vào Quan Trung. Tuy nhiên các tướng khuyên can rằng Hạng Vũ hay tàn bạo giết chóc nên không có lợi, nên cử Lưu Bang đi vì ông có tiếng là nhân nghĩa. Hoài vương nghe lời, bèn cử Lưu Bang đem quân sang tây tiến vào Quan Trung; còn Hạng Vũ được cử làm phó tướng theo Tống Nghĩa lên phía bắc cứu nước Triệu đang bị quân Tần vây hãm.
Lưu Bang đem quân đi về hướng tây gặp Bành Việt ở Xương Ấp, cùng nhau tấn công thành này nhưng không hạ được. Ông bèn chia tay Bành Việt quay về đến đất Lật, gặp Cương Vũ Hầu, cướp quân của y được 4000 người gộp thêm vào lực lượng; sau đó cùng các tướng nước Ngụy là Hoàng Hân và Vũ Bồ đánh thành Xương Ấp nhưng cũng không hạ được. Lưu Bang bèn đổi hướng, đi sang phía tây qua Cao Dương, gặp được một nho sĩ tên Lịch Sinh. Lịch Sinh khuyên ông đánh úp Trần Lưu, nhờ đó mà thu được thóc lúa tích trữ của nhà Tần ở đấy. Lưu Bang cho Lịch Sinh làm Quảng Dã Quân, cho em Lịch Sinh là Lịch Thương làm tướng, chỉ huy quân ở Trần Lưu và cùng họ đánh Khai Phong nhưng chưa lấy được. Lưu Bang lại mang quân sang phía tây đánh nhau với tướng Tần là Dương Hùng ở Bạch Mã, lại đánh ở phía đông Khúc Ngộ, phá tàn quân của Dương Hùng, Dương Hùng bỏ chạy đến Huỳnh Dương. Tần Nhị Thế sai sứ giả chém Dương Hùng để răn mọi người. Lưu Bang mang quân về phía nam đánh Dĩnh Dương, làm cỏ nơi này. Sau lại nhờ kế của Trương Lương mà đánh chiếm được đất Hoàn Viên của nước Hàn.
Cùng lúc đó tướng nước Triệu là Tư Mã Ngang đang muốn vượt Hoàng Hà để vào Quan Trung trước các chư hầu. Lưu Bang liền đánh Bình Âm ở phía Bắc, cắt đứt bên sông phía nam Hoàng Hà, chặn đường Tư Mã Ngang. Sau đó ông quay sang đánh một trận ở phía đông Lạc Dương nhưng không thắng nên rút lui về đến Dương Thành. Lưu Bang ở đó tập hợp chiến mã và kỵ binh ở trong quân, đánh nhau với Quận thú Nam Dương là Nghĩ ở phía đông, đốt phá đánh bại quân người này, cướp Nam Dương. Nghĩ bỏ chạy về giữ lấy Uyển Thành. Lưu Bang nóng lòng muốn bỏ qua đất này và đi về hướng tây vào Hàm Dương, nhưng Trương Lương cảnh báo ông sẽ bị đánh úp sau lưng. Vì vậy Lưu Bang dừng lại đánh nốt Uyển Thành. Ông nhân lúc đêm tối đem quân đi một con đường khác, thay đổi tất cả cờ xí, lúc tảng sáng vây Uyển Thành ba vòng.
Quận thú Nam Dương bấy giờ thấy thế, sợ hãi muốn tự vẫn; nhưng nghe lời khuyên bèn đầu hàng và được Lưu Bang phong cho làm Ân Hầu. Lưu Bang đem quân về đến sông Đan Thủy, Cao Vũ Hầu là Ngư, Tương Hầu là Vương Lăng đầu hàng nộp đất Tây Lăng. Lưu Bang quay lại đánh Hồ Dương, gặp biệt tướng của Bà quân Ngô Nhuế là Mai Huyên, bèn cùng chiêu hàng đất Tích và đất Lịch. Lưu Bang sau đó cử người nước Ngụy là Ninh Xương đi sứ nhà Tần để dụ hàng; nhưng sứ giả chưa đến nơi thì Chương Hàm đã đem quân đầu hàng Hạng Vũ ở Triệu rồi. Việc Hạng Vũ thì dài, nhưng có thể tóm gọn lại là Hạng Vũ cùng Tống Nghĩa đi cứu Triệu; nhưng Tống Nghĩa mãi không chịu tiến quân. Hạng Vũ nóng vội và tức giận bèn giết Tống Nghĩa, thu quân về dưới trướng, mấy lần đại phá quân Chương Hàm, giết tướng Tần là Vương Ly. Chương Hàm thua liền mấy trận, lại bị Tần Nhị Thế quở trách; sau quyết định phản Tần hàng Sở. Hạng Vũ thu hàng ông, phần lớn chư hầu cũng đều quy thuận theo cả.
Sau đó ít lâu, Triệu Cao giết Tần Nhị Thế, cho người liên lạc với Lưu Bang để mong cùng chia đất Quan Trung để làm Vương. Lưu Bang cho rằng Triệu Cao muốn đánh lừa, bèn dùng kế của Trương Lương, sai Lịch Sinh và Lục Giả đến thuyết phục tướng của Tần, lấy lợi nhử y và nhân đó đánh và phá được Vũ Quan. Lưu Bang lại đánh nhau với quân Tần ở phía nam Lam Điền, càng treo thêm cờ xí để làm nghi binh, đi đến đâu thì cấm không được cướp bóc bắt bớ. Người Tần do đó mừng rỡ, quân Tần tan rã, Lưu Bang nhân đó thắng liền mấy trận. Bấy giờ Triệu Cao đã bị giết, triều đình nhà Tần tôn Tử Anh lên ngôi, nhưng chỉ xưng Tần vương.
Tần vương Tử Anh đầu hàng
Tần vương Tử Anh đầu hàng
Tháng 10 năm 207 TCN, quân của Lưu Bang tới Bá Thượng trước các chư hầu. Quân Tần bấy giờ đã tan vỡ hết không thể chống cự, Tần vương Tử Anh đích thân đem ngọc tỷ và phù tiết của Hoàng đế ra đầu hàng bên đình Chỉ Đạo. Chư tướng có người bảo nên giết Tần vương, nhưng Lưu Bang không đồng ý, chỉ giao Tử Anh cho quan lại coi giữ rồi tiến vào Hàm Dương - đế đô nhà Tần.
Lưu Bang khi vào Hàm Dương rồi nảy ý muốn dừng lại ở trong cung thất nhà Tần nghỉ ngơi. Phàn Khoái và Trương Lương can mãi, Lưu Bang mới niêm phong kho tàng, của quý báu của Tần rồi trở về đóng quân ở Bá Thượng, triệu tập các vị phụ lão và những thân hào ở các huyện đến và tuyên bố bãi bỏ hầu hết pháp chế hà khắc của nhà Tần. Dân chúng vì thế rất mừng, đều mong ông làm Tần vương. Có người lại hiến kế Lưu Bang nên giữ lấy đất Tần hiểm trở giàu có để chống lại chư hầu, án ngữ cửa Hàm Cốc không cho quân chư hầu vào, và trưng thêm quân ở Quan Trung cho thêm đông để chống lại. Lưu Bang cho là phải và theo kế đó.
Giữa tháng 11 năm 207 TCN, Hạng Vũ thống lĩnh quân chư hầu tiến sang phía tây, muốn qua ải Hàm Cốc nhưng cửa ải đã bị phong tỏa. Hạng Vũ lại nghe tin Lưu Bang bấy giờ đã bình định được vùng Quan Trung nên tức giận, bèn sai các tướng đánh ải. Giữa tháng 12, Hạng Vũ đến đất Hỉ, tả tư mã của Lưu Bang là Tào Vô Thương muốn theo Hạng Vũ tiến thân bèn nói với Hạng Vũ rằng Lưu Bang có ý định chiếm cả Quan Trung. Phạm Tăng cũng khuyên Hạng Vũ đánh Lưu Bang. Hạng Vũ ra lệnh cho quân sĩ ăn no, định sáng mai thì đánh. Sử ký - Cao Tổ bản kỷ chép rằng Hạng Vũ bấy giờ có 40 vạn quân nhưng xưng lên trăm vạn quân; quân Lưu Bang chỉ có 10 vạn và xưng lên có 20 vạn. Không thể khảo cứu được con số thực hư hai bên là bao nhiêu, nhưng có thể chắc chắn rằng Lưu Bang thua kém về cả số lượng lẫn sức mạnh của binh lính, mà các tướng của ông cũng không dũng mãnh thiện chiến bằng các tướng của Hạng Vũ. Nếu xảy ra giao chiến thì Lưu Bang chỉ có nước thua mà thôi; mà ông lại không hề hay biết gì về kế hoạch của Hạng Vũ, có thể nói là ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng may thay là chú của Hạng Vũ là Hạng Bá lại chơi thân với Trương Lương, vì muốn cứu bạn nên đang đêm bí mật đến báo tin. Trương Lương dắt luôn Hạng Bá đến gặp Lưu Bang; ông bèn kết thân với Hạng Bá, hẹn nhau làm thông gia và nhờ nói giúp với Hạng Vũ rằng mình không có ý định chống lại. Hạng Bá trở về khuyên Hạng Vũ, vì vậy Hạng Vũ thôi không khai chiến với Lưu Bang.
Hôm sau, Lưu Bang đến Hồng Môn yết kiến và xin lỗi Hạng Vũ. Hạng Vũ cho ông biết là do Tào Vô Thương đề nghị nên Hạng Vũ mới chuẩn bị giao chiến. Hạng Vũ còn giữ Lưu Bang ở lại uống rượu. Phạm Tăng mấy lần ra hiệu bày tỏ ý bảo quyết ý giết Lưu Bang đi, nhưng Hạng Vũ trước sau không hành động. Phạm Tăng ra ngoài gọi Hạng Trang đến, dặn Trang vào chúc thọ rồi xin mua kiếm, để tiện tay đâm chết Lưu Bang ở chỗ ngồi. Hạng Trang nghe theo, vào tiệc chúc thọ rồi đứng dậy múa kiếm. Hạng Bá cũng đứng lên, vừa múa kiếm vừa lấy thân che cho Lưu Bang. Hạng Trang không đâm được. Trương Lương thấy nguy cấp bèn ra ngoài tìm Phàn Khoái, kể rằng Hạng Trang đang chực giết Lưu Bang. Phàn Khoái mang kiếm, cắp khiên xông vào tiệc, trách Hạng Vũ rằng nếu giết Lưu Bang tức là đi theo đường lối tàn bạo của nhà Tần. Sau đó Lưu Bang cùng các thuộc hạ đều lần lần rời đi và thoát nạn về được quân doanh ở Bá Thượng. Ngay sau khi về tới nơi, Lưu Bang liền giết Tào Vô Thương.
Hồng Môn Yến
Hồng Môn Yến
Mấy ngày sau, Hạng Vũ vào Hàm Dương, đốt phá sạch cung thất nhà Tần, đem Tần vương Tử Anh cùng tông thất nhà Tần giết đi, lại cho quân cướp phá nhiều nơi. Hạng Vũ bấy giờ muốn trở về quê hương, nên không nghe theo lời khuyên đóng đô ở Quan Trung. Hạng Vũ bèn cho người về thỉnh mệnh Sở Hoài vương thì Hoài vương bảo rằng cứ theo ước hẹn cũ, tức là chư hầu ai vào được Quan Trung trước thì làm Vương ở đấy. Hạng Vũ giận lắm, không chịu tuân theo; bèn giả vờ tôn Hoài vương lên làm Sở Nghĩa Đế rồi bắt phải dời về đóng đô ở đất Sâm, giữa đường ngầm sai người giết chết. Thế rồi sau đó Hạng Vũ tự lập làm Tây Sở bá vương; làm vua chín quận đất Lương và đất Sở, đóng đô ở Bành Thành. Hạng Vũ bấy giờ trên thực tế là người đứng đầu chư hầu, liền chia đất đai nhà Tần thành mười tám phần, phân phong cho các tướng lĩnh và hậu duệ các nước. Về phần Lưu Bang, Hạng Vũ và Phạm Tăng tuy vẫn có ý ngờ, nhưng đã trót giảng hòa, lại sợ nếu phụ ước thì chư hầu sẽ bội phản; nên phong cho ông làm Hán vương, cai quản các đất Ba, đất Thục và vùng Hán Trung. Đất của Lưu Bang được phong kỳ thực chỉ có Hán Trung là có giá trị nhất, còn Ba và Thục vốn trước nay vẫn là nơi nhà Tần đày những kẻ có tội đến, hiểm trở lại nhiều lam sơn chướng khí, dân cư thưa thớt mà chưa được bình định.
Theo Sử ký - Lưu hầu thế gia; kỳ thực ban đầu Hạng Vũ vốn chỉ định cho Lưu Bang đất Ba và đất Thục, tức là chỉ thiếu nước bảo thẳng rằng đày ông vào chỗ đấy. Thế nhưng việc này khiến Lưu Bang và các tướng lĩnh rất căm giận, dường như đã định dấy binh đánh một trận, còn hơn bó tay đi vào chỗ chết như thế. Trương Lương thông qua mối quan hệ bạn bè với Hạng Bá đã gián tiếp truyền đạt điều ấy đến cho Hạng Vũ; cuối cùng dẫn đến việc Lưu Bang được thêm đất Hán Trung - một vùng đất có vị thế chiến lược khá quan trọng. Lưu Bang vẫn giận, vì lẽ ra theo ước hẹn ông phải được làm Vương của cả vùng Quan Trung; nhưng bấy giờ thực lực chưa mạnh, nên Tiêu Hà đã khuyên rằng làm Vương ở Hán Trung tuy rằng kém, nhưng còn hơn là chết, nên Lưu Bang mới nghe theo. Hạng Vũ sau đó vẫn không yên tâm, bèn chia ba đất Tần, phong Vương cho các hàng tướng nhà Tần là Chương Hàm, Tư Mã Hân và Đổng Ế để chẹn đường sang đông của Lưu Bang.
Tựu trung, có thể nói là trong cuộc phân phong đất đai, Hạng Vũ đã giành lấy mọi thứ tốt nhất cho mình và những người thân cận. Các nước chư hầu và các thế lực khác vì thế luôn tỏ ra bất mãn và chỉ chờ cơ hội để nổi dậy. Trong số ấy, người chịu thiệt bậc nhất hẳn nhiên là Lưu Bang; và tuy bây giờ ông phải ngầm chịu khuất phục, nhưng đó chỉ là tình thế tạm thời. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Lưu Bang bắt đầu phản công, phát động cuộc chiến kéo dài hơn bốn năm - Chiến tranh Hán Sở, hoặc như chúng ta vẫn hay quen gọi là Hán Sở tranh hùng.
Lãnh thổ 18 nước chư hầu sau khi Hạng Vũ phân phong
Lãnh thổ 18 nước chư hầu sau khi Hạng Vũ phân phong

Chiến tranh Hán - Sở

Tháng 4 năm 206 TCN, các chư hầu bãi binh và bắt đầu trở về đất phong của mình. Lưu Bang bấy giờ đã là Hán vương, được cấp 3 vạn quân cùng theo về; dân chúng nhiều người ngưỡng mộ đi theo có tới mấy vạn. Theo lời khuyên của Trương Lương, ông đi qua đường sạn đạo vào Hán Trung xong liền cho đốt hết sạn đạo nhằm đề phòng quân chư hầu đánh úp, đồng thời để vờ chứng tỏ cho Hạng Vũ rằng mình không có ý định đông tiến nữa. Dọc đường đến Nam Trịnh, chư tướng và sĩ tốt có nhiều người bỏ trốn; người của Lưu Bang phần lớn đều là người Sơn Đông nên muốn quay về. Ở các nước chư hầu khác cũng bắt đầu xảy ra xung đột, đánh chiếm lẫn nhau. Lưu Bang theo sự tiến cử của Tiêu Hà, Trương Lương và Hạ Hầu Anh mà phong Hàn Tín làm đại tướng lo việc đông tiến. Hàn Tín vốn trước theo Hạng Lương, rồi sau đi theo Hạng Vũ nhưng đều không được tin dùng, chỉ được làm một chức quan nhỏ. Hàn Tín vì thế bỏ Sở về theo với Hán vương Lưu Bang.
Tháng 8 năm 206 TCN, Lưu Bang theo kế của Hàn Tín, bí mật cho quân đi đường Cố Đạo ra đánh úp Ung vương Chương Hàm. Chương Hàm bị quân Hán đánh bại ở Trần Thương, thua chạy đến đất Hảo Chỉ thì lại thua trận nữa rồi chạy đến Phế Khâu cố thủ. Lưu Bang đuổi theo, chiếm đất đai của Ung vương, một mặt điều quân vây Phế Khâu, mặt khác đi về đông đánh Hàm Dương và bình định Lũng Tây, Bắc Địa, Thượng Quân. Ông lại cho vài tướng tiến ra Vũ Quan để đi đón cha và vợ còn đang ở huyện Bái. Quân Sở biết tin, liền phái quân ngăn chống ở Dương Giá khiến quân Hán không đến được. Hạng Vũ lại cho quan Lệnh ở huyện Ngô khi trước là Trịnh Xương làm Hàn vương để chống cự quân Hán.
Năm 205 TCN, Lưu Bang cho quân tiến đánh Tắc vương Tư Mã Hân, Địch vương Đổng Ế và Hà Nam vương Thân Dương. Ba vương chống cự không nổi, đều đầu hàng cả. Hàn vương Xương không chịu hàng, bị quân Hán đánh bại; rồi sau đó Lưu Bang đổi lập viên Thái úy dòng dõi nước Hàn cũng tên là Hàn Tín làm Hàn vương thay thế. Cuối tháng giêng thì bắt được em của Chương Hàm là Chương Bình. Tháng ba năm đó, Lưu Bang và Hàn Tín từ Lâm Tấn vượt qua sông đánh một loạt các chư hầu. Tây Ngụy vương Báo đầu hàng, đem binh theo lấy Hà Nội. Ân vương Tư Mã Ngang cũng bị bắt. Bấy giờ có thêm nhiều người tài theo về với Hán như Trương Nhĩ và Trần Bình. Lưu Bang sau đó vượt Hoàng Hà rồi đem quân đến Lạc Dương. Đến Tân Thành, ông được dân chúng báo cho biết Sở Nghĩa Đế đã bị Hạng Vũ sát hại. Lưu Bang bèn cho để tang Nghĩa Đế và cho sứ giả đi báo với các nước chư hầu rằng:
Thiên hạ cùng lập Nghĩa Đế, ngoảnh mặt về bắc mà thờ. Nay Hạng Vũ lưu đày rồi giết Nghĩa Đế ở Giang Nam, đại nghịch vô đạo. Quả nhân đích thân phát tang, chư hầu hãy cùng bận đồ trắng, cất hết binh ở Quan Trung, gom sĩ tốt khắp Tam Hà, xuôi nam theo sông Giang, sông Hán mà xuống, mong được cùng chư hầu tiến đánh kẻ đã giết Nghĩa Đế của nước Sở!
Lúc bấy giờ Hạng Vũ đang đem quân lên phía bắc đánh Tề, chưa bình định được. Hạng Vũ vốn đã biết tin quân Hán sang sông rồi, nhưng vì đã đang đánh Tề, nên muốn phá nước này trước rồi mới quay lại đánh Hán. Nhân cơ hội ấy Lưu Bang bèn thúc ép quân năm nước chư hầu đánh vào Bành Thành, kinh đô Tây Sở. Hạng Vũ biết tin, bèn lưu lại các tướng tiếp tục đánh Tề, còn đích thân mình đem 3 vạn tinh binh quay về phía nam, đại chiến một trận với quân Hán ở ven sông Tuy. Quân Hán tuy đông nhưng không tinh nhuệ bằng, liền đại bại; xác chết chất đầy đến mức nghẽn cả sông Tuy. Quân Sở vây Lưu Bang ba vòng, cha và vợ ông đều bị bắt làm con tin cả. Lưu Bang bị vây, nhưng may lúc đó có trận gió thổi cát bụi mù mịt nên ông mới tháo vây chạy được cùng mấy chục kỵ binh. Ông được Hạ Hầu Anh đánh xe chạy trốn, bị quân Sở đuổi phía sau. Giữa đường gặp con trai Lưu Doanh cùng con gái. Sợ xe nặng đi chậm, Lưu Bang đẩy hai con nhỏ ra khỏi xe. Hạ Hầu Anh vội nhảy xuống bế lên. Lưu Bang thấy quân Sở đuổi gần lại đẩy con xuống. Cứ như vậy mấy lần nhưng Hạ Hầu Anh đều nhất quyết dừng xe nhảy xuống cứu hai con ông, cuối cùng cả bốn người may mắn thoát được.
Chiến tranh Hán - Sở
Chiến tranh Hán - Sở
Sau khi thua trận ở Bành Thành, Lưu Bang chạy đến Hạ Ấp; ở nơi ấy có anh vợ ông là Chu Lã hầu đóng quân để thu thập lại binh sĩ. Bấy giờ Tắc vương Tư Mã Hân và Địch vương Đổng Ế thấy Sở mạnh lên lại tìm cách trốn đi hàng Sở. Ngụy vương Báo cũng tìm cách lấy cớ về thăm cha mẹ rồi cũng phản Hán theo Sở; đa phần chư hầu bấy giờ cũng ngả lại về Sở mà tuyệt giao với Hán. Lưu Bang thấy tình thế bất lợi, bèn bàn với quần thần về việc ban các vùng đất phía đông chiếm được cho những ai có thể giúp lật ngược thế cờ. Trương Lương bấy giờ khuyên rằng:
Cửu Giang vương Bố, là kiêu tướng của nước Sở, có hiềm khích với Hạng vương; Bành Việt liên hợp với nước Tề phản Sở ở đất Lương; hai người ấy nên dùng gấp. Trong số tướng của Hán vương, chỉ có Hàn Tín có thể phó thác đại sự, đảm đương một mặt. Nếu muốn bỏ đất, giao cho ba người ấy, thì Sở có thể phá được vậy!
Lưu Bang cho là đúng lắm, bèn sai Tùy Hà sang đất Cửu Giang để chiêu dụ Anh Bố; ông quả nhiên đồng ý phản Sở. Hạng Vũ biết tin, bèn cử tướng Long Thư đem quân đi đánh Anh Bố. Hai bên giao chiến một thời gian, Anh Bố bại trận, bèn trốn đi cùng Tùy Hà về chỗ của Lưu Bang. Lưu Bang thu thập quân sĩ, lại có thêm viện binh từ Quan Trung do Tiêu Hà gửi thêm ra nên thế lại dần mạnh lên; quân Hán đóng ở Huỳnh Dương, đánh bại quân Sở mấy trận. Cùng trong khoảng thời gian đó, quân Hán vây Phế Khâu lâu ngày chưa hạ được, bèn tìm cách tháo nước vào trong thành. Cuối cùng Phế Khâu đầu hàng, Chương Hàm tự sát; đất Tần cũ đều thuộc về quân Hán cả. Lưu Bang lại sai Lịch Sinh đi thuyết phục Ngụy vương Báo trở lại với Hán nhưng không được. Ông bèn sai Hàn Tín đem quân đánh Ngụy, đại phá được, bắt sống Ngụy vương Báo đem về. Sau khi hạ được Ngụy, Hàn Tín xin Lưu Bang cấp thêm 3 vạn quân để lên phía bắc bình định đất Yên và Triệu; rồi sang đông đánh Tề và cắt đường vận lương của Sở. Lưu Bang chấp thuận, cử Trương Nhĩ đi theo giúp Hàn Tín đánh Triệu và Đại. Tháng 9 cùng năm, Hàn Tín đại phá quân nước Đại; sau đó Lưu Bang sai người đến thu tinh binh của Hàn Tín về Huỳnh Dương để có thêm lực lượng chống Sở.
Hàn Tín và Trương Nhĩ sau đó mộ thêm vài vạn quân, tiếp tục sang đông đánh Triệu. Triệu vương và Trần Dư nghe tin quân Hán sắp tới, bèn tụ tập quân ở Tỉnh Hình. Lý Tả Xa khuyên Trần Dư cố thủ, chia quân đánh chẹn đường vận tải lương của quân Hán và để cứu ứng lẫn nhau, nhưng Dư không nghe. Hàn Tín sai người sang thám thính, biết mưu của Lý Tả Xa không được dùng, bèn đem quân thẳng xuống. Khi còn cách Tỉnh Hình 30 dặm thì dừng lại nghỉ, đến giữa đêm thì xuất phát. Hàn Tín chọn 2000 khinh kỵ binh, đi theo đường tắt lén lút sang theo dõi động tĩnh quân Triệu; ra lệnh rằng khi nào thấy quân Triệu bỏ trại đuổi theo quân Hán thì xông vào cắm cờ trong đấy. Hàn Tín lại cho 1 vạn quân bày trận ở thế quay lưng lại với sông, tức là điều đại kỵ; quân Triệu nhìn thấy, đều khinh thường.
Hàn Tín
Hàn Tín
Đến khi trời sáng, Hàn Tín dựng cờ đại tướng, khua trống ra khỏi cửa Tỉnh Hình; quân Triệu cũng rời lũy ra đánh. Hàn Tín, Trương Nhĩ vờ bỏ cờ trống chạy đến đạo quân gần sông rồi quay lại chiến đấu dữ dội. Quân Triệu thấy thế quả nhiên bỏ thành ra tranh lấy cờ trống của quân Hán; đuổi theo Hàn Tín, Trương Nhĩ. Thế nhưng sau khi hai người nhập vào đạo quân ở bờ sông thì quân Hán đều liều chết chiến đấu không thể nào đánh bại được. 2000 kỵ binh mà Hàn Tín đã cho đi từ trước chờ đến khi quân Triệu bỏ lũy trống để đuổi theo quân Hán liền phi nhanh vào trong thành, nhổ tất cả cờ xí của Triệu để dựng cờ Hán. Quân Triệu đánh mãi không thắng được, muốn quay trở về, nhưng trong thành toàn là cờ Hán thì hoảng sợ, cho rằng quân Hán đã bắt được tướng của Triệu vương rồi. Quân sĩ hỗn loạn bỏ chạy, tướng Triệu chém cũng không ngăn được. Quân Hán hai bên áp lại, phá tan quân Triệu, chém Trần Dư trên sông Chi Thủy, bắt Triệu vương và Lý Tả Xa. Hàn Tín sau đó đối đãi tử tế với Lý Tả Xa, hỏi ý kiến của ông rồi nghe theo lời khuyên mà cho người đi dụ hàng Yên vương. Nước Yên đồng ý hàng Hán; Hàn Tín lại xin Lưu Bang lập Trương Nhĩ làm Triệu vương, được chấp thuận. Nước Sở mấy lần cho quân vượt Hoàng Hà đánh Triệu. Trương Nhĩ, Hàn Tín liên tục đi đi lại lại vừa chống quân Sở, vừa bình định nốt các thành ấp ở Triệu và điều binh đến giúp Lưu Bang.
Lưu Bang bấy giờ đóng quân ở Huỳnh Dương chống nhau với quân Sở, giằng co với Hạng Vũ hơn một năm ròng, bại trận nhiều lần. Hạng Vũ mấy lần cho quân cướp đường khiến quân Hán thiếu lương; rồi bao vây Lưu Bang. Lưu Bang bèn xin giảng hòa và cắt đất từ Huỳnh Dương đến phía tây cho Sở, nhưng Hạng Vũ nhất quyết không nghe. Lưu Bang bèn nghe theo kế của Trần Binh, giao cho mấy vạn cân vàng dùng kế phản gián để khiến nội bộ Sở xáo trộn. Sứ giả nước Sở mắc mưu Trần Bình nên đưa tin sai cho Hạng Vũ. Do đó, Hạng Vũ đâm nghi ngờ Phạm Tăng cùng các tướng dưới quyền như Long Thư, Chu Ân và Chung Ly Muội. Phạm Tăng bấy giờ khuyên Hạng Vũ nên đánh gấp để hạ Huỳnh Dương, nhưng thấy mình bị ngờ vực nên uất ức, xin cáo lão về quê rồi mất giữa đường.
Quân Hán bị cắt đứt đường lương thực, rất nguy cấp; tướng Kỷ Tín bèn đóng giả Lưu Bang, ngồi xe vàng giả cách ra đầu hàng để lừa quân Sở. Quân Sở cùng nhau chạy đến phía đông thành để xem; nhờ thế Lưu Bang cùng mấy chục kỵ binh mới thoát được. Các tướng Chu Hà, Tung Công cùng phần lớn binh sĩ vẫn ở lại giữ Huỳnh Dương. Lưu Bang chạy thoát, gặp được Anh Bố, cùng vào Thành Cao rồi tiếp tục thu thập binh mã, lại định sang đông đánh Sở. Viên Sinh hiến kế với Lưu Bang, đề nghị ông nên cố thủ không giao tranh với quân Sở; đồng thời sai Hàn Tín đi đánh Yên, Tề để chặt vây cánh của Sở, sau đó mới ra quân khiến Hạng Vũ phải đối phó nhiều mặt. Lưu Bang nghe theo, bèn cho quân đi ra ở giữa miền Uyển và Diệp, cùng Anh Bố tập hợp quân sĩ. Quả nhiên Hạng Vũ nghe tin Lưu Bang di chuyển bèn đem binh xuống phía nam. Quân Hán giữ vững thành trì không đánh nhau với Sở. Trong khi đó, Bành Việt đã vượt qua sông Tuy Thủy đánh vào hậu phương nước Sở, chiếm Hạ Bì. Hạng Vũ đang muốn truy kích Lưu Bang lại phải đem binh về hướng đông đánh Bành Việt. Sau khi đánh Bành Việt thua chạy, Hạng Vũ lại đem binh về hướng tây phá được thành Huỳnh Dương; bắt sống cả Chu Hà, Tung Công và Hàn vương Tín. Chu Hà và Tung Công không chịu hàng nên bị giết, Hàn vương Tín bị giam.
Tây Sở bá vương Hạng Vũ
Tây Sở bá vương Hạng Vũ
Hạng Vũ lại kéo tới bao vây Thành Cao rất gấp. Tháng 6 năm 204 TCN, Lưu Bang không chống nổi, bỏ thành vượt vòng vây ra khỏi Thành Cao, vượt Hoàng Hà. Bấy giờ ông chỉ có một mình Hạ Hầu Anh cùng đi, hai người tới địa phận do Trương Nhĩ và Hàn Tín cai quản. Đến nơi, sáng sớm, Lưu Bang trá xưng là sứ thần nhà Hán, phi ngựa vào trong thành. Lúc ấy Trương Nhĩ và Hàn Tín còn chưa dậy; Lưu Bang vào trong phòng ngủ, cướp ấn tín và binh phù, triệu tập và thay đổi chức vị các tướng. Hàn Tín và Trương Nhĩ tỉnh dậy mới biết Lưu Bang đến nên kinh hãi. Lưu Bang sau khi đoạt quân của hai người liền ra lệnh cho Trương Nhĩ giữ lấy đất Triệu, phong Hàn Tín làm tướng quốc, thu gom quân ở Triệu để đi đánh Tề.
Sau khi đã nắm được quân của Hàn Tín, uy thế Lưu Bang lại mạnh. Nghe theo lời khuyên của lang trung Trịnh Trung, ông đắp thành đào hào cố thủ không giao tranh với quân Sở. Lưu Bang sau đó lại sai Lư Oản và Lưu Giả đem 2 vạn quân vào đất Sở cùng với Bành Việt đánh phá quân Sở phía tây đất Yên, đất Quách, rồi lấy lại 17 thành đất Lương. Thế rồi ông nghe theo lời của Lịch Sinh mà sai Lịch Sinh sang dụ hàng Tề vương Điền Quảng. Điền Quảng nghe theo, chấp nhận hàng Hán nên bỏ mặc phòng bị. Bấy giờ Hàn Tín đem quân sang đông, còn chưa đến đất Tề thì đã nghe tin Lịch Sinh đã dụ hàng được Tề vương rồi nên muốn dừng quân lại. Thế nhưng mưu sĩ Khoái Triệt lại khuyên Hàn Tín cứ đánh, không để công trạng bình định nước Tề rơi vào tay Lịch Sinh. Hàn Tín xuôi tai, cho là phải nên dẫn quân vượt Hoàng Hà. Do nước Tề không phòng bị nên Hàn Tín nhân đó đánh úp quân Tề ở Lịch Hạ và kéo thẳng đến kinh thành Lâm Tri. Tề vương Điền Quảng tưởng là mình bị lừa nên nấu Lịch Sinh trong vạc dầu rồi trốn đến đất Cao Mật, sai sứ đến nước Sở để cầu cứu. Sau khi đã bình định Lâm Tri, Hàn Tín đem quân đuổi theo Tề vương Quảng. Hạng Vũ sai Long Thư đem quân đến cứu Tề; hợp binh với Tề vương để đánh quân Hán.
Long Thư không nghe theo lời khuyên nên án binh đi kêu gọi dân Tề phản Hán ở các thành mà nóng vội bày trận hai bên sông Tuy để đối đầu. Hàn Tín đang đêm sai người làm hơn một vạn bao đổ đầy cát chặn lấy thượng lưu dòng sông. Sau đó Hàn Tín đem quân qua nửa chừng đánh Long Thư, giả vờ thua, quay lưng bỏ chạy về. Long Thư mắc mưu đuổi theo qua sông. Hàn Tín cho người phá các bao đựng cát, nước sông chảy ào ào, đại quân của Long Thư quá nửa không qua được. Long Thư và số quân bên này ít ỏi bị cô lập, quân Hán liền xốc tới đánh gấp, Long Thư bị Quán Anh giết chết. Quân Sở bên kia sông thấy thế liền bỏ chạy toán loạn. Tề vương Quảng cũng tìm cách chạy trốn. Hàn Tín liền mang quân đuổi theo đến đất Thành Dương, bắt sống được Tề vương Quảng. Hàn Tín bình định xong đất Tề rồi, bèn đưa thư đến với Lưu Bang xin được làm Giả vương ở Tề để coi việc. Lưu Bang được thư ban đầu rất giận, định không cho; nhưng cả Trương Lương và Trần Bình đều khuyên ông nên lập Hàn Tín làm Tề vương để lấy lòng. Lưu Bang nghe theo, phái Trương Lương đem ấn tín đến Lâm Tri bái Hàn Tín làm Tề vương.
Lúc bấy giờ Bành Việt cầm quân ở đất Lương, qua lại quấy rối hậu phương của Hạng Vũ, cắt đứt đường lương thực của quân Sở. Năm 203 TCN, Hạng Vũ giao cho Tào Cữu, Tư Mã Hân và Đổng Ế giữ Thành Cao, dặn chỉ cần cố thủ trong 15 ngày không giao chiến với quân Hán để mình đi đánh Bành Việt. Hạng Vũ lên đường đánh các thành Trần Lưu, Ngoại Hoàng đều lấy được. Quân Hán vây Thành Cao mấy lần khiêu khích mắng chửi nhưng quân Sở nhất quyết không ra đánh. Cứ như thế năm sáu ngày liền thì Tào Cữu nổi giận, đem quân vượt sông Tự, giữa chừng bị quân Hán đánh úp nên đại bại. Tào Cữu, Tư Mã Hân và Đổng Ế đều tự sát.
Hạng Vũ đánh Lương đến Tuy Dương, nghe tin quân Tào Cữu bị thua, bèn đem quân trở về, giải vây được cho tướng Chung Ly Muội ở phía đông Huỳnh Dương. Nghe tin Hàn Tín đánh tan viện binh của Long Thư cứu Tề, Hạng Vũ lo lắng sai người đến dụ Hàn Tín phản Hán nhưng không thành. Khoái Triệt nhân đấy cũng khuyên Hàn Tín phản Hán mà tự lập, chia ba thiên hạ với Lưu Bang và Hạng Vũ; nhưng Hàn Tín do dự, không nỡ phản Lưu Bang nên cuối cùng không nghe theo.
Lưu Bang và Hạng Vũ tiếp tục cầm cự chưa phân thắng bại. Hạng Vũ bấy giờ đang giữ cha Lưu Bang là Thái Công làm con tin, liền đặt ông lên thớt dọa giết và nấu chín. Lưu Bang tỏ ý không sợ, còn cười bảo rằng mình và Hạng Vũ từng kết nghĩa anh em nên Thái Công cũng tính là cha Hạng Vũ; nếu nhất quyết nấu chín thì sau hãy chia cho ông một bát. Hạng Vũ giận lắm, muốn giết Thái Công, Hạng Bá phải khuyên can mới thôi. Hạng Vũ lại muốn cùng Lưu Bang giao chiến để kết thúc chiến tranh, nhưng bị từ chối. Lưu Bang nhân đấy lại kể 10 tội lớn của Hạng Vũ với thiên hạ. Hạng Vũ giận lắm, cho người ngầm bắn tên trúng Lưu Bang. Ông bị bắn trúng ở ngực, nhưng lại làm ra vẻ như chỉ bị thương ở ngón chân để yên lòng quân. Vết thương nặng khiến Lưu Bang đổ bệnh liệt giường; nhưng Lưu Bang vẫn cố gượng dậy đi tuần để quân sĩ không lo lắng. Bệnh tình vì thế càng nặng thêm, nên ông rời vào Thành Cao dưỡng bệnh. Khi khỏi bệnh lại trở về trong quân, đóng ở Quảng Vũ. Binh sĩ ở Quan Trung lại ra theo rất đông.
Bành Việt thì vẫn liên tục cho quân quấy phá đất Sở, cắt đường vận lương của Hạng Vũ. Quân Sở mấy lần tiến đánh thì lại bị quân của Tề vương Hàn Tín thừa cơ đến đánh. Hạng Vũ không thể một mình chống lại ba phía, đành cùng Lưu Bang giao ước chia khoảng giữa thiên hạ, cắt đất từ Hồng Câu về phía tây là của Hán; từ Hồng Câu về phía đông là của Sở. Hạng Vũ nhân đấy cũng đem cha và vợ Lưu Bang trả lại cho ông rồi hai bên cùng bãi binh. Lưu Bang cũng định dẫn quân về tây, nhưng cả Trương Lương lẫn Trần Bình đều khuyên ông nên lợi dụng thời cơ mà đánh tiếp để diệt hẳn nước Sở. Lưu Bang nghe theo, bèn bội ước mà tiến quân đuổi Hạng Vũ đến phía nam thành Dương Hạ. Ông hẹn với Tề vương Hàn Tín và Bành Việt cùng hội kiến để đánh Sở; nhưng khi quân của Lưu Bang đã đến Cố Lăng rồi thì quân hai người kia vẫn chưa tới. Quân Sở đánh quân Hán thua to; Lưu Bang phải vào trong lũy, đào hào sâu mà cố thủ. Ông nghe theo lời của Trương Lương mà hứa phong thưởng đất đai cho Hàn Tín và Bành Việt nên hai người mới chịu dẫn quân tới. Trong khi đó tướng Hán là Lưu Giả vào đất Sở vây đất Thọ Xuân. Hán vương sai sứ giả triệu tướng Sở mới hàng là Chu Ân, điều động quân ở Cửu Giang đi theo quân Lưu Giả. Anh Bố cũng đem quân làm cỏ Thành Phủ rồi cùng các chư hầu khác kéo quân về hội với Lưu Bang tại Cai Hạ; sau đó Anh Bố được lập làm Hoài Nam vương.
Trận Cai Hạ
Trận Cai Hạ
Cuối năm 203 TCN, Hán và Sở đại chiến một trận quyết định ở Cai Hạ. Hàn Tín nắm toàn quyền chỉ huy, cầm 30 vạn quân, trong khi Hạng Vũ có khoảng 10 vạn. Ban đầu hai bên giằng co, quân Sở dũng mãnh nên Hàn Tín buộc phải lui; nhưng sau các cánh quân Hán tới trợ chiến, số lượng quá đông nên quân Sở không đánh lại được. Hàn Tín thừa thế cho toàn quân tiến đánh, quân Sở đại bại phải rút vào thành. Hạng Vũ cố thủ bên trong, nhưng chỉ còn ít quân mà lương lại sắp hết. Quân Hán và quân chư hầu vây kín thành. Ban đêm, Hạng Vũ nghe thấy bốn bề quân Hán đều ca hát bằng giọng Sở nên hoảng sợ, tưởng Hán đã lấy được hết đất Sở nên phá vây bỏ chạy. Đi theo Hạng Vũ bấy giờ chỉ còn 800 kỵ binh; Lưu Bang phát giác bèn cho Quán Anh đem 5000 kỵ binh truy đuổi. Dần dần khi đến sông Hoài, xung quanh Hạng Vũ chỉ còn độ trăm người. Khi đến Đông Thành thì chỉ còn lại 28 kỵ binh; Hạng Vũ cố sức chạy đến Ô Giang thì cùng đường. Bấy giờ có người đình trưởng dừng thuyền đợi, khuyên Hạng Vũ vượt sông về Giang Đông; nơi ấy đất tuy nhỏ nhưng đủ làm vương. Hạng Vũ đã tuyệt vọng, không muốn nghe theo, bèn bảo rằng:
Trời diệt ta, ta vượt sông làm gì! Vả lại Tịch này cùng tám nghìn con em đất Giang Đông vượt sông Giang sang tây, nay không có lấy một người trở về! Ví thử các bậc cha anh ở Giang Đông thương mà cho ta làm vương, ta còn mặt mũi nào gặp họ. Dẫu họ không nói, Tịch này há chẳng thẹn với lòng mình sao?
Nói xong bèn tặng con ngựa mình cưỡi cho người đình trưởng, rồi rút binh khí quyết định tử chiến với quân Hán. Chống đỡ một hồi, Hạng Vũ cũng bị hơn mười vết thương, sức cùng lực kiệt bèn quyết định tự vẫn. Đất Sở đều thuộc Hán cả, duy có mỗi đất Lỗ không chịu hàng, muốn tử tiết cùng Tây Sở bá vương, do Hạng Vũ ngày trước được phong làm Lỗ Công. Phải đến khi Lưu Bang đem đầu Hạng Vũ đến, dân đất Lỗ mới chịu hàng. Sau đó ông cho dùng lễ Lỗ Công mà an táng Hạng Vũ ở Cốc Thành. Xong xuôi rồi, Lưu Bang vội về Định Đào, thu lấy binh quyền của Hàn Tín.
Tháng giêng năm 202 TCN, chư hầu và các quan văn võ đều cùng nhau xin tôn Lưu Bang làm Hoàng đế. Ông nhún nhường từ chối 3 lần, cuối cùng chấp thuận, tức vị Hoàng đế ở phía bắc sông Phiếm. Triều Hán chính thức được thành lập, Trung Nguyên một lần nữa thống nhất sau gần 8 năm chiến loạn không ngừng.
Hạng Vũ tự vẫn, chiến tranh Hán - Sở kết thúc
Hạng Vũ tự vẫn, chiến tranh Hán - Sở kết thúc

Hoàng đế nhà Hán

Đầu năm 202 TCN, Lưu Bang chính thức lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà Hán; định đô ở Lạc Dương. Sau khi luận công ban thưởng, Lưu Bang liền cải phong các vương chư hầu. Ông đổi Tề vương Hàn Tín làm Sở vương; lập Kiến Thành hầu Bành Việt làm Lương vương; đổi Hành Sơn vương Ngô Nhuế làm Trường Sa vương; các vương khác như Hàn vương Hàn Tín, Hoài Nam vương Anh Bố, Yên vương Tang Đồ hay Triệu vương Trương Ngao đều giữ nguyên.
Vốn ban đầu Lưu Bang muốn đóng đô lâu dài ở Lạc Dương, tức là kinh đô cũ của nhà Đông Chu khi trước. Quan lại trong triều hầu hết là người Sơn Đông cũng ủng hộ để gần quê hương. Tuy nhiên có người nước Tề tên Lâu Kính khuyên Lưu Bang nên đóng đô ở Quan Trung. Theo ý của ông, đất cũ của nước Tần vừa giàu có lại vừa hiểm trở chắc chắn, bốn bề có quan ải che vững, gặp lúc nguy cấp có thể thủ vững mà triệu tập quân đội ngay được. Hơn nữa nếu định đô Quan Trung thì giả như đất Sơn Đông có loạn thì vẫn có thể bảo toàn đất cũ của Tần, rồi từ đó xuất binh đánh dẹp. Trương Lương cũng khuyên Lưu Bang nghe theo, nên ông quyết định quay về Quan Trung, định đô ở Trường An và cho xây cung thất. Đến năm 200 TCN thì chính thức dời về đấy.
Ngay sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lưu Bang đã bắt đầu việc tái tập trung quyền lực về trung ương giống nhà Tần. Ông dần thay thế những tướng cũ, phong đất cho họ và gia đình, đồng thời giảm bớt quân đội và cho phép binh sĩ trở về nhà. Ông ra lệnh cho những vương chư hầu rằng những người ở lại Quan Trung sẽ được miễn thuế và sưu dịch trong 12 năm, trong khi những người trở về quê hương của mình sẽ được miễn trong 6 năm và nhà nước cung cấp cho họ trong một năm. Bởi vì nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh sau sự sụp đổ nhà Tần, ông cho giảm thuế và giảm bắt dân đi phu, phát triển nông nghiệp, hạn chế chi tiêu và trả tự do cho những kẻ đã bán mình làm nô lệ để tránh nạn đói trong chiến tranh. Đến năm 195 TCN, tức là chỉ ít lâu trước khi qua đời, Lưu Bang vẫn cho ban hành hai chiếu chỉ. Một là hạ thấp thuế và sưu dịch, hai là thay đổi lượng cống phẩm của chư hầu cho triều đình hàng năm.
Đối với vấn đề các vương chư hầu, Lưu Bang cũng rất để ý và muốn triệt bớt quyền lực và đất đai của họ. Việc diệt Sở phần lớn nhờ công lao các vương chư hầu, cho nên khi lập triều Hán, Lưu Bang đã phong thưởng rất hậu hĩnh cho họ, dẫn đến việc thực tế triều đình chỉ kiểm soát non nửa đất đai mà thôi. Trong suốt những năm ở ngôi, triệt chư hầu là một trong những việc tốn nhiều thời gian và công sức nhất của Lưu Bang. Và mỗi khi xử lý xong một vương chư hầu nào thì Lưu Bang cũng đều phong cho một người con hoặc họ hàng làm vương thay thế. Bằng cách đó, ông có thể giảm thiểu được việc quyền lực nằm trong tay người ngoài và không còn quá lo việc các chư hầu mưu phản.
Lãnh thổ nhà Hán và các nước chư hầu năm 195 TCN
Lãnh thổ nhà Hán và các nước chư hầu năm 195 TCN
Tháng 7 năm 202 TCN, Yên vương Tang Đồ làm phản, Lưu Bang đích thân đem quân đi đánh bại được; bắt Tang Đồ giải về. Lưu Bang bèn phong Lư Oản làm Yên vương thay thế. Đến năm 201 TCN, có kẻ dâng thư tố cáo Sở vương Hàn Tín làm phản; chư tướng đều khuyên Lưu Bang nên phát binh đánh dẹp. Tuy nhiên Trần Bình không cho là đúng, bởi lẽ tinh binh đất Sở hơn quân Hán nhiều lắm, mà chư tướng của Lưu Bang không ai có thể là địch thủ với Hàn Tín được. Thay vì phát binh rồi ép Hàn Tín vào chỗ mưu phản thật, Trần Bình khuyên Lưu Bang nên phao tin mình sẽ ra chơi ở đầm Vân Mộng ở đất Trần gần địa giới của Sở. Hàn Tín vội ra đón rước, liền bị Lưu Bang bắt giữ mang về Lạc Dương, giáng làm Hoài Âm hầu. Sau đó ông chia đất Sở thành hai nước và phong cho anh họ Lưu Giả làm Kinh vương, lại phong cho em mình là Lưu Giao làm Sở vương. Đến năm 196 TCN, khi Trần Hy làm phản và Lưu Bang đem quân đi đánh dẹp; Hàn Tín cũng bị nghi ngờ thông đồng làm phản nên Lã Hậu lừa ông vào cung rồi đem giết chết, tru di tam tộc.
Cùng năm ấy, Lưu Bang dời Hàn vương Tín sang vùng Thái Nguyên xa xôi ở phía bắc, đóng đô ở Mã Ấp, tiếp giáp với Hung Nô. Cùng năm, vua Hung Nô là Mặc Đốn mang quân vây đánh Mã Ấp. Hàn vương Tín không chống nổi, nhiều lần phải cầu hoà. Lưu Bang nghe tin Hàn vương Tín nhiều lần cầu hoà với Hung Nô nên nghi Tín làm phản, sai sứ đến khiển trách. Hàn vương Tín lo sợ, bèn quay sang đầu hàng Hung Nô và cùng Hung Nô đánh Hán. Năm 197 TCN, ông sai Vương Hoàng đi thuyết phục Trần Hy làm phản nhà Hán. Về sau tướng Hán là Sài Vũ đánh bại và giết được Hàn vương Tín.
Về nước Triệu, thì Triệu vương Trương Ngao vốn là con rể Lưu Bang (ông lấy Lỗ Nguyên Công chúa, con của Lưu Bang với Lã Hậu). Do Lưu Bang có hành động ngạo mạn với Triệu vương trong lần đến nước Triệu năm 199 TCN, các thủ hạ của Trương Ngao có ý định giết Lưu Bang để trả thù. Năm 198 TCN, ý đồ ám sát lộ ra, các thủ hạ nhận tội, nhất định nói Trương Ngao không biết việc ám sát. Tuy nhiên Trương Ngao vẫn bị giáng làm Tuyên Bình hầu.
Năm 197 TCN, Trần Hy làm phản ở đất Đại, tự xưng vương rồi đánh cướp các vùng đất ở Đại và Triệu; nhưng không giữ thành Hàm Đan làm căn cứ. Mùa đông năm 196 TCN, tướng của Trần Hy là Hầu Sưởng, Vương Hoàngbị quân Hán chém chết dưới thành Khúc Nghịch; Trương Xuân bại trận ở Liêu Thành, mất hơn vạn người. Thái Nguyên, Đại Quận bị Chu Bột chiếm lại, Đông Viên bị Lưu Bang đích thân đánh hạ. Trước đó, Lưu Bang đem ngàn vàng dụ dỗ thủ hạ của bọn Vương Hoàng, Mạn Khâu Thần, lực lượng này không hết lòng chiến đấu, đều bó tay chịu trói, khiến cho Trần Hy hoàn toàn thất bại. Đến năm 195 TCN, Phàn Khoái đem một đạo quân bình định đất Đại, chém chết được Trần Hy.
Lúc Trần Hy mới làm phản, Lưu Bang có triệu tập Lương vương Bành Việt đến hội quân để đánh Trần Hy, nhưng Bành Việt lại ốm nên chỉ cử thuộc hạ đi thay. Lưu Bang giận nên sai sứ đến trách Bành Việt; ông lo sợ nên muốn đến tạ tội. Tướng của Lương vương là Hỗ Triếp bèn khuyên chẳng thà làm phản nhưng Bành Việt nhất định không nghe. Có người đem chuyện ấy tố cáo Bành Việt làm phản nên Lưu Bang cho sứ giả đến bắt ông đem về Lạc Dương. Lưu Bang nghĩ Bành Việt có công lao nên không giết mà chỉ đày vào huyện Thanh Y đất Thục. Đi nửa đường đến đất Trịnh, Bành Việt gặp Lã Hậu từ Trường An ra Lạc Dương, bèn đến xin nhờ Lã hậu xin với Lưu Bang tha tội. Lã Hậu nhận lời, nhưng khi trở về Lạc Dương lại khuyên Lưu Bang giết Bành Việt để trừ hậu họa. Lưu Bang nghe theo, cuối cùng tru di tam tộc Bành Việt, chém bêu đầu ông ở Lạc Dương.
Sau khi giết Lương vương Bành Việt, Lưu Bang sai người lấy thịt ông làm mắm gửi cho chư hầu để răn đe. Hoài Nam vương Anh Bố nhận được, sợ mình chịu chung số phận nên khởi binh phản Hán. Anh Bố giết chết Kinh vương Lưu Giả và đánh tan Sở vương Lưu Giao, nhưng sau đó bại trận khi Lưu Bang đích thân cầm quân đánh dẹp. Anh Bố chạy trốn đến Giang Nam. Ông vốn là con rể của Trường Sa vương Ngô Nhuế nên con Ngô Nhuế bấy giờ là Trường Sa Thành vương Ngô Thần sai người giả vờ cùng chạy trốn với Anh Bố và dụ ông chạy vào đất Việt. Anh Bố tin theo, chạy vào Phiên Dương rồi bị người ở đấy giết.
Cùng trong năm 195 TCN, sau khi Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố, Trần Hy đều bị giết, đến lượt Yên vương Lư Oản bị nghi ngờ mưu phản. Lưu Bang bèn sai Phàn Khoái đem quân đánh Yên; Lư Oản tự biết không chống nổi nên đem gia quyến cùng vài nghìn người chạy ra thảo nguyên. Ít lâu sau Lưu Bang băng hà, Lư Oản biết không thể phân trần được nữa, bèn sang hàng Hung Nô.
Cho đến lúc này, hầu hết vương các nước chư hầu đều đã được thay thế bằng con cái hoặc họ hàng của Lưu Bang; chỉ trừ nước Trường Sa vẫn có vương khác họ Lưu. Lý do là bởi nước này xa xôi nghèo khó, mà cả Trường Sa vương Ngô Nhuế khi trước và Trường Sa Thành vương Ngô Thần đều trung thành, có công nên Lưu Bang vẫn cho phép họ làm vương. Tuy việc triệt phiên trấn chư hầu vẫn chưa thể gọi là thành công, nhưng ít ra Lưu Bang đã thành công trong việc đưa hầu hết đất đai về quyền quản lý của họ Lưu.
Trong mấy năm Lưu Bang ở ngôi, ngoài việc đối phó với các vương chư hầu, nhà Hán còn phải đối mặt với sự uy hiếp của Hung Nô ở phía bắc. Năm 201 TCN, Hung Nô tấn công nhà Hán dẫn đến việc Hàn vương Tín đầu hàng. Năm 200 TCN, Lưu Bang không nghe lời khuyên mà đích thân đem binh đi đánh dẹp Hung Nô, dẫn đến thất bại và bị vây hãm ở Bạch Đăng. Sau nhờ Trần Bình dùng mưu mà Hung Nô mới rút quân. Sau thất bại đó, Lưu Bang từ bỏ việc dùng quân sự để giải quyết vấn đề Hung Nô. Ông quyết định nhân nhượng họ bằng cách gả con gái các gia đình quý tộc và cung cấp cống phẩm hàng năm cho các tù trưởng Hung Nô để đổi lấy hòa bình giữa hai bên. Chính sách này đã kéo dài liên tục trong 70 năm, mãi cho đến thời kỳ của Hán Vũ đế thì nhà Hán mới một lần nữa động binh quy mô lớn để tiễu trừ mối nguy này.

Cuối đời và nhận định

Năm 195 TCN, khi đi đánh Hoài Nam vương Anh Bố làm phản, Lưu Bang trúng tên bị thương và trên đường về thì đổ bệnh. Bệnh tình ngày càng nặng khiến sức khỏe ông suy yếu và Lã Hậu cho mời nhiều thầy thuốc giỏi tới để chữa trị. Tuy nhiên Lưu Bang không cho chữa vì không tin có thể chữa khỏi được. Việc ấy khiến Lưu Bang ngày càng yếu và nhiều lúc mê man không biết gì. Lã Hậu có lần nhân lúc ông tỉnh táo mới hỏi chuyện triều chính về sau. Bà hỏi rằng: “Sau khi Bệ hạ trăm tuổi, nếu Tiêu Tướng quốc chết đi thì sai ai thay thế?”. Lưu Bang đáp rằng: “Tào Tham thay được.” Lại hỏi người sau đấy nữa thì ông trả lời rằng: “Vương Lăng thay được. Nhưng Lăng tính hơi vụng, Trần Bình có thể phụ giúp. Trần Bình mưu trí có thừa, nhưng khó một mình đảm đương trách nhiệm. Chu Bột thận trọng, đôn hậu mà hơi kém văn hoa, nhưng người giữ yên họ Lưu tất là Bột vậy, có thể cho làm Thái úy.” Lã Hậu lại hỏi tiếp đến ai thì Lưu Bang đáp rằng: “Chuyện sau đấy chẳng phải điều mà bà có thể biết được nữa rồi.”
Thế rồi vào tháng 6 năm 195 TCN, Hán Hoàng đế Lưu Bang băng hà tại cung Trường Lạc, thọ 63 tuổi. Ông được truy tôn miếu hiệu là Thái tổ, thụy hiệu Cao Hoàng đế. Thái tử Lưu Doanh là con của ông với Lã Hậu kế vị. Trước đấy Lưu Bang vốn không thích Lưu Doanh vì cho rằng Lưu Doanh yếu đuối và nhu nhược. Ông từng có ý định lập con của người thiếp yêu là Thích phu nhân là Lưu Như Ý làm Thái tử, nhưng bị quần thần phản đối nên lại thôi. Nhờ thế mà Lưu Doanh mới được kế vị, nhưng hầu như không có quyền lực gì, bởi người thực sự nắm quyền trong giai đoạn sau đó là Lã Hậu.
Lưu Bang vốn xuất thân không phải quý tộc, gia cảnh tuy tương đối khá giả nhưng so với thế tộc thời ấy thì không thấm vào đâu. Thế nhưng đến cuối cùng ông lại là người chiến thắng mọi địch thủ để bước lên ngôi vị Hoàng đế, khai sáng triều đại có ảnh hưởng lớn bậc nhất tới lịch sử Trung Quốc - nhà Hán. Lưu Bang không phải một vị tướng tài, bằng chứng là ông đánh trận thua nhiều hơn thắng. Lưu Bang cũng không phải người uy dũng như đối thủ Hạng Vũ và cố nhiên cũng không phải người tinh tế khéo ăn nói. Tuy nhiên điều khiến Lưu Bang gây dựng được cơ nghiệp to lớn như thế, chính bởi ông là một nhà chính trị xuất sắc, nếu không muốn nói là thiên tài. Ông không được học hành quá nhiều, cũng chẳng có tài cán gì, nhưng ưu điểm là bản thân Lưu Bang tự biết rõ điều ấy và sẵn sàng lắng nghe lời khuyên của những người khác, và nếu hợp lý là làm theo ngay. Ngay chính những thuộc hạ của ông như Hàn Tín cũng phải khâm phục và bảo rằng ông không giỏi cầm quân nhưng giỏi dùng người; nhờ thế nên mới lấy được thiên hạ, và kỳ công ấy thì ngoài Lưu Bang ra chắc không ai làm được.
Lưu Bang ở ngôi được độ 6-7 năm và thực ra cũng chưa làm được gì quá nhiều về mọi mặt. Phần lớn thời gian ông dùng để củng cố nền móng của chính quyền nhà Hán và đánh dẹp những chư hầu làm phản, còn lại mọi việc khác chỉ làm được ở mức đại khái qua loa mà thôi. Nhưng so với sự khắc nghiệt của nhà Tần trước đó và mấy năm chiến tranh loạn lạc thì có thể nói giai đoạn cai trị của ông tương đối ổn định.
Một vấn đề nữa về Lưu Bang chính là việc trừ khử công thần, chính xác hơn là các công thần được phong vương. Chúng ta thấy rằng các trường hợp của họ thì ngoại trừ Yên vương Tạng Đồ làm phản trước rồi mới bị đánh dẹp; thì hầu hết hoặc là bị oan, hoặc bị bức bách đến chỗ phải làm phản. Trường hợp điển hình là Hàn Tín - một trong Hán sơ Tam Kiệt, người góp công lớn nhất trong việc đánh dẹp các nơi, đem về thiên hạ cho Lưu Bang. Tư Mã Quang khi biên soạn Tư trị thông giám đã bình về Hàn Tín rằng thực chất có thể ông không có ý định mưu phản, mà chỉ vì uất ức do bị giáng từ Tề vương xuống Hoài Âm hầu mà thôi. Khi xưa Hàn Tín nắm binh quyền thì nếu muốn phản hẳn đã nghe theo Khoái Triệt rồi, cho nên đến giờ lúc không còn quyền binh gì mà muốn phản thì quá nực cười. Tuy nhiên Hàn Tín, cũng như các vương chư hầu như Bành Việt và Anh Bố, cái số của họ là buộc phải bị trừ khử do nắm quá nhiều sức mạnh. Hiện giờ Lưu Bang còn có thể kìm hãm họ, nhưng biết đâu về sau họ lại chẳng nổi lòng tham? Vậy thì diệt trừ là cách an toàn nhất. Việc làm của Lưu Bang và Lã Hậu tuy nhẫn tâm, nhưng trong chính trị thì đó là điều cần thiết. Vả chăng, họ cũng chỉ hướng mũi dùi đến những vương chư hầu nắm quá nhiều quyền lực mà thôi; còn hầu hết các tướng lĩnh quan lại khác đều vẫn được trọng dụng và toàn mạng. Việc diệt trừ công thần là điều buộc phải làm nếu muốn duy trì quyền lực trung ương. Các Hoàng đế khai quốc đời sau như Hán Quang Vũ đế hay Tống Thái tổ dù không thẳng tay diệt trừ công thần như nhiều người khác, thì cũng đều tìm cách thu bớt quyền lực của họ. Đấy là xu hướng tất yếu của chế độ quân chủ chuyên chế.

Kết

So với những thế lực nổi lên ở thời Tần mạt, dường như Lưu Bang là người yếu kém nhất về mọi mặt. Thế nhưng đến cuối cùng, gã lưu manh thô lỗ huyện Bái ấy lại là người chiến thắng sau cùng, góp phần lật đổ nhà Tần, một lần nữa thống nhất Trung Nguyên và sáng lập nhà Hán - triều đại quân chủ chuyên chế kéo dài nhất lịch sử Trung Quốc. Lưu Bang là một thiên tài chính trị, đó là điều ai cũng phải công nhận; và cách ông dùng người cũng được đánh giá cao và là tấm gương để nhiều nhân vật sau này trong lịch sử Trung Quốc học tập. Với việc thành lập nhà Hán và chấm dứt cục diện hỗn loạn thời Tần mạt, có thể nói công lao của Lưu Bang là rất lớn. Dân chúng đã có thể an cư lạc nghiệp và Trung Hoa không còn phải lâm vào cảnh chiến tranh loạn lạc, chết chóc khắp nơi kéo dài suốt hàng trăm năm trước đó. Chính trị yên ổn đã giúp nền kinh tế, văn hóa Trung Quốc thời nhà Hán phát triển mạnh, lãnh thổ và tầm ảnh hưởng cũng được mở rộng hơn hẳn so với thời nhà Tần. Dù nhà Hán đã biến mất từ lâu, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn đến tận mãi sau này, đủ thấy được những việc mà Lưu Bang làm có tầm vóc lớn ra sao.