Bạn không thể nào bắt tay với một nắm đấm được
Cố Thủ tướng Ấn Độ - Indira Gandhi (1917-1984), thủ tướng thứ 3 của Ấn Độ. Ảnh: Getty Images.
Cố Thủ tướng Ấn Độ - Indira Gandhi (1917-1984), thủ tướng thứ 3 của Ấn Độ. Ảnh: Getty Images.

XUẤT THÂN TỪ DÒNG DÕI CHÍNH TRỊ

Indira Gandhi, tên đầy đủ là Indira Priyadarshini Gandhi (19/11/1917 - 31/10/1984). Bà là nữ thủ tướng đầu tiên và duy nhất của Ấn Độ tính đến thời điểm hiện tại, phục vụ 3 nhiệm kỳ liên tiếp (từ 1966 đến 1977) và nhiệm kỳ thứ 4 từ năm 1980 đến khi mất vào năm 1984.
Indira Gandhi sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm chính trị đáng nể. Ông nội của bà là Motilah Nehru, một trong những người tiên phong cho phong trào độc lập của Ấn Độ, tư liệu ghi rằng ông có sự gần gũi với cha già dân tộc Mahatma Gandhi.
Bà Indira Gandhi lúc thiếu thời và Mahatma Gandhi. Ảnh: Getty Images.
Bà Indira Gandhi lúc thiếu thời và Mahatma Gandhi. Ảnh: Getty Images.
Cha của bà là Jawaharlal Nehru, thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ độc lập từ 1947 đến 1964. Ông Nehru là nhân vật có vai trò quan trọng trong việc đàm phán để giành lại độc lập cho Ấn Độ khỏi tay người Anh. Ngoài ra, ông là một thành viên kỳ cựu của đảng phái được xem là mạnh mẽ và trường kỳ nhất của nền chính trị Ấn Độ - Đảng Quốc Đại (Indian National Congress). Song chính quyền của cha bà cũng gắn liền với ký ức đau thương của những người anh em trên mảnh đất này: Pakistan được tách ra khỏi Ấn Độ, trở thành một quốc gia riêng.
Khi Thế chiến II nổ ra, Anh hứa sẽ trao trả độc lập cho Ấn Độ, đổi lại, lính Ấn Độ sẽ phải tham chiến. Sau khi chiến tranh kết thúc, Anh là nước chịu thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế, vì vậy, việc duy trì thuộc địa Ấn Độ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Họ úp mở kế hoạch rút khỏi Ấn Độ. Trước thềm độc lập, ông Muhammad Ali Jinnah và chính quyền Nehru bất đồng quan điểm về việc tách một quốc gia riêng cho người Hồi giáo, vốn là đề xuất của ông Jinnah. Giữa người Hồi giáo và các cộng đồng tôn giáo chiếm đa số tại Ấn Độ đã tồn tại sự sợ hãi và lòng tin đã dần xói mòn sau nhiều thập kỷ mâu thuẫn âm ỉ. Vì vậy, ước mơ của người Hồi giáo về một quốc gia cho riêng họ càng trở nên hấp dẫn hơn. Nhiều cuộc đình công của người Hồi giáo nổ ra trên khắp cả nước, các phần tử cực đoan xuất hiện và máu đã chảy thành sông. Chính vì vậy, người Anh đã dời kế hoạch trao trả độc lập cho Ấn Độ sớm hơn so với dự kiến, từ 15/8/1947 thay vì 6/1948. Điều này dẫn đến một kế hoạch chia cắt nhanh chóng: với các tỉnh có người Hồi giáo chiếm đa số sẽ thuộc về Pakistan, các tỉnh có nhiều người Hindu và Sikh thuộc về Ấn Độ. Kéo theo một kế hoạch di tản vội vàng khác, dẫn đến một thảm họa di cư tàn khốc nhất trong lịch sử. Người Hồi giáo chạy sang Pakistan, còn người Hindu và Sikh đi theo hướng ngược lại về Ấn Độ. Cuộc di tản gây hàng triệu người chết do cướp bóc, bạo lực, bệnh tật và đói khát. Những năm sau đó, ba cuộc chiến tranh nổ ra giữa Ấn Độ và Pakistan. Cho đến nay, họng súng giữa các bên vẫn trong tư thế sẵn sàng.
Dưới thời cai trị của người Anh, một trong những biểu hiện của phong trào phản kháng chính quyền đó là bài ngoại, tức nói không với hàng hóa xuất xứ từ Anh. Tài liệu ghi rằng bà Gandhi lúc 5 tuổi đã đốt bỏ đi những con búp bê của mình có xuất từ Anh. Đến năm 12 tuổi, bà là nhà sáng lập cho phong trào Vanar Sena với hơn 60.000 thanh thiếu niên tham gia. Bà tổ chức các cuộc phản kháng, diễu hành và hỗ trợ Đảng Quốc Đại phổ biến các ấn phẩm và tài liệu bị cấm.
Dòng dõi Nehru đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị Ấn Độ.
 Ảnh: India Today.
Dòng dõi Nehru đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị Ấn Độ. Ảnh: India Today.
Xuất thân từ dòng dõi Nehru là nền tảng vững chắc cho bà Gandhi tiến sâu hơn vào nền chính trị nước nhà. Người phụ nữ khoác lên bộ Saree và từng bước tiến vào vũ đài chính trị, mạnh mẽ và hiên ngang.

TỪNG BƯỚC VƯƠN TỚI QUYỀN LỰC

Năm 1938, bà tham gia vào Đảng Quốc Đại, đến năm 1942 bà kết hôn cùng ông Feroze Gandhi (mất 1960), cái tên Gandhi của bà cũng có từ đó. Họ có với hai người con trai là Rajiv Gandhi và Sanjay Gandhi, sau này ông và bà ly hôn.
Dòng dõi Gandhi: Bà Gandhi (giữa). Từ trái sang phải: hai người con trai Rajiv và Sanjay,
 hai con dâu Sonia và Maneka và hai cháu trai. Ảnh: India Today.
Dòng dõi Gandhi: Bà Gandhi (giữa). Từ trái sang phải: hai người con trai Rajiv và Sanjay, hai con dâu Sonia và Maneka và hai cháu trai. Ảnh: India Today.
Sau khi người mẹ mất năm 1936, bà Gandhi trở thành trợ lý thân cận của cha trong các công việc chính trị và thay thế vị trí của mẹ trong các chuyến thăm cấp cao cùng cha ở nước ngoài. Những năm tháng đó là cơ hội quý báu để nữ chính trị gia trẻ tuổi học hỏi và trau dồi thêm từ người cha đáng kính.
Cha tôi là một chính khách, tôi là nữ chính trị gia. Ông là một người lỗi lạc, tôi thì không
Ông Nehru và con gái - bà Indira Gandhi. Ảnh: Henri Cartier-Bresson/Magnum Photos.
Ông Nehru và con gái - bà Indira Gandhi. Ảnh: Henri Cartier-Bresson/Magnum Photos.
Năm 1955, bà Gandhi trở thành thành viên của Ủy ban Công tác và Bầu cử Trung ương của Đảng Quốc Đại và được bầu làm Chủ tịch Đảng năm 1959. Năm 1964 bà trở thành thành viên của Thượng viện Quốc hội (Rajya Sabha), trong cùng năm bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Phát thanh dưới thời chính quyền của Thủ tướng Lal Bahadur Shastri, người kế nhiệm cha bà sau khi ông mất.
Bà Indira Gandhi trong một buổi họp quốc hội năm 1966. Ảnh: Raghu Rai/Magnum Photos.
Bà Indira Gandhi trong một buổi họp quốc hội năm 1966. Ảnh: Raghu Rai/Magnum Photos.
Thủ tướng Shastri mất năm 1966, bà Gandhi lãnh đạo Đảng Quốc Đại, sau đó tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ vào ngày 24/1/1966. Bà Gandhi san sẻ quyền lực cùng ông Moraji Desai - giữ chức Phó Thủ tướng. Ông là thành viên của một đảng phái bảo thủ rất được lòng dân, Đảng Janata.
Những thập kỷ trước, tiếng khóc than của dòng người bị tước đoạt là biểu hiện của độc lập. Nay sẽ phải trở nên tự lực, tự cường...
Bà Gandhi trong chiến dịch vận động tranh cử năm 1971. Ảnh: Getty Images/Rolls Press.
Bà Gandhi trong chiến dịch vận động tranh cử năm 1971. Ảnh: Getty Images/Rolls Press.
Tháng 3/1972, đảng của Gandhi tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Tuy nhiên, một đảng phái thua cuộc trong cuộc bầu cử năm 1971 đã cáo buộc bà vi phạm luật bầu cử. Tháng 6/1975, Tòa án Tối cao Allahabad kết tội bà, tước ghế khỏi Quốc hội và cấm tham gia vào chính trị trong vòng 6 năm. Lật ngược thế cờ, bà Gandhi tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên khắp cả nước, bắt giữ nhiều đối thủ chính trị, tiếp tục nắm giữ quyền lực. Trong giai đoạn cầm quyền này, bà Gandhi gặp nhiều chỉ trích với chính sách triệt sản nhằm kiểm soát tình trạng gia tăng dân số.
Sau nhiều lần trì hoãn, cuộc bầu cử năm 1977 được tổ chức. Lần này Gandhi và đảng của bà nhận thất bại chua chát. Đảng Janata tiếp quản quyền lực, đưa ông Desai quay trở lại làm thủ tướng.
Bà Indira Gandhi tiếp tục tranh cử chức thủ tướng năm 1977. 
Ảnh: Raghu Rai/Magnum Photos.
Bà Indira Gandhi tiếp tục tranh cử chức thủ tướng năm 1977. Ảnh: Raghu Rai/Magnum Photos.
Đầu năm 1978, Gandhi thành lập Đảng quốc Đại (I) - "I" viết tắt cho Indira. Bà tiếp tục giành chiến thắng ở Hạ viện vào tháng 11/1978. Thời điểm này, nội bộ của Đảng Janata xảy ra mâu thuẫn đồng thời dần mất đi lòng dân do nhiều chính sách giải quyết đói nghèo kém hiệu quả. Điều này lại tạo điều kiện để bà Gandhi quay trở lại tiếp tục nắm quyền.
Cuộc bầu cử Hạ viện tiếp theo được tổ chức vào tháng 1/1980, Gandhi và Đảng Quốc Đại (I) giành chiến thắng. Bà đầm thép Gandhi quay trở lại nắm quyền điều hành đất nước.
Để được giải phóng, một người phụ nữ phải được tự do là chính mình, không gói gọn trong sự ganh đua với đàn ông, mà trong khả năng và nhân cách của chính cô ấy.

VŨ KHÍ HẠT NHÂN: TIẾP NỐI DI SẢN CỦA CHA VÀ PHẢN ỨNG TRƯỚC CÁC BỐI CẢNH THẾ GIỚI

Chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ đã được thai nghén dưới thời cha bà, một năm sau khi Ấn Độ tuyên bố độc lập khỏi tay người Anh vào năm 1947. Cha bà từng tuyên bố khoa học hạt nhân vốn được xem là ngành trọng yếu cho sự phát triển của đất nước. Và trong trường hợp bị đe dọa, Ấn Độ sẽ cố gắng tự vệ bằng mọi cách. Quá trình nghiên cứu diễn ra từ năm 1944 và bắt tay vào nghiên cứu chuyên sâu vào năm 1965, ba năm sau chiến tranh Trung - Ấn. Dưới thời của Thủ tướng Gandhi, các nghiên cứu vũ khí hạt nhân đạt được các bước đột phá.
Đâu là nhân tố tác động đến việc Ấn Độ nhanh chóng thúc đẩy việc phát triển vũ khí hạt nhân? Ta cần ngược dòng lịch sử để nhìn lại bối cảnh lúc bấy giờ.
Thế chiến II kết thúc nhưng nó không hẳn là sự chấm dứt của các xung đột và căng thẳng mà là khởi đầu cho Chiến tranh Lạnh giữa hai siêu cường lúc bấy giờ: Mỹ và Liên Xô, với hàng loạt các cuộc chiến tranh ủy nhiệm mang màu sắc ý thức hệ. Ngoài ra, cần đề cập thêm sự xuất hiện của hai nhân tố Trung Quốc và Pakistan, gắn liền với lịch sử xung đột của Ấn Độ. Đầu tiên, bắt đầu với nhân tố Trung Quốc, quốc gia đã thử thành công vũ khí hạt nhân vào năm 1964 và không ít lần xung đột biên giới với Ấn Độ.
Mâu thuẫn biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã nhen nhóm từ năm 1914. Khi Anh, Trung Quốc và Tây Tạng gặp nhau tại Shimla (nay thuộc Ấn) để đàm phán một hiệp ước về vấn đề Tây Tạng và biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ (vẫn còn thuộc Anh). Nỗ lực đàm phán bất thành do Trung Quốc không chấp nhận tính tự trị của Tây Tạng. Khi đó, Anh và Tây Tạng đã ký một hiệp ước thiết lập "đường McMahon" (dựa theo tên quan chức Anh, người đề xuất đường biên giới). Đường McMahon kéo dài gần 900km, chạy qua dãy Himalaya, được xem là đường biên giới pháp lý giữa Ấn Độ và Trung Quốc, dù Trung Quốc không chấp nhận nó.
Căng thẳng giữa hai nước leo thang từ nhưng năm 50, khi mọi nỗ lực đàm phán độc lập cho Tây Tạng và hiệp ước phân định đường biên giới quốc tế rơi vào ngõ cụt. Ấn Độ và đồng minh phương Tây phản đối gay gắt chính sách kiểm soát các con đường quan trọng của Trung Quốc gần biên giới phía Tây ở Tân Cương. Đến năm 1962, chiến tranh giữa hai nước bùng nổ, khi quân đội Trung Quốc vượt qua "đường McMahon". Cuộc chiến kéo dài hơn một tháng, ghi nhận khoảng 1.000 lính Ấn Độ thiệt mạng và 3.000 quân lính bị bắt làm tù binh. Phía Trung Quốc ghi nhận thiệt mạng hơn 800 quân. Tháng 11 cùng năm, Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố ngừng chiến, ông cho vẽ lại một đường biên giới không chính thức gọi là Đường kiểm soát thực tế (Line of Actual Control). Những năm sau đó, căng thẳng giữa hai nước trở nên xấu hơn.
Ấn Độ giành tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến tiếp theo với Trung Quốc vào năm 1967. Quan hệ giữa hai quốc gia năm 1987 cho thấy dấu hiệu xuống thang xung đột và dịu đi, nhưng lại trở nên xấu hơn vào năm 2013 sau khi Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt xây doanh trại gần Daulat Beg Oldi. Năm 2017, Bhutan - một đồng minh của Ấn Độ cũng bị cuốn vào cuộc xung đột sau khi quân đội Trung Quốc xây dựng một con đường ở cao nguyên Doklam, thuộc Bhutan. Năm 2020, cuộc ẩu đả tại biên giới giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ lại tiếp tục diễn ra.
Tuy vậy, trong xung đột biên giới giữa hai nước (kể cả trước đó), giới quan sát chưa thấy bất kỳ học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân nào được các bên đưa ra. Việc phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ có thể xuất phát từ việc Ấn Độ muốn đạt được vị thế ngang hàng với Trung Quốc.
Tiếp theo, bàn về nhân tố Pakistan, cụ thể là chiến tranh Ấn Độ -Pakistan (3/12/1971-16/12/1972).
Năm 1970, chiến thắng cuộc bầu cử Quốc hội Pakistan thuộc về Đảng Awani do Giáo chủ Mujibur Rahman lãnh đạo (đại diện cho người Hồi giáo tại phía đông Pakistan). Thủ tướng đương thời Pakistan khi đó - Zulfikar Ali Bhutto, ngược lại, không công nhận kết quả bầu cử, ông cho quân đội đàn áp người Hồi giáo ủng hộ Giáo chủ Rahman. Đến ngày 25/3/1971, quân đội Pakistan chiếm được thành phố Dhaka (thủ đô Bangladesh ngày nay) bắt Giáo chủ Rahman và tuyên bố giải tán đảng của ông. Điều này tạo ra sự bất bình trong chính quân đội, Đại tá Ziaur Rahman hai ngày sau đó tuyên bố ly khai khỏi quân đội và ủng hộ thành lập Bangladesh, ông được Ấn Độ và cả Liên Xô ủng hộ. Mỹ phản đối điều này, tăng cường viện trợ quân sự cho chính quyền Bhutto đang lăm le ý định tấn công Ấn Độ.
Cuối năm 1971, Thủ tướng Indira Gandhi bày tỏ sự ủng hộ Đông Pakistan trong xung đột đòi ly khai khỏi Pakistan. Trước đó vào ngày 9/8 cùng năm, bà Indira Gandhi đã có chuyến công du lịch sử đến Liên Xô để ký kết các hiệp định hợp tác kinh tế và cả quân sự. Mỹ cho rằng bà Gandhi cố tạo điều kiện cho Liên Xô thông qua Ấn Độ để bành trướng quyền lực ở Nam Á, quyết định bật đèn xanh để Pakistan tấn công Ấn Độ.
Sự xâm lược sẽ phải bị đáp trả. Nhân dân Ấn Độ sẽ đáp trả bằng sự dũng cảm, quyết tâm, kỷ luật và đại đoàn kết
Trích từ lời kêu gọi của Thủ tướng Gandhi vào ngày 3/12/2012, phát thanh trên đài radio quốc gia.
Quân đội Ấn Đội đánh trả quyết liệt Pakistan cả trên bộ, trên không và trên biển dưới sự hậu thuẫn của Liên Xô. Quân đội Ấn Độ giành nhiều chiến thắng quan trọng và phía Pakistan chính thức đầu hàng. Cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan kết thúc cũng đồng nghĩa với cuộc đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô cũng dịu đi tại khu vực này, khi các bên dần cho rút khỏi quân lính.

Chiến tranh Ấn Độ - Pakistan kết thúc, đánh dấu sự ra đời của một nhà nước mới Bangladesh. Chính quyền bà Gandhi dần tiến đến việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Pakistan với Hiệp ước Shimla đồng thời mở đường để thúc Pakistan sớm công nhận nhà nước Bangladesh. Ấn Độ cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận sự hình thành của quốc gia mới này.
Bà Indira Gandhi và Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto bắt tay sau khi ký Hiệp ước Shimla, chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Pakistan. Ảnh: AP.
Bà Indira Gandhi và Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto bắt tay sau khi ký Hiệp ước Shimla, chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Pakistan. Ảnh: AP.
Hai năm sau, vào ngày 18/5/1974, Ấn Độ thử nghiệm vụ nổ plutonim đầu tiên tại sa mạc Rajasthan, Pokhran. Vụ thử nghiệm rơi vào dịp Phật Đản (Buddha Purnima), chính vì vậy vụ nổ được chính quyền bà Gandhi gọi tên là "Chiến dịch Đức Phật mỉm cười" (Operation Smiling Buddha). Vụ thử hạt nhân này đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ sáu trên thế giới thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân, phá thế độc quyền của 5 nước P5 - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đức Phật đã "mỉm cười" với bà Gandhi.
Hiện trường vụ thử hạt nhân Operation Smiling Buddha. Ảnh: Hindustan Times.
Hiện trường vụ thử hạt nhân Operation Smiling Buddha. Ảnh: Hindustan Times.
Chính quyền Gandhi cố tránh khỏi các chỉ trích và đòn trừng phạt từ cộng đồng quốc tế, tuyên bố nó là "vụ thử hạt nhân vì hòa bình" (peaceful nuclear test) nhằm phục vụ cho mục đích hòa bình quốc gia. Thực tế, chính quyền Indira Gandhi đã dần tiến hành các bước kích nổ thử các thiết bị nổ được thiết kế trong nước từ tháng 9/1972. Vụ thử nghiệm là đòn bất ngờ đối với dư luận quốc tế, giới chức Mỹ bày tỏ lo ngại và đề xuất Ấn Độ nên dè chừng việc thử nghiệm các vụ nổ tiếp theo. Cho đến 11/5/1998, Ấn Độ tuyên bố chính thức sở hữu vũ khí hạt nhân sau khi liên tiếp thử nghiệm 5 vụ thử hạt nhân (1 nhiệt hạch và 4 phân hạch). Và cuối tháng 5 cùng năm, Pakistan cũng tuyên bố thử nghiệm thành công quả bom hạt nhân đầu tiên.
Vũ khí hạt nhân cũng là một công cụ răn đe đối với với Pakistan, ngăn một cuộc chiến tranh lần thứ 4 diễn ra song cũng là điều kiện cần để Ấn Độ tuyên bố mình là một cường quốc hạt nhân.

CHIẾN DỊCH BLUESTAR: GIỌT NƯỚC TRÀN LY

Đầu những năm 80, "Chiến dịch Ngôi sao xanh" hay "Operation Bluestar" được tiến hành dưới chính quyền của bà Indira sau khi những phần tử đạo Sikh tại bang Punjab khởi xướng nên các phong trào đòi ly khai khỏi Ấn Độ và thành lập khu tự trị. Năm 1982, hàng loạt phần tử ly khai dưới trướng kẻ cầm đầu Sant Jarnial Singh Bhindranwale chiếm giữ Đền Vàng tại Amritsar, Punjab. Đây là địa điểm linh thiêng của các tín đồ đạo Sikh.
Tháng 6/1984, bà Gandhi ra lệnh cho lực lượng quân đội Ấn Độ tiến hành Chiến dịch Bluestar, tấn công và đẩy lùi lực lượng ly khai ra khỏi khu vực Đền Vàng. Ghi nhận khoảng 450 tín đồ đạo Sikh thiệt mạng, kẻ cầm đầu được báo cáo đã chết trong chiến dịch vào ngày 6/6/1984. Tuy nhiên, khu vực linh thiêng này bị phá hoại nghiêm trọng và xác nhận nhiều thường dân thương vong, nhiều người dân bày tỏ bức xúc đối với bà Gandhi.
Đền Vàng - địa điểm linh thiêng của các tín đồ đạo Sikh bị phá hủy nghiêm trọng sau chiến dịch tiêu diệt phần tử khủng bố đòi ly khai. Ảnh: The Times of India.
Đền Vàng - địa điểm linh thiêng của các tín đồ đạo Sikh bị phá hủy nghiêm trọng sau chiến dịch tiêu diệt phần tử khủng bố đòi ly khai. Ảnh: The Times of India.
Ngay sau khi chiến dịch kết thúc, làn sóng biểu tình đòi ly khai của các tín đồ đạo Sikh trở nên càng cuồng nhiệt hơn. Họ xung đột với chính quyền trong nhiều năm sau đó. Dư âm của chiến dịch tác động đến Ấn Độ đến nhiều khía cạnh. Hơn hết, nó là dấu hiệu cho bi kịch của nữ thủ tướng...

VỤ ÁM SÁT KINH HOÀNG

Sau sự kiện quân đội Ấn Độ đột kích vào Đền Vàng để tiêu diệt phần tử khủng bố đòi ly khai, dư âm của sự kiện như một quả bom nổ chậm cho quý bà Gandhi. Nhiều cố vấn đã đề xuất bà nên cân nhắc việc thay toàn bộ các vệ sĩ theo đạo Sikh để đảm bảo an toàn cho bản thân bởi làn sóng giận dữ của các tín đồ đạo Sikh ở bên ngoài vẫn chưa hạ nhiệt. Tuy vậy, bà Gandhi phớt lờ đi đề xuất này.
Ngày 31/10/1984, bà Gandhi có lịch hẹn phỏng vấn với nam diễn viên Peter Ustinov (người Anh) đang thực hiện một bộ phim tài liệu về dòng dõi Gandhi. Vì nghĩ mình trông sẽ mập hơn nếu mặc thêm áo chống đạn, hơn hết, buổi gặp gỡ diễn ra trong Dinh Thủ tướng nên bà đã đề nghị cởi bỏ nó.
Lúc đi ngang qua trạm gác, bà Gandhi đã mỉm cười với hai vệ sĩ thân cận lâu năm, họ đều là các tín đồ đạo Sikh. Hai tên cận vệ đột nhiên rút súng và bắn liên tục vào nữ thủ tướng cho đến khi băng đạn cạn kiệt. Bà Gandhi gục xuống đất, cuộc đọ súng giữa đội bảo vệ và hai tên cận vệ diễn ra sau đó, một tên thiệt mạng và tên còn lại buông súng đầu hàng.
Bà Gandhi được tức tốc đưa vào cấp cứu, tuy nhiên, mọi nỗ lực bất thành. Bà Gandhi từ trần lúc 14 giờ 20 phút cùng ngày. Tro cốt của bà được đưa đến quần thể Đài tưởng niệm Raj Ghat ở New Delhi, bên cạnh lãnh tụ Mahatma Gandhi. Kẻ chủ mưu và tên cận vệ còn lại bị Tòa án Tối cao kết án tử hình bằng hình thức treo cổ. Đây cũng là án treo cổ cuối cùng của Ấn Độ.
Vụ ám sát đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ trở thành sự kiện chấn động dư luận thế giới lúc bấy giờ. Vụ ám sát tạo ra sự sợ hãi và giận dữ cho các cộng đồng trên khắp cả nước, châm ngòi cho các xung đột của những người bài trừ đạo Sikh, gay gắt nhất tại bang Punjab. Hàng loạt các cuộc bạo lực nổi lên khiến nhiều tín đồ đạo Sikh ôn hòa thiệt mạng.
Nhiều năm sau, các tín đồ đạo Sikh mất đi lòng tin với chính quyền trung ương, đặc biệt là Đảng Quốc Đại. Từ đó, các cuộc đụng độ giữa các nhóm vũ trang đạo Sikh với chính quyền trung ương như đánh bom, ám sát diễn ra gay gắt hơn cho đến những năm 1990. Ngoài ra, hệ lụy của vụ ám sát còn tác động đến nền kinh tế của Ấn Độ, khi bang Punjab là nơi trọng yếu của nền nông nghiệp Ấn Độ, các cuộc nổi dậy và bạo loạn làm gián đoạn hoạt động du lịch và đầu tư, tác động sâu rộng đến nền kinh tế quốc gia.

INDIA KHÓC THƯƠNG INDIRA...

Trong suốt 15 năm nắm quyền, đây được xem là khoảng thời gian Ấn Độ và thế giới trải qua nhiều giai đoạn khủng hoảng nhất. Bà Gandhi đã chèo lái đất nước và nhân dân Ấn Độ vượt qua giai đoạn khó khăn này như bà đã nói: "cho đến khi nhịp thở tôi dừng lại".
Tang lễ của cố Thủ tướng Gandhi. Ảnh: India Today.
Tang lễ của cố Thủ tướng Gandhi. Ảnh: India Today.
Sau cái chết của mẹ, Rajiv Gandhi - con trai cả của bà Gandhi kế nhiệm thay mẹ. Ông trở thành vị thủ tướng thứ sáu của Ấn Độ và trẻ tuổi nhất. Bi kịch thay, tháng 5/1991 ông bị ám sát trong một vụ đánh bom tự sát bởi một nữ phần tử khủng bố đến từ Sri Lanka - liên quan đến lực lượng Những Con hổ giải phóng Tamil (Tamil Tigers/LTTE). Kể cả người con út của bà Gandhi, Ranjay Gandhi cũng đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay trước đó vào tháng 6/1980.
Thi hài của nữ cố Thủ tướng được hỏa thiêu theo truyền thống Hindu giáo. Ảnh: India Today.
Thi hài của nữ cố Thủ tướng được hỏa thiêu theo truyền thống Hindu giáo. Ảnh: India Today.
Dòng dõi Gandhi về sau tiếp tục dấn thân vào nền chính trị nước nhà nhưng không tạo nhiều dấu ấn đặc biệt bởi cái bóng hoàng kim của bà Gandhi quá lớn.
Mặc dù chính quyền bà Gandhi hứng chịu nhiều chỉ trích và tranh cãi xuyên suốt 15 năm cầm quyền, bà Indira đã để lại nhiều di sản, dấu ấn khó phai trong nền chính trị Ấn Độ cho đến tận ngày nay. Bà Gandhi nổi bật chính sách quốc hữu hóa một số ngân hàng tư nhân để điều tiết nền kinh tế quốc gia. Đồng thời bà gắn liền với cuộc Cách mạng Xanh giúp Ấn Độ trở thành quốc gia tự cung tự cấp trong trồng trọt ngũ cốc, giải quyết nạn đói. Hay cuộc Cách mạng Trắng thúc đẩy gia tăng sản xuất sữa nhằm giải quyết vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt là trẻ em suy dinh dưỡng. Ngoài ra, bà Gandhi gắn liền với nhiều chính sách cải cách nổi bật về giáo dục và trao quyền cho phụ nữ.
... Tôi sẽ tiếp tục phụng sự đất nước cho đến khi nhịp thở dừng lại, và nếu một mai tôi chết đi, từng giọt máu của tôi sẽ tiếp thêm sinh lực cho đất nước và nhân dân Ấn Độ
Bà Gandhi phát biểu trong một buổi gặp gỡ người dân tại bang Orissa vào 30/10/1984. Một ngày trước khi bị ám sát.
Ảnh: Raghu Rai/Magnum Photos.
Ảnh: Raghu Rai/Magnum Photos.
Hình ảnh của bà Indira Gandhi vẫn còn đó, nó tiếp thêm sức mạnh cho đất nước và con người Ấn Độ - một trong bốn nền văn minh cổ đại của nhân loại, tiếp tục vươn lên phía trước đầy mạnh mẽ và can trường.
Tài liệu tham khảo: