Ảnh bởi
Noah Holm
trên
Unsplash
Đức Chúa Trời phán: “Phải có ánh sáng.” Ánh sáng liền xuất hiện. Đức Chúa Trời thấy ánh sáng tốt đẹp nên Ngài phân biệt sáng với tối. Đức Chúa Trời gọi sáng là “ngày,” tối là “đêm.” Đó là buổi tối và buổi sáng ngày thứ nhất.
Nhân danh Allah, Ðấng Rất Mực Ðộ Lượng, Ðấng Rất Mực Khoan Dung. Mọi lời ca tụng đều dâng lên Allah, Rabb (Thượng Đế) của vũ trụ và muôn loài. Ðấng Rất mực Ðộ lượng, Ðấng Rất mực Khoan dung. Ðức Vua vào Ngày Phán xử (Cuối cùng).
Hai đoạn trích trên được lấy từ Kinh thánh của Cơ Đốc giáo và Thiên kinh của Hồi giáo, hai tôn giáo với số tín đồ đông đảo nhất thế giới hiện giờ. Vậy tôn giáo là gì? Câu hỏi này thật ra rất khó, vì định nghĩa tôn giáo rất đa dạng ở các nền văn hóa và các vùng miền khác nhau. Nhưng để chung quy lại, có thể hiểu rằng tôn giáo là niềm tin của con người vào một hay nhiều đấng thần linh hoặc một hệ thống triết lý đức tin. Tôn giáo cung cấp cho con người phương tiện để tìm hiểu và giải thích các thế lực tự nhiên, về sự sáng tạo và diệt vong của vũ trụ, về sự sống và cái chết, về cách để sống hòa hợp với xã hội và tự nhiên.
Nếu cả thế giới này có 100 người, chỉ có 15 người điền Không vào mục Tôn giáo trong hồ sơ của mình. 85 người còn lại, bằng cách này hay cách khác, tin vào một hay nhiều đấng sáng tạo, đi theo một hệ thống triết lý, thực hành một bộ các quy tắc lễ nghi.
Thuở đầu của nhân loại, tôn giáo tồn tại dưới dạng các tập tục tín ngưỡng nguyên thuỷ. Theo thời gian, thế giới quan và hệ thống tín ngưỡng ngày càng trở nên chi tiết và phức tạp. Dần dà, các hệ thống tín ngưỡng này tiến hóa thành những tôn giáo riêng biệt. Có tôn giáo thờ nhiều thần (hay còn gọi là tôn giáo đa thần), có tôn giáo thì thời một thần duy nhất (độc thần), có tôn giáo thì chẳng có vị thần nào mà chỉ đơn giản là làm theo triết lý của một vị hiền triết. Dù với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học thời hiện đại phần nào làm giảm sự ảnh hưởng của tôn giáo, vẫn cần thừa nhận rằng tôn giáo là một phần vô cùng quan trọng trong sự phát triển của nhân loại.

Thời tiền sử (trước 3000 năm TCN)

Ảnh bởi
Bob Brewer
trên
Unsplash
Thời nguyên thuỷ, con người sống thành các bầy người săn bắt hái lượm. Cuộc sống của họ được bao quanh bởi vô số các hiện tượng tự nhiên. Với bản tính tò mò và hay quan sát, dần dà, con người đã có những giải thích đầu tiên về những thế lực tự nhiên quanh mình, hình thành những thế giới quan đầu tiên về vũ trụ và những tín ngưỡng sơ khai.
Ở phía nam châu Phi, người San tin vào các thế lực vô hình chi phối thiên nhiên. Họ tin rằng vũ trụ có tam giới, gồm hai cõi tâm linh ở trên trời và dưới đất, còn cõi người thì kẹp ở giữa. Họ cầu nguyện trăng sao để xin may mắn đồng hành trên những chuyến đi săn.
Ở Nhật, người Ainu tin rằng vạn vật có linh hồn. Linh hồn ở đây được tin rằng tồn tại vĩnh cửu còn thể xác chỉ là lớp vỏ chứa tạm thời. Kể cả cây cỏ, đất đá, sấm sét, mưa gió đều có linh hồn bên trong. Người Ainu tế lễ và ca tụng cho linh hồn thần thánh cư ngụ ở vạn vật, cầu mong các thần thuận lòng mà ban phát cho đủ thức ăn.
Ở Bắc Âu, người Sami giao tiếp với thần qua thầy mo. Họ tin rằng thầy mo có thể xuất hồn và chu du đến thế giới khác, giao tiếp với quỷ thần, chữa bệnh cho kẻ ốm đau.
Ở New Zealand, người Maori truyền nhau câu chuyện về nguồn gốc của cái chết. Chuyện là người anh hùng tên Maui đã cố gắng cưỡng hiếp thần chết Hinenuitepo khi thần đang ngủ, với hy vọng rằng khi tỉnh dậy thần sẽ chết và cái chết sẽ không còn. Nhưng Maui thất bại giữa chừng khi thần chết tỉnh dậy và kẹp chết Maui. Từ đó con người không ai thoát được cái chết. 
Tín ngưỡng của thổ dân Úc nói rằng quá trình hình thành thế giới không phải là một mốc thời gian trong quá khứ xa xôi, mà nó vẫn luôn luôn diễn ra hàng ngày. Họ cho rằng tổ tiên đi khắp nơi và tạo nên vạn vật, rồi thần khí của họ hoà vào thế gian, tiếp tục kiến tạo thế giới. Và họ có thể hoà vào thần khí tổ tiên bằng cách tế lễ, ca vũ, kể chuyện.
Tương tự, người da đỏ ở Quechua, Nam Mỹ, tin rằng linh hồn tổ tiên nằm lại ở đất đai nơi họ sống. Vì vậy, họ thành tâm cúng bái tổ tiên, mong cho đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu và cháu con khoẻ mạnh.
Người Aztec và Maya ở Trung Mỹ thì coi trọng việc hiến tế trong tín ngưỡng. Theo thần thoại, thần thánh đã dùng máu của chính mình để tạo nên con người, thế nên con người phải có trách nhiệm hiến tế máu lại cho thần linh. Nợ máu phải trả bằng máu.
Người Pawnee ở vùng Đại bình nguyên Bắc Mỹ tin rằng thế giới được tạo dựng bởi ông trời Tirawahat, trong đó ông trời dạy rằng trời là cha, đất là mẹ. Qua đó, người Pawnee xây nhà có hình dáng như một bát đất úp ngược, giống như bọc đất quanh trời, hàm ý rằng mời cha mẹ đến sống cùng.

Thời kỳ cổ đại (từ 3000 năm TCN đến thế kỷ 5)

Khi con người dần chuyển từ săn bắt hái lượm sang định cư trồng trọt, các nền văn minh đầu tiên xuất hiện. Những tín ngưỡng nhỏ lẻ rải rác của các bộ lạc dần tổng hoà, hình thành những tín ngưỡng có độ phức tạp cao, miêu tả rõ ràng mối quan hệ giữa thần thánh và con người. Theo đà phát triển, các tín ngưỡng của nhiều nền văn minh khác nhau lại tiến hóa thành những tôn giáo có hệ thống đức tin đồ sộ, chi tiết và thống nhất. Có những tôn giáo thì được sáng lập từ những bậc hiền triết, không đặt nặng khía cạnh thánh thần mà tập trung đưa đến cho con dân một hệ thống giáo lý và đạo đức. Thời kỳ cổ đại là dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử tôn giáo, vì trong khoảng thời gian này, phần lớn các tôn giáo chính của thế giới được hình thành và tồn tại đến ngày nay.
Một trong những nền văn minh đầu tiên của con người là nền văn minh Sumer ở vùng lưỡi liềm phì nhiêu, hay còn gọi là vùng Lưỡng Hà. Tầm 2300 năm TCN, người Sumer thờ đa thần, trong có thuỷ thần Enki và thần trời Anu. Sau đó, người Babylon chinh phục người Sumer, hấp thụ tín ngưỡng của kẻ tiền nhiệm. Thần thoại sáng thế của người Babylon, tên là Enuma Elis, kể về thần Marduk, con trai của thuỷ thần Enki, đánh bại thần sáng tạo Tiamat, lên ngôi vua, sắp xếp lại vũ trụ. Câu chuyện này có bản chất tương tự như cách vua Babylon đánh bại người Sumer để tiếp quản và cai trị đế chế Sumer. Có thể thấy rằng người xưa dùng thần thoại như một cách để khẳng định quyền uy và phân định tôn ti trật tự trong xã hội.
Ảnh bởi
Adrian Dascal
trên
Unsplash
Ở lưu vực sông Nile tầm 2000 năm TCN, nền văn minh Ai Cập phát triển rực rỡ. Tín ngưỡng của người Ai Cập chú trọng vào hành trình sau cái chết. Khi quan lại vua chúa chết đi, họ chuẩn bị nhiều đồ tùy táng, xây lăng tẩm, ướp xác cẩn thận, nhằm đảm bảo cuộc sống vĩnh hằng nơi âm ty. Linh hồn người chết sẽ được thần đầu chó Anubis dẫn đến sảnh đường của âm giới. Ở đó con tim của họ được lấy ra và đặt lên một bên bàn cân, bên còn lại là một chiếc lông vũ. Nếu cân lệch, chứng tỏ trái tim này không thuần khiết, và linh hồn sẽ bị quỷ ăn, người đó sẽ không được sống vĩnh hằng dưới âm ty. Nếu cân bằng, linh hồn sẽ được bước qua cổng âm giới do thần địa ngục Osiris cai quản.
Người Vikings là tộc người khá hiếu chiến, do đó họ có sự quan tâm mạnh mẽ đến ngày tận thế và chiến tranh. Câu chuyện về cây thế giới Yggdrasil và các vị thần như Thor, Loki, Odin đã khá phổ biến trong văn hóa đại chúng. Lần đầu được ghi chép vào thế kỷ 5, thần thoại Bắc Âu nói rằng vào ngày tận thế Ragnarok, thần lừa lọc Loki sẽ đem quân đến tấn công cha già Odin. Con trai của Loki là sói Fenrir sẽ nuốt chửng mặt trời, rắn Jormungandr sẽ giết chết Thor, và phe Loki sẽ thắng trận. Lửa sẽ tàn phá thế giới, mặt đất chìm xuống đại dương. Nhưng sau đó mặt đất sẽ lại trồi lên, một thế giới mới hình thành. Một số thần sẽ sống lại. Cặp nam nữ Lif và Lifthrasir sống sót qua thảm họa sẽ lãnh trọng trách hồi sinh nhân loại.
Ảnh bởi
Chris Czermak
trên
Unsplash
Người Hy Lạp thì đã quá nổi tiếng với thần thoại của họ. Tương truyền, mẹ đất Gaia đẻ ra thần trời Uranus. Uranus lấy Gaia, sinh ra các Titan. Các Titan lật đổ Uranus và một Titan tên là Cronos lên ngôi lãnh đạo. Cronus lấy Rhea, sinh ra Zeus. Thần Zeus lật đổ các Titan, từ đó nắm quyền cai trị đỉnh Olympus. Và sau đó là câu chuyện về 12 vị thần đỉnh Olympus như nhiều người đã biết. 
Trong công cuộc mở rộng đế chế, người La Mã chinh phục nhiều xứ sở và rồi vay mượn tín ngưỡng từ các nền văn minh bị chinh phục, nổi bật là Hy Lạp. Hệ thống thần thoại La Mã rất giống thần thoại Hy Lạp, ví dụ như thần Jupiter là Zeus, Neptune là Poseidon, Pluto là Hades. Ngoài ra người dân La Mã còn thờ nhiều các thần địa phương và gia thần, tương đương với thành hoàng và thổ địa. Người La Mã thường cầu nguyện, cúng bái, tham vấn với thần linh.
Ảnh bởi
Dad hotel
trên
Unsplash
Vào thế kỷ 6 TCN, nhà tiên tri Zoroaster sáng lập ra Bái Hoả giáo (Zoroastrianism). Bái Hoả giáo đặt thần trí tuệ Ahura Mazda lên ngôi vị tối cao. Thần Ahura Mazda đại diện cho cái tốt, đấu tranh lại phe ác là thần huỷ diệt Ahriman. Bái Hoả giáo tin rằng cuộc chiến giữa hai phe thiện ác là cuộc chiến trường kỳ, và con người cần hợp sức tham gia phe thiện chống lại phe ác. Thần Ahura Mazda tạo ra con người, ban cho con người tự do ý chí. Vì vậy con người được tự do chọn lựa làm điều thiện hoặc ác, tuy vậy, con người nên chọn làm việc thiện để góp sức chống lại thế lực của cái ác.
Ảnh bởi
Nick Fewings
trên
Unsplash
Vào khoảng 1700 năm TCN, Hindu giáo (Hinduism) hình thành bằng sự tổng hợp của nhiều tín ngưỡng tại nhiều vùng trong tiểu lục địa Ấn Độ. Trọng tâm của Hindu giáo là sự luân hồi của vũ trụ. Theo Hindu giáo, thời gian là những chu kỳ luân hồi lặp đi lặp lại chứ không phải một dòng chảy một chiều. Mọi thứ trong vũ trụ hễ sinh rồi lại diệt, tuần hoàn bất tận, chỉ trừ Brahman là vĩnh cửu. Có thể coi Brahman như là bản ngã hoặc linh hồn của toàn bộ vũ trụ. Brahman xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, vạn vật trong vũ trụ đều là một khía cạnh nhỏ của Brahman. Mọi thứ ở trong Brahman và Brahman ở trong mọi thứ.
Hindu giáo có ba vị thần chính, đó là thần sáng tạo Brahma (đừng nhầm với Brahman), thần bảo tồn Vishnu và thần huỷ diệt Shiva. Cả ba thần đều là một phần nhỏ của Brahman.
Hệ thống kinh sách Hindu giáo gồm có 4 bộ kinh Vệ Đà, với nội dung là về thần thoại Hindu giáo, các bài kinh ca tụng thần linh, các nghi thức tôn giáo, và các phép thuật chống lại kẻ thù và dịch bệnh. Ngoài ra còn có Áo Nghĩa Thư (Upanishad) là bộ sách diễn giải triết lý và thần học trong kinh Vệ Đà, Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita) giảng giải về đức hạnh và trách nhiệm, hai bộ sử thi Mahabharata và Ramayana kể thêm nhiều câu chuyện trong thần thoại Hindu. 
Theo Hindu giáo, vạn vật đều nằm trong vòng luân hồi (samsara). Việc giải thoát khỏi vòng luân hồi và hoà mình vào Brahman được gọi là mộc xoa (moksha). Muốn đạt được moksha thì cần phải sống theo dharma, có thể hiểu là sống đức hạnh, sống hợp lẽ, sống đúng đạo.
Trong Hindu giáo, xã hội được chia thành 4 đẳng cấp: Bà La Môn (Brahmin) là tu sĩ, Sát Đế Ly - (Kshatriya) là vua chúa và binh tướng, Vệ Xa (Vaishya) là thương gia, địa chủ, thợ thủ công, Thu Đà La (Shudra) là tầng lớp bình dân lao động.
Hindu giáo có ba phái lớn là Vishnu, Shiva và Shakti. Tầm 600 năm TCN, phái Vishnu hình thành. Phái Vishnu là phái lớn nhất trong Hindu giáo. Phái này xem Vishnu như thần tối cao. Giáo dân theo phái Vishnu coi trọng thành tâm hơn giáo điều. Cũng tầm 600 năm TCN, phái Shiva ra đời. Phái Shiva xem thần huỷ diệt Shiva là thần tối cao. Người theo phái Shiva thực hành lối sống kỷ luật và khổ hạnh, hướng đến việc linh hồn hòa làm một với Shiva. Vào thế kỷ 5, xuất hiện phái Shakti. Phái Shakti thờ thánh mẫu Shakti, hiện thân của thần khí tối cao tạo ra và nuôi dưỡng sự sống. Giáo dân phái Shakti tập yoga, cầu nguyện, cúng bái nhằm đến gần với thánh mẫu.
Ảnh bởi
James Yu
trên
Unsplash
Vào thế kỷ 6 TCN, Phật giáo (Buddhism) được sáng lập bởi Cồ Đàm Tất Đạt Đa (Siddhartha Gautama), hay còn được biết đến là Đức Phật. Ngài vốn là một hoàng tử quyền quý sinh ra trong nhung lụa. Đến một ngày, nhận ra xung quanh chỉ toàn khổ đau chết chóc, ngài từ bỏ vương quyền địa vị, lên đường tu hành khổ hạnh, đi tìm căn nguyên cái khổ của chúng sinh. Ngài giác ngộ ra bản chất thực tại khi đang thiền định dưới cây bồ đề. Từ đó ngài được gọi là Đức Phật (Buddha). Theo ngài, để hết khổ, con người cần sống theo Trung Đạo, tức là lối sống cân bằng giữa hai thái cực, một bên là xa hoa hưởng lạc, một bên là khắc khổ.
Đạo Phật cho rằng vũ trụ có ba đặc điểm chính: vô thường - vạn vật luôn thay đổi, khổ - cuộc sống luôn có những điều khổ đau, vô ngã - do vạn vật luôn thay đổi nên không có bản ngã duy nhất vĩnh cửu. Giáo lý nhà Phật bàn về nỗi khổ thông qua Tứ Diệu đế, có thể hiểu là bốn chân lý về cái khổ. Trong đó có Khổ đế - chân lý về sự khổ, Tập đế - chân lý về căn nguyên cái khổ, Diệt đế - chân lý về diệt khổ, Đạo đế - chân lý về con đường diệt khổ. Diệu đế thứ 4, Đạo đế, dạy con người cách diệt khổ thông qua tám bước, gọi là Bát Chánh Đạo.
Vào thế kỷ 1 TCN, lời Phật răn dạy được viết thành bộ kinh Tam Tạng Pali tại Sri Lanka, là nền tảng của phái Nguyên thuỷ trong Phật giáo. Sau đó, vào thế kỷ 1, phái Đại Thừa ra đời, phát triển ở Ấn Độ rồi lan truyền tới Trung Hoa.
Phái Nguyên thuỷ, ra đời vào thế kỷ 6 TCN, là lâu đời nhất và có giáo lý giống với đạo pháp ban đầu nhất. Đặc trưng của phái này là các tăng ni phật tử đều sống vô cùng giản dị, từ bỏ hết tài sản, thiền định nhằm thanh tịnh tinh thần, đi khắp nơi để giảng Phật pháp. Họ tin rằng khi giác ngộ thì linh hồn sẽ rời khỏi hiện hữu, về cõi niết bàn. Phái Nguyên thuỷ phổ biến ở các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar.
Phái Đại Thừa, ra đời vào tầm thế kỷ 3 TCN, là tông phái lớn thứ hai chỉ sau phái Nguyên thuỷ. Đại Thừa cho rằng Đức Phật sau khi giác ngộ vẫn ở lại thế gian để giúp chúng sinh thoát khổ. Phái Đại Thừa còn thờ phụng các Bồ Tát, tức các bậc đã giác ngộ. Phái này phổ biến ở Trung Hoa, Hàn Quốc, Việt Nam.
Ảnh bởi
Diana Polekhina
trên
Unsplash
Đạo Do Thái (Judaism) ra đời từ khoảng 2000 TCN, xuất phát từ tín ngưỡng của dân tộc Israel ở Trung Đông. Lịch sử của đạo Do Thái bắt đầu với câu chuyện về giao ước giữa Chúa và một người đàn ông tên là Abraham. Chúa nói rằng nếu Abraham và con cháu nghe lời Chúa, họ sẽ trở thành dân tộc vĩ đại được Chúa chọn và bảo vệ. Abraham vâng lời Chúa, di cư đến vùng đất Canaan. Abraham có con trai là Isaac. Isaac có con trai là Jacob. Jacob là ông tổ của 12 chi tộc Israel. Cả ba người Abraham, Isaac, Jacob được coi là 3 tổ phụ của đạo Do Thái.
Theo kinh thánh của người Do Thái, vào khoảng năm 1300 TCN, người Do Thái bị bắt làm nô lệ ở Ai Cập. Chúa ra lệnh cho nhà tiên tri Moses dẫn dắt con dân Do Thái trên hành trình tìm về tự do, hay còn gọi là cuộc Xuất Hành. Khi đoàn người dừng nghỉ chân ở núi Sinai, Moses lên núi gặp Chúa, đem về giao ước cho con dân Do Thái, còn gọi là Ngũ Thư (Torah). Giao ước đưa ra các điều răn với tín đồ, các điều luật dân sự và hình sự, những mô tả hệ thống chính quyền. Về cơ bản, giao ước với Chúa là hướng dẫn để người Do Thái có được xã hội công chính và ngoan đạo.
Lịch sử Do Thái gắn với những lần bị lưu đày và chia cắt. Thế kỷ 6 TCN, họ bị người Babylon đánh bại và bắt lưu đày. Sau đó, họ tái lập quốc gia được một thời gian. Rồi đến thế kỷ 1, họ lại bị người La Mã thống trị. Trong suốt lịch sử, người Do Thái tản mát đi khắp nơi, hình thành các cộng đồng riêng trên khắp thế giới.
Tầm 1300 năm TCN, phái Chính Thống của Do Thái giáo ra đời. Họ xem mình là kế tục thuần khiết của truyền thống từ tiên tri Moses. Trọng tâm trong đức tin phái Chính Thống là Ngũ Thư. Họ tuân theo Ngũ Thư một cách nghiêm ngặt. Ngày nay, hơn nửa tín đồ Do Thái thuộc phái chính thống. Sau thế chiến 2, nhà nước Israel ra đời, xem phái Chính Thống như quốc giáo.
Cơ Đốc giáo (Christianity) bắt đầu với sự xuất hiện của Jesus. Tín đồ Cơ Đốc tin rằng Jesus là con của Chúa, do Đức Mẹ Đồng Trinh Mary sinh ra. Jesus vốn là một người Do Thái. Ngài đi khắp nơi giảng đạo, nói rằng con người cần bỏ đi những giá trị xấu xa để có thể đến được Nước Trời của Chúa. Theo Kinh Thánh ghi lại, Jesus thực hiện nhiều phép màu, giúp người mù mắt sáng trở lại, mang người chết sống lại, đi trên mặt nước. Điều này giúp Jesus thu hút được lượng tín đồ đông đảo. Jesus không phân biệt người Do Thái hay không Do Thái, người phạm tội hay không phạm tội, mà ngài chấp nhận tất cả con dân với sự khoan dung tha thứ. Khoảng năm 30, nhà cầm quyền đế chế La Mã cho đóng đinh Jesus. Theo Kinh Thánh, ba ngày sau, Jesus sống lại và thăng thiên, trở về thiên đàng với Chúa.
Kinh Thánh Cơ Đốc gồm hai phần, phần đầu là kinh Cựu Ước, nội dung chính là giao ước giữa Chúa và người Do Thái, tương đồng với Ngũ Thư của người Do Thái. Còn câu chuyện hành đạo và những lời giảng của Jesus được tập hợp thành kinh Tân Ước.
Thuở đầu, con dân Cơ Đốc bị người Do Thái lẫn La Mã bức hại rất nhiều. Dần dần, đế chế La Mã trở nên bao dung hơn với Cơ Đốc giáo, đến năm 380 thì Cơ Đốc giáo được coi là quốc giáo của đế chế La Mã.
Công giáo La Mã là phái Cơ Đốc giáo lớn nhất và nguyên thuỷ nhất, do thánh Peter sáng lập tại Rome vào thế kỷ 1. Các giáo hoàng nối tiếp sau đó được xem là kế vị của thánh Peter. Người Công giáo tin rằng giáo hoàng có thẩm quyền tối thượng và không thể sai lầm khi đưa ra phán quyết về đức tin, vì vậy họ cần nghe theo chỉ dẫn từ nhà thờ và giáo hội.
Vào thế kỷ 6 TCN, Đạo giáo (Taoism) lập ra bởi Lão Tử, một nhà hiền triết Trung Hoa. Ông là cha đẻ của tác phẩm Đạo Đức Kinh.
Đạo giáo đưa ra khái niệm đạo. Đạo là nguyên lý căn bản của vũ trụ, nuôi dưỡng vạn vật. Đạo là vĩnh hằng và bất biến. Điều này được thể hiện ở biểu tượng âm dương: trong âm có dương, trong dương có âm, cả hai hoà quyện, tuần hoàn. Con người cần sống nương theo đạo, tức là tránh ham muốn vật chất, tránh những cảm xúc tiêu cực, sống giản dị, hoà thuận tự nhiên, an nhiên tự tại. Lối sống đó gọi là vô vi, tức là không làm gì. Sống vô vi thì thiên hạ thái bình, con người thoả mãn, hạnh phúc.
Ảnh bởi
Yosuke Ota
trên
Unsplash
Cũng vào thế kỷ 6 TCN, Nho giáo (Confucianism) được lập ra bởi Khổng Tử.
Trọng tâm của Nho giáo là thứ bậc trong xã hội và trách nhiệm đạo đức của các thứ bậc với nhau. Ví dụ như vua phải nhân từ với bề tôi, bề tôi phải trung thành với vua, con cái phải nghe lời cha mẹ, cha mẹ phải yêu thương con cái. 
Một mặt, Nho giáo được coi là tôn giáo do có duy trì các hình thức tế lễ cúng bái tổ tiên. Mặt khác, Nho giáo không được coi là tôn giáo mà chỉ là hệ thống triết học đạo đức.
Ảnh bởi
Sanjeev Bothra
trên
Unsplash
Thiền sư Mahavira sáng lập Kỳ Na giáo (Jainism) vào thế kỷ 6 TCN.
Giống Hindu giáo, Kỳ Na giáo tin rằng thế giới là luân hồi, sinh rồi lại diệt. Muốn thoát khỏi chuỗi đầu thai, cần được khai ngộ, dứt khỏi nghiệp (karma).Nhưng khác với Hindu giáo, Kỳ Na giáo không sùng bái thần linh, mà tin rằng con người chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình. Để khai ngộ và thoát luân hồi, cần có 5 lời thề nguyện: bất bạo động (không gây hại đến chúng sinh), không nói dối, giữ thân thanh tịnh, không trộm cắp, buông bỏ của cải người thân. Giáo dân Kỳ Na giữ lối sống thanh tịnh khổ hạnh, ăn chay trường, tránh sát sinh, nhằm tiêu trừ nghiệp để giải thoát linh hồn, thoát khỏi luân hồi vĩnh cửu.

Thời kỳ trung cổ (từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 15)

Sau thời kỳ cổ đại, phần lớn các tôn giáo chính đã được hình thành. Bước vào thời kỳ Trung cổ, các tôn giáo lớn dần xuất hiện thêm những chi phái, thể hiện rõ sự đa dạng trong cách con người thể hiện đức tin. Điểm sáng của thời Trung cổ là sự xuất hiện của Hồi giáo, tôn giáo lớn thứ nhì thế giới.\
Ảnh bởi
Abdullah Faraz
trên
Unsplash
Theo tương truyền, vào năm 610, sau nhiều ngày thiền định trong hang núi, nhà tiên tri Muhammad lần đầu tiên được thiên thần Jibrail (Cơ Đốc giáo gọi là thiên thần Gabriel) truyền lời mặc khải của Chúa, hay còn gọi là Allah. Trong suốt 22 năm sau đó, Muhammad liên tục được thiên thần Jibrail truyền dạy lời răn từ Allah. Mọi lời của Allah đều được Muhammad ghi nhớ và truyền khẩu lại cho môn đệ. Hồi giáo (Islam) từ đó mà ra đời.
Dần dần, nội dung mặc khải được ghi lại, và đến giữa thế kỷ 7, mặc khải được viết thành Thiên Kinh Qur’an, được người Hồi giáo xem là sự thật tối thượng. Nội dung Qur’an rất đa dạng, từ thờ phụng, chính trị, hôn nhân, luật pháp, xã hội, cách vệ sinh, kinh tế, trách nhiệm với cộng đồng. Nội dung Qur’an kha khá tương đồng với Kinh Thánh của người Cơ Đốc và Ngũ Thư của người Do Thái, nhưng tín đồ Hồi giáo cho rằng hai bản kinh thánh kia là sai lạc với lời của Allah, làm mất đi sự thuần khiết của mặc khải.
Căn bản của đức tin Hồi giáo có năm điều, được gọi là Ngũ Trụ Hồi. Một là Shahada - tuyên bố rằng không có thượng đế nào khác ngoài Allah và Muhammad là sứ giả của Allah. Hai là Salat - cần cầu nguyện thờ phụng Allah hết lòng. Ba là Zakat - bố thí cho người nghèo. Bốn là Sawn - thực hiện nhịn ăn trong tháng Ramadan. Năm là Hajj - ít nhất một lần trong đời phải hành hương về Mecca.
Sau khi Muhammad qua đời vào thế kỷ 7, con dân Hồi giáo phải quyết định ai sẽ kế vị Muhammad. Một phe cho rằng nên chọn Abu Bakr, người đồng hành thân tín của Muhammad, đồng thời cũng là người có công soạn ra Thiên Kinh Qur’an. Từ đó, phe ủng hộ Abu Bakr bầu ông lên làm caliph, lãnh đạo Hồi giáo. Phe này được gọi là phái Sunni.
Mặt khác, phe còn lại tin rằng phải chọn người kế vị có cùng dòng máu với Muhammad. Họ ủng hộ Ali Ibn Ali Talib, vừa là em họ vừa là con rể của Muhammad. Phe này được gọi là phái Shi’a. Từ đó mà Hồi giáo được chia thành 2 phái chính đến tận ngày nay.
Vào năm 1054, xảy ra nhiều mâu thuẫn giữa giáo hội ở Roma và giáo hội ở Constantinople, dẫn đến sự kiện tên là Đại Li giáo. Giáo hội ở hai nơi tuyệt giao, tách thành hai phái riêng biệt. Phái ở phía tây thì được gọi là Công giáo La Mã (Roman Catholic), còn phái ở phương đông thì được gọi là Chính thống giáo Đông Phương (Eastern Orthodox). Trong khi Công giáo chú trọng giáo điều của nhà thờ và nhấn mạnh bản chất xấu của con người thì Chính thống giáo lại đề cao thờ phụng thánh thần và tin rằng bản chất con người là tốt.
Ảnh bởi
Julie Ricard
trên
Unsplash
Về phía Phật giáo, phái Mật Tông hình thành vào thế kỷ 7, sử dụng các bộ kinh pháp được cho là mật truyền, trong đó có những nghi thức chỉ được tiến hành trong bí mật. Phái Mật Tông thực hiện nhiều nghi lễ cúng bái, thiền định. Khác với các môn phái khác đề cao việc tu hành trong tâm trí, phái Mật Tông cho rằng còn phải thể hiện đức tin của mình ra ngoài thì mới đủ đầy. Vì vậy mà tín đồ Mật Tông thể hiện đức tin của họ rất rõ ràng qua lời nói, biểu cảm, nghi lễ, chùa chiền.
Phái Thiền Tông ra đời từ thế kỷ 6, được cho là do nhà sư Ấn Độ tên là Bồ Đề Đạt Ma truyền sang Trung Hoa. Tôn chỉ của phái Thiền Tông là lấy cái tâm làm gốc, không cứng nhắc làm theo kinh pháp và truyền thống, chỉ tập trung vào tâm khảm. Người theo Thiền Tông cố gắng giữ tâm rỗng không, thanh tịnh, nhằm đạt được sự giác ngộ. Vào thế kỷ 12, Thiền Tông được truyền từ Trung Hoa sang Nhật, trở thành một phần quan trọng trong văn hóa Nhật. Người theo Thiền Tông thường hay làm thơ, cắm hoa, trang trí tiểu cảnh, cào đất trong vườn, nhằm giúp giữ tâm bất động, hoà mình vào thiên nhiên.
Qua thời gian, Phật giáo lan truyền từ Ấn Độ đến cao nguyên Tây Tạng. Phật giáo ở Tây Tạng phát triển theo cách riêng, trở thành trường phái Tây Tạng. Người Tây Tạng rất cầu kỳ trong nghi lễ cúng bái, trang phục sặc sỡ bắt mắt, cung điện đền đài to lớn khang trang. Họ có khái niệm về Lạt Ma, thủ lĩnh tinh thần của Phật giáo Tây Tạng. Lạt Ma được tin rằng có thể chuyển sinh: khi Lạt Ma hiện tại mất đi thì sẽ tái sinh thành người khác. Trước khi mất, Lạt Ma để lại vài chỉ dẫn về người kế vị của mình, và người Tây Tạng sẽ đi tìm em bé mới sinh có những đặc điểm trùng khớp để đem về làm Lạt Ma mới.
Ảnh bởi
Sonika Agarwal
trên
Unsplash
Ở Hindu giáo, vào thế kỷ 9, phái Smarta ra đời dựa trên triết lý Bất Nhị Vệ Đàn Đa tạo ra bởi tu sĩ Adi Shankara. Tín đồ phái Smarta được tuỳ ý thờ phụng các thần trong Hindu giáo, từ thần Shiva, Shakti, Vishnu, Ganesha. Họ chủ trương thờ Brahman, và theo họ thì tất cả các thần đều là một khía cạnh nhỏ, là hiện thân của Brahman, do vậy nên thờ thần nào cũng được. Vì thế, phái Smarta được coi là chi phái mang tính phóng khoáng trong Hindu giáo.
Thần đạo (Shintoism) vốn là tôn giáo bản địa truyền thống của Nhật, và được nâng lên làm tôn giáo chính của Nhật vào thế kỷ 8.
Thần thoại Nhật có câu chuyện về cặp vợ chồng sáng lập thế gian là Izanagi và Izanami. Cặp vợ chồng này sinh ra thần bão Susanoo, thần trăng Tsukuyomi, thần mặt trời Amaterasu. Thiên hoàng đầu tiên của Nhật được tin là cháu 6 đời của thần mặt trời Amaterasu.
Theo Thần đạo, tín đồ tin vào linh hồn của vạn vật, hay còn gọi là linh khí. Linh khí tạo ra thế giới và ẩn mình khắp nơi. Linh khí, hay Kami, vừa là thế lực sáng tạo, vừa ẩn thân trong cây cỏ hoa lá núi sông, vừa hiện hữu ở dạng sấm sét mưa gió, vừa là linh hồn tổ tiên. Kami là yếu tố tạo nên cả đất nước và văn hóa, vì thế người Nhật tôn thờ Kami nhằm kết nối với thiên nhiên, lịch sử và tổ tiên. Người Nhật cầu nguyện và cúng bái Kami ở các miếu đường công cộng hoặc tại các bàn thờ tại gia.

Thời kỳ hiện đại (từ thế kỷ 15 đến nay)

Qua thời Trung cổ, với sự trỗi dậy của triết học lý tính, phong trào Phục hưng và thời kỳ Khai sáng, sức mạnh tối thượng tôn giáo dần dần giảm xuống. Tuy vậy, tôn giáo vẫn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của xã hội. Với sự phát triển phức tạp của xã hội, tôn giáo thời kỳ này dần phân tách ra thêm nhiều phái nhỏ, phục vụ đức tin của nhiều cộng đồng.
Ảnh bởi
Wim van 't Einde
trên
Unsplash
Thời Trung Cổ, kinh thánh chỉ được viết bằng tiếng Latin, ngôn ngữ của giới học thuật, từ đó mà phần lớn dân chúng chẳng đọc nổi nội dung kinh thánh. Vì vậy, tín đồ phải thông qua sự giảng giải từ linh mục để biết được lời dạy của Chúa. Dần dà, quyền lực của các nhà thờ và giáo hội tăng cao, khi mà họ là nguồn nắm đức tin của con chiên. Ngoài ra, Giáo hội sở hữu nhiều ruộng đất. Vua chúa vừa phải giữ mối quan hệ tốt với Giáo hội, vừa phải đóng thuế thập phần theo luật tôn giáo. Có thể nói là Giáo hội vừa nắm quyền tôn giáo, vừa có ảnh hưởng lớn về kinh tế chính trị.
Cũng vì người dân chỉ có thể tìm hiểu về kinh thánh thông qua các linh mục, họ chẳng thể kiểm chứng liệu những lời linh mục giảng giải có đúng với thánh kinh. Trong khi đó, nhiều linh mục chỉ làm theo chỉ dẫn từ Giáo hội mà chẳng làm theo lời kinh thánh.
Đỉnh điểm của xung đột là khi Giáo hội cần gây quỹ xây thánh đường mới vào thế kỷ 16. Họ thực hiện việc bán giấy giải tội cho giáo dân: ai bỏ tiền mua giấy giải tội thì Giáo hội đảm bảo rằng họ sau này sẽ không bị phạt ở luyện ngục. Một tu sĩ người Đức là Martin Luther đã lên tiếng chỉ trích rằng Giáo hội đã đánh lừa người dân bằng hành động buôn thần bán thánh. Do là một tu sĩ đã nghiên cứu kĩ Kinh thánh, Martin Luther hiểu rằng Chúa cứu độ con người là nhờ đức tin của họ, thứ không phải cứ bỏ tiền ra là có. Ông viết ra 95 luận đề phản đối Giáo hội, treo lên cửa nhà thờ. Luận đề này lập tức gây được sự chú ý, và với công nghệ in ấn đang trỗi dậy bấy giờ, các bản in của luận đề này lập tức được bày bán rộng rãi tới công chúng.
Martin Luther làm rõ quan điểm của mình rằng Giáo hội không phải là chân lý tối thượng, và giáo dân chỉ nên trực tiếp nghe theo Kinh thánh, mau mau bác bỏ giáo điều vô lý, tìm về cốt lõi của tôn giáo. Tư tưởng của ông, được gọi là tư tưởng Kháng cách, lan truyền khắp châu Âu. Giáo hội nhóm họp và từ chối yêu cầu cải cách của Martin Luther. Các môn đệ của Martin Luther quyết định ly khai khỏi Giáo hội Công giáo, thành lập phái Tin Lành (Protestantism). Ngư ông đắc lợi, các vương quốc ở châu Âu với ý định thoát khỏi sự chi phối của Giáo hoàng, đã ủng hộ phong trào Kháng cách, đẩy mạnh sự phát triển của phái Tin Lành. Phái Tin Lành sau đó còn chia ra làm các phái nhỏ hơn, nhưng đều có điểm chung là chống lại Công giáo La Mã.
Năm 1520, giáo hội Luther (Lutherian) thành lập. Họ trung thành với tư tưởng của Martin Luther, tin rằng kinh thánh là nguồn chân lý duy nhất, và đức tin thuần tuý sẽ đưa con chiên đến với Chúa.
Năm 1534, vua Henry VIII của Anh đệ đơn xin Giáo hoàng cho phép ông li dị vợ là bà Catherine. Giáo hoàng không đồng ý, vậy là vua Henry quyết định li khai khỏi Công giáo La Mã, thành lập Anh giáo (Anglican).
Vào thế kỷ 17, phái Quaker được sáng lập bởi George Fox. Phái Quaker không đặt nặng lễ nghi, cũng không có linh mục. Tín đồ Quaker tin vào sự cứu rỗi trực tiếp từ Chúa, tin vào ánh sáng bên trong thay vì nhận lời răn dạy từ mục sư, phản đối chiến tranh, từ chối pháp luật.
Cũng trong thế kỳ 17, phái Baptist được thành lập bởi Thomas Helwys. Phái này tin tưởng vào thẩm quyền tối cao của Kinh thánh. Thay vì rửa tội cho giáo dân từ lúc sơ sinh, phái Baptist chỉ rửa tội cho người đã đủ lớn để tự nguyện tuyên bố đức tin vào Thiên Chúa.
Ảnh bởi
Aubrey Odom
trên
Unsplash
Năm 1830, phái Mặc Môn (Mormon) được Joseph Smith Jr thành lập. Ông tuyên bố được thiên thần hướng dẫn tìm ra và dịch cuốn sách vàng mang lời Chúa, hay còn gọi là sách Mormon. Kinh điển của phái Mormon gồm kinh thánh, sách Mormon, và một số tài liệu khác. Phái Mormon tin vào sự xuất hiện của các vị tiên tri thời hiện đại, tín đồ kiêng rượu, thuốc lá, cà phê, và thực hiện phép rửa tội cho người chết.
Năm 1872, phái Chứng nhân Jehovah ra đời, với quan điểm không công nhận giáo lý Chúa ba ngôi, không công nhận Jesus là hiện thân của Chúa. Thay vào đó, họ chỉ thờ phụng một thượng đế duy nhất là Jehovah. Ngày ngày họ chờ mong Nước Trời đến với trần gian.
Ảnh bởi
Carol Lee
trên
Unsplash
Ở đạo Do Thái, năm 1885, phái Cải cách xuất hiện. Người theo phái Cải cách tin rằng Ngũ Thư không phải là lời Chúa, mà là do một nhóm các tác giả viết ra nhờ có Chúa gợi ý. Vì vậy, phái Cải cách không áp dụng quá cứng nhắc các luật của đạo Do thái, mà tinh chỉnh cách hành đạo cho hợp với lối sống hiện đại, bỏ qua một số luật lệ cũ không còn phù hợp.
Để đối nghịch lại phái Cải cách, phái Bảo thủ ra đời năm 1887. Phái Bảo thủ cho rằng phái Cải cách đã đi quá xa, và kêu gọi bảo tồn giá trị Do thái giáo. Họ tin rằng Ngũ Thư chứa lời Chúa nên bắt buộc phải tuân theo. Tuy vậy, giáo sĩ phái Bảo thủ vẫn có ít nhiều cách diễn giải kinh sách khá phóng khoáng, vì vậy mà phái Bảo thủ vẫn có độ tự do nhất định, không quá cứng nhắc như phái Truyền thống.
Ảnh bởi
Chander Mohan
trên
Unsplash
Tích Khắc giáo (Sikhism) được sáng lập bởi sư phụ Nanak vào thế kỷ 15. Thuở đầu, sư phụ Nanak theo Hindu giáo. Nhưng dần dần, ông thấy bất mãn vì sự rườm rà lễ nghi của Hindu giáo. Ông chuyển sự quan tâm của mình về với thượng đế, và nhận mặc khải từ thượng đế năm 30 tuổi. Theo mặc khải, chỉ cần biết sống và cư xử đúng cách thì sẽ được siêu thoát về trời.
Tín đồ Tích Khắc tin rằng có luân hồi, và cần tuân thủ giáo luật nghiêm ngặt thì mới thoát được luân hồi. Lý tưởng của Tích Khắc giáo là phụng sự xã hội, bảo vệ kẻ yếu kẻ nghèo, sống thanh tịnh tiết chế, diệt trừ sự tham sân si luyến ái. Mỗi thành viên Tích Khắc có hai vai trò: vừa phải là một thánh nhân, vừa phải là một chiến sĩ. Họ cần phải vừa ngoan đạo phụng sự thượng đế, vừa bảo vệ công lý và đức tin. Tích Khắc giáo nghiêm cấm cúng bái hành hương, mà đề cao việc giữ đức hạnh và phục vụ xã hội để làm đẹp lòng thượng đế.
Đi qua chặng đường dài hàng ngàn năm, với những biến động thăng trầm xảy ra không chỉ một lần, với những cuộc thánh chiến đẫm máu hay những cuộc chia ly đầy nước mắt, tôn giáo đến được ngày hôm nay và vẫn đứng vững với 85% dân số thế giới là tín đồ. Các tư tưởng triết học, các hình thái xã hội, các tư tưởng chính trị, lịch sử, nền pháp luật, những cuộc chiến tranh, tất cả đều ít nhiều có ảnh hưởng từ tôn giáo. Có lẽ một ngày nào đó, tôn giáo chỉ còn là một vệt mờ trong guồng quay xã hội. Nhưng có lẽ tôn giáo sẽ không bao giờ biến mất hẳn, vì chẳng phải nhân loại vẫn cần một chút niềm tin để tồn tại hay sao.

Reference:

1. Tôn giáo - khái lược những tư tưởng lớn
2. Lược sử tôn giáo