Ngục tù duy nhất là nỗi sợ, tự do duy nhất là tự do khỏi nỗi sợ
Tôi còn nhớ khi còn là một cậu sinh viên năm 3, ấn tượng với câu nói phía trên trong một trang giáo trình. Tôi suy ngẫm và nắn nót chép lại trong tờ giấy note, dán vào góc bàn học. Tôi không nghĩ rằng, đề tài luận văn đại học của tôi một năm sau đó lại có sự liên quan đến người phụ nữ này và quê nhà của bà, Myanmar. Suốt quãng thời gian ấy, tôi đã đọc rất nhiều tư liệu về cuộc đời bà Suu. Đặc biệt qua bộ phim The Lady (2011) do Luc Besson đạo diễn, với Dương Tử Quỳnh thủ vai bà Aung San Suu Kyi. Nữ chính trị gia Myanmar là niềm cảm hứng để tôi triển khai ý tưởng cho đề tài luận văn đó, lồng ghép vấn đề tôn giáo - sắc tộc tại Myanmar vào tình hình chính trị của đất nước này.
Bà Aung San Suu Kyi bên chân dung của người cha - Tướng Aung San năm 1999. 
Ảnh: Michael Wolf Estate/laif/Redux.
Bà Aung San Suu Kyi bên chân dung của người cha - Tướng Aung San năm 1999. Ảnh: Michael Wolf Estate/laif/Redux.

CON GÁI CỦA VỊ ANH HÙNG DÂN TỘC

Aung San Suu Kyi là con gái của anh hùng dân tộc Myanmar - Tướng Aung San. Những năm 30, Tướng Aung San thành lập lực lượng Quân đội Độc lập Miến Điện (BIA), sát cánh cùng đế quốc Nhật để đánh đuổi quân Anh. Khi Thế chiến II nổ ra, để cải thiện mối quan hệ giữa các nhóm sắc tộc, Aung San cùng các nhóm sắc tộc khác và quân Anh (dưới danh nghĩa quân Đồng minh) đánh đuổi phát xít Nhật ra khỏi lãnh thổ Myanmar. Sau đó, ông đàm phán để đưa đất nước thoát khỏi sự cai trị của người Anh. Năm 1947, trước thềm độc lập, Tướng Aung San và 6 vị bộ trưởng nội các bị ám sát do lực lượng thù địch, dưới trướng một cựu tướng. Ông mất khi bà Suu chỉ mới 2 tuổi và mẹ của bà - Daw Khin Kyi một tay nuôi dưỡng con gái. Lực lượng quân đội Myanmar (Tatmadaw) ngày nay là di sản của ông Aung San.
Aung San Suu Kyi (bé gái ở giữa) và gia đình. Ảnh: Kyodo News Stills/Getty Images.
Aung San Suu Kyi (bé gái ở giữa) và gia đình. Ảnh: Kyodo News Stills/Getty Images.
Bà Suu dành tuổi trẻ của mình theo học ngành cử nhân Triết học - Chính trị và Kinh tế tại trường Đại học Oxford (Anh). Tại đây, bà đã gặp định mệnh của đời mình, ông Michael Aris, một chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề văn hoá Tây Tạng.
Aung San Suu Kyi, chồng bà - ông Michael Aris và hai người con trai, Alexander và Kim. Ảnh: Getty Images.
Aung San Suu Kyi, chồng bà - ông Michael Aris và hai người con trai, Alexander và Kim. Ảnh: Getty Images.
Năm 1969, ông và bà đã chia xa, khi đó bà Suu đặt chân đến Mỹ để làm trợ lý cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lúc bấy giờ là ông U Thant (người Myanmar). Ông Michael đã ngỏ lời cầu hôn bà khi cả hai có mặt tại Bhutan và đến năm 1972, hai người chính thức kết hôn. Họ có với nhau hai người con trai, Alexander và Kim.
Sự bảo hộ của tôi đến từ cái tên của người cha
Bà Aung San Suu Kyi nói trong một cuộc phỏng vấn với đài Al Jazeera (2013).

CHUYẾN TRỞ VỀ ĐỊNH MỆNH

Năm 1988, bà Suu Kyi phải lập tức quay trở về Myanmar sau khi hay tin mẹ bà bị đột quỵ nặng. Vào thời điểm này, Myanmar đang chìm trong sự hỗn loạn của những phong trào biểu tình do sinh viên, nhà sư và những nhà hoạt động dân chủ khởi xướng nhằm phản đối chính quyền quân sự, với sự kiện nổi bật “8888” (diễn ra vào ngày 8/8/1988). Lực lượng quân đội tiến hành giết hại và bắt giữ nhiều người tham gia biểu tình. Sự kiện này cũng đánh dấu Myanmar liên tiếp bị áp đặt lệnh trừng phạt từ UN, Mỹ, và phương Tây.
Sự kiện "8888" tại Myanmar, người biểu tình đụng độ với lực lượng cảnh sát và quân đội. 
Ảnh: ullstein bild-Heritage Images/Alain Evrard
Sự kiện "8888" tại Myanmar, người biểu tình đụng độ với lực lượng cảnh sát và quân đội. Ảnh: ullstein bild-Heritage Images/Alain Evrard
Chuyến trở về lần này đưa bà Aung San Suu Kyi cuốn vào vòng xoáy chính trị tại Myanmar trong vòng hơn 20 năm. Bà cùng các cộng sự cho thành lập Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) vào ngày 24/09/1988. Trong khoảng thời gian này, bà và Đảng NLD tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ và đối thoại với những người dân trên khắp cả nước. Sự xuất hiện của bà Suu như một cái gai trong mắt của chính quyền.
Bà Suu đại diện cho Đảng NLD phát biểu trước dòng người ủng hộ tại Yangon vào tháng 6/1989. Hai tuần sau đó, bà Suu bị giam lỏng tại nhà riêng. Ảnh: Jonathan Karp/Reuters.
Bà Suu đại diện cho Đảng NLD phát biểu trước dòng người ủng hộ tại Yangon vào tháng 6/1989. Hai tuần sau đó, bà Suu bị giam lỏng tại nhà riêng. Ảnh: Jonathan Karp/Reuters.
Trong cuộc tổng tuyển cử đa đảng đầu tiên tại Myanmar vào năm 1990, Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi giành thế áp đảo với 82% ghế trong Quốc hội. Đáp lại, chính quyền quân đội bác bỏ kết quả bầu cử trên và tiến hành giam lỏng bà tại nhà riêng cho đến tháng 7/1995.
Năm 1991, bà Aung San Suu Kyi được vinh danh nhận giải Nobel Hòa bình với cuộc đấu tranh dân chủ của mình. Tuy nhiên, bà không thể đích thân tham dự buổi trao giải bởi lệnh giam lỏng vẫn còn hiệu lực. Hai người con trai đã nhận giải thay cho mẹ mình. Ở nửa bên kia thế giới, bà Suu lắng nghe bài phát biểu của con trai mình qua đài radio tại nhà riêng, nơi có lực lượng canh gác 24/7.
Giải Nobel Hòa bình năm 1991 thuộc về bà Aung San Suu Kyi. Chồng bà và các con đã nhận giải thưởng thay cho bà. Ảnh: Nobel Peace Prize.
Giải Nobel Hòa bình năm 1991 thuộc về bà Aung San Suu Kyi. Chồng bà và các con đã nhận giải thưởng thay cho bà. Ảnh: Nobel Peace Prize.
Chính quyền quân sự đã giam cầm bà trong một thế tiến thoái lưỡng nan, khi bà không thể quay trở về London để gặp lại chồng và các con của mình. Họ được gặp nhau duy nhất một lần khi chính quyền nới lỏng lệnh giam giữ, cho phép gia đình bà đoàn tụ trong lễ Giáng Sinh năm 1995. Tuy nhiên, vài năm sau đó, bà Suu đã không thể quay trở về gặp chồng mình lần cuối trước khi ông qua đời vào chính ngày sinh nhật của ông vào ngày 27/03/1999, do căn bệnh ung thư. Trước đó, ông Aris đã gửi nhiều lá thư thỉnh cầu chính quyền Myanmar cho phép ông và các con được quay về Myanmar gặp vợ nhưng đều bị từ chối. Hơn nữa, chính quyền quân sự từng đưa ra gợi ý rằng bà Suu có thể quay về London nhưng bà biết rằng một khi quay trở về London, sẽ không có chuyện trở về Myanmar sau này.
Ngày 30/05/2003, một số báo cáo cho rằng thành viên của USDA (sau này sáp nhập vào Đảng USDP) đã tấn công vào đoàn xe chở bà Aung San Suu Kyi. Bà Suu an toàn nhưng hơn 70 người ủng hộ bà đã bị đánh đến chết. Vụ tấn công được báo chí gọi là Thảm sát Depayin, song giới chức quân đội đã bác bỏ cáo buộc về động cơ của các nhóm trên liên quan đến chính quyền, cho rằng đó là mâu thuẫn giữa các nhóm chính trị, khởi xướng bởi chính Đảng NLD.
Năm 2007, bầu không khí chính trị bên ngoài càng nóng hơn, được biết đến với cái tên mỹ miều “Cách mạng Cà Sa” (Saffron Revolution). Hàng chục nghìn sư sãi khoác trên mình tấm áo cà sa, úp ngược chiếc bát khất thực, cùng băng rôn và khẩu hiệu xuống đường biểu tình phản đối chính quyền quân sự. Bên cạnh đó, phong trào biểu tình còn có sự góp mặt của những thanh niên yêu nước, nhà tri thức, những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi và Đảng NLD,… họ đòi chính quyền quân sự thả tự do cho bà Suu. Năm 2008, một bản Hiến pháp mới được ra đời, được chấp bút bởi chính quyền quân sự. Bản Hiến pháp đã làm dịu đi căng thẳng trong nước... tuy vậy, nó là khởi đầu cho các câu chuyện về sau.
Hàng ngàn nhà sư xuống đường biểu tình tại Yagon vào tháng 9/2007. Ảnh: Khin Muang Win/The Irrawaddy.
Hàng ngàn nhà sư xuống đường biểu tình tại Yagon vào tháng 9/2007. Ảnh: Khin Muang Win/The Irrawaddy.
Cuộc bầu cử tiếp theo diễn ra vào ngày 7/11/2010 với chiến thắng thuộc về Đảng liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP). Vài ngày sau đó bà Suu chính thức được trao trả tự do. Myanmar đặt dưới sự cai trị của một chính quyền “bán dân sự” như các học giả và nhà quan sát chính trị đề cập. Chính quyền tiếp quản quyền lực với đại diện là một cựu tướng trong quân đội, nhưng lần này ông không mặc bộ lễ phục của quân đội mà khoác lên trang phục truyền thống. Chính quyền của ông Thein Sein bắt đầu với nhiều chính sách cải cách, những chính sách ban đầu cho thấy sự hiệu quả trong việc thúc đẩy quan hệ quốc tế của Myanmar, các lệnh trừng phạt dần được nới lỏng. Tuy nhiên, dần về sau, một phần của chính sách cải cách lại là căn nguyên dẫn đến các cuộc xung đột tôn giáo - sắc tộc bùng phát mạnh mẽ.

TRỞ THÀNH NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU NHÀ NƯỚC

Năm 2016, bà Aung San Suu Kyi chính thức tiếp quản quyền lực sau chiến thắng áp đảo của Đảng NLD ở cuộc bầu cử năm 2015. Tuy nhiên, một rào cản lớn nhất ngăn bà Suu không thể trở thành người đứng đầu nhà nước Myanmar ngay lập tức đó chính là bản Hiến pháp năm 2008.
Một điều khoản duy nhất làm cản trở nghiêm trọng vị thế và ảnh hưởng của bà Suu là Điều 59 khoản f hay 59 (f) trong Hiến pháp. Quy định rằng công dân Myanmar kết hôn với người nước ngoài sẽ mất quyền ứng cử vào Quốc hội, và sẽ không thể trở thành người đứng đầu nhà nước nếu có chồng hoặc con có quốc tịch nước ngoài.
Ban đầu, trước khi cuộc tổng tuyển cử năm 2015 diễn ra, bà Suu đã đề nghị Quốc hội tu chính Điều 59 (f) trong Hiến pháp. Bà đã làm việc trực tiếp với ông Shwe Mann - Chủ tịch Quốc hội, một vị cựu tướng được xếp thứ ba trong hàng ngũ quân đội, được kỳ vọng sẽ đứng ra tranh chức Tổng thống Myanmar trong cuộc bầu cử năm 2015. Ông đồng ý với bà Suu về việc tu chính Điều 59 (f) song lực lượng quân đội không tán thành. Sau này, ông Shwe Mann bị bãi chức khỏi Chủ tịch Quốc hội cũng như rời khỏi Đảng USDP, và không thể quay trở lại đường đua chính trị.
Về sau, một vị trí Cố vấn Nhà nước (State Counsellor) được thông qua, lách khỏi các điều khoản trong Hiến pháp năm 2008, bất chấp phản đối của lực lượng quân đội. Về mặt danh nghĩa, vị trí này tương đương với chức thủ tướng và có quyền lực mạnh mẽ hơn so với tổng thống. Ông Ko Ni (người Hồi giáo) - một luật sư thân cận của bà Suu đồng thời là kiến trúc sư cho vị trí cố vấn nhà nước của Aung San Suu Kyi, sau này bị ám sát dã man tại sân bay. Đây là một lời cảnh báo cho bà Aung San Suu Kyi: quý bà đã đi quá xa!

VẤN ĐỀ NGƯỜI ROHINGYA: GÓT CHÂN ACHILLES CỦA BÀ SUU

Thực chất, các cuộc xung đột giữa cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo tại bang Rakhine đã từng diễn ra từ năm 2012. Bà Aung San Suu Kyi đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC năm 2013, bà cho rằng các cuộc xung đột giữa Hồi giáo và Phật giáo không phải là một cuộc "thanh lọc sắc tộc" (ethnic cleansing) như giới chức quốc tế nhận định. Bà cho rằng đây là hệ quả của những vấn đề trước đó, và cho rằng nguyên nhân dựa trên “sự sợ hãi” (fear) từ cả 2 phía.
Câu trả lời của bà Suu khiến vị nhà báo ngập ngừng, và cả tôi nữa. Trong suốt quá trình thực hiện luận văn, tôi đã cố gắng giải mã câu trả lời của bà Suu, bằng cách tìm các công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến đề tài luận văn của mình: "Chủ nghĩa dân tộc Phật giáo tại Myanmar (Buddhist Nationalism in Myanmar)". Ít nhất các công trình nghiên cứu của các học giả đã cho tôi hiểu chút ít về cái "sự sợ hãi" mà bà đề cập. Nghe rất đơn giản và trẻ con nhưng tôi nghĩ nó sẽ là cái nhỏ nhất để khai thác được câu chuyện lớn hơn, câu chuyện về cuộc xung đột tôn giáo - sắc tộc tại đất nước này. Nó đã được nhen nhóm từ thời thuộc địa, và như bà nói: vấn đề mới của các vấn đề đã cũ kỹ.
Nỗi sợ không chỉ từ phía cộng đồng Hồi giáo mà còn ở cả cộng đồng Phật giáo
Trong một cuộc phỏng vấn tiếp theo với đài BBC (6/4/2017). Bà Aung San Suu Kyi giờ đây với tư cách là Cố vấn nhà nước, bà trả lời:
Tôi không nghĩ đây là một cuộc thanh lọc sắc tộc, thuật ngữ này quá mạnh để mô tả những gì đang diễn ra tại Myanmar … Vấn đề nằm ở từ nhiều phía trong một không gian bị chia rẽ, và chúng tôi (Đảng NLD) đang cố gắng hàn gắn sự chia rẽ này
Tuy nhiên, một chính quyền dân chủ non trẻ của bà Suu đã không thể ngăn một cuộc đàn áp lớn mạnh hơn diễn ra vào khoảng 4 tháng sau đó bởi lực lượng quân đội.
Tháng 8/2017, xung đột giữa cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo diễn ra gay gắt tại bang Rakhine, sau khi Lực lượng Cứu nguy Arakan Rohingya (ARSA) tuyên bố nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công vào đồn cảnh sát và quân đội. ARSA được liệt kê vào hàng ngũ khủng bố, quân đội tiến hành một chiến dịch nhắm vào bang Rakhine. Chiến dịch có sự tham gia của nhiều dân quân “Phật giáo” khiến hàng trăm ngàn người Rohingya phải tị nạn sang Bangladesh và một số quốc gia láng giềng. Từ ngày 25/8 đến 24/9 năm 2017, ghi nhận hơn 6.700 người Rohingya thiệt mạng trong chiến dịch trên (số liệu từ Doctors Without Borders). Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại và cho rằng có khả năng cao có dấu hiệu thanh lọc sắc tộc.
Tháng 12/2019, tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), đại diện cho nhân dân Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đứng trước phiên tòa phủ nhận cáo buộc diệt chủng, thanh lọc sắc tộc tại bang Rakhine trước tòa. Chính quyền bà Aung San Suu Kyi thừa nhận khả năng xảy ra của tội ác chiến tranh, nhưng nhấn mạnh rằng chiến dịch của quân đội là một hoạt động quân sự hợp pháp để chống lực lượng khủng bố.
Câu hỏi đặt ra là tại sao bà Suu lại bao che cho lực lượng quân đội? hay bà chỉ đang cố gắng tuyên bố đến thế giới rằng "các người không hề hiểu chuyện gì đang xảy ra"?
Bà Aung San Suu Kyi và phái đoàn Myanmar tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tháng 12/2019, bảo vệ Myanmar trước cáo buộc diệt chủng và thanh lọc sắc tộc tại bang Rakhine. 
Ảnh: Frank van Beek/ICJ.
Bà Aung San Suu Kyi và phái đoàn Myanmar tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tháng 12/2019, bảo vệ Myanmar trước cáo buộc diệt chủng và thanh lọc sắc tộc tại bang Rakhine. Ảnh: Frank van Beek/ICJ.
Cộng đồng quốc tế dần mất đi lòng tin đối với bà Aung San Suu Kyi, cái mà họ cần bà nói là “tôi ủng hộ người Rohingya”. Biểu tượng dân chủ - người từng đoạt giải Nobel Hòa bình dần phai nhạt trên trường quốc tế. Trong nước, sức ảnh hưởng của bà Suu vẫn còn cuồng nhiệt, biểu hiện qua cuộc tổng tuyển cử năm 2020, khi bà Suu và Đảng NLD một lần nữa giành chiến thắng áp đảo. Và diễn biến chính trị lại càng thêm nóng cho đến đầu tháng 2/2021. Một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền bà Suu.
Hàng trăm ngàn người tị nạn Rohingya đang sinh sống tại các khu trại tạm bợ gần Cox's Bazar, Bangladesh. Ảnh: Moises Saman/Magnum Photos.
Hàng trăm ngàn người tị nạn Rohingya đang sinh sống tại các khu trại tạm bợ gần Cox's Bazar, Bangladesh. Ảnh: Moises Saman/Magnum Photos.
Cho đến nay, số phận của người Rohingya vẫn để ngỏ. Vấn đề của người Rohingya trở thành một trong những vấn đề nóng của quan hệ quốc tế. Cuộc khủng hoảng di cư xảy ra kéo theo nhiều vấn đề hệ lụy phát sinh về sau.

CUỘC TRANH ĐẤU QUYỀN LỰC TẠI MYANMAR: BÀ SUU ĐÃ THUA CUỘC?

Bà Aung San Suu Kyi đã bắt đầu cuộc đấu tranh dân chủ cho chính mình - cho người dân Myanmar dưới tinh thần phi bạo lực, như cách mà nhiều nhà lãnh đạo các phong trào dân chủ nổi tiếng trong lịch sử đã từng làm. Bà bắt đầu cuộc tranh đấu bằng thứ quyền lực duy nhất mà bà có được: tên của người cha - một vị anh hùng dân tộc. Đối chọi với quyền lực này là quyền lực của nấm đắt sắt, được duy trì và tích tụ trong suốt hơn 5 thập kỷ cai trị của chính quyền quân sự.
Tổng tư lệnh vũ trang Min Aung Hlaing tuyên bố là Thủ tướng Myanmar sau khi lật đổ chính quyền của bà Suu trong chính biến đầu tháng 2/2021. Ảnh: AP News.
Tổng tư lệnh vũ trang Min Aung Hlaing tuyên bố là Thủ tướng Myanmar sau khi lật đổ chính quyền của bà Suu trong chính biến đầu tháng 2/2021. Ảnh: AP News.
Hiến pháp Myanmar đã là một văn bản tối cao bảo hộ cho quyền lực của lực lượng quân đội. Hiến pháp quy định quân đội trong mọi trường hợp nắm 25% tổng số ghế trong Quốc hội (không cần bầu cử), con số đủ để có thể ngăn cản bất kỳ nỗ lực thay đổi Hiến pháp nào của chính quyền bà Suu. Ngoài ra, Hiến pháp trao quyền cho lực lượng quân đội đảm nhiệm ba bộ gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Các vấn đề Biên phòng.
Điều 417 của Hiến pháp cũng quy định rằng Tổng tư lệnh có thể nắm quyền cả ba nhánh lập pháp, tư pháp và hành pháp; điều hành đất nước trong những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng có thể gây ra “sự tan rã của Liên bang, sự tan rã của đoàn kết dân tộc và đánh mất chủ quyền”. Như ta đã thấy ở cuộc đảo chính năm 2021, khi Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang - Tướng Min Aung Hlaing tuyên bố lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, cùng thời điểm kênh truyền hình thuộc quân đội dẫn lại Điều 417 trong Hiến pháp Myanmar.
Nếu một người nào đó gặp khó khăn trong việc đọc bản Hiến pháp năm 2008. Họ sẽ hiểu tại sao đất nước chúng tôi không thể trở thành một nền dân chủ chân chính
Chính quyền bà Suu luôn nhấn mạnh việc sửa đổi Hiến pháp năm 2008, vốn được xem là bước đi để có thể đưa Myanmar trở thành một nền dân chủ thực sự, kiến tạo pháp quyền (rule of law), hàn gắn nhân dân Myanmar trong một không gian hận thù, chia rẽ trong nhiều thập kỷ. Chính quyền của bà Suu đã cố gắng hợp tác cùng với lực lượng quân đội, xem họ là di sản của người cha và cố gắng chạm đến trái tim họ. Bà luôn đề cập đến một chính quyền dân chủ, khi mà lực lượng quân đội đạt được lòng ái quốc thực thụ.
Có thể thấy rằng chính quyền của bà Suu đã quá tham vọng để đẩy lùi lực lượng quân đội trong một tình thế bất lực và suy yếu trên mọi mặt trận. Bản Hiến pháp cùng hàng loạt các luật chơi mà chính quyền quân sự đã vẽ nên trong nhiều thập kỷ cai trị đã tạo thế khó cho bà Suu. Họ quan sát từng nước đi của người phụ nữ này, nhen nhóm lửa hận và chờ đợi thời cơ để có thể giành lại chiếc ngai vàng mà bà Suu vừa ngồi lên.
Song không thể phủ nhận những dấu ấn nổi bật của bà Suu trong nền chính trị Myanmar và thế giới. Ngay từ khi được trả tự do sau nhiều năm quản thúc tại gia. Bà đã có nhiều chuyến công du và đối thoại tại nước ngoài mang lại nhiều ý nghĩa cho nhân dân Myanmar. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã có dịp ghé thăm ngôi nhà lịch sử của gia đình bà trong chuyến thăm đến Myanmar vào năm 2012. Thời điểm là Cố vấn nhà nước Myanmar, bà Suu đã có những hoạt động vô cùng ấn tượng trên trường quốc tế. Với hàng loạt các chuyến thăm cấp cao đến các quốc gia láng giềng, châu Âu, và các quốc gia trên toàn thế giới. Ở trong nước, bà Suu tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp để hòa giải dân tộc giữa các nhóm vũ trang sắc tộc với chính quyền trung ương. Với khoảng 20 nhóm vũ trang sắc tộc (theo báo cáo của tổ chức Khủng hoảng Quốc tế ICG năm 2020). Cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 7 thập kỷ, họng súng vẫn còn đỏ rực.
Bà Suu trò chuyện cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng năm 2012. 
Ảnh: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images.
Bà Suu trò chuyện cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng năm 2012. Ảnh: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images.
Bà Suu trò chuyện cùng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại nhà riêng ở Yangon năm 2011. Ảnh: Paula Bronstein/Getty Images.
Bà Suu trò chuyện cùng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại nhà riêng ở Yangon năm 2011. Ảnh: Paula Bronstein/Getty Images.
Ngày 28/7, một quan chức của Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) tiết lộ với giới báo quốc tế rằng bà Aung San Suu Kyi - cựu Cố vấn nhà nước Myanmar đã được đưa ra khỏi nhà tù để đi họp. Ba ngày sau đó, Tướng Min Aung Hlaing trong cuộc họp với Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia (NDSC) đã gia hạn thêm tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng với lý do các xung đột và bạo loạn vẫn còn tiếp diễn trên toàn quốc. Điều này đồng nghĩa với cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 8 trong năm nay bị trì hoãn, đi ngược với tuyên bố của chính quyền quân sự về một cuộc bầu cử dân chủ sau khi lật đổ chính quyền của bà Suu.
Tính đến nay, chính quyền quân sự Myanmar đã ban bố lần thứ tư đối với tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc kể từ cuộc đảo chính diễn ra vào đầu tháng 2/2021. Cựu Cố vấn nhà nước Myanmar hiện đối mặt với mức án hình sự tổng 33 năm tù giam với 19 tội danh, được phán quyết bởi Tòa án quân sự Myanmar. Ngày 1/8 vừa qua, bà Suu được ân xá 5 tội danh hình sự, đây là động thái mới nhất của chính quyền quân sự Myanmar đối với cựu Cố vấn nhà nước trong lệnh ân xá cho hơn 7.000 tù nhân trong dịp lễ Phật giáo lớn nhất tại đất nước này. Ngoài ra, trước đó, chính quyền quân sự ngày 28/3 cũng đã thông báo giải tán Đảng NLD của bà Suu do không đạt điều kiện tái đăng ký theo luật bầu cử mới nhất.
Như vậy, bàn cờ chính trị đã lộ rõ kết quả. Một người bất lực sụp đổ sau một nước cờ. Ngược lại, kẻ chiến thắng đang kiến thiết lại đế chế từng bị lung lay.
Ảnh: Erik De Castro/Reuters.
Ảnh: Erik De Castro/Reuters.
Tôi nghĩ, bà Suu đã là một kẻ nổi loạn và “cuộc đời của một kẻ nổi loạn thì không bao giờ là nhàm chán” - như bà đã viết trong một lá thư cách đây hơn 20 năm. Bà đã trở thành người hùng và kết thúc sự huy hoàng bằng cách trở thành tội đồ. Dẫu vậy, một người phụ nữ với nhành hoa sau búi tóc đã làm khiếp sợ, thách thức một chế độ quân sự cai trị đất nước trong nhiều thập kỷ. Sự kiên cường, tinh thần không hoảng sợ và phi bạo lực của bà Aung San Suu Kyi, ít nhất đã làm thay đổi lịch sử Myanmar.
Ảnh: Lauren DeCicca/Getty Images.
Ảnh: Lauren DeCicca/Getty Images.
Bài viết là một phần nhỏ trong đề tài Luận văn tốt nghiệp của tôi: "Chủ nghĩa dân tộc Phật giáo tại Myanmar", cùng với sự tham khảo từ bộ phim The Lady (2011), và bộ phim tài liệu "Aung San Suu Kyi and the democratic disillusionment in Myanmar" do wocomoDOCS sản xuất.