Mình, sinh ra và lớn lên ở thành phố Thanh Hóa, không hề ý thức gì đến chuyện vùng miền cho đến khi đùng đoàng 18 tuổi… và bước chân lên Hà Nội cùng những câu chuyện dở khóc dở cười vì đến từ một tỉnh thành đặc biệt này.
Trong suốt quá trình đi học và đi làm, mình đã từng nghe rất nhiều tin đồn, định kiến và cả những tò mò về tỉnh mình, đôi khi thành một thâm cung bí sử mà ai nghe đến quê Thanh Hóa là sẽ hỏi liền như một thói quen. Thế là mình nghĩ là hay là nên viết gì đó về Thanh Hóa!!!
Note: Tỉnh mình rộng lắm nên nhiều khi mình không biết hết đâu hihiu, chỉ là một trong những điều nhỏ nhỏ thôi nhé ><

TIỂU VƯƠNG QUỐC THANH HÓA

Hồi đầu mình đi học đại học và nói từ Thanh Hóa ra đến đây thì ai cũng ngạc nhiên như mình ở trên núi xuống vậy. “Ôi thế thì xa lắm…!”. Và khi mình bảo:
“Không tớ ra đây chỉ mất 2 tiếng rưỡi và có thể đi về trong ngày”
thì họ bật ngửa =)))) Trong lòng mọi người thì Thanh Hóa rộng dài lắm và chắc chắn phải đi rất lâu mới đến.
Ảnh chế trên các trang thông tin giải trí ở tỉnh mình, ảnh này được rất nhiều người thích thú và share về
Ảnh chế trên các trang thông tin giải trí ở tỉnh mình, ảnh này được rất nhiều người thích thú và share về
Mọi người cũng hay gọi Thanh Hóa với một cái tên thân thương là Tiểu vương quốc và trêu người Thanh Hóa là “người nước ngoài”. Để thêm phần sống động, nhiều trang thông tin ở quê mình còn sáng tạo thêm cả quốc kỳ và hộ chiếu, rất gì là buồn cười luôn.
Còn để lý giải cho cái tên Tiểu vương quốc thì có thể nói là do hình thế đắc địa và cả lịch sử.

Về địa lý trước nhé

Đứng thứ 5 trên cả nước về diện tích, địa hình Thanh Hóa chia cắt phức tạp với nhiều loại khác nhau: đồi núi, trung du, đồng bằng và ven biển.
Bản đồ hành chính Thanh Hóa
Bản đồ hành chính Thanh Hóa
Phía Bắc giáp Hòa Bình, Sơn La, Ninh Bình, đều là các tỉnh núi non trùng điệp, khó có thể xâm nhập xuống Thanh Hóa từ phương Bắc. Phía Đông giáp Biển Đông tuy nhiên có rất ít cửa sông đủ lớn để xâm nhập bằng đường thủy. Phía Nam giáp Nghệ - Tĩnh – một trong những vùng đất cằn cỗi và khó khăn nhất miền Trung. Cũng chính vì vậy đã sinh ra những con người có sức chịu đựng lớn hơn các vùng khác, những đội quân thiện chiến đều đã từng được sản sinh ở nơi này.

Về lịch sử

Mình có nghe câu là “Thế xứ Thanh, thần xứ Nghệ”. Hồi nhỏ học Lịch sử ù ù cạc cạc biết tất cả các triều đại như thế đó vậy thôi, cho đến khi bố bảo ngẫm xem có bao nhiêu triều đại xuất phát từ Thanh Hóa thì mình ngớ người… vì nhiều quá ><
Bà Triệu – Triệu Thị Trinh – người đã khởi nghĩa đánh quân Ngô thời Bắc Thuộc
Lê Đại Hành (Lê Hoàn) – vị hoàng đế sáng lập ra nhà Tiền Lê. Dù còn nhiều tranh cãi với 3 tỉnh thành, nhưng có thể khẳng định ông được sinh ra tại Thọ Xuân, Thanh Hóa
Hồ Quý Ly lập nhà Hồ với tên nước là Đại Ngu ở Thanh Hóa – hiện vẫn còn di tích lịch sử Thành nhà Hồ
Lê Thái Tổ (Lê Lợi) với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược. Ông là người Thọ Xuân, Thanh Hóa. Hiện ở quê nhà vẫn Khu di tích Lam Kinh (thành cổ Lam Kinh xưa)
Gia đình Trịnh – Nguyễn thời Lê trung hưng. Trịnh Kiểm – chúa Trịnh đầu tiên trong giai đoạn “Vua Lê chúa Trịnh” chính là anh rể của Nguyễn Hoàng – người mở mang bờ coi ở phía Nam và sau này trở thành chúa Nguyễn ở Đàng Trong – tổ tiên của 13 đời vua triều Nguyễn sau này. Cả hai đều là người Thanh Hóa.
Thanh Hóa, muốn núi có núi hiểm trở, muốn đồng bằng có đồng bằng màu mỡ, muốn biển có đường biển dài 102 km. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em khác nhau. Thanh Hóa có thể giao thương với đầy đủ các loại hình phương tiện: Đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, dễ dàng kết nối với vùng phía Bắc và các tỉnh duyên hải miền Trung, có cửa khẩu Quốc tế Na Mèo và cụm cảng Nghi Sơn. Đây cũng là nơi gìn giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị: Di sản văn hóa Núi Đọ từ thời đồ đá, Trống Đồng Lam Sơn,.. và giàu tính lịch sử trải dài theo chiều lịch sử của đất nước. Chẳng khác gì một đất nước thu nhỏ, nên câu Tiểu vương quốc cũng thế mà nên nè!

CÂY RAU MÁ

“Dân Thanh Hóa, ăn rau má phá đường tàu”
Câu ca này thì hẳn quá là quen thuộc =)))) mọi người toàn hỏi mình câu này thôi ý. Thực ra nhiều người vẫn cho rằng câu này có ý dè bỉu người Thanh Hóa nghèo quá nên phải phá đường tàu, ăn rau má sống qua ngày. Đến cả người dân quê mình còn tưởng vậy luôn nên họ không thích người khác lấy câu này ra nói đâu.
Thực chất đây vốn là câu chuyện để thể hiện sự chịu khó, sự hy sinh lòng yêu nước của người dân Thanh Hóa. Vào thời kỳ Bắc thuộc gian khổ, người dân phá đường tàu để ngăn Pháp khai thác, vơ vét sản vật của nước ta, lấy sắt đó rèn đao. Pháp thấy đường tàu mãi không xong mới hỏi quan huyện. Trên đường tàu cây rau má mọc rất nhiều, để quan Pháp không nghi ngờ, quan huyện xứ Thanh đã lấy lý do người dân khổ quá không có gì ăn nên ăn rau má ở đường tàu. Mà dân xứ Thanh cũng ăn rau má thật, ăn rau má rồi để dành thóc, ngô, khoai phục vụ tiền tuyến, góp phần vào công cuộc bảo vệ đất nước.
Bây giờ rau má thành đặc sản và được trồng trọt bài bản hơn rồi
Bây giờ rau má thành đặc sản và được trồng trọt bài bản hơn rồi
Bây giờ thì trong cuộc sống đời thường của tụi mình không còn rau má mấy nữa =)))) rau má đã trở thành đặc sản, là cao lương mỹ vị thường thấy trong nhà hàng thôi. Rau má giờ cũng không chỉ ăn không nữa mà mọi người chuyển qua làm bột rau má, uống nước rau má, thạch rau má, trà túi lọc rau má đa dạng hoa hết cả mắt =))) Mình thì chỉ mê mỗi nộm rau má, ăn vừa mát vừa ngon. Ước mơ lớn nhất của người Thanh Hóa thì vẫn là "cây rau má to bằng lá sen" thôi, vì trồng rau má mang lại giá trị kinh tế, còn xuất khẩu ra nước ngoài nữa.

NÓI TIẾNG THANH HÓA THẾ NÀO?

Để mà nói về ngôn ngữ của Thanh Hóa thì vô vàn lắm mọi người ạ, đang nghĩ để miêu tả thế nào mình cũng thấy khó =))) Mỗi địa phương ở chỗ mình là một giọng khác nhau, khác ở ngữ điệu, cách sử dụng từ và cả cách phát âm. Hai địa phương cách khoảng 10 cây là giọng nói nghe đã khác rồi.
Vì là tỉnh thành nối giữa hai miền Bắc Trung nên phương ngữ ở đây có sự pha trộn, tùy vào địa phương của bạn ở gần miền nào thì giọng nói sẽ có sự biến chuyển theo miền đó. Nói chung, đa phần mình thấy người Thanh Hóa nói theo giọng điệu của người Bắc nhưng có một phần lớn từ vựng và đặc điểm ngữ âm như người Nghệ An – Hà Tĩnh, ngoài ra còn một số đặc điểm riêng biệt pha trộn nên nghe lại không giống vùng miền nào =)))) Mình lớn lên ở thành phố Thanh Hóa nên giọng điệu y xì người Bắc, nhưng nói chuyện một hồi lâu thì bạn bè xung quanh mới nhận ra có gì đó lạ lạ =))))
Nào vậy thì mời bạn đến với lớp học Nhập môn ngôn ngữ Thanh Hóa cùng mình hihi.
Kiến thức cơ bản chắc đã phổ biến với nhiều người là cụm moterangrua – dịch ra là Mô – Tê – Răng – Rứa, nhưng mình thì có cụm mở rộng hơn là moterangruachiniri tức là Mô – Tê – Răng – Rứa – Chi – Ni - Ri. Những từ này rất phổ biến và thường được đệm vào các câu nói, tương ứng trong tiếng phổ thông sẽ là Đâu – Kia – Sao – Thế - Gì – Này – Thế này. Ngoài ra, đại từ nhân xưng của Thanh Hóa thường là Tau – Mi thay vì Tao – Mày.

Biến âm

So với những từ phổ thông gốc, do ảnh hưởng của văn hóa, người Thanh Hóa biến âm khá là nhiều, đặc biệt là biến đổi sang chữ cái khác/mất/thêm âm chính và âm cuối của một từ (vd: Tềnh = Tình, Cấy = Cái, Tru = Trâu, Viền = Về, Chị = Chệ, Chúi = Chuối)

Thổ ngữ

Ngoài học tập và biến đổi, Thanh Hóa cũng có một số thổ ngữ đã lưu hành từ xa xưa như trốc (đầu), trốc cún (đầu gối), trượng (mắt), cấu (thóc gạo), choa (tôi/chúng tôi), cố (cụ - người đẻ ra ông), o (Bác/Cô – em gái của bố), quả bòng bòng/bồng bồng (quả roi)

Thanh điệu

Một trong những đặc trưng để nghe ra giọng Thanh Hóa là vấn đề của hai thanh Hỏi/Ngã. Phần lớn các địa phương Thanh Hóa bị nhầm hai thanh này làm một, lẫn lộn giữa hai thanh hoặc nói rất nặng thanh ngã. Ví dụ: (Uống sửa = Uống sữa, hõi chuyện = hỏi chuyện, nghĩa khí = nghỉa khí).
Gia đình mình cũng bị lỗi này nặng lắm luôn nè. Mẹ mình là giáo viên nên giọng rất chuẩn, hồi nhỏ mình tập nói ở nhà với bà nội. Nghe mình đòi "uống sửa" mẹ suýt ngất, vội vàng chỉnh lại liền nên giọng mình hiện tại không bị lỗi này =)))) mọi người hay trêu là mất gốc Thanh Hóa =)))).

TRƯỜNG CHUYÊN LAM SƠN

Nhắc đến tượng đài học thuật trong làng trung học phổ thông ở Thanh Hóa thì ai cũng sẽ nhớ đến Trường THPT Chuyên Lam Sơn – ngôi trường chuyên duy nhất của tỉnh nhà. Đó như một mục tiêu lớn lao mà đứa trẻ con nào cũng mơ ước và cố gắng để thi vào.
“Anh chị nứ học Lam Sơn đó, mi cố gắng mà học theo!”
Rồi để mà sau lớn lên đi sang các tỉnh khác rồi, nhắc tới học Lam Sơn là tụi tỉnh ngoài lại mắt tròn mắt dẹt, “À chắc đứa này quái vật trâu chó lắm!”.
Dù đã được 90 năm tuổi nhưng Lam Sơn khá khác với những trường chuyên lâu đời với sự “thay lòng đổi vị trí” nhiều lần và thời trẻ còn dính dáng đến một “anh” trường khác trong tỉnh. Tính từ khi thành lập đến nay thì Lam Sơn cũng trải qua nhiều lần dịch chuyển vị trí (dù nó vẫn ở trong thành phố Thanh Hóa). Năm 1931, Lam Sơn sơ khởi là Collège de Thanh Hoa, chưa đến 10 năm sau thì đổi tên là Collège Đào Duy Từ. Năm 1951 đổi tên là Trường phổ thông cấp III Lam Sơn, lúc này đã hình thành khối chuyên – chọn và thường. Đến năm 1992 thì chính thức tách làm hai trường là THPT Chuyên Lam Sơn và THPT Đào Duy Từ. Trường Đào Duy Từ thì ở nguyên vị trí cũ cho đến hiện nay còn trường Chuyên Lam Sơn thì dịch sang vị trí đối diện, mãi năm 2016 mới phiêu bạt đến vị trí bây giờ. Thành ra chúng mình hay trêu hai trường là trường anh em, vì mỗi khi kỷ niệm thì cả 2 đều kỷ niệm chung ngày rầm rộ cả khu phố luôn đó. Hồi trước thì vì ở đối diện nhau nên anh bên này và em bên kia nhìn nhau qua ô cửa sổ rõ mồn một.
Mình học ở trường Lam Sơn nằm trên đường Hàn Thuyên, đối diện trường THPT Đào Duy Từ. Ngôi trường có màu hồng đặc trưng và kiến trúc tầng lệch vô cùng độc đáo. Hai sân thượng được chia đều sang phía hai bên, có thể nhìn ngắm phố xá từ trên cao, hồi xưa học sinh toàn trốn học lên trên này ngồi chơi =)))) Tuy nhiên sau này thì trường đã chuyển xuống đường Lê Lai và có những đặc trưng khác rồi. Trường cấp 2 Trần Mai Ninh được chuyển về vị trí của Lam Sơn cũ nên gây nên bộ phim mang tên “mất trường” hoặc “về trường cấp 2 để nhớ về kỷ niệm cấp 3” xảy ra với rất nhiều thế hệ học sinh (trong đó có mình luôn nên mình mới kể nè). Trường THCS Trần Mai Ninh là trường điểm trong thành phố, hàng năm có một số lượng lớn học sinh đậu Lam Sơn nên mới có nhiều người rơi vào tình trạng dở khóc dở cười như vậy.
Áo khoác đồng phục của Lam Sơn có màu thiên thanh (màu xanh nhạt da trời). Ngoài ra còn có áo sơ mi và váy màu tím than kèm theo. Học sinh nữ của Lam Sơn sẽ không mặc áo dài thường xuyên mà chỉ mặc vào các dịp quan trọng như khai giảng hoặc bế giảng, đón huân chương,... Thường thì tốt nghiệp cấp 3 rồi tụi mình vẫn rất thích áo đồng phục khoác ngoài vì vừa dày vừa ấm áp, lớn lên đi sang tỉnh khác lại còn dễ nhận diện nhau.
Một câu chuyện có thật từ mình luôn. Năm 2019 mình đang học đại học ở Hà Nội, đang đi về nhà thì hết xăng giữa đường, cây xăng lúc đó còn cách khoảng 200m nữa thôi. Mình xuống xe dắt bộ thong thả thì đột nhiên có một anh dừng lại và hỏi mình có muốn giúp đỡ không. Hóa ra đó là khóa trên cấp 3 của mình và vì hôm đó mình đang mặc áo đồng phục Lam Sơn nên anh nhận ra và dừng xe giúp đỡ. Đấy thỉnh thoảng mặc áo đồng phục cấp 3 cũng có một cái lợi ><.
Có một điểm đặc biệt nữa là học Lam Sơn thì bạn sẽ có LƯƠNG hàng tháng và HỌC BỔNG vào cuối kỳ. Đi học mà còn có lương? Quá là oách xà lách! Thế là hàng năm, cứ vào mùa thu tựu trường, bọn nhỏ mới đậu cấp 3 Lam Sơn lũ lượt kéo nhau đi làm thẻ ngân hàng để nhận lương hàng tháng khi mới 15 tuổi với chiếc chữ ký ngô nghê mà chục năm sau sẽ phải khóc thét ký đi ký lại ở ngân hàng vì không còn nhớ hồi đó ký cái quái gì =)))). Lương mỗi tháng cũng không quá nhiều, nhưng cũng đủ để lũ học trò cấp 3 lê la quán xá ăn vặt sướng hết cỡ.
><

NHỮNG MÓN ĂN NGON

Nãy giờ đi tới đi lui lịch sử văn hóa nhiều rồi, mình đi vào đồ ăn Thanh Hóa xem có gì ngon nhé!
Nem chua: Rồi mình biết là bạn sẽ nghĩ đến món này đầu tiên khi nghĩ đến món ăn đặc sản của Thanh Hóa đúng không? Lần đầu tiên đi sang tỉnh khác sinh sống, bạn bè mình đều đòi mình mua nem chua cho ăn. Xong mình kiểu bất ngờ có gì đâu, tụi tau ăn mãi từ bé tới giờ. Nói vậy, chứ mình cũng lật đật đi mua và khệ nệ mang ra cho bạn bè. Mọi người mỗi người 10 cái nem ăn trong phút mốt làm mình thảng thốt. Nói thật là ở một tỉnh ăn nem chua lúc nào cũng được nhưng từ nhỏ mẹ mình chỉ cho ăn tối đa 3 nem một lần vì đó là thịt sống, lớn dần lên thành thói quen nên mình cũng không bao giờ ăn quá nhiều. Nem quê mình ăn ngon, giòn, lá cuốn vừa phải, thường được chia làm hai dạng trụ đứng hoặc tròn, ăn cùng tương ớt thì nhân sinh không còn gì hối tiếc ><. Ngoài nem chua ra thì cũng nhiều loại nem lắm: nem thính, nem nướng,… Ở Thanh Hóa có các quán ăn chỉ bán nem thôi, bạn chỉ đến và ăn nem thôi mà, đủ loại nem.
Chả tôm: Món này mô tả sơ qua là tôm xay nhuyễn cuốn với bánh tráng bên ngoài rồi nướng than hoa. Chả tôm ăn cùng nước mắm và dưa món. Vị béo và bùi, ăn cùng với bún nữa thì tuyệt cả là vời luôn!
Chả tôm béo thơm
Chả tôm béo thơm
Bánh cuốn tôm thịt: Bánh cuốn thì ở đâu cũng có nhưng ở đây thì chúng tui lại thích bánh cuốn tôm thịt. Bánh cuốn thì cũng như các tỉnh khác thôi nhưng phần nhân của bánh cuốn Thanh Hóa sẽ có thay đổi một xíu, thêm tôm băm nhỏ vào. Chính vì vậy mà vị bánh sẽ bớt ngấy, ăn cuốn hơn nè.
Bánh cuốn tôm thịt
Bánh cuốn tôm thịt
Bánh khoái tép: Chiếc bánh gây lú này rất dễ khiến người dân tỉnh khác nhầm thành bánh xèo Nam bộ phiên bản màu trắng. Nhưng ở Thanh Hóa mà bạn nói bánh xèo thì nó sẽ thành 1 loại bánh khác tròn tròn và có nhân tôm đậu bên trong cơ. Còn em bánh này thì có tên là bánh khoái. Không biết tại sao nó có tên là bánh khoái nhưng chắc vì ăn nó khoái quá. Bánh khoái sẽ dùng bột tẻ trải đều, thêm rau cần, bắp cải và tép lên trên, sau đó lật qua lật lại trên nồi gang. Bánh sẽ ăn cùng với nước mắm chua ngọt và dưa món.
Bánh khoái tép nồi gang
Bánh khoái tép nồi gang
Bánh khoái nồi rang: Cũng lú không kém lại là một em bánh khoái khác – bánh khoái nồi rang để phân biệt với bánh khoái tép nồi gang. Bánh khoái này được làm từ bột gạo tẻ, thịt ba chỉ và trứng đánh đều cùng một ít cà rốt băm nhỏ. Ngày nhỏ mình rất thích ăn món này vì sao nó lại ngon giống món trứng đúc thịt đến thế. Bánh khoái cắt nhỏ, ăn cùng với nước mắm chua ngọt, bún lá và các loại rau sống nhé.
Bánh khoái nồi rang
Bánh khoái nồi rang
Chả phòng: Xin giới thiệu với mọi người món chả phòng aka anh em với món nem rán ở ngoài Bắc. Thanh Hóa gọi là chả phòng để phân biệt với chả quế. Chả phòng khá là giống nem rán nhưng phần nhân sẽ tôm, thịt, trứng, mộc nhĩ và miến, ăn sẽ ngậy hơn một chút. Món này rất quen thuộc trong cuộc sống gia đình người Thanh Hóa, là món ăn trong bữa cơm hàng ngày luôn.
Bánh răng bừa: Theo truyền thuyết, nguồn gốc của chiếc bánh gắn với điển tích vua Lê Đại Hành đích thân xuống ruộng cày bừa trong lễ hội đầu năm. Để nhớ công lao của vua, người dân làng làm nên chiếc bánh để tiến vua. Phần nhân bánh sẽ gồm mộc nhỉ, thịt băm, hành, được bao bọc bởi lớp bột tẻ, cuốn bên ngoài bởi lá dong. Bánh làm theo hình thuôn dài, dẹt hai đầu và phình ở giữa như lưỡi nhỏ của chiếc răng bừa. Bánh hiện vẫn có mặt trong rất nhiều sự kiện truyền thống lớn trong năm của người Thanh Hóa như ngày rằm, ngày giỗ, ma chay cưới hỏi, Tết âm hay khi nhà có việc lớn.
Bánh răng bừa
Bánh răng bừa
Bánh nhè: Cái tên kỳ quặc của loại bánh này thì mình vẫn chưa lý giải được, chỉ biết là bánh này có từ lâu lâu lắm rồi và đã trở thành một món ăn dân dã bình dị trong đời sống người xứ Thanh. Bánh nhè chắc hẳn là anh em của bánh chay thường thấy ngoài Hà Nội hay bánh sủi dìn của Hải Phòng nhưng cách làm lại có khác chút đỉnh. Bao bọc bên ngoài sẽ là bột nếp mềm mịn, nhân bánh làm từ đậu xanh tán nguyễn, dừa tươi và đường hoa mai (đường vàng). Nước nấu bánh nhè sẽ gồm nước lọc và mật mía nên về giao diện bên ngoài bánh có màu vàng nâu. Khi ăn sẽ có thêm chút gừng thái sợi, hòa quyện cùng nhân ngọt thanh và phần vỏ bánh mềm mịn, cực hấp dẫn nha.
Bánh nhè Thanh Hóa
Bánh nhè Thanh Hóa
Trên đây là sơ qua những món mình đam mê và khi đi ra tỉnh ngoài thì không thể tìm được hoặc có nhưng hương vị cũng không giống như những hàng quán quê nhà. Nếu bạn có dịp đến Thanh Hóa thì đừng quên thử những món này nhé, đảm bảo cực ngon – bổ - rẻ, ăn một lần thèm đến mai sau. À mình quen ăn ở quán đó hàng đó nên thường không nhớ chính xác địa chỉ quán ăn ngon, nếu bạn có ghé thì nhớ inbox mình một câu, mình chỉ đường cho ạ ><.
SỰ KỲ THỊ
Phần cuối này, mình muốn nói đến những điều mà mọi người xung quanh hay hỏi mình nhất: Sự kỳ thị và định kiến vùng miền.
Bạn cũng biết đấy, trong rất nhiều năm, hình ảnh người Thanh Hóa gắn liền với sự kỳ thị, những con người gian dối, lừa lọc, hiếu thắng, ích kỷ,… bị xã hội nghi ngại khi tiếp xúc, làm ăn hoặc trao đổi.
Nói thật là chính những định kiến đó đã ảnh hưởng đến người dân quê mình rất nhiều, đặc biệt là sinh ra tâm lý mặc cảm tự ti, muốn giấu cái gốc gác của mình đi vì sợ bị kỳ thị. Hồi mình chuẩn bị đi Hà Nội học đại học, mình nghe cơ man những câu chuyện về dân Thanh Hóa bị kỳ thị, người thân quanh mình cứ dọa thế: Nào là “Đừng đi xe biển 36 không cảnh sát nó ghim”, rồi “Đi thuê nhà thì đừng nói quê mình ra không lại không cho thuê”, rồi bà mình còn dặn “Cố lấy thằng chồng người Hà Nội để thành người Hà Nội” ><.
Nhưng thực ra trong suốt những năm mình ở lại Hà Nội, vẫn chiếc xe 36 phi ầm ầm và bô bô cháu là người Thanh Hóa, gần như mình chưa từng gặp bất kỳ sự kỳ thị nào. Cũng có vài lần bị kỳ thị trên đường, nhưng đó chỉ là những người qua đường, không đáng để mình để tâm. Mình nghĩ cũng phần nhiều do thông tin phát triển mạnh mẽ hơn, xã hội dần có sự biến chuyển, cởi mở và nhìn nhận một cách đa chiều hơn. Bây giờ mỗi lần mình giới thiệu là người Thanh Hóa thì mọi người đều thêm vào là “Ừ mình cũng gặp nhiều người Thanh Hóa/có nhiều bạn/có đồng nghiệp người Thanh Hóa tốt bụng, giỏi giang lắm” như sợ mình sẽ buồn và thể hiện họ sẽ rất yêu quý mình, yêu quý người Thanh Hóa nữa nè.
Vị trí địa lý của Thanh Hóa khá đặc biệt, nằm giữa miền Trung và miền Bắc, nên tính cách có phần bảo thủ, quyết liệt vừa mềm dẻo tùy thời như sự gộp chung tính cách giữa hai miền. Thêm nữa, cũng như các tỉnh miền Trung, quê mình cũng hứng chịu thiên tai từ thiên nhiên, việc mưu sinh là thách thức nên khiến con người trở nên gan lì, bướng bỉnh, mong muốn vươn lên, đôi khi một phần nào đó sẽ là cực đoan. Thực ra, người ở đâu cũng có tốt có xấu, chẳng thể lấy một hay vài đặc tính để gán với cả một vùng miền. Nên mình tin là, khi con người ta sống với nhau tử tế, sống cởi mở hơn, những định kiến như “Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu kibo, kẹt xỉn” sẽ dần dần lùi xa thôi.
Hey hy vọng mọi người có thể hiểu thêm về Thanh hóa qua bài viết của mình nhé. Tặng mọi người một bài hát nổi tiếng về quê hương mình cùng điệu hò sông Mã + dân ca đi cấy đặc trưng nè!