Chẳng những bắn bỏ mà còn phải chôn bọn chúng sâu vài chục thước rồi xây cái ngũ hành sơn đè lên cho chắc ăn nửa kìa!

Sao tôi lại viết cái mớ này nhỉ?

Câu trên tôi mạnh miệng thế thôi, đơn giản vì tôi thích té nước theo mưa, vun chân múa tay, hô hào ăn theo cũng như làm quá mọi thứ lên chứ thực ra tôi nhát lắm có dám làm gì ai đâu. Nhưng nãy giờ ba hoa cũng đủ rồi, có lẻ nên mở bài thôi. Đương nhiên nhìn tiêu đề thì chắc mọi người cũng hiểu bài này nói về một loại nhân viên cần phải bắn, chôn hoặc... đuổi cổ gấp. Nhưng đương nhiên với kẻ ngu ý và ba phải như tôi thì thường sẽ hay đi phụ họa cho người khác thôi, bài viết này cũng không hề ngoại lệ. Số là tôi không biết gì nhiều về mấy tay nổi tiếng ngoại quốc lắm nhưng tình cờ nghe ngóng được mấy cái hay hay của ông cụ Erich von Manstein bên nước Đức xa xôi. Tôi không rành có phải cụ nói hay là người khác nói, cơ mà nói phét thì cứ lôi ra chém cho nó nhiệt tình, cần chi xác minh mệt người. Đại ý là cụ có nói một số câu về việc tuyển chọn cũng như đánh giá sĩ quan như sau. Có bốn loại sĩ quan chính dựa theo hai tiêu chí đó là mức độ siêng năng và thông minh. Loại đầu tiên là vừa ngu, vừa lười (giống tôi này), loại này thì vứt nhưng mà cứ để chúng làm việc độc lập vì ít nhất chúng không hại ai. Loại thứ hai là vừa thông minh, vừa siêng năng, loại này thì quá ư là xịn, họ sẽ là những thành phần mẫn cán, nòng cốt trong hệ thống. Loại thứ ba là loại tuy ngu nhưng được cái siêng năng, cần cù, đối với những người cần mẫn thế này thì chúng ta nên cho chúng ăn kẹo đồng ngay lập tức! Còn loại cuối cùng là mấy tay vừa thông minh lại vừa lười như hủi, mấy tay này thì sao á? Bọn nó sẽ là những chỉ huy, những thống soái của chúng ta. Để thêm cái hình vào nhìn cho nguy hiểm nhé rồi chúng ta sẽ chém tiếp.
Thường thì loại cuối cùng sẽ được đem ra mổ xẻ và bàn luận nhiều nhất vì nó nghe có vẻ hơi "vô lý" và một phần thì ngoài cụ ông Erich von Manstein thì ông bác Bill Gate cũng có một câu tương tự về mấy anh chàng lười biếng thì phải. Nhưng bỏ qua mấy tay đó đi nào, bài hôm nay tôi sẽ nói về loại thứ ba, những kẻ mà nên bị bắn bỏ ấy. Tôi chọn nói về mấy tay này là vì tôi từng hoặc là rơi vào hoặc là nhìn người khác rơi vào mấy tình thế khó khăn vì họ. Hai là vì tôi lười, mà lười thì kiểu gì chả ganh tị với những người siêng hơn mình, giỏi hơn mình (đây mới là lý do chính). Thứ ba là tôi thấy có rất nhiều người né tránh hoặc thậm chí là gay gắt với hành vi "bắn bỏ" này. Tôi nhớ có lần tôi kể câu nói của cụ ông nước Đức ra và nói rằng mình sẽ quán triệt vụ "sida xông pha hiến máu" này cho những tay lính mới. Một ông đồng nghiệp cánh tả, dễ thương đã tỏ ra bất bình với một phát ngôn quá là bố láo của tôi. Tôi không nhớ rõ anh ta tranh luận gì nhưng kết thúc là câu "Ờ, đi mà dạy chúng nó như thế!".
Do những lý do rất chi là nhỏ mọn và đầy tính tư thù cá nhân như thế mà nay tôi ngồi gõ lạch cạch ra mấy chử ở đây.

Biểu hiện của loại nhân viên này

Một vài ví dụ nho nhỏ
Trước khi bắt đầu phân tích về mấy cái biểu hiện của kiểu sĩ quan loại ba này thì tôi xin phép được đưa ra một số ví dụ mà tôi từng gặp trong cuộc sống từ ngày đi học cũng như đi làm.
Hồi trước đi học tôi có học chung với khứa kia, hắn code như hạch nhưng mà siêng lắm. Đi học thì cắm đầu viết không sót một câu nào của giảng viên. Tới nhà thì tải cả mớ tài liệu từ mấy cái trung tâm dạy lập trình ba xu trong cái thành phố này. Rồi mùa đồ án cũng tới, hắn vỗ ngực nói rằng "tao cân", "tao lo", "để tao". Tóm lại là "Don't worry! Babe" x3 tương đương với ba môn học nó tự tin cân đồ án. Đến đêm trước khi vấn đáp, tôi đang thiêm thiếp ngủ trên nền nhạc Dark Souls êm diệu thì tiếng chuông điện thoại vang lên, đầu dây bên kia là thằng bạn trong nhóm của nó. Thằng kia gào lên kêu cứu với tôi, nó kể rằng thằng bạn quý giá của nó vừa gọi nói rằng "tao không biết tại sao mà giờ cái web mở hết lên rồi, code mất hết" xong lặn luôn. Riêng tôi cũng bị nó thọt một cú giống hệt.
Trường hợp thứ hai là khi tôi vừa đi làm. Lúc đó có một thanh niên code cũng yếu nhưng nhiệt huyết, đụng đâu chơi đó, cái gì cũng đòi làm mà kết quả thì chả ra sao. Tôi nhớ có lần thanh niên ôm một mớ màn hình để phát triển, đến khi bên kiểm thử và quản lý ngó vào kết quả thì... Hỡi ôi, lỗi nó nhiều muôn trùng và bạn kiểm thử nản chả muốn đụng vô. Khi nhìn vào danh sách lỗi trên mỗi màn hình, tôi thấy có một màn hình chỉ có một lỗi thôi. Tôi hí hửng nói "cái này có một lỗi nè em". Bạn kiểm thử lắc đầu nói với tôi "anh biết lỗi đó lỗi gì không? chức năng chưa hề được xây dựng. Hỏi ổng thì ổng nói nhiều việc quá nên quên mất".
Trường hợp gần đây nhất cũng là khi tôi nhờ dẻo mồm, chạy chọt mà kiếm được một vị trí theo kiểu "tọa sơn quan hổ đấu". Cũng là dự án mới, nhân viên mới, nhiệt huyết và sôi nổi. Nhưng điều đáng nói là có quá nhiều người sôi nổi bất kể nam phụ lão ấu. Ai cũng lao một cách điên cuồng vào công việc, đưa gì cũng nhận kể cả thứ mình không rành với tiêu chí là "làm để học kiến thức mới", "không thành công cũng thành nhân". Cuối cùng khi đến ngày lắp ghép mấy mọi thứ lại với nhau thì gần như chẳng có gì xài được. Kết thúc thì vẫn là những lời khuyên "anh em chọn việc làm vừa sức thôi, đâu ai ép anh em đâu".
Tóm cái váy lại nào
Sau ba trường hợp trên thì có thể mọi người cũng phần nào thấy ra các hiểu hiện của kiểu nhân viên này. Theo như cụ ông Erich von Manstein thì chỉ đơn giản là ngu cộng với siêng năng là ra họ. Nhưng tôi xin phép làm màu thêm tí về các biểu hiện của họ như sau:
Thứ nhất chính là "ngu", ngu ở đây phải là chỉ về tư duy, đầu óc mà là khả năng làm việc kém. Đơn giản có thể hiểu là họ không thể đáp ứng được các yêu cầu công việc trên các khía cạnh như chất lượng, thời gian cũng như là độ hoàn thiện tốt như những người khác. Do đó công việc của họ hay rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau như làm thì nhanh nhưng chất lượng kém, lỗi vặt nhiều, nền móng lỏng lẻo nhiều khả năng phải đập đi hết nếu có thay đổi trong tương lai. Nếu chất lượng tốt một tí thì cần phải tốn nhiều thời gian hơn bình thường, thậm chí là thời gian của những người xung quanh cho việc giám sát cũng như gợi ý cho họ.
Thứ hai đương nhiên là "siêng". Nhưng siêng ở đây không hẳn là siêng năng trong làm việc (dù đúng là có siêng năng thật). Mà siêng năng ở đây là siêng năng trong việc giành lấy công việc để làm. Mọi việc bất kể dễ hay khó, lớn hay bé. Cứ có việc gì đó mà mọi người đang phân vân chưa biết giao cho ai là họ giơ tay ra túm lấy ngay.
Thứ ba chính là cách mà họ gói hai yếu tố trên lại và trưng ra cho mọi người. Đầu tiên đó là khi họ nhận việc, lúc nào cũng đầy nhiệt huyết và niềm tin dù có được khuyên nhủ thế nào. Sẽ không lạ nếu như chúng ta hay nghe mấy câu kiểu "để em làm thử, em nghĩ mình làm được", "làm cái này sẵn học kiến thức mới", "để anh làm thử cái này, chứ anh em ai cũng biết làm nên anh muốn thử sức, anh cũng có tự học ở nhà". Nghe nhiệt huyết như thiếu niên mười lăm hoặc lão tướng bảy mươi cầm theo vũ khí mà ra biên thùy cự giặc vậy. Tiếp theo là giai đoạn làm việc, họ luôn tỏ ra hăng hái, ngày nào báo cáo cũng toàn những tin tốt từ tiền phương dạng như "đã làm được cái core rồi, giờ ghép vài phần nửa là chạy ngon lành". Đoạn cuối đương nhiên là tàn cuộc, "dạ bẩm đê vỡ rồi", quân giặc kéo đến kinh đô, vua tôi tháo chạy như vịt. Nói một ví dụ này thì có vẻ hơi kì những tôi thấy nó cũng khá dễ thương và trực quan về việc này. Chắc mấy bạn lướt Tiktok hoặc Reels sẽ dễ dàng thấy mấy đoạn phim mà mấy con cún cắn phá đồ dùng xong mắt lại rưng rưng vô số tội không? Giống như thằng bạn học tôi với mấy tay đồng nghiệp của tôi vậy, họ trưng ra cái biểu cảm của những cầu thủ thua chung kết C1 ở ngay phút cuối hai hiệp phụ, mệt mỏi và bất lực, nhìn thương lắm cơ. Họ cho mọi người thấy rằng họ đã cố gắng hết sức, bầu nhiệt huyết đã cạn, nếu bạn còn trách họ thì bạn là loại người vô cảm, loại người chỉ biết đến những con số, loại người... mà sẽ chẳng có ai muốn làm việc cùng! Đương nhiên, tôi là một thằng "lổ đít" như thế khi mà dám nói lên cái tư tưởng báng bổ đến từ xứ Âu châu xa xôi. Chả trách khi tay đồng nghiệp cánh tả đã không ngại mà chê trách tôi và chốt bằng câu "Ờ, đi mà dạy chúng nó như thế!". Tôi cũng hối hận lắm, day dứt lắm nhưng mà tính tôi nó tệ quá rồi, nên đành né xa ra khỏi thanh niên kia để tránh gây chướng mắt.
Sơ sơ thì tóm lại rằng biểu hiện của loại nhân viên này là "sida nhưng thích xông phá hiến máu" cộng thêm cái biểu cảm khóc lóc, phồng mang, trợn mắt đầy bi phẫn.

Ơ thế thì họ tốt hay xấu?

Đương nhiên với một người ba phải... à nhầm đa chiều như tôi thì họ vừa tốt vừa xấu, tùy theo góc nhìn của chúng ta. Theo gốc nhìn của một người làm cùng với họ thì như những gì tôi chia sẽ từ đầu tới giờ, tôi chả ưa gì họ đâu.
Xấu, quá ư là xấu!
Thứ nhất chính là giá trị công việc họ mang lại quá thấp ở mặt số lượng cũng như chất lượng, nếu phải làm một số chức năng mà có dính tới mấy thanh niên đó thật sự là thảm họa khi mà bạn không bao giờ biết được là họ đã thật sự "xong" chưa. Mà nếu xong thì cái xong đó có ổn định hay không. Đặt biệt khi mà một số công ty còn gia tăng tinh thần tập thể bằng cách thực hiện "Success together", anh xong phần anh nhưng mà người làm chung của anh chưa xong thì coi như vứt.
Thứ hai đó chính là những nhân viên như thế sẽ sinh ra sự chia rẽ cũng như sự bất bình của những người đã làm thật sự tốt. Tôi không biết có ai từng rơi vào trường hợp mà mình làm tốt những việc mình được giao nhưng vẫn không có lời khen nào. Ngược lại khi những thanh niên loại ba kia đẻ ra một mớ rắc rối thì không hề bị chê bai hay thậm chí đôi lúc còn được khích lệ, an ủi. Việc này có thể sinh ra sự không vừa lòng cũng như tâm lý cảm thấy bất công của một bộ phận những nhân viên đã làm tốt nhiệm vụ của mình.
Thứ ba chính là việc này có thể gây tổn hại cho giá trị nhân lực của công ty. Như đã nói ở hai lý do trên, cách đánh giá bất công cũng như là việc ức chế khi phải làm việc cùng những đồng nghiệp mà không mang lại sự tin tưởng sẽ gây ra sự ức chế cho những người đã làm tốt. Ngoài việc ức chế trong công việc, họ sẽ sinh ra tâm lý nghi ngờ tổ chức về việc định nghĩa nhân viên "giỏi" ở công ty là như thế nào? Từ những câu hỏi đó họ hoàn toàn có thế sẵn sàng cho việc rời bỏ tổ chức vì đơn giản là chẳng ai muốn làm việc cho một ông chủ không coi trọng giá trị của họ, cũng như cách đánh giá để thăng tiến trong tố chức hoàn toàn khác với suy nghĩ cũng như thế mạnh của họ. Ngoài ra còn một điều khác còn nghiêm trọng hơn đó chính là lỡ như những người trẻ khác họ không ra đi sao? Họ sẽ nghĩ rằng đây là con đường tốt để thăng tiến trong tổ chức. Từ đó thay vì cố gắng thì họ sẽ biến mình thành những nhân viên loại ba kia. Thử tưởng tượng một đội từ lớn tới bé toàn là những nhân viên kiểu đó xem như thế nào? Riêng tôi thì khỏi tưởng tượng, tôi đã thấy và cũng như đã té khỏi đó rồi!
Nhưng nhìn lại cũng đẹp, đẹp lạ
Nhưng nói đi cũng nên nói lại rằng loại nhân viên này cũng tốt trong một số trường hợp nếu đổi gốc nhìn theo hướng những người ở bên trên.
Thứ nhất là khi họ chỉ muốn sở hữu một đội ngũ toàn những nhân viên loại ba thôi. Tôi không đá xéo gì đoạn này đâu mà đó là sự thật. Nếu họ là những công ty gia công và những công việc dường như lặp đi lặp lại kèm theo độ khó không quá cao mà chỉ tốn công cày bừa, moi móc thôi thì một đội quân nhân viên loại ba không hẳn là một lựa chọn tồi. Thường thì các thanh niên này sẽ chấp nhận xông pha hiến máu, trung thành với tổ chức miễn là vẫn còn đủ tiền trang trải. Đồng thời mức lương cũng như những yêu cầu phúc lợi từ họ thường không quá cao, họ cũng hầu như luôn sẵn sàng làm thêm giờ không lương hoặc chỉ cần nhận một khoảng bồi dưỡng nhỏ là sẽ hài lòng. Nên lượng nhân viên này sẽ giúp tổ chức tối ưu chi phí hơn. Tổ chức chỉ cần có một lực lượng tay to để quản lý cũng như kiểm soát chất lượng đầu ra của họ là được. Đương nhiên lương của mấy tay này thì cao nhưng bù đi xén lại thì tổng thể chi phí vẫn khá tối ưu.
Thứ hai đó chính là giữ sự ổn định cho hệ thống chung. Đoạn này tôi xin phép chôm một cái câu chuyện mà tôi cũng không biết là sự thật hay là một trò dốc tổ nào đó trên Internet. Câu chuyện này nói về việc trong quá khứ tại sao con người vẫn dùng nô lệ dù máy móc đã bắt đầu phát triển? Lý do được đưa ra đó là vì nô lệ là tài sản sẵn có của các chủ nô, và họ vẫn đáp ứng được công việc. Trong khi việc thay mới máy móc thì tốn khá nhiều tiền bạc cũng như phải cập nhật, đổi mới các cách sử dụng. Chưa kể một nô lệ có thể làm việc trong thời gian dài, làm được đủ thứ họ yêu cầu trong khi máy móc thì không đa năng như thể. Chưa kể việc máy móc sẽ phải đổi mới, nâng cấp liên tục dẫn đến hệ thống sẽ có thể bị mất ổn định. Tôi chẳng biết câu chuyện kia đúng hay sai thế nào nhưng mà nó khá tương đồng với ý tôi sắp đưa ra ở đây. Đặt trong tình huống như ở lý do trước thì việc sở hữu những nhân viên loại ba sẽ ổn định hơn hẳn những nhân viên kiểu hai hoặc bốn. Những nhân viên có trình độ thì họ sẽ theo đuổi các thứ như tiền bạc, địa vị cũng như đòi hỏi một môi trường giúp họ trao dồi kỹ năng cũng như nhiều phúc lợi. Nếu tổ chức tuyển những nhân viên kiểu đó thì dường như họ sẽ không ở lại quá lâu với công ty khi mà công ty không đáp ứng được mức lương, phúc lợi và môi trường học hỏi của họ. Nói cách khác nếu công ty muốn giữ họ lại thì phải thay đổi nhiều thứ như công nghệ, lương bổng cũng như các phúc lợi (trong khi việc đó không hề dễ dàng gì). Nếu không đáp ứng được thì họ sẽ ra đi và công ty sẽ lại phải tuyển người mới, rất có thể người mới sẽ lại đi vào vết xe đổ của người trước. Do đó thì xây dựng một đội ngũ nhân viên loại ba sẽ là phương án ổn định hơn.
Thứ ba đó chính gốc nhìn từ phía quản lý đội ngũ. Đó là việc những nhân viên kiểu này khá trung thành với người quản lý, có thể là vì họ biết ơn việc luôn đánh giá cao cũng như đã "chịu đựng" họ. Hoặc nói một cách vật chất hơn thì những nhân viên này xem người lãnh đạo của họ là người có thể cho họ được một công việc ổn định và mức lương họ tương đối hài lòng. Bù lại những nhân viên này sẽ hết lòng tăng ca cũng như hy sinh vì người cấp trên của họ để cùng nhau bảo vệ thực trạng hiện tại. Nên các quản lý cũng sẽ hết sức mà bảo vệ họ cũng như cái ghế chính người quản lý đó dù rằng sẽ cực một tí.

Thế vì đâu chúng ta có những tay sĩ quan loại ba này?

Ở trên là những ý vô cùng chủ quan mà tôi suy nghĩ về cái tốt và xấu của kiểu nhân viên này. Cá nhân một tí thì tôi không hề ưa loại nhân viên này tí nào nhưng nếu đổi góc nhìn tí thì họ cũng có cái hữu dụng trong một số chiến lược chung. Nhưng tại sao lại có những loại nhân viên này nhỉ? Tôi xin được phép đưa ra một số ý vô cùng chủ quan về những lý do khiến họ xuất hiện, đương nhiên là dựa vào những thứ tôi từng gặp và rút tỉa ra.
Lý do nội tại
Đầu tiên đương nhiên chính là do bản thân họ rồi, cái này là điều chắc chắn nhất. Như đã đề cập từ đầu tới giờ thì có hai yếu tố cấu thành nên loại nhân viên này đó là "ngu" cộng với "siêng". Ngu thì tôi có nói ở trên đó là yếu kém về tư duy, hạn chế ở mặt thực thi công việc. Có nhiều yếu tố dẫn đến việc này lắm nhưng cơ bản có thể hiểu là họ đang làm một công việc mà họ không thật sự giỏi nếu không muốn nói là yếu kém. Đồng thời điểm quan trọng hơn đó chính là việc họ gần như không thể cải thiện được điểm yếu hoặc chí ít là nghĩ về việc sẽ cải thiện nó. Ví dụ làm một việc nào đó ở mức C hoặc B- thì thay vì nghĩ sẽ làm nó ở mức B+ cho đến A thì họ lại chọn con đường là làm một lúc ba cái C với suy nghĩ ba C thì bằng một A. Đương nhiên khi mà bạn chỉ có một con đường duy nhất để chứng to bản thân thì không nghi ngờ gì nửa về việc bạn sẽ dồn hết sức vào nó. Điều đó dẫn đến việc nâng tối đa cái siêng năng, cày cuốc nhằm tăng số lượng công việc lên nhiều nhất có thể.
Ngoài ra còn một số yếu tố như tâm lý sợ bị thua kém, sợ bị đánh giá thấp. Điều đó thôi thúc họ phải tìm ra được một con đường khác nhằm cứu lại bản thân trước các thực tại đáng sợ đó. Đương nhiên, "xông pha hiến máu" là một trong những con đường khả dĩ mà họ có thể làm.
Lý do bên ngoài
Tôi không biết nên dùng từ nào nên xài đại từ "bên ngoài" cho lý do này. Đại ý là những thứ tư tưởng xung quanh chúng ta mỗi ngày đang hướng chúng ta nghĩ về việc trở thành loại nhân viên thứ ba này. Chắc không ít lần chúng ta nghe được những câu như "cần cù bù thông minh" hay là "tay hay không bằng tay quen". Đương nhiên câu nói vẫn là câu nói, còn chúng ta hiểu theo cách nào là chuyện của chúng ta. Không ít những người nổi tiếng, những tay truyền cảm hứng đã tô vẽ những câu nói đó thành những bài thuyết giảng về việc lao đầu cày cắm hoặc chỉ ra một con đường vòng để đi đến thành công mà không thông qua con đường cải thiện kỹ năng. Tôi vẫn nhớ có đôi lần xem Youtube và thấy một số diễn giả nổi tiếng hô hào, truyền bá với các tay lính mới về việc "lấy lòng" khi đi làm. Trong đó có các ý như là "hãy xung phong nhận việc", "nếu sai cũng đâu có ai trách gì các bạn đâu", "có trách cũng nhẹ nhàng..." rồi "biết đâu mình không cần phải làm mà vẫn có điểm thi đua". Hoặc đâu đó là những cách đánh giá theo các tiêu chí có phần đường vòng như "nếu tôi có hai nhân viên mới, tôi sẽ đánh giá cao bạn ăn mặc chỉnh chu, trau chuốt hơn vì ít nhất bạn đó có tâm huyết và tôn trọng công việc...". Cái "tâm huyết" này chính là con bài mà rất nhiều nhà phát triển nội dung sử dụng. Đương nhiên "tâm huyết", "nhiệt huyết" hay sự "cần cù" là tốt nhưng nếu không đi kèm với chất lượng công việc thì đúng là thảm họa. Nhưng những tay "truyền cảm hứng" thường giấu đi điều đó và cố chỉ ra những con đường vòng để đến thành công, không chỉ là chỉ mà họ còn vẽ, vẽ đẹp vô cùng. Chưa kể còn có mấy tay viết ra mấy bài viết ba xu theo kiểu hướng dẫn này nọ cho mấy thanh niên này nửa.
Ngoài những thông tin trên mạng thì chính những người xung quanh cũng là một trong những lý do mà những suy nghĩ "đường vòng" được lan tỏa. Chắc không ít lần chúng ta được nghe những người đi trước khuyên con cháu rằng họ nên cần cù hơn nửa, làm không tốt thì làm nhiều hơn, làm nhiều sẽ được chú ý... Đương nhiên là không hề thiếu việc đưa ra những tấm gương cho cách làm đó, đồng thời những người "siêng năng" như thế thì thường giành được nhiều lời khen trong mỗi dịp họp mặt. Điều nào vô tình thúc đẩy cái suy nghĩ muốn trở thành nhân viên loại ba của rất nhiều những tấm chiếu mới.
Lý do thượng tầng, văn hóa và lãnh đạo
Lý do cuối cùng mà theo tôi là quan trọng nhất đó chính là văn hóa công ty và các cấp lãnh đạo. Những lý do ở trên nhìn chung cũng chỉ dừng ở mức "bên trong" và lý thuyết. Nhưng lý thuyết thì chỉ đáng tin khi mà nó được thực hiện, mắt thấy, tai nghe. Trong trường hợp này cũng thế, lý thuyết sẽ mãi mãi chỉ là lý thuyết nếu không có những nhà lãnh đạo luôn miệng khen ngợi những cá nhân ôm việc xong rồi cài mìn khắp dự án. Những lời khen hoặc đơn giản hơn là không có một sự phê bình hay nắn chỉnh từ phía lãnh đạo chẳng khác nào một pha bật đèn xanh cho những tình huống ở trên. Một lần nửa thì theo tôi đây chính là lý do quan trọng nhất để sinh ra những nhân viên loại ba như thế này. Lý do thì có thể là do sự yếu kém của quản trong, sự "thân tình" thổ tả nào đó hoặc đơn giản là vì họ muốn xây dựng một đội ngũ như thế nhằm phục vụ mục đích của tổ chức.

Họ tốt hay xấu? (Again)

Hỏi lại câu này một lần nửa coi như để kết bài, với riêng tôi thì họ không tốt cũng chả xấu dù tôi chẳng bao giờ muốn làm việc cùng với những người đó. Cũng dễ hiểu khi mà đặt lên bàn cân thì thằng vừa ngu, vừa lười như tôi chẳng phải quá chi là tệ hại khi so với họ sao. Nên thế đấy, những người xấu thì hay ganh ghét người tốt, tôi cũng là một người xấu như thế. Do đã là người xấu rồi mà còn học đòi ôm mộng đào tạo ra những lớp người xấu mới, làm lệch lạc đi những tư tưởng nhiệt thành, đáng kính nên tôi bị mấy tay đồng nghiệp cánh tả chửi cũng đúng thôi. Cơ mà đã là người xấu rồi thì xấu nốt, nếu sau này tôi có may mắn mà cơm bưng, nước rót chạy chọt thế nào đó lên làm quản lý thì tôi sẽ bắn bỏ cái "hình thái" nhân viên loại ba này! Nhấn mạnh là HÌNH THÁI nhé, vì thú thiệt tôi không ghét bỏ gì những người này, thậm chí đôi khi thấy... thương họ.

Kết

Tôi thật sự không biết phải kết bài ra sao vì nó chỉ là một bài nhảm nhí, phi thực tế khi mà có lẻ chỉ có tôi mới gặp mấy trường hợp này. Nhưng vẫn xin cảm ơn tất thảy những ai rãnh rỗi đọc được tới phần này lắm lắm.